Cái Nhìn Độc Đáo Về Những Phong Tục, Sinh Hoạt Văn Hóa Cổ Truyền Ở Làng Quê Việt Nam


lớn về nhận thức, vừa có những đổi thay vừa có những nét cố hữu. Trước kia ông Hai khoe Làng là khoe cái sinh phần của một viên quan làng ông: “Ông Hai vẫn có tính khoe làng như thế xưa nay. Hồi còn Đế quốc Pháp, mỗi bận đi đâu xa, khoe làng ông chỉ khoe cái sinh phần của viên tổng đốc làng ông…Ông thấy cái lăng ấy một phần như có ông” [37, tr.208-209].

Bây giờ khoe làng ông lão lại khoe khác. Ông khoe những ngày khởi nghĩa dồn rập ở làng, mà ông ra nhập phong trào từ hồi kỳ còn bóng tối” [37,tr.209].

Cho nên khi tin đồn thất thiệt “Làng Chợ Dầu theo Tây”, chính ông Hai đã lâm vào tình thế khủng hoảng với tất cả nỗi đau khổ giày vò và tâm trạng của ông Hai lại trở nên vui sướng tột độ khi cái tin đồn thất thiệt về làng Chợ Dầu theo Tây được cải chính. Kim Lân đã mô tả tài tình những chuyển biến mạnh mẽ trong tâm trạng người nông dân đi theo cách mạng.

Với cái nhìn giàu lòng nhân hậu về những nhân vật yêu quý của mình, khi kể Kim Lân không chút tô vẽ những số phận cay cực nhọc nhằn của họ nhưng mặt khác ông không bao giờ quên nêu lên những nét đẹp đáng quý ở họ, những nét thậm chí là tiêu biểu cho đạo lí truyền thống. Nếu không có một sự quan tâm thường trực của ngòi bút trước cảnh nghèo và người nghèo, chắc hẳn nhà văn đã không có cái nhìn chân thực và cảm động về diện mạo tâm lí và tính cách người nông dân như vậy.

Nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn thật có lý khi nhận xét: Đọc truyện ngắn Kim Lân ta bắt gặp những thường dân nghèo khổ vốn là “hạ lưu” ở xã hội cũ: “Những người nông dân miền xuôi mất nhà, mất đất xiêu dạt lên miền ngược táp vào một xóm chợ bến sông, một góc phố núi hay một ven đồn điền, một xóm trại, tiếp tục vật lộn với miếng sống sơ đẳng hằng ngày. Đã có lúc nhà văn gọi những nhân vật thân thuộc ấy của ngòi bút mình là những “đầu thừa đuôi thẹo ở khắp các xó xỉnh của cuộc sống” nhưng hình như những


mẫu người như là đầu thừa đuôi thẹo ở khắp các xó xỉnh của cuộc sống ấy đã gửi một đại diện của họ vào văn học và Kim Lân đã làm việc này một cách đàng hoàng, chững chạc [46,tr.265].

Đến với truyện ngắn Nên vợ nên chồng ta bắt gặp cái nhìn đầy thương cảm và trân trọng của nhà văn Kim Lân đối với nhân vật: “Một năm đói kém, người ta thấy mẹ Thế đem bốn đứa con nhỏ lên đất Triều Dương này kiếm việc. Việc không có, ngày ngày mấy mẹ con bồng bế, dắt díu khắp làng xin ăn. Ngày được vài bát cháo, ngày được vài củ khoai, có ngày chẳng được hột nào, mấy mẹ con ngày đói chỉ còn nom thấy răng với mắt. Rồi hai người chị lớn Thế chết. Mẹ Thế như người mất trí, hai mắt lơ láo, cả ngày chỉ ngồi ở gốc cây đa ngoài bến đò nói lảm nhảm cái gì một mình… Mấy hôm sau thì mẹ Thế cũng chết nốt. Từ đó Thế sống một mình, lang thang đi ở hết nhà này đến nhà khác” [37,tr.241-242]

Người đọc dễ dàng nhận thấy đằng sau giọng kể“tố khổ” đó lại lấp lánh một trái tim đôn hậu chan chứa thương yêu của nhà văn dành cho nhân vật. Chính từ sự hiểu biết sâu sắc về cảnh nghèo, người nghèo mà Kim Lân đã phát hiện những nét đẹp tiềm ẩn trong mỗi tâm hồn đau khổ ấy. Đó là sự chuyển biến tâm lí tất yếu ở Thế, từ cuộc sống “Một thân một mình lang thang đi ở hết nhà này đến nhà khác”, từ sự chịu đựng bao tủi nhục mà tên địa chủ Nguyễn Gia Khang đem đến, Thế đã được đồng chí Vân- cán bộ đội cải cách ruộng đất thuyết phục và dìu dắt, Thế đã chung tay với dân làng đánh đổ bọn địa chủ cường hào gian ác, xây dựng một cuộc sống mới. Cuộc đời của anh đã hoàn toàn đổi khác, không còn là một cậu Thế trước đây “Một mình hiu quạnh với cái nhà, đi thì chớ về chỉ đóng cửa im ỉm nằm bẹp một xó ngủ. Thế rất ít nói và cũng không muốn gần gũi ai hình như lúc nào Thế cũng mang một điều oán hận trong lòng. Thế không thiết tha lo toan gì cuộc đời mình sau này nữa, kiếm đồng nào ăn hết đồng ấy, có khi Thế ăn tiêu rất

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 109 trang tài liệu này.


hoang, có khi lại nhịn đói nằm khan ba bốn ngày liền. Đầu bù tóc rối, mới hai bốn hai năm tuổi mà nom Thế xọm xẹm như một ông già” [37,tr.242 ].

Cái nhìn, không gian, thời gian nghệ thuật trong truyện ngắn Kim Lân - 5

Cuộc sống mới đã khiến Thế càng phấn khởi công tác: “Mỗi việc làm Thế đều nghĩ đến Hòa. Trong lòng Thế lúc nào cũng như có sự khuyến khích vừa êm dịu, vừa tươi vui. Bước hai của đợt phát động, Thế được bầu là cán bộ gương mẫu toàn xã, bước ba Thế lại được bầu là cốt cán gương mẫu toàn xã. Cuối bước ba Thế được kết nạp vào Đảng” [37,tr.255].

Bằng cái nhìn trân trọng thương yêu từ đáy tâm hồn mình, Kim Lân đã tìm thấy khát vọng sống cao đẹp tiềm ẩn trong cuộc đời của những người nông dân nghèo khổ. Trong đau khổ tận cùng, họ vẫn vươn tới ánh sáng và tương lai. Mảnh đất Triều Dương với nhiều tấm lòng và tình người cao đẹp như cụ Hạnh, đồng chí Vân thật sự là nơi ươm mầm và vun đắp cho tương lai, cuộc sống mới. Cuộc sống mới đến với Thế và Hòa. Hạnh phúc mỉm cười với đôi bạn trẻ, tình yêu được đơm hoa, kết trái trong niềm hạnh phúc nên vợ nên chồng.

Cái nhìn sâu sắc về sự sống bất diệt, nỗi khát khao hạnh phúc của người nông dân còn được Kim Lân thể hiện qua tác phẩm Vợ Nhặt. Nói như Đỗ Kim Hồi: “Phần tâm huyết sâu sắc nhất của tác giả Vợ Nhặt chắc hẳn đã không được dồn cho việc làm hiển hiện những nét thấp kém của con người bộc lộ qua nhân hình và nhân cách. Ngược lại, với việc đặt nhân vật vào khoảng sống mờ tối, lắt lay, nhà văn đã tìm được một cơ hội vô song để biểu hiện sự bất diệt của nỗi khát thèm được sống, được yêu thương và hi vọng” [18,tr.117].

Ta hãy đi vào diễn biến tâm trạng của nhân vật Tràng khi có vợ để thấy rò khát vọng sống, khát vọng làm người của Tràng. “Trong một lúc Tràng hình như quên hết những cảnh sống ê chề, tăm tối hàng ngày, quên cả đói khát ghê gớm đang đe dọa, quên cả những tháng ngày trước mặt. Lòng hắn bây giờ chỉ còn tình nghĩa giữa hắn với người đàn bà đi bên. Một cái gì mới


mẻ, lạ lắm, chưa từng thấy ở người đàn ông nghèo khổ ấy nó ôm ấp mơn man khắp da thịt Tràng, tựa hồ như bàn vuốt nhẹ trên sống lưng” [37,tr.192] Theo Đỗ Kim Hồi những câu văn thiết tha nhường ấy rò ràng không thể được viết ra để chế giễu ai. Kim Lân hẳn chỉ muốn gieo vào lòng người những cung bậc cảm xúc. Khác với bao đầu óc bi quan thường nghĩ, sự đói khát không làm giảm giá trị của tình người. Bao giờ cái hạnh phúc được yêu thương cũng quý hơn tất cả, ngay cả khi người ta tưởng như không còn cần gì hơn là một miếng cơm ăn.

Càng đọc những truyện ngắn Kim Lân đã viết chúng ta hoàn toàn có lí để coi ông là nhà văn của người nông dân, của người dân nghèo ở làng quê Việt Nam, bởi ông đã làm tròn nhiệm vụ nghệ thuật của mình, đó là đi sâu tìm hiểu mọi phương diện trong một con người đúng ý nghĩa “Con Người” với những tình cảm tự nhiên nhất, sâu thẳm nhất trong mỗi trái tim họ. Không chỉ nhìn thấy phẩm chất tuyệt với của người nông dân, nhà văn còn phát hiện những hạn chế của họ. Trong con mắt ông, người nông dân Việt Nam đôi khi thô lỗ, ngờ nghệch, nhưng lại rất giàu tình người. Tiêu biểu là các nhân vật trong truyện ngắn: Đứa con người vợ lẽ, Đứa con Cô đầu, cô Vịa, Vợ Nhặt, Con Chó xấu xí... Ở họ tràn đầy hy vọng về cuộc sống, về tương lai ngay cả khi bị dồn vào những cảnh ngộ khốn cùng. Trái tim họ luôn gắn bó với quê hương đất nước, luôn tràn ngập tình yêu thương con người và luôn khao khát giữ tròn nhân phẩm. Họ luôn tâm niệm đói nhưng phải sống cho ra con người, nghèo nhưng không được hèn, trong đói khổ vẫn phải thương yêu nhau và hy vọng đổi đời. Kim Lân đã nhìn sâu sắc vào tận đáy lòng của những người nông dân Việt Nam để thấy rò những phẩm hạnh cao quý luôn tỏa rạng trong tâm hồn họ.

Các nhân vật người nghèo chủ yếu là nông dân trong các truyện ngắn của Kim Lân được xem như những nhân vật ở bên lề cuộc sống- họ bị bỏ rơi,


được ông “nhặt” lên mô tả hết sức chân thực từ cách cư xử đến lời ăn tiếng nói. Từ đó mang đến cho người đọc một niềm trân trọng đáng quý, đáng khâm phục về con người. Những nhân vật đó thường trú ngụ ở những nơi khuất nẻo. Nếu là vợ thì là vợ nhặt. Nếu là xóm thì là xóm ngụ cư. Nếu là con thì là con thừa, con thêm, con vợ lẽ hoặc con người cô đầu. Nếu là chú thì là chú dượng. Nếu là kép thì kép già... Trong thế giới nhân vật phong phú đó, họ đều có tên bởi ai trong đời chẳng có một cái tên để gọi, nhưng là những cái tên không khẳng định một cái gì của riêng mình. Đó là Tràng hoặc Đục (con nhà thợ mộc), là Nếnh, Náng, Thúng, Mủng... Là bố con người gác máy bay trên núi Côi Kê, là ông Mộc gù hoặc ông cả Luốn gốc me. Họ muốn lẫn đi trong góc khuất của cuộc đời, họ phải chịu mọi lầm than của cái đói và sự cực nhọc của mọi mưu sinh. Hầu hết các nhân vật này đều là những nông dân của thời kỳ cách mạng dân tộc, dân chủ, đó là một cơ sở tương đối ổn định về đối tượng miêu tả cũng như về khuynh hướng của tác phẩm. Song phần quan trọng vẫn thuộc về nhà văn, vẫn thuộc về cái nhìn và năng lực miêu tả. Đây là chỗ Kim Lân gặp Nam Cao, Nguyên Hồng, Tô Hoài…vốn cùng là nhà văn của những thân phận bé mọn.

Truyện của Kim Lân cũng có những khía cạnh gần gũi với truyện của Nam Cao nhưng Nam Cao dữ dội, khốc liệt hơn. Nếu Nam Cao xây dựng được những hình tượng nhân vật mạnh mẽ có tính khái quát cao thì Kim Lân lại chia sẻ với những số phận rất thầm lặng và cá biệt. Con người trong con mắt Kim Lân không gây ra những xáo trộn lớn trong cộng đồng như Chí Phèo, Bá Kiến, mà chỉ một mình ôm những bí ẩn thầm kín trong tâm trạng.

Cái nhìn nhân hậu của Kim Lân còn nghiêng về những nét đẹp cao quý trong thuần phong mĩ tục của con người làng quê Việt Nam.

Trong cuộc đời của mỗi con người điều thiêng liêng cao đẹp nhất làm tôn cao phẩm giá con người là biết sống đúng thuần phong mĩ tục, biết trọng


danh dự và giữ gìn nề nếp gia phong. Cái bản sắc cao đẹp ấy luôn được củng cố và lưu truyền từ đời nọ sang đời kia ở người dân làng chợ Dầu. Nó đi vào từng trang truyện ngắn Kim Lân tạo nên một chất đồng bằng Bắc Bộ kín đáo, chín chắn làm cho người đọc hiểu sâu sắc hơn về vẻ đẹp cao quý của những người nông dân lặng thầm trong mảnh đất giàu truyền thống văn hóa này.

Lắng sâu suy nghĩ trong những trang truyện ta sẽ thấy các nhân vật chính trong truyện ngắn của Kim Lân đều có một nét tính cách nào đó đậm đà đáng nhớ. Đó là ông cả Luốn gốc me trong thiên truyện cùng tên làm gì cũng lo giữ gia phong và rất ngần ngại trước những thay đổi diễn ra xung quanh; là ông Hai trong truyện ngắn Làng dù phải đi tản cư xa vẫn muốn ra người có căn, có cốt đàng hoàng, có một quê hương đích đáng để tự hào. Cho đến cả anh chàng Tràng đi kéo xe bò thuê cũng là một người tình tứ và duyên dáng. Thật vậy đầu đuôi câu chuyện nhặt vợ của Tràng, chẳng phải là từ một câu hò bâng quơ:

“Muốn ăn cơm trắng với giò này!

Lại đây mà đẩy xe bò với anh, nì” là gì? [37,tr.195].

Những Tràng, Ông Hai, ông cả Luốn gợi cho chúng ta nhớ đến những người dân ở một vùng đất khắc khổ con người phải chầy trật mới có miếng ăn nhưng vẫn biết tô điểm cho mảnh đất đã nuôi sống mình có được những nét đặc sắc không lẫn với những nơi khác. Cũng cần nói thêm là trước đây đồng bằng Bắc Bộ nói chung, vùng Kinh Bắc nói riêng có những người thợ rất giỏi. Làm đình làm chùa, tô tượng, đúc chuông hay tỉ mỉ nặn ít con giống, phất ít đồ chơi, họ đều có sự kỹ lưỡng và thành thạo và giữ được tình cảm thiêng liêng đối với nghề nghiệp. Kim Lân chính là một người thuộc vô số nghệ nhân “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” đó. Nếu nói như Nguyễn Tuân nghề văn là nghề của chữ thì người viết văn này thật đã có một tay nghề vững chãi. Trong tay những ông thợ mộc tài hoa, các loại gỗ có dịp phô ra hết vẻ đẹp để


trở nên đắc dụng trong từng công việc thế nào, thì chữ nghĩa trong tay Kim Lân cũng vậy. Dưới sự điều khiển của ông các con chữ hiện ra trên mặt giấy dễ dàng, thanh thoát đâu ra đấy, hình như từng chữ biết tìm đúng vị trí của nó để tồn tại. Những con chữ đó tuôn chảy với tất cả tình cảm chan chứa thương yêu mà Kim Lân dành cho các nhân vật yêu quý của mình. Những con người luôn có sự biến đổi trong tâm lý để hướng về nguồn cội với những truyền thống đạo đức cao quý đó là tấm lòng son sắc đối với quê hương, kháng chiến. Dù viết về những ngày tản cư kháng chiến như trong truyện Làng, Con chó xấu xí hay cải cách ruộng đất như trong truyện Người chú dượng, xây dựng hợp tác xã trong tác phẩm Ông cả Luốn gốc me thì bao giờ nhà văn cũng trở về vị trí xuất phát- những con người “đầu thừa đuôi thẹo” ở mọi “xó xỉnh đời sống” như ông từng nói.

Gấp lại những trang truyện ngắn Con chó xấu xí chắc hẳn người đọc sẽ không khỏi băn khoăn trăn trở trước những nghĩ suy về lẽ sống và tình người, tình đời. Truyện của Nam Cao đơn sơ mà lại gợi lên nhiều suy nghĩ về nỗi đời cay đắng và đen bạc cùng những thoáng hối hận. Truyện của Nguyên Hồng lại nồng nhiệt đứng ra chứng minh rằng trong những con người khốn khổ này còn bao nhiêu điều tốt đẹp và dưới ánh sáng nhân bản thì những tấm lòng vàng này không thể gọi là xấu xí được. Còn Kim Lân lại có cái nhìn và cách thể hiện riêng. Qua câu chuyện giản dị, nhà văn đưa đến cho người đọc một sự cảm nhận nồng hậu sâu sắc. Ví như một con chó thật xấu xí luôn sống trong sự ghẻ lạnh và thờ ơ của người chủ, sự đe dọa tính mạng có thể đến bất cứ lúc nào, nhưng con chó vẫn một lòng trung thành với chủ, nó bỏ ăn vì thương nhớ chủ và phải trở về bằng được bên gia đình người chủ sau hai tháng tản cư chạy giặc, rồi nó chết một cách thảm thương: “Nhưng khi nhà tôi về đến nhà. Bà con xóm giềng chạy sang láo tháo thăm hỏi thì, ở ngoài vườn sau, có mấy tiếng cho hú lên thảm thương và ghê rợn.


Từ sau bụi rứa rậm rạp, con chó khốn khổ ấy lảo đảo đi ra. Người nó run lên bần bật. nó gầy quá, chỉ còn một giúm xương da xộc xệch, rụng hết lông. Nó đói quá, đi không vững nữa. Nó đi ngã rụi bên này, rụi bên kia. Rồi không còn đủ sức nữa mà đi nữa. Nó nằm bệt trên đất, rúm người lại, lết lết lê dần về phía nhà tôi.

Lúc ấy cả người nó chỉ còn cái đuôi là còn ngó ngoái được để mừng chủ và cái lưỡi liếm vào tay chủ. Khốn nạn con chó! Được gặp chủ nó mừng quá. Từ trong hai con mắt đờ đẫn của nó có mấy giọt nước chảy ra. Lát sau thì nó không liếm được nữa, cái đuôi ngó ngoái yếu dần, yếu dần rồi im hẳn. Nó chết’’ [37,tr.392]. Một con chó xấu xí mà thật trung thành với chủ. Câu chuyện vừa cảm động, vừa đem đến những bài học nhân sinh sâu sắc cho mỗi chúng ta.

Với sự thể hiện của mình, Kim Lân lặng lẽ thừa nhận tất cả những gì mà mình nói tới, tất cả những người, những vật bị hắt hủi, bị ghét bỏ, nhiều khi kiếp sống hiện lên thật nhạt nhẽo và buồn thảm nhà văn cứ giữ nguyên hiện trạng. Mọi sự lớn tiếng ở đây đều không phải tạng của Kim Lân. Ông chỉ lặng lẽ truyền sang chúng ta: Những đầu thừa đuôi thẹo khốn khổ, dúm dó kia vẫn có chỗ đáng để người ta trân trọng, đối xử cho có tình nghĩa, và có lúc nó đáng để người ta nghĩ hơn mọi thứ cao sang giả dối khác.

Với cái nhìn con người nghèo khổ đầy tin yêu và trân trọng, Kim Lân đã cho người đọc thấy được những phẩm chất đáng quý của họ. Qua đó Kim Lân đã đem đến trong lòng người đọc bao tình cảm trong sáng thuần khiết về con người.

1.2.2. Cái nhìn độc đáo về những phong tục, sinh hoạt văn hóa cổ truyền ở làng quê Việt Nam

Gắn bó với làng quê, sống hết mình với nơi chôn rau cắt rốn nên Kim Lân đã có cái nhìn sâu sắc, độc đáo về phong tục tập quán ở làng quê Việt Nam.

Xem tất cả 109 trang.

Ngày đăng: 22/07/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí