Thời Gian Ứ Đọng, Trì Trệ Và Dồn Nén


Sống mòn, một tiểu thuyết dài ngót ba trăm trang của Nam Cao đã thể hiện được cảm quan về thời gian và không gian gắn liền với cảm quan về con người và cuộc đời, gắn bó với ước mơ và lý tưởng của nhà văn.

3.3.1. Không gian chật chội, tù túng

Không gian nghệ thuật trong Sống mòn là nơi các nhân vật sống, hành động, suy nghĩ, và nó cũng là một hình tượng nghệ thuật biểu hiện cuộc sống tù túng, bế tắc, các nhân vật dường như bị giam hãm, tù túng trong những âu lo, từ miếng ăn và sự đối xử.

Không gian trong Sống mòn trước hết được hiện ra với hình ảnh ánh nắng chan hoà nơi ngôi trường ngoại ô thành phố mà Thứ, San và Oanh gửi gắm hoài bão, và bao ước nguyện tươi đẹp. Mở đầu Sống mòn: "Nắng chảy thành vũng trên sàn. Hai vũng sáng, trước cửa, nhỏ và mập mờ, cứ dần dần lan rộng thêm, rõ hình thêm. Sau cùng thì đã rõ ràng là hai cái hình chữ nhật có rọc đen. Một chút phản quang hắt lên trần, lên những bức tường quét vôi vàng và kẻ chỉ nâu. Nó hắt lên cả cái đi văng Thứ đang ngồi, khiến y nheo nheo mắt, nhìn lên. Mặt trời đã nhô lên hẳn". Đó là không gian thành phố Hà Nội với những buổi sáng tràn ngập ánh nắng. Nơi mà các nhân vật trí thức trong Sống mòn hướng tới nó với niềm hy vọng mong tìm thấy một lối thoát cho cuộc sống cùng quẫn, buồn chán và tẻ nhạt ở quê nhà. Thứ rất yêu nghề, mến trẻ. Y sẽ tổ chức lại cái trường. Y sẽ sửa sang lại cho nhà trường sạch sẽ hơn, văn minh hơn... Thế rồi cũng chính không gian ngôi trường tư thục ở ngoại ô đầy hy vọng, háo hức ấy đã khiến Thứ, San, Oanh phải ngoi ngóp, ngụp lặn trong bầu không khí sống mòn.

Vẫn là thứ không gian ánh nắng nhưng ở cuối tác phẩm Sống mòn, trên toa tầu đang kéo Thứ về quê khi trường vỡ, trời lại rất xanh trong: "Người ta không thể ước ao một buổi sáng đẹp hơn - Trời xanh lơ, tươi màu như vừa


quét sơn. Một vài túm mây trắng lửng lơ. Không gian như rộng quang ra. Ánh nắng chan hoà rực rỡ". Cái không gian ngời sáng ấy tương phản với cuộc sống của Thứ, đầy những lo âu, khát vọng đổ vỡ, cuộc đời bị chết dần chết mòn, như một quy luật, Thứ bị Hà Nội đuổi về xó nhà quê, đem theo cả sự nghèo đói, cả sự suy sụp về tinh thần lẫn thể xác. Về điểm này Gs. Phong Lê có những nhận xét thật sâu sắc: "thứ không gian ánh nắng mở đầu và kết thúc Sống mòn hiện lên như một sự thách thức với sự sống tinh thần, triền miên trong mù xám và heo hút dần bao choán suốt từ đầu đến cuối truyện".

Không gian thứ hai trong tác phẩm là không gian vùng nông thôn, những căn nhà nơi thôn dã... Khác với làng Đông Xá huyên náo, dồn dập tiếng trống thúc sưu trong Tắt đèn của Ngô Tất Tố, nông thôn trong Sống mòn có cái vẻ vắng lặng, hoang vu của một làng quê xơ xác, đói nghèo: "Làng y vẫn như xưa, khổ hơn xưa, vải Tây rẻ như bèo...". Từ không gian thành thị đến không gian làng quê, tuy địa điểm có khác nhau nhưng nhìn chung vẫn là không gian sống của những kiếp người nghèo khó. Làng quê thì vắng lặng, hoang vu, thành thị mà cụ thể là ở vùng ngoại ô Hà Nội, cũng chật chội, cũng lam lũ, ảm đạm không khác gì nhau. Đó là một phố nhem nhuốc, lổn nhổn đủ hạng người nghèo. Gian nhà ông Học vốn tối tăm, hai nhà giáo lại chỉ sinh hoạt ở đấy về đêm. Sự hiện diện của nhân vật u em nhà ông Học càng tăng thêm sự hiu hắt của đêm: "Mở cái cửa buồng ra, y thấy nhà ngoài vẫn còn đèn. Người u em vẫn ngồi vá áo dưới đất, ngay chỗ cửa ra, ngẩng mặt lên một thoáng rồi lại cúi xuống, im lặng vá. Thứ có cảm tưởng như thị vá, chỉ vì đêm dài quá, không sao ngủ hết, cũng như bà ngoại y thường bắt rận vào những đêm mùa rét, vì không ngủ được". Đây chính là nơi để các nhân vật trí thức gắn bó và mở rộng thêm những chiêm nghiệm về cuộc sống lầm than của lớp người ngoại ô.


Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 101 trang tài liệu này.

Không gian phòng trọ ẩm thấp, tối tăm nhà ông Học ám ảnh người đọc bởi một nỗi buồn trĩu nặng trước những chiêm nghiệm bế tắc về cuộc đời. Ở đó, các nhân vật trong Sống mòn thường miên man trong những suy nghĩ, lo toan, độc thoại nội tâm triền miên, âm thầm, chua chát. Các nhân vật cứ nằm ngay trên giường, trong căn buồng của mình mà suy ngẫm. Và qua dòng tâm tưởng của Thứ, người đọc thấy hiện ra không gian làng quê trong quá khứ; không gian ngôi nhà, làng xóm với những hình ảnh rất đỗi quen thuộc mà Thứ đã từng gắn bó. Đó là những kỉ niệm buồn, với những nỗi xót xa, trăn trở dằn vặt, hối hận đối với những người thân trong gia đình mình: "Y quý đồng tiền. Y lại thấy ngại đi tìm nhà trọ khác. Ở chỗ khác y sẽ phải trả nhiều tiền hơn bây giờ, có thể gấp hai. Số tiền gửi về nhà quê, số tiền để dành sẽ hụt đi. Vợ con y sẽ khổ thêm... Vả lại ở nhà quê, vợ và các con y, bố mẹ y chả ăn uống khổ sở hàng đời người rồi hay sao, còn có bao giờ họ được no xôi, chán chè lấy hai bữa, lấy vài tháng, còn có bao giờ họ biết mùi thịt cá luôn, hay cũng chỉ cơm hẩm, cá thiu thối?''[6; 581]. Đó là không gian căn nhà của Thứ ở quê, nắng úa vàngếât nhanh khi chiều về, lại gắn với biết bao kỷ niệm sầu tủi của một đôi vợ chồng trẻ qua nhanh tuổi thanh xuân và cả một đại gia đình không lúc nào hết lo âu vì túng đói. Gian nhà, vào những buổi trưa "bên ngoài nắng nhạt dần dần. Nắng úa vàng. Sức nắng giảm rất mau..." Đây là khoảng không gian hiếm hoi và ít ỏi để hai vợ chồng Thứ có dịp bên nhau mỗi khi chồng về quê, người vợ "nhổ cho chồng những sợi tóc sâu, hay là mựơn cớ thế để được ngồi nói chuyện với chồng... Họ nhìn nhau, như chưa bao giờ được chán nhìn nhau, những con mắt rất ảo não, rất ngậm ngùi như thương lẫn cho nhau, nói với nhau tất cả nỗi buồn mênh mông của đời mình". Và thêm nữa là hình ảnh bà ngoại "trủng trẳng ăn cơm nguội nhạt những buổi chiều"; hay "bẳn gắt, buồn rầu" vì cuộc đời luôn phải lo toan và túng đói. Tất cả đều là nỗi ám ảnh theo suốt cuộc đời Nam Cao.


Giá trị và vị trí của Sống mòn trong sự nghiệp viết của Nam Cao - 10

Không gian Sống mòn trở nên tù túng, chật hẹp hơn nữa, chủ yếu ở ngôi trường tư và căn buồng thuê trọ của hai nhà giáo. Những nhân vật trong Sống mòn dù đi đâu, dù làm gì thì cuối cùng cũng trở về ngôi nhà, với căn phòng riêng tư của mình. Chính không gian ngôi trường tư và căn phòng trọ ẩm thấp nhà ông Học là nơi để nhà văn dễ dàng khai thác triệt để những biến cố, sự kiện, những hành động, suy nghĩ trong cuộc sống hàng ngày. Trước hết là không gian chật hẹp ở cái trường tư ngoại ô Hà Nội. Những tiếng mắng nhiếc, hắt hủi, dằn vặt, khóc lóc hàng ngày đã làm mòn dần những rung động, những ước mơ của Thứ, San. Những xích mích vặt vãnh, những ghen tuông, giận hờn, đố kị nhỏ nhen của các nhân vật cũng được phơi bày hết. Do không vừa lòng với Oanh trong bữa ăn, San và Thứ cứ trộn đi trộn lại cái đĩa đựng thức ăn đã sạch như lau để trêu tức Oanh vì cô ta quá keo kiệt. Tiếp nữa là căn nhà ông Học với không gian ẩm thấp và tối tăm đượm buồn. "Thật ra thì trong nhà đã nhá nhem rồi. Bên ngoài cái cửa sổ sau, mầu xanh của bức giậu găng tây dâng lên đến sau lưng chừng của sổ, đã thẫm lại thành đen. Không gian xám màu tro - Và tít ngoài xa, đằng sau những đám lá me loáng thoáng như những mạng nhện đen, trên một nền trời bằng lặng, mấy vệt máu đỏ chết, cứ chết dần, đổi sang màu tím sẫm...". Đó là một thứ không gian tối tăm và mù xám cứ triền miên dai dẳng, tù hãm. Nó bị dồn nén đến mức ngột ngạt cộng với sự cô đơn, bế tắc, các nhân vật trong Sống mòn thường miên man trong những suy nghĩ, lo toan, độc thoại nội tâm triền miên, âm thầm, chua chát. Trong căn buồng này, Thứ thường nằm dài trên giường, suy nghĩ rất lung về cái kiếp sống mòn của mình: "Sống tức là cảm giác và tư tưởng. Sống cũng là hành động nữa, nhưng hành động chỉ là phần phụ: có cảm giác, có tư tưởng mới sinh ra hành động, bản tính cốt yếu của sự sống chính là cảm giác và tư tưởng...". Rồi đây cuộc sống của y sẽ "mốc lên, sẽ gỉ đi, sẽ mòn, sẽ mục ra". Các nhân vật của Nam Cao dường như muốn thoát ra khỏi cuộc sống ngột


ngạt, tù túng ấy nhưng đành bất lực. Không gian lúc này như một sợi dây vô hình thít chặt lấy con người. Nhân vật Thứ qua những suy ngẫm, dằn vặt, y hiểu khá rõ về tình trạng sống mòn của mình, nhưng lại cam chịu không dám đổi thay, ngồi trên con tàu từ Hà Nội về quê Thứ miên man nghĩ: "Trên những bãi sông kia, trong những làng mạc những khóm xanh kia có bao nhiêu người sống như y, không bao giờ dám cưỡng lại đời mình".

Có thể nói, dựng lên những khoảng không gian nghệ thuật chật chội, tù túng, ẩm thấp trong Sống mòn, Nam Cao muốn phản ánh chân thực một cuộc sống tù đọng, quẩn quanh, ngột ngạt đến mức không chịu nổi của xã hội Việt Nam những năm tiền Cách mạng. Đồng thời nhà văn như muốn đặt ra một câu hỏi đầy day dứt: "Liệu con người có khả năng thoát ra khỏi tình trạng Sống mòn không?"

3.3.2. Thời gian ứ đọng, trì trệ và dồn nén

Để thấm thía hơn ý vị mòn mỏi của đề tài Sống mòn, nhà văn đã khắc hoạ trong tác phẩm những mảng thời gian nghệ thuật ứ đọng, trì trệ và dồn nén.

Trước hết sự dồn nén thời gian trong Sống mòn chỉ gom lại trong hai cuộc chuyển nhà. Một là từ chỗ cũ ở ngoài phố trở về trường học được xen vào hồi ức; và bây giờ là từ trường chuyển sang nhà ông Học. Giữa hai cuộc chuyển nhà, kéo dài khoảng giữa năm học cho đến nghỉ hè, là cả một dung lượng sống rất rộng lớn. Đây là thời gian của sự hồi tưởng về toàn bộ tuổi trẻ và cũng là khoảng thời gian hiện thực hàng ngày của Thứ. Trước hết là thời gian thực tại, trong đó các nhân vật của Nam Cao dường như bị giam hãm, tù túng luẩn quẩn trong vòng những âu lo thường nhật: nhà cửa, miếng cơm, manh áo..."nhắp chén nước vừa nghĩ đến cái vị nhạt phèo của đời y. Làm đến chết người đó, chỉ được vài bữa ăn cơm rau đổ vào mồm rồi đêm ngủ một mình, tưởng nhớ đến vợ con, trong khi ở quê cũng vậy...". Cả thế giới nhân vật trong tiểu thuyết "bị áo cơm ghì sát đất" như bị xoáy sâu vào một miệng


hố luẩn quẩn của thời gian hàng ngày mòn mỏi, khiến cho thời gian trong tác phẩm như đông đặc lại: "Y có rất nhiều gánh nặng. Càng nhìn xa, y càng thấy đời y càng ngày càng thắt vào, càng chật chội thêm. Y chỉ có thể khổ hơn thế, không thể sướng ra... Y đúng như một con ngựa còm, cứ vừa mới ì ạch qua cái dốc này thì lại đến ngay cái dốc khác"[6; 580]. Và đối với Thứ, thời gian như chiếc bào đang bào mòn đi những ước mơ những lí tưởng của con người.

Đồng thời qua quan hệ với nhân vật Thứ, khoảng thời gian đó cũng là sự thâu tóm toàn bộ quá khứ, hiện tại và tương lai của gần như tất cả các nhân vật truyện, kể từ San, Đích, Oanh và những người thân sơ của họ, đến gia đình Mô – Hà, gia đình ông Học và những người chung quanh. Thứ đã từng chua chát vừa hằn học thốt lên: "Kiếp chúng mình tức lạ! Sao mà cái đời nó tù túng, nó chật hẹp, nó bần tiện thế! Không bao giờ dám nhìn cao một tí .v.v..." Hiện tại đối với Thứ mòn mỏi như vậy, nhưng tương lai còn thê thảm hơn nhiều: "Nhưng nay mai mới thật buồn. Y sẽ chẳng có việc gì làm, y sẽ ăn bám vợ. Đời y sẽ mốc lên, sẽ gỉ đi, sẽ mòn, sẽ mục ra ở một xó nhà quê. Người ta sẽ khinh y, vợ y sẽ khinh y, chính y sẽ khinh y. Rồi y sẽ chết mà chưa làm gì cả, chết mà chưa sống"[6; 746]. Đó là những quãng thời gian nặng nề u uất của nhà giáo Thứ, bên cạnh là cảnh sống đơn điệu, tẻ ngắt, nhàm chán của gia đình ông Học, ngày nào cũng vậy, cũng bằng ấy công việc...Vì thế thời gian trong gần ba trăm trang truyện bị dồn nén tạo nên một nhịp điệu chậm chạp, nặng nề, nhàm chán, mòn mỏi, ở đó đời sống nhân vật như bị tù đọng, ứ lại, nặng nề và u uất.

Nếu thời gian trong tiểu thuyết Tắt đèn của Ngô Tất Tố là thời gian tuyến tính thì thời gian trong Sống mòn của Nam Cao không theo tuyến tính. Ở tiểu thuyết này các bình diện thời gian luôn bị xáo trộn, đảo ngược do gắn liền với tâm trạng của nhân vật và sự xuất hiện của dòng thời gian hồi tưởng (về toàn bộ tuổi trẻ của Thứ). Kết thúc tiểu thuyết Sống mòn là cảnh Thứ


đứng tựa mạn tàu trong khung cảnh buổi sáng mà ''người ta không thể ao ước một buổi sáng đẹp hơn. Trời xanh lơ, tươi màu như vừa quét sơn. Một vài túm mây trắng ...". Thứ "nhìn lại đằng sau. Hà Nội lùi dần, lùi dần như muốn bỏ y. Đời y cũng lùi dần". Trong tâm trạng buồn chán và đầy tuyệt vọng ấy, những quãng đời của Thứ như cùng sống dậy, như cùng đồng hiện, loang loáng hiện ra trong tâm trí đã quá ư mệt mỏi của y, từ những ước mơ khi còn ngồi trên ghế nhà trường cho đến khi "Ra khỏi trường, y thấy mình gần như là một phế nhân", trải qua mấy năm sống ở Sài Gòn dẫu sao "cũng là một quãng đời đẹp của y". Tiếp đến là những năm sống ở Hà Nội, "y sống rụt rè hơn, sống sẻn so hơn, sống còm rom" nhưng chưa đến nỗi hỏng cả mười phần. "Nhưng nay mai mới thật buồn", đời y sẽ mục ra ở một xó nhà quê, "y sẽ chết mà chưa làm gì cả, chết mà chưa sống!". Thời gian không theo tuyến tính mà bị xáo trộn, đảo ngược đã làm cho cảnh ngộ và trạng thái tâm lý của nhân vật lần lượt xuất hiện rõ nét. Bên cạnh đó thời gian đồng hiện còn có khả năng dồn nén, chồng chất nhiều giai đoạn cuộc đời nhân vật trong cùng một thời điểm, góp phần khái quát cuộc sống, khái quát số phận, thể hiện tâm lý phong phú, phức tạp, đầy bí ẩn của con người ngay trong một khoảnh khắc. Trong Sống mòn, hầu như bất cứ một sự kiện gì diễn ra trong thời điểm hiện tại cũng là nguyên cớ để nhân vật Thứ quay về quá khứ, sống triền miên trong những dằn vặt, day dứt, buồn đau. Có thể nói, đây là khoảng thời gian không dễ bị chìm đi trong quá khứ, cũng không bị mờ đi vì ảo ảnh của tương lai mà hiện lên rất rõ ràng, cụ thể, sinh động, sâu sắc hơn vì mang theo cả cái chiều rộng và bề sâu thâm thẳm của cả quá khứ, hiện tại và tương lai cộng lại. Truyện ngắn Chí Phèo cũng vậy, mở đầu là đoạn văn vô cùng độc đáo "Hắn vừa đi vừa chửi...", sau đó là một quá khứ tủi nhục nhưng lương thiện, là quá trình lưu manh hoá, rồi đến sự thức tỉnh lương tri của Chí Phèo hiện ra rất rõ nhờ thủ pháp dồn nén thời gian của nhà văn. Cả cuộc đời với số phận đầy bi kịch của Chí Phèo chỉ vẻn vẹn trong thời gian tường thuật là 5 ngày. Đặc biệt ở đoạn kết của tác


phẩm, khi nghe tin Chí Phèo chết, Thị Nở nhìn lướt nhanh xuống bụng, trong óc thị thoáng hiện ra một chiếc lò gạch cũ bỏ không, xa nhà, và vắng người qua lại. Ở đây, quá khứ, hiện tại và tương lai như hoà làm một. Biết dừng lại ở thời điểm hiện tại của các sự kiện, khám phá tính chất phong phú, đa dạng của nó – khám phá thế giới bên trong, thế giới tâm hồn nhân vật đó là sở trường bút pháp Nam Cao.

Là một nghệ sĩ bậc thầy, Nam Cao đã sử dụng sáng tạo các yếu tố không gian và thời gian nghệ thuật. Trong Sống mòn, không gian chật chội và tù túng, ngột ngạt, thời gian bị dồn nén, không theo tuyến tính. Nhân vật trong tác phẩm từ hiện tại có thể quay về quá khứ hoặc hướng tới tương lai, thậm chí có những lúc xáo trộn cả không gian với thời gian. Mới đầu đọc Sống mòn ta có cảm giác câu chuyện quá rời rạc, phóng túng, tuỳ tiện "chuyện nọ xọ chuyện kia" nhưng tìm hiểu kĩ thực ra lại rất chặt chẽ. Bởi đó là những không gian của thế giới "sống mòn", thời gian của sự "chết mòn", bầu không khí của của một xã hội chết mòn, kiệt quệ, han rỉ về tinh thần, trong đó mỗi nhân vật là một kiểu sống mòn thê thảm. Do vậy đọc Sống mòn, ta có thể hình dung Nam Cao như đang đứng ở một tầm cao nào đó - tầm cao của tư tưởng - để quan sát và suy ngẫm, và bằng một tài năng nghệ thuật độc đáo đã làm hiển hiện lên thật cụ thể và sinh động cả một thế giới loài người đang ngụp lặn trong tình trạng Sống mòn. Gs. Phong Lê từng nhận xét về sự thu nhỏ, dồn nén của không gian, thời gian: "tạo hình ảnh và ám ảnh về một sự ngưng đọng, sự mòn rỉ, nó chính là tố chất để lấn át và làm tiêu mòn sự sống, để tạo nên nhịp điệu và giọng điệu thích hợp với Sống mòn". Đây là một trong những lí do để Sống mòn trở thành đỉnh cao trong sự nghiệp sáng tác của Nam Cao và đưa nhà văn lên vị trí là người kết thúc vẻ vang trào lưu văn học hiện thực Việt Nam trước 1945 .

Xem tất cả 101 trang.

Ngày đăng: 22/01/2024
Trang chủ Tài liệu miễn phí