cho các sản phẩm nông nghiệp là 10,4% và áp dụng cho các sản phẩm công nghiệp chỉ có 4,5%. Tuy nhiên, những dòng thuế có thuế xuất cao chính là những mặt hàng được bảo hộ cao, giá trị nhập khẩu thấp, nên nếu tính theo bình quân gia quyền với quyền số là lượng nhập khẩu thì mức thuế suất trung bình của Mỹ còn thấp hơn, chỉ có 4,6%/ năm 2000 và 4,5% năm 2001.
Ngoài ra, điểm đáng chú ý là mặc dù hàng rào thuế quan của Mỹ thấp, nhưng vẫn có những mặt hàng mà hàng rào thuế quan tương đối cao. Tuy nhiên, dẫu sao Mỹ vẫn là nước tham gia tích cực vào quá trình tự do hoá thương mại trên thế giới. Vì thế hàng rào thuế quan của nước này có rất nhiều những ưu đãi theo các thoả thuận khu vực mậu dịch tự do song phương và đa phương. Phần lớn các thoả thuận này đã nới lỏng hàng rào thuế quan của Mỹ đối với các sản phẩm nhập khẩu, đặc biệt, mức độ ưu đãi lớn hơn rất nhiều đối với các sản phẩm nông sản. Chính việc này đã làm cho các nước chỉ hưởng thuế suất MFN của Mỹ khó khăn hơn trong việc thâm nhập thị trường này.
*Hạn ngạch và hạn ngạch thuế quan:
Đối với các sản phẩm nông nghiệp, theo kết quả của vòng đàm phán Urugoay, các nước đều đã cam kết thuế hoá các biện pháp phi thuế khác. Vì thế hiện nay, đối với nông sản nhập khẩu vào Mỹ, chỉ có rất ít mặt hàng chịu sự kiểm soát của hạn ngạch.
Về hạn ngạch thuế quan, Mỹ đang áp dụng hạn ngạch thuế quan đối với một số mặt hàng. Biện pháp này được áp dụng với khoảng 198 dòng thuế. Nếu như thuế suất trong hạn ngạch đối với nông sản phần lớn là thuế theo giá (chỉ có 28% là thuế suất không theo giá) thì thuế suất ngoài hạn ngạch chủ yếu là thuế theo lượng và thuế kết hợp. Điều này phản ảnh mức độ cao của thuế suất ngoài hạn ngạch. Nếu cùng quy đổi về thuế theo giá thì thuế suất trung bình trong hạn ngạch chỉ có 9%, còn thuế suất ngoài hạn ngạch là 53% [16].
Trên thực tế mức độ thực hiện hạn ngạch khác nhau giữa các sản phẩm và giữa các năm. Mặc dù nhờ kết quả của vòng đàm phán Urugoay, Mỹ
phải thực hiện cam kết mở cửa thị trường tối thiểu (minimum access tariff quota) và mở cửa thị trường hiện tại (current access taiff quota). Tuy nhiên, hạn ngạch thuế quan vẫn là công cụ bảo hộ chính của Mỹ.
Ngoài ra, phần lớn các lượng hạn ngạch thuế quan đều đã được phân bổ cho các nước nhập khẩu theo Hiệp định nông nghiệp, có những mặt hàng lượng hạn ngạch nhập khẩu đã được phân bổ trước cho một số nước nhất định tới trên 90% lượng hạn ngạch quy định. Nói một cách khác, Mỹ đã quy định rõ xuất xứ của những mặt hàng nông sản được nhập khẩu vào nước mình. Đây sẽ là rào cản rất lớn đối với những nước xuất khẩu nông sản đang tìm cách xâm nhập thị trường Mỹ, trong trường hợp nước đó chưa có hạn ngạch theo kết quả vòng đàm phán Urugoay.
*Các biện pháp bảo hộ khẩn cấp (thuế đối kháng, thuế chống phá giá):
Mặc dù thuế đối kháng và thuế chống bán phá giá là những công cụ quản lý nhập khẩu được Mỹ rất ưa thích, nhưng trong lĩnh vực nông sản thì phạm vi áp dụng của những công cụ này rất hạn chế. Tại thời điểm 31/12/2000, các sản phẩm nông nghiệp chỉ chiếm 6,6% tổng số trường hợp áp dụng thuế chống phá giá, đối với thuế đối kháng, con số này là 14,6%.
Có thể bạn quan tâm!
- Các Nội Dung Chính Của Hiệp Định Nông Nghiệp
- Chính Sách Pháp Luật Nông Nghiệp Của Một Số Nước Theo Hiệp Định Nông Nghiệp
- Chính Sách Bảo Hộ Nông Nghiệp Cuả Một Số Nước Phát Triển (Mỹ, Eu, Nhật Bản), Và Các Nước Đang Phát Triển (Trung Quốc Và Thái Lan)
- Cơ Chế Giải Quyết Tranh Chấp Trong Nông Nghiệp Của Wto
- Quá Trình Giải Quyết Các Tranh Chấp Trong Nông Nghiệp
- Hình Thành Môi Trường Pháp Luật Cho Thương Mại Theo Chế Độ Đối Xử Tối Huệ Quốc Và Đối Xử Quốc Gia, Tăng Cường Tính Cạnh Tranh Và Cạnh Tranh
Xem toàn bộ 134 trang tài liệu này.
Ngoài ra, theo kết quả Hiệp định nông nghiệp, Mỹ cũng sử dụng biện pháp bảo hộ nông nghiệp đặc biệt. Tuy nhiên, phạm vi áp dụng không nhiều nếu so sánh với các nước khác. Hai nhóm hàng được Mỹ quan tâm là sữa và các sản phẩm sữa, cà phê.
*Hàng rào kỹ thuật:
Hiện nay có thể nói rằng, đây là công cụ bảo hộ nông sản chủ yếu của chính phủ Mỹ. Một số quy định kỹ thuật của Mỹ đối với sản phẩm nông sản như sau:
Pho mát và các sản phẩm pho mát phải tuân theo các quy định của cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm và Bộ Nông nghiệp Mỹ. Phần lớn việc
nhập khẩu Pho mát phải có giấy phép nhập khẩu và xin hạn ngạch của Bộ Nông nghiệp, Cục nông sản nước ngoài.
Việc nhập khẩu sữa và kem phải tuân thủ các quy định của Luật Thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm và Luật Nhập khẩu sữa. Ngoài ra, việc nhập khẩu sữa và kem cũng phải chịu sự quản lý của hạn ngạch thuế quan.
Một số loại rau quả và hạt nhất định phải đáp ứng các yêu cầu nhập khẩu của Mỹ về phẩm cấp, kích thước, chất lượng và độ chín. Những sản phẩm này sẽ được kiểm định và phải có giấy chứng nhận của Cục an toàn thực phẩm và kiểm định - Bộ Nông Nghiệp.
Gia súc và động vật phải thoả mãn các quy định của Cục Kiểm định động thực vật. Ngoài ra, tất cả động vật được nhập khẩu đều phải có giấy chứng nhận sức khỏe, đặc biệt là những nước có các bệnh lở mồm long móng hoặc các bệnh dịch động thực vật khác không có ở Mỹ.
Tuy nhiên, điểm khó vượt qua nhất trong hàng rào kỹ thuật nông sản của Mỹ chính là thủ tục trong các thủ tục lấy mẫu và kiểm tra Hải quan của Mỹ. Một số sản phẩm như táo và lê phải thực hiện việc kiểm tra trước khi thông quan để bảo đảm rằng lô hàng đó không mang những mầm bệnh không tồn tại hoặc không phổ biến trên đất Mỹ.
Nhận xét:
Mặc dầu là cường quốc kinh tế có nền nông nghiệp hiện đại, năng suất cao nhưng nông nghiệp Mỹ vẫn luôn là ngành được bảo hộ cao so với các ngành kinh tế khác như công nghiệp, dịch vụ.
Mục tiêu bảo hộ là để bảo hộ lợi ích cho các chủ trang trại, tranh thủ sự ủng hộ của giới chủ trang trại đối với chính quyền.
Bảo hộ nông nghiệp chủ yếu bằng thuế quan, nhưng lại gia tăng sử dụng các công cụ phi thuế quan, đặc biệt là các rào cản kỹ thuật, vệ sinh dịch tễ, thủ tục hải quan rất phức tạp.
Nhật Bản:
Nông nghiệp Nhật bản là một trong những khu vực được bảo hộ cao trong quá trình hội nhập kinh tế quôc tế.
Chính sách, pháp luật bảo hộ nông nghiệp được hiểu là những chính sách, quy định nhằm tăng sản lượng và thu nhập cho khu vực nông nghiệp thông qua sự can thiệp của nhà nước vào thị trường nông sản.
* Thời kỳ 1945-1994:
Trong nhiều thập kỷ sau chiến tranh, mặc dù Chính phủ Nhật bản đã thực hiện nhiều biện pháp bảo hộ nông nghiệp, nhưng tựu chung lại được chia là ba nhóm sau:
-Biện pháp trợ giá, trợ cấp:
Nhiều nông sản được lợi nhờ trợ gía trực tiếp của Chính phủ, các biện pháp bảo hộ qua giá rất đa dạng, từ việc trực tiếp quản lý giá mua, bán và quản lý khâu phân phối đến việc định giá tối thiểu. Tỷ trọng các nguồn tài chính dành riêng cho việc trợ giá nông sản chiếm khoảng 23% tổng ngân sách dành cho nông nghiệp trong năm 1960và lên đến 80% tổng ngân sách cho nông nghiệp năm 1984. Đồng thời với việc trợ giá, Chính phủ Nhật bản đã đầu tư cho nông nghiệp để cải tạo đất, xây dựng hệ thống tưới tiêu, đường xá và nghiên cứu phục vụ nông nghiệp. Lãi xuất cho khu vực nông nghiệp vay chỉ bằng một nửa hoặc 2/3 so với lãi suất thị trường [16].
-Các hạn chế nhập khau nông sản:
Nhật bản đã sử dụng nhiều biện pháp hạn chế nhập khẩu nông sản, trong đó biện pháp chặt chẽ nhất là hạn ngạch nhập khẩu, mặc cho điều đó trái với các nguyên tắc của GATT. Năm 1962, số mặt hàng nông sản quản lý bằng hạn ngạch nhập khẩu là 102. Sau đó việc nhập khẩu được tự do hoá dần, năm 1970 còn 58 mặt hàng được quản lý bằng hạn ngạch và cho đến năm 1993 vẫn còn là 22 mặt hàng.
Do áp lực từ các nhà xuất khẩu Mỹ, Úc, Nhật bản đã thực hiện tự do hoá thương mại nhưng lại được thay bằng chế độ thuế quan cao để bảo hộ các nhà sản xuất trong nước. Việc quy định hạn ngạch và chế độ thuế quan cao nhằm tránh sự cạnh tranh của các sản phẩm nước ngoài nhằm bảo hộ nông dân của Nhật bản.
Ngoài ra, Nhật bản còn sử dụng hàng rào phi thuế quan để hạn chế nhập khẩu. Chẳng hạn, các mặt hàng nông lâm sản muốn nhập khẩu vào Nhật phải tuân theo luật tiêu chuẩn nông nghiệp Nhật bản.
-Bảo hộ thông qua hệ thống thương mại nhà nước:
Do hoạt động thương mại nhà nước không vi phạm các nguyên tắc của GATT nên nó được sử dụng rộng rãi ở Nhật bản để bảo hộ các sản phẩm lương thực chủ yếu như gạo, lúa mỳ, lúa mạch. Tuy nhiên, những hạn chế buôn bán đối với gạo đã bị chỉ trích gay gắt trong các cuộc đàm phán đa phương bởi chính sách về gạo là một trong những trường hợp bảo hộ nghiêm ngặt ở Nhật Bản.
* Thời kỳ sau 1995:
Sau khi gia nhập Hiệp định nông nghiệp, chính sách bảo hộ nông nghiệp Nhật có những nội dung sau:
-Thuế quan:
Nhật Bản cam kết đến năm 2000, tỷ suất thuế bình quân sẽ giảm xuống còn 12%. Tuy nhiên, đối với từng mặt hàng thì biên độ giảm thuế lại khác nhau. Mặc dù hầu hết các nông sản Nhật Bản đều cam kết thuế hoá, nhưng mặt hàng gạo lại là trường hợp ngoại lệ. Năm 2000, thuế nhập khẩu đánh vào mặt hàng gạo là 490%. Với mức thuế nhập khẩu như vậy, lượng nhập khẩu gạo so với lượng tiêu thụ thụ trong nước chỉ tăng từ 3% năm 1995 lên 5% vào năm 2000 [16].
- Áp dụng chính sách bảo hộ theo hộp mầu xanh lá cây:
Bắt đầu từ năm 1995, Nhật bản đã chuyển việc áp dụng chính sách hỗ trợ tài chính cho nông nghiệp từ hình thức trợ cấp sản xuất và lưu thông sang
hình thức cung cấp các dịch vụ công cộng, xây dựng cơ sở hạ tầng và điều chỉnh cơ cấu hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp trong khuôn khổ chính sách theo hộp mầu xanh lá cây mà WTO quy định. Ví dụ, năm 1997, ngân sách chi cho nông nghiệp của Chính phủ Nhật Bản nằm trong hộp mầu xanh lá cây là 22 tỷ đô la. Trong khoản chi nói trên, trọng tâm dành cho xây dựng cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nghiên cứu phát triển, tuyên truyền phổ biến kỹ thuật, phòng và kiểm dịch động thực vật, xây dựng thị trường bán buôn nông sản, dự trữ lương thực, thực phẩm quan trọng, viện trợ lương thực trong nước… Khoản hỗ trợ tài chính nằm trong hộp mầu xanh lá cây này chiếm 90% ngân sách dành cho nông nghiệp của Chính phủ Nhật bản.
- Thực hiện hỗ trợ trong nước theo chính sách hộp mầu hổ phách:
Chính sách hỗ trợ trong nước thuộc hộp mầu hổ phách của Nhật bản chủ yếu là áp dụng đối với các loại sản phẩm nông sản cơ bản được trợ giá thị trường. Sự hỗ trợ này làm cho giá tiêu thụ ở ở thị trường nội địa luôn cao hơn rất nhiều giá nhập khẩu. Qua đó, chính phủ thực hiện việc bảo hộ gián tiếp lợi ích của nông dân và sản xuất nông nghiệp. Từ năm 1995 trở lại đây, thực hiện chính sách này đã gây ra sự chênh lệch rất lớn. Số tiền chi cho việc thực hiện chính sách hỗ trợ này cao hơn số chi cho ngân sách thuộc "hộp mầu xanh lá cây".
-Điều chỉnh chính sách nông nghiệp và nông thôn:
Bắt đầu từ năm 1995, Chính phủ Nhật bản sửa đổi, điều chỉnh mạnh chính sách nông nghiệp trong nước nhằm thích ứng hơn nữa với những quy tắc về nông nghiệp của WTO và bảo hộ, hỗ trợ cho sự phát triển của nông nghiệp Nhật bản trong thế kỷ XXI.
Tháng 1/1995, Nhật bản thi hành Luật cân đối cung cầu và ổn định giá cả lương thực chủ yếu" thay cho Luật kiểm soát lương thực được áp dụng từ năm 1948, đánh dấu cơ chế quản lý lương thực bước sang thời kỳ mới.
Năm 1997, Nhật bản ban hành "Bộ Luật lưu thông gạo" theo đó thay đổi phương thức bảo hộ giá cả đối với lương thực được duy trì trong một thời
gian dài, thu hẹp quy mô trợ cấp trực tiếp của Chính phủ đối với việc lưu thông gạo.
Năm 1999, Nhật bản bắt đầu thi hành Luật cơ bản về thực phẩm, nông nghiệp, nông thôn. Bộ Luật này thể hiện sự coi trọng của Nhật bản đối với an ninh lương thực và cho thấy nông nghiệp có nhiều chức năng, ngoài chức năng thương mại trong một đất nước hẹp, người đông. Đồng thời với việc giảm thiểu trợ cấp trực tiếp cho sản xuất lương thực.
Nhận xét:
Nông nghiệp Nhật bản được bảo hộ mạnh mẽ và giá nông sản thực phẩm ở nước này cao hơn hẳn so với các nước khác như Mỹ và cộng đồng châu Âu. Chính phủ Nhật bản đã dùng nhiều chính sách biện pháp để hỗ trợ sản xuất bảo hộ thương mại hàng nông sản, đặc biệt là lúa gạo. Mức độ bảo hộ nông nghiệp Nhật bản đã gia tăng suốt ba bốn thập niên qua do nông nghiệp đang dần mất đi lợi thế so sánh trong quá trình tăng trưởng. Mặc dù được bảo hộ, nhưng Nhật bản đã trở thành một trong những nước nhập khẩu nông sản nhiều nhất thế giới. Có thể nói chính sách bảo hộ sản xuất và thương mại của Nhật bản cho ta nhiều bài học khác nhau:
- Luật Nông nghiệp (1952) quy định những kiểm soát chặt chẽ đối với đất đai để bảo vệ những thành quả của cải cách ruộng đất. Theo luật này, ruộng đất được mua bán theo giá thị trường, nhưng không đựơc vượt quá giới hạn cho phép. Kinh nghiệm của Nhật bản cho thấy một chính sách đất đai không tính đến xu hướng phát triển lâu dài của ngành nông nghiệp sẽ trở thành trở ngại cho sự phát triển của bản thân ngành đó và của toàn bộ nền kinh tế nói chung.
- Việc trợ cấp cho nông nghiệp, đặc biệt là trợ giá cho lúa gạo thực tế đã thất bại trong thực hiện công bằng xã hội. Việc bảo hộ nặng nề này là những cản trở những nỗ lực điều chỉnh cơ cấu trong nông nghiệp. Do mức trợ giá cao và do Chính phủ bảo đảm sẽ mua bất kỳ khối lượng gạo nào sản xuất ra nên người nông dân không tích cực giảm chi phí sản xuất.
- Về mặt kinh tế, bảo hộ nông nghiệp làm tăng chi phí xã hội, lãng phí nguồn tài nguyên. Do việc thực thi chính sách bảo hộ nông nghiệp, hàng năm chính phủ đã phải chi một khoản tiền lớn để trợ cấp cho nông nghiệ, số tiền này tất nhiên phải lấy từ ngân sách, thực chất là lấy từ thuế do người tiêu dùng đóng góp.
- Từ việc xem xét các chính sách bảo hộ nông nghiệp của Nhật bản trên đây, chúng ta thấy mục tiêu của chính sách bảo hộ nông nghiệp của nước này là thúc đẩy nông nghiệp phát triển và làm cho thu nhập của nông dân không bị cách biệt quá xa so với khu vực khác.Tuy nhiên, bảo hộ thái quá đã làm tổn hại lợi ích người tiêu dùng, gây nên những lãng phí trong đầu tư do ném vốn vào lĩnh vực kém hiệu quả. Đây cũng chính là bài học chúng ta cần xem xét trong việc hoạch định chính sách phát triển nông nghiệp, bảo hộ sản xuất nông nghiệp trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
* Liên minh châu Âu - EU:
An ninh lương thực luôn là mối quan tâm chung trên toàn thế giới, chính điều này đã khiến liên minh châu Âu thiết lập một thị trường nông nghiệp thống nhất vào đầu năm 1962.
Mục tiêu cơ bản của Chính sách nông nghiệp chung (CAP) trong EU là: Tăng năng suất lao động trong nông nghiệp;
Ổn định thị trường nông sản; Nâng cao mức sống người dân.
Những phương thức mà EU thường áp dụng để thực hiện CAP khi ký Hiệp định Nông nghiệp là:
-Thuế quan:
Để thực hiện các cam kết của mình EU chỉ áp dụng mức cắt giảm thuế suất đối với các sản phẩm ít quan trọng, có thuế suất cao. Các mức cắt giảm cao được áp dụng cho các sản phẩm hoặc là khối lượng nhập khẩu ít, hoặc là thuế hải quan vốn ở mức thấp.