Tài Sản Riêng Của Vợ, Chồng Bao Gồm Tài Sản Mà Mỗi Bên Vợ, Chồng Có Từ Trước Khi Kết Hôn

- Hậu quả pháp lý: Sau khi chia tài sản chung, tài sản của người chồng hoặc vợ còn sống do người đó toàn quyền sử dụng, định đoạt. Tài sản của vợ, chồng đã chết trở thành di sản của người đó và được chia theo quy định của pháp luật thừa kế. Trong trường hợp người chồng hoặc vợ trước đó bị Toà án ra quyết định tuyên bố là đã chết nay quay trở về, theo quy định tại Điều 83 BLDS năm 2005 và Điều 26 Luật HN&GĐ năm 2000 thì người bị Toà án tuyên bố là đã chết hoặc người có quyền, lợi ích liên quan có quyền yêu cầu Toà án ra quyết định huỷ bỏ quyết định tuyên bố người đó là đã chết. Trường hợp vợ hoặc chồng của người bị tuyên bố là đã chết đã kết hôn với người khác thì quan hệ hôn nhân sau vẫn được thừa nhận, còn quan hệ hôn nhân trước sẽ không được phục hồi. Người bị tuyên bố là đã chết mà còn sống có quyền yêu cầu những người đã nhận tài sản thừa kế trả lại tài sản, giá trị tài sản hiện còn. Khi Toà án ra quyết định huỷ bỏ tuyên bố một người là đã chết mà vợ hoặc chồng của người đó chưa kết hôn với người khác thì quan hệ hôn nhân (quan hệ nhân thân và tài sản) đương nhiên được khôi phục. Tại khoản 2 Điều 67 Luật HN&GĐ năm 2014 đã bổ sung quy định sau:

2. Quan hệ tài sản của người bị tuyên bố là đã chết trở về với người vợ hoặc chồng được giải quyết như sau:

a) Trong trường hợp hôn nhân được khôi phục thì quan hệ tài sản được khôi phục kể từ thời điểm quyết định của Toà án huỷ bỏ tuyên bố chồng, vợ là đã chết có hiệu lực. Tài sản do vợ, chồng có được kể từ thời điểm quyết định của Toà án về việc tuyên bố chồng, vợ là đã chết có hiệu lực đến khi quyết định huỷ bỏ tuyên bố chồng, vợ đã chết có hiệu lực là tài sản riêng của người đó;

b) Trong trường hợp hôn nhân không được khôi phục thì tài sản có được trước khi quyết định của Toà án về việc tuyên bố vợ, chồng là đã chết có hiệu lực mà chưa chia được giải quyết như chia tài sản khi ly hôn [60].

Luật HN&GĐ năm 2000 mới chỉ dự liệu quan hệ hôn nhân được khôi phục (nếu người chồng, vợ kia chưa kết hôn với người khác), Luật HN&GĐ năm 2014 đã xác định được vấn đề tài sản của vợ chồng và hậu quả pháp lý của quan hệ hôn nhân có được khôi phục hay không liên quan đến vấn đề tài sản của vợ chồng. Điều này giúp Toà án xác định và giải quyết nhanh chóng vấn đề tài sản của vợ, chồng khi một bên bị tuyên bố là đã chết mà trở về, có cơ sở pháp lý, tháo gỡ được những vướng mắc trong thời gian qua của ngành Toà án.

2.2. TÀI SẢN RIÊNG CỦA VỢ, CHỒNG

2.2.1. Căn cứ xác lập tài sản riêng của vợ, chồng

Luật HN&GĐ năm 1959 đã quy định chế độ tài sản của vợ chồng là chế độ cộng đồng toàn sản, toàn bộ tài sản do vợ, chồng có được hoặc tạo ra trước và trong thời kỳ hôn nhân đều thuộc tài sản chung của vợ chồng.

Luật HN&GĐ năm 1986 được ban hành vào thời kỳ đầu của sự nghiệp đổi mới, lần đầu tiên ghi nhận vợ chồng có tài sản riêng tại Điều 16. Kế thừa và phát triển quy định của Luật HN&GĐ năm 1986, Luật HN&GĐ năm 2000 đã quy định chế độ sở hữu riêng của vợ, chồng cụ thể hơn, tạo cơ sở pháp lý thống nhất khi áp dụng vào thực tế.

Khoản 1 Điều 32 Luật HN&GĐ năm 2000 quy định:

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 130 trang tài liệu này.

Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại khoản 1 Điều 29 và Điều 30 của Luật này; đồ dùng, tư trang cá nhân [54]. Đến Luật HN&GĐ năm 2014 đã bổ sung thêm nội dung: Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng cũng là tài sản riêng của vợ, chồng [60, Điều 43].

Tài sản riêng của vợ, chồng được xác lập dựa vào thời điểm tài sản đó phát sinh trước khi kết hôn; sự định đoạt của chủ sở hữu tài sản đã chuyển dịch tài sản của mình cho mỗi bên vợ, chồng và trên sự kiện chia tài sản chung của vợ, chồng trong thời kỳ hôn nhân.

Chế độ tài sản của vợ chồng theo Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam - 9

2.2.1.1. Tài sản riêng của vợ, chồng bao gồm tài sản mà mỗi bên vợ, chồng có từ trước khi kết hôn

Thông qua lao động, hoạt động sản xuất kinh doanh và các thu nhập hợp pháp khác, mỗi người có thể tạo ra một khối tài sản hoặc có được tài sản thông qua các giao dịch dân sự trước khi kết hôn. Những tài sản này thuộc quyền sở hữu riêng của mỗi bên và được pháp luật thừa nhận, bảo hộ. Những tài sản này không phải do vợ, chồng tạo ra trong thời kỳ hôn nhân, không chịu sự tác động bởi tính chất cộng đồng của quan hệ hôn nhân và lợi ích chung của gia đình. Vì vậy, vợ chồng có thể xác lập quyền sở hữu của mình đối với những tài sản phát sinh trước khi kết hôn dựa trên các căn cứ được quy định từ Điều 233 đến Điều 247 BLDS năm 2005.

Quy định tài sản mà mỗi bên vợ, chồng có trước khi kết hôn là tài sản riêng của vợ, chồng đã bảo vệ được quyền sở hữu cá nhân của vợ, chồng, là căn cứ pháp lý bảo đảm tài sản riêng của vợ chồng khi giải quyết tranh chấp trên thực tế, đồng thời phù hợp với quy định quyền sở hữu riêng của công dân được Hiến pháp ghi nhận và bảo vệ.

2.2.1.2. Tài sản riêng của vợ, chồng bao gồm tài sản mà vợ, chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân

Những tài sản này không do vợ, chồng tạo ra trong thời kỳ hôn nhân mà được định đoạt bởi ý chí của chủ sở hữu. Việc pháp luật quy định những tài sản này thuộc khối tài sản riêng của vợ, chồng nhằm bảo đảm quyền tự định đoạt của các chủ sở hữu tài sản theo quy định của pháp luật về việc chuyển dịch tài sản của mình cho mỗi bên vợ, chồng được hưởng. Những tài

sản mà vợ, chồng được thừa kế riêng, tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân thường do những người thân thuộc, bạn bè của mỗi bên cho vợ, chồng được hưởng giá trị tài sản đó. Đó có thể là những tài sản do cha, mẹ cho riêng con trong ngày cưới, cha mẹ một bên khi chết để lại di chúc cho con mình là người vợ, chồng được hưởng… Những tài sản mà vợ, chồng được thừa kế riêng, tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân là tài sản riêng của vợ, chồng.

2.2.1.3. Tài sản riêng của vợ, chồng gồm đồ dùng, tư trang cá nhân

Theo Từ điển tiếng Việt của Nhà xuất bản Đà Nẵng năm 1997 thì “đồ dùng là vật do con người tạo ra để dùng trong sinh hoạt, hoạt động hàng ngày”, còn “tư trang là các thứ quý giá đi theo người của một cá nhân” [74].

Trong cuộc sống thường ngày, mỗi người đều cần có những đồ dùng phù hợp phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt và công việc chuyên môn của mình. Ví dụ như quần áo, giày dép, sách vở phục vụ cho việc học tập… Vì vậy, pháp luật quy định những đồ dùng, tư trang cá nhân là tài sản riêng của vợ, chồng là cần thiết và phù hợp với thực tế cuộc sống, mọi cá nhân đều cần đến những đồ dùng phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt, làm việc thường ngày của bản thân. Đây là một trong những điểm mà Luật HN&GĐ năm 2014 đã kế thừa của Luật HN&GĐ năm 2000, quy định này đảm bảo được quyền tự do cá nhân và cuộc sống riêng tư của vợ chồng.

Tuy nhiên, từ khi Luật HN&GĐ năm 2000 có hiệu lực cho đến nay vẫn chưa có một văn bản hướng dẫn nào của cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải thích và hướng dẫn cụ thể trường hợp này. Trong điều kiện kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu sinh hoạt của nhân dân ngày càng cao, những đồ dùng, tư trang cá nhân cũng rất phong phú và có giá trị. Việc xem xét những trường hợp này gặp những khó khăn nhất định và còn nhiều quan điểm chưa thống nhất. Vì vậy, cần có văn bản hướng dẫn cụ thể để việc giải quyết được thống nhất, đáp ứng quyền lợi hợp pháp của những người tham gia tố tụng.

2.2.1.4. Tài sản riêng của vợ, chồng gồm những tài sản mà vợ, chồng được chia khi chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân

Xuất phát từ thực tế cuộc sống, Luật HN&GĐ năm 2014 trên cơ sở kế thừa Luật HN&GĐ năm 1986 và năm 2000 đã quy định việc chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân và hậu quả pháp lý sau khi chia tài sản chung. Theo đó, Điều 30 Luật HN&GĐ năm 2000 và khoản 1 Điều 40 Luật HN&GĐ năm 2014 quy định “trường hợp chia tài sản chung của vợ chồng thì hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản đã được chia thuộc sở hữu riêng của mỗi người; phần tài sản còn lại không chia vẫn thuộc sở hữu chung của vợ chồng” [54]; [60]. Như vậy, phần tài sản chung đã được chia riêng cho mỗi bên vợ, chồng là tài sản riêng của người đó. Những hoa lợi, lợi tức phát sinh từ phần tài sản riêng được chia là tài sản riêng của vợ, chồng. Thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất kinh doanh và những thu nhập hợp pháp khác của mỗi bên sau khi chia tài sản chung là tài sản riêng của vợ, chồng, trừ trường hợp vợ chồng có thoả thuận khác [10].

Như vậy, pháp luật đã quy định rõ tài sản riêng của vợ, chồng còn có những tài sản mà vợ, chồng có được khi chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân.

2.2.2. Quyền và nghĩa vụ của vợ, chồng đối với tài sản riêng

2.2.2.1. Quyền của vợ, chồng đối với tài sản riêng

Khoản 1 Điều 33 Luật HN&GĐ năm 2000 và khoản 1 Điều 44 Luật HN&GĐ năm 2014 quy định: “Vợ, chồng có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng của mình, nhập hoặc không nhập tài sản riêng vào tài sản chung” [54]; [60]. Với tư cách là chủ sở hữu tài sản của mình, vợ, chồng có toàn quyền sở hữu đối với tài sản riêng, không phụ thuộc bởi ý chí của bên người chồng, vợ kia.

Khoản 2 Điều 33 Luật HN&GĐ năm 2000 và khoản 2 Điều 44 Luật

HN&GĐ năm 2014 quy định: “Vợ, chồng tự quản lý tài sản riêng; trong trường hợp vợ hoặc chồng không thể tự mình quản lý tài sản riêng và cũng không uỷ quyền cho người khác quản lý thì bên kia có quyền quản lý tài sản đó” [54]; [60]. Trong việc quản lý tài sản riêng của vợ, chồng mình, người chồng, vợ có nghĩa vụ bảo quản giữ gìn các tài sản đó như tài sản của mình, nếu làm hư hại, thất thoát mà không có lý do chính đáng thì có nghĩa vụ bồi thường (khi có yêu cầu). Trường hợp một bên đã tự ý định đoạt tài sản riêng của vợ, chồng mình khi tham gia các giao dịch dân sự thì bên kia có quyền yêu cầu Toà án tuyên bố giao dịch đó vô hiệu. Với tư cách là chủ sở hữu tài sản riêng của mình, khi thực hiện quyền sở hữu (đối với các tài sản theo khoản 5 Điều 33 Luật HN&GĐ năm 2000 và khoản 4 Điều 44 Luật HN&GĐ năm 2014), vợ, chồng có thể uỷ quyền cho nhau xác lập, thực hiện và chấm dứt các giao dịch mà theo quy định của pháp luật phải có sự đồng ý của cả vợ chồng, việc uỷ quyền đó phải được lập thành văn bản [60, Điều 24].

Đối với tài sản riêng, vợ, chồng có quyền nhập hoặc không nhập tài sản riêng vào khối tài sản chung của vợ chồng [60, Điều 44], quy định này có tính chất tuỳ nghi cho phép vợ, chồng có quyền nhập hoặc không nhập tài sản riêng của mình vào khối tài sản chung của vợ chồng. Tuy nhiên, vấn đề vợ, chồng đã nhập hay chưa nhập tài sản riêng của mình vào khối tài sản chung của vợ chồng khi có tranh chấp về tài sản giữa vợ chồng rất phức tạp. Trước đây, tại Nghị quyết số 01/NQ-HĐTP đã hướng dẫn: Đối với tài sản riêng của vợ, chồng mà đã đưa vào sử dụng chung, không còn nữa thì không phải thanh toán, không được đền bù… hướng dẫn này dựa trên nguyên tắc suy đoán: Người vợ, chồng có tài sản riêng mà đã sử dụng cho nhu cầu chung của gia đình thì phải coi vợ, chồng đã mặc nhiên nhập tài sản của mình vào khối tài sản chung của vợ chồng. Khi có tranh chấp, họ không có quyền đòi lại các tài sản riêng đó. Hiện nay, vấn đề nhập hay không nhập tài sản riêng của vợ,

chồng vào khối tài sản chung của vợ chồng nhất là những tài sản có giá trị lớn, theo Nghị định số 70/2001/NĐ-CP đã quy định:

Việc nhập tài sản là nhà ở, quyền sử dụng đất và các tài sản khác có giá trị lớn thuộc sở hữu riêng của một bên vợ hoặc chồng vào tài sản chung của vợ chồng theo quy định tại khoản 2 Điều 32 của Luật HN&GĐ phải được lập thành văn bản, có chữ ký của cả vợ và chồng. Văn bản đó có thể được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật [10, Điều 13, Khoản 1].

Quy định này là căn cứ khi xác định vợ, chồng có tài sản riêng đã nhập hay chưa nhập vào khối tài sản chung của vợ chồng. Mặt khác, để ngăn chặn những mục đích không lành mạnh của vợ, chồng khi nhập tài sản riêng vào khối tài sản chung của vợ chồng, cũng là bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của những người khác liên quan. Nghị định số 70/2001/NĐ-CP quy định: “Việc nhập tài sản riêng của một bên vào khối tài sản chung của vợ chồng nhằm trốn tránh thực hiện các nghĩa vụ riêng của bên đó về tài sản thì vô hiệu theo quy định tại Điều 11 của Nghị định này” [10, Điều 13, Khoản 2].

Ngoài việc quy định về quyền quản lý, quyền sở hữu của vợ, chồng đối với tài sản riêng, khoản 5 Điều 33 Luật HN&GĐ năm 2000 và khoản 4 Điều 44 Luật HN&GĐ năm 2014 đã đưa ra quy định hạn chế quyền sở hữu của vợ, chồng đối với tài sản riêng vì lợi ích chung của gia đình: “Trong trường hợp tài sản riêng của vợ hoặc chồng đã được đưa vào sử dụng chung mà hoa lợi, lợi tức từ tài sản riêng đó là nguồn sống duy nhất của gia đình thì việc định đoạt tài sản riêng đó phải được sự thoả thuận của cả vợ chồng” [54]; [60].

2.2.2.2. Nghĩa vụ được thực hiện bằng tài sản riêng của vợ, chồng

Theo khoản 3 Điều 33 Luật HN&GĐ năm 2000 và khoản 3 Điều 44 Luật HN&GĐ năm 2014: “Nghĩa vụ riêng về tài sản của mỗi người được thanh toán từ tài sản riêng của người đó” [54]; [60]. Nghĩa vụ về tài sản của

vợ, chồng phát sinh từ các khoản nợ mà vợ, chồng vay của người khác, sử dụng vào mục đích cá nhân mà không vì mục đích của gia đình hoặc nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do hành vi trái pháp luật của vợ, chồng hay các loại nghĩa vụ khác theo luật định (nghĩa vụ cấp dưỡng giữa các thành viên trong gia đình như cha, mẹ, vợ, chồng, con mà vợ, chồng phải thực hiện). Luật HN&GĐ năm 2000 chỉ quy định nghĩa vụ riêng về tài sản của mỗi bên vợ, chồng được thanh toán từ tài sản riêng của người có nghĩa vụ. Quy định này còn quá chung chung, chưa có căn cứ cụ thể để xác định loại nghĩa vụ tài sản này. Ngoài quy định trên, Luật HN&GĐ năm 2014 đã bổ sung quy định cụ thể nghĩa vụ riêng về tài sản của vợ, chồng. Theo đó, vợ, chồng phải bằng tài sản riêng của mình để bảo đảm thực hiện các loại nghĩa vụ sau đây:

Một là, nghĩa vụ của mỗi bên vợ, chồng có trước khi kết hôn;

Hai là, nghĩa vụ phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng, trừ trường hợp nghĩa vụ phát sinh trong việc bảo quản, duy trì, tu sửa tài sản riêng của vợ, chồng (trường hợp hoa lợi, lợi tức từ tài sản riêng là nguồn sống duy nhất của gia đình và trường hợp sử dụng tài sản riêng để duy trì, phát triển khối tài sản chung hoặc để tạo ra nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình);

Ba là, nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do một bên xác lập, thực hiện không vì nhu cầu của gia đình;

Bốn là, nghĩa vụ phát sinh từ hành vi vi phạm pháp luật của vợ, chồng. Về nguyên tắc, đối với các khoản nợ và nghĩa vụ phát sinh trên đây,

vợ, chồng có nghĩa vụ phải thanh toán, bồi thường bằng tài sản riêng của mình; nếu tài sản riêng không có hoặc không đủ thì trích chia phần tài sản của vợ, chồng trong khối tài sản chung của vợ chồng (sau khi chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân) để thực hiện nghĩa vụ. Những quy định này là cơ sở pháp lý cho việc xác định nghĩa vụ được thực hiện bằng tài sản riêng của vợ, chồng.

Xem tất cả 130 trang.

Ngày đăng: 18/11/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí