Chính sách pháp luật nông nghiệp Việt Nam và hiệp định nông nghiệp của Tổ chức Thương mại thế giới - 2

cải cách chính sách pháp luật trong nước của mình phù hợp với các quy định của Hiệp định. Các vấn đề cải cách chính sách pháp luật tập trung vào chính sách luật pháp về thuế quan, phi thuế quan, bảo hộ, cạnh tranh v.v… do đó, pháp luật về nông nghiệp Việt Nam có cơ hội lớn đối với việc sửa đổi chính sách phù hợp với quốc tế và trong nước.

Khả năng mở rộng thị trường: Gia nhập WTO, Việt Nam sẽ được các nước thành viên khác dành cho quy chế tối huệ quốc quy chế không phân biệt đối xử có mức thuế nhập khẩu ưu đãi hơn. Việc cắt giảm thuế nhập khẩu nông sản, mở rộng hạn ngạch thuế quan, giảm dần thuế đối với hàng nông sản chế biến và xoá bỏ các rào cản phi thuế khác sẽ tạo điều kiện cho hàng nông sản của các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam thâm nhập vào thị trường các nước phát triển. Thị trường tiêu thụ được mở rộng không những trong khu vực mà cả trên thế giới.

Về đầu tư: Môi trường kinh tế - xã hội ổn định, kết hợp với triển vọng hội nhập quốc tế đã có tác động tích cực tới đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực nông nghiệp. Nhiều nước đã đầu tư lớn vào Việt Nam như: Đài Loan, Hồng Kông, Pháp, Trung Quốc. Gia nhập WTO, hệ thống pháp lý sẽ được điều chỉnh theo hướng phù hợp với thông lệ quốc tế, tạo ra môi trường kinh doanh trong nước bình đẳng, khuyến khích được mọi thành phần kinh tế, nhất là các doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ tham gia đầu tư vào ngành nông nghiệp. Thị trường tiêu thụ nông sản được mở rộng cũng là điều kiện hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam hơn.

Về khoa học công nghệ: Hoạt động hợp tác khoa học kỹ thuật, công nghệ và xây dựng năng lực là nội dung bao trùm tất cả các lĩnh vực của WTO. Các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam hy vọng được tham gia nhiều hơn các chương trình hợp tác về khoa học công nghệ cũng như tăng thêm các nguồn hỗ trợ kỹ thuật, tăng cường năng lực khi gia nhập WTO. Nông nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận nhiều nguồn công nghệ mới, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng nông sản hàng hoá và khả năng cạng tranh của hàng nông sản.

Nâng cao khả năng cạnh tranh cho các doanh nghiệp trong nước: Gia nhập WTO, Việt Nam không những được hưởng quyền lợi mà các nước thành viên dành cho nhau, ngược lại, Việt Nam cũng phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ dành ưu đãi cho các nước thành viên khác. Việt Nam cũng phải mở cửa thị trường hàng nông sản nhiều hơn, chính sách pháp luật minh bạch và bình đẳng hơn, các chính sách, pháp luật trợ cấp hoặc hỗ trợ cho nông nghiệp không phù hợp với WTO phải dần bị loại bỏ. Như vậy, các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp Nhà nước không còn ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước được nữa. Các doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển phải chấp nhận cạnh tranh. Áp lực này buộc các doanh nghiệp Việt Nam phải tự vươn lên nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm và các doanh nghiệp.

Thách thức

Xuất phát điểm khi gia nhập WTO của Việt Nam nói chung và nền nông nghiệp nói riêng là quá thấp, lại thêm những quy định của WTO đòi hỏi ngày càng khắt khe hơn, chắc chắn sẽ đem lại cho nông nghiệp Việt Nam những thách thức lớn, cụ thể:

- Khả năng cạnh tranh của một số mặt hàng nông sản nước ta còn thấp do năng suất, chất lượng thấp, thiết bị và công nghệ chế biến lạc hậu nên giá thành sản phẩm cao như mía đường, ngô, đậu tương… khi giảm thuế nhập khẩu và bỏ các rào cản phi thuế sẽ phải cạnh tranh nhiều hơn với hàng nông sản nhập khẩu.

- Mặc dù nước ta đã đạt được khá nhiều thành tựu về nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi, nhưng do quy mô sản xuất quá nhỏ bé (bình quân cả nước là 0,8 ha đất nông nghiệp/hộ gia đình) nên năng suất lao động rất thấp. Thu nhập của hộ gia đình nông dân thấp dẫn đến nông dân không có vốn tái đầu tư mở rộng và áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Chất lượng nông sản hàng hoá nhìn chung còn thấp và không đồng đều cũng là một thách thức rất lớn đối với cả thị trường trong nước và xuất khẩu.

- Song song với quá trình đàm phán gia nhập WTO, nước ta cũng đang tham gia tích cực vào quá trình tự do hoá thương mại khu vực như Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA), Khu vực mậu dịch tự do ASEAN- Trung Quốc (AC-FTA) v.v… Các cam kết về mở cửa thị trường trong nước sẽ đem lại nhiều thách thức cho nông lâm sản nói chung, nhất là đối với ngành hàng có khả năng cạnh tranh yếu như ngành chăn nuôi (thịt, trứng, sữa), mía đường, ngô, bông vv… Kể cả trong những ngành hàng có khả năng cạnh tranh khá thì cũng có nhiều doanh nghiệp yếu kém, làm ăn thua lỗ triền miên. Đây cũng là thách thức không nhỏ đối với ngành nông nghiệp.

Như đã đề cập ở trên, Việt Nam là một quốc gia nông nghiệp, từ chỗ là một nước thiếu đói triền miên, Việt Nam đã trở thành quốc gia hàng đầu trong khu vực về xuất khẩu các mặt hàng nông nghiệp như: gạo, cà phê, chè, hồ tiêu cao su...Đứng trước bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, ngành nông nghiệp cũng đang tích cực triển khai thực hiện đường lối đổi mới phù hợp với quá trình hội nhập chung của đất nước.

Xuất phát từ nhu cầu trên, cần thiết phải có các nghiên cứu, đề tài về vấn đề thực hiện Hiệp định này, làm thế nào có thể hài hoà các chính sách, luật pháp trong nông nghiệp với các quy định của Hiệp định theo hướng có lợi cho Việt Nam, làm thế nào để điều tiết nền kinh tế nông nghiệp Việt Nam đem lại nhiều lợi ích hơn cho nông dân, và các giải pháp đưa ra nhằm giúp cho các nhà làm chính sách luật pháp tham khảo và áp dụng, đề tài "Chính sách và pháp luật nông nghiệp Việt Nam và Hiệp định nông nghiệp của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO)" về cơ bản sẽ góp phần giải quyết được vấn đề này.


2. Mục đích, nhiệm vụ, phạm vi nghiên cứu của đề tài Mục đích của đề tài

1.Cung cấp các khái niệm cơ bản trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Các tác động của quá trình này đối với lĩnh vực nông nghiệp.

2. Nghiên cứu các nội dung chính của hiệp định nông nghiệp WTO và việc thực hiện hiệp định này.

3. Nghiên cứu chính sách pháp luật nông nghiệp của Việt Nam trong quá trình thực hiện Hiệp định này và đưa ra một số định hướng chính sách xây dựng pháp luật nông nghiệp Việt Nam.

Phạm vi nghiên cứu

Hợp tác kinh tế quốc tế là một khái niệm rộng, do đó đề tài chỉ giải quyết các vấn đề về:

1. Khái niệm cơ bản của quá trình hội nhập trong lĩnh vực nông nghiệp

2. Áp dụng, thực hiện Hiệp định nông nghiệp.

3. Chính sách, pháp luật nông nghiệp của Việt Nam trong thực hiện, áp dụng Hiệp định này và các giải pháp.

3. Phương pháp nghiên cứu

Đề tài được thực hiện dựa trên một số tài liệu tham khảo của các Bộ, ngành như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Ngoại giao, Bộ Thương mại, Ủy ban quốc gia về Hợp tác kinh tế quốc tế, Trường Đại học Ngoại thương, Đại học Quốc gia Hà Nội…, đồng thời trong quá trình nghiên cứu, hệ thống pháp luật quốc gia về lĩnh vực hợp tác kinh tế quốc tế nói chung, về chính sách pháp luật nông nghiệp nói riêng đã được sử dụng theo phương pháp thông kê, phân tích, tổng hợp nhằm đưa ra những nhận xét cụ thể về từng lĩnh vực.

Dựa trên những tài liệu có được từ việc thông kê, những nhận định từ việc phân tích, tổng hợp, và thực tế của Việt Nam, đề tài đã đưa ra một số khuyến nghị về việc xây dựng chính sách pháp luật nông nghiệp cho phù hợp với các quy định trong Hiệp định nông nghiệp của Tổ chức thương mại thế giới (WTO).

4. Kết cấu của luận văn

Ngoài phần mở đầu, kết luận và danh mục tài liệu tham khảo, nội dung của luận văn gồm 3 chương:

Chương 1: Một số vấn đề chung về nông nghiệp trong Tổ chức thương mại thế giới WTO.

Chương 2: Hiệp định nông nghiệp và việc thực thi tại một số nước.

Chương 3: Thực trạng bảo hộ nông nghiệp Việt Nam, định hướng chính sách xây dựng pháp luật nông nghiệp trong khuôn khổ WTO.

Chương 1‌


MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHUNG VỀ NÔNG NGHIỆP


1.1. LỊCH SỬ RA ĐỜI, HÌNH THÀNH PHÁT TRIỂN CỦA WTO


1.1.1. WTO có nguồn gốc từ sự ra đời của GATT


WTO ra đời dựa trên sự kế thừa GATT và tiếp tục phát triển ở mức cao hơn với hàng loạt các quy định mới và tiên tiến hơn [15].

Sau hơn 8 năm đàm phán, ngày 15/4/1994, tại Marrakesh, các Bộ trưởng đại diện cho tất cả các bên ký hiệp định chung về thuế quan và thương mại - gọi tắt là GATT 1947, đã nhất trí ký kết văn kiện cuối cùng với 500 trang văn bản và 26.000 trang danh mục, cam kết thừa nhận kết quả của vòng đàm phán Urugoay. Đó là Hiệp định thành lập WTO. WTO chính thức hoạt động từ ngày 1/1/1995 [17].

Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc với nhiều tàn dư nặng nề đề lại cho nền kinh tế - thương mại của các nước trên thế giới, để khắc phục hậu quả chiến tranh, các nước đã có sáng kiến về việc tạo ra cơ chế hợp tác đa phương, nhằm kết hợp và phát huy tối đa các nguồn lực, cũng như khả năng của các nước trong những vấn đề đòi hỏi có sự hợp tác chung của các quốc gia. Ý tưởng ban đầu là các nước muốn thành lập một tổ chức thương mại quốc tế (ITO) làm cột trụ thứ ba trong hệ thống "Bretton Wood" cùng với hai thiết chế tài chính khác là Ngân hàng thế giới (WB) và quỹ tiền tệ quốc tế (IMF). Hơn 50 nước tham dự hội nghị của Ủy ban kinh tế - Xã hội Liên hợp quốc vào tháng 6/1946 đã đề ra Dự thảo Hiến chương ITO bao trùm không chỉ các nguyên tắc thương mại mà còn cả những lĩnh vực khác như lao động, thực tiễn hạn chế kinh doanh, đầu tư quốc tế và dịch vụ.

Ngay trước khi Hiến chương này được phê chuẩn, 23 trong số 50 nước trên vào năm 1947 đã quyết định cùng đàm phán để cắt giảm hàng rào thuế quan, nhằm nhanh chóng thúc đẩy tự do hoá mậu dịch và điều chỉnh lại những biện pháp bảo hộ được duy trì từ đầu những năm 1930. Kết quả của vòng đàm phán đầu tiên này là 45.000 nhượng bộ về thuế quan ảnh hưởng đến thương mại trị giá 10 tỷ USD, tức là gần 1/5 tổng thương mại trên toàn thế giới. Tổng hợp những quy định và cam kết đã thoả thuận được đưa vào một văn kiện pháp lý quốc tế có giá trị ràng buộc đối với các nước. Văn kiện pháp lý đó chính là Hiệp định chung về thuế quan và thương mại (GATT). GATT đã được 23 nước chính thức ký vào ngày 23/10/1947 và có hiệu lực vào ngày 1/1/1948, trong khi Hiến chương của ITO vẫn đang được các nước đàm phán. 23 nước ký GATT sau này đã trở thành những thành viên sáng lập của WTO, vì GATT không phải là một tổ chức mà chỉ là một Hiệp định, nên các nước lúc đó tham gia GATT được gọi là các bên ký kết (Contracting parties) [17].

Mặc dầu, ITO cuối cùng được thông qua tại Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và làm việc tại Havana tháng 3/1948, Quốc hội một số nước, đặc biệt là Quốc hội Mỹ đã không thông qua Hiến chương này, và vì vậy, tổ chức ITO đã không tồn tại. GATT, mặc dù chỉ mang tính tạm thời đã trở thành công cụ pháp lý duy nhất mang tính đa biên, điều tiết thương mại thế giới kể từ năm 1948 cho đến khi WTO được thành lập vào năm 1945.

Đặc điểm nổi bật của GATT: Trải qua 48 năm tồn tại, GATT đã tổ chức được 8 vòng đàm phán. Nội dung chủ yếu của các vòng đàm phán là vấn đề thuế. Ở 6 vòng đầu, giảm thuế là vòng đàm phán duy nhất, sở dĩ như vậy là do thuế là công cụ trực tiếp nhất để nhà nước tác động lên hoạt động trao đổi thương mại với bên ngoài, là rào cản đáng kể nhất đối với tiến trình tự do hoá và ổn định môi trường thương mại quốc tế. Nội dung của các vòng đàm phán này có thể tóm tắt được như sau [17]:

Các vòng đàm phán của GATT


Năm

Địa điểm

Số quốc gia

Hạng mục giảm thuế

Các kết quả khác

1947

Geneve

23

45.000

nh hưởng đến 10 tỉ USD hàng hoá buôn bán, bằng 1/5 giá trị thương mại thế giới

1949

Annecy

32

5.000

Thuế suất giảm trung bình 35%, số hàng được giảm thuế chiếm 5,6% giá trị hàng hoá buôn bán của thế giới

1950-1951

Torquay

38

8.700

Thuế suất giảm trung bình 26%

1956

Geneve

26

3.000

Thuế suất giảm trung bình 15%, ảnh hưởng tới 2,5 tỉ USD kim ngạch thương mại thế giới

1960-1961

Geneve (vòng Dillon)

26

4.400

Thuế suất giảm trung bình 20%, ảnh hưởng tới 4,5 tỉ USD kim ngạch thương mại thế giới

1964-1967

Geneve (vòng Kennedy)

62

30.300

Giảm trung bình 35%, ảnh hưởng tới 40 tỉ USD kim ngạch thương mại thế giới

1973-1979

Geneve (vòng Tokyo)

102

33.000

Thuế suất bình quân sản phẩm chế biến giảm xuống còn 4,7% (so với mức 40% khi thành lập GATT)

1986-1994

Geneve (vòng Urugoay)

123


Các nước phát triển đưa số hạng mục hàng hoá cam kết giảm thuế từ 78% lên 99%, các nước đang phát triển: từ 21% lên 73%

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 134 trang tài liệu này.

Chính sách pháp luật nông nghiệp Việt Nam và hiệp định nông nghiệp của Tổ chức Thương mại thế giới - 2

Nguồn: Tài liệu Ban Thư ký WTO chuẩn bị cho chương trình đào tạo về WTO ở các nước thuộc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (4/1997).

Qua bảng có thể thấy, tại 2 vòng đàm phán sau này do sự hình thành của các nước đang phát triển và cũng với mong muốn phát triển thương mại quốc tế, nhiều nước đang phát triển đã gia nhập GATT, nâng số lượng GATT lên 102 (năm 1979) và 123 nước (1994), các nước đang phát triển với tư cách là các nước tham gia GATT, cũng đã cam kết đưa hạng mục hàng hoá cam kết giảm thuế từ 21-73%. Tại Vòng đàm phán Tokyo, (1973-1979), do tình hình thương mại thế giới có nhiều thay đổi, nên một số lĩnh vực mới được bổ sung và đưa vào chương trình nghị sự của các cuộc đàm phán tại vòng Tokyo

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 10/11/2023