Kinh Nghiệm Quốc Tế Và Trong Nước Về Vận Dụng Marketing Địa Phương Để Phát Triển Du Lịch

Võ Minh Cảnh và cộng sự (2020) đã tiến hành phân tích thực trạng du lịch, phân tích môi trường bên trong và bên ngoài ảnh hưởng đến ngành du lịch và đề xuất chiến lược phát triển các hoạt động và dịch vụ du lịch phụ trợ cho TP. Cần Thơ, cùng các giải pháp thực hiện chiến lược. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, TP. Cần Thơ có nhiều tiềm năng và lợi thế phát triển du lịch nhưng vẫn còn những hạn chế nhất định, đó là: Thành phố thiếu những khu du lịch quy mô lớn; Các hoạt động vui chơi giải trí, mua sắm, hoạt động về đêm còn đơn điệu chưa đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch nên mức chi tiêu và thời gian lưu trú của họ tại Cần Thơ còn thấp; Phát triển du lịch của địa phương chủ yếu khai thác các điều kiện tự nhiên sẵn có, thiếu sự đầu tư bài bản và lâu dài. Từ những phân tích đó, tác giả đề xuất chiến lược phát triển các hoạt động và dịch vụ du lịch phụ trợ cho thành phố Cần Thơ với nội dung trọng tâm, gồm: Phát triển các hoạt động kinh tế ban đêm, tập trung chủ yếu vào hoạt động vui chơi giải trí, thư giãn, ẩm thực, âm nhạc, lễ hội, sự kiện; Phát triển các dịch vụ mua sắm du lịch bài bản và chuyên nghiệp. Các nhóm giải pháp được đề xuất thực hiện chiến lược, đó là: Xây dựng đề án phát triển kinh tế ban đêm và Phát triển thêm các tuyến phố chuyên doanh, nâng cấp các chợ đêm để phục vụ nhu cầu mua sắm của khách du lịch.

Đánh giá chung: Các nghiên cứu trước đây đã tập trung giải quyết các nội dung: phân tích thực trạng hoạt động du lịch, thực trạng marketing địa phương, phân tích môi trường bên trong và bên ngoài địa phương; từ đó, đề xuất chiến lược marketing địa phương nhằm phát triển du lịch và giải pháp thực hiện chiến lược marketing địa phương. Tuy nhiên, các nghiên cứu này chỉ vận dụng 4Ps, 7Ps của marketing hỗn hợp để phân tích thực trạng thực hiện marketing địa phương và đề xuất chiến lược marketing địa phương nhằm phát triển du lịch; hoặc đề xuất chiến lược marketing địa phương thông qua sử dụng các công cụ chiến lược marketing địa phương, gồm: chiến lược marketing hình ảnh địa phương, chiến lược marketing đặc trưng địa phương, chiến lược marketing cơ sở hạ tầng địa phương và chiến lược marketing con người của địa phương. Do đó, chưa thể hiện được đầy đủ tổng thể chiến lược marketing địa phương. Kế thừa các nội dung đã được đề cập trong các nghiên cứu trước đây, và đồng thời trong nghiên cứu này, tác giả mở rộng sử dụng 10 thành phần marketing địa phương để phân tích thực trạng thực hiện marketing địa phương của du lịch TP. Cần Thơ. Bên cạnh đó, đề xuất chiến lược marketing địa phương nhằm thúc đẩy phát triển du lịch TP. Cần Thơ, bao gồm: chiến lược marketing địa phương chủ yếu với việc phối hợp 10 thành phần marketing địa phương, và chiến lược marketing địa phương hỗ trợ thông qua sử dụng 4 chiến lược marketing địa phương, đó là: chiến lược marketing hình ảnh địa phương, chiến lược marketing đặc trưng địa phương, chiến lược marketing cơ sở hạ tầng địa phương và chiến lược marketing con người của địa phương.

2.2 KINH NGHIỆM QUỐC TẾ VÀ TRONG NƯỚC VỀ VẬN DỤNG MARKETING ĐỊA PHƯƠNG ĐỂ PHÁT TRIỂN DU LỊCH

2.2.1 Kinh nghiệm quốc tế

Vùng Ruhr - Nước Đức

Chương trình marketing địa phương

Thùy Dương và Trương Minh (2006) với bài viết về tiếp thị địa phương tại vùng Ruhr, nước Đức cho thấy những kinh nghiệm vận dụng marketing địa phương để phát triển kinh tế địa phương phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới.

Vùng Ruhr có diện tích 4.335 km2, dân số 5,3 triệu người, là một trong những khu vực lớn nhất của bang Nordhein-Westfallen, nước Đức. Từ thế kỷ XVIII, Ruhr trở thành khu công nghiệp lớn của Đức với mặt hàng chủ lực là than đá và sắt thép. Dân lao động khắp nơi đổ về đây theo nhu cầu lao động của các ngành công nghiệp khiến cả vùng lâm vào tình trạng quá tải. Những năm 1920, Ruhr bị ô nhiễm nặng nề, thất nghiệp triền miên. Trong ý nghĩ của người dân Đức lúc bấy giờ, Ruhr giống như một vết bẩn trên bản đồ. Ruhr cần một luồng gió mới, cần thu hút nhân công giỏi, nguồn tài trợ của chính phủ và vốn đầu tư nước ngoài.

Năm 1985, chiến dịch đầu tiên nhằm thay đổi hình tượng của Ruhr mang tên “Ruhr - một điểm sáng của nước Đức” đã được giới truyền thông tuyên truyền rộng khắp. Vùng Ruhr từ bỏ nền công nghiệp khai thác than đá, chuyển sang tập trung vào các ngành công nghiệp mới, dịch vụ và du lịch với 52 điểm tham quan hấp dẫn. Chiến dịch này đã thành công trong việc làm nổi bật hình ảnh khác hẳn của vùng Ruhr: độc đáo, bất ngờ và đầy lựa chọn. Đến những năm 1992, vùng Ruhr phát triển thành một khu văn hóa, giải trí và du lịch của Châu Âu. Những cuộc triển lãm nghệ thuật, hòa nhạc, hội chợ được tổ chức với số lượng và chất lượng đáng kinh ngạc. Trong vòng hai năm, báo chí trong và ngoài nước đã đặt cho vùng này cái tên “The European Event”. Năm 2007, Liên minh Châu Âu đã ra quyết định trao cho thành phố Essen thuộc vùng Ruhr danh hiệu “Thủ đô văn hóa” nhờ sự liên kết tuyệt vời các nền văn hóa của cộng đồng người nước ngoài sinh sống tại đây. Báo chí trong vùng đồng loạt đưa tin, Ruhr đã có thể tự hào về chỗ đứng của mình trên bản đồ nước Đức.

Kinh nghiệm học hỏi

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 264 trang tài liệu này.

- Sự thay đổi kịp thời trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương.

- Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến để tạo hình tượng mới về địa phương.

Chiến lược marketing địa phương nhằm thúc đẩy phát triển du lịch thành phố Cần Thơ - 5

- Chú trọng thu hút nhân tài và đầu tư nước ngoài.

- Phát triển nhiều điểm tham quan du lịch hấp dẫn.

Thủ đô Helsinki của Phần Lan

Chương trình marketing địa phương

Rainsito (2003) đã chỉ ra những thành công của thủ đô Helsinki trong việc vận dụng marketing địa phương để phát triển Helsinki thành một trung tâm kinh tế năng động ở Bắc Âu.

Chương trình marketing địa phương của Helsinki được khởi động thực hiện từ 01/01/1998 đến 31/12/2000 với sự hợp tác của chính quyền địa phương và nhiều tổ chức khác ở Helsinki nhằm thu hút đầu tư của các công ty và tổ chức nước ngoài, phát triển Helsinki thành trung tâm kinh tế năng động, an toàn và đáng tin cậy ở Bắc Âu. Một nhóm các nhà hoạch định chiến lược đã được thành lập, gồm 3 bộ phận chính: tư vấn định vị địa phương và đầu tư, truyền thông marketing và bộ phận quản lý sự kiện, hội chợ, triển lãm.

Các nhà tư vấn có nhiệm vụ tìm kiếm các nhóm khách hàng tiềm năng có ý định đầu tư vào Helsinki. Trong thời gian thực hiện chương trình, họ đã liên hệ với gần 3.000 doanh nghiệp, chủ yếu là ở Thụy Sĩ, Mỹ, Đức và các quốc gia ở Trung Âu. Các doanh nghiệp được chọn đều hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, môi trường và dịch vụ. Bên cạnh đó, các nhà tư vấn cũng thực hiện những hoạt động quảng bá thành phố Helsinki như tham gia vào công tác tư vấn, gặp gỡ các doanh nghiệp, nhà đầu tư quan tâm đến Helsinki tại các hội chợ bất động sản ở nước ngoài.

Bộ phận truyền thông marketing hợp tác với các tạp chí chuyên ngành của các nhà đầu tư nhằm giới thiệu những đặc điểm nổi bật của Helsinki. Các tạp chí của Anh, Đức, Mỹ, Nhật đã đặc biệt chú ý đến sự phát triển và tiềm năng của Helsinki. Thông qua các phương tiện truyền thông, Helsinki được biết đến có nền chính trị ổn định, cơ sở hạ tầng tốt, môi trường trong lành, dịch vụ tốt, trình độ công nghệ thông tin cao và là một trung tâm thương mại của Bắc Âu. Nơi đây cung cấp cơ sở thiết bị tốt cho các dự án đầu tư trực tiếp, cùng các giá trị gia tăng và là cầu nối tiếp cận an toàn với những thị trường khác. Những khẩu hiệu đã được Helsinki sử dụng là: “Trung tâm kinh tế mới của Bắc Âu”, “Hãy nhìn xa trông rộng và tiến hành kinh doanh ở bộ máy trung tâm của phía Bắc”.

Bộ phận tổ chức sự kiện, hội chợ, triển lãm thực hiện tổ chức các sự kiện truyền thông, gắn kết sự tham gia của nhiều tổ chức vào hoạt động của chương trình marketing địa phương như các cơ quan của Trung ương, địa phương, đại sứ quán, doanh nghiệp nước ngoài. Ngoài ra, họ cũng tích cực tham gia nhiều cuộc hội chợ, triễn lãm ở Châu Âu và Mỹ, tạo cơ hội tiếp cận những người quan tâm đến Helsinki.

Chương trình marketing địa phương của Helsinki đã thiết lập được những mối quan hệ và mạng lưới kinh doanh quốc tế với nhiều tổ chức có liên quan, từ Trung ương đến địa phương, doanh nghiệp, nhà tư vấn, nhà báo và các tập đoàn lớn. Chính vì thế, hoạt động marketing địa phương đã được thực hiện rất đồng bộ và hiệu quả. Các doanh nghiệp đánh giá cao sự hỗ trợ của chính quyền Helsinki đối với công việc kinh doanh của họ và mong muốn được tiếp tục hợp tác phát triển.

Kinh nghiệm học hỏi

- Thành lập một nhóm hoạch định chiến lược cho các hoạt động marketing địa phương.

- Phối hợp các chủ thể địa phương cùng tham gia thực hiện

- Chú trọng liên kết, hợp tác quốc tế để thu hút đầu tư.

- Tăng cường các hoạt động xúc tiến.

Singapore

Chương trình marketing địa phương phát triển du lịch

Chye and Lionel Yeo (2015) đã chỉ ra rằng, thành công của Singapore trong phát triển du lịch là do Singapore luôn biết tạo ra những điều mới mẻ, hấp dẫn để thu hút khách du lịch. Ngành du lịch Singapore rất chú trọng phát triển loại hình du lịch BTMICE. Năm 2015, Singapore đón tiếp khoảng 17 triệu khách du lịch và thu về gần 30 tỷ SGD. Phần lớn nguồn thu này là từ công nghệ du lịch BTMICE. Sự thành công trong công nghệ du lịch của Singapore nằm ở tầm nhìn chiến lược vĩ mô của chính quyền và sự phối hợp đồng bộ giữa các tổ chức, công ty và ý thức của từng người dân. Hai trung tâm lớn nhất phục vụ cho hoạt động hội nghị, triển lãm của Singapore là Suntec Singapore và Singapore EXPO. Suntec Singapore được mệnh danh là “thành phố hội nghị của châu Á” vì nó không chỉ để phục vụ cho hội nghị, triển lãm mà còn bao gồm nhiều dịch vụ khác. Đây là khối năm tòa nhà được

xây dựng như một cụm năm ngón tay trên bàn tay trái mà ở giữa lòng bàn tay là đài phun nước lớn nhất thế giới. Suntec Singapore rộng 75.000 m2 dành cho các hoạt động hội họp, 5.200 phòng khách sạn, 1.000 cửa hàng, 300 nhà hàng và một trung tâm trình diễn nghệ thuật hàng đầu thế giới. Singapore EXPO bao gồm sáu khu triển lãm, mỗi khu rộng 10.000 m2, có mười hội trường lớn và chín phòng họp, đây là một trong những trung tâm triển lãm hội nghị hàng đầu của khu vực. Không thỏa mãn với những thành quả đạt được, Singapore tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng cũng như nỗ lực quảng bá khắp thế giới để phục vụ cho mục tiêu phát triển BTMICE trong thời gian tới.

Ngoài ra, Singapore còn được biết đến như là một trung tâm mua sắm quốc tế. Các nhà cao tầng đều có vài tầng dưới là Siêu thị. Các khách sạn cũng có Siêu thị. Bên dưới các Khu Hội thảo quốc tế hết sức khang trang cũng gắn liền với Siêu thị bán các hàng hiệu; và có cả các chợ nhỏ bán hàng giá hạ. Người bán hàng luôn vui vẻ và lịch sự. Khắp nơi đều có chỗ đổi tiền nên rất thuận tiện cho khách du lịch mua sắm. Singapore cũng nổi tiếng với hệ thống giáo dục và y tế đạt đẳng cấp quốc tế. Học sinh Singapore học tiếng Anh từ bậc tiểu học, sách giáo khoa các cấp đều dựa vào giáo trình của các nước tiên tiến nên kiến thức được giảng dạy luôn cập nhật mới và hiện đại. Đại học Quốc gia Singapore và Đại học Bách khoa Nanyang là những trường danh tiếng nhất ở Singapore. Bên cạnh đó, Singapore còn tổ chức liên kết đào tạo với nhiều trường Đại học nổi tiếng ở nước ngoài. Trong những năm gần đây, Singapore còn nổi lên như một trung tâm khám chữa bệnh thu hút rất đông người nước ngoài. Thế mạnh này đã giúp Singapore khai thác hiệu quả loại hình du lịch học tập và chữa bệnh.

Kinh nghiệm học hỏi

- Phát triển ngành du lịch là một trong những trụ cột của nền kinh tế.

- Phối hợp các chủ thể địa phương cùng tham gia thực hiện du lịch.

- Đa dạng các loại hình du lịch.

- Chú trọng phát triển loại hình du lịch BTMICE mang tính đặc thù cho ngành du lịch Singapore.

- Phát triển các dịch vụ vui chơi giải trí.

- Phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật và kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch.

Thái Lan

Chương trình marketing địa phương phát triển du lịch

Lưu Thanh Đức Hải (2009) cho thấy, thành công trong phát triển du lịch của Thái Lan là nhờ Chính phủ đã có những quy hoạch, định hướng phát triển ngành du lịch rất bài bản. Chính phủ Thái Lan luôn có chiến lược nghiên cứu thị trường rất kỹ lưỡng và tùy từng thị trường mà có những cách tiếp cận phù hợp. Ngành du lịch Thái Lan đặt ra các tiêu chí về doanh thu, không sử dụng tiêu chí về số lượng khách du lịch. Vì vậy, các hoạt động quảng bá hướng đến khuyến khích khách du lịch tiêu tiền nhiều hơn, mua sắm mạnh mẽ hơn và đề cao Thái Lan trở thành trung tâm mua sắm và thư giãn với các khẩu hiệu, như: “Đến thăm Thái Lan”, “Thái Lan sửng sốt”, “Hạnh phúc trần gian”, “Thái Lan không thể quên”. Bên cạnh đó, Thái Lan chú trọng phát triển đa dạng các loại hình du lịch, như: du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch MICE, du lịch chữa bệnh, du lịch nông nghiệp, du lịch mua sắm; đồng thời

xây dựng các tour du lịch “không giá” vào mùa thấp điểm, mở rộng mạng lưới giao thông, khôi phục những giá trị truyền thống để tổ chức các sự kiện đặc biệt và giới thiệu các địa điểm du lịch mới, khuyến khích đầu tư nước ngoài vào du lịch, phát triển nguồn nhân lực, phát triển mạng lưới văn phòng đại diện tại các thị trường trọng điểm, tạo dựng một hình ảnh thương hiệu rõ ràng, phù hợp và lâu dài. Cùng với đó là cam kết của Chính phủ về mặt tổ chức, tài chính, chính sách và sự tham gia mạnh mẽ, tích cực của các doanh nghiệp và cộng đồng dân cư.

Kinh nghiệm học hỏi

- Nghiên cứu kỹ thị trường du lịch trước khi quy hoạch.

- Phát triển đa dạng các loại hình du lịch.

- Xây dựng các tour du lịch “không giá” vào mùa thấp điểm.

- Phát triển mạng lưới văn phòng đại diện tại các thị trường trọng điểm.

- Tăng cường các hoạt động xúc tiến du lịch.

- Khuyến khích đầu tư nước ngoài vào du lịch.

- Phát triển nguồn nhân lực.

- Phối hợp các chủ thể địa phương cùng tham gia thực hiện du lịch.

- Xây dựng hình tượng và thương hiệu cho du lịch Thái Lan.

Malaysia

Chương trình marketing địa phương phát triển du lịch

Việt Hà (2013) đã chỉ ra những kinh nghiệm thu hút khách quốc tế mà Malaysia đã áp dụng thành công, đó là: khai thác ba nét nổi bật nhằm tạo nên sự độc đáo và hấp dẫn để phát triển du lịch. Đầu tiên, Malaysia là một quốc gia đa dân tộc, sự pha trộn nhiều nền văn hóa khác nhau tạo nên một bản sắc văn hóa rất riêng. Với hơn 60% dân số theo đạo Hồi, những nét văn hóa đạo Hồi của Malaysia mang đến trải nghiệm thú vị cho khách du lịch. Bên cạnh đó, Malaysia còn có văn hóa ẩm thực đặc sắc và nhiều điểm đến hấp dẫn. Khách du lịch có thể thỏa sức khám phá vẻ đẹp đích thực của châu Á từ các thành phố sang trọng, rừng cây nhiệt đới cho đến những vùng núi cao, cao nguyên hoang sơ, bãi biển đẹp. Đặc biệt, nét nổi bật của du lịch Malaysia là các sản phẩm du lịch đa dạng, đẳng cấp quốc tế với mức giá cạnh tranh. Nổi bật là du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, thể thao mạo hiểm, các địa điểm mua sắm. Malaysia cũng đẩy mạnh phát triển các sản phẩm du lịch mới, như: du lịch chữa bệnh, du lịch giáo dục và du lịch MICE nhằm thu hút đông đảo khách du lịch khắp nơi trên thế giới.

Kinh nghiệm học hỏi

- Sản phẩm du lịch đa dạng.

- Chú trọng phát triển các sản phẩm du lịch mới.

- Phát triển dịch vụ vui chơi giải trí.

- Mức giá cạnh tranh.

2.2.2 Kinh nghiệm trong nước

Hà Nội

Chương trình marketing địa phương phát triển du lịch

Hà Nội, thành phố nghìn năm tuổi với bề dày truyền thống văn hóa và lịch sử, được tổ chức Unesco trao tặng danh hiệu “Thành phố vì hòa bình” năm 1999. Đây là một hình tượng đẹp mà Hà Nội đã sử dụng để marketing thông qua nhiều hoạt động, như: tổ chức cuộc thi “Hà Nội điểm hẹn của bạn” dành cho người nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài, thi vẽ tranh quốc tế vì hòa bình, liên hoan ca múa nhạc “Âm vang thành phố vì hòa bình”, liên hoan ẩm thực quốc tế dành cho cán bộ nữ của các tổ chức quốc tế đang công tác tại Hà Nội.

Hà Nội có nhiều điểm đến hấp dẫn thu hút khách du lịch, như: hệ thống các bảo tàng, chùa chiền phong phú, các làng nghề truyền thống, sự tươi đẹp, yên bình của Hồ Gươm, sự tấp nập giản dị của khu phố cổ với 36 phố phường. Nhiều tên phố bắt đầu bằng từ “Hàng”, nổi tiếng nhất là Hàng Gai với vải tơ lụa và sản phẩm bằng bạc, Hàng Quạt với đồ cúng và quần áo, Hàng Mã với sản phẩm bằng giấy bóng, và Lãn Ông với sản phẩm thảo dược. Phố nào cũng ồn ào, náo nhiệt cảnh mua bán, lao động như một làng nghề thu nhỏ. Những đặc trưng nổi bật này là trọng tâm trong những chiến dịch quảng bá địa phương của Hà Nội.

Theo Hà Văn Hội và Vũ Quang Kết (2010), để phát triển du lịch, chính quyền thành phố đã ban hành các chính sách ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng các điểm, khu du lịch trọng điểm; chính sách hỗ trợ thuế đối với sản xuất hàng lưu niệm; chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư kinh doanh du lịch, nhất là đầu tư phát triển các khu vui chơi giải trí hiện đại, các công viên chuyên đề. Tăng cường hỗ trợ tài chính và xã hội hóa hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch. Tập trung nguồn lực cho đầu tư phát triển sản phẩm du lịch đặc thù tại các khu du lịch quốc gia, điểm du lịch quốc gia và các khu, điểm du lịch trọng điểm. Nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng hóa sản phẩm du lịch gắn với phát triển mạng lưới các đại lý, văn phòng du lịch, phát triển nguồn nhân lực.

Kinh nghiệm học hỏi

- Xây dựng hình tượng địa phương.

- Tăng cường các hoạt động xúc tiến du lịch.

- Xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật và hệ thống kết cấu hạ tầng du lịch.

- Xây dựng các chính sách liên quan đến đầu tư phát triển du lịch, chính sách đối với doanh nghiệp, dân cư địa phương tham gia hoạt động du lịch.

- Đa dạng các loại hình du lịch và nâng cao chất lượng dịch vụ.

- Phát triển mạng lưới các đại lý, văn phòng du lịch.

- Phát triển nguồn nhân lực.

Thành phố Hồ Chí Minh

Chương trình marketing địa phương phát triển du lịch

Theo Hồ Đức Hùng và cộng sự (2005), trong chiến lược marketing địa phương phát triển du lịch thành phố Hồ Chính Minh, UBND thành phố đã tổ chức phối hợp giữa các cơ quan, ban ngành, doanh nghiệp tích cực triển khai thực hiện nhiều hoạt động quảng bá du lịch tại châu Á và châu Âu. Các thông tin và hình ảnh du lịch thành phố được giới thiệu đến khách du lịch qua các phương tiện thông tin đại chúng và nhiều website riêng của doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp cũng đã thành lập văn phòng đại diện ở nước ngoài. Công tác phối hợp giữa cơ quan quản lý Nhà nước và các doanh nghiệp, giữa ngành du lịch thành phố và các ban ngành liên quan, cũng như với địa phương lân cận ngày càng mang tính đồng bộ.

Kinh nghiệm học hỏi

- Phát triển mạng lưới các đại lý, văn phòng du lịch.

- Tăng cường các hoạt động xúc tiến du lịch.

- Thực hiện liên kết, hợp tác với các địa phương khác để phát triển du lịch.

- Phối hợp các chủ thể địa phương cùng tham gia thực hiện du lịch.

Vĩnh Long

Chương trình marketing địa phương phát triển du lịch

Theo Nguyễn Văn Hiến và cộng sự (2015), trong chiến lược marketing địa phương phát triển du lịch tỉnh Vĩnh Long, tỉnh đã có những chương trình, hoạt động thiết thực nhằm đưa hình ảnh, con người, tài nguyên, đặc trưng nổi bật của địa phương đến với khách du lịch. Tỉnh đã xây dựng các tour du lịch đặc trưng của Nam Bộ, trong đó khách du lịch được tiếp cận nhà dân, tìm hiểu cuộc sống sinh

Xem tất cả 264 trang.

Ngày đăng: 29/03/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí