nghiệp chưa trương xứng với yêu cầu của ngành và mong muốn của khách du lịch; Công tác bảo vệ tài nguyên và môi trường du lịch chưa được chú trọng đúng mức. Bên cạnh đó, bối cảnh hiện nay, thế giới và Việt Nam chịu tác động rất lớn của đại dịch Covid-19, ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực du lịch. Do vậy, phát triển du lịch, trong đó chú trọng kích cầu du lịch nội địa rất quan trọng để phát triển du lịch trong nước. Xuất phát từ thực tiễn đó, để ngành du lịch TP. Cần Thơ phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn rất cần thiết thực hiện marketing địa phương. Nghiên cứu này tiếp cận marketing địa phương theo hướng phân tích, đánh giá thực trạng marketing địa phương của du lịch thành phố Cần Thơ thời gian qua và từ đó đề xuất “Chiến lược marketing địa phương nhằm thúc đẩy phát triển du lịch thành phố Cần Thơ”. Đề tài có ý nghĩa khoa học và thực tiễn đóng góp tích cực vào phát triển du lịch thành phố Cần Thơ trong thời gian sắp tới.
1.2 MỤC TIÊU NGHIÊN CỨU
1.2.1 Mục tiêu chung
Đề tài được thực hiện với mục tiêu xây dựng và lựa chọn chiến lược marketing địa phương nhằm thúc đẩy phát triển du lịch thành phố Cần Thơ.
1.2.2 Mục tiêu cụ thể
- Phân tích các thành phần marketing địa phương ảnh hưởng đến phát triển du lịch thành phố Cần Thơ;
- Phân tích môi trường marketing địa phương nhằm xác định các yếu tố bên trong và bên ngoài địa phương ảnh hưởng đến phát triển du lịch thành phố Cần Thơ;
- Xây dựng và lựa chọn chiến lược marketing địa phương nhằm thúc đẩy phát triển du lịch thành phố Cần Thơ;
- Đề xuất các giải pháp thực hiện chiến lược marketing địa phương.
1.3 CÂU HỎI NGHIÊN CỨU
Có thể bạn quan tâm!
- Chiến lược marketing địa phương nhằm thúc đẩy phát triển du lịch thành phố Cần Thơ - 1
- Chiến lược marketing địa phương nhằm thúc đẩy phát triển du lịch thành phố Cần Thơ - 2
- Tóm Tắt Các Thành Phần Marketing Địa Phương Ảnh Hưởng Đến Ptdl
- Kinh Nghiệm Quốc Tế Và Trong Nước Về Vận Dụng Marketing Địa Phương Để Phát Triển Du Lịch
- Tổng Kết Kinh Nghiệm Quốc Tế Và Trong Nước
Xem toàn bộ 264 trang tài liệu này.
- Các thành phần marketing địa phương ảnh hưởng như thế nào đến phát triển du lịch thành phố Cần Thơ?
- Những yếu tố môi trường bên trong và bên ngoài địa phương tác động như thế nào đến phát triển du lịch thành phố cần Thơ? Đâu là điểm mạnh - điểm yếu và cơ hội - thách thức của du lịch thành phố Cần Thơ?
- Những chiến lược marketing địa phương nào được lựa chọn nhằm thúc đẩy phát triển du lịch thành phố Cần Thơ?
- Giải pháp nào được đề xuất nhằm thực hiện chiến lược marketing địa phương đã đề ra?
1.4 ĐỐI TƯỢNG NGHIÊN CỨU VÀ KHẢO SÁT
1.4.1 Đối tượng nghiên cứu
Đề tài tập trung nghiên cứu các yếu tố môi trường marketing địa phương, bao gồm môi trường bên trong và bên ngoài địa phương; từ đó đề xuất chiến lược marketing địa phương nhằm thúc đẩy phát triển du lịch thành phố Cần Thơ.
1.4.2 Đối tượng khảo sát
Đối tượng mà đề tài tập trung tiếp cận để thực hiện khảo sát, gồm: (1) Khách du lịch nội địa và khách du lịch quốc tế đã trải nghiệm các điểm đến du lịch tại TP. Cần Thơ; (2) Cán bộ quản lý nhà nước; (3) Doanh nghiệp du lịch; (4) Dân cư địa phương và (5) Chuyên gia trong lĩnh vực du lịch.
1.5 PHẠM VI NGHIÊN CỨU
1.5.1 Phạm vi không gian
Đề tài được thực hiện trên phạm vi địa bàn TP. Cần Thơ, đồng thời so sánh với một số đối thủ cạnh tranh trong lĩnh vực du lịch là những địa phương khác ở khu vực ĐBSCL và các thành phố trực thuộc Trung ương.
1.5.2 Phạm vi thời gian
- Dữ liệu thứ cấp: Dữ liệu thứ cấp liên quan đến hoạt động du lịch TP. Cần Thơ được cập nhật đến năm 2020. Dữ liệu thứ cấp về tình hình kinh tế TP. Cần Thơ được cập nhật đến năm 2020. Dữ liệu về tình hình dân số, lao động của TP. Cần Thơ và các địa phương khác được cập nhật đến năm 2019.
- Dữ liệu sơ cấp: Thực hiện khảo sát 35 chuyên gia lần 1 nhằm hoàn thiện các thành phần marketing địa phương ảnh hưởng đến phát triển du lịch trong tháng 6 năm 2019. Thực hiện khảo sát 35 chuyên gia lần 2 nhằm hoàn thiện các biến quan sát của từng thành phần marketing địa phương ảnh hưởng đến phát triển du lịch trong tháng 7 năm 2019. Thực hiện khảo sát sơ bộ 300 khách du lịch đến tham quan du lịch tại TP. Cần Thơ nhằm kiểm định thang đo sơ bộ trong thời gian từ tháng 8 đến 12/2019. Thực hiện khảo sát chính thức các nhóm đối tượng, gồm: Khách du lịch nội địa và khách du lịch quốc tế đã trải nghiệm các điểm đến du lịch tại TP. Cần Thơ; Cán bộ quản lý nhà nước; Doanh nghiệp du lịch; Dân cư địa phương và Chuyên gia trong lĩnh vực du lịch trong thời gian từ tháng 01 đến 06/2020.
- Chiến lược marketing địa phương nhằm thúc đẩy phát triển du lịch TP. Cần Thơ và các giải pháp thực hiện chiến lược marketing địa phương được đề xuất cho giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030.
1.5.3 Phạm vi nội dung
Marketing địa phương là một kế hoạch toàn diện và đồng bộ để quảng bá những đặc trưng nổi bật của địa phương nhằm thu hút dân cư, thu hút đầu tư, phát
triển du lịch và phát triển xuất khẩu. Trong phạm vi đề tài này chỉ tập trung nghiên cứu về marketing địa phương đối với lĩnh vực phát triển du lịch, trường hợp cụ thể tại thành phố Cần Thơ. Theo đó, các nội dung nghiên cứu, bao gồm: Đánh giá thực trạng hoạt động du lịch thành phố Cần Thơ thời gian qua, về lượt khách du lịch, ngày khách lưu trú, doanh thu du lịch; Phân tích môi trường bên trong địa phương, gồm: hệ thống cơ sở vật chất - hạ tầng phục vụ du lịch, tài nguyên du lịch, nguồn lực về lao động, đầu tư phát triển du lịch, quản lý nhà nước về du lịch và hoạt động marketing địa phương; Phân tích môi trường bên ngoài địa phương, gồm: chính phủ và chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, tự nhiên và công nghệ - kỹ thuật, phân tích so sánh với các địa phương trong vùng ĐBSCL, phân tích so sánh với các thành phố trực thuộc Trung ương trong phát triển du lịch, phân tích đặc điểm và nhu cầu của khách du lịch. Qua đó, xác định điểm mạnh - điểm yếu, cơ hội - nguy cơ của du lịch thành phố Cần Thơ. Trên cơ sở đó, xây dựng chiến lược marketing địa phương nhằm thúc đẩy phát triển du lịch thành phố Cần Thơ và đề xuất các giải pháp thực hiện chiến lược marketing địa phương.
1.6 Ý NGHĨA KHOA HỌC VÀ THỰC TIỄN
1.6.1 Ý nghĩa khoa học
Đề tài khai thác những vấn đề lý luận liên quan đến marketing địa phương ở lĩnh vực du lịch và kế thừa kết quả các nghiên cứu thực nghiệm có liên quan để vận dụng vào điều kiện đặc thù tại TP. Cần Thơ. Kết quả nghiên cứu của đề tài đã góp phần vào việc xây dựng hệ thống thang đo phù hợp, đo lường ảnh hưởng của các thành phần marketing địa phương đến phát triển du lịch, với trường hợp cụ thể tại TP. Cần Thơ. Đây là tài liệu tham khảo cho các nghiên cứu có liên quan đến marketing địa phương nhằm phát triển du lịch địa phương.
1.6.2 Ý nghĩa thực tiễn
Đề tài có những đóng góp thực tiễn trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương cũng như làm cơ sở cho các cấp lãnh đạo trong việc quy hoạch, tổ chức, quản lý và khai thác có hiệu quả những tiềm năng du lịch của TP. Cần Thơ. Đồng thời, các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn thành phố có thể tham khảo làm cơ sở định hướng hoạt động kinh doanh, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch TP. Cần Thơ.
1.7 KẾT CẤU CỦA ĐỀ TÀI
Ngoài phần tài liệu tham khảo và phụ lục, kết cấu của đề tài gồm 5 chương.
Chương 1: Giới thiệu. Chương này trình bày tổng quan về sự cần thiết nghiên cứu của đề tài, mục tiêu nghiên cứu, câu hỏi nghiên cứu, đối tượng nghiên cứu và khảo sát, phạm vi nghiên cứu, ý nghĩa khoa học và thực tiễn của đề tài, tóm lược kết cấu của đề tài.
Chương 2: Tổng quan tài liệu. Trong chương này, tác giả lược khảo và đánh giá các công trình nghiên cứu thực nghiệm có liên quan đến đề tài nghiên cứu; từ đó xác định khoảng trống nghiên cứu và điểm mới của đề tài. Bên cạnh đó, chương 2 cũng trình bày và tổng kết kinh nghiệm quốc tế và trong nước về vận dụng marketing địa phương để phát triển du lịch.
Chương 3: Cơ sở lý thuyết và phương pháp nghiên cứu. Chương này trình bày cơ sở lý thuyết, phương pháp nghiên cứu, kỹ thuật nghiên cứu và quy trình nghiên cứu của đề tài. Về cơ sở lý thuyết, trình bày lý thuyết về phát triển kinh tế địa phương, lý thuyết về marketing địa phương, lý thuyết về du lịch và phát triển du lịch, mối quan hệ giữa marketing địa phương và phát triển du lịch. Về phương pháp nghiên cứu, bao gồm: nghiên cứu định tính và nghiên cứu định lượng; cùng với mô hình nghiên cứu chính thức và các giả thuyết nghiên cứu được hình thành từ kết quả nghiên cứu sơ bộ, định tính và định lượng. Về kỹ thuật nghiên cứu, trình bày kỹ thuật thu thập dữ liệu và kỹ thuật, công cụ phân tích. Cuối cùng, hệ thống hóa trình tự các bước thực hiện đề tài thông qua quy trình nghiên cứu.
Chương 4: Kết quả nghiên cứu và thảo luận. Trước tiên, chương này trình bày về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội và thực trạng hoạt động du lịch thành phố Cần Thơ thời gian qua. Nội dung tiếp theo thực hiện phân tích môi trường bên trong địa phương và môi trường bên ngoài địa phương. Các yếu tố môi trường bên trong địa phương, bao gồm: hệ thống cơ sở vật chất - hạ tầng phục vụ du lịch, tài nguyên du lịch, nguồn lực về lao động, đầu tư phát triển du lịch, quản lý nhà nước về du lịch và hoạt động marketing địa phương. Kết quả phân tích môi trường bên trong địa phương giúp xác định các điểm mạnh và điểm yếu của du lịch TP. Cần Thơ. Môi trường bên ngoài địa phương, gồm có: môi trường vĩ mô và môi trường vi mô. Trong môi trường vĩ mô, đề tài tập trung phân tích các nhân tố ảnh hưởng về chính phủ và chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, tự nhiên và công nghệ - kỹ thuật. Các nhân tố của môi trường vi mô được phân tích trong đề tài này là cạnh tranh giữa các địa phương trong lĩnh vực du lịch, đặc điểm và nhu cầu của thị trường du lịch. Kết quả phân tích môi trường bên ngoài địa phương giúp nhận dạng và dự đoán cơ hội, nguy cơ của du lịch TP. Cần Thơ. Tiếp theo, xác định tầm nhìn, sứ mạng và mục tiêu của du lịch TP. Cần Thơ. Bước kế tiếp, sử dụng ma trận điểm mạnh - điểm yếu, cơ hội - nguy cơ (SWOT) để hình thành chiến lược. Sau đó, sử dụng ma trận định lượng hoạch định chiến lược (QSPM) để lựa chọn chiến lược ưu tiên thực hiện. Trên cơ sở đó, đề xuất chiến lược marketing địa phương, tổ chức thực hiện chiến lược marketing địa phương, chương trình hành động và giải pháp thực hiện chiến lược marketing địa phương nhằm thúc đẩy phát triển du lịch TP. Cần Thơ
Chương 5: Kết luận và kiến nghị. Chương này trình bày các kết luận của đề tài, kiến nghị của tác giả; đồng thời nêu lên những hạn chế của đề tài và hướng nghiên cứu tiếp theo.
CHƯƠNG 2
TỔNG QUAN TÀI LIỆU
2.1 CÁC NGHIÊN CỨU VỀ MARKETING ĐỊA PHƯƠNG LĨNH VỰC PHÁT TRIỂN DU LỊCH
2.1.1 Về các thành phần marketing địa phương ảnh hưởng đến PTDL
Các nghiên cứu ở nước ngoài
Nghiên cứu về marketing địa phương ở khía cạnh ngành du lịch hay marketing điểm đến (Destination) du lịch đã được nhiều tác giả thực hiện trong các nghiên cứu trước đây thông qua vận dụng các công cụ của marketing hỗn hợp. Kadhim et al. (2016) thực hiên khảo sát 123 khách du lịch đã ghi nhận, cả bảy thành phần marketing: sản phẩm, giá cả, phân phối, xúc tiến, con người, quy trình và điều kiện vật chất đều có ảnh hưởng đến ngành du lịch Malaysia. Trong đó, thành phần sản phẩm ảnh hưởng mạnh nhất. Những phát hiện của nghiên cứu rất hữu ích đối với ngành du lịch Malaysia để tập trung vào việc cải thiện các thành phần marketing hỗn hợp khi thiết kế chiến lược marketing địa phương. Gilaninia and Mohammadi (2015) thông qua khảo sát 211 khách du lịch để đánh giá ảnh hưởng của các thành phần marketing hỗn hợp đến phát triển ngành công nghiệp du lịch tỉnh Guilan, Iran. Kết quả nghiên cứu đã xác định năm trong bảy thành phần marketing: sản phẩm, giá cả, xúc tiến, con người và quy trình có ảnh hưởng đến phát triển ngành công nghiệp du lịch tỉnh Guilan, Iran; trong khi đó, địa điểm và môi trường dịch vụ không có ảnh hưởng. Magatef (2015) chỉ ra rằng cả bốn thành phần marketing: sản phẩm, giá cả, phân phối và xúc tiến đều có ảnh hưởng tích cực đến sự hài lòng của khách du lịch và qua đó góp phần phát triển ngành công nghiệp du lịch của địa phương, trong đó thành phần sản phẩm và xúc tiến ảnh hưởng mạnh nhất. Özer (2012) thực hiện khảo sát 260 khách du lịch nước ngoài đến tham quan du lịch tại Dalyan, Thổ Nhĩ Kỳ nhằm đánh giá ảnh hưởng của các thành phần marketing hỗn hợp đến lựa chọn điểm đến của khách du lịch. Kết quả nghiên cứu cho thấy, mức độ ảnh hưởng của các thành phần marketing theo thứ tự quan trọng là: sản phẩm, giá cả, phân phối, con người, điều kiện vật chất, chương trình, hợp tác và xúc tiến. Muala and Qurneh (2012) đã vận dụng các thành phần marketing hỗn hợp vào phân tích hoạt động marketing ngành du lịch ở Jordan và đã xác định, các thành phần: sản phẩm, giá cả, nhân viên và địa điểm có ảnh hưởng tích cực thu hút khách du lịch đến với địa
phương. Sarker et al. (2012) đã xác định sáu trong bảy thành phần marketing: sản phẩm, phân phối, xúc tiến, con người, quy trình và điều kiện vật chất có tác động tích cực đến thu hút khách du lịch của điểm đến, riêng giá cả bị áp đặt bởi chính quyền là không thỏa đáng cho khách du lịch.
Bên cạnh đó, một số nghiên cứu về marketing điểm đến du lịch đã tập trung khai thác các thuộc tính tạo nên sức hấp dẫn của điểm đến giúp phát triển ngành du lịch của địa phương. Chye and Yeo (2015) đã chỉ ra rằng, một trong những nhân tố quan trọng giúp ngành du lịch Singapore phát triển, đó là: Chính sách phát triển du lịch của quốc gia, xem phát triển ngành du lịch là một trong những trụ cột của nền kinh tế. Bên cạnh đó, Singapore chú trọng đa dạng các loại hình du lịch, trong đó tập trung phát triển loại hình du lịch BTMICE mang tính đặc thù cho ngành du lịch Singapore; đồng thời phát triển các dịch vụ vui chơi giải trí, cơ sở vật chất kỹ thuật và kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch. Yang et al. (2011) đã xác định các thành phần thuộc địa phương cung cấp dịch vụ du lịch, như: nguồn nhân lực ngành du lịch, tài nguyên du lịch, cơ sở vật chất - hạ tầng du lịch, chính sách của chính quyền địa phương đều có tác động hấp dẫn khách du lịch đến với địa phương đó. Kotler et al. (2010) trong một nghiên cứu về marketing địa phương cho thấy, môi trường tự nhiên, cơ sở hạ tầng và con người là những thành phần quan trọng tạo nên sức hấp dẫn thu hút khách du lịch của địa phương. Ahmed et al. (2010) đã làm rõ việc lựa chọn điểm đến của khách du lịch được quyết định bởi: Chất lượng dịch vụ; Vẻ đẹp tự nhiên; Điểm đến được biết đến; Chỗ ở thuận tiện; Mạo hiểm; An ninh; Hiệu suất và hiệu quả của hệ thống giao thông vận tải; Chất lượng và an toàn thực phẩm; Cơ sở mua sắm. Kozak et al. (2009) chỉ ra rằng các thành phần: Chất lượng dịch vụ; Cơ sở hạ tầng; Cơ sở vật chất; Sự hấp dẫn của văn hóa và tự nhiên là những yếu tố tạo nên sức hấp dẫn thu hút khách du lịch của điểm đến. Stankovic and Petrovic (2007) thực hiện một nghiên cứu về marketing điểm đến du lịch tại thành phố Nis, Serbia cho thấy: Khả năng tiếp cận điểm đến; Sự hấp dẫn của tự nhiên, văn hóa lịch sử, các đặc tính đặc trưng của địa phương; Điều kiện nơi cư trú là những thành phần tạo nên sức hấp dẫn của điểm đến. Theo Vengesayi (2003), các yếu tố nguồn lực của điểm đến và hỗn hợp các hoạt động tạo nên sức hấp dẫn của điểm đến, đó là: văn hóa, tự nhiên, các sự kiện và hoạt động vui chơi giải trí. Một nghiên cứu khác của Buhalis (2000) cho thấy, sức hấp dẫn, khả năng tiếp cận, tiện nghi, sự sẵn sàng, các hoạt động giải trí và dịch vụ hỗ trợ là những thành phần góp phần nâng cao sự cạnh tranh và thu hút khách du lịch của điểm đến.
Kết quả lược khảo các công trình nghiên cứu trước đây, các tác giả (Sarker et al., 2012; Muala and Qurneh, 2012; Özer, 2012; Magatef, 2015; Gilaninia and Mohammadi, 2015; Kadhim et al., 2016) đã vận dụng các công cụ marketing hỗn hợp vào phân tích hoạt động marketing ngành du lịch của địa phương. Bên cạnh đó, các tác giả (Buhalis, 2000; Vengesayi, 2003; Kozak et al., 2009; Ahmed et al., 2010; Kotler et al., 2010; Yang et al., 2011; Chye and Yeo, 2015) tập trung khai thác các thuộc tính tạo nên sức hấp dẫn của điểm đến giúp phát triển ngành du lịch của địa phương và đã bổ sung thêm thành phần Chính quyền địa phương và Cộng đồng dân cư địa phương. Tuy nhiên, các nghiên cứu này chưa đánh giá đầy đủ tổng thể các thành phần marketing địa phương ảnh hưởng đến phát triển du lịch.
Các nghiên cứu trong nước
Hồ Đức Hùng và cộng sự (2005) thực hiện một nghiên cứu về marketing địa phương của TP. Hồ Chí Minh đã đề xuất sử dụng 14 tiêu chí để đánh giá sức hấp dẫn của thành phố đối với khách du lịch, bao gồm: Thông tin và dịch vụ khách du lịch; Sự thân thiện và hiếu khách của người dân địa phương; Khả năng ngoại ngữ của nhân viên phục vụ du lịch; Công trình kiến trúc phục vụ du lịch; Cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch; Chi phí sinh hoạt và khách sạn phục vụ du lịch; Tính đa dạng hình thức du lịch; Các dịch vụ du lịch; Chất lượng và tính đa dạng hàng hóa; Ẩm thực; Môi trường du lịch; An toàn du lịch; Giao thông đi lại và Địa điểm du lịch. Một nghiên cứu khác của Hồ Đức Hùng và cộng sự (2005) đã chỉ ra rằng sự phối hợp các thành phần marketing hỗn hợp, gồm: sản phẩm du lịch, giá cả, hoạt động phân phối và xúc tiến du lịch; cùng với sự tham gia của cộng đồng dân cư địa phương là những thành phần quan trọng ảnh hưởng đến phát triển du lịch của địa phương.
Nguyễn Thị Thống nhất (2010) cho thấy, các yếu tố hấp dẫn để thúc đẩy ngành du lịch thành phố Đà Nẵng phát triển, đó là: Tài nguyên thiên nhiên; Di tích lịch sử, văn hóa; Cơ sở hạ tầng; Điểm mua sắm; Lễ hội và sự kiện. Hà Nam Khánh Giao và cộng sự (2013) đã xác định những yếu tố tác động tích cực đến mức độ hấp dẫn của du lịch Bến Tre là: Điểm tham quan, vui chơi giải trí; Ý thức về du lịch; Sự phục vụ của nhân viên ngành du lịch. Lê Ngọc Nương và Nguyễn Hải Khanh (2014) thực hiện khảo sát 140 khách du lịch và đề xuất sử dụng 14 tiêu chí để đánh giá hoạt động marketing địa phương nhằm thu hút khách du lịch đến Sơn La, bao gồm: Hệ thống giao thông; Giá cả; Cảnh quan thiên nhiên; Những nét văn hóa đặc
trưng của địa phương; Sự thân thiện và hiếu khách của người địa phương; Phòng
nghỉ tiện nghi; Các điểm du lịch có nhà vệ sinh sạch sẽ; Phương tiện đi lại; Những di tích lịch sử; Các lễ hội văn hóa; Hệ thống điện, nước; Nhiều đoàn khách khác cùng đến tham quan; Những chỉ dẫn thông tin du lịch; Hướng dẫn viên, thuyết minh viên địa phương.
Nguyễn Văn Hiến và cộng sự (2015) thực hiện nghiên cứu về marketing địa phương tỉnh Vĩnh Long đã sử dụng nguồn dữ liệu từ 388 phiếu phỏng vấn khách du lịch đến tham quan du lịch tại Vĩnh Long và đã xác định các thành phần quan trọng tạo nên sức hấp dẫn của địa phương đối với khách du lịch, đó là: Tài nguyên thiên nhiên; Sản phẩm du lịch và Con người. Một nghiên cứu khác của Trần Thị Kim Oanh (2016) cho thấy, Tài nguyên thiên nhiên; Loại hình du lịch đa dạng; Lễ hội và sự kiện là những yếu tố hấp dẫn góp phần thúc đẩy phát triển du lịch Tuyên Quang.
Các nghiên cứu trong nước của các tác giả (Hồ Đức Hùng và cộng sự, 2005; Nguyễn Thị Thống nhất, 2010; Hà Nam Khánh Giao và cộng sự, 2013; Lê Ngọc Nương và Nguyễn Hải Khanh, 2014; Nguyễn Văn Hiến và cộng sự, 2015) tập trung khai thác các thành phần marketing hỗn hợp cùng với sự tham gia của cộng đồng dân cư địa phương là những thành phần quan trọng ảnh hưởng đến phát triển du lịch của địa phương. Do đó, các nghiên cứu này cũng chưa đánh giá được tổng thể các thành phần marketing địa phương ảnh hưởng đến phát triển du lịch.
Đánh giá chung
Qua lược khảo các nghiên cứu nước ngoài và trong nước cho thấy, các tác giả đã vận dụng marketing hỗn hợp, 4Ps truyền thống của McCarthy (1960), gồm: sản phẩm, giá cả, phân phối, xúc tiến; hay 7Ps của Booms and Bitner (1981), ngoài 4Ps truyền thống bổ sung thêm: con người, quy trình và điều kiện vật chất để thực hiện các nghiên cứu về marketing địa phương ở khía cạnh ngành du lịch hay marketing điểm đến du lịch. Một số nghiên cứu khác về marketing điểm đến đã tập trung khai thác các thuộc tính tạo nên sức hấp dẫn của điểm đến giúp phát triển ngành du lịch của địa phương, trong đó nêu bật rõ vai trò của Chính quyền địa phương và Cộng đồng dân cư địa phương. Như vậy, kết quả tổng hợp các nghiên cứu lược khảo ở Bảng 2.1 cho thấy, các thành phần marketing địa phương ảnh hưởng đến phát triển du lịch, gồm: Sản phẩm du lịch, Giá cả, Phân phối, Xúc tiến du lịch, Nguồn nhân lực du lịch, Quy trình cung cấp dịch vụ, Cơ sở vật chất - hạ tầng du lịch, Chính quyền địa phương và Cộng đồng dân cư địa phương.