Chức năng kinh tế của nhà nước trong nền kinh tế thị trường ở Việt Nam hiện nay - 2

CHƯƠNG 1

NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN CƠ BẢN VỀ CHỨC NĂNG KINH TẾ CỦA NHÀ NƯỚC TRONG NỀN KINH TẾ THỊ TRƯỜNG

ĐỊNH HƯỚNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA


1.1. Khái niệm chức năng kinh tế của Nhà nước.

1.1.1 Những quan niệm về vai trò kinh tế của Nhà nước.

Nhà nước là một thiết chế đặc biệt của xã hội, có vai trò to lớn trong việc duy trì và phát triển xã hội loài người. Nhân loại đã và đang tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu nhằm phát huy hơn nữa vai trò to lớn của Nhà nước nhằm hướng tới xây dựng một Nhà nước ngày càng phục vụ tốt hơn cho cuộc sống của con người.

Trong quá trình phát triển nhận thức chung của các quốc gia trên thế giới về nền kinh tế thị trường hiện đại là nền kinh tế hỗn hợp, trong đó có vai trò to lớn của Nhà nước. Nhưng để đi đến nhận thức đó, con người đã phải trải qua bao bước phát triển thăng trầm. Thực tế là Nhà nước trong lịch sử và ở mỗi quốc gia có quá trình phát triển khác nhau, vì thế vai trò kinh tế của các Nhà nước ở các nền văn hóa cũng khác nhau. Việc lựa chọn mô hình hợp lý để thể hiện vai trò đích thực của Nhà nước trong nền kinh tế vẫn luôn là vấn đề của mọi thời đại và của mọi quốc gia. Trong lịch sử đã từng có hai quan điểm về vai trò của Nhà nước: Nhà nước có can thiệp vào kinh tế hay không? Nhà nước can thiệp đến mức độ nào, nghệ thuật sử dụng các công cụ và biện pháp điều tiết ra sao?

Từ thời cổ đại, vai trò kinh tế của Nhà nước đã được nghiên cứu dưới nhiều góc độ khác nhau như chính trị học, triết học, luật học thể hiện qua các quan điểm của các nhà triết học Hy Lạp, La Mã, Trung Quốc như Aritxtốt, Platôn, Mạnh Tử, Khổng Tử...

Khi chủ nghĩa tư bản phát triển đến giai đoạn cách mạng tư sản lật đổ chế độ phong kiến, nhiều lý thuyết kinh tế học chính trị đã đi sâu tìm hiểu về cơ chế tác dụng của Nhà nước đối với nền kinh tế. Trong đó phải kể đến các lý thuyết tiểu biểu như: A.Smith về nền kinh tế tự do, lý thuyết của Keynes về nền kinh tế có sự điều tiết của Nhà nước, lý thuyết của A.Samuelson về nền kinh tế hỗn hợp.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 108 trang tài liệu này.

Đại diện cho trường phái tự do kinh tế, A.Smith (1723 - 1790) chống lại quan điểm sự can thiệp của Nhà nước vào các quan hệ kinh tế thông qua biểu tượng “bàn tay vô hình”. Trong tác phẩm “Nghiên cứu về nguyên nhân và bản chất sự giàu có của dân tộc”, ông cho rằng hoạt động kinh tế của con người là hoạt động tự do, do “bàn tay vô hình” hay quy luật kinh tế khách quan chi phối. Nhà nước không can thiệp vào kinh tế mà chỉ có vai trò bảo vệ quyền sở hữu tư bản, đảm bảo an ninh đối nội, đối ngoại, đồng thời chính sách kinh tế tốt nhất mà xã hội và Nhà nước cần có là chính sách tự do cạnh tranh. Tuy nhiên, đôi khi Nhà nước cũng có nhiệm vụ kinh tế nhất định khi nhiệm vụ đó vượt qua khả năng của các chủ thể tư nhân như làm đường sá, cải tạo sông ngòi... để phát triển kết cấu kinh tế hạ tầng cơ sở. [13]

Chuyển sang giai đoạn chủ nghĩa tư bản độc quyền, các nhà kinh tế học trường phái cổ điển mới đều thấy một thực tế là theo đà phát triển của sản xuất, vai trò của Nhà nước ngày càng mở rộng, đặc biệt trong lĩnh vực ngoại thương với sự xuất hiện của các tổ chức độc quyền và tái sản xuất sức lao động thì Nhà nước tư sản càng phải tăng cường sự can thiệp của Nhà nước vào kinh tế. Tuy nhiên sự điều tiết thụ động của “bàn tay vô hình” trong quá trình tái sản xuất vẫn đảm bảo được tỷ lệ cân đối và duy trì sự phát triển bình thường.

Chức năng kinh tế của nhà nước trong nền kinh tế thị trường ở Việt Nam hiện nay - 2

Vào những thập kỷ đầu của thế kỷ XX, các cuộc khủng hoảng kinh tế của Chủ nghĩa tư bản nổ ra thường xuyên và có tính chu kỳ đã chứng tỏ “bàn tay vô hình” không thể đảm bảo cho nền kinh tế tư bản chủ nghĩa phát triển bình thường. Các nhà kinh tế học tư sản thấy rằng cần phải có một lực lượng

nhân danh xã hội can thiệp vào quá trình kinh tế. Từ đó, lý thuyết “chủ nghĩa tư bản được điều tiết” xuất hiện với sự sáng lập của nhà kinh tế học người Anh J.M.Keynes (1883 - 1946).

Theo Keynes, Nhà nước cần can thiệp vào kinh tế cả ở mức vi mô lẫn vĩ mô. Trong tác phẩm “Lý thuyết chung về việc làm, lãi suất và tiền tệ”, Keynes cho rằng cơ chế thị trường không thể tự đảm bảo cho việc sử dụng đầy đủ các nhân tố sản xuất. Mọi tệ nạn của chủ nghĩa tư bản như khủng hoảng, thất nghiệp đều bắt nguồn từ sự không can thiệp của Nhà nước vào kinh tế. Vì vậy Keynes chủ trương đưa ra chính sách điều chỉnh kinh tế: Nhà nước phải can thiệp vào quá trình sản xuất, Nhà nước cần nắm vững những công cụ điều chỉnh vĩ mô quan trọng như tài chính, tín dụng, lưu thông tiền tệ, thực hiện lạm phát có mức độ, xây dựng hệ thống thuế khóa...

Yêu cầu phát triển của sản xuất xã hội hóa cao đòi hỏi Nhà nước phải can thiệp vào kinh tế. Và sự can thiệp đó sẽ khắc phục được khủng hoảng, thất nghiệp, tạo môi trường cho sự phát triển kinh tế, xã hội ổn định. Song, sự can thiệp “quá mạnh” của nhà nước tư sản vào nền kinh tế cũng chỉ làm cho nền kinh tế ổn định trong một thời gian ngắn. Sau đó những chấn động lớn vẫn diễn ra và tình trạng thất nghiệp, lạm phát, khủng hoảng kinh tế vẫn lại càng thêm trầm trọng. Lý thuyết của J.M.Keynes có một hạn chế đó là ông chưa đánh giá đầy đủ vai trò của cơ chế thị trường. Từ đó đặt ra yêu cầu là phối hợp sức mạnh của Nhà nước với sức mạnh của cơ chế thị trường để điều tiết nền kinh tế. Một trong các lý thuyết tư sản phát triển theo hướng này là chủ nghĩa tự do kinh tế mới ra đời. Nội dung cơ bản của tư tưởng này là sử dụng cơ chế thị trường có sự can thiệp của Nhà nước ở mức độ nhất định. Theo họ các vấn đề kinh tế cần phải được giải quyết thông qua hệ thống kinh tế thị trường là chính, sự can thiệp của Nhà nước chỉ trong chừng mực nào đó mà thôi và họ đưa ra khẩu hiệu “cạnh tranh thị trường nhiều hơn, Nhà nước can thiệp ít hơn”.

Chủ nghĩa tự do kinh tế mới được thể hiện tập trung ở một số trường phái như: Chủ nghĩa trọng tiền hiện đại, Trường phái trọng cung, Trường phái dự kiến hợp lý, Kinh tế thị trường xã hội..v..v. Chủ nghĩa trọng tiền hiện đại ủng hộ quan điểm truyền thống của chủ nghĩa tự do. Đó là hệ thống tự điều chỉnh hoạt động theo các quy luật kinh tế vốn có của nó. Còn các nhà kinh tế trường phái kinh tế thị trường xã hội lại cho rằng nền kinh tế chủ nghĩa tư bản phải được phát triển theo nguyên tắc tự do cạnh tranh. Cạnh tranh là hình thức hoàn thiện nhất của quan hệ thị trường đảm bảo sự phát triển kinh tế tự điều tiết. Tuy nhiên, kinh tế thị trường không thể hoạt động tự phát, mà Nhà nước có vai trò nhất định đảm bảo cho sự phát triển hài hòa, duy trì tự do và các điều kiện cần thiết cho hoạt động kinh tế.

Nền kinh tế càng phát triển thì cơ chế thị trường ngày càng bộc lộ những hạn chế rất dễ nhận thấy. Đó là khủng hoảng, thất nghiệp, lạm phát, bất bình đẳng trong xã hội và sự hủy hoại môi trường thiên nhiên. Để khắc phục điều đó, các nền kinh tế hiện đại với sự kết hợp giữa thị trường và “bàn tay hữu hình” của Nhà nước sẽ đảm bảo cho sự phát triển kinh tế một cách hiệu quả. Đại diện cho lý thuyết về nền kinh tế hỗn hợp là P.A.Samuelson - Nhà kinh tế học người Mỹ. Ông cho rằng: “Cả thị trường và Nhà nước đều cần thiết cho một nền kinh tế vận hành lành mạnh. Thiếu một trong hai điều này thì hoạt động của nền kinh tế hiện đại chẳng khác gì vỗ tay bằng một bàn tay” [94, 38]. Học thuyết về nền kinh tế hỗn hợp của Samuelson đã thể hiện một nhận thức mới, đó là cần phải kết hợp vai trò điều tiết của Nhà nước và tôn trọng quy luật kinh tế khách quan trong phát triển kinh tế - xã hội.

Nhưng đến nay, trước xu thế hội nhập và toàn cầu hóa nền kinh tế đang diễn ra mạnh mẽ thì lý thuyết về sự can thiệp tối thiểu của Nhà nước vào các quan hệ kinh tế không còn phù hợp nữa và trường phái mới đã ra đời với quan niệm là cần phải có chính quyền nhà nước đủ mạnh và khả năng can thiệp sâu vào nền kinh tế. [103, 39]

Lịch sử đã chứng minh các nền kinh tế thị trường thành công đều không phát triển một cách tự phát mà cần có sự can thiệp và hỗ trợ từ phía Nhà nước. Vì vậy vai trò “bàn tay hữu hình” của Nhà nước ngày càng thể hiện rõ và trở thành yếu tố không thể thiếu trong nền kinh tế của nhiều nước. Tuy nhiên vai trò kinh tế của Nhà nước ở mỗi giai đoạn phát triển nhất định có sự khác nhau về phương thức và mức độ tác động. Chẳng hạn, sự phát triển sản xuất tư bản chủ nghĩa cho thấy lúc đầu Nhà nước có vai trò như “bà đỡ”, dùng bạo lực hoặc các chính sách kinh tế có liên quan đến bạo lực tác động vào kinh tế; tiếp đó Nhà nước có vai trò như “người canh gác” để các chủ thể tự do cạnh tranh; rồi đến Nhà nước phải can thiệp trực tiếp vào kinh tế cả ở cấp vĩ mô và vi mô; và cho tới ngày nay, người ta cho rằng cần sử dụng tác động “hỗn hợp” vừa có thị trường, vừa có sự quản lý của Nhà nước. Bức tranh về lịch sử kinh tế thế giới hiện đại còn có mảng hiện thực xã hội và lý thuyết quan trọng khác đó là sự ra đời và phát triển của nền kinh tế xã hội chủ nghĩa. Sự chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa cũng thể hiện quá trình nhận thức về vai trò của Nhà nước đối với các quan hệ kinh tế. Các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin đã xây dựng học thuyết về chủ nghĩa xã hội dựa trên cơ sở chế độ công hữu về tư liệu sản xuất. Trong đó, Nhà nước thực hiện chức năng điều khiển nền sản xuất theo kế hoạch, thực hiện nguyên tắc làm theo năng lực, phân phối theo lao động. Nhà nước xã hội chủ nghĩa có vai trò kinh tế vô cùng to lớn ở chỗ Nhà nước không theo nghĩa là bộ máy trấn áp của giai cấp thống trị trong xã hội mà là “nửa” Nhà nước đóng vai trò tổ chức quản lý kinh tế - xã hội đặc thù của kiểu Nhà nước sau cùng trong lịch sử. V.I.Lênin đã cụ thể hóa về mô hình Nhà nước xã hội chủ nghĩa khi áp dụng vào nước Nga và đề ra chính sách kinh tế mới (NEP) thay cho chính sách cộng sản thời chiến. NEP đã kết hợp vai trò của các quá trình kinh tế hàng hóa khách quan

với vai trò chủ động, tích cực của Nhà nước Xô Viết trong việc phát triển nền kinh tế phù hợp với điều kiện lịch sử cụ thể.

Sau đại chiến thế giới lần thứ hai, hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa được hình thành. Quan điểm lý luận của chủ nghĩa xã hội về vai trò kinh tế của Nhà nước cho rằng Nhà nước là đại diện cho sở hữu toàn dân, nắm giữ hầu hết các tư liệu sản xuất chủ yếu và điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh theo kế hoạch. Vào những năm cuối thập kỷ 80 của thế kỷ XX, trước cuộc khủng hoảng về kinh tế - xã hội, các nước xã hội chủ nghĩa đã chuyển đổi từ kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường. Dù với những phương thức chuyển đổi khác nhau, những bước đi và mức độ thành công khác nhau, nhưng thực tế đã cho thấy nền kinh tế các nước đã có kết quả tốt hơn so với trước khi chuyển đổi. Đó là sự ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, nền kinh tế phục hồi và bước đầu tăng trưởng. Tuy không phải tất cả các nước chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường đều giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa nhưng từ thực tiễn của công cuộc chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường ở các nước có thể rút ra những vấn đề chung. Một là, không thể vận dụng một mô thức đồng nhất và đơn giản cho mọi quốc gia trong chuyển đổi nền kinh tế [24, 36]. Hai là, Nhà nước đóng vai trò rất quan trọng và tích cực trong quá trình cải cách và chuyển đổi. Có thể khẳng định rằng chất lượng chính sách cũng như sự điều tiết có hiệu quả của Nhà nước mới có ý nghĩa quyết định sự thành công của công cuộc chuyển đổi [49-50, 36). Ba là, quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường đòi hỏi sự đồng bộ không phải chỉ trong chính sách kinh tế mà còn cả hệ thống thể chế, cơ cấu xã hội, những thiết chế nhà nước và hệ thống pháp luật. [66, 15]

Như vậy, với những quan niệm về vai trò kinh tế của Nhà nước trên thế giới như đã trình bày ở trên, có thể thấy việc vận dụng mô hình kinh tế hợp lý cũng như xác định rõ vai trò kinh tế của Nhà nước trong nền kinh tế hiện đại

có ý nghĩa rất quan trọng trong quá trình đổi mới Nhà nước ta, đặc biệt là trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đó cũng chính là cơ sở lý luận và thực tiễn quốc tế cho quá trình nhận thức về chức năng kinh tế của Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

1.1.2. Khái niệm về chức năng kinh tế của Nhà nước.

Quá trình phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia luôn đặt ra yêu cầu có tính xác định cụ thể hơn đối với bộ máy nhà nước và cần phải có nhận thức đúng đắn và đầy đủ hơn về chức năng của Nhà nước. Đặc biệt đối với các nước xã hội chủ nghĩa đang xây dựng kinh tế thị trường như ở nước ta thì tính tất yếu và cấp bách của vấn đề chuyển đổi chức năng kinh tế của Nhà nước phù hợp với yêu cầu của nền kinh tế hiện nay lại càng quan trọng hơn bao giờ hết. Ngay cả đối với những quốc gia có nền kinh tế phát triển cũng đã nhận định cần phải liên tục đổi mới hoạt động của Nhà nước để đương đầu với nền kinh tế hiện đại. Xuất phát từ quan niệm là “nếu không có Nhà nước hiệu quả thì không thể có phát triển kinh tế - xã hội được” “Thế giới đang thay đổi và cùng với đó, những ý tưởng về vai trò Nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội cũng phải thay đổi”[10]. Như vậy, vấn đề vai trò, chức năng của Nhà nước trong các mô hình kinh tế có ý nghĩa quan trọng trước những thay đổi lớn lao của đời sống quốc tế hiện nay. Đối với sự nghiệp đổi mới sâu sắc và toàn diện ở nước ta, việc nhận thức vai trò, chức năng của Nhà nước sẽ nhằm đặt Nhà nước vào đúng vị trí, đảm đương đúng chức năng của mình đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, góp phần làm sáng tỏ cơ sở khoa học cho việc hoạch định đường lối, chính sách phục vụ sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam như Đảng cộng sản Việt Nam đã nêu rõ: “Cần tập trung nghiên cứu, xác định đúng vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước trong cơ chế mới. Trên cơ sở đó chấn chỉnh, đổi mới tổ chức và cơ chế hoạt động của bộ máy nhà nước, làm cho bộ máy gọn nhẹ, trong sạch, cán bộ tinh thông nghiệp vụ, tận tụy công việc, làm việc có hiệu quả” .[30, 2].

Chức năng của Nhà nước là một trong những vấn đề cơ bản của lý luận Nhà nước và pháp luật, là khái niệm phức tạp, luôn gắn với những phạm trù như bản chất, nhiệm vụ, các hình thức và phương pháp hoạt động của Nhà nước... Theo từ điển tiếng Việt, “chức năng” là từ gốc Hán bao gồm hai thành tố “chức” và “năng”. Thành tố “chức” trong các từ “chức phận”, “chức trách”, “chức vụ”. Thành tố “năng” trong các từ “bản năng”, “năng lực”, “khả năng”. Chức năng được hiểu với hai sắc thái nghĩa là “hoạt động, tác dụng bình thường....” và “vai trò bình thường hoặc đặc trưng” [191, 12]. Như vậy, chức năng nhà nước được hiểu như là hoạt động, khả năng vốn có của Nhà nước.

Trong khoa học pháp lý nước ta đã xuất hiện nhiều quan điểm về chức năng của Nhà nước. Theo cách hiểu truyền thống, phổ biến nhất từ trước đến nay thì chức năng của Nhà nước là những phương diện (những phương hướng, mặt, dạng, loại) hoạt động chủ yếu của Nhà nước nhằm thực hiện những nhiệm vụ đặt ra trước Nhà nước. Mỗi chức năng cụ thể của Nhà nước thể hiện sự thống nhất của nội dung, hình thức và biện pháp thực hiện quyền lực nhà nước trong lĩnh vực hoạt động nhất định, gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ của Nhà nước. Quan điểm thứ hai xuất phát từ bản chất nhà nước cho rằng chức năng của Nhà nước được xem xét như thuộc tính cơ bản bên trong của Nhà nước là tổ chức thống trị giai cấp và tổ chức đại diện chính thức cho xã hội; khẳng định sự tồn tại khách quan của chức năng nhà nước với hai tính chất là tính giai cấp và tính xã hội và mối liên hệ giữa bản chất với chức năng của Nhà nước. Quan điểm thứ ba xác định chức năng nhà nước là sự thể hiện vai trò của Nhà nước đối với xã hội, là biểu hiện cụ thể năng lực của Nhà nước và đưa ra kết luận rằng cần nhận thức khái niệm chức năng nhà nước trên ba góc độ thống nhất hữu cơ: Chức năng nhà nước là cái mà xã hội cần Nhà nước và Nhà nước cần phải làm; là cái mà Nhà nước có thể làm được; là cái Nhà nước được làm [41]. Quan điểm khác cho rằng chức năng của Nhà nước chính là những nhiệm vụ cơ bản của Nhà nước trong từng giai

Xem tất cả 108 trang.

Ngày đăng: 01/02/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí