thực định mà không đề cập tới việc bảo vệ quyền của người phụ nữ trong quan hệ tài sản giữa vợ và chồng, đặc biệt dưới góc độ bình đẳng giới, chưa được nghiên cứu một cách thấu đáo, chuyên sâu.
3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu của đề tài
- Mục đích nghiên cứu của đề tài: Tìm hiểu những khía cạnh lý luận và thực tiễn về bảo vệ quyền của người phụ nữ trong quan hệ tài sản giữa vợ và chồng theo Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 dưới góc độ bình đẳng giới. Từ đó tìm ra một số giải pháp hoàn thiện các quy định pháp luật về vấn đề này và nâng cao hiệu quả của việc bảo vệ quyền của người phụ nữ trong thực tiễn, nhằm thực hiện bình đẳng giữa vợ và chồng.
- Nhiệm vụ của luận văn:
+ Tìm hiểu cơ sở lý luận về quyền của người phụ nữ và bảo vệ quyền của người phụ nữ trong quan hệ tài sản giữa vợ và chồng,
+ Tìm hiểu thực trạng việc bảo vệ quyền của người phụ nữ trong quan hệ tài sản giữa vợ và chồng theo Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000
+ Đề xuất một số kiến nghị nhằm góp phần hoàn thiện quy định của pháp luật để bảo vệ tốt hơn nữa quyền của người phụ nữ trong quan hệ tài sản giữa vợ và chồng.
4. Phạm vi nghiên cứu của luận văn
Với đề tài "Bảo vệ quyền của người phụ nữ trong quan hệ tài sản giữa vợ và chồng theo Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000", tác giả tập trung phân tích bảo vệ quyền lợi người phụ nữ với tư cách là người vợ trong quan hệ tài sản với người chồng trong thời kỳ hôn nhân hợp pháp, thể hiện qua các quan hệ tài sản giữa vợ và chồng là quan hệ sở hữu tài sản, quan hệ thừa kế và quan hệ cấp dưỡng theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000. Vì vậy quyền của người phụ nữ trong phạm vi đề tài này được nghiên cứu với tư cách người phụ nữ là người vợ trong quan hệ hôn nhân hợp pháp, mà không nghiên cứu quyền của người phụ nữ với tư cách là người mẹ, người chị
trong gia đình trong các mối quan hệ khác. Việc áp dụng pháp luật trong thực tiễn xét xử được nghiên cứu chủ yếu qua thực tiễn xét xử của các Tòa án tỉnh Nam Định, trong những năm gần đây.
Có thể bạn quan tâm!
- Bảo vệ quyền của người phụ nữ trong quan hệ tài sản giữa vợ và chồng theo Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 - 1
- Nội Dung Bảo Vệ Quyền Của Người Phụ Nữ Trong Quan Hệ Sở Hữu Tài Sản Giữa Vợ Với Chồng
- Cách Thức Bảo Vệ Quyền Của Người Phụ Nữ Trong Quan Hệ Tài Sản Giữa Vợ Và Chồng
- Trong Việc Đăng Kí Quyền Tài Sản Thuộc Quyền Sở Hữu Chung
Xem toàn bộ 120 trang tài liệu này.
5. Phương pháp nghiên cứu của luận văn
- Phương pháp luận nghiên cứu luận văn là chủ nghĩa duy vật lịch sử, chủ nghĩa duy vật biện chứng của chủ nghĩa Mác - Lê nin và tư tưởng của Đảng và Nhà nước về pháp luật...
- Luận văn còn sử dụng các phương pháp pháp nghiên cứu cụ thể như phân tích, so sánh, thống kê, tổng hợp.
6. Ý nghĩa và điểm mới của luận văn
- Luận văn nghiên cứu và phân tích sâu sắc, toàn diện về ý nghĩa, mục đích, nội dung bảo vệ quyền của người phụ nữ trong quan hệ tài sản giữa vợ và chồng dưới góc độ bình đẳng giới.
- Luận văn đánh giá thực trạng về vấn đề bảo vệ quyền của người phụ nữ trong quan hệ tài sản giữa vợ và chồng trên thực tế, đưa ra một số khuyến nghị, giải pháp góp phần hoàn thiện quy định pháp luật về vấn đề này và nâng cao hiệu quả việc bảo vệ quyền của người phụ nữ trong quan hệ tài sản giữa vợ chồng, nhằm thực hiện bình đẳng giữa vợ và chồng trên thực tế.
7. Kết cấu của luận văn
Ngoài phần mở đầu, kết luận và danh mục tài liệu tham khảo, luận văn được kết cấu làm 3 chương:
Chương 1: Một số vấn đề lý luận chung về bảo vệ quyền của người phụ nữ trong quan hệ tài sản giữa vợ và chồng.
Chương 2: Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 với vấn đề bảo vệ quyền của người phụ nữ trong quan hệ tài sản giữa vợ và chồng.
Chương 3: Thực tiễn thi hành pháp luật về bảo vệ quyền của người phụ nữ trong quan hệ tài sản giữa vợ và chồng.
Chương 1
MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN CHUNG VỀ BẢO VỆ QUYỀN CỦA NGƯỜI PHỤ NỮ
TRONG QUAN HỆ TÀI SẢN GIỮA VỢ VÀ CHỒNG
1.1. KHÁI NIỆM VỀ QUYỀN CỦA NGƯỜI PHỤ NỮ VÀ BẢO VỆ QUYỀN CỦA NGƯỜI PHỤ NỮ
1.1.1. Quyền của người phụ nữ
Quyền của người phụ nữ cũng bắt nguồn từ quyền con người. Để tiếp cận khái niệm về quyền của người phụ nữ cần nghiên cứu khái niệm quyền con người.
Quyền con người được hiểu từ nhiều góc độ khác nhau. Về khái niệm quyền con người, có quan điểm cho rằng: "Quyền con người là quyền của thành viên trong xã hội loài người - quyền của tất cả mọi người" [60].
Theo quy định của Văn phòng Cao ủy Liên hợp quốc thì "Quyền con người là những đảm bảo pháp lý toàn cầu, có tác dụng bảo vệ các cá nhân và các nhóm chống lại những hành động hoặc sự bỏ mặc mà làm tổn hại đến nhân phẩm, những sự được phép và tự do cơ bản của con người " [Dẫn theo 14, tr. 41].
Ở Việt Nam, quyền con người được hiểu là "những nhu cầu, lợi ích tự nhiên, vốn có và khách quan của con người được ghi nhận và bảo vệ trong pháp luật quốc gia và các thỏa thuận pháp lý quốc tế" [14, tr. 42].
Quyền con người vừa là quyền tự nhiên, vừa là quyền pháp lý. Quyền con người là quyền tự nhiên được hiểu là những quyền khi sinh ra họ đã có, mà người khác phải tôn trọng, "mọi người sinh ra đều bình đẳng, tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được" (Tuyên ngôn thế giới về quyền con người năm 1948). Quyền con người là quyền pháp lý tức là quyền con người được pháp điển hóa, được ghi nhận bằng pháp luật, được cộng
đồng tôn trọng và bảo đảm thực hiện. Ở góc độ pháp lý, quyền con người gắn liền với những giá trị cao cả, nhân phẩm của con người, cần được tôn trọng và bảo vệ trong mọi giai đoạn lịch sử, mọi chế độ xã hội, và được ghi nhận trong pháp luật.
Từ khái niệm quyền con người ở trên sẽ đi đến khái niệm quyền của người phụ nữ. Quyền của người phụ nữ cũng bao gồm những nội dung cơ bản của quyền con người, không tách khỏi nội dung quyền con người. "Quyền con người của phụ nữ là một bộ phận cấu thành, gắn liền và không thể tách rời của các quyền con người phổ biến" (Tuyên bố Viên và chương trình hành động Hội nghị thế giới về quyền con người lần thứ II tổ chức ở Viên năm 1993).
Phụ nữ chiếm hơn một nửa nhân loại. Phụ nữ khác đàn ông ở thiên chức làm vợ, làm mẹ, với thiên chức như thế, quyền của họ cần phải được thừa nhận và đảm bảo. Có thể nói, quyền của người phụ nữ không chỉ là mối quan tâm riêng của người phụ nữ mà quan trọng hơn đó là mục tiêu quan tâm, bảo vệ của mọi quốc gia, của toàn nhân loại. Quyền của người phụ nữ đã được thế giới thừa nhận và tôn trọng. Điều đó được minh chứng thông qua việc ban hành rất nhiều văn kiện quốc tế, tuyên ngôn, điều ước quốc tế. Tuyên ngôn thế giới về quyền con người đã ghi nhận các quyền con người với nguyên tắc áp dụng cho mọi cá nhân, không phân biệt nam nữ. Cedaw được ban hành vào năm 1979 đã bảo vệ ở phạm vi rộng lớn các quyền của người phụ nữ được sống an toàn, tự do, phát triển bền vững, nhấn mạnh bảo đảm họ được hưởng thụ các quyền cơ bản của con người. Có thể nói Cedaw là văn kiện quốc tế quan trọng nhất do Liên hợp quốc thông qua, đã đề cập một cách toàn diện, cụ thể về các quyền cơ bản của phụ nữ.
Từ những lập luận ở trên có thể đưa ra khái niệm quyền của người phụ nữ như sau: Quyền của người phụ nữ là tập hợp các quyền con người mà người phụ nữ được hưởng, được tôn trọng, được bảo vệ và bảo đảm thực hiện bằng hệ thống các quy định của pháp luật do Nhà nước ban hành.
Phụ nữ có các quyền con người cơ bản như mọi công dân khác. Là con người cụ thể, phụ nữ có các quyền mà "không ai có thể chối cãi được". Tại Việt Nam, quyền của người phụ nữ đã phải trải qua một quá trình phát triển lâu dài và hiện nay ngày càng được khẳng định, được ghi nhận, tôn trọng và được bảo đảm bởi một hệ thống pháp luật đang dần hoàn thiện hơn.
1.1.2. Bảo vệ quyền của người phụ nữ
Việc ghi nhận quyền của người phụ nữ trong pháp luật là quan trọng nhưng chưa đủ. Bảo vệ quyền của người phụ nữ còn quan trọng hơn. Việc bảo vệ quyền của người phụ nữ được ghi nhận trong Hiến pháp và các văn bản pháp luật có liên quan.
Bảo vệ quyền của người phụ nữ được thực hiện một cách tổng thể qua nhiều hình thức, biện pháp khác nhau mà điều quan trọng nhất là đảm bảo cho các quyền của người phụ nữ đã được ghi nhận trong pháp luật được thực hiện trong thực tế.
Nội dung bảo vệ quyền của người phụ nữ được thể hiện toàn diện trên mọi lĩnh vực: chính trị, kinh tế, lao động, việc làm, giáo dục, văn hóa, hôn nhân - gia đình…được pháp luật ghi nhận và bảo hộ trong toàn bộ hệ thống pháp luật Việt Nam. Tại Hiến pháp - văn bản có hiệu lực pháp lý cao nhất - vấn đề quyền bình đẳng của phụ nữ luôn được thể hiện nhất quán, quyền bình đẳng của phụ nữ ngày càng được quy định mở rộng và hoàn thiện hơn trong các bản Hiến pháp. Những quy định về bảo vệ quyền của người phụ nữ trong văn bản có hiệu lực pháp lý cao nhất đã đưa người phụ nữ lên địa vị làm chủ trong xã hội. Quy định tại Hiến pháp về bảo vệ quyền của người phụ nữ chính là cơ sở pháp lý quan trọng cho việc ban hành một loạt các văn bản pháp luật về quyền của người phụ nữ như BLDS, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Lao động, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Bình đẳng giới 2006, Luật Phòng chống bạo lực gia đình 2007... Các văn bản pháp luật quy định hệ thống các quy phạm pháp luật về quyền của phụ nữ, các thể chế thực hiện các quyền đó cũng như hệ thống các biện pháp chế tài xử lý các hành vi vi phạm quyền của phụ nữ.
Như vậy, bảo vệ quyền của người phụ nữ được hiểu là: hệ thống các biện pháp, cách thức được pháp luật quy định nhằm đảm bảo việc thực thi đầy đủ, có hiệu quả các quyền con người của phụ nữ trên thực tế cũng như xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm quyền của người phụ nữ.
1.1.3. Bảo vệ quyền của người phụ nữ trong quan hệ tài sản giữa vợ với chồng
Bảo vệ quyền của người phụ nữ trong quan hệ tài sản giữa vợ và chồng là một nội dung quan trọng tạo cơ sở để thực hiện quyền bình đẳng giữa vợ và chồng.
Bảo vệ quyền của phụ nữ trong quan hệ tài sản giữa vợ với chồng phải bảo đảm được ba nội dung sau: Ghi nhận đầy đủ quyền của người phụ nữ trong quan hệ tài sản giữa vợ và chồng trong quan hệ hôn nhân hợp pháp; đảm bảo thực hiện quyền tài sản của người vợ trong trong thực tiễn; có chế tài xử lý những hành vi xâm phạm đến quyền của người phụ nữ….
Từ đó có thể đưa ra khái niệm về bảo vệ quyền của người phụ nữ trong quan hệ tài sản giữa vợ với chồng như sau: Bảo vệ quyền của người phụ nữ trong quan hệ tài sản giữa vợ và chồng là việc pháp luật ghi nhận quyền của người phụ nữ trong quan hệ sở hữu tài sản, quan hệ cấp dưỡng, quan hệ thừa kế tài sản trong quan hệ tài sản với người chồng trong quan hệ hôn nhân; đảm bảo các quyền tài sản của người phụ nữ được thực hiện đầy đủ, bình đẳng trong thực tế cũng như xử lý mọi hành vi vi phạm quyền tài sản của người phụ nữ trong quan hệ hôn nhân.
Trong lĩnh vực Luật Hôn nhân và gia đình, vị trí quan trọng của phụ nữ đã được khẳng định. Pháp luật cũng như thực tiễn thực thi pháp luật ở Việt Nam đã tạo cho phụ nữ Việt Nam sự bình đẳng về nhiều lĩnh vực trong quan hệ gia đình, đó là sự bình đẳng giữa vợ, chồng và điều đặc biệt quan trọng là quyền bình đẳng của phụ nữ trong quan hệ tài sản với chồng.
Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 là cơ sở pháp lý cơ bản xác lập và bảo đảm thực hiện các quyền tài sản của phụ nữ như quyền có tài sản riêng, quyền được chia tài sản...
Sự kiện kết hôn đã làm phát sinh quan hệ pháp luật giữa vợ và chồng. Nội dung của quan hệ pháp luật giữa vợ và chồng bao gồm các nghĩa vụ và quyền về nhân thân và tài sản. Trong đó quyền và nghĩa vụ giữa vợ và chồng về tài sản đóng vai trò quan trọng trong đời sống gia đình, mang những nét đặc trưng gắn liền với nhân thân của vợ chồng. Quan hệ tài sản giữa vợ và chồng là cơ sở kinh tế đảm bảo cho gia đình thực hiện tốt chức năng xã hội, đáp ứng nhu cầu vật chất của vợ chồng, đảm bảo cho vợ chồng thực hiện tốt quan hệ nhân thân với nhau và quan hệ đối với con cái và các thành viên khác trong gia đình.
Quan hệ tài sản giữa vợ và chồng bao gồm: Quan hệ sở hữu tài sản, quan hệ cấp dưỡng, quan hệ thừa kế giữa vợ và chồng. Bảo vệ quyền lợi người phụ nữ trong quan hệ tài sản với người chồng chính là bảo vệ quyền lợi của họ trong ba mối quan hệ trên.
Vấn đề bảo vệ quyền lợi của người phụ nữ trong quan hệ tài sản với người chồng đã được đảm bảo bởi hệ thống pháp luật nói chung và Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 nói riêng. Tuy nhiên quyền lợi của người phụ nữ nói chung cũng như quyền của người phụ nữ trong quan hệ tài sản với chồng nói riêng có được bảo vệ một cách hợp lý hay không lại là một vấn đề khác. Trong khi đó, tài sản của vợ chồng có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với gia đình và đóng góp giá trị không nhỏ vào sự phát triển của nền kinh tế nước ta hiện nay. Trong gia đình, người phụ nữ vừa phải thực hiện thiên chức làm vợ, làm mẹ, vừa phải thực hiện chức năng là người lao động trong xã hội, là người tổ chức cuộc sống trong gia đình, người xây tổ ấm cho gia đình. Những hành vi xâm phạm quyền lợi của người phụ nữ chưa được xử lý kịp thời, làm giảm tính khả thi của pháp luật nói chung và pháp luật về hôn nhân và gia đình nói riêng.
Tóm lại, có thể khẳng định rằng, Quyền của người phụ nữ đã được pháp luật ghi nhận, đây chính là một sự tiến bộ. Nhưng việc quan trọng hơn là cần bảo vệ và bảo đảm cho được những quyền của người phụ nữ được thực hiện trong thực tế.
1.2. ĐẶC ĐIỂM VÀ NỘI DUNG BẢO VỆ QUYỀN CỦA NGƯỜI PHỤ NỮ TRONG QUAN HỆ TÀI SẢN GIỮA VỢ VÀ CHỒNG
1.2.1. Đặc điểm của việc bảo vệ quyền của người phụ nữ trong quan hệ tài sản giữa vợ và chồng
- Việc bảo vệ quyền của người phụ nói chung và quyền của người phụ nữ trong quan hệ tài sản giữa vợ với chồng nói riêng có quá trình phát triển khác nhau trong mỗi giai đoạn lịch sử, trong mỗi chế độ xã hội và phụ thuộc vào ý chí của giai cấp thống trị. Quá trình bảo vệ quyền của người phụ nữ trong quan hệ tài sản giữa vợ với chồng song song với sự phát triển của nhân loại.
Dưới chế độ phong kiến, pháp luật hầu như không bảo vệ quyền lợi của người phụ nữ trong quan hệ tài sản giữa vợ với chồng. Tuy nhiên, trong Bộ luật Hồng Đức (Quốc triều Hình luật) đã chứa đựng nhiều yếu tố tiến bộ bảo vệ quyền lợi của người phụ nữ. Đó là quy định họ có quyền có tài sản riêng; khi gia đình tồn tại, tất cả tài sản được coi là của chung; khi ly hôn, tài sản của ai, người đó được nhận riêng và chia đôi tài sản chung của hai người. Song trong Luật Gia Long lại quy định: ở nhà chồng, tài sản làm ra thuộc sở hữu của nhà chồng, khi chồng còn sống, người vợ không có quyền lợi kinh tế, khi chồng chết, tài sản không thuộc về họ mà thuộc về con cái và dòng họ nhà chồng…
Trong Bộ dân luật Bắc Kỳ (1931) và Bộ dân luật Trung Kỳ (1936) đã quy định cho vợ chồng được tự do lập hôn ước, chế độ tài sản pháp định chỉ đặt ra khi vợ chồng không lập hôn ước. Theo chế độ này, tài sản chung của vợ chồng bao gồm tất cả của cải, hoa lợi của chồng cũng như của vợ, không kể tài sản đó được tạo ra trước hay trong thời kì hôn nhân. Hay như trong Tập Dân luật giản yếu năm 1883 không thừa nhận người vợ có tài sản riêng, do đó