của nền văn học hiện đại Việt Nam. Đồng thời luận văn có thể làm tài liệu tham khảo cho giáo viên, học viên, sinh viên giảng dạy, nghiên cứu, học tập văn học Việt Nam ở các trường Trung học phổ thông, Cao đẳng và Đại học.
2. LỊCH SỬ VẤN ĐỀ
Kim Lân là nhà văn được bạn đọc trân trọng yêu mến trong mấy chục năm qua bởi chính đời người, đời văn ông đã sống. Cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của nhà văn Kim Lân đã khơi nguồn sáng tạo cho nhiều nhà nghiên cứu qua các công trình khoa học. Trong phạm vi giới hạn của đề tài, chúng tôi hệ thống những ý kiến nhận định nổi bật về tác giả và những ý kiến có liên quan trực tiếp đến đề tài.
Nhà văn Nguyên Hồng có viết “Từ giữa năm 1943-1944 ấy, tôi đọc được mấy truyện của Kim Lân…thoạt tiên tôi chẳng những không để ý mà còn thấy cái tên Kim Lân chương chướng thế nào ấy…Nhưng rồi chỉ bập vào mấy truyện của anh mà tôi thấy không phải loại ướt át một cách bợm bãi, mà trái lại có một cái gì chân chất của đời sống và con người nghèo hèn, khổ đau, giọng văn nhiều rung cảm, thắm thiết” [61,tr.82], nhận định chân thành của người bạn văn thân thiết thật xác đáng về nội dung và nghệ thuật truyện ngắn Kim Lân.
Cũng gần nhận xét trên của Nguyên Hồng, nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân cũng đưa ra quan điểm của mình về thế giới nhân vật trong truyện ngắn của Kim Lân: “Đọc văn xuôi Kim Lân, ta bắt gặp cái thế giới của những người dân nghèo vốn là hạng “hạ lưu” ở xã hội cũ: Những người dân miền xuôi mất nhà, mất đất, xiêu dạt lên miền ngược, táp vào một xóm chợ, bến sông, một góc phố hay ven một đồn điền, một xóm trại, tiếp tục vật lộn với miếng sống sơ đẳng hàng ngày. Đã có lúc nhà văn gọi những nhân vật thân thuộc ấy của mình là “những đầu thừa đuôi thẹo ở khắp xó xỉnh cuộc sống” [4,tr.638].
Nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn trong cuốn “Nhà văn Kim Lân - chân dung văn học” thật có lý khi khái quát rằng: “hình như những mẫu người đầu thừa đuôi thẹo đã gửi một đại diện của họ vào văn học và Kim Lân đã làm việc này một cách đàng hoàng chững chạc”. [47,tr. 5]
Trong Tổng tập văn học Việt Nam giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh một lần nữa bộc lộ cái nhìn về số phận của những kiếp người thấp cổ bé miệng trong xã hội cũ và cái nhìn về phong tục tập quán, những thú vui, trò chơi nơi thôn dã: “Đó là những trang số phận của các đầu thừa đuôi thẹo được đưa từ các xó xỉnh tối khuất lên mặt giấy trắng chứa chất nhân thế, nhân tình, hoặc những trang tuy nghiêng nhiều về phía phong tục, trình bày cặn kẽ những thú chơi lành mạnh nhưng vẫn biểu hiện được một phần vẻ đẹp tâm hồn của người nông dân trước Cách mạng tháng Tám - những người sống vất vả, khổ nghèo những vẫn yêu đời, trong sáng, thông minh, tài hoa” [40,tr.11].
Không những thế, Nguyễn Đăng Mạnh còn có những nhận xét thật sắc sảo về những phong tục tập quán mà Kim Lân đã thể hiện trong truyện ngắn: “Văn Kim Lân tỏ ra độc đáo, hấp dẫn hơn khi ông viết về những cái gọi là “thú đồng quê” hay “phong lưu đồng ruộng”. Để làm rò hơn tác giả tiếp tục giải thích: “Sở dĩ có sự hấp dẫn, không phải vì ở đấy, những tập quán ngộ nghĩnh kì lạ, những thú chơi phiền phức, cầu kì được trình bày cặn kẽ, mà chính là nhờ nhà văn đã thể hiện lên được những con người ở làng quê Việt Nam độc đáo kia, tuy nghèo khổ, thiếu thốn mà vẫn yêu đời” [41,tr. 23].
Có thể bạn quan tâm!
- Cái nhìn, không gian, thời gian nghệ thuật trong truyện ngắn Kim Lân - 1
- Cái Nhìn Nghệ Thuật Giàu Lòng Nhân Hậu Về Cuộc Sống, Con Người Làng Quê Việt Nam
- Cái Nhìn Nghệ Thuật Giàu Lòng Nhân Hậu Về Con Người Làng Quê Việt Nam
- Cái Nhìn Độc Đáo Về Những Phong Tục, Sinh Hoạt Văn Hóa Cổ Truyền Ở Làng Quê Việt Nam
Xem toàn bộ 109 trang tài liệu này.
Nguyễn Khải- một trong những tác giả nổi tiếng của nền văn học Việt Nam hiện đại đã khái quát lại toàn bộ truyện ngắn Kim Lân: “Nếu nhìn một cách hệ thống từ những nhân vật xuất hiện trong tác phẩm Kim Lân viết trước cách mạng đến các tác phẩm sau này, người đọc dễ dàng nhận ra nét riêng của Kim Lân là: Một ngòi bút sâu lắng, cẩn trọng, tỉ mẩn, luôn luôn cố gắng để đi tới tận cùng nỗi niềm, tâm trạng từng con người, từng số phận riêng, để
từ đó góp một tiếng nói riêng vào trang sử chung về tâm tư tình cảm con người Việt Nam của văn học Việt Nam hiện đại” [22,tr.5].
Lữ Huy Nguyên trong lời giới thiệu Tuyển tập Kim Lân cũng nhấn mạnh: “Qua những truyện viết về các thú chơi, những cái thuộc về đời sống phong tục, tinh hoa văn hóa dân gian vùng Kinh Bắc cũ, ta sẽ bắt gặp ở đó một Kim Lân hào hoa, mã thượng trong không khí văn chương sang trọng” [45,tr.6].
Trần Ninh Hồ trên báo Văn nghệ số 34 ngày 24/8/1991 đã khẳng định tầm vóc, vị trí nhà văn Kim Lân qua những trang truyện ngắn của ông viết về con người: “ Tuy tầm vóc, vị trí mỗi nhà văn một khác nhưng Kim Lân cũng là một nhà văn thường đến với ta trong những khoảng chợt nhớ của đời người khó mà diễn đạt thành lời… Mỗi lần mở những trang viết ít ỏi ấy, ta lại cảm thấy không một bước ngoặt, một chặng đường nào của con người Việt Nam trong gần nửa thế kỷ qua mà Kim Lân không đả động tới dẫu chỉ bằng sự chạm trổ hết sức khiêm tốn: truyện ngắn” [19,tr. 3].
Vũ Dương Quỹ trong Nhà văn và tác phẩm trong nhà trường phổ thông (Nhà Xuất bản Giáo dục-1997) đã nhận xét: “Những truyện ngắn Kim Lân viết trước Cách mạng tháng Tám, bên những thân phận con người lam lũ vất vả, vẫn phập phồng trái tim yêu đời, những mong muốn tuy mơ hồ nhưng da diết, con người đối xử với nhau bao dung nhân hậu hơn” [52,tr.10].
Nhận xét về văn Kim Lân tác giả Hoài Việt trong cuốn Kim Lân “Nhà văn trong nhà trường-NXBGD-1999” có viết: “Văn Kim Lân không đao to, búa lớn, chữ chữ hàng hàng chân chất như củ khoai củ sắn, lời văn trong lối kể cũng không ồn ào cứ rỉ rả, rỉ rả mà lại thánh thót mới “tài” chứ-Kim Lân không ưa đánh bóng, mạ kền con chữ, hàng chữ. Ông có cái nhìn, cái óc nghĩ, cái lối diễn đạt của người xứ quê. Nó bình dị, chất phác pha chút hóm hỉnh nữa” [61,tr.90].
Kim Lân đã thành công trong một loạt truyện về các thú chơi, đặc biệt nổi tiếng với các truyện viết về phong tục làng quê khiến nhà nghiên cứu Lữ Quốc Văn đã gọi ông“là nhà tiểu thuyết phong tục hạng nhất của Việt Nam” .
Các tác giả trong cuốn Từ điển văn học đã đánh giá về cái nhìn làng quê trong truyện ngắn Kim Lân sau cách mạng: “Kim Lân vẫn tiếp tục viết về làng quê Việt Nam. Ông thường viết về những cảnh tội nghiệp, cuộc sống khốn khó đến cùng cực của người nông dân dưới chế độ cũ và sự đổi đời của họ nhờ cách mạng [12,tr.98].
Tác giả Hà Minh Đức đã nhận xét: “Kim Lân là một trong những cây bút viết truyện ngắn xuất sắc của văn học Việt Nam hiện đại, Kim Lân đã tạo được một cách viết độc đáo. Phải nói rằng Kim Lân viết không nhiều nhưng những sáng tác của ông đã gây ấn tượng với bạn đọc” [9, tr.23].
Giáo sư Phong Lê trong cuốn Đến với tiến trình văn học Việt Nam hiện đại, NXB Hội Nhà văn - 2009 trong bài “Kim Lân và những phận người bé mọn” đã khẳng định: “Ông là người cùng thế hệ và là người cùng hoạt động với Nam Cao, Nguyên Hồng, Tô Hoài…Những tên tuổi trên, đã cùng ông gắn với sự khởi đầu cho nghiệp viết vào thời kỳ cuối của văn học hiện thực 1945; và sau này có quan hệ gắn bó với nhau trong từng khu vực công việc hoặc phạm vi nghề nghiệp, vì một nền văn nghệ mới. Tất cả đều là chứng nhân, là đại diện cho cả một hành trình lớn của văn học Việt Nam hiện đại (thế kỷ XX), đi qua mốc lịch sử 1945; và ông là thuộc trong số rất ít người đi trọn cuộc hành trình đó để vượt sang thế kỷ XXI- ở tuổi ngót 90” [39,tr. 185-186].
Nhà thơ Lê Đạt đã ca ngợi tài năng của nhà văn Kim Lân trong khi tiễn biệt ông: “Tôi quý anh như một nhà văn ngồi nhầm lớp đặc biệt trong giới văn học Việt Nam. Anh ở cấp đại học ngồi nhầm ghế trung học. Anh có cách tự học độc đáo. Văn hóa của một nhà văn không dựa vào bằng cấp. Người ta chê Kim Lân viết ít, đó là một nhận xét không đúng. “Người anh em” chỉ muốn trình làng những tác phẩm mà ông lượng định là đáng trân trọng xem nhất. Đó là một thái độ lễ phép với công chúng và sự lễ phép đáng trân trọng”.
Nhân dịp kỷ niệm tròn bốn năm ngày nhà văn Kim Lân qua đời, Nhà xuất bản Kim Đồng đã cho ra mắt tập sách Kim Lân- Ẩn sỹ giữa làng văn như một nén nhang thơm tưởng nhớ đến người nghệ sĩ tài hoa – Nhà văn của những “thú phong lưu đồng quê”, của những truyện ngắn nổi tiếng Làng, Vợ nhặt...
Ngày 5/1/2012 phát biểu tại buổi lễ khánh thành “ Nhà lưu niệm Nhà văn Kim Lân" tại Hà Nội, ông Hồ Quang Lợi-Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội nhận định: “Gia tài sáng tác của nhà văn Kim Lân không thật nhiều về số lượng nhưng là tinh hoa quý báu. Hầu hết các tác phẩm của ông đều trụ lại với thời gian".
Nhà thơ Hữu Thỉnh-Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhận xét: "Văn Kim Lân luôn mang đậm hồn quê, sự kế tục ngôn ngữ, phong tục của người Việt. Ông là một trong những nhà văn đầu tiên tham gia tổ chức Văn hóa cứu quốc. Trong Hội Nhà văn Việt Nam, nhà văn Kim Lân đã có công lao xây dựng Hội Nhà văn Việt Nam bằng công việc xây dựng các thế hệ nhà văn tiếp nối".
Như vậy là cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của Kim Lân đã được giới nghiên cứu phê bình bàn luận đánh giá với nhiều ý kiến xác đáng. Các nhà nghiên cứu đều nhận thấy tài năng, sở trường, thế mạnh của Kim Lân, song chưa có công trình nào đi sâu nghiên cứu Cái nhìn, không gian, thời gian nghệ thuật trong truyện ngắn Kim Lân.
Bên cạnh các ý kiến nhận định của các nhà nghiên cứu phê bình là không ít luận văn thạc sỹ đã nghiên cứu về sáng tác của nhà văn Kim Lân:
Năm 2005 tác giả Đặng Thị Huy Lam trong luận văn “Đặc điểm truyện ngắn Kim Lân” đã dành một chương để khảo sát về người lao động nghèo ở làng quê và tấm lòng của nhà văn Kim Lân.
Năm 2006 tác giả Nguyễn Quốc Thanh trong luận văn “Cảm hứng chủ đạo và nghệ thuật trần thuật trong truyện ngắn Kim Lân” đã viết về cảm hứng yêu thương và trân trọng con người, cảm hứng về những sinh hoạt văn hóa ở vùng thôn quê.
Tác giả Nguyễn Thị Nha Trang trong luận văn “Phong cách văn xuôi nghệ thuật Kim Lân” đã giành chương 2 xác định một cách hiểu về phong cách nghệ thuật của Kim Lân về con người và phong tục văn hóa làng quê.
Tác giả Vũ Tú Anh trong luận văn: “Văn hóa làng trong truyện ngắn Kim Lân” đã nghiên cứu vấn đề đặt ra rất độc đáo, hấp dẫn.
Có thể khẳng định rằng các bài viết, các công trình nghiên cứu về nhà văn Kim Lân khá dày dặn và sâu sắc. Yêu quý, trân trọng sáng tạo nghệ thuật của Kim Lân, chúng tôi chọn đề tài “Cái nhìn, không gian, thời gian nghệ thuật trong truyện ngắn Kim Lân” nhằm góp một tiếng nói khiêm nhường bên cạnh những công trình đã nghiên cứu về Kim Lân.
3. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI NGHIÊN CỨU
3.1. Đối tượng nghiên cứu
Luận văn không đi sâu nghiên cứu tất cả những vấn đề thi pháp truyện ngắn Kim Lân mà chỉ tập trung vào ba phương diện: Cái nhìn nghệ thuật, không gian nghệ thuật và thời gian nghệ thuật trong truyện ngắn Kim Lân.
3.2. Phạm vi nghiên cứu
Với đối tượng khoa học nói trên, phạm vi khảo sát, nghiên cứu của luận văn là 33 truyện ngắn của Kim Lân. Trong quá trình triển khai, phân tích, chúng tôi sẽ tập trung nhiều hơn vào một số tác phẩm tiêu biểu để làm rò nội dung nghiên cứu.
Chúng tôi khảo sát và nghiên cứu từ các nguồn tư liệu sau:
- Tuyển tập Kim Lân, Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội -1996
- Kim Lân truyện ngắn, Nhà xuất bản Văn học - 2010
- Kim Lân-Tác phẩm chọn lọc, Nhà xuất bản Hội Nhà văn -Hà Nội-2004
- Truyện Cô Dí, Cô Vịa, Truyện chó chết, do chúng tôi sưu tầm được từ các báo Trung Bắc chủ nhật và báo Văn nghệ.
Để có một cái nhìn sâu sắc, luận văn so sánh các phương diện nghiên cứu với một số tác giả văn học Việt Nam hiện đại để làm nổi bật nét đặc sắc của nhà văn Kim Lân.
4. MỤC ĐÍCH NGHIÊN CỨU
Xuất phát từ những lý do trên, chúng tôi tiến hành nghiên cứu “Cái nhìn, không gian, thời gian nghệ thuật trong truyện ngắn Kim Lân” nhằm hướng tới các mục đích sau:
- Hiểu sâu sắc cái nhìn nghệ thuật giàu lòng nhân hậu về cuộc sống, con người làng quê Việt Nam và cái nhìn độc đáo, hấp dẫn về những phong tục sinh hoạt văn hóa cổ truyền trong truyện ngắn Kim Lân. Đồng thời thấy rò hơn vẻ đẹp truyện ngắn Kim Lân qua chân lý “quý hồ tinh bất quý hồ đa” trong nghệ thuật.
- Khai thác phương diện thi pháp không gian, thời gian nghệ thuật trong truyện ngắn Kim Lân để thấy rò hiệu quả của thi pháp học đối với việc tiếp cận văn bản - tác phẩm văn học.
- Từ đó có cái nhìn toàn diện hơn về đóng góp của nhà văn Kim Lân cho nền văn học Việt Nam hiện đại thế kỷ XX.
5. NHIỆM VỤ NGHIÊN CỨU
- Nghiên cứu những vấn đề lý luận có liên quan đến đề tài
- Nghiên cứu một số phương diện: cái nhìn, không gian, thời gian nghệ thuật trong truyện ngắn của Kim Lân.
6. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Để hoàn thành nhiệm vụ nghiên cứu mà đề tài đặt ra, luận văn vận dụng các quan điểm và thao tác nghiên cứu thi pháp học, sử dụng và phối hợp các phương pháp nghiên cứu văn học sau:
- Phương pháp thống kê, khảo sát
- Phương pháp phân tích, tổng hợp
- Phương pháp so sánh, đối chiếu
- Phương pháp hệ thống
7. CẤU TRÚC LUẬN VĂN
Ngoài phần mở đầu, kết luận và tài liệu tham khảo, nội dung của luận văn được triển khai thành 3 chương:
Chương 1: Cái nhìn nghệ thuật trong truyện ngắn Kim Lân Chương 2: Không gian nghệ thuật trong truyện ngắn Kim Lân Chương 3: Thời gian nghệ thuật trong truyện ngắn Kim Lân.