Truyện Kiều Và Kim Vân Kiều Truyện Nhìn Từ Phương Diện Thể Loại


- Ông nhận xét về thơ từ trong hồi 13 của Kim Vân Kiều truyệnvà đoạn thơ tương ứng trong Truyện Kiều như sau: “Thanh Tâm tài nhân đã dành gần hết một hồi 13 để tả cuộc chia tay hết sức chi tiết... Đó thật là cuộc chia tay của hai người bạn văn nhân, chén tạc chén thù, viện dẫn nào Biệt phú, Hận phú của Giang Yêm, nào Tỳ bà hành của Bạch Cư Dị, chứ đâu chỉ là cuộc chia tay của hai vợ chồng. Nguyễn Du đã thuật lại trong 28 dòng đầy lưu luyến, ai oán, thi vị” [54, tr. 227]. Như vậy, ông cho rằng việc đan xen thơ từ, bình thơ của Kiều - Thúc Sinh ở hồi 13 chưa hợp lý bởi không phù hợp với hoàn cảnh, mối quan hệ của nhân vật và khẳng định tính hợp lý cũng như giá trị nghệ thuật hơn hẳn của đoạn thơ tương ứng trong Truyện Kiều.

Trong Triết lý “Truyện Kiều” trong bối cảnh văn hóa xã hội Việt Nam cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XX in trong Văn học trung đại Việt Nam dưới góc nhìn văn hóa của NXB Giáo dục xuất bản năm 2008, Trần Nho Thìn cũng nhắc tới cách xử lý của Nguyễn Du đối với thơ từ trong Kim Vân Kiều truyện khi sáng tạo Truyện Kiều. Theo tác giả, đối với các bài thơ Kiều làm “theo đơn đặt hàng”, không có cảm xúc mà chỉ mang tính chất phô diễn tài năng thì Nguyễn Du không miêu tả cụ thể mà chỉ lướt qua. Như vậy Trần Nho Thìn đã đặc biệt chú ý tới nguồn cảm hứng, cảm xúc sáng tác thơ từ của nhân vật. Điều này có quan hệ mật thiết với quan niệm của ông về triết lý Truyện Kiều là tài sắc và tài tình.

5. Đóp góp của luận văn

Luận văn sẽ hệ thống hóa lịch sử so sánh hai tác phẩm theo một hướng quan tâm chưa được chú ý đúng mức, đó là cách xử lý của Nguyễn Du đối với thơ và từ trong Kim Vân Kiều truyện. Những tiêu chí mà luận văn xác lập sẽ:

- Góp phần tìm hiểu những sáng tạo của Nguyễn Du khi vay mượn cốt truyện Kim Vân Kiều truyện nói chung, nghệ thuật trữ tình cũng như nghệ thuật tả nội tâm của Nguyễn Du trong Truyện Kiều nói riêng.


- Kết quả của luận văn có thể ứng dụng cho việc giảng dạy Truyện Kiều ở bậc THCS và THPT, dùng làm tài liệu tham khảo cho giáo viên và những người yêu thích Truyện Kiều.‌

6. Cấu trúc luận văn

Ngoài Danh mục từ viết tắt, Mở đầu, Kết luận, Phụ lục và Tài liệu tham khảo, Nội dung luận văn được chia thành 3 chương:

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 149 trang tài liệu này.

Chương 1: Truyện Kiều Kim Vân Kiều truyện nhìn từ phương diện thể loại.

Chương 2: Thơ và từ trong Kim Vân Kiều truyện.

Cách xử lý của Nguyễn Du đối với thơ và từ trong Kim Vân Kiều truyện - 3

Chương 3: Cách xử lý của Nguyễn Du trong Truyện Kiều đối với thơ và từ trong Kim Vân Kiều truyện.


NỘI DUNG


Chương 1. TRUYỆN KIỀU KIM VÂN KIỀU TRUYỆN NHÌN TỪ PHƯƠNG DIỆN THỂ LOẠI

Ta thấy việc nghiên cứu so sánh Truyện Kiều Kim Vân Kiều truyện đã bộc lộ nhiều vấn đề bất ổn, đặc biệt nếu so sánh các kết quả nghiên cứu của một số nhà nghiên cứu Việt Nam như Phan Ngọc, Nguyễn Lộc,... với một vài học giả Trung Quốc, đặc biệt là Đổng Văn Thành. Nguyên nhân căn bản dẫn tới vấn đề trên là do họ đã lấy một trong hai tác phẩm làm tiêu chí, làm chuẩn mực để so sánh sao cho có lợi cho hướng khai thác của mình. Rút kinh nghiệm của những nhà nghiên cứu đi trước, trong Thi pháp Truyện Kiều, Trần Đình Sử nhận định: “Trong bối cảnh ảnh hưởng của văn học Trung Quốc, Truyện Kiều là một sự lựa chọn thể loại, không thể không đề cập tới mối quan hệ giữa Truyện Kiều và tiểu thuyết chương hồi Trung Quốc” [54, tr. 59] và “So sánh Truyện Kiều và văn hóa Trung Quốc đang là một đề tài để ngỏ cho những tìm tòi mới trong giao lưu tinh thần của hai dân tộc qua một kiệt tác” [54, tr. 57]. Vì thế, trước khi tiến hành tìm hiểu cách xử lý của Nguyễn Du đối với thơ và từ trong Kim Vân Kiều truyện, chúng tôi tiến hành tìm hiểu những đặc trưng về mặt thể loại của hai tác phẩm này để xác định nguyên tắc đồng cấp giữa hai tác phẩm, từ đó có thể tránh tình trạng so sánh khập khiễng.

1.1. Kim Vân Kiều truyện với truyền thống tự sự của tiểu thuyết chương hồi

Ông Trương Đình Hòe, một học giả người Việt Nam đang sống và làm việc tại Pháp, đã xác định văn hệ Kim Vân Kiều truyện, kết quả có 20 tác phẩm cùng đề tài về Vương Thúy Kiều thuộc nhiều thể loại khác nhau: sử, truyện, thơ,... Trần Đình Sử viết: “Mãi đến đời Khang Hy nhà Thanh, khoảng 1662 - 1729, Thanh Tâm tài nhân mới mở rộng quy mô truyện thành một pho tiểu thuyết chương hồi... Thanh Tâm tài nhân viết Kim Vân Kiều truyện trước


hết theo môtip cặp đôi truyền thống tài tử giai nhân, thư sinh - kỹ nữ” [54, tr. 32]. Ông cũng cho rằng: “Kim Vân Kiều truyện không còn thuần túy tiểu thuyết tài tử giai nhân, mà đã chuyển sang loại “tiểu thuyết nhân tình” có khuynh hướng viết những điều mắt thấy tai nghe đời thường, có khuynh hướng hiện thực” [54, tr. 40]. Nhưng trước hết, ta thấy Kim Vân Kiều truyện nằm trong dòng tiểu thuyết chương hồi Trung Quốc, là sự minh họa rõ nét các đặc điểm của tự sự chương hồi truyền thống.

Tiểu thuyết chương hồi chiếm một vị trí rất quan trọng trong diện mạo tiểu thuyết Trung Quốc. Được hình thành từ những người kể chuyện rong với các biến cố lịch sử, truyền thuyết và pho sử thi dân gian nên đặc điểm nổi bật của thể loại này là sự xuất hiện đậm đặc của yếu tố tự sự. Trong truyện, người kể thường dùng bút pháp “bạch miêu”, kể hoàn toàn khách quan, tuyệt nhiên không bày tỏ thái độ chê trách hay tán dương đối với nhân vật hay câu chuyện. Trần Đình Sử giải thích: “Thuật ngữ bạch miêu vốn là của hội họa, dùng chỉ bút pháp, chỉ nét vẽ, không tô màu, không tô đậm nhạt. Bù lại, bạch miêu đòi hỏi miêu tả đường nét thật chi tiết, cụ thể, đầy đủ, không để đối tượng khuất vào bóng tối. Điều này làm nên sức hấp dẫn của tiểu thuyết Trung Quốc” [54, tr. 185].

Ta thấy nhân vật chính là hạt nhân cơ bản cấu thành chất tự sự cho tiểu thuyết chương hồi. Trong thể loại này, nhân vật là những con người hành động, tính cách đơn tuyến, sự biến động tâm lý nếu có chỉ là những thay đổi nhất thời và thường nhanh chóng đi vào ổn định. Khi miêu tả tính cách nhân vật, người kể là người quan sát và ghi chép lại, trước sau thống nhất thái độ khách quan và cũng không có ý định đi sâu miêu tả nội tâm nhân vật. Muốn diễn tả nội tâm nhân vật, tác giả thường để nhân vật “nói” hay “nghĩ thầm” và xem đó như những sự kiện khách quan, hoặc để nhân vật làm bài thơ, bài ca.


Nảy sinh từ truyền thống thể loại ấy, Kim Vân Kiều truyện không đi chệch khỏi quỹ đạo thông thường, tác phẩm là sự minh họa rõ nét các đặc điểm của tự sự chương hồi truyền thống. Với 20 hồi, Kim Vân Kiều truyện giữ nguyên cấu trúc phổ biến của tiểu thuyết chương hồi truyền thống: kết cấu chương hồi, mỗi hồi là vài sự kiện chính được bao bọc bởi rất nhiều chi tiết sắp xếp cặn kẽ tỉ mỉ. Ngoài bút pháp “bạch miêu”, Kim Vân Kiều truyện còn có thêm lời bình luận suy lý ở đầu mỗi hồi. Đây là lối bình luận đạo đức của người ngoài cuộc, viện dẫn tiền lệ để thuyết minh nhằm đề cao nhân vật. Theo Trần Đình Sử, hình thức tự sự của Kim Vân Kiều truyện là: “Hình thức tự sự ngôi thứ ba mang tiêu cự bằng không của một người kể biết đánh giá, nhận định nhân vật theo những đạo lý phổ quát” [54, tr. 182] và “Thanh Tâm tài nhân cũng thường để cho nhân vật làm thơ như một phương tiện để trang trải nỗi lòng” [54, tr. 196]. Vì thế, trong tác phẩm của mình, Thanh Tâm tài nhân đã dẫn lời của 92 bài thơ từ vào phần văn xuôi để thể hiện tư tưởng và khắc họa nhân vật.

Trần Đình Sử viết: “kế thừa các truyền thống lớn của tiểu thuyết Trung Quốc từ truyền kỳ đời Đường, tiểu thuyết thế sự Kim Bình Mai, tiểu thuyết anh hùng Tam quốc diễn nghĩa, tiểu thuyết tài tử giai nhân kết hợp được yếu tố “kỳ”, “xảo”, yếu tố con người đời thường, yếu tố cơ trí, mưu mẹo với yếu tố giáo huấn, khuyến thiện, trừng ác.... chỉ có yếu tố con người đời thường đem lại hai hệ quả mới: tăng cường miêu tả chi tiết cụ thể và đã chú ý miêu tả tâm lý con người. Các yếu tố này biểu hiện đặc biệt trong Kim Vân Kiều truyện.... Yếu tố giáo huấn thể hiện ở cái chí treo gương bất hủ của Kiều. Yếu tố miêu tả, phân tích tâm lý cũng có chỗ đặc sắc... Phân tích tâm lý đòi hỏi phải miêu tả chi tiết cụ thể, nhỏ nhặt, và nhiều chỗ Thanh Tâm tài nhân cũng đạt được việc lấy tâm trạng mà soi sáng hành động” [54, tr. 45]. Ông cũng ghi nhận những ưu điểm của Kim Vân Kiều truyện so với các tiểu thuyết tài tử


giai nhân khác: “Một là truyện nhấn mạnh tới quy luật tài mệnh tương đố... Hai là có một cốt truyện hay, nhiều sự biến giày tía vò hồng, thể hiện tư tưởng may rủi biến ảo khôn lường ở đời... Ba là bút pháp miêu tả tâm lý khai thác nội tâm, ngôn ngữ độc thoại mặc dù còn thiếu nhất quán nhưng với tư cách là một thủ pháp thì khá mới mẻ, đáng chú ý” [54, tr. 53].

Tóm lại, chúng tôi nhận thấy nếu xét về yêu cầu của nghệ thuật tự sự, khả năng của người kể chuyện được bộc lộ trong việc nhìn sâu, nhìn kĩ một sự vật rồi tả nó ra một cách tỉ mỉ thì Thanh Tâm tài nhân đã làm tốt công việc này. Rõ ràng, ta cần phải công nhận thế mạnh tự sự của nguyên tác là văn xuôi nhưng chúng ta cũng không thể phủ nhận thế mạnh của Truyện Kiều với tư cách là truyện thơ mà lối “bạch miêu” không có được.

1.2. Truyện Kiều với truyền thống tự sự - trữ tình của truyện thơ Nôm

Trong Thi pháp Truyện Kiều, Trần Đình Sử đã tiến hành khảo sát kỹ lưỡng tính tổng hợp về thể loại của Truyện Kiều, ông viết: “Nguyễn Du đã tổng hợp tài tình các thành tựu nghệ thuật tự sự và trữ tình của thời đại mình để sáng tạo ra phẩm chất Truyện Kiều” [54, tr. 65]. Ông đã đặt Truyện Kiều vào tương quan với thể loại ngâm khúc (đặc biệt là sự ảnh hưởng của Chinh phụ ngâm khúc, Cung oán ngâm khúc) và thể loại truyện thơ Nôm của thời đại Nguyễn Du để phân tích nguồn cội các thành công rực rỡ Nguyễn Du đã đạt được trong Truyện Kiều. Ông khẳng định: “Trên rất nhiều phương diện, từ tư tưởng, cảm hứng, các phương thức tu từ, hình thức lời văn các khúc ngâm đã thể hiện vai trò đi trước, đã tạo tiền đề và có ảnh hưởng tích cực tới sự ra đời và nâng cao chất lượng văn học của Truyện Kiều của Nguyễn Du. Đến lượt mình, Truyện Kiều đã tiếp tục truyền thống thi pháp của ngâm khúc và nâng cao vượt bậc cũng như nó đã phát triển vượt bậc các truyền thống thi pháp của truyện Nôm” [54, tr. 83]. Về ảnh hưởng của thể loại ngâm khúc đối với Truyện Kiều, ông nhấn mạnh: “Điểm quan trọng nhất là các khúc ngâm đã tạo thành một


kiểu trữ tình mới, có tính chất tự sự, có thể làm phong phú cho ngôn ngữ tự sự, đó là lối trữ tình nhập vai... Cái vai kép vừa tự sự vừa trữ tình ấy là sự mở đầu cho lối tự sự nửa trực tiếp trong Truyện Kiều... Hình thức đó đặc biệt đắc dụng trong việc miêu tả trực tiếp ý nghĩ thầm kín của nhân vật” [54, tr. 79-80]. Về ảnh hưởng của truyện Nôm đối với Truyện Kiều, cũng trong Thi pháp Truyện Kiều, Trần Đình Sử đặc biệt chú ý các vấn đề sau: Truyện Nôm trước Truyện Kiều đã có những thành tựu quan trọng, trực tiếp là Truyện hoa tiên đã có những ảnh hưởng sâu sắc tới thi pháp Truyện Kiều. Truyện Nôm đã sáng tạo ra lời kể, lời than, lời bình cố định, lời thoại mang nội dung tư tưởng, tâm lý. Nhân vật được khắc họa như là những chủ thể có đời sống nội tâm nhất quán. Xét về nội dung, Truyện Kiều tiếp tục những vấn đề của ngâm khúc và truyện Nôm trước nó, đặc biệt là Truyện hoa tiên để thực sự đạt đỉnh cao của thể loại truyện Nôm. Cuối cùng, xét về hình thức, Truyện Kiều đã phát triển những nét mới trong thi pháp truyện Nôm và ngâm khúc lên một trình độ cao chưa từng có. Như vậy, trong Thi pháp Truyện Kiều Trần Đình Sử đã chứng minh sự dung hợp thể loại của Truyện Kiều nhưng trước hết, ta thấy Truyện Kiều là một truyện thơ trường thiên thuộc thể loại thơ lục bát dân tộc, nằm trong truyền thống tự sự - trữ tình độc đáo của Đông Nam Á.

Bao năm qua, truyện Nôm vẫn là một vấn đề phức tạp, những vấn đề liên quan tới nó đều trở thành những vấn đề tranh cãi của các nhà nghiên cứu.

Về định nghĩa truyện Nôm, Dương Quảng Hàm (Việt Nam văn học sử yếu) đã xác định: “Truyện Nôm là tiểu thuyết viết bằng văn vần”. Trần Đình Sử - Lê Bá Hán - Nguyễn Khắc Phi (Từ điển thuật ngữ văn học) xem truyện Nôm là “truyện thơ viết bằng thể lục bát”. Những định nghĩa này mới chỉ đề cập được mặt hình thức mà chưa nói được đặc trưng về thi pháp thể loại truyện Nôm.


Về đặc điểm truyện Nôm, Nguyễn Tấn Đắc viết: “Truyện thơ là thể loại hàng đầu ở Đông Nam Á. Đặc điểm lớn nhất của thể loại này là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa văn học nói và văn học viết, giữa chất dân gian và bác học” [14, tr. 15]. Trong Truyện Kiều và thể loại truyện Nôm, trên cơ sở tìm hiểu sâu cơ sở xã hội của sự hình thành, phát triển cũng như những đặc điểm của thể loại này, Đặng Thanh Lê nhận xét: “Sự xuất hiện của truyện Nôm là một bước trưởng thành lớn của phương thức tự sự và thể loại tiểu thuyết bằng thơ trong văn học cổ Việt Nam. Với số lượng lớn, với nội dung tư tưởng khá tiến bộ và hình thức nghệ thuật có tính dân tộc và tính nhân dân, truyện Nôm đã biểu hiện một cách độc đáo và sâu sắc truyền thống nhân đạo Việt Nam, một truyền thống bắt nguồn từ tiếng nói sau lũy tre xanh kết hợp với tâm tư tình cảm của người trí thức tiến bộ dưới thời kỳ phong kiến suy tàn. Sự ra đời của thể loại truyện Nôm đồng thời là nền móng để chắp cánh cho thiên tài Nguyễn Du, tác giả Truyện Kiều, ngôi sao số một của truyện Nôm” [34, tr. 98]. Kiều Thu Hoạch cho rằng: “Truyện Nôm do chủ yếu lấy truyện xưa tích cũ làm đối tượng miêu tả, diễn ca, nên vô hình trung cũng mang theo luôn vào thể loại của mình một số đặc trưng của truyện cổ tích hoặc truyện kể dân gian trong cách xây dựng nhân vật, trong cách miêu tả thời gian không gian, trong hình thái cấu trúc tác phẩm và trong một số biện pháp nghệ thuật khác” [24, tr. 162]. Theo ông, truyện Nôm là một thể loại sinh thành và phát triển từ cội nguồn văn hóa dân gian, cốt truyện của truyện Nôm được xây dựng theo phương thức vay mượn cốt truyện, có ba nguồn đề tài chủ yếu: nguồn đề tài từ hiện thực lịch sử, nguồn đề tài từ các truyện cổ dân gian, nguồn đề tài từ các truyện cổ của Trung Quốc. Ngoài ra, ông còn nhấn mạnh: “Còn về nhân vật của truyện Nôm, nhìn chung vẫn chưa thoát ra khỏi những khuôn mẫu của nhân vật truyện cổ tích... Về mặt xây dựng cốt truyện, hình thái cấu trúc của truyện Nôm vẫn là hình thái cấu trúc của thể loại cổ tích, tức là cấu trúc theo mô hình “kết thúc có hậu” như

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 03/02/2023