Đăng Ký Quyền Sở Hữu, Quyền Sử Dụng Đối Với Tài Sản Chung

2.2. Chế độ hôn sản luật định

2.2.1. Quy định về tài sản chung của vợ chồng

2.2.1.1. Căn cứ xác định tài sản chung của vợ chồng

Trên cơ sở kế thừa các quy định về tài sản chung của vợ chồng trong Luật HN&GĐ năm 2000 [27, Điều 27], sửa đổi một số quy định cho phù hợp với thực tiễn, Luật HN&GĐ năm 2014 đã dự liệu về tài sản chung của vợ chồng rõ ràng, cụ thể hơn.

Căn cứ xác định tài sản chung của vợ chồng được Luật HN&GĐ năm 2014 quy định tại Điều 33 và được quy định chi tiết tại Điều 9 Nghị định số 126/2014/NĐ–CP ngày 31 tháng 12 năm 2014 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật HN&GĐ năm 2014. Theo đó, tài sản chung của vợ chồng được xác lập từ các nguồn sau đây:

a) Tài sản do vợ, chồng tạo ra trong thời kỳ hôn nhân

Khoản 13 Điều 3 Luật HN&GĐ năm 2014 khi giải thích từ ngữ đã nêu rõ “Thời kỳ hôn nhân là khoảng thời gian tồn tại quan hệ vợ chồng, được tính từ ngày đăng ký kết hôn đến ngày chấm dứt hôn nhân”.

Như vậy, “thời kỳ hôn nhân” là khoảng thời gian tồn tại quan hệ vợ chồng, được tính từ ngày hai bên nam nữ kết hôn, việc kết hôn được tiến hành theo đúng thủ tục quy định của pháp luật, đáp ứng đủ các điều kiện pháp luật quy định và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận. Thời kỳ hôn nhân chấm dứt khi quan hệ hôn nhân chấm dứt. Theo quy định của pháp luật, thời kỳ hôn nhân chấm dứt khi vợ, chồng chết; bản án, quyết định của Tòa án tuyên bố vợ, chồng chết có hiệu lực pháp luật hoặc khi bản án, quyết định ly hôn có hiệu lực pháp luật.

Điều 33 Luật HN&GĐ năm 2014 quy định tài sản chung của vợ chồng như sau:

1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 121 trang tài liệu này.

Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng,

được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.

Chế độ hôn sản trong Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 1697215839 - 7

Theo đó, tài sản chung của vợ chồng gồm những tài sản (bao gồm cả động sản và bất động sản) do vợ chồng tạo ra trong thời kỳ tồn tại quan hệ hôn nhân đều thuộc khối tài sản chung của vợ chồng. Tài sản này có thể do hai vợ chồng cùng chung sức tạo ra hoặc có thể do mỗi bên vợ, chồng là người trực tiếp tạo lập nên.

Khoản 1 Điều 33 Luật HN&GĐ năm 2014 liệt kê tài sản chung của vợ chồng gồm: tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân.

Hành vi “tạo ra” được hiểu là vợ chồng tùy theo ngành nghề, chuyên môn, trình độ đã trực tiếp tạo ra tài sản đó bằng chính công sức của mình như làm công ăn lương, xây dựng nhà cửa, chăn nuôi, trồng trọt ...hoặc có thể dùng tiền bạc của mình để thuê người khác trực tiếp tạo ra tài sản đó thông qua những hợp đồng cụ thể. Hành vi tạo ra tài sản của vợ chồng còn được hiểu là vợ, chồng đã dùng tiền bạc, tài sản của mình để mua bán, trao đổi, nhận chuyển quyền sở hữu tài sản từ người khác sang tài sản thuộc sở hữu của vợ chồng bảo đảm nhu cầu tiêu dùng, sinh hoạt hàng ngày của gia đình hoặc đầu tư sản xuất, kinh doanh. Như vậy, những tài sản do vợ chồng tạo ra trong thời kỳ hôn nhân thuộc khối tài sản chung của vợ chồng.

Ngoài ra, Luật HN&GĐ năm 2014 còn quy định, tài sản chung của vợ chồng bao gồm cả các khoản thu nhập khác phát sinh trong thời kỳ tồn tại quan hệ hôn nhân gồm: Khoản tiền thưởng, tiền trúng thưởng xổ số, tiền trợ cấp, trừ các loại tài sản riêng khác của cợ chồng theo quy định của pháp luật; Tài sản mà vợ, chồng được xác lập quyền sở hữu theo quy định của BLDS đối với vật vô chủ, vật bị chôn giấu, bị chìm đắm, vật bị đánh rơi, bị bỏ quên, gia súc, gia cầm bị thất lạc, vật nuôi dưới nước; Thu nhập hợp pháp khác theo quy định của pháp luật [11, Điều 9].

Do đó, những khoản thu nhập hợp pháp khác được liệt kê nói trên phát sinh trong thời kỳ hôn nhân cũng được xác định là tài sản chung của vợ chồng, vợ chồng có quyền sở hữu như nhau mà không tính đến việc tài sản đó là thu nhập của bên vợ hay bên chồng. Tuy nhiên, để bảo đảm lợi ích cá nhân cũng như quyền riêng tư của cá nhân được pháp luật bảo hộ, pháp luật quy dịnh những khoản trợ cấp, ưu đãi mà vợ, chồng được nhận theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng; quyền tài sản khác gắn liền với nhân thân của vợ, chồng dù có được trong thời kỳ hôn

nhân và là những khoản thu nhập hợp pháp, chính đáng nhưng pháp luật quy định rõ là thuộc về tài sản riêng của mỗi bên vợ, chồng mà không thuộc khối tài sản chung của vợ chồng [11, Điều 11].

Khi quy định về căn cứ xác lập tài sản chung của vợ chồng, tại Điều 27 Luật HN&GĐ năm 2000 không có quy định xác định hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của vợ, chồng là tài sản chung hợp nhất của vợ chồng và vẫn còn nhiều quan điểm tranh cãi khác nhau. Khác với quy định của Luật HN&GĐ năm 2000, Luật HN&GĐ năm 2014 ra đời đã quy định và ghi nhận hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân cũng thuộc khối tài sản chung của vợ chồng.

Theo đó, Hoa lợi phát sinh từ tài sản riêng của vợ, chồng là sản vật tự nhiên mà vợ, chồng có được từ tài sản riêng của mình . Lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của vợ, chồng là khoản lợi mà vợ, chồng thu được từ việc khai thác tài sản riêng của mình [11, Điều 10]. Thời kỳ hôn nhân là một trong những căn cứ để xác định tài sản chung của vợ chồng. Do đó, hoa lợi, lợi tức tuy phát sinh từ tài sản riêng của mỗi bên vợ, chồng nhưng sự kiện phát sinh đó được xác lập trong khoảng thời gian tồn tại quan hệ vợ chồng (thời kỳ hôn nhân) cho nên vẫn thuộc tài sản chung của vợ chồng.

Có thể nói, quy định này của Luật HN&GĐ năm 2014 đã thể hiện tính hợp tình, hợp lý và tiến bộ hơn so với các quy định của Luật HN&GĐ năm 2000, hoàn toàn phù hợp với nguyên tắc xác lập tài sản chung của vợ chồng cũng như mục tiêu bảo vệ, duy trì và phát triển lợi ích của gia đình, các thành viên trong gia đình và của xã hội.

Bên cạnh đó, Luật HN&GĐ 2014 cũng quy định, quyền sử dụng đất và vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng. Người sử dụng đất được nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật và có quyền thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật [36, Điều 167]. Quyền sở dụng đất là hình thức sở hữu phải đăng ký và trong trường hợp đã có vợ, chồng thì trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải ghi tên cả hai vợ chồng. Do đó, quyền sử dụng đất mà cả hai vợ chồng hoặc một bên vợ, chồng được nhà nước giao đều thuộc tài sản chung của vợ chồng. Quyền sử dụng đất mà vợ hoặc chồng có được trước khi kết hôn, được thừa kế riêng, tặng cho riêng chỉ trở thành tài sản chung khi vợ chồng có thỏa thuận. Quyền sử dụng đất là một loại tài sản có giá trị, do đó trong cơ chế quản lý được Nhà nước điều chỉnh và hướng dẫn thực hiện bằng những quy định chặt chẽ, cụ thể.

b) Tài sản mà vợ chồng được tặng cho chung, được thừa kế chung

Trong thời kỳ hôn nhân, vợ chồng được hoặc có thể được những người khác như người thân thích hoặc bạn bè tặng cho chung tài sản hoặc được hưởng thừa kế chung một khối di sản. Những tài sản này thuộc khối tài sản chung của vợ chồng. Tài sản được coi là vợ chồng được tặng cho chung, được thừa kế chung khi trong hợp đồng tặng cho hay trong di chúc, người tặng cho hay người để lại di sản thừa kế tuyên bố tặng cho chung hay cho thừa kế chung mà không phân biệt tỷ lệ phần tài sản được tặng cho, được thừa kế của mỗi bên vợ chồng được hưởng. Nếu trong hợp đồng thừa tặng cho hoặc di chúc có nêu rõ tỷ lệ phần tài sản mà mỗi bên vợ, chồng được hưởng thì về nguyên tắc những tài sản đó được xác định là tài sản riêng, nếu như vợ, chồng không có thỏa thuận nhập vào tài sản chung. Trong trường hợp vợ chồng cùng thuộc hàng thừa kế theo quy định của pháp luật về thừa kế thì tài sản được thừa kế theo hàng thừa kế đó thuộc tài sản riêng của vợ chồng, trừ khi vợ chồng cùng tự nguyện nhập và thỏa thuận đó là tài sản chung thì mới được xem là tài sản chung của vợ chồng.

c) Tài sản mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung; tài sản mà không có căn cứ chứng minh là tài sản riêng của mỗi bên vợ, chồng

Một loại tài sản nữa được pháp luật dự liệu và xác định thuộc tài sản chung của vợ chồng là những tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận nhập vào khối tài sản chung [38, khoản 1 Điều 33].

Trong thực tế cuộc sống hôn nhân, gia đình, vợ và chồng gắn bó với nhau trên cơ sở tình cảm, tình thương yêu, tin tưởng lẫn nhau. Khi tình cuộc sống còn êm ấm, vợ chồng không phân biệt tài sản của ai mà chỉ có một mong muốn và tự nguyện đem hết toàn bộ tài sản mình có được cùng nhau xây dựng tổ ấm, xây dựng hạnh phúc gia đình và chăm lo cho con cái sau này. Những tài sản được coi là tài sản riêng của vợ, chồng lúc này được cả hai người tự nguyện nhập vào khối tài sản chung của gia đình, cùng nhau thực hiện các quyền sở hữu bằng khối tài sản này nhằm đáp ứng những nhu cầu thiết yếu nhất của gia đình. Điều đó không những thể hiện sự yêu thương, tin tưởng lẫn nhau mà còn thể hiện sự mong muốn, đồng sức, đồng lòng xây dựng hạnh phúc gia đình của các cặp vợ chồng.

Việc nhập tài sản riêng của mỗi bên vào khối tài sản chung của vợ chồng đôi khi như là sự mặc định, đã là vợ chồng thì “của anh cũng như của tôi” đều là của chung nên không có một sự thỏa thuận nào. Có trường hợp, tài sản riêng khi nhập vào tài sản chung cũng được vợ chồng thỏa thuận nhưng có khi chỉ là sự thỏa thuận bằng

miệng do hai vợ chồng thống nhất với nhau và cùng thực hiện mà không được lập bằng văn bản nào. Tuy nhiên, khi cuộc sống vợ chồng đổ vỡ, lục đục, tranh chấp xảy ra vợ chồng khó chứng minh được một số loại tài sản thuộc khối tài sản chung của vợ chồng hay là tài sản riêng của vợ hoặc chồng. Vì vậy, trên nguyên tắc bảo đảm quyền tự định đoạt tài sản giữa vợ và chồng, vợ và chồng có thể thỏa thuận cho rằng đó là tài sản chung hoặc tài sản riêng của vợ, chồng.

Thực tiễn giải quyết tranh chấp liên quan đến việc xác định đâu là tài sản chung, đâu là tài sản riêng của vợ chồng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do tính phức tạp của quan hệ tài sản giữa vợ và chồng. Xuất phát từ thực trang đó, nhằm bảo đảm nguyên tắc công bằng và hợp lý, khoản 3 Điều 33 Luật HN&GĐ năm 2014 đã quy định: “Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung”.[38, khoản 3 Điều 33]. Khi một bên vợ hoặc chồng khai tài sản đó là tài sản riêng còn bên kia khai là tài sản chung, song trên thực tế vợ chồng đã quản lý sử dụng tài sản này, nếu bên khai là tài sản riêng lại không đưa ra được chứng cứ chứng minh là tài sản riêng, thì phải coi đây là tài sản chung vợ chồng. Đây là một quy định có ý nghĩa thực tiễn rất cao, vừa có ý nghĩa coi trọng và củng cố quan hệ hôn nhân, vừa ngăn chặn động cơ không trong sáng của một bên, bảo đảm được sự công bằng, bênh vực bên yếu thế, phù hợp với quy định đã được khẳng định tại Điều 33 Luật HN&GĐ năm 2014 là tài sản hình thành trong thời kỳ hôn nhân là tài sản chung. Điều luật đã kế thừa quy định về nguyên tắc suy đoán đã được áp dụng và quy định trong Luật HN&GĐ năm 2000 trước đó. Vấn đề xác định tài sản chung, tài sản riêng của vợ chồng được quy định tương đối cụ thể trong Luật HN&GĐ, tuy nhiên, trong thực tiễn, một khi đời sống chung giữa vợ chồng càng kéo dài thì các tài sản sẽ có xu hướng không thể tránh khỏi là lẫn lộn với nhau, đặc biệt khi vợ chồng xác lập nhiều các giao dịch liên quan đến tài sản. Do đó, không phải lúc nào nguồn gốc của tài sản cũng có thể xác định được theo các quy định về việc xác định tài sản chung và tài sản riêng. Trong bối cảnh đó, quy định về việc suy đoán tài sản chung mà người làm luật đặt ra có ý nghĩa như một nguyên tắc có tính chất định hướng trong việc giải quyết các tranh chấp giữa vợ chồng với nhau về nguồn gốc tài sản. Tuy nhiên, với tư cách là một nguyên tắc suy đoán, tác dụng của nguyên tắc này chỉ dừng lại ở chỗ thiết lập một sự suy đoán, không có ý nghĩa khẳng định chắc chắn tất cả tài sản trong thời kỳ hôn nhân đều là tài sản chung của vợ chồng.

Như vậy, Luật HN&GĐ năm 2014 khi xác định tài sản chung của vợ chồng đã căn cứ vào thời kỳ hôn nhân và nguồn gốc của các loại tài sản thuộc khối tài sản chung của vợ chồng. Việc quy định căn cứ xác định tài sản chung của vợ chồng tạo cơ sở pháp lý để vợ chồng thực hiện sự dân chủ, bình đẳng trong các quan hệ về tài sản. Đồng thời, tạo điều kiện khuyến khích vợ chồng có trách nhiệm với gia đình, cùng sát cánh xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, bình đẳng, hạnh phúc, bền vững. Bên cạnh đó, việc phân định các cơ sở xác lập tài sản chung của vợ chồng còn nhằm xác định các quyền và nghĩa vụ của các bên vợ chồng đối với các loại tài sản vợ chồng. Vợ chồng là đồng sở hữu đối với khối tài sản chung của họ. Vì vậy, một bên vợ hoặc chồng không thể tự ý định đoạt tài sản chung nếu không có sự thỏa thuận của bên kia, đặc biệt liên quan đến những tài sản chung của vợ chồng có giá trị lớn như nhà ở, quyền sử dụng đất… Đồng thời, quy định này cũng là cơ sở pháp lý để cơ quan có thẩm quyền xác định tài sản chung của vợ chồng khi có tranh chấp về tài sản chung giữa vợ và chồng trên thực tế.

2.2.1.2. Đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng đối với tài sản chung

Trước thực tế các tranh chấp liên quan đến tài sản nói chung và tranh chấp tài sản vợ chồng nói riêng xảy ra phổ biến và phức tạp, việc pháp luật dự liệu quy định những loại tài sản bắt buộc phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng là một trong những biện pháp, là cơ sở pháp lý để Tòa án giải quyết tranh chấp một cách nhanh chóng và chính xác, đảm bảo sự công bằng, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho các bên. Do đó, việc đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng đối với tài sản chung vợ chồng hết sức quan trọng và cần thiết, góp phần đảm bảo sự công bằng, minh bạch cũng như bảo vệ các quyền lợi hợp pháp giữa và chồng đối với khối tài sản chung.

Trước đây, Luật HN&GĐ năm 1959 và Luật HN&GĐ năm 1986 không quy định vấn đề đăng ký quyền sở hữu đối với tài sản chung của vợ chồng, đã có nhiều hạn chế trong việc thực hiện và áp dụng Luật. Luật HN&GĐ năm 2000, tại khoản 2 Điều 27 đã quy định: “Trong trường hợp tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu thì trong giấy chứng nhận quyền sở hữu phải ghi tên của cả vợ chồng” [38]. Đây là quy định mới, lần đầu tiên được ghi nhận trong Luật HN&GĐ liên quan đến vấn đề quyền sở hữu đối với tài sản chung của vợ chồng. Hướng dẫn cụ thể hơn những loại tài sản pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu trong quy định nêu trên tại khoản 2 Điều 27 Luật HN&GĐ năm 2000, tại khoản 1 Điều 5 Nghị định số 70/2001/NĐ–CP Nghị định quy định chi tiết thi

hành Luật HN&GĐ ngày 03 tháng 10 năm 2001, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 18 tháng 10 năm 2001 nêu rõ: “1. Các tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng khi đăng ký quyền sở hữu phải ghi tên của cả vợ và chồng theo quy định tại khoản 2 Điều 27 của Luật HN&GĐ bao gồm: nhà ở, quyền sử dụng đất và những tài sản khác mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu”. [10, khoản 1 Điều 5]. Trên giấy chứng nhận quyền sở hữu đối với tài sản đăng ký sẽ được ghi tên của cả hai vợ chồng theo đúng quy định của pháp luật.

Như vậy, việc đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng đối với những tài sản chung pháp luật yêu cầu phải đăng ký là một thủ tục mang tính bắt buộc, nó vừa là quyền của vợ chồng được xác lập tên chủ sở hữu đối với tài sản, vừa là nghĩa vụ vợ chồng phải thực hiện thủ tục đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng đối với tài sản mà pháp luật quy định là phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng.

Hiện nay, Luật HN&GĐ năm 2014 quy định việc đăng ký quyền sở hữu, quyền sở dụng đối với tài sản chung của vợ chồng trong một điều luật riêng biệt mang tính cụ thể và rõ ràng hơn [38, Điều 34].

Về nội dung, tương tự như quy định trong Luật HN&GĐ năm 2000 trước đó, điều luật quy định đối với những tài sản chung vợ chồng mà theo quy định của pháp luật yêu cầu phải thực hiện thủ tục đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng thì vợ chồng có quyền và nghĩa vụ thực hiện thủ tục đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền và được cùng có tên trên giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng đó, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác. Tuy nhiên, không phải bất kỳ tài sản chung nào vợ chồng cũng phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng mà thủ tục trên chỉ được áp dụng cho những tài sản chung là quyền sử dụng đất và những tài sản khác mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sử dụng, quyền sở hữu [ 11, khoản 1 Điều 12]. So với quy định về đăng ký tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng quy định tại khoản 1 Điều 5 của Nghị định số 70/2001/NĐ-CP, Nghị định số 126/2014/NĐ-CP đã bỏ cụm từ “nhà ở”, phù hợp với quy định mới của Luật Đất Đai năm 2013 về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Ngoài ra, những tài sản khác mà pháp luật quy định đăng ký quyền sử dụng, quyền sở hữu như ô tô, xe máytheo quy định của Luật Giao thông đường bộ năm 2008, máy bay theo quy định tại Điều 13 Luật Hàng không dân dụng năm 2007; du thuyền theo quy định tại Điều 17 Bộ luật Hàng Hải Việt Nam năm 2015. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều năm trước đây việc đăng ký quyền sở hữu đối với tài sản chung của vợ chồng thường

do một bên vợ hoặc chồng đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sở hữu. Do đó, theo quy định mới tại Khoản 2 Điều 12 Nghị định 126/2014/NĐ–CP :“ Đối với tài sản chung của vợ chồng đã được đăng ký và ghi tên một bên vợ hoặc chồng thì vợ, chồng có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền cấp đổi giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng đất để ghi tên của cả vợ và chồng” [11, khoản 2 Điều 12]

Bên cạnh đó, nhằm đảm bảo và tôn trọng quyền cá nhân của chủ sở hữu, quyền tự do quyết định đối với tài sản chung của vợ chồng quy định, trong trường hợp tài sản chung được chia trong thời kỳ hôn nhân mà trong giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ghi tên cả vợ và chồng thì bên được chia phần tài sản bằng hiện vật có quyền yêu cầu cơ quan đăng ký tài sản cấp lại giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên cơ sở văn bản thỏa thuận của vợ chồng hoặc quyết định của Tòa án về chia tài sản chung [11, khoản 3 Điều 12].

Đối với những loại tài sản khác (như ô tô, mô tô, xe máy, máy bay, du thuyền) mà pháp luật có quy định phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng nhưng trên giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng chỉ ghi tên một bên vợ hoặc chồng thì những giao dịch liên quan đến tài sản này (như mua bán, tặng cho, thế chấp, cầm cố…) theo quy định tại Điều 26 Luật HN&GĐ năm 2014 sẽ được thực hiện thông qua hình thức đại diện giữa vợ và chồng trong trường hợp giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng đối với tài sản chung nhưng chỉ ghi tên vợ hoặc chồng [38, Điều 26]. Việc đại diện giữa vợ và chồng trong xác lập, thực hiện, chấm dứt giao dịch được xác lâp theo quy định của Luật HN&GĐ năm 2014, Luật Dân sự và các luật khác có liên quan. Về phạm vi đại diện, Điều 25 Luật HN&GĐ năm 2014 cũng quy định cho phép vợ chồng có thể đại diện cho nhau trong quan hệ kinh doanh [38, Điều 25]. Nếu hai vợ chồng trực tiếp cùng nhau tham gia quan hệ kinh doanh chung thì theo quy định tại Điều 36 Luật HN& GĐ năm 2014 thì vợ, chồng là người đại diện hợp pháp của nhau trong quan hệ kinh doanh đó và khi vợ chồng có thỏa thuận về việc một bên tham gia kinh doanh và đưa tài sản chung vào kinh doanh thì người này có quyền tự mình thực hiện các giao dịch liên quan đến tài sản chung đó [38, Điều 36]. Để đảm bảo sự minh bạch trong việc quản lý tài sản cũng như bảo đảm quyền lợi của vợ chồng đối với tài sản chung, trường hợp thỏa thuận về tài sản chung đưa vào kinh doanh phải được thực hiện dưới hình thức bằng văn bản. Trong trường hợp trên giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản chung ghi tên một bên vợ hoặc chồng thì khoản 2 Điều 24 Luật HN&GĐ năm 2014 quy định khi xác lập, thực hiện và chấm dứt các giao dịch liên quan đến tài sản chung đó vợ và chồng có thể

Xem tất cả 121 trang.

Ngày đăng: 13/10/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí