Văn Học Đàng Trong Như Một Đối Tượng Khảo Sát Chuyên Biệt

nhưng căn bản chỉ coi đó như những cứ liệu cần thiết minh chứng cho “Sự phong phú về mặt đề tài và thể loại văn học biểu hiện những xu thế mới của xã hội Đại Việt từ thế kỷ XVI đến nửa đầu thế kỷ XVIII”1. Và dù rằng Bùi Duy Tân đã khẳng định: “Nói về văn học trong các thế kỷ này cần chú ý đến lực lượng sáng tác ở Đàng Trong”, nhưng với cách trình bày về các tác giả, tác phẩm lẩn khuất giữa đông đảo tác giả - tác phẩm Đàng Ngoài vốn đã quá quen thuộc với nhận thức thông thường, người đọc chưa thể có một ấn tượng đặc biệt nào về vùng văn học Đàng Trong.

Tương tự, trong giáo trình Văn học Việt Nam thế kỷ XVIII, nửa đầu thế kỷ XIX (Hoàng Hữu Yên - Nguyễn Lộc, NXB Giáo dục, Hà Nội, 1962), về sau Nguyễn Lộc tái bản, chỉnh sửa, bổ sung thành hai tập Văn học Việt Nam nửa cuối thế kỷ XVIII nửa đầu thế kỷ XIX (NXB Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội, 1976 - 1978)2, chất liệu nghiên cứu chủ yếu là các sáng tác ở Đàng Ngoài. Ngoại trừ “Tuồng” (chương mười hai) [89, tr. 391 - 420] là chương duy nhất được Nguyễn Lộc dành riêng để khảo sát về một loại hình văn học - nghệ thuật đặc biệt khởi phát từ Đàng Trong, còn tất cả các dẫn liệu liên quan đến văn học Đàng Trong khác chỉ được điểm xuyết một cách sơ sài. Hoàng Hữu Yên khi “Sơ bộ giới thiệu văn học chữ Hán thế kỷ thứ XVIII và nửa đầu thế kỷ thứ XIX”, đã xếp những sáng tác miêu tả xã hội Đàng Trong nửa đầu thế kỷ XVIII của Ngô Thế Lân vào “bộ phận thơ văn chữ Hán ưu tú” [193, tr. 379] và bản thân Ngô Thế Lân cũng được xếp vào lớp “nhà thơ ưu tú” [193, tr. 384]. Nhưng cũng chỉ có hai bài thơ của ông (Thiệp thế ngâm - Từng trải việc đời, Trư điểu đề - Tiếng chim lợn kêu) được dẫn trong phần chú thích. Cùng với Ngô Thế Lân, chỉ còn nhóm Chiêu Anh các với chùm thơ “Hà Tiên thập vịnh” được nhắc qua khi đề cập đến bộ phận thơ vịnh cảnh [193, tr. 394]. Ngô Thế Lân, Hoàng Quang cũng được Nguyễn Lộc điểm tên khi trình bày chung về “Các xu hướng trong văn học Việt Nam giai đoạn nửa cuối thế kỷ XVIII - nửa đầu thế kỷ XIX”; đặc biệt, Ngô Thế Lân được đánh giá là “nhà thơ xuất sắc nhất” của văn học Đàng Trong cuối thế kỷ XVIII [88, tr. 132]. Ngoài những trình bày sơ lược

nhằm chứng minh cho một luận điểm nghiên cứu nào đó (mà chúng tôi vừa kể ở trên), không một tác giả nào của văn học Đàng Trong được đề cập ở phần viết


1 Tên các chương mục trong cuốn sách.

2 Năm 1999, NXB Giáo dục tập hợp hai cuốn Văn học Việt Nam nửa cuối thế kỷ XVIII nửa đầu thế kỷ XIX nói trên và cuốn Văn học Việt Nam nửa cuối thế kỷ XIX thành một cuốn Văn học Việt Nam nửa cuối thế kỷ XVIII đến hết thế kỷ XIX.

riêng. Điều đó phản ánh phần nào sự thiếu hụt tư liệu và diện quan tâm của các nhà nghiên cứu.

Bộ Việt Nam văn học sử giản ước tân biên của Phạm Thế Ngũ được biên soạn khá chu đáo, kỹ lưỡng với những tư liệu phong phú, các nhận định đánh giá được cân nhắc thận trọng. Chúng tôi đặc biệt lưu tâm đến cuốn Tập II - Văn học lịch triều: Việt văn (Quốc học tùng thư, 1963, Sài Gòn), vì liên quan trực tiếp đến giai đoạn khảo sát của đề tài. Đáng quý của công trình này là, khi trình bày sơ lược về nội dung - hình thức của “Văn Nôm Nam Hà” và giới thiệu một số tác giả Nôm tiêu biểu của Đàng Trong (Đào Duy Từ, Nguyễn Cư Trinh, Nguyễn Hữu Hào, Hoàng Quang…), Phạm Thế Ngũ đã đưa ra một số bình luận tái hiện được phần nào không gian văn hóa - văn học đặc biệt của xứ Đàng Trong (so với Đàng Ngoài), rằng: “Miền Nam nói chung thiếu cái phong vị văn học, cái không khí thông thái cao đạt” [106, tr. 201]; “Đất Nam Hà thiếu bóng nhà nho, và thơ phú văn chương chẳng dễ nảy nở như ở miền Bắc. Những danh nhân miền Nam đều là người có công trạng đánh dẹp, khai thác, chẳng phải là nhà khoa bảng hay văn học” [106, tr. 201]; “Do đó mà Nam Hà thiếu sự đào luyện lâu đời của Hán học, thiếu không khí văn học, phần Việt văn cũng không có gì kiệt xuất, vì chỉ mới đi những bước đầu tiên” [106, tr. 202]. Đây được coi là những gợi ý quý giá khi chúng tôi tiếp cận, tìm hiểu về “căn nguyên” văn học Đàng Trong. Tuy nhiên, về căn bản, công trình này mới chỉ cung cấp những nhận định sơ giản về một vài thể loại, một lối văn Nôm của Đàng Trong (vãn, vè), chưa đủ để khái quát toàn bộ diện mạo văn học vùng giai đoạn này.

Văn Tân - Nguyễn Hồng Phong, khi trình bày Lịch sử văn học Việt Nam sơ giản (NXB Khoa học, Hà Nội, 1963) đã giới thiệu sơ lược về các tác giả, tác phẩm tiêu biểu trong từng thời kỳ lịch sử văn học, với tiêu chí lựa chọn là “do ở giá trị tiêu biểu của nó, ở nội dung phản ánh hiện thực của nó phản ánh được một vài khía cạnh cơ bản của cuộc sống” [135, tr. 8]. Tuy nhiên, với tiêu chí đó, trong tổng số 198 trang sách viết về văn học thế kỷ XV - XVIII, chỉ có bốn trang giới thiệu sơ lược về một tác giả duy nhất của văn học Đàng Trong thế kỷ XVII: Đào Duy Từ. Điều đó phản ánh phần nào vị trí của văn học Đàng Trong trên thang điểm giá trị mà các nhà nghiên cứu đặt ra.

Bảng lược đồ văn học Việt Nam của Thanh Lãng (Trình Bầy xuất bản, Sài Gòn, 1967) “là những nét bút chì” phác họa sơ giản lược trình văn học Việt Nam. Quyển Thượng đã tái hiện toàn bộ “Nền văn học cổ điển (từ thế kỷ XIII đến 1862)”, trong đó có hai chứng nhân văn học Đàng Trong được nhắc đến và được giới thiệu riêng: Đào Duy Từ (nhân chứng cho “văn học thời kỳ gặp gỡ Tây phương” - cách định danh của tác giả) và Nguyễn Cư Trinh với bài vè Sãi Vãi (nhân chứng cho nền “văn học thác loạn”).

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 166 trang tài liệu này.

Bùi Đức Tịnh, trong cuốn Lược khảo lịch sử văn học Việt Nam từ khởi thủy đến cuối thế kỷ 20 (NXB Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh, 2005), cũng đã dành một sự quan tâm nhất định đến các tác giả tiêu biểu của Đàng Trong giai đoạn thế kỷ XVII - XVIII như Đào Duy Từ, Nguyễn Hữu Hào, Mạc Thiên Tích, Nguyễn Cư Trinh (trong mục “Văn chương cổ điển thời Trịnh Nguyễn phân tranh”) và Hoàng Quang (trong mục “Văn chương cổ điển thời Tây Sơn”). Theo tác giả, ở giai đoạn Trịnh - Nguyễn phân tranh, trong khi văn học Đàng Ngoài chịu ảnh hưởng của những biến chuyển xã hội tạo nên bởi các giai đoạn hưng suy của chế độ Lê - Trịnh thì văn chương Đàng Trong chịu ảnh hưởng của một xã hội đang vừa tự lập vừa phát triển. Dù tự lập về chính trị nhưng “Đàng Trong không biệt lập về văn hóa: văn học Đàng Trong chỉ là một bộ phận của văn học dân tộc nảy nở trong hoàn cảnh đặc biệt1” [161, tr. 147]. Văn chương Đàng Trong đã phải đi “hia bảy dặm” [161, tr. 147] từ đầu thế kỷ XVII đến giữa thế kỷ XIX: bắt đầu bằng thể điệu bình dân lục bát, lướt nhanh sang thể song thất lục bát và vào giữa thế kỷ XIX, tạo được những thơ Đường luật hoàn mỹ (như văn chương Bắc Hà đầu thế

kỷ XIX), sau đó là thể hát nói, thơ trào phúng. Những nhận định trên đây của Bùi Đức Tịnh tuy không phải là những phát kiến mới mẻ, nhưng “hợp âm” cùng sự tìm tòi của các nhà nghiên cứu khác, đã một lần nữa khẳng định những giá trị và đặc trưng của văn học miền Nam nói chung và văn học Đàng Trong thế kỷ XVII - XVIII nói riêng. Tuy nhiên, như giới thuyết của tác giả ở đầu cuốn sách, tư liệu về các tác giả và tác phẩm trong mỗi thời kỳ được lựa chọn “căn cứ vào chương trình văn học trung học phổ thông và các bài báo cập nhật thông tin về các tác giả và tác phẩm tiêu biểu” [161, tr. 6], hơn nữa diện khảo sát tương đối rộng (toàn bộ văn học Việt Nam - bao gồm cả văn chương truyền khẩu - suốt từ khởi thủy đến năm 1945)

Cái tôi trữ tình trong thơ nữ trẻ sau 1986 qua các tác giả - Vi Thùy Linh, Ly Hoàng Ly, Bùi Sim Sim - 4


1 Phần in nghiêng do tác giả luận án nhấn mạnh.

nên thông tin về các tác giả, tác phẩm còn sơ lược, chỉ dừng ở việc giới thiệu chứ không chú trọng phân tích, bình giá. Do vậy, đối với mục tiêu luận án, giá trị tham khảo của cuốn sách còn hạn chế.

Điểm lại tiến trình xuất hiện các dữ kiện về văn học Đàng Trong trong các công trình văn học sử như thế, chúng tôi nhận thấy: tuy rằng văn học Đàng Trong đã được nhắc đến nhưng phần lớn chỉ là những phác thảo mang tính chất điểm luận, giới thiệu một số gương mặt văn nhân tiêu biểu, và thường xen lẫn vào các dữ kiện về văn học Đàng Ngoài, rải rác có vài ba công trình đã bước đầu chú ý đến văn học Đàng Trong như một vùng văn học biệt lập. Đáng chú ý là hầu hết các nghiên cứu đều chỉ chú trọng giới thiệu về bản thân văn học Đàng Trong để xem nó như thế nào một cách độc lập, chứ không đặt văn học vùng vào trong tiến trình lịch sử văn học để xem xét. Các công trình văn học sử (với nhiệm vụ trọng tâm là chú trọng đến tính quá trình) còn như thế, thì các công trình coi văn học Đàng Trong là đối tượng khảo sát chuyên biệt có thể góp phần xác lập một “chỗ đứng” của văn học vùng trong tiến trình phát triển văn học dân tộc không?

1.2.2. Văn học Đàng Trong như một đối tượng khảo sát chuyên biệt

Điều đầu tiên cần phải ghi nhận là số lượng công trình coi văn học Đàng Trong (hoặc một bộ phận của văn học Đàng Trong) là đối tượng nghiên cứu chuyên biệt, độc lập không nhiều.

Đặc biệt chú ý đến vùng văn học ở phía Nam Tổ quốc trong suốt thời gian giảng dạy tại các trường đại học Văn khoa Huế và Sài Gòn, năm 1965, Phạm Việt Tuyền đã xuất bản cuốn sách Văn học miền Nam thời Nam Bắc phân tranh (các thế kỷ XVI - XVIII) (Khai Trí xuất bản, 1965, Sài Gòn). Như tác giả tự giới thiệu, cuốn sách là kết quả sưu tầm và thu thập các tài liệu về lịch sử, địa lý, xã hội từ sông Gianh trở vào đến miền Hà Tiên, nhất là các tác phẩm văn chương đã xuất hiện ở Đàng Trong khoảng gần hai thế kỷ. Phạm Việt Tuyền đã phân tích, giải thích chúng bằng cách đem đối chiếu với tiểu sử các tác giả cùng những hoàn cảnh xã hội, địa lý, lịch sử trong đó họ sống và làm ra thơ văn, từ đó rút ra kết luận về các đặc tính và sự tiến triển của văn chương miền Nam. Theo ông, “văn chương Đàng Trong ở hai thế kỷ XVII và XVIII không những ghi lại vết tích của một số nhân tài xuất sắc như Đào Duy Từ, Mạc Thiên Tích, Nguyễn Cư Trinh, Võ Trường Toản, mà còn phản ánh những nỗ lực phi thường của các chúa Nguyễn và toàn thể dân chúng trong việc

chống đối với họ Trịnh để tồn tại, nhất là trong cuộc Nam tiến để xây dựng hoàn thành nền quốc gia Việt Nam” [161, tr. 22], với xu hướng tiến triển ngày càng “địa phương hóa” và “đại chúng hóa” [177, tr. 39]. Mỗi một tác giả tiêu biểu đại diện cho ba giai đoạn văn học Đàng Trong (mà theo cách gọi của ông là ba “trào lưu văn học” [177, tr. 40]) đều được giới thiệu, phân tích, phẩm bình, đánh giá kỹ lưỡng. Tuy nhiên, chính sự tỉ mỉ, chỉn chu đúng theo thiết kế bài giảng như vậy (hầu như tác giả nào cũng có một chương viết về “Tiểu sử”, một chương giới thiệu “Văn chương”, một chương “Phê bình” tư tưởng và nghệ thuật, tương ứng với từng tiết giảng, khiến cho cuốn sách chỉ tập trung được vào một vài điển hình cụ thể, xét ở một phương diện nào đó là đúng với mục đích của tác giả, nhưng không đủ để giúp người đọc hình dung về một diện mạo văn chương tổng thể. Hơn nữa, cả thiên khảo luận chỉ chú mục vào thơ ca chữ Nôm, với quan niệm các tác phẩm văn chương chữ Hán “thường có giá trị lịch sử hơn là văn chương” [177, tr. 40] đã làm hạn chế phần nào giá trị tiếp nhận của cuốn sách.

Nguyễn Văn Sâm, với Văn học Nam Hà - Văn học xứ Đàng Trong (Tái bản, Lửa Thiêng xuất bản, Sài Gòn, 1974), đã thực hiện “tham vọng trình bày bộ mặt của văn học miền đất từ Thuận Hóa đến Hà Tiên thời gian từ khi Nguyễn Hoàng thật sự rời đất Bắc (Canh Tý 1600) đến lúc Nguyễn Ánh lên ngôi (Nhâm Tuất 1802)” [118, tr. IX]. Để thấu hiểu toàn bộ hệ thống tư tưởng của các tác giả, Nguyễn Văn Sâm chủ trương khảo sát một cách hòa đồng tác phẩm Hán - Nôm, không phân biệt hình thức văn tự. Theo tác giả, “Những tác phẩm ở Nam Hà phản ảnh được tình trạng qua phân, phe nhóm vì tác giả hầu hết phục vụ cho chúa Nguyễn, liên quan đến người cầm quyền nên nói lên tiếng nói của những người muốn mở mang vùng đất mới. Trong khi đó nhà văn đất Bắc, nối tiếp truyền thống văn hóa cũ nên chưa có đường hướng đặc biệt” [118, tr. XI]. Tuy chúng tôi không nhất trí hoàn toàn với nhận xét này, nhưng cũng cần ghi nhận nỗ lực của tác giả khi đã bước đầu so sánh văn chương hai Đàng, đặt trong một chỉnh thể văn học dân tộc. Thành công của Nguyễn Văn Sâm là đã phác thảo được phần nào diện mạo văn học Đàng Trong (mà trong cuốn sách, ông gọi tên là văn học Nam Hà) với những nét khái quát chủ đạo về tư tưởng đặc thù, hình thức đặc biệt, để trên cơ sở đó khẳng định “văn học Nam Hà có con đường đi riêng không giống bất cứ giai đoạn nào của lịch sử văn học Việt Nam” [118, tr. 119], đồng thời hệ thống, giới thiệu, phân tích kỹ sáng tác

của các đại diện như: Đào Duy Từ, Nguyễn Cư Trinh, Nguyễn Hữu Hào, Hoàng Quang, Ngô Thế Lân, Mạc Thiên Tích và nhóm Chiêu Anh các, Võ Trường Toản, Trịnh Hoài Đức, Nguyễn Văn Thành, Đặng Đức Siêu. Điều này đã giúp ích cho chúng tôi rất nhiều khi hình dung bức tranh nền văn học Đàng Trong, để trên cơ sở đó tri nhận và đưa ra những kiến giải cần thiết về đặc điểm, vị trí, vai trò của văn học vùng một thời kỳ.

Nguyễn Q. Thắng, với ý thức trân trọng một vùng văn học “góp phần làm lớn lên đối với toàn bộ di sản văn hóa truyền thống Việt Nam”, “làm sáng giá cho văn hóa sử dân tộc” [148, tr. 9], đã dành thời gian tìm tòi, suy ngẫm và trình hiện diễn tiến của bộ phận văn học nơi miền đất mới sinh sau đẻ muộn này. Từ Tiến trình văn nghệ miền Nam: Văn học Việt Nam nơi miền đất mới (NXB An Giang, An Giang, 1990) đến bốn tập khảo cứu Văn học Việt Nam nơi miền đất mới (NXB Văn học, Hà Nội, 2007), đường đi của hơn 500 năm văn học miền Nam, từ Ngọa Long cương vãn, Nguyễn triều khai quốc công nghiệp diễn chí, Ô châu cận lục, Song Tinh Bất Dạ, Sãi Vãi, Hoài Nam khúc… đến các tác phẩm của những nhà văn cuối thế kỷ XX, đã được lược trình một cách sơ giản. Kế thừa những đánh giá, nghiên cứu của “nhà Quảng Nam học” Nguyễn Văn Xuân suốt từ thập niên 60, Nguyễn Q. Thắng một lần nữa khẳng định lại một đặc trưng nổi bật của văn chương Đàng Trong là “nặng về nói trình diễn” [145, tr. 25], đồng thời giới thiệu được sơ bộ nội dung tác phẩm và tiểu sử một số tác giả tiêu biểu, như Đào Duy Từ, Nguyễn Khoa Chiêm, Nguyễn Phước Chu1, Nguyễn Hữu Hào, Hoàng Quang, Nguyễn Cư Trinh, Mạc Thiên Tích và thi phái Chiêu Anh các, Võ Trường Toản (những tác giả tiên hiền - theo cách gọi của Nguyễn Q. Thắng), Đặng Đức Siêu, Nguyễn Văn

Thành, Lê Quang Định, Ngô Nhơn Tịnh, Trịnh Hoài Đức, Đặng Văn Hòa, Phan Thanh Giản (những tác giả thời kỳ thịnh Nguyễn)… Tuy nhiên, như chính tác giả tự giới thuyết, công trình mới chỉ là một “phác đồ” [148, tr. 9], sắp xếp theo thể biên niên, không giảng bình, cho nên căn bản có giá trị về mặt tư liệu hơn là một công trình nghiên cứu thực thụ. Trong phạm vi khảo sát của đề tài, cùng với các bộ Tổng tập văn học Việt Nam từ tập 6 đến tập 8, 9, 11, 13, 14 (Trung tâm Khoa học Xã hội


1 Một số trường hợp tên tác giả có những cách đọc khác nhau do âm vựng hai miền Nam - Bắc như Nguyễn Phước Chu/ Nguyễn Phước Châu/ Nguyễn Phúc Chu, Nguyễn Phước Tứ/ Nguyễn Phúc Tứ, Ngô Nhân Tĩnh/ Ngô Nhơn Tĩnh/ Ngô Nhơn Tịnh..., chúng tôi sẽ trích dẫn theo đúng nguyên tác của các cuốn sách tham khảo. Với những lập luận, phân tích của riêng chúng tôi, tên các tác giả sẽ được phiên theo cách đọc của người đương thời trên vùng đất mà tác giả sinh sống và phát triển thi tài văn chương, như: Nguyễn Phước Châu, Nguyễn Phước Tứ, Ngô Nhơn Tịnh...

và Nhân văn Quốc gia, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 2000), Hợp tuyển thơ văn Việt Nam, Tập II: Văn học Việt Nam thế kỷ X - thế kỷ XVII (Đinh Gia Khánh - Bùi Văn Nguyên - Nguyễn Ngọc San - Ngô Lập Chi - Nguyễn Sỹ Lâm, NXB Văn hóa - Viện Văn học, Hà Nội, 1962), Hợp tuyển thơ văn Việt Nam, Tập III: Văn học thế kỷ XVIII đến giữa thế kỷ XIX (Huỳnh Lý chủ biên, NXB Văn học, Hà Nội, 1978)…, và đặc biệt là những ghi chép trong Nam hành ký đắc tập của Phạm Nguyễn Du, Nam Hà tiệp lục của Lê Đản, Nam Hà ký văn (không rõ tên tác giả), Phủ biên tạp lục, Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn, Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú, các công trình sử học của Quốc sử quán triều Nguyễn (như Đại Nam liệt truyện tiền biên, Đại Nam chính biên liệt truyện)..., thì công trình của Nguyễn Q. Thắng, đặc biệt là Tiến trình văn nghệ miền Nam: Văn học Việt Nam nơi miền đất mới Văn học Việt Nam nơi miền đất mới - Tập 1, đã góp phần cung cấp những “nguyên liệu” cơ bản để chúng tôi thực hiện các nghiên cứu cần thiết.

Văn học miền Nam của Huỳnh Ái Tông (Hiên Phật học, http://chimviet.free.fr/vanhoc/phuctrun/HuynhAiTong_VanHocMN.pdf, 2009) là bản phác thảo về văn học miền Nam (vùng đất Gia Định/ Nam kỳ lục tỉnh) từ khi người Việt đến định cư cho tới năm 1954 (bao gồm cả văn học bình dân). Trong đó, một số tác giả “thời kỳ sơ khởi” (đối tượng khảo sát của đề tài luận án) như Mạc Thiên Tích - Chiêu Anh các, Võ Trường Toản, Nguyễn Văn Thành, Lê Quang Định, Ngô Nhân Tĩnh, Trịnh Hoài Đức đã được giới thiệu. Tuy nhiên, cách viết của Huỳnh Ái Tông còn khá đơn giản, thiên về giới thiệu cuộc đời tác giả và lược trích tác phẩm, thiếu những sự xâu chuỗi cần thiết để tái hiện một diện mạo chỉnh thể.

Bộ sách Văn học miền Nam lục tỉnh của Nguyễn Văn Hầu (3 tập, NXB Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, 2012) lần lượt tái hiện diện mạo văn học dân gian, văn học Hán Nôm thời khai mở và xây dựng đất mới, văn học Hán Nôm thời kháng Pháp và thuộc Pháp của miền Nam. Trong đó, chúng tôi đặc biệt chú ý đến tập 2 (Văn học Hán Nôm thời khai mở và xây dựng đất mới) vì có một phần tư liệu liên quan trực tiếp đến giai đoạn khảo sát của đề tài. Đáng quý là không chỉ dừng ở việc mô tả bức tranh văn học với những giới thiệu sơ giản về một số tác giả - tác phẩm tiêu biểu (nội dung chủ đạo của cuốn sách), Nguyễn Văn Hầu đã bước đầu có

những quan tâm nhất định về “sinh hoạt nhân dân thế kỷ XVIII”1, đặc biệt là vấn đề “Ý thức văn học viết”, “Việc học hành thi cử từ phủ Chúa”, “Việc học hành thi cử tại đất Gia Định”2 - những vấn đề có ý nghĩa then chốt, tác động đến tâm thức sáng tác của các tác giả. Tuy nhiên, phạm vi khảo sát của cuốn sách chỉ giới hạn trong không gian vùng Nam kỳ lục tỉnh, chứ không phải là toàn bộ khu vực Đàng Trong thế kỷ XVII - XVIII như định hướng của đề tài luận án. Hơn nữa, Nguyễn Văn Hầu mới chủ yếu dừng ở mức độ mô tả, ít đưa ra những bình luận, đánh giá về đặc trưng, vai trò, vị trí của văn học miền Nam.

Trong các công trình coi văn học Đàng Trong là đối tượng nghiên cứu trực tiếp, đáng chú ý có những nghiên cứu chuyên sâu về các “tiểu vùng” cụ thể, giúp hình dung từng bộ phận văn học vùng miền một cách rõ nét hơn.

Cuốn Văn học miền Nam, Văn học Hà Tiên: Chiêu Anh các - Hà Tiên thập cảnh khúc vịnh của Đông Hồ (Xuất bản Quình Lâm, Viện Văn nghệ - Hiên Biên khảo, Sài Gòn, 1970) coi văn học Hà Tiên, mà cụ thể là thi phái Chiêu Anh các, là đối tượng khảo sát chính. Trong công trình này, điểm nhìn của Đông Hồ thu hẹp dần, từ “Khái quan về tính cách đặc thù của văn học miền Nam”, nhìn lại “Văn học Hà Tiên”, rồi cuối cùng khảo cứu “Tương quan giữa thơ Hán và thơ Nôm của thi phái Chiêu Anh các”, “Tác phẩm và thi phẩm Hán của thi phái Chiêu Anh các”3. Khi phác thảo về văn học miền Nam4 buổi đầu, Đông Hồ ghi nhận sự xuất hiện của hai dòng văn học, tương ứng với hai cuộc di cư lớn trong lịch sử: dòng văn học từ Đàng Ngoài đem vào Đàng Trong rồi tràn vào miền Nam, do đường bộ (song hành với cuộc di dân Nam tiến của dân tộc Việt) và dòng văn học từ Hoa Nam trực tiếp truyền sang miền Nam, do đường bể (song hành với cuộc di cư tị nạn chính trị của dân tộc Trung Hoa đến miền Nam hồi thế kỷ XVII), từ đó khẳng định “văn học miền Nam khởi thủy phôi thai đã trực tiếp chịu ảnh hưởng sâu đậm văn học Trung Quốc” [54, tr. 19]. Trên cơ sở đó, tác giả trình bày cụ thể về các hoạt động của thi phái Chiêu Anh các trên đất Hà Tiên, mà ông định danh là nền “văn học Minh hương” - “nền văn học đặc thù” [60, tr. 26]. Đáng quý là Đông Hồ không chỉ trình bày kết quả khảo cứu của riêng mình mà còn cần mẫn ghi chép những điều “Chung


1 Chữ dùng của Nguyễn Văn Hầu trong sách Văn học miền Nam lục tỉnh, Tập 2, NXB Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, 2012, tr. 6.

2 Tên một số đề mục trong sách.

3 Tên một số đề mục trong sách.

4 Khu vực Nam kỳ lục tỉnh, theo giới hạn của tác giả.

Xem tất cả 166 trang.

Ngày đăng: 18/12/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí