Giai đoạn từ đầu thế kỷ XX tới 1945
Nhìn chung, việc so sánh Truyện Kiều và Kim Vân Kiều truyệntrong các thập niên đầu thế kỷ XX chưa thật sự sâu sắc và phong phú. Với bài viết Văn chương và nhân vật trong truyện Thúy Kiều đăng trên tạp chí Nam Phong năm 1922, có lẽ người đầu tiên so sánh Truyện Kiều và Kim Vân Kiều truyện trên báo quốc ngữ là Nguyễn Đôn Phục (năm 1922). Trong bài viết của mình, ông mới chỉ nhắc tới cái hay về nghệ thuật của Truyện Kiều, việc so sánh Truyện Kiều với Kim Vân Kiều truyện chỉ như là nguyên nhân khiến tác phẩm này nổi tiếng chứ chưa có ý thức so sánh sâu hơn. Năm 1924, Phạm Quỳnh đã công bố một bài viết đề cao Nguyễn Du trên Nam Phong đọc tại lễ kỷ niệm ngày mất Nguyễn Du. Trong bài viết này, tuy Phạm Quỳnh chưa đi sâu so sánh trực tiếp hai tác phẩm nhưng ông là người đầu tiên nhấn mạnh sự đặc biệt của Truyện Kiều so với nguyên tác và nền văn hóa Trung Quốc. Ngô Đức Kế trong bài Luận về chính học cùng tà thuyết Quốc văn - Kim Vân Kiều - Nguyễn Du đã nhắc tới Kim Vân Kiều truyện nhưng không nhằm mục đích so sánh mà để phê phán cả Kim Vân Kiều truyện và Truyện Kiều.
Người mở ra hướng nghiên cứu so sánh hai tác phẩm ở cấp độ chi tiết, hướng thứ nhất trong nghiên cứu so sánh hai tác phẩm, chính là học giả Đào Duy Anh với công trình Khảo luận về Kim Vân Kiều truyện (1943). Ông là nhà nghiên cứu đầu tiên khẳng định Truyện Kiều không phải là một bản dịch của Kim Vân Kiều truyện mà là một sáng tạo độc đáo của Nguyễn Du, nhưng ta dễ dàng nhận thấy các nhận xét so sánh của ông trong công trình này đều có lợi cho Truyện Kiều. Ông cho rằng những gì Nguyễn Du rút gọn, lược bỏ hay thay thế đều cần thiết và hợp lý. Nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là do ông đã không chú ý tới đặc trưng thể loại của Kim Vân Kiều truyện và mục đích sáng tác của tác giả mà chỉ lấy Truyện Kiều làm chuẩn mực để đánh giá. Theo đó, những công trình nghiên cứu theo hướng này sau Đào Duy Anh đều
tập trung khẳng định những sáng tạo của Nguyễn Du và đánh giá thấp những thế mạnh về thể loại của Kim Vân Kiều truyện.
Giai đoạn 1945 tới 1975
Giữa thế kỷ XX, nội dung xã hội trong Truyện Kiều bắt đầu được quan tâm và hướng nghiên cứu so sánh thứ hai được mở ra từ đó. Các nhà nghiên cứu đã kết hợp so sánh sự khác biệt giữa hai tác phẩm về từng phương diện cụ thể và vẫn dựa trên những so sánh chi tiết. Chúng ta có thể kể tới các nhà nghiên cứu lớn tiêu biểu như: Hoài Thanh, Nguyễn Lộc,... Công trình nghiên cứu sớm nhất về Truyện Kiều theo quan điểm cách mạng là Hoài Thanh với công trình Quyền sống của con người trong Truyện Kiều của Nguyễn Du (1949). Điều ông quan tâm so sánh hai tác phẩm là sự khác nhau về cách thể hiện nhân vật và xã hội, cuối cùng ông đã chỉ ra một số đóng góp và sáng tạo mới của Nguyễn Du so với Thanh Tâm tài nhân. Nhưng việc so sánh này vẫn lấy Kim Vân Kiều truyện làm nền để tôn cao Truyện Kiều. Nguyễn Lộc khi viết về Truyện Kiều (in trong Văn học Việt Nam nửa cuối thế kỷ XVIII – hết thế kỷ XIX) cũng không đi ngoài xu hướng này. Cũng như nhiều nhà nghiên cứu khác, ông đã ghi nhận sáng tạo của Nguyễn Du so với Thanh Tâm tài nhân nhưng nhìn chung ông vẫn đi tìm tính hợp lý cho những sáng tạo hay thay đổi của Nguyễn Du để phê phán Kim Vân Kiều truyện và chủ yếu so sánh sáng tạo của Nguyễn Du về phương diện lược bỏ chi tiết, việc tả tình chứ chưa đi vào so sánh việc xử lý thơ từ của nguyên tác.
Đặng Thanh Lê đã đặt lối đi riêng cho mình trong ngành Kiều học với cuốn Truyện Kiều và thể loại Truyện Nôm, trong cuốn sách này tác giả đã dành một số trang so sánh hai tác phẩm nhưng chúng đã bị chìm lấp trong nhiều trang viết về giá trị độc đáo của Truyện Kiều. Ngoài ra, ta phải kể tới: Lê Đình Kỵ với cuốn Truyện Kiều và chủ nghĩa hiện thực của Nguyễn Du (1970), bài báo
Có thể bạn quan tâm!
- Cách xử lý của Nguyễn Du đối với thơ và từ trong Kim Vân Kiều truyện - 1
- Truyện Kiều Và Kim Vân Kiều Truyện Nhìn Từ Phương Diện Thể Loại
- Dung Hợp Văn Thể Và Đặc Điểm Thơ Từ Trong Kim Vân Kiều Truyện
- Thơ Từ Trong Kim Vân Kiều Truyện Với Chủ Đề Tư Tưởng Tác Phẩm
Xem toàn bộ 149 trang tài liệu này.
Nguyễn Du và đạo đức phong kiến (qua nhân vật Thúy Kiều), Lê Xuân Lít với
Truyện Kiều – Kim Vân Kiều truyện nhìn từ góc độ chi tiết,...
Từ sau 1975 tới nay
Cuối thế kỷ XX diện mạo nghiên cứu Truyện Kiều thêm phong phú và khoa học khi có sự xuất hiện của những công trình nghiên cứu chuyên sâu - hướng nghiên cứu về nghệ thuật của Truyện Kiều.
Tiếp tục triển khai ý tưởng của Đào Duy Anh, Phạm Đan Quế giới thiệu cuốn Truyện Kiều đối chiếu vào cuối thập niên 90 của thế kỷ XX. Cuốn sách này đối chiếu tỉ mỉ từng chi tiết giống và khác giữa hai tác phẩm, sự thêm bớt cũng được khảo kĩ lưỡng. Truyện Kiều và Kim Vân Kiều truyện ra đời sau đó cũng có nội dung gần giống như Truyện Kiều đối chiếu. Những nhận xét của ông rút ra trong hai cuốn sách này nhìn chung không có gì mới so với nhận xét của những nhà nghiên cứu đi trước cùng hướng so sánh này.
Chúng ta không thể không kể tới hai công trình Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều (Phan Ngọc) và Thi pháp Truyện Kiều (Trần Đình Sử). Phan Ngọc đã so sánh hai tác phẩm trên hầu hết các phương diện và cố gắng chứng minh sự khác biệt cũng như tính ưu việt của các giải pháp Nguyễn Du đã lựa chọn so với Thanh Tâm tài nhân nhưng cuốn sách của ông còn bộc lộ không ít sai lầm cần được chỉ rõ. Trong công trình của mình, rút được kinh nghiệm của những nhà nghiên cứu đi trước, Trần Đình Sử thấy rằng phải so sánh Truyện Kiều trong một tương quan rộng hơn: “Trong bối cảnh ảnh hưởng của văn học Trung Quốc, Truyện Kiều là một sự lựa chọn về thể loại, và không thể không đề cập tới mối quan hệ giữa Truyện Kiều và tiểu thuyết chương hồi Trung Quốc... Với tư cách là một truyện thơ Nôm, Truyện Kiều có nhiều mối quan hệ với thơ ca cổ điển Trung Quốc. Đây là điều mà các học giả Trung Quốc, cũng như Việt Nam tiến hành so sánh Truyện Kiều hầu như chưa đề cập tới” [54, tr. 58]. Ông cũng chỉ ra những bất đồng trong
giới nghiên cứu về hai tác phẩm và bước đầu gợi ra hướng giải quyết, tuy nhiên do chưa đặt vấn đề so sánh hai tác phẩm như một đề tài riêng biệt nên cũng chưa so sánh toàn diện, kỹ lưỡng và cũng còn nhiều vấn đề cần bàn lại.
Chúng ta cũng không thể không kể tới các bài viết của các nhà nghiên cứu sau: Nguyễn Hữu Sơn với Tiếp nhận Truyện Kiều của Nguyễn Du trong sự đối sánh với Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm tài nhân (Văn nghệ, số 44 - 1990, sau được in trong Nguyễn Du về tác gia và tác phẩm), Trần Nho Thìn với Triết lý Truyện Kiều trong bối cảnh văn hoá xã hội Việt Nam cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX (in trong Văn học trung đại Việt Nam dưới góc nhìn văn hóa),...
Đặc biệt năm 1993, nhóm tác giả Nguyễn Thạch Giang – Triệu Ngọc Lan
– Lô Úy Thu đã tiến hành khảo sát và so sánh chi tiết Truyện Kiều và nguyên tác để chỉ ra phần nào là sáng tạo của Nguyễn Du, phần nào theo ý của Thanh Tâm tài nhân.
Ta cũng không thể không kể tới Luận án tiến sĩ Ngữ văn Đoạn trường tân thanh, cuộc tái tạo nghệ thuật của Nguyễn Du của Nguyễn Thị Bích Hồng, bảo vệ tại Viện Văn học năm 2007. Luận án này đã đi sâu nghiên cứu những sáng tạo của Nguyễn Du từ nghệ thuật tự sự cho tới phương diện tư tưởng khi vay mượn cốt truyện của Thanh Tâm tài nhân để sáng tạo Truyện Kiều và hệ thống hoá một cách chi tiết lịch sử nghiên cứu so sánh hai tác phẩm này.
Nghiên cứu nước ngoài
Bài Nguyễn Du, nhà thơ kiệt xuất Việt Nam và Truyện Kiều của ông của Lưu Thế Đức và Lý Tu Chương chỉ dừng lại mức độ so sánh hai tác phẩm về phương diện ngôn ngữ.
Tháng 8 năm 2004, cuốn chuyên luận Nghiên cứu câu chuyện Vương Thúy Kiều của Trần Ích Nguyên - GS văn học chuyên giảng dạy và nghiên cứu tiểu thuyết cổ Trung Hoa ở Đài Loan - được Phạm Tú Châu dịch ra tiếng
Việt. Tác giả đã tiến tới định vị một cách đích đáng cho Kim Vân Kiều truyện cũng như ảnh hưởng của nó trong và ngoài nước từ Minh Thanh về sau nhưng việc nhắc tới Kim Vân Kiều truyện quan hệ đối sánh với Truyện Kiều còn rất chừng mực.
Công trình So sánh Truyện Kim Vân Kiều Trung Quốc và Việt Nam của Đổng Văn Thành đăng trên Minh Thanh tiểu thuyết luận tùng năm 1986 cũng được Phạm Tú Châu dịch sau đó ít lâu. Văn bản Đổng Văn Thành dựa vào để so sánh với Kim Vân Kiều truyện là một bản dịch của giáo sư Hoàng Dật Cầu. Qua việc so sánh Kim Vân Kiều truyện và bản dịch này, Đổng Văn Thành đã đưa ra một số ý kiến xoay quanh những vấn đề chung của Kim Vân Kiều truyện nhưng trong việc đưa ra nhận định về mối quan hệ giữa hai tác phẩm lại có nhiều điều bất ổn, đó là do tư tưởng của nước lớn pha trộn với việc thiếu thông tin về Truyện Kiều. Những nhà nghiên cứu tên tuổi của Việt Nam đã không ngần ngại bày tỏ chính kiến với những gì Đổng Văn Thành đưa ra: Nguyễn Khắc Phi với Nhân đọc bài Kim Vân Kiều truyện của Đổng Văn Thành, Phạm Tú Châu với Sóng gió bất kỳ từ một bản dịch, Hoàng Văn Lâu với Cũng là một kiểu so sánh văn học... Nhưng chính bài viết của Đổng Văn Thành đã khơi ra một vấn đề lớn còn tồn tại trong lịch sử so sánh Truyện Kiều, nó khiến các nhà nghiên cứu Việt Nam phải nhìn nhận lại giá trị của Kim Vân Kiều truyện cũng như cách so sánh đúng đắn hai tác phẩm này là phải dựa trên tiêu chí thể loại.
N.I.Niculyn đã nghiên cứu so sánh Truyện Kiều và Kim Vân Kiều truyện ở phương diện đề tài, kết cấu, hình tượng nhân vật, hình thức thể loại.
K.C.Leung trong Chu trình diễn hóa của Kiều: Lại bàn về kế thừa và sáng tạo bằng sự khảo cứu khá kĩ lưỡng chu trình diễn hóa của Kiều ở Trung Quốc đã đánh giá lại về Kim Vân Kiều truyện.
4.2. Vấn đề cách xử lý của Nguyễn Du đối với thơ và từ trong Kim Vân Kiều truyện
Vấn đề cách xử lý của Nguyễn Du đối với thơ và từ trong Kim Vân Kiều truyện chưa được các nhà nghiên cứu thực sự quan tâm để coi đây là đề tài cần nghiên cứu chuyên sâu. Ta có thể kể tới các bài báo, công trình nghiên cứu Truyện Kiều có đề cập tới vấn đề này như sau:
Lê Hoài Nam trong Những sáng tạo của Nguyễn Du qua việc so sánh Truyện Kiều với Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm tài nhân trong Thông báo khoa học của Đại học Vinh năm 1964 đã bàn tới vấn đề này. Theo tác giả, Kim Vân Kiều truyện còn có tới 33 bài thơ từ (không kể bài Chiêu hồn của Tống Ngọc được chép lại) tả tình, vịnh cảnh của các nhân vật trong truyện. Ông coi đây là phương tiện miêu tả tính cách nhân vật và góp phần tăng thêm rất nhiều thành phần trữ tình của tác phẩm nhưng đồng thời ông cũng cho rằng chúng có hạn chế là làm nặng nề cho tác phẩm và nhiều khi làm chậm trễ không cần thiết sự phát triển các tình tiết của truyện. Cũng theo tác giả, Nguyễn Du đã xử lý một cách sáng tạo các bài thơ từ tầm thường này như sau (theo tác giả chỉ có bài Khốc hoàng thiên là có giá trị còn các bài khác rất xoàng): lược bỏ hết hoặc chuyển ý tình của các bài thơ, từ khúc đó vào độc thoại nhân vật, ngôn ngữ tác giả miêu tả tâm lý nhân vật và thiên nhiên, lời bình luận trữ tình của tác giả.
Đổng Văn Thành trong bài nghiên cứu Kim Vân Kiều Trung Quốc - Việt Nam công bố lần đầu trên Minh Thanh tiểu thuyết luận tùng, số 4 (tháng 6 - 1986) và số 5 (tháng 9 - 1987) do Phạm Tú Châu dịch cũng nhắc tới một số bài thơ từ trong Kim Vân Kiều truyện như sau:
- Ông tiến hành phân tích sơ lược bài từ Điệu nguyệt nhi cao và cho rằng bài từ này đã nêu lên chủ đề Kim Vân Kiều truyện là “hồng nhan bạc mệnh, hồng phấn trái thời”. Theo ông, đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích đã gộp
đoạn miêu tả tâm lý ngắn gọn, nội dung than thở cho thân thế trong tổ khúc Thập bất hài và trong bài thơ luật của Thúy Kiều trong nguyên tác, làm nên một tình cảm biểu lộ ra thật cảm động và mẫu mực điển hình cho thành công về cải biên của Nguyễn Du. Như vậy, Đổng Văn Thành đã ghi nhận việc thể hiện chủ đề tư tưởng của truyện qua bài từ Điệu Nguyệt nhi cao, một phần đã thấy được sự sáng tạo và tính trữ tình của Nguyễn Du khi xử lý tổ khúc Thập bất hài trong Kim Vân Kiều truyện nhưng đáng tiếc lại chưa đi sâu tìm hiểu vấn đề này để đánh giá đúng đắn và đầy đủ hơn về cách xử lý của Nguyễn Du đối với phần thơ từ này.
- Theo ông, về việc mượn những danh cú trong thi từ cổ Trung Quốc, Nguyễn Du có nhiều chỗ dùng không thỏa đáng làm mất đi tính chân thực: Để khen một câu thơ hết sức bình thường của Kiều đề trên tranh phong cảnh của Kim Trọng, Nguyễn Du dùng câu thơ có sẵn của Đỗ Phủ tự khen tài thơ của mình khi ông đã về già là câu “Bút lạc kinh phong vũ” (Tay tiên gió táp mưa sa), khen nét chữ Thúy Kiều “Tinh khéo như thiếp tựa Lan Đình” (So vào với thiếp Lan Đình nào thua), khen tài thơ của Kiều “Quán quân trên thi đàn đâu nhường cho ai” (Nàng Ban ả Tạ cũng đâu thế này). Qua đó, ta thấy Đổng Văn Thành đã không hiểu cách dùng điển cố của Nguyễn Du. Thực ra Đổng Văn Thành không biết tiếng Việt, ông đọc Truyện Kiều qua bản dịch sang Trung văn của người Trung Quốc nên bị khúc xạ qua quan điểm người dịch nên hiểu sai lệch văn bản là thực tế khó tránh khỏi.
Phan Ngọc trong Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều cho rằng: “Con người trong tiểu thuyết truyền thống là con người hành động, tả xung hữu đột, không một phút ngồi yên.... Thúy Kiều, Từ Hải, Kim Trọng ở đây đều lăng xăng cả ngày. Khi ngồi yên không có việc gì làm thì họ phải làm thơ. Họ làm tới 89 bài thơ, một số lượng khá lớn” [37, tr. 100]. Như vậy, theo ông, việc nhân
vật trong truyện làm thơ từ chỉ là hành động bên ngoài, không có vai trò nhiều trong việc thể hiện nội tâm nhân vật.
Nhận định của Trần Đình Sử trong Thi pháp Truyện Kiều:
- Qua việc phân tích, so sánh bài Khóc trời cao của Thúy Kiều trong Kim Vân Kiều truyện với đoạn thơ tương ứng trong Truyện Kiều, ông đã khẳng định truyền thống đan xen thơ từ mạnh mẽ trong nền văn học Trung Quốc, cho rằng thơ từ trong Kim Vân Kiều truyện tuy có tác dụng tả nội tâm nhân vật nhưng hiệu quả không cao và khiến mạch văn không liền mạch. Ngoài ra, ông còn khẳng định giá trị nghệ thuật hơn hẳn của đoạn thơ tương ứng trong Truyện Kiều so với bài Khốc hoàng thiên trong Kim Vân Kiều truyện.
- Theo ông, Nguyễn Du lược đi thơ từ nhân vật sáng tác là để cái tài của nhân vật nhạt đi và trừu tượng hơn bởi cái tài của Kiều chủ yếu là cái cớ để nàng bị cuốn vào vòng tai vạ, phù hợp với tư tưởng tài mệnh tương đố.
- Ông cho rằng Thúy Kiều của Thanh Tâm tài nhân ít khi nhớ nhà, còn Thúy Kiều của Nguyễn Du đã 7 lần nhớ nhà và dù là có nhớ, tính chất cũng đã khác xa, sau đó ông lấy đoạn thơ Thúy Kiều ở lầu Ngưng Bích làm đối sánh để chỉ ra chất lượng hơn hẳn của 22 câu thơ tả cảnh của Nguyễn Du.
- Ông còn nhận xét về việc xen thơ trong Kim Vân Kiều truyện và lý giải nguyên nhân Nguyễn Du lược thơ từ trong Truyện Kiều như sau: “Ở đây nhân vật trong hồn thơ lai láng nhưng khép kín, không phải cái chất thơ mà người đọc có thể chia sẻ ngay được bởi nó được diễn đạt theo một kênh thơ riêng. Việc để cho nhân vật làm thơ, chép thơ nhân vật vào truyện, có thể chứng tỏ rằng tác giả chỉ thừa nhận chất thơ trong hình thức thơ, mà chưa khai thác chất thơ ngay trong văn tự sự. Giữa hai loại văn chưa tạo được sự hòa hợp. Nguyễn Du đã tạo ra được chất thơ trong văn tự sự, và do vậy việc chép thơ nhân vật trở nên không cần thiết nữa” [54, tr. 225].