rất đáng lưu ý” [290; 62]. “Định hướng cá nhân hóa” trong trường hợp này, từ góc độ tác giả văn học, theo chúng tôi, chính là việc hướng đến cá tính sáng tạo và thể hiện tư cách nghệ sĩ một cách kín đáo của tác giả Thiền gia.
Từ điểm nhìn triết lý bản thể và nhân sinh quan Phật giáo, các thiền sư hẳn nhiên không thể cho trật tự thiên mệnh là tối cao. Trật tự đó phải thuộc về sự an trú tinh thần trong tương quan trở về với Bản thể-Chân như. Đối với trường hợp các nhà thơ – hoàng đế – thiền sư Việt Nam, có thể xuất hiện các câu hỏi thú vị sau: phải chăng nhân cách Hoàng đế và nhân cách Thiền sư cùng xuất hiện trong một con người? Và họ sẽ chọn trật tự nào trong mảnh trời riêng của mình: nguyên tắc duy nhất của thiên mệnh hay trở về bản thể? Họ sẽ chấp nhận và hóa giải thế lưỡng cực của nhân cách như thế nào? Họ sống ra sao giữa ý thức cực quyền với cái ngược lại là ý thức vô ngã? Họ mang sự vướng mắc tột cùng của thiên ý - nhân luân hay vươn tới giải thoát bản tâm trong sạch vô ngại?... Rất nhiều khả năng, Chân Như (hay Phật tính) mới là trật tự quan trọng nhất đối với họ. Điều này thể hiện qua những chi tiết lịch sử gần như thành hệ thống của các vua đầu đời Trần: đó là tinh thần “mến cảnh sơn lâm, coi sống chết như nhau, tuy ý tứ gần với đạo Phật “không tịch” mà “chí thì rộng xa cao siêu”, cho nên bỏ ngôi báu như trút đôi dép nát vậy” [249; 38]. Hình ảnh con người giác ngộ, tùy
duyên - vui đạo kết hợp với phong thái ẩn dật, tiêu dao, song song với hình ảnh
một trượng phu kinh bang tế thế là một đặc điểm xuất hiện hoàn chỉnh duy nhất vào thời nhà Trần – một đặc điểm đã chi phối sâu sắc không chỉ gương mặt lịch sử oanh liệt của triều đại nhà Trần mà còn chi phối đến kiểu tác giả Thiền gia và nội dung triết học thơ thiền Việt Nam thời trung đại.
1.3.2.2 Nhà thơ – Thiền gia và nhân cách Đạo sĩ, Nho sĩ
Ở Trung Quốc, đời Đường và đời Tống, lực lượng thiền sư làm thơ, thi nhân làm cư sĩ đã tạo nên cốt cách thiền sư – thi sĩ (hay nhà thơ – thiền sư) rất
đặc thù. Đó là những người có cảm tình sâu xa với Phật giáo, thông hiểu tam giáo, cốt cách tự tại. Đặc biệt các nhà thơ được xếp vào loại điền viên đời nhà Đường (như Vương Duy, Mạnh Hạo Nhiên, Hàn San, Thập Đắc, …) phần lớn đều mang tư chất thiền sư, cư sĩ, thậm chí đạo sĩ. Chí ẩn dật, nhàn tản tràn khắp trong các sáng tác của họ.
Nhà thơ – thiền sư Trung Quốc liên hệ với tinh thần Đạo sĩ rất rò. Một phần nguyên nhân của mối liên hệ này xuất phát từ tính chất Thiền học Trung Quốc và sự kết hợp sâu sắc tư tưởng Thiền – Lão của nền văn hóa không hề đứt đoạn này. Lê Toan viết: “Nho gia đeo đuổi cái thiện trong xã hội thì Đạo gia đeo đuổi tinh thần tự nhiên (…) nhân cách lý tưởng kiểu Đạo gia là nhân cách tự do thần du trong tự nhiên. Triết học nhân sinh Đạo gia đã mở ra một không gian tự do tinh thần rộng lớn cùng hợp lưu với tinh thần trời đất bên ngoài tự do đạo đức luân lý mà triết học nhân sinh Nho gia đề xướng” [153; 64].
Có thể bạn quan tâm!
- Một Số Khái Niệm Được Sử Dụng Trong Luận Án Có Liên Quan Đến Quá Trình
- Một Số Nguyên Tắc So Sánh Loại Hình – Trường Hợp Thơ Thiền
- Tác Giả Thiền Gia Trong Hệ Thống Loại Hình Tác Giả Văn Học Trung Đại
- Thiên Nhiên Và Những Biểu Tượng Thiền Học
- Cảm Hứng Bản Thể Trong Thơ Thiền Đường - Tống
- Nghiên cứu so sánh thơ Thiền Lý - Trần với thơ thiền Đường - Tống Trung Quốc - 14
Xem toàn bộ 285 trang tài liệu này.
Nhà thơ – thiền sư đồng thời là nhà Nho cũng là trường hợp thường thấy trong cả hai nền thơ thiền Việt Nam và Trung Quốc. Tuy không tập trung lý giải sâu xa con người cá thể và hướng điểm nhìn về đạo tự nhiên, Nho giáo trong khi quan tâm đến mối quan hệ giữa người với người cũng để lại dấu ấn nhân bản của nó trong nhân cách thiền gia. Loại hình nhân cách phức tạp này tập trung vào thời Tống của Trung Quốc. Khá nhiều tác phẩm biên soạn thơ thiền đã chọn Vương An Thạch (6 bài), Chu Hy (6 bài), … Cách chọn lựa này cho thấy tiêu chí của các nhà biên soạn về tác giả sáng tác thơ thiền khá rộng rãi: nhà thơ thiền có thể là thiền sư, cư sĩ, đạo sĩ, là những người chịu ảnh hưởng Thiền Phật giáo, thậm chí là các Nho sĩ có quan niệm nhân sinh rất khác với Thiền.
1.3.2.3 Một số nét đặc trưng về kiểu tác giả Thiền gia
- Nối kết tự do với các loại hình nhân cách khác
Như đã giới thiệu bên trên, tác giả Thiền gia có thể gắn với nhiều loại hình nhân cách khác nhau như Hoàng đế, Đạo sĩ, Nho sĩ… Cách gắn kết này trong văn chương thiền gia cho thấy các nhà thơ – thiền sư đã xử lý thuần thục tính chất “ngôn chí”, “cảm hoài” rất hay xuất hiện trong văn chương nhà Nho với tư tưởng truyền bá giáo pháp, hướng tới minh tâm kiến tính trong văn học nhà Phật; xử lý quan hệ giữa cảm thức thờ phụng tôn giáo với đời sống tài tử, nhàn tản. Khả năng nối kết tự do này chứng minh rằng tinh thần phá chấp và trí tuệ giải thoát đóng vai trò quan trọng trong xu hướng và cốt cách của loại hình tác giả Thiền gia.
- Đứng ngoài các thể chế và trật tự: Việc có nhà nghiên cứu xếp Thiền
gia vào một trong năm nhân cách có khả năng đối đầu với nhân cách Hoàng đế, việc sáng tác của các thiền sư – cư sĩ không chịu ảnh hưởng nhiều từ bên trong về triết lý nhân sinh và cảm quan nghệ thuật của văn học nhà Nho, việc cảm nhận có một “ý thức cá tính” từ phía các thiền sư qua các sáng tác của họ cho thấy phẩm chất “đứng ngoài” của họ đối với các trật tự về thể chế và tư tưởng thời trung đại. Phẩm chất “đứng ngoài” này không giống hoàn toàn với tinh thần “siêu thoát” của học thuyết Lão Trang. Khi tìm hiểu thơ thiền Lý Trần và Đường Tống, chúng tôi nhận thấy “cảm quan vũ trụ” của thơ thiền mà nhiều nhà nghiên cứu đã nói đến là một trong nhiều tín hiệu nghệ thuật hé mở sự khác biệt của thơ thiền đối với thơ Nho. Từ phẩm chất “đứng ngoài”, các nhà thơ – thiền sư trình bày một vũ trụ quan rất đặc biệt. Đó là vũ trụ của duyên sinh, vũ trụ của tính Không, chứ không phải một vũ trụ như là một sự”phản chiếu” hay “phóng chiếu” của cái Ngã cô độc, muộn sầu.
- Sáng tác là tu tập: Khi nào thì sáng tác của các nhà thơ – thiền sư có
bóng dáng sự tu tập? Hàng trăm bài thơ thiền của cả thời Lý Trần và Đường Tống đã để lại một “không gian thiền” cho người đọc với những công án thiền, những giáo lý Thiền, tâm tình chứng ngộ, … Trong bản chất của một thể loại văn học
mang tính chức năng, thơ thiền và cả người sinh ra nó không hề đứng ngoài cuộc chiêm nghiệm và tuyên truyền tôn giáo thông qua ngôn ngữ và sự im lặng của ngôn ngữ. Nhiều bài thơ vịnh công án, tụng công án, nhiều ý thơ xuất phát từ các giai thoại thiền đã lần lượt chứng tỏ sức sống nghệ thuật và sức sống tu tập của chúng. Trong trường hợp này, mục đích sáng tác trùng khớp hoàn toàn với mục đích truyền giáo hay rèn luyện tâm trí.
- Không hoài niệm và vọng tưởng: Nét thể hiện rò trong tất cả các sáng
tác của nhà thơ – thiền sư là sự chú mục vào hiện tại, vào khoảnh khắc “viên dung”, “viên mãn”. Hoài niệm và vọng tưởng là những trạng thái tâm lý nhất thiết bị loại trừ trong quan niệm giải thoát Phật giáo và trong phương thức Thiền định. Nếu như một trong nhiều đặc điểm của thơ Đường (xét về mặt thi pháp) là chứa đựng kiểu thời gian ám ảnh, thời gian của cái cổ xưa tuyệt đối tốt lành, thì thơ thiền – một thành tựu không thể phủ nhận của thơ Đường – lại đi con đường khác. Thời gian lúc này không sinh ra bi kịch cho giới hạn tồn tại của con người. Nhà thơ – thiền sư không bao giờ để lại dấu vết của hoài niệm trong sáng tác của mình; họ cũng từ chối hình dung đến một tương lai nào đó để ký gửi hy vọng. Ý nghĩa của niềm xúc động thanh cao và thành kính nhất là “trở về bản tâm”, nơi các giới hạn của thời gian và không gian bị tiêu trừ.
- Phá chấp triệt để, kể cả sứ mệnh của mình: Đối diện với các sáng tác
của mình, nhà thơ – thiền sư rất ít khi tự nhận là nhà nghệ sĩ, là nhà thơ nặng gánh ngôn từ, là kẻ có sứ mệnh cầm bút. Đối với thời cuộc, họ cũng không thể hiện ý chí và tư chất của con người trong guồng máy trách nhiệm và phận vị. Một số các thiền sư nhận mình là “thiền giả”, “thiền gia”, “sơn tăng”, “tăng nhân”… trong các bài thơ thiền, nhưng đằng sau “danh phận” này không hề kéo theo một ý thức cụ thể nào về sinh mệnh chính trị. Nhà thơ – thiền sư có thể xuất hiện với tư cách kẻ tu hành, nhưng cũng không ít trường hợp, tác giả xuất hiện như một
con người lang thang trong mưa gió, một hành nhân vừa quen vừa lạ trên đường đời, một “vị khách” mãi mãi của còi thế. Hình dung cuộc đời là huyễn mộng, nhà thơ – thiền sư không chấp mình trong bất cứ vai trò ổn định nào, tâm trạng cố hữu nào. Thế nhưng, trong thơ thiền, con người “không có sứ mệnh” ấy vẫn tràn ngập nỗi niềm thân phận; đây là điểm nhìn rất sâu của Thiền gia đối với những sáng
tạo “vô tâm” của họ.
- Đơn độc với niềm tin an trú và giác ngộ: Có thể xem đây là một biểu hiện “uy lực tâm linh” của loại hình tác giả Thiền gia. Hình ảnh một nhà sư tiêu dao một mình với chiếc thuyền hồ hải, một mình đọc kinh dưới trăng, một mình gậy trúc lang thang trên núi cao,… đều là những ám gợi không nguôi về một nhân cách đơn độc với niềm tin an trú và giác ngộ. Sự cô đơn của thiền giả không bao giờ đồng nghĩa với sự cô đơn của mặc cảm bị ruồng bỏ hoặc xa lạ trước cuộc đời. Tin vào an trú và giải thoát, thiền gia “đi đứng nằm ngồi” dưới ánh sáng của tinh thần “vô trụ”, “vô sở đắc”. Đó là một kiểu đẳng cấp tinh thần rất cao.
- Con người thiền là con người thi ca: Ở một phương diện nào đó, vấn đề
con người thiền gần gũi với con người thi ca là một luận điểm rất trái ngược với tôn chỉ “bất lập văn tự” mà các tổ sư Thiền đã đề xuất và theo đuổi. Khi giong ruổi trên hành trình tinh thần nhằm xác lập một đức tin tôn giáo nghiêm trọng, các thiền sư không hề có ý định trở thành “con người thi ca” – một biểu hiện của con người ở còi tài tình, sắc dục. Blyth đã giới thuyết về ý tưởng so sánh này như sau: “Một mặt Thiền dạy chúng ta hướng về thiên nhiên, nhưng mặt khác, Thiền cũng mời gọi chúng ta trở thành bậc đạo sư. Mệt thì ngủ, đói thì ăn, nhưng cùng lúc ấy, chúng ta cũng không cảm thấy nóng vào mùa hè, không thấy lạnh vào mùa đông. Thiền sẽ biến một con người bình thường trở thành con người thơ ca chăng? (…) Như Worthsword nói, một nhà thơ không chỉ khám phá tạo vật mà còn mang đến cho chúng một đôi mắt của mình” [292; 57]. Có thể nói, điểm nhìn
khoáng đạt và sơ phác trước mọi biến cố của tự nhiên và con người đã kéo gần thiền sư lại với thi nhân. Ở đó, tinh thần giác ngộ chân tính (của thiền sư) gắn bó chặt chẽ với tinh thần hồn nhiên sáng tạo (của nhà thơ).
Tiểu kết
Thơ thiền có nguồn gốc sâu xa từ kệ, một trong những thể loại văn học Phật giáo đầu tiên xuất hiện vào thế kỷ thứ V trước Công nguyên. Toàn bộ nền văn học Phật giáo, nhất là hệ kinh luận, đã dựa trên tấm phông thi hóa hình thức diễn đạt tâm linh để dần dần hình thành loại thơ nói về chứng ngộ, giải thoát. Thơ thiền có mầm mống manh nha tại Trung Quốc từ thế kỷ thứ V, VI sau Công nguyên, gắn liền với công cuộc truyền bá Thiền đạo của tổ sư Bồ Đề Đạt Ma. Tên tuổi của Chi Độn, Tuệ Viễn, Vương Tề Chi, Tạ Linh Vận… cũng được nhắc đến như những người làm thơ thiền sơ khai nhất ở Trung Quốc. Đến thế kỷ thứ VII, đời Đường Thái Tông, sự xuất hiện của Huệ Năng đánh dấu bước ngoặt quan trọng của Thiền tông Trung Quốc, đồng thời hình thành một giai đoạn thịnh vượng nhất của thơ thiền – thơ thiền Đường - Tống.
Về quan niệm sáng tác, nhìn chung thơ thiền bao gồm ba kiểu quan niệm chính: sáng tác như là nói pháp, sáng tác vì nhu cầu nói lên thế giới và cảnh giới thực chứng của nội tâm, sáng tác như một phương thức sáng tạo tự do nhằm hướng đến phản chiếu cái vô tận. Từ góc độ tư duy nghệ thuật, luận án quan tâm đến các hình thái tư duy như sau: tư duy gắn với trực giác Bát Nhã, tư duy hòa giải nghịch lý, tư duy về hiện tại toàn bích, tư duy duyên khởi tạo sinh. Cuối cùng, trên bình diện loại hình tác giả Thiền gia, luận án đề cập các thuộc tính sau: tác giả Thiền gia là loại hình tác giả nối kết tự do với các loại hình nhân cách khác, đứng ngoài các thể chế và trật tự, xem sáng tác như là tu tập, không hoài niệm và vọng tưởng, phá chấp triệt để, đơn độc với niềm tin giác ngộ và an trú, và mang nhiều nét của con người thơ ca. Về cơ bản, chương 1 luận án tạm
đưa ra một quan điểm chung nhất về nguồn gốc, khái niệm thơ thiền và một số nét chính về quan niệm sáng tác, tư duy nghệ thuật cũng như loại hình tác giả.
CHƯƠNG 2
HÌNH TƯỢNG THIÊN NHIÊN VÀ ĐIỂM NHÌN BẢN THỂ LUẬN PHẬT GIÁO THIỀN TÔNG TRONG THƠ THIỀN LÝ- TRẦN
VÀ THƠ THIỀN ĐƯỜNG- TỐNG
2.1 Về mối quan hệ giữa hình tượng thiên nhiên và điểm nhìn bản thể luận Thiền tông trong thơ thiền
2.1.1. Thiên nhiên và những kinh nghiệm thiền
Trong khi thuyết pháp, Đức Phật cũng đã dùng hình ảnh thiên nhiên như là những ẩn dụ quen thuộc, chẳng hạn: gọi ái tình là sông, tham sân là lửa…; Kinh Pháp Cú có cả phẩm Hoa, phẩm Voi… ngụ ý mượn thiên nhiên để diễn bày đạo pháp. Từ sinh mệnh tôn giáo trong các kinh điển, hình ảnh thiên nhiên đã mang
thêm sinh mệnh nghệ thuật mới với nhiều ẩn dụ phong phú trong thơ ca thiền tông. Nhưng sinh mệnh nghệ thuật ấy không chỉ thuộc về nền mỹ học Phật giáo; nó còn là cuộc tương giao sâu đậm hiếm hoi nhất trong lịch sử các cuộc hội ngộ tư tưởng. Thiên nhiên trong thơ thiền đẹp đẽ khoáng đạt một phần vì nó phản chiếu sự linh diệu của quan niệm Lão Trang về một thế giới tiêu dao, huyền đồng. Trong yếu tính hướng về chân không bao la, Nam Hoa Kinh của Trang Tử đã đan kết tài tình những phẩm chất nghịch lý với tinh thần đại nghi của Thiền để tạo ra nhiều hình tượng nghệ thuật độc đáo, trong đó có thiên nhiên.
Có thể nói ngay rằng, thiên nhiên cũng chính là một bài học tâm linh bất tận, nên nó cũng được xem là một kinh nghiệm tinh tế nhất của thiền giả. Hiểu biết thiên nhiên không chỉ nhằm “di dưỡng tính tình” mà còn là sự khiết tịnh thân tâm cho mục tiêu giải thoát.