149
Việc trang bị, củng cố kiến thức chuyên môn nghiệp vụ cho KSV chủ yếu được thực hiện bằng hai con đường: Được cử đi học nâng cao trình độ hoặc tự học, tự bồi dưỡng kiến thức cho bản thân. Vì vậy, các biện pháp thực hiện giải pháp này gắn liền với việc đổi mới công tác giáo dục, đào tạo tại các cơ sở giáo dục về chuyên môn, nghiệp vụ cho KSV và tính tích cực, chủ động, sáng tạo, ham học hỏi của bản thân mỗi KSV.
Về công tác đào tạo KSV: Kiểm sát viên được đào tạo chuyên môn ở các trường trong và ngoài ngành KSND. Tuy nhiên, về nghiệp vụ kiểm sát, các KSV đều được đào tạo tại Trường Đại học kiểm sát Hà Nội, Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại thành phố Hồ Chí Minh. Nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn hoạt động tranh tụng tại phiên tòa của KSV, các trường cần chú trọng:
Xây dựng chương trình, bài giảng và thực hiện giảng dạy chuyên sâu về tranh tụng, nhất là các kỹ năng thực hành tranh tụng tại phiên tòa XXHS; tăng thời gian học tập, thực hành đối với các môn học, phần học liên quan trực tiếp tới tranh tụng như logic học hình thức, kỹ năng xây dựng văn bản, thực tập tranh tụng tại các phiên tòa giả định…
Để có thể tham gia tranh tụng một cách có chất lượng, đòi hỏi KSV phải có trình độ toàn diện về nhiều lĩnh vực (kinh tế, xã hội, tâm lý, hành chính...). Do đó, việc đào tạo KSV phải thực sự toàn diện, không chỉ thu hẹp trong việc trang bị kiến thức pháp luật mà còn phải chú ý cung cấp các kỹ năng mềm, các kiến thức bổ trợ, làm nền tảng cho KSV tiếp cận, đánh giá, xử lý các vấn đề một cách có hiệu quả.
Đối với việc tự học, tự bồi dưỡng kiến thức cho bản thân, mỗi KSV phải nhận thức đây là biện pháp lâu dài và thiết thực nhất. Đây cũng là yêu cầu tất yếu, phù hợp với xã hội hiện đại và những thay đổi thường xuyên của đời sống, giúp cho KSV thích ứng nhanh với những yêu cầu, đòi hỏi của công việc, của ngành nghề trong điều kiện tình hình mới. Đặc biệt, KSV phải thường xuyên tự mình đánh giá lại kết quả hoạt động sau mỗi phiên tòa; rút kinh nghiệm một cách nghiêm túc những thiếu sót, chú ý lắng nghe các ý kiến góp ý của đồng nghiệp, dư luận của công chúng với thái độ cầu thị để không ngừng hoàn thiện hơn kỹ năng nghiệp vụ của mình trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát XXST hình sự nói chung cũng như việc trình bày luận tội, tham gia tranh luận của KSV tại các phiên
150
tòa hình sự sơ thẩm nói riêng. Bên cạnh đó, các cấp ủy, cơ quan cũng cần có những chính sách khuyến khích, động viên thiết thực, giúp tăng sự hứng thú, hăng say trong tự học, tự bồi dưỡng của các KSV.
Có thể bạn quan tâm!
- Giải Pháp Bảo Đảm Chất Lượng Tranh Tụng Của Kiểm Sát Viên Viện Kiểm Sát Nhân Dân Cấp Huyện Tại Phiên Tòa Xét Xử Hình Sự Đáp Ứng Yêu Cầu Cải
- Hoàn Thiện Pháp Luật Đảm Bảo Tranh Tụng Tại Phiên Tòa Theo Yêu Cầu Cải Cách Tư Pháp
- Tăng Cường Sự Lãnh Đạo Của Các Cấp Ủy Đảng Đối Với Nâng Cao Chất Lượng Tranh Tụng Tại Phiên Tòa Xét Xử Hình Sự Của Kiểm Sát Viên Viện
- Chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân cấp huyện tại phiên tòa xét xử hình sự theo yêu cầu cải cách tư pháp ở Việt Nam hiện nay - 21
- Chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân cấp huyện tại phiên tòa xét xử hình sự theo yêu cầu cải cách tư pháp ở Việt Nam hiện nay - 22
- Ông/bà Đánh Giá Như Thế Nào Về Công Tác Chuẩn Bị Cho Hoạt Động Tranh Tụng Tại Phiên Tòa Xxhs Của Kiểm Sát Viên Vksnd Cấp Huyện?
Xem toàn bộ 220 trang tài liệu này.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Kiểm sát viên VKSND cấp huyện cần chú ý nghiên cứu kỹ và thực hành tốt theo các hướng dẫn nghiệp vụ của ngành, đối với từng loại án nhất định [147], [148], [149]; chú trọng xây dựng kế hoạch thực hành quyền công tố, xây dựng Bản cáo trạng và các văn bản pháp lý khác ngắn gọn, thực hiện sơ đồ hóa hành vi phạm tội trong các vụ án có nhiều nội dung, nhiều bị can để xây dựng cáo trạng chất lượng hơn. KSV phải nghiên cứu kỹ hồ sơ, quy trình nghiệp vụ, chuẩn bị kỹ dự thảo luận tội, đề cương thẩm vấn, dự kiến tình huống tranh tụng tại phiên tòa, xem xét việc công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên tòa nếu xét thấy phù hợp. Trong quá trình tranh tụng, phải phát huy vai trò trong giáo dục, răn đe, phòng ngừa tội phạm.
- Đối với việc bồi dưỡng kỹ năng tranh tụng cho Kiểm sát viên VKSND cấp huyện
Các hoạt động bồi dưỡng nghiệp vụ cho Kiểm sát viên VKSND cấp huyện có thể tiến hành định kỳ hoặc thường xuyên, bởi VKS các cấp; được thực hiện bằng nhiều hình thức đa dạng như tổ chức các lớp tập huấn, sinh hoạt chuyên đề, hội thảo, tọa đàm, giao lưu, hội thi… Kiểm sát viên có kỹ năng tranh tụng thuần thục (đặt câu hỏi, dẫn dắt, xử lý tình huống, kết luận vấn đề) vừa giúp cho việc hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ tranh tụng tại phiên tòa, vừa làm tăng sức thuyết phục, niềm tin đối với người tham gia tố tụng và nhân dân. Cần xây dựng, hoàn thiện quy trình chuẩn bị, thực hành kỹ năng tranh tụng thống nhất cho các Kiểm sát viên VKSND cấp huyện tại phiên tòa sơ thẩm hình sự làm cẩm nang cho các KSV thực hiện.
Trong quá trình bồi dưỡng kỹ năng tranh tụng cho KSV, các VKS các cấp cần tuân thủ hướng dẫn của VKSNDTC như: Trong giai đoạn XXST: Kiểm sát viên phải nghiên cứu, kiểm tra lại các chứng cứ tài liệu đã thu thập có trong hồ sơ vụ án, thống kê đánh giá chứng cứ buộc tội, chứng cứ gỡ tội, xây dựng kỹ đề cương xét hỏi, dự kiến các tình huống có thể xảy ra tại phiên tòa, chuẩn bị thực hiện có hiệu quả việc tranh tụng tại phiên tòa bảo vệ quan điểm truy tố của VKS; tăng cường áp
151
dụng khoa học kỹ thuật, thực hiện “số hóa hồ sơ vụ án” và công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên tòa để phục vụ tích cực, hiệu quả việc giải quyết vụ án. Đối với những vụ việc đặc biệt nghiêm trọng, dư luận xã hội quan tâm hoặc có nguy cơ xảy ra điểm nóng thì lãnh đạo VKS cấp tỉnh trực tiếp hướng dẫn, chỉ đạo. Thông qua công tác hướng dẫn, chỉ đạo VKS cấp huyện, Phòng nghiệp vụ kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc, những vi phạm, thiếu sót để ban hành văn bản hướng dẫn, thông báo rút kinh nghiệm hoặc tham mưu cho lãnh đạo VKS cấp tỉnh đánh giá nguyên nhân, tổng kết thực tiễn để tổ chức tập huấn chuyên sâu, tham mưu kiểm tra nghiệp vụ đảm bảo chất lượng.
Kỹ năng tranh tụng của Kiểm sát viên VKSND cấp huyện có mối quan hệ gắn bó với việc thực hiện các nhiệm vụ có liên quan trong giai đoạn trước. Do đó, bồi dưỡng kỹ năng tranh tụng cho KSV không tách rời việc bồi dưỡng các kỹ năng khác có liên quan trong giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố.
- Đối với việc củng cố, rèn luyện phẩm chất đạo đức cho Kiểm sát viên VKSND cấp huyện
Rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống là đòi hỏi có tính thường xuyên, liên tục đối với người cán bộ Kiểm sát. Hoạt động thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử án hình sự là hoạt động phức tạp, đòi hỏi bản lĩnh, trí tuệ và phẩm chất đạo đức trong sáng của KSV. Đây là những yếu tố giúp KSV “miễn dịch” với những tác động của mặt trái kinh tế thị trường, làm việc công tâm, sáng suốt, trách nhiệm. Do đó, cần tăng cường các hình thức bồi dưỡng về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống để rèn luyện KSV thực sự là người có bản lĩnh chính trị vững vàng, lương tâm nghề nghiệp trong sáng, yêu ngành, yêu nghề, tận tụy, tự giác, trách nhiệm trong công việc. Trong giai đoạn hiện nay, KSV cần đặc biệt chú trọng thực hiện tốt các quy định của Đảng (nhất là những điều đảng viên không được làm); thực hiện nghiêm lời Bác Hồ dạy cán bộ Kiểm sát phải “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”, trong đó “công minh, chính trực” là phẩm chất đạo đức nghề nghiệp; “khách quan, thận trọng” là phương pháp công tác để không để oan sai, không để lọt tội phạm, truy tố đúng người, đúng tội; “khiêm tốn” là tác phong, lề lối làm việc để có sức thuyết phục, tính nhân văn trong xử lý công việc.
152
4.2.2.4. Bảo đảm kinh phí, cơ sở vật chất phục vụ cho nâng cao chất lượng hoạt động tranh tụng của Kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân cấp huyện tại phiên tòa
Kinh phí, cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động của ngành KSND nói chung và hoạt động tranh tụng tại phiên tòa nói riêng là yếu tố cần thiết để từng Viện Kiểm sát, toàn ngành KSND hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao. Những năm gần đây, ngành KSND đã được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư, xây dựng, củng cố về nguồn nhân lực và cơ sở vật chất. Nhiều đề án tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện, trụ sở làm việc đã được triển khai, hướng tới đáp ứng yêu cầu CCTP. Các văn bản pháp luật khác về chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức nhà nước được ban hành, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, công chức, viên chức nhà nước nói chung và cán bộ, nhân viên ngành KSND nói riêng. Điều này mang lại diện mạo mới cho trụ sở, phương tiện, các điều kiện làm việc khác trong Ngành và từng bước đáp ứng nguyện vọng, củng cố môi trường làm việc tốt cho các KSV. Tuy nhiên, trước yêu cầu, đòi hỏi thực hiện nhiệm vụ trong tình hình mới, đánh giá về vấn đề này, ngành KSND đã nêu “cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện, điều kiện làm việc chưa đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ” [145]. Về chế độ, chính sách đối với KSV, nhiều đại biểu Quốc hội vẫn còn băn khoăn lo lắng về mức độ tương xứng trong đãi ngộ để họ yên tâm, giữ liêm chính hiệu quả nhất [59]. Do đó, Nhà nước cần quan tâm bảo đảm kinh phí, cơ sở vật chất, chế độ đãi ngộ cán bộ, công chức phục vụ cho nâng cao chất lượng hoạt động tranh tụng của Kiểm sát viên VKSND cấp huyện tại phiên tòa nói riêng và cho ngành KSND nói chung.
Trong giai đoạn hiện nay và xu hướng phát triển trong tương lai, việc bảo đảm kinh phí và cơ sở vật chất gắn liền với bảo đảm các điều kiện thúc đẩy thực hiện chủ trương ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành KSND. Ứng dụng công nghệ thông tin là chủ trương lớn của Nhà nước, được triển khai đồng bộ ở các cấp, các ngành. Đây cũng là đòi hỏi tất yếu của cuộc cách mạng
4.0. Qua đó, bảo đảm các điều kiện cần thiết để thực hiện công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và nâng cao chất lượng thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, công chức trong điều kiện phải giảm biên chế theo lộ trình. Thực tế trong ngành KSND, hạ tầng công nghệ thông tin còn “thiếu và yếu; phần mềm ứng dụng công
153
nghệ thông tin chưa đủ và chất lượng hiệu quả khai thác, sử dụng còn thấp” [153]. Hiện đã có một số phần mềm áp dụng trong quản lý văn bản, quản lý nhân sự, thống kê án... nhưng chỉ đáp ứng được một phần công tác Ngành; chưa bảo đảm tính liên thông, đồng bộ; thậm chí chưa bảo đảm an toàn thông tin. Do đó, để có thể triển khai có hiệu quả chủ trương này, Nhà nước cần phải đầu tư cơ sở vật chất để bổ sung, nâng cấp cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin; nâng cao nhận thức về vai trò, tác dụng của công nghệ thông tin trong thực hiện nhiệm vụ của KSV; bồi dưỡng kỹ năng khai thác các phần mềm công nghệ thông tin, bảo đảm bí mật nhà nước, an toàn thông tin mạng; tuyển dụng và sử dụng các kỹ sư phục vụ cho công tác công nghệ thông tin... Đồng thời, việc đầu tư cơ sở vật chất gắn liền với những đòi hỏi khai thác, sử dụng, bảo quản cơ sở vật chất đó có hiệu quả. Trong đó, đối với các VKS, phải coi việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số là khâu đột phá trong thực hiện nhiệm vụ; chủ động triển khai các nội dung về tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ theo yêu cầu của cấp trên; nêu cao trách nhiệm trong rà soát, đánh giá hiệu quả sử dụng các phần mềm và bảo đảm an toàn thông tin trong cơ quan, đơn vị.
Ngoài ra, nâng cao chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên VKSND cấp huyện tại phiên tòa còn gắn liền với những bảo đảm về cơ sở vật chất chung cho tất cả các hoạt động diễn ra tại phiên tòa như: Trụ sở, trang bị cơ sở vật chất cho phòng xử án bảo đảm tính uy nghiêm, hiện đại (hệ thống âm thanh, máy ghi âm, ghi hình, máy tính, máy chiếu, màn hình trình bày chứng cứ, mạng internet... phải đầy đủ, hiện đại, thông suốt, phục vụ cho tranh tụng tại phiên tòa). Kiểm sát viên được trang bị đầy đủ thiết bị làm việc, phương tiện kỹ thuật phục vụ cho việc thực hiện nhiệm vụ tranh tụng, nhất là trong điều kiện khoa học kỹ thuật phát triển mạnh mẽ và các thủ đoạn phạm tội ngày càng tinh vi, xảo quyệt. Một vấn đề cần được quan tâm khác là bảo đảm chế độ đãi ngộ xứng đáng về lương, thưởng, chế độ phụ cấp trách nhiệm với Kiểm sát viên VKSND cấp huyện - một vị trí công việc có tính đặc thù trong xã hội và là những người trực tiếp thực hiện nhiệm vụ ở cấp cơ sở, gần dân, sát dân, tham gia giải quyết vụ án hình sự ở cấp xét xử đầu tiên. Do đó, bảo đảm kinh phí, cơ sở vật chất đồng bộ là yếu tố quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng tranh tụng của KSV tại phiên tòa XXST vụ án hình sự theo yêu cầu CCTP.
154
Tiểu kết chương 4
1. Yêu cầu quán triệt quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về CCTP luôn là vấn đề chi phối tới các hoạt động cụ thể nhằm nâng cao chất lượng tranh tụng của các chủ thể tiến hành tố tụng, tham gia tố tụng, trong đó có Kiểm sát viên VKSND cấp huyện. Nội dung đó hình thành hệ thống quan điểm chỉ đạo và là cơ sở để xác định các giải pháp cụ thể nâng cao chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên VKSND cấp huyện tại phiên tòa XXST vụ án hình sự đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ CCTP trong tình hình mới.
2. Chương 4 trình bày hai nhóm giải pháp: Các giải pháp chung và các giải pháp cụ thể. Các giải pháp chung gồm: Tăng cường kiểm soát việc thực hiện quyền tư pháp của Tòa án và VKS; tiếp tục hoàn thiện pháp luật đảm bảo tranh tụng tại phiên tòa theo yêu cầu CCTP; xây dựng và nâng cao văn hóa tranh tụng cho các chủ thể. Các giải pháp cụ thể gồm: Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa xét xử hình sự của Kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân cấp huyện; nâng cao nhận thức của Kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân cấp huyện về tầm quan trọng, trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ tranh tụng tại phiên tòa xét xử hình sự; bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn, kỹ năng tranh tụng, phẩm chất đạo đức cho Kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân cấp huyện; bảo đảm kinh phí, cơ sở vật chất phục vụ cho nâng cao chất lượng hoạt động tranh tụng của Kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân cấp huyện tại phiên tòa. Các giải pháp được nêu ra trên cơ sở đánh giá khách quan, đầy đủ các hạn chế và nguyên nhân của hạn chế. Quán triệt quan điểm và thực hiện đồng bộ các giải pháp trên, chúng tôi dự kiến sẽ mang lại những tác động tích cực, góp phần trực tiếp nâng cao chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên VKSND cấp huyện tại phiên tòa XXST vụ án hình sự.
155
KẾT LUẬN
1. Chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên VKSND cấp huyện tại phiên tòa XXHS theo yêu cầu của CCTP là tổng hợp các yếu tố tạo nên giá trị trong hoạt động tranh tụng của Kiểm sát viên VKSND cấp huyện; phản ánh mức độ tương quan trong việc đáp ứng yêu cầu của CCTP. Đây là vấn đề quan trọng, cần thiết phải nghiên cứu làm rõ, góp phần bảo đảm hiện thực hóa quan điểm của Đảng trong CCTP, xây dựng hệ thống cơ quan tư pháp vững mạnh, bảo vệ công lý, quyền con người, quyền công dân.
2. Luận án “Chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên Viện KSND cấp huyện tại phiên tòa xét xử hình sự theo yêu cầu cải cách tư pháp ở Việt Nam hiện nay” được thực hiện với nhiệm vụ: Đánh giá tổng quan tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài luận án và nêu rõ những vấn đề đặt ra cần tiếp tục nghiên cứu; xây dựng, hoàn thiện cơ sở lý luận; đánh giá thực trạng; xác định quan điểm và đề xuất giải pháp bảo đảm chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên VKSND cấp huyện tại phiên tòa XXST hình sự theo yêu cầu CCTP ở Việt Nam.
3. Trong chương 1, luận án đã phân tích tổng quan tình hình nghiên cứu có liên quan đến đề tài luận án, làm rõ những nội dung liên quan đến đề tài luận án đã được nghiên cứu, chưa được nghiên cứu, cần tiếp tục nghiên cứu. Từ đó khẳng định, đề tài luận án là đề tài mới, kết quả nghiên cứu sẽ mang lại ý nghĩa khoa học và thực tiễn quan trọng. Tác giả cũng xác định giả thuyết nghiên cứu và câu hỏi nghiên cứu.
4. Trong chương 2, luận án đã trình bày cơ sở lý luận về chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên VKSND cấp huyện tại phiên tòa XXHS với các vấn đề cụ thể gồm: Khái niệm, tiêu chí đánh giá, điều kiện bảo đảm chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên VKSND cấp huyện tại phiên tòa XXHS. Đây là cơ sở để làm sáng tỏ thực trạng và là căn cứ bảo đảm tính thống nhất giữa lý luận với thực trạng và giải pháp.
5. Trong chương 3, luận án đánh giá thực trạng chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên VKSND cấp huyện tại phiên tòa XXHS với những ưu điểm và hạn chế nhất định; đồng thời chỉ rõ nguyên nhân của ưu điểm và hạn chế đó. Đây là vấn đề quan trọng, làm cơ sở để đề xuất quan điểm và giải pháp.
156
6. Trong chương 4, luận án đề xuất các quan điểm có tính định hướng và những giải pháp nhằm bảo đảm chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên VKSND cấp huyện tại phiên tòa XXHS đáp ứng yêu cầu CCTP trong giai đoạn hiện nay. Các giải pháp đưa ra mang tính toàn diện, bao gồm: Các giải pháp chung và các giải pháp cụ thể.
7. Với việc nghiên cứu hệ thống, toàn diện, chuyên sâu về hoạt động tranh tụng của Kiểm sát viên VKSND cấp huyện tại phiên tòa XXHS theo yêu cầu CCTP, tác giả đã giải quyết các vấn đề còn chưa nghiên cứu về mặt lý luận, đánh giá khách quan thực trạng và đưa ra các quan điểm, giải pháp mà tác giả kỳ vọng sẽ mang lại sự tác động tích cực, góp phần chuyển biến nhận thức, hành vi của chủ thể tranh tụng là Kiểm sát viên VKSND cấp huyện và nâng cao chất lượng tranh tụng của chủ thể này tại phiên tòa xét xử vụ án hình sự lần đầu tiên, hướng tới đáp ứng đầy đủ các yêu cầu CCTP hiện tại và tương lai.