quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý21.
Tài nguyên rừng được xem là một trong các loại "tài nguyên thiên nhiên khác" do vậy đương nhiên thuộc sở hữu của toàn thể nhân dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.
Tìm hiểu lịch sử lập hiến của Việt Nam, có thể dễ dàng nhận thấy, do hoàn cảnh chiến tranh nên trong Hiến pháp 1946 chế độ về sở hữu chưa có thay đổi gì nhiều so với thời kỳ Pháp thuộc. Đến Hiến pháp 1959, tuy chưa có quy định về chế độ sở hữu toàn dân đối với tài nguyên rừng nhưng so với bản Hiến pháp đầu tiên của nước ta, Hiến Pháp 1959 đã đặt nền móng công nhận quyền sở hữu các tư liệu sản xuất của người dân là quy định Hiến định: "Các hầm mỏ, sông ngòi, và những rừng cây, đất hoang, tài nguyên khác mà pháp luật quy định là của Nhà nước, đều thuộc sở
hữu của toàn dân.22". Đây cũng là bản Hiến pháp duy nhất thừa nhận sở hữu tư nhân
– "hình thức sở hữu của người lao động riêng lẻ, và hình thức sở hữu của nhà tư sản dân tộc23" trong đó có sở hữu tư nhân đối với tài nguyên rừng, mặc dù hình thức tư hữu này chiếm một tỉ lệ rất nhỏ so với hình thức sở hữu Nhà nước và sở hữu tập thể vào giai đoạn đó.
Chế độ sở hữu toàn dân đối với tư liệu sản xuất nói chung và tài nguyên rừng nói riêng chính thức được công nhận từ Hiến pháp 198024, bản Hiến pháp xác định bản chất giai cấp của Nhà nước ta là Nhà nước chuyên chính vô sản, thực hiện quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động. Để thực hiện mục tiêu đó, Nhà nước tiến hành cách mạng về quan hệ sản xuất, hướng dẫn, sử dụng và cải tạo các thành phần kinh tế phi xã hội chủ nghĩa, thiết lập và củng cố chế độ sở hữu xã hội chủ nghĩa về tư liệu sản xuất, nhằm thực hiện một nền kinh tế quốc dân chủ yếu có hai
thành phần: Thành phần kinh tế quốc doanh thuộc sở hữu toàn dân và thành phần kinh tế hợp tác xã thuộc sở hữu tập thể của nhân dân lao động.
21 Điều 53 Hiến pháp 2013
Có thể bạn quan tâm!
- Chế độ sở hữu đối với tài nguyên rừng ở Việt Nam - 1
- Chế độ sở hữu đối với tài nguyên rừng ở Việt Nam - 2
- Hình Thức Sở Hữu Tư Nhân Đối Với Rừng Sản Xuất Là Rừng Trồng
- Thu Hồi Rừng, Chuyển Mục Đích Sử Dụng Rừng 95
- Hướng Hoàn Thiện Pháp Luật Về Sở Hữu Rừng Ở Việt Nam
Xem toàn bộ 66 trang tài liệu này.
22 Điều 12 Hiến pháp 1959
23 Điều 11 Hiến pháp 1959
24 Điều 19 Hiến pháp 1980: " Đất đai, rừng núi, sông hồ, hầm mỏ, tài nguyên thiên nhiên trong lòng đất, ở vùng biển và thềm lục địa, các xí nghiệp công nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, thương nghiệp quốc doanh; ngân hàng và tổ chức bảo hiểm; công trình phục vụ lợi ích công cộng; hệ thống
đường sắt, đường bộ, đường sông, đường biển, đường không; đê điều và công trình thuỷ lợi quan trọng; cơ sở phục vụ quốc phòng; hệ thống thông tin liên lạc, phát thanh, truyền hình, điện ảnh; cơ sở nghiên cứu khoa học, kỹ thuật, cơ sở văn hoá và xã hội cùng các tài sản khác mà pháp luật quy định là của Nhà nước - đều thuộc sở hữu toàn dân."
Các bản Hiến pháp sau này, Hiến pháp 199225 hay Hiến pháp 2013 là những bản Hiến pháp khẳng định và củng cố chế độ sở hữu toàn dân đối với tài nguyên rừng thì ở Việt Nam.
Chế độ sở hữu toàn dân đối với tài nguyên rừng được cụ thể hóa trong pháp luật chuyên ngành về quản lý và bảo vệ rừng hiện hành. Luật BVPTR 2004 quy định Nhà nước thay mặt toàn thể nhân dân thống nhất quản lý và bảo vệ tài nguyên rừng26, trên cơ sở đó Nhà nước trao quyền sử dụng rừng, quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng cho các chủ rừng thông qua các hoạt động giao rừng, cho thuê rừng, giao đất, cho thuê đất để trồng rừng…. Tính chất sở hữu toàn dân đối với tài
nguyên rừng được thể hiện qua hình thức sở hữu Nhà nước đối với rừng.
Nhà nước thống nhất quản lý và định đoạt đối với rừng tự nhiên và rừng được phát triển bằng vốn của Nhà nước, rừng do Nhà nước nhận chuyển quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng từ các chủ rừng; động vật rừng sống tự nhiên, hoang dã; vi sinh vật rừng; cảnh quan, môi trường rừng27.
Bên cạnh đó, Nhà nước cũng công nhận quyền sở hữu RSX là rừng trồng của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân28 nhưng các chủ rừng này phải có kế hoạch đầu tư cụ thể và cam kết thực hiện theo kế hoạch, quy hoạch phát triển rừng của Nhà nước, tuân theo pháp luật về quản lý và bảo vệ rừng. Đó cũng chính là một trong những biểu hiện của chế độ sở hữu toàn dân, Nhà nước không phủ nhận quyền làm chủ tài sản của từng cá nhân song đối với một loại tài nguyên quan trọng như rừng, về nguyên tắc quyền sở hữu vẫn phải thuộc về toàn thể nhân dân trong nước, phải để nhân dân
giám sát và quản lý.
Luật BVPTR 1991 trước đó cũng thừa nhận chế độ sở hữu toàn dân với hai hình thức sở hữu đối với tài nguyên rừng - hình thức sở hữu Nhà nước và hình thức sở hữu tư nhân2930, chỉ khác ít nhiều về cách thức quản lý của Nhà nước. Trong Luật BVPTR 1991 quy định Nhà nước giao rừng, giao đất trồng rừng cho tổ chức, cá nhân để bảo vệ, phát triển và sử dụng rừng ổn định, lâu dài theo quy hoạch, kế hoạch của Nhà nước31 còn trong Luật BVPTR 2004 quy định cụ thể thêm về hình thức cho thuê rừng, cho thuê đất để trồng rừng.
25 Điều 17 Hiến pháp 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001):“Đất đai, rừng núi, sông hồ, nguồn nước, tài nguyên trong lòng đất, nguồn lợi ở vùng biển, thềm lục địa và vùng trời, phần vốn và tài sản do Nhà nước đầu tư vào các xí nghiệp, công trình thuộc các ngành và lĩnh vực kinh tế, văn hoá, xã hội, khoa học, kỹ thuật, ngoại giao, quốc phòng, an ninh cùng các tài sản khác mà pháp luật quy định là của Nhà nước, đều thuộc sở hữu toàn dân.”
26 Điều 8 Luật BVPTR
27 Khoản 1 Điều 6 Luật BVPTR
28 Khoản 8 Điều 3 Luật BVPTR
29 Điều 2 Luật BVPTR 1991
30 Điều 3 Luật BVPTR 1991
31 Điều 2 Luật BVPTR 1991
Như vậy, cơ sở pháp lý của chế độ sở hữu toàn dân đối với tài nguyên rừng ở Việt Nam đã được ghi nhận ngay trong Hiến pháp và luật BVPTR qua các thời kỳ. Điều này góp phần tạo cơ sở pháp lý vững chắc trong việc áp dụng quyền sở hữu toàn dân đối với tài nguyên rừng trên thực tế.
1.3 Đặc trưng của chế độ sở hữu toàn dân đối với tài nguyên rừng ở Việt Nam
Thứ nhất, quyền sở hữu toàn dân đối với tài nguyên rừng được thực hiện thông qua cơ chế đại diện.
Tài nguyên rừng thuộc sở hữu toàn dân nhưng chủ sở hữu toàn dân là một khái niệm trừu tượng, "toàn dân" không thể trực tiếp thực hiện quyền sở hữu của mình đối với rừng mà phải thực hiện thông qua cơ chế đại diện với chủ thể đại diện không ai khác ngoài Nhà nước. Theo đó, Nhà nước thay mặt nhân dân thống nhất quản lý đối với tài nguyên rừng thông qua hệ thống các cơ quan quản lý hành chính Nhà nước chuyên môn trong lĩnh vực lâm nghiệp được tổ chức chặt chẽ từ trung ương tới địa phương và xây dựng các quy định pháp lý về bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng. Nhà nước là chủ thể đặt ra chiến lược phát triển rừng cho cả nước, lập các quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng; quyết định giao rừng cho ai, cho đối tượng nào thuê rừng, thu hồi rừng hay chuyển mục đích sử dụng rừng khi cần thiết; ngoài ra Nhà nước, cụ thể là Chính phủ sẽ quy định đâu là các loài thực vật rừng, động vật rừng cần được quản lý và bảo vệ đặc biệt, các chủ thể khác không được phép xâm hại khi chưa đáp ứng được các điều kiện bắt buộc do Nhà nước đặt ra.
Một trong những hoạt động quan trọng thể hiện tính đại diện của Nhà nước đó là hoạt động lập quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng. Bởi lẽ, việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch rừng và đất rừng được xem là nòng cốt, xương sống của bảo vệ và phát triển rừng, muốn có một nền lâm nghiệp bền vững thì trước hết yêu cầu lâm phận quốc gia phải ổn định. Hoạt động này được tiến hành trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản sau32:
Một là, quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng phải được xây dựng phù hợp với chiến lược, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh; phù hợp với kế hoạch sử dụng đất. Tuy có chế độ pháp lý khác nhau nhưng rừng là loại tài nguyên gắn liền với đất, tương tự đối với sự phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng an ninh, về đặc điểm vật chất chúng không giống nhau nhưng đặt trong tổng thể tạo nên sức mạnh tổng hợp của một quốc gia thì giữa chúng có mối liên hệ chặt chẽ không thể tách rời. Xây dựng chiến lược hay kế hoạch phát triển một lĩnh vực nào dó cũng đồng nghĩa với việc chuẩn bị những bước đầu tiên để thay
32 Đại học Luật Hà Nội (2013), Giáo trình Luật Môi trường, Nhà xuất bản Công an nhân dân, tr.257.
đổi các lĩnh vực còn lại, do đó, khi xây dựng quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng phải đảm bảo một số nội dung cơ bản như: tổng hợp, phân tích tình hình điều kiện tự nhiên, hiện trạng tài nguyên rừng; đánh giá được tình hình thực hiện quy hoạch, kế hoạch lần trước; xác định các biện pháp quản lý, bảo vệ, sử dụng và phát triển các loại rừng; tầm ảnh hưởng đến các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội hoặc kế hoạch sử dụng đất… các bản quy hoạch này sẽ được cơ quan quản lý nhà nước về rừng lập và phải được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Ngày 09/01/2012, Thủ thướng chính phủ ra Quyết định số 57/2012/QĐ-TTg phê duyệt kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2020, bên cạnh nhiệm vụ chính của Bộ NNPTNT thì các bộ liên quan như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường đều phải phối hợp thực hiện như hỗ trợ về tài chính, rà soát lại kế hoạch trong lĩnh vực của mình.... Đây là một ví dụ cụ thể và thiết thực thể hiện mối quan hệ chiến lược giữa các lĩnh vực kinh tế - xã hội của đất nước nói chung cũng như giữa quy hoạch, kế hoạch phát triển rừng với các lĩnh vực còn lại nói riêng.
Hai là, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với quy hoạch, kế hoạch bảo vệ rừng của các cấp. Kỳ quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng là mười (10) năm, kỳ kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng là năm (5) năm và được cụ thể hoá thành kế hoạch hàng năm33; pháp luật Việt Nam quy định chặt chẽ trình tự, thủ tục lập, điều chỉnh, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng của cả nước cũng như của cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã34. Theo đó, quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng mang tính chu kỳ và được thiết kế thành một hệ thống từ trung ương đến địa phương theo chiều dọc, mỗi địa phương (nơi có rừng) sẽ dựa trên quy hoạch, kế hoạch chung cho cả nước đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt trước đó để xây dựng cho địa phương mình một kế hoạch, quy hoạch chi tiết và phù hợp trong một giai đoạn cụ thể để bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn quản lý35. Bên cạnh đó, để đáp ứng tính dân chủ, công khai của chế độ sở hữu toàn dân, trong thời hạn không quá 30 (ba mươi) ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản phê duyệt quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; các quy hoạch, kế hoạch đó phải được công bố công khai theo quy định của pháp luật36. Ba là, đảm bảo khai thác, sử dụng tiết kiệm, bền vững, có hiệu quả tài nguyên rừng, đất rừng, bảo vệ hệ sinh thái rừng, bảo vệ di tích lịch sử, văn hóa và danh lam
33 Khoản 2 Điều 10 Nghị định 23/2006/NĐ-CP của Chính phủ ngày 03/3/2006 hướng dẫn thi hành Luật BVPTR (NĐ 23/2006/NĐ-CP)
34 Điều 11, 12, 13 NĐ 23/2006/NĐ-CP
35 Phụ lục 3: Sơ đồ trình tự , thủ tục phê duyệt quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng ở Việt Nam – NĐ 23/2006/NĐ-CP (Phụ lục 3)
36 Điều 14 NĐ 23/2006/NĐ-CP
thắng cảnh. Nhà nước đại diện cho nhân dân nắm quyền sở hữu rừng không nhằm mục đích kinh doanh thu lợi nhuận mà hướng tới bảo vệ và phát triển nguồn tài nguyên rừng của đất nước; đảm bảo mọi công dân đều có thể tiếp cận rừng một cách bình đẳng, công bằng nhất – đó cũng chính là biểu hiện của cơ chế đại diện trong chế độ sở hữu đối với tài nguyên rừng.
Vì là chủ thể đại diện nên Nhà nước tham gia vào quan hệ sở hữu đối với tài nguyên rừng vừa với tư cách là chủ thể của quyền sở hữu vừa với tư cách là chủ thể của quyền lực công .Với tư cách là đại diện cho toàn thể nhân dân thực hiện quyền sở hữu đối với tài nguyên rừng, Nhà nước thực hiện các quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt đối với diện tích rừng thuộc sở hữu nhà nước như một chủ sở hữu bình thường. Nhưng đặc biệt ở phương thức thực hiện các quyền ấy, Nhà nước không sử dụng các kênh lưu thông dân sự mà sử dụng chính quyền lực của nhà nước để thực hiện chúng thông qua các quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, các quyết định hành chính như giao rừng, cho thuê rừng. Sở dĩ có đặc trưng này bởi trách nhiệm chính của Nhà nước vẫn là quản lý xã hội nói chung, do đặc thù của nền chính trị, kinh tế của quốc gia Nhà nước phải đứng ra làm chủ thể đặc biệt thực hiện quyền sở hữu đối với tài nguyên rừng.
Thứ hai, chế độ sở hữu toàn dân đối với tài nguyên rừng với hai hình thức sở hữu: sở hữu tư nhân và sở hữu Nhà nước
Sở hữu tư nhân đối với rừng là việc tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sở hữu RSX là rừng trồng do chủ rừng tự đầu tư trong thời hạn được giao đất, được thuê đất để trồng rừng theo quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng và các quy định khác của pháp luật có liên quan37.
Trong các loại rừng, Nhà nước chỉ công nhận quyền sở hữu của tư nhân đối với một loại rừng duy nhất, đó là RSX là rừng trồng. Hơn nữa, vốn để trồng rừng là vốn do chủ rừng tự đầu tư. Cũng vì nguyên nhân nguồn gốc vốn mà Nhà nước cho tư nhân sở hữu RSX là rừng trồng như một loại tài sản thông thường, một đối tượng kinh doanh do chính họ đầu tư nên đương nhiên họ phải là chủ sở hữu hợp pháp của diện tích rừng đó. Mặt khác, Nhà nước đang khuyến khích phát triển thương mại và kinh tế lâm nghiệp từ việc khai thác hợp lý tài nguyên rừng, RĐD, RPH đa phần là các khu rừng tự nhiên có vai trò quan trọng trong việc giữ cân bằng sinh thái, bảo vệ môi trường và an ninh lâm nghiệp do đó cần đảm bảo sự quản lý, bảo vệ chặt chẽ từ phía các cơ quan Nhà nước trong khi RSX là rừng trồng với chức năng vốn có của mình là để phục vụ phát triển ngành lâm nghiệp đồng thời dễ dàng tái sinh, phục hồi nếu được khai thác hợp lý mà không gây bất kỳ ảnh hưởng tiêu cực nào
37 Khoản 5 Điều 3 Luật BVPTR
đến môi trường. Chính vì thế, Nhà nước trao quyền sở hữu RSX là rừng trồng cho các đối tượng phù hợp bởi nhắm tới mục đích kinh doanh, làm giàu cho chính bản thân mình thì không chủ rừng nào có thể lơ là việc chăm sóc tài sản của chính mình cả.
Quyền sở hữu đối với RSX là rừng trồng chỉ mang tính tương đối. Điều 4 Luật Đất đai 2013 quy định rõ "Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất theo quy định của Luật này.", như vậy đất rừng luôn thuộc sở hữu Nhà nước, chủ sở hữu RSX là rừng trồng chỉ có thể được công nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích RSX là rừng trồng mà mình đang đứng tên chủ sở hữu. Chủ rừng có quyền sở hữu đối với cây trồng, vật nuôi thông thường do chính mình bỏ vốn đầu tư còn các loại động vật - thực vật nguy cấp, quý, hiếm thuộc danh mục do Chính phủ ban
hành38 sinh trưởng trong rừng (nếu có), các loài động vật – thực vật hoang dã là do
Nhà nước thống nhất quản lý, việc khai thác các giống loài này trong bất cứ loại rừng nào đều phải đáp ứng trình tự, thủ tục luật định, có giấy phép do cơ quan có thẩm quyền cấp để chứng minh nguồn gốc. Hơn nữa, việc lựa chọn giống cây trồng trên đất RSX là rừng trồng hay kết hợp nuôi thêm vật nuôi khác phải tuân theo quy hoạch, kế hoạch phát triển nông – lâm nghiệp của cả nước và địa phương nơi có
rừng, theo danh mục các giống cây trồng chủ lực cho RSX theo vùng sinh thái lâm nghiệp39 hay theo danh mục giống vật nuôi thuộc lĩnh vực nông nghiệp. Đây cũng là cơ sở để xác định đâu là cây trồng, vật nuôi thuộc sở hữu hợp pháp của chủ sở hữu RSX là rừng trồng.
Sở hữu nhà nước là hình thức sở hữu mà Nhà nước là người đại diện cho nhân dân quản lý, nắm giữ tư liệu sản xuất. Theo BLDS 2005, rừng tự nhiên và rừng trồng có vốn từ ngân sách nhà nước thì thuộc sở hữu nhà nước.40
Điều 6 Luật BVPTR cũng quy định:
Nhà nước thống nhất quản lý và định đoạt đối với rừng tự nhiên và rừng được phát triển bằng vốn của Nhà nước, rừng do Nhà nước nhận chuyển quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng từ các chủ rừng; động vật rừng sống tự nhiên, hoang dã; vi sinh vật rừng; cảnh quan, môi trường rừng.
Như vậy, căn cứ vào mục đích sử dụng để phân loại rừng, các diện tích RĐD, RPH, RSX là rừng tự nhiên, RSX là rừng trồng nhưng được phát triển bằng vốn
38 Danh mục động, thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm – Ban hành kèm Nghị định 32/2006/NĐ-CP của chính phủ ngày 30/3/2006 về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp quý hiếm (NĐ 32/2006/NĐ-CP)
39 Quyết định số 4961/QĐ-BNN-TCLN của Bộ trưởng Bộ NNPTNT ngày 17/11/2014 ban hành danh mục các loài cây chủ lực cho rừng sản xuất và danh mục các loài cây chủ yếu cho trồng rừng theo các
vùng sinh thái lâm nghiệp.
40 Điều 200 Bộ luật dân sự
Nhà nước hoặc do Nhà nước nhận chuyển quyền sở hữu từ các chủ rừng đều thuộc sở hữu Nhà nước. Ngoài ra, các loài thực vật- động vật nguy cấp, quý hiếm thuộc danh mục do Chính phủ ban hành, tài nguyên vi sinh vật, cảnh quan rừng ở bất cứ khu rừng nào, đất rừng… cũng do Nhà nước thống nhất quản lý. Đây cũng là lí do giải thích vì sao quyền sở hữu rừng của Nhà nước mang tính chất tuyệt đối.
Việc quy định tài nguyên thuộc sở hữu toàn dân của Việt Nam có sự tương đồng với Trung Quốc và Liên Bang Nga. Trung Quốc coi tài nguyên rừng do Nhà nước thống nhất quản lý41 và Nhà nước Trung Quốc đã thực thi rất thành công pháp luật lâm nghiệp trong nhiều thập niên vừa qua, diện tích rừng của Trung Quốc đều giữ đà tăng trưởng trong khi tình hình tài nguyên rừng của thế giới tiếp tục giảm xuống, Cơ quan môi trường Liên hợp quốc đã xếp Trung Quốc vào danh sách một trong 15 nước có diện tích rừng nhiều nhất thế giới42. Liên bang Nga là quốc gia có toàn bộ diện tích rừng đều thuộc sở hữu Nhà nước khi quy định "các thửa rừng trên đất lâm nghiệp thuộc sở hữu của Liên bang"43, tuy hiện nay Nga có kế hoạch hướng đến tư nhân hóa việc khai thác tài nguyên rừng nhưng diện tích đất rừng tư nhân chiếm tỉ lệ rất nhỏ trong tổng diện tích rừng của Liên bang Nga44.
Tóm lại, chế độ sở hữu toàn dân đối với tài nguyên rừng mang những đặc trưng cơ bản của chế độ sở hữu toàn dân nói chung ở nước ta trước hết ở tính đại diện, quyền lực công. Bên cạnh đó chế độ sở hữu toàn dân đối với tài nguyên rừng còn đặc trưng ở hai hình thức sở hữu đó là hình thức sở hữu Nhà nước đối với rừng và hình thức sở hữu tư nhân đối với RSX là rừng trồng.
41 Luật Lâm nghiệp của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ban hành năm 1984 ( sửa đổi năm 1988) quy định:" rừng thuộc sở hữu nhà nước, sở hữu tập thể, cá nhân được quyền sử dụng đât rừng nhưng phải đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền và được cơ quan nhà nước này cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu rừng hoặc quyền sử dụng rừng." Đối với những vùng đất trống, đồi núi trọc thuộc sở hữu nhà nước và sở hữu tập thể có thể được ký hợp đồng với các tập thể, cá nhân để trồng rừng - Article 3 article 26, Forestry Law of the People's Republic of China, http://www.china.org.cn/english/environment/207457.htm, truy cập ngày 29/6/2015.
42 Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, "Trung Quốc: Kế hoạch phát triển rừng tới năm 2020",
http://www.cpv.org.vn/cpv/modules/news/newsdetail.aspx?cn_id=407826&c0_id=30480, truy cập ngày 29/6/2015
43 Article 8 Forest Code of the Russian Federation 2006
44 Nguyễn Thị Thanh Huyền, tlđd (9), tr.121
KẾT LUẬN CHƯƠNG 1
Về nguyên tắc, mọi loại tài nguyên thiên nhiên trong đó có tài nguyên rừng đều thuộc sở hữu của toàn dân do Nhà nước thống nhất quản lý. Bên cạnh các cơ sở lý luận vững chắc khẳng định sự cần thiết, phù hợp, chế độ sở hữu toàn dân đối với tài nguyên rừng còn được đảm bảo sự tồn tại lâu bền thông qua các quy định hiến định và các quy phạm pháp luật có liên quan.
Đặc trưng nổi bật của chế độ sở hữu toàn dân đối với tài nguyên rừng ở Việt Nam là tính đại diện, Nhà nước thay mặt nhân dân lập quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng trên cả nước và thông qua các chủ rừng để thực hiện các kế hoạch đó trên thực tế.
Giới thiệu khái quát hai hình thức sở hữu đối với tài nguyên rừng, bao gồm: hình thức sở hữu tư nhân đối với RSX là rừng trồng và hình thức sở hữu Nhà nước đối với rừng.