giảm và khả năng thanh khoản giảm đều tác động đến chính sách cổ tức, làm cho tỷ lệ chi trả cổ tức sụt giảm.
Thứ hai, lãi suất thay đổi sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến giá trị thị trường của tài sản và các khoản nợ nhạy cảm với lãi suất. Chẳng hạn, khi lãi suất tăng thì giá trị của cả tài sản và nợ đều giảm, nhưng thông thường, tác động đến tài sản lớn hơn đối với nợ, dẫn đến sự sụt giảm về giá trị ròng. Mặc dù, những thay đổi này không tác động đến lợi nhuận, nhưng làm thay đổi trạng thái thanh khoản của ngân hàng do tính thanh khoản và giá trị thị trường của các tài sản sụt giảm qua đó làm giảm tỷ lệ chi trả cổ tức nếu chi trả cổ tức bằng tiền mặt hoặc chuyển sang phương thức chi trả cổ tức bằng cổ phiếu do ngân hàng phải giữ lại dòng tiền để dự phòng thanh khoản.
Khả năng tiếp cận các nguồn vốn, khả năng huy động vốn của ngân hàng sụt giảm sẽ tác động đến chính sách cổ tức bắt buộc ngân hàng phải giảm tỷ lệ chi trả cổ tức nếu chi trả cổ tức bằng tiền mặt hoặc chuyển sang phương thức chi trả cổ tức bằng cổ phiếu do ngân hàng phải giữ lại dòng tiền để dự phòng thanh khoản.
Tóm lại, lạm phát cao sẽ làm cho lãi suất trên thị trường tiền tệ tăng; khả năng thanh khoản, khả năng huy động vốn của ngân hàng giảm; việc tiếp cận các nguồn vốn tài trợ rất khó khăn. Các nhân tố này sẽ trực tiếp tác động đến chính sách cổ tức của ngân hàng. Chính sách cổ tức hợp lý trong giai đoạn này là giảm tỷ lệ chi trả cổ tức nếu chi trả cổ tức bằng tiền mặt hoặc chuyển sang phương thức chi trả cổ tức bằng cổ phiếu.
Xây dựng chính sách cổ tức trong điều kiện tỷ lệ lạm phát thấp: Ngược lại với chính sách cổ tức trong điều kiện tỷ lệ lạm phát cao, chính sách cổ tức hợp lý trong giai đoạn này là tăng tỷ lệ lợi nhuận dùng để chi trả cổ tức, chi trả cổ tức bằng tiền mặt và hạn chế chi trả cổ tức bằng cổ phiếu do những nguyên nhân sau:
Khả năng tiếp cận các nguồn vốn trên thị trường tiền tệ dễ dàng, ngân hàng có thể tiếp cận các nguồn vốn với chi phí rẻ hơn chi phí giữ lại lợi nhuận;
Áp lực về thanh khoản của ngân hàng không cao;
Việc chi trả cổ tức bằng cổ phiếu sẽ gây ra sự lo ngại về rủi ro pha loãng giá cổ phiếu.
Có thể bạn quan tâm!
- Chưa Quan Tâm Đến Vấn Đề Thanh Khoản Của Ngân Hàng
- Định Hướng Chiến Lược Phát Triển Ngành Ngân Hàng Việt Nam Đến Năm 2020:
- Nghiên Cứu Đặc Thù Ngân Hàng Khi Xây Dựng Chính Sách Cổ Tức
- Chính sách cổ tức cho các Ngân hàng Thương mại niêm yết tại Việt Nam: Thực trạng và giải pháp - 13
Xem toàn bộ 110 trang tài liệu này.
3.2.1.6 Xây dựng chính sách cổ tức dưới tác động của thị trường không hoàn hảo
Không hoàn hảo có thể kể đến là: thuế, chi phí phát hành, chi phí giao dịch, bất cân xứng thông tin và tâm lý của nhà đầu tư, ... các yếu tố này làm cho chính sách cổ tức có tác động đến giá trị của ngân hàng. Như vậy khi xây dựng chính sách cổ tức, ngân hàng phải xây dựng trong sự tác động của chúng sao cho giá trị của ngân hàng tăng lên.
Thuế:
Các quy định về thuế thu nhập hiện nay, đặc biệt Luật thuế thu nhập cá nhân có hiệu lực từ ngày 01/01/2009 có tác động mạnh đến chính sách cổ tức của doanh nghiệp, luật quy định cổ tức nhận được bằng cổ phiếu phải quy đổi ra tiền theo giá thị trường của cổ phiếu tại thời điểm cổ đông nhận chi trả, nếu cổ đông không thực hiện bán cổ phiếu nhận được mà giữ lại thì việc chi trả cổ tức bằng cổ phiếu sẽ làm giảm lợi ích của cổ đông, cụ thể cổ đông phải nộp thuế thu nhập cá nhân (20%) cao gấp 5 lần so với chi trả cổ tức bằng tiền mặt (5%). Tác động của thuế phức tạp đồng thời chính sách thuế lại hay thay đổi, vì vậy các nhà quản trị cần đứng ở nhiều góc độ khác nhau (góc độ của nhà đầu tư, cổ đông, doanh nghiệp,…) để có chính sách cổ tức phù hợp.
Nên chi trả hay giữ lại lợi nhuận?
Trả lời cho câu hỏi này trước hết phải xem xét đến nhu cầu vốn của ngân hàng trong thời gian tới. Theo lý thuyết trật tự phân hạng thì lợi nhuận giữ lại luôn được ưu tiên hàng đầu do tính sẵn có và chi phí rẻ nhất, mức độ rủi ro thấp. Nếu như ngân hàng có những cơ hội đầu tư hoặc cho vay với hiệu quả cao hoặc trong kế hoạch kỳ tới có những khoản chi vượt trội thì việc nhắm đến khoản lợi nhuận này phải được ban điều hành đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, chính sách cổ tức của ngân hàng không đơn giản như thế, nó còn có hàm ý thông tin. Một ngân hàng nếu không chi trả, hoặc không có mức chi trả cố định hay
không theo đuổi một chính sách cổ tức nhất quán có thể gây tác động đến các nhà đầu tư về triển vọng và khả năng sinh lời của ngân hàng. Ngoài ra, việc chi trả cổ tức còn đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhà đầu tư.
Trường hợp chi trả cổ tức bằng cổ phiếu: dưới tác động của thuế thu nhập đối với thu nhập từ chứng khoán, ta thấy nếu ngân hàng không chi trả cổ tức bằng tiền mặt mà chi trả bằng cổ phiếu, nhưng nhà đầu tư thực sự cần tiền mặt, họ sẽ bán cổ phần để nhận được lượng tiền mà mình mong muốn. Trong trường hợp này, nhà đầu tư phải chịu thiệt thòi vì lượng thuế phải nộp cho khoản lãi vốn sẽ cao hơn so với khi nộp thuế cho cùng mức cổ tức tiền mặt.
Trong trường hợp ngân hàng không chi trả cổ tức mà giữ lại để bổ sung vào nguồn vốn hoạt động thì trên góc độ thuế, quyết định này có hợp lý hay không còn tùy thuộc vào khả năng sinh lợi của ngân hàng và phương pháp tính thuế đối với lãi vốn mà nhà đầu tư chọn lựa.
Tóm lại, việc ưu tiên chọn chi trả cổ tức hay giữ lại lợi nhuận tùy thuộc vào nhiều yếu tố như nhu cầu vốn của ngân hàng trong năm tới, đòi hỏi tiền mặt của cổ đông, chính sách cổ tức mà ngân hàng đang theo đuổi. Tuy nhiên, nếu đứng dưới góc độ tìm phương cách nào để được lợi nhất về thuế, thiết nghĩ ngân hàng nên chi trả cổ tức nếu ngân hàng có mức sinh lời cao hơn 10%. Còn nhà đầu tư thì nên chọn phương pháp tính lãi vốn là 0,1% trên giá lúc chuyển nhượng.
Nếu chi trả thì nên chọn chi trả theo phương thức nào?
Hiện tại có hai phương thức chi trả cổ tức phổ biến là chi trả bằng tiền mặt và chi trả bằng cổ phiếu (thường gọi là cổ phiếu thưởng). Việc chi trả bằng cổ phiếu có đặc điểm là tiền mặt không đi khỏi ngân hàng mà về bản chất vẫn được bổ sung vào nguồn vốn hoạt động. Số tiền này được chuyển thành nguồn vốn cổ phần của ngân hàng. Một cách hoàn hảo, nghĩa là tất cả các nhà đầu tư đều nhận số cổ phiếu này và không chuyển nhượng cho ai, thì sau khi chi trả cổ tức bằng cổ phiếu, tỷ lệ nắm giữ vốn cổ phần ngân hàng của các cổ đông không thay đổi. Sự khác biệt của phương thức chi trả này so với giữ lại lợi nhuận không chi trả là số cổ phiếu được tăng lên và giá cổ phiếu được tính khi chi trả
bằng mệnh giá, do đó sẽ gây ra loãng giá nếu cổ phiếu ngân hàng đang có giá cao hơn mệnh giá.
Phương pháp chi trả cổ tức bằng cổ phiếu kết hợp với việc lựa chọn phương pháp tính thuế 0,1% trên giá chuyển nhượng có thể tối thiểu hóa mức thuế phải nộp, tạo lợi ích cao nhất cho nhà đầu tư. Phương pháp này còn có một lợi điểm rất thiết thực là góp phần gia tăng nguồn vốn hoạt động cho ngân hàng và tính thanh khoản cho cổ phiếu.
Vấn đề thông tin, chi phí đại diện:
Tình hình công bố và tiếp cận thông tin hiện nay còn nhiều hạn chế, niềm tin của các nhà đầu tư đối với công ty niêm yết nói chung và các ngân hàng niêm yết nói riêng chưa được xây dựng và củng cố có thể cho thấy sự bất cân xứng thông tin rất lớn giữa các nhà đầu tư và ban quản lý. Và chi phí đại diện đối với các ngân hàng niêm yết Việt Nam hiện nay là rất cao. Để tạo niềm tin cho cổ đông và giảm chi phí đại diện thì cổ tức bằng tiền mặt là phương tiện hữu hiệu nhất.
Chi phí phát hành cổ phiếu mới:
Việc phát hành cổ phiếu để huy động vốn thông qua thị trường chứng khoán hiện nay ở Việt Nam còn nhiều hạn chế. Các thủ tục, qui định làm mất nhiều thời gian, công sức của các tổ chức phát hành chứng khoán mới. Chi phí phát hành cao. Do đó, nếu ngân hàng niêm yết cần vốn chủ sở hữu để tài trợ cho các đầu tư mới của mình thì sử dụng lợi nhuận giữ lại hơn là phát hành cổ phần mới. Trong trường hợp này, chính sách không chi trả cổ tức hoặc trả cổ tức ở mức thấp sẽ được ưu tiên lựa chọn. Ở Việt Nam hiện nay thì các yếu tố thị trường tác động làm cho chính sách cổ tức cao tốt hơn, có ảnh hưởng mạnh hơn.
Trong ngắn hạn chính sách cổ tức nên áp dụng như sau:
Mức cổ tức ban đầu phải được cân nhắc kỹ lưỡng.
Tỷ lệ chi trả cổ tức có thể thay đổi nếu cần thiết.
Tránh việc giảm cổ tức tiền mặt định kỳ.
Chỉ tăng cổ tức khi chắc chắn rằng khoản tăng này có thể duy trì tiếp tục trong tương lai.
Trong dài hạn thì nên xây dựng theo hướng cổ tức là lợi nhuận còn lại nhưng mục tiêu ổn định cổ tức phải được ưu tiên hơn. Đối với các ngân hàng trong giai đoạn phát triển, nếu cần có thể phát hành cổ phiếu mới để huy động vốn nhằm duy trì cổ tức ổn định.
3.2.2 Giải pháp hỗ trợ về phía Ngân hàng Nhà nước
Các quy định, chính sách của Ngân hàng Nhà nước sẽ tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến chính sách cổ tức của các ngân hàng theo nhiều cách khác nhau. Cụ thể như quy định về tỷ lệ trích lập các quỹ sẽ tác động trực tiếp đến chích sách cổ tức của ngân hàng. Hiện nay, ngân hàng phải trích lập 2 loại quỹ theo quy định là:
(i) quỹ dự trữ bổ sung vốn cổ phần với tỷ lệ trích lập hàng năm là 5% lợi nhuận sau thuế, số dư tối đa của quỹ là bằng vốn cổ phần của ngân hàng; (ii) quỹ dự phòng tài chính với tỷ lệ trích lập hàng năm là 10% lợi nhuận sau thuế còn lại, số dư tối đa của quỹ là bằng 25% vốn cổ phần.
Bên cạnh đó thì các quy định, công cụ điều hành chính sách tiền tệ của NHNN thời gian qua cũng tác động đến lợi nhuận của ngân hàng qua đó tác động đến chính sách cổ tức, cụ thể như quy định về cấm kinh doanh vàng tài khoản, trần lãi suất cho vay, trần lãi suất huy động,… Các quy định này liên tục thay đổi là một trong những nguyên nhân khiến các ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng có quy mô nhỏ, không dự báo được lợi nhuận trong các năm tới dẫn đến các ngân hàng không thể hoạch định được chính sách cổ tức trong dài hạn.
Hơn nữa, quy định về mức vốn điều lệ tối thiểu ban hành theo Nghị định số 141/2006/NĐ-CP ngày 22/11/2006 của Chính phủ cũng đã tác động không nhỏ đến chính sách cổ tức của các ngân hàng trong thời gian qua. Trong điều kiện thị trường chứng khoán suy giảm, việc phát hành thêm cổ phần để tăng vốn điều lệ theo đúng quy định của các ngân hàng gặp rất nhiều khó khăn thì việc tận dụng nguồn lợi nhuận đạt được để tăng vốn điều lệ thông qua chi trả cổ tức bằng cổ phiếu là một phương án khả thi được các ngân hàng tính đến. Theo quy định của NHNN thì thời điểm các ngân hàng phải đạt mức vốn điều lệ tối thiểu là 3.000 tỷ VNĐ được lùi lại đến 31/12/2011 thay vì 31/12/2010.
Tóm lại, sự thay đổi trong các quy định, chính sách của NHNN đã tác động không nhỏ đến chính sách cổ tức của các ngân hàng trong thời gian qua. Do đó, để giúp các ngân hàng có thể xây dựng được chính sách cổ tức trong dài hạn thì NHNN cần phải:
Nhất quán trong các quy định, chính sách điều hành thị trường tiền tệ của mình nhằm tạo hành lang pháp lý, môi trường kinh doanh an toàn cho các ngân hàng;
Cần có lộ trình phù hợp khi ban hành những quy định, chính sách mới để các ngân hàng có thời gian thích nghi và giảm thiểu tác động đến hoạt động kinh doanh ngân hàng;
Tránh sự thay đổi các quy định, chính sách liên tục nhằm giúp các ngân hàng chủ động trong chiến lược kinh doanh của ngân hàng mình.
3.2.3 Giải pháp hỗ trợ về phía Chính phủ
3.2.3.1 Một số đề xuất hoàn thiện thuế thu nhập
Thuế thu nhập doanh nghiệp
Luật thuế TNDN ở các quốc gia đều quy định các doanh nghiệp phải thực hiện nghĩa vụ nộp thuế TNDN trên thu nhập mà doanh nghiệp thu được từ hoạt động sản xuất kinh doanh. Thuế suất thuế TNDN cao hay thấp đều ảnh hưởng đến phần lợi nhuận còn lại để chi cổ tức và tái đầu tư.
Ở Việt Nam, Luật thuế TNDN năm 1997, có hiệu lực từ 01/01/1999 đến 31/12/2003, Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp phổ thông là 32%. Luật thuế TNDN sửa đổi bổ sung năm 2003, có hiệu lực từ 01/01/2004 đến đến 31/12/2008, Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp giảm xuống còn 28%. Luật thuế TNDN sửa đổi đươc Quốc hội khóa XII thông qua thì kể từ 01/01/2009 đến nay, mức thuế suất thuế TNDN áp dụng ở mức 25%, giảm 3% so với mức cũ. Tuy nhiên, trong giai đoạn lạm phát tăng cao, chi phí đầu vào (lương, điện, xăng dầu, chi phí huy động vốn, chi phí vốn vay …) đều tăng trên 3% thì mức giảm này không còn ý nghĩa thúc đẩy doanh nghiệp gia tăng sản xuất.
Giảm thuế TNDN trước mắt sẽ làm giảm thu ngân sách nhưng về lâu dài giúp cho doanh nghiệp tăng lợi nhuận, hiệu quả thu thuế cũng cao hơn dẫn đến tăng thu ngân sách trong dài hạn. Giảm thuế TNDN là một trong các giải pháp làm giảm động cơ trốn thuế, gian lận thuế của các doanh nghiệp. Hơn nữa, giảm thuế tác động lên hoạt động đầu tư và qua đó đem lại lợi ích gián tiếp cho xã hội đáng kể. Thuế suất thuế TNDN ở Việt Nam hiện nay vẫn còn cao so với nhiều quốc gia và lãnh thổ trong khu vực; ví dụ: Singapore 19%, Hong Kong 15%,… Xu thế chung hiện nay của các nước trong khu vực và trên thế giới là mạnh dạn hạ thấp mức thuế suất thuế TNDN để thu hút đầu tư nước ngoài, tránh hiện tượng chuyển giá và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Thuế thu nhập cá nhân
Các vấn đề cần xem xét đối với chính sách Luật thuế TNCN như sau:
Về phương pháp tính thuế có hai điểm không phù hợp là:
Việc áp dụng hai phương pháp tính thuế đối với thu nhập từ chuyển nhượng vốn, một là mức thuế suất tỷ lệ thấp (không phải quyết toán) và một là thuế suất tương đối cao (theo phương pháp quyết toán), là không định hướng đến một hệ thống thuế tiên tiến và hiện đại. Điều quan trọng đối với thuế TNCN là nghĩa vụ thuế phải được xác định trên thu nhập mà người nộp thuế có được. Trong khi việc xác định thu nhập chịu thuế đối với hoạt động chuyển nhượng vốn hoàn toàn trong khả năng kiểm soát của cơ quan thuế thông qua SGDCK và các công ty chứng khoán. Do đó cần quy định duy nhất một phương pháp tính thuế trên thu nhập chịu thuế thực tế đạt được trong năm.
Việc áp dụng biểu thuế toàn phần cho thu nhập từ đầu tư vốn, thu nhập từ chuyển nhượng vốn cho thấy sắc thuế này cũng chưa tạo sự công bằng trong nghĩa vụ thuế cho các đối tượng nộp thuế theo khả năng của người nộp thuế. Nghĩa là đối tượng có thu nhập chịu thuế cao sẽ phải chịu mức thuế suất cao hơn. Do đó đề xuất xây dựng biểu thuế từng phần cho thu nhập từ đầu tư vốn.
Về thuế suất thuế TNCN: qua phân tích thực tế, ta thấy thuế suất thấp đối với cổ tức bằng tiền mặt và thuế suất cao trên lãi vốn, hoàn toàn không phù hợp với xu thế chung của thế giới, đặc biệt là không định hướng cho doanh nghiệp và nhà đầu tư quan tâm về một cấu trúc vốn tối ưu để gia tăng giá trị doanh nghiệp và lợi ích của cổ đông. Việc nghiên cứu biểu thuế suất thuế TNCN lũy tiến với thu nhập từ đầu tư vốn và chuyển nhượng vốn cũng là một nội dung cần có một công trình nghiên cứu khoa học.
3.2.3.2 Giải pháp hỗ trợ của Chính phủ để phát triển thị trường chứng khoán ổn định và bền vững
Sự phát triển ổn định và bền vững của thị trường chứng khoán Việt Nam đang là một trong những vấn đề lớn trong chiến lược vốn của Việt Nam từ nay đến 2020. Việt Nam đã là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), phát triển thị trường chứng khoán không chỉ có ý nghĩa về mặt chính trị mà còn c ả v ề m ặ t kinh tế vì Việt Nam hiện đang phát triển rất nhanh, cần rất nhiều vốn để phát triển kinh tế. Vì vậy, chứng khoán trở thành một kênh huy động vốn quan trọng. Thông qua thị trường chứng khoán, các doanh nghiệp n ói chun g v à ngân hàng nói r iêng có thể tìm được nguồn vốn mới cho sự phát triển của mình. Trong thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam cũng đã nhiều lần chỉ đạo và nhấn mạnh là thị trường chứng khoán cần phải phát triển một cách ổn định, bền vững và hiệu quả. Để TTCK phát triển ổn định, bền vững, Chính phủ cần:
Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, thực hiện các cam kết WTO một cách nghiêm túc, hoàn thiện thể chế thị trường tài chính nói chung và TTCK nói riêng, tổ chức và điều hành TTCK theo đúng chuẩn mực quốc tế, đảm bảo tính minh bạch công khai trong các hoạt động của thị trường và có thể kiểm soát được thị trường.
Tăng cường năng lực quản lý nhà nước bảo đảm sự quản lý linh hoạt, nhạy bén đối với thị trường chứng khoán. Nhà nước thực hiện điều chỉnh, điều tiết thị trường thông qua các chính sách, công cụ kinh tế tài chính - tiền tệ như