Dung Hợp Văn Thể Và Đặc Điểm Thơ Từ Trong Kim Vân Kiều Truyện


giới khoa học lâu nay đã thừa nhận” [24, tr. 166-167], và việc sử dụng các yếu tố thần kỳ là biện pháp nghệ thuật không thể thiếu được để hướng nhân vật chính của truyện Nôm đi tới kết thúc có hậu.

Ta đặc biệt chú ý tới quan niệm của Trần Đình Sử về thể loại truyện thơ Nôm, ông viết: “Theo chúng tôi, thì truyện Nôm là thể loại ra đời trên cái nền nhu cầu “diễn âm”, “diễn ca”, “diễn Nôm tức là truyền thống tự sự rất phổ biến của xã hội trên cơ sở chữ Nôm, và rất có thể tên gọi truyện Nôm có cội nguồn từ chữ Nôm của nó, nghĩa là có chữ Nôm rồi mới có truyện Nôm, và có chữ Nôm rồi mới có tên gọi truyện Nôm” [54, tr. 86]. Ông cho rằng “Truyện thơ Nôm là truyện viết ra để đọc, xem hoặc ngâm nga trong thư trai, phòng văn” [54, tr. 88] nhưng đồng thời, ông cũng không phủ nhận khả năng truyện Nôm dùng để kể. Cho rằng cần dựa vào loại hình nội dung thể loại để xác định thể loại, ông nhấn mạnh truyện Nôm có tính chất tổng hợp về mặt thể loại: “Nếu diễn ca lịch sử hướng tới các sự tích có tính sử thi trong đời sống dân tộc thì truyện thơ Nôm là thể loại có nội dung đạo đức, thế sự và đời tư, kể chuyện về tính nết, phẩm chất của các loại người trong xã hội cùng mối quan hệ của các loại người ấy, hoặc số phận, hạnh phúc cá nhân của con người... Đặc điểm của truyện thơ Nôm như một thể loại văn học thể hiện rõ nhất ở chỗ, nó diễn ca truyện cổ tích nhưng không đồng nhất với truyện cổ tích, nó diễn ca tiểu thuyết chương hồi Trung Hoa nhưng không phải tiểu thuyết chương hồi!” [54, tr. 89-90]. Về lời người kể chuyện và nội tâm nhân vật trong truyện Nôm, ông cho rằng: “Truyện Nôm rõ ràng đã sáng tạo ra lời kể, lời than, lời bình cố định, lời thoại mang nội dung tư tưởng, tâm lý. Nhân vật được khắc họa như là những chủ thể có đời sống nội tâm nhất quán” [54, tr. 90-91]. Như vậy, bản thân thể loại này có tính chất tổng hợp về mặt thể loại và về phương thức biểu hiện nghệ thuật, truyện thơ là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa tự sự và trữ tình.


Nếu như tiểu thuyết chương hồi hay văn xuôi Việt Nam thế kỷ XVIII hầu như đều được sáng tác bằng chữ Hán thì các truyện thơ Nôm đều được viết bằng chữ Nôm. Truyện thơ trước hết là truyện nên nó cũng mang yếu tố tự sự, tuy vậy nó được viết bằng thơ nên tính tự sự của nó chịu sự quy định chặt chẽ của thể thơ. Chính vì thế, nó chỉ có thông tin ở dạng tóm lược chứ không ngồn ngộn chất hiện thực, chi tiết như tiểu thuyết. Vì vậy, các nhà thơ đã phải sử dụng nhiều thủ pháp khác nhau để khắc phục những hạn chế này. Trần Đình Sử nhận xét rất xác đáng rằng: “Việc cắt bớt chi tiết cũng không phải do cá tính của một ai đó, mà là do khuôn khổ cần thiết của thể loại. Một là ngôn từ thơ, văn vần không tiện lợi cho việc trần thuật sự việc một cách chi tiết, nhất là văn Nôm thời đó. Hai là dung lượng truyện thơ Nôm nói chung là không dài” [54, tr. 98]. Do vậy hiện tượng Nguyễn Du đã cắt gọt nhiều chi tiết của Kim Vân Kiều truyệnbên cạnh do cảm quan của riêng ông còn là một sự lựa chọn do khả năng tự sự của thể loại truyện thơ quy định.

Về phương diện tự sự, tự sự của Truyện Kiều có nền tảng là đặc trưng tự sự trong truyện thơ. Khi vay mượn cốt truyện của Kim Vân Kiều truyện, Nguyễn Du vừa giữ lại mô hình kết cấu cốt truyện cũ, vừa thêm bớt để tạo lập cốt truyện mới phù hợp ý đồ nghệ thuật mới. Đây cũng là thao tác tự sự phổ biến trong hệ thống thể loại truyện Nôm Việt Nam. Kết quả, Nguyễn Du đã tạo ra một cốt truyện mới phù hợp với mục đích kể chuyện của ông. Trần Đình Sử đã khẳng định: “Có thể nói Nguyễn Du đã khai thác cốt truyện của Thanh Tâm tài nhân ở phương diện tâm lý, biến nó thành một cốt truyện tâm lý... Cốt truyện của Kim Vân Kiều truyện có cái thế có thể phơi bày một đời sống nội tâm cực kỳ phong phú của nhân vật chính nhưng Thanh Tâm tài nhân đã bỏ qua, bởi ông chưa xem con người như một hiện tượng tâm lý thực sự” [54, tr. 123].


Phan Ngọc cũng cho rằng nguồn gốc của ngôn ngữ tác giả như là một phạm trù mỹ học trong Truyện Kiều lấy từ ngôn ngữ của thể ngâm trong thơ song thất lục bát và thể song thất lục bát chia khổ cũng có ảnh hưởng tới sự chia khổ trong Truyện Kiều. Ông cũng là người đầu tiên nhận định rằng Truyện Kiều của Nguyễn Du đã tiếp thu kinh nghiệm phân tích nội tâm và trữ tình của song thất lục bát, ngôn ngữ mang tính chủ quan của Truyện Kiều chịu ảnh hưởng của của thể ngâm song thất lục bát và Truyện Kiều chịu ảnh hưởng thành tựu của thơ trữ tình nói chung chứ không riêng gì ngâm khúc.

Ngoài ra, Phan Ngọc nhấn mạnh nghệ thuật phân tích tâm lý như một đóng góp nổi bật về thể loại của Truyện Kiều. Ông đã quan sát rất tinh tường rằng Nguyễn Du tàn nhẫn với chi tiết bên ngoài. Theo ông, để thay thế cho việc tàn nhẫn chi tiết đó, Nguyễn Du đã áp dụng các thao tác: lập hồ sơ cho nhân vật, thao tác đối lập và để con người ngồi một mình. Như trên chúng tôi đã trình bày, rút gọn là một xu hướng căn bản, một sự lựa chọn căn bản của Truyện Kiều với tính cách là một truyện thơ và thao tác lập hồ sơ ở đây thực chất là ngôn ngữ trữ tình của tác giả trước các biến cố và sự kiện liên quan đến số phận nhân vật. Trong nhiều truyện thơ Nôm đồng thời, trước hoặc sau Nguyễn Du, ta đều có thể bắt gặp với mức độ đậm nhạt khác nhau ngôn ngữ tác giả với cảm xúc trữ tình rõ rệt. Như vậy, Nguyễn Du đã khai thác thế mạnh của thể loại truyện thơ, nếu như Thanh Tâm tài nhân luôn đứng bên ngoài, kể một cách khách quan và giấu thái độ cảm xúc của mình ẩn sau các chi tiết thì trong truyện thơ Nôm mà Truyện Kiều là điển hình, tác giả đã đem lại sự sống động cho câu chuyện bằng cách tham gia trực tiếp vào câu chuyện. Nguyễn Du đã sử dụng câu văn vừa có tính chất kể việc, vừa lồng vào đó thái độ, tình cảm, sự đánh giá của mình, đó là lối bình luận trữ tình trong tác phẩm. Đây là hiện tượng mang bản chất thể loại của truyện thơ nhưng điều


Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 149 trang tài liệu này.

này đã được Nguyễn Du nâng lên một cấp độ mới và đây cũng là yếu tố không thể tìm thấy trong Kim Vân Kiều truyện bởi đặc trưng thể loại của nó.

Tiểu kết

Cách xử lý của Nguyễn Du đối với thơ và từ trong Kim Vân Kiều truyện - 4

Nằm trong dòng tiểu thuyết chương hồi Trung Quốc, Kim Vân Kiều truyện là sự minh họa rõ nét các đặc điểm của tự sự chương hồi truyền thống. Với 20 hồi, Kim Vân Kiều truyện giữ nguyên cấu trúc phổ biến của thể loại này: truyện có kết cấu chương hồi, mỗi hồi là vài sự kiện chính được bao bọc bởi rất nhiều chi tiết sắp xếp cặn kẽ tỉ mỉ. Ngoài bút pháp “bạch miêu”, truyện còn có thêm lời bình luận suy lý ở đầu mỗi hồi, đây là lối bình luận đạo đức của người ngoài cuộc viện dẫn tiền lệ để thuyết minh nhằm đề cao nhân vật. Trong truyện, Thanh Tâm tài nhân đã dẫn lời 92 bài thơ từ vào phần văn xuôi để thể hiện tư tưởng và khắc họa nhân vật. Và nếu xét về yêu cầu của nghệ thuật tự sự, khả năng của người kể chuyện được bộc lộ trong việc nhìn sâu, nhìn kĩ một sự vật rồi tả nó ra một cách tỉ mỉ thì Thanh Tâm tài nhân đã làm tốt công việc này.

Truyện Kiều là một truyện thơ trường thiên thuộc thể loại thơ lục bát dân tộc, nằm trong truyền thống tự sự - trữ tình độc đáo của Đông Nam Á. Về phương diện tự sự, tự sự của Truyện Kiều có nền tảng là đặc trưng tự sự trong truyện thơ, do vậy hiện tượng Nguyễn Du cắt gọt nhiều chi tiết của Kim Vân Kiều truyện bên cạnh do cảm quan của riêng ông còn là một sự lựa chọn do khả năng tự sự của thể loại truyện thơ quy định. Khi vay mượn cốt truyện của Kim Vân Kiều truyện, Nguyễn Du vừa giữ lại mô hình kết cấu cốt truyện cũ, vừa thêm bớt để tạo lập cốt truyện mới phù hợp ý đồ nghệ thuật mới. Đây cũng là thao tác tự sự phổ biến trong hệ thống thể loại truyện Nôm Việt Nam. Về phương diện trữ tình, trong Truyện Kiều, Nguyễn Du đã khai thác thế mạnh của thể loại truyện thơ và đem lại sự sống động cho câu chuyện bằng cách tham gia trực tiếp vào câu chuyện. Cùng một sự kiện nhưng nếu như


trong nguyên tác đưa ra các chi tiết cụ thể thì Nguyễn Du chọn cách thể hiện khác: vừa nêu được sự kiện chính nhưng quan trọng hơn là lấy đó làm cái cớ để trữ tình, để bày tỏ thái độ của mình trước sự kiện đó. Ông đã sử dụng câu văn vừa có tính chất kể việc, vừa lồng vào đó thái độ, tình cảm, sự đánh giá của mình, đó là lối bình luận trữ tình trong tác phẩm. Đây là hiện tượng mang bản chất thể loại của truyện thơ nhưng điều này đã được Nguyễn Du nâng lên một cấp độ mới.‌


Chương 2. THƠ VÀ TỪ TRONG KIM VÂN KIỀU TRUYỆN


2.1. Dung hợp văn thể và đặc điểm thơ từ trong Kim Vân Kiều truyện


2.1.1. Hiện tượng dung hợp văn thể trong Kim Vân Kiều truyện

Việc đưa thơ từ vào văn bản tác phẩm không phải là một nét mới trong lịch sử hình thành và phát triển tiểu thuyết cổ điển Trung Hoa. Thơ từ đã được sử dụng đan xen trong truyền kỳ và biến văn đời Đường, sau đó lại được sử dụng đan xen trong thoại bản đời Tống - thủy tổ của tiểu thuyết bạch thoại Minh - Thanh. Sau này, không chỉ thơ từ, mà các thể vận văn khác cũng thấy xuất hiện trong tiểu thuyết bạch thoại Minh - Thanh. Theo thống kê của học giả Trung Quốc, chỉ tính riêng “tứ đại danh tác” thời Minh - Thanh, các tác giả đã dẫn thơ tổng cộng hơn 1700 bài: Tam Quốc diễn nghĩa dẫn 300 bài, Thủy hử truyện dẫn 576 bài, Tây du kí 714 dẫn bài và Hồng lâu mộng dẫn 268 bài. Mối liên hệ giữa thơ từ, vận văn với văn xuôi tự sự trong tiểu thuyết cổ điển Trung Quốc cũng thể hiện theo chiều hướng diễn tiến từ ít đến nhiều, từ điểm xuyết rời rạc đến gắn bó chặt chẽ, thống nhất hữu cơ. Chẳng hạn, số lượng thơ trong Thủy hử gần gấp đôi Tam Quốc diễn nghĩa, Tây du kí vượt xa Thủy hử; còn thơ từ trong Hồng lâu mộng tuy ít hơn nhưng thể thức lại phong phú đa dạng (đạt tới hơn 20 loại) và đặc biệt hơn, thơ từ trong Hồng lâu mộng không còn chỉ là “chất phụ gia” mà đã trở thành bộ phận hữu cơ gắn bó chặt chẽ, không thể tách rời với tình tiết cốt truyện và hình tượng nhân vật.

Ở Việt Nam, trong giai đoạn văn học trung đại, nhiều tác giả cũng đan xen thơ ca vào văn bản tác phẩm như: Nguyễn Dữ (Truyền kì mạn lục), Lê Thánh Tông (Thánh Tông di thảo),… Trong 20 truyện của “thiên cổ kỳ bút” Truyền kỳ mạn lục, có tới 15 truyện có kết cấu văn xuôi đan xen văn vần (tổng cộng tác giả đã dẫn 29 bài). Nguyễn Hữu Sơn cũng nhận định: “Nguyễn Dữ chủ ý gia tăng các bài ca, từ, văn tế, thơ trường thiên, thơ Đường luật và


tạo nên hiện tượng hỗn dung thể loại trong Truyền kỳ mạn lục. So với truyện dân gian đôi khi cũng xuất hiện lời ca (chủ yếu là ca dao và đồng dao) thì Truyền kỳ mạn lục lại đan xen, lưu giữ nhiều tác phẩm thi ca gắn với từng nhân vật cụ thể. Rất khó tách bạch đâu là bài thơ do Nguyễn Dữ sáng tạo rồi đặt vào lời nhân vật và đâu là những bài do ông sưu tập, chỉnh lý rồi gán ghép cho nhân vật. Điều này góp phần tạo nên tính chất đa giọng điệu của Truyền kỳ mạn lục nói riêng và văn xuôi dưới thời trung đại nói chung” [50]. Bước sang giai đoạn văn học hiện đại, ta có thể thấy kiểu kết cấu này ở các tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp.

Kết cấu văn xuôi đan xen văn vần không chỉ có ở truyện tài tử giai nhân mà còn có ở truyện phiêu lưu, lịch sử, chí quái, phong tục như: Tây Du Ký, Tam Quốc Chí, Kim Bình Mai,... Những bài thơ từ đó do tác giả sáng tác nên tất yếu phụ thuộc vào tài năng sáng tác thơ từ của tác giả. Đôi khi, chúng có giá trị nghệ thuật không cao; không ăn nhập với nội dung tác phẩm, nội tâm tính cách nhân vật,... Trần Đình Sử đưa ra những hạn chế khi đưa thơ từ vào văn bản tác phẩm như sau: “Trong các truyện truyền kỳ từ đời Đường trở đi, các tiểu thuyết chữ Hán đã xen rất nhiều thơ, và tuy ở Truyền kỳ mạn lục, Thánh Tông di thảo, Truyền kỳ tân phả sự tham gia của thơ đã đạt tới mức kỷ lục, tưởng chừng như câu chuyện chỉ là cái giá đỡ để móc lên đấy từng chùm hoa thơ. Tuy vậy thơ ở đấy hầu như chỉ ghép vào ở bên ngoài, truyện và thơ “chung sống hoà bình” với nhau mà không hòa hợp làm một chỉnh thể. Nếu say mê với truyện thì thấy thơ cản trở mình, ngược lại ai thích thưởng thức thơ thì truyện chỉ là một cái cớ không hơn không kém” [54, tr. 215-216]. Khi đọc tiểu thuyết chương hồi, người đọc có lẽ có tâm lý chú trọng tới các chi tiết, sự việc ở phần văn xuôi và coi nhẹ phần thơ từ được đan xen vào tác phẩm. Chúng tôi thiết nghĩ bên cạnh lý do vì mục đích, cảm quan về nhân vật của Nguyễn Du và Thanh Tâm tài nhân khác nhau thì một phần vì lý do này mà nhiều người


cho rằng Thúy Kiều của Thanh Tâm tài nhân có cảm xúc rất mờ nhạt, hay như Nguyễn Lộc nhận xét là nàng thiếu ý thức “về những đau khổ cũng như về những giá trị tinh thần chân chính” [36, tr. 338].

Tuy nhiên, có trường hợp thơ từ lại là bộ phận hữu cơ, là công cụ đắc lực, trở thành một phần không thể thiếu của tác phẩm, tiêu biểu như trường hợp thơ từ trong Hồng lâu mộng. 99 bài thơ từ trong Hồng lâu mộng nằm rải rác khắp văn bản tự sự với sự phong phú về nội dung và thể tài đã trở thành bộ phận hữu cơ của tiểu thuyết. Bộ phận thơ từ vận văn này mang sắc thái cá tính hóa, phục vụ đắc lực cho việc mở rộng và đi sâu thể hiện chủ đề tư tưởng, đa dạng hóa tình tiết, dự báo và khái quát số phận nhân vật. Chúng tuy mượn lời nhân vật làm ra nhưng đều do Tào Tuyết Cần sáng tác. Trương Nghi Tuyền đã nói về thơ Tào như sau “Thơ của ngài không phải là thơ để nhàn ngâm” và Đôn Thành cũng nói “Yêu chất thơ của ngài vì có phong cách lạ”.

Hòa mình vào xu thế chung của thời đại, trong Kim Vân Kiều truyện, Thanh Tâm tài nhân đã đan xen lời 92 bài thơ từ vào văn bản tự sự (kể cả bài từ Điệu Nguyệt nhi cao ở phần bình luận của Kim Thánh Thán). Hầu hết thơ từ trong truyện đều do nhân vật sáng tác (Thúy Kiều 85 bài, Thúc Sinh 2 bài, Giác Duyên 1 bài, Sở Khanh 1 bài), chỉ có 2 bài không phải do nhân vật sáng tác (Thúy Kiều mượn 1 bài thơ của người xưa để cổ vũ Thúc Sinh, Kim Trọng mượn bài ca chiêu hồn của Tống Ngọc để viếng Thúy Kiều) và 1 bài từ của Kim Thánh Thán ở đầu hồi 1. Trong Tìm hiểu phong cách nghệ thuật của Nguyễn Du trong Truyện Kiều, Phan Ngọc cho rằng việc các nhân vật làm thơ chỉ là hành động bên ngoài, không có vai trò lớn trong việc thể hiện nội tâm nhân vật. Trần Đình Sử cũng nhắc tới lời đánh giá về tiểu thuyết tài tử giai nhân của Trương Quân, Lỗ Tấn “Nhân vật được xem là có tài thì chỉ là tài làm thơ hay, nhưng thơ của họ được tác giả giới thiệu lại thường rất dở, như thơ của các ông đồ nhà quê... Xem ra về những mặt này Thanh Tâm tài nhân

Xem tất cả 149 trang.

Ngày đăng: 03/02/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí