* Quan hệ từ sở dĩ
Trong ý kiến của Hoàng Phê được dẫn ra trên đây, theo chúng tôi có điểm chưa thật hợp lý. Theo cách hiểu của chúng tôi sở dĩ cũng giống với những quan hệ từ chỉ kết quả đích thực như nên, mà…, tức là nó được dùng để nói kết quả, hậu quả của nguyên nhân được nói đến ngay sau nó.
Quan hệ từ sở dĩ thường dùng trong tổ hợp với là vì để nói rõ kết quả nảy sinh do nguyên nhân được nói ở sau đó.
Ví dụ:
Sở dĩ sáng đến giờ chủ tôi phải trăm đường vất vả, sinh ra ác nghiệt, cả nhà chạy loạn xạ, bối rối như có cuộc lở đất long trời, là vì con mèo Mimi sắp đẻ. (Nguyễn Công Hoan. Lại chuyện con mèo)
Sở dĩ vừa qua thường vụ phạm nhiều sai lầm là vì cả tin ông Tuy Kiền nhiều quá. (Nguyễn Khải. Tầm nhìn xa)
Ngoài cách kết hợp với là vì, sở dĩ còn có thể kết hợp với vì, là do.
Ví dụ:
Tôi sở dĩ được rõ mọi điều vì chị Hiển coi tôi là bạn thân hơn hết. (Vũ Trọng Phụng. Cái ghen đàn ông)
Sở dĩ phải làm cái bé trước, cái lớn sau cũng là do rút kinh nghiệm làm nhà của ông bí thư đấy thôi. (Nguyễn Khải. Tầm nhìn xa)
Có thể bạn quan tâm!
- Sự Tương Ứng Giữa Quan Hệ Ngữ Nghĩa - Quan Hệ Cú Pháp
- Cách Biểu Hiện Mối Quan Hệ Nhân Quả Bằng Quan Hệ Từ
- Các Yếu Tố Được Dẫn Nối Bởi Quan Hệ Từ Chỉ Nguyên Nhân
- Thuộc Tính Kết Trị Của Các Động Từ Làm, Khiến
- Vấn Đề Phân Tích Ngữ Pháp Kiểu Câu Có Ý Nghĩa Nhân Quả Được Biểu Hiện Bằng Quan Hệ Từ
- Cách biểu hiện mối quan hệ nhân quả trong câu tiếng việt - 9
Xem toàn bộ 87 trang tài liệu này.
Trong một số trường hợp, sở dĩ có thể lược bỏ. Ví dụ:
Bấy lâu nay họ không kiếm cha là vì họ tưởng cha chết rồi. (Hồ Biểu Chánh. Cha con nghĩa nặng)
Em không chịu khiêu vũ là vì em không thích cuộc chơi ấy. (Hồ Biểu Chánh. Bỏ chồng)
2.2.2.2. Các yếu tố được dẫn nối bởi quan hệ từ chỉ kết quả
2.2.2.2.1. Về cấu tạo
Theo tư liệu của chúng tôi, cấu tạo của các yếu tố được dẫn nối bởi quan hệ từ chỉ kết quả chỉ có thể là vị từ hoặc cụm chủ vị.
Ví dụ:
Vì đèn sáng nên trông rõ lắm. (Nguyễn Công Hoan. Báo hiếu: trả nghĩa cha)
Vì dẫu có hỏng cái gì, Điền cũng không phải bỏ tiền thay, nên Điền không xót ruột.(Nam Cao. Giăng sáng)
Bởi hai người cùng giàu, cho nên tranh nhau rất kịch liệt. (Nguyễn Công Hoan. Trần Thiện, Lê Văn Hà)
Vì tôi thắng tợn nên hai cậu chủ bé nhỏ của tôi yêu quý tôi lắm. (Tô Hoài. Dế Mèn phiêu lưu ký)
Nhờ có chậu nước lạnh của chị Dậu rửa mặt cho chồng và chậu nước đái của bà con hàng xóm đổ vào miệng xoa vào đầu, mặt anh ta, máu lại xuôi xuống dần dần, cho nên anh ấy tỉnh lại. (Ngô Tất Tố. Tắt đèn)
Sở dĩ tôi thích Samandji, vì hắn là người ngoại quốc, vả lại hắn phục vụ tôi là giới văn minh hơn, cũng như tôi kính phục người Nhật Bản. (Nguyễn Công Hoan. Samandji I)
Vì thức khuya nói chuyện, nên tôi mệt. (Nam Cao. Mất cái ví)
Nhưng vì Choắt bẩm sinh yếu đuối nên tôi coi thường gã và gã cũng sợ tôi lắm. (Tô Hoài. Dế Mèn phiêu lưu ký)
- Cụm chủ vị đứng sau quan hệ từ chỉ kết quả có thể lược bỏ chủ ngữ, với điều kiện chủ ngữ của thành tố chỉ nguyên nhân và thành tố chỉ kết quả biểu thị cùng một sự vật.
Ví dụ:
Bởi tôi ăn uống điều độ và làm việc có chừng mực nên tôi chóng lớn lắm. (Tô Hoài. Dế Mèn phiêu lưu ký)
→ Bởi tôi ăn uống điều độ và làm việc có chừng mực nên chóng lớn lắm. (+)
Nhờ trời, Nhi khỏe mạnh nên Nhi không hộc máu mũi.
→ Nhờ trời, Nhi khoẻ mạnh nên không hộc máu mũi. (Nam Cao.
Nửa đêm)
Vì tôi cần lên tỉnh sớm nên tôi bằng lòng đi xe hơi của ông. (Vũ Trọng Phụng. Giông tố)
→ Vì tôi cần lên tỉnh sớm nên bằng lòng đi xe hơi của ông. (+)
- Ngược lại, nếu chủ ngữ của cụm chủ vị chỉ nguyên nhân và cụm chủ vị chỉ kết quả biểu thị những sự vật, sự việc khác nhau thì không thể lược bỏ chủ ngữ ở một trong hai vế. Nếu bỏ chủ ngữ ở một trong hai vế hoặc cả hai vế thì nghĩa của câu trở nên không rõ ràng.
Ví dụ:
Nhờ ông năn nỉ dữ lắm, nên họ mới bỏ qua, song tôi phải đi Hà Tiên. (Hồ Biểu Chánh. Bỏ vợ)
→ Nhờ ông năn nỉ dữ lắm, nên mới bỏ qua, song tôi phải đi Hà Tiên. (-)
2.2.2.2.2. Về vị trí
Thành tố chỉ kết quả thường đứng sau thành tố chỉ nguyên nhân nhưng cũng có thể đứng trước.
- Trường hợp thành tố chỉ kết quả đứng sau thành tố chỉ nguyên nhân.
Tại thầy lâu ngày gặp tôi rồi thầy quên, nên thầy kêu tôi bằng cô Hai chớ không kêu bằng bà nữa phải không? (Hồ Biểu Chánh. Bỏ chồng)
Vì Chắt cao lớn và có dáng đi lừng lững như đàn ông nên dân đảo gọi cô là “Chắt Đực” để phân biệt với cô Chắt khác là Chắt Còi. (Ngô Tự Lập. Bão lạc mùa)
Nhờ người ta giữ anh Minh ở đây cho nên anh mới được tự do hú hí với cô hàng hoa xinh đẹp kia mà lại còn hỏi ơn về việc gì! (Khái Hưng, Nhất Linh. Gánh hàng hoa)
Trong trường hợp này, quan hệ từ chỉ nguyên nhân và quan hệ từ chỉ kết quả có thể lược bỏ mà không làm thay đổi cơ bản ý nghĩa của cấu trúc.
Ví dụ:
Nhờ có cô dìu dắt, nên nó học được, thiệt tôi mừng quá. (Hồ Biểu Chánh. Bỏ chồng)
→ Có cô dìu dắt, nó học được, thiệt tôi mừng quá. (+)
Cha vì giận con nên phải uống thuốc độc tự tận. (Nguyễn Khải. Hậu duệ dòng họ Ngô Thì)
→ Cha giận con, phải uống thuốc độc tự tận. (+)
Tại cậu lơ đễnh, đánh mất ví tiền nên mới sinh ra lắm cái rắc rối. (Nguyễn Công Hoan. Mất cái ví)
→ Cậu lơ đễnh, đánh mất ví tiền mới sinh ra lắm cái rắc rối. (+)
- Thành tố chỉ kết quả đứng trước thành tố chỉ nguyên nhân. Trong trường hợp này, từ duy nhất có khả năng dẫn nối thành tố kết quả là sở dĩ.
Ví dụ:
Sở dĩ anh bán sớm ngay phiên này, vì mẹ ốm, cần tiền uống thuốc. (Nguyễn Công Hoan. Mua lợn)
Sở dĩ tôi thế này là vì thân làm tội đời, mình làm mình chịu. (Vũ Trọng Phụng. Gương… tống tiền)
Sở dĩ tôi phải lăn vào với hợp tác xã, vì tôi không thể ngồi đấy mà nhìn anh em khác hoạt động được. (Nguyễn Khải. Tầm nhìn xa)
Trong những cấu trúc như trên, quan hệ từ chỉ kết quả có thể lược bỏ mà không làm thay đổi cơ bản ý nghĩa cấu trúc.
Ví dụ:
Sở dĩ tôi thích Samandji vì hắn là người ngoại quốc, vả lại hắn phục vụ tôi là giới văn minh hơn, cũng như tôi kính phục người Nhật Bản. (Nguyễn Công Hoan. Samandji I)
→ Tôi thích Samandji vì hắn là người ngoại quốc, vả lại hắn phục vụ tôi là giới văn minh hơn, cũng như tôi kính phục người Nhật Bản. (+)
Tuy nhiên, khi chuyển đổi vị trí của thành tố chỉ kết quả lên trước thành tố nguyên nhân nhằm mục đích nhấn mạnh thì quan hệ từ chỉ nguyên nhân thường không thể lược bỏ.
Ví dụ:
Vì cường độ tập luyện quá cao nên Hoàng Lan bị ốm. (Báo An ninh thế giới. Tháng 8 năm 2005)
→ Hoàng Lan bị ốm vì cường độ tập luyện quá cao. (+)
Hoàng lan bị ốm cường độ tập luyện quá cao. (-)
Như vậy, chính vì tính phụ thuộc của thành tố chỉ nguyên nhân lớn hơn tính phụ thuộc của thành tố chỉ kết quả nên quan hệ từ chỉ nguyên nhân khó bị lược bỏ hơn quan hệ từ chỉ kết quả trong các cấu trúc nhân quả. Do đó, có thể nhận thấy rằng: quan hệ từ chỉ nguyên nhân có tần số xuất hiện nhiều hơn quan hệ từ chỉ kết quả trong các cấu trúc nhân quả.
Tóm lại, cách biểu hiện mối quan hệ nhân quả bằng phương tiện cú pháp (quan hệ từ) trong tiếng Việt khá phổ biến. Quan hệ nhân quả có thể được biểu hiện bằng hai nhóm quan hệ từ sau:
- Quan hệ từ chỉ nguyên nhân.
- Quan hệ từ chỉ kết quả.
Số lượng quan hệ từ chỉ nguyên nhân nhiều hơn số lượng quan hệ từ chỉ kết quả và tần số xuất hiện trong câu cũng nhiều hơn, khả năng lược bỏ cũng hạn chế hơn. Điều này cho thấy trong cấu trúc nhân quả được biểu hiện bằng quan hệ từ tính phụ thuộc của thành tố nguyên nhân so với thành tố kết quả lớn hơn.
2.3. Cách biểu hiện mối quan hệ nhân quả bằng động từ quan hệ
Các động từ quan hệ mà chúng tôi xem xét trong phần này là những động từ in nghiêng trong những cấu trúc thuộc kiểu sau đây:
Cái chết kia đã làm nhiều người sung sướng lắm. (Vũ Trọng Phụng. Số đỏ)
Cái giọng nói ấy làm cho Tân không bằng lòng. (Thạch Lam. Đứa con đầu lòng)
Chuyện cưới xin khiến Dần thèn thẹn. (Nam Cao. Một đám cưới) Lời nói êm đềm khiến Bính bớt sợ. (Nguyên Hồng. Bỉ vỏ)
Theo thống kê của chúng tôi, trong 1000 trường hợp các câu có chứa động từ quan hệ làm, khiến thì số câu chứa làm có 557 câu chiếm 55,7%, còn lại 443 trường hợp câu có chứa khiến.
2.3.1. Bản chất của các động từ quan hệ làm, khiến
Về đặc tính của làm, khiến trong những cấu trúc kiểu trên đây, ý kiến của các nhà nghiên cứu không thống nhất.
Trong cuốn Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên), khiến được coi là động từ với ý nghĩa “tác động đến, gây phản ứng tâm lý, tình cảm nào đó” và được “dùng với chủ ngữ là từ chỉ sự vật, sự việc và bổ ngữ là từ chỉ người” [23, 500], còn làm được coi là “nguyên nhân trực tiếp gây ra, tạo ra”.[23, 538]
Lê Biên, Hữu Quỳnh lại coi làm, khiến trong các cấu trúc kiểu trên đây là động từ gây khiến.
Theo quan niệm của Lê Biên, “động từ gây khiến là những động từ chỉ vận động có tác động gây khiến, chi phối hoạt động của đối tượng”. [2, 79]
Hữu Quỳnh coi “động từ gây khiến giống như động từ ngoại hướng, hoạt động của nó chi phối hoặc hướng vào đối tượng nhưng với ý nghĩa khuyên bảo, cho phép hay ngăn cản hành động của đối tượng” [26, 70].
Nguyễn Kim Thản, khi phân loại động từ tiếng Việt, đã xếp “làm, khiến” vào nhóm “động từ gây khiến”. Theo ông, “động từ gây khiến biểu thị hoạt động thúc đẩy, cho phép, giúp đỡ hay cản trở sự thực hiện của những hoạt động khác. Đặc điểm ngữ pháp của động từ gây khiến là:
N1 - V1 - N2 - V2 Giáp cấm em đi chơi.
(1) N2 do N1 - V1 - V2: Em do Giáp cấm chơi.
(2) N2 mà N1 - V1 - V2 : Đứa em mà Giáp cấm chơi.
(3) N2, N1 cũng V1 - V2: Em, Giáp cũng cấm chơi.
(4) V2 - N1 cũng V1 - N2: Chơi, Giáp cũng cấm em.
Dựa vào hoàn cảnh ngôn ngữ, dạng thức cơ bản còn có thể cải biến thành dạng thức rút gọn:
(5) N1 - V1 - V2: Giáp cấm chơi.
(6) N1 - V1 - N2: Giáp cấm em. [28, 147]
Những động từ gây khiến theo Nguyễn Kim Thản gồm: bảo, bắt buộc, buộc, bắt, cản trở, cho phép, cổ vũ, cưỡng bức,cưỡng ép, dạy, dắt, dẫn dắt,
dìu dắt, đề nghị, đòi hỏi, cấm giục, gọi, giúp đỡ, hướng dẫn, hô hào, kêu gọi, khuyên nài, ép, sai, thuyết phục, yêu cầu…
Ví dụ:
Người ta bắt viết văn tự và bắt đèo thêm… (Ngô tất Tố)
Dự xui Pha mời Trương Thi và San đến bàn việc. (Nguyễn Công Hoan) Tuy nhiên, Nguyễn Kim Thản lại cho rằng có bốn động từ gây khiến thường được dùng thông thường hơn cả là cho, để (cho), khiến (cho), làm (cho). Những động từ này bao giờ cũng đòi hỏi bổ ngữ V2 phải đặt ở sau nó và không bao giờ tồn tại độc lập mà không có V2 … Ba động từ để (cho), khiến (cho), làm (cho) còn có thể có một bổ ngữ tính từ và tính từ này ở vào vị trí
của V2.
Ví dụ:
Các anh đừng làm nhà tôi nó thẹn. (Nam Cao)
Chính vì vậy mà có thể nói rằng bốn động từ này là những động từ gây khiến chân chính. Chúng luôn luôn có tác dụng dẫn dắt cấu trúc gây khiến” [27].
Nét chung của các ý kiến trên đây là không phân biệt làm, khiến với động từ - thực từ (động từ đích thực), đồng thời không phân biệt làm, khiến với các động từ cầu khiến (cấm, bắt, mời, khuyên, bảo…). Theo chúng tôi, làm, khiến trong trường hợp đang xem xét không phải là động từ - thực từ bình thường, cũng không thuộc nhóm động từ cầu khiến (cấm, bắt, khuyên…) vì:
- Về nghĩa, chúng khá trống nghĩa từ vựng.
- Về hoạt động ngữ pháp, chúng không có khả năng độc lập làm vị ngữ và không chi phối hai bổ ngữ giống như động từ cầu khiến (cụ thể xem ở sau).
Khác với các tác giả trên đây, tập thể tác giả cuốn Từ điển tiếng Việt (Văn Tân chủ biên), coi khiến trong những cấu trúc đang được xem xét là liên từ và chú nghĩa của nó là làm cho [46, 425]. Ý kiến của Văn Tân và các đồng tác giả không phải hoàn toàn không có cơ sở. Quả thật, về ý nghĩa và cách dùng, khiến có nét gần gũi với liên từ (chỉ quan hệ nhân quả): Về ý nghĩa,
khiến cũng gắn với nghĩa quan hệ nhân quả, còn về cách dùng, trong một số trường hợp, nó có thể được thay thế bằng nên, mà là những quan hệ từ biểu thị quan hệ nhân quả. So sánh:
1a) Anh cười khiến nó ngượng. → 1b) Anh cười nên nó ngượng. (+)
2a) Nó lười biếng nên mẹ nó rất buồn. → 2b) Nó lười biếng khiến mẹ nó rất buồn. (+)
3a) Khói pháo và hương hoa cúc từ ngoài vườn tràn vào nhà nên Bính càng tưng bừng. →
3b) Khói pháo và hương hoa cúc từ ngoài vườn tràn vào nhà làm Bính càng tưng bừng. (Nguyên Hồng. Bỉ vỏ)
Tuy nhiên, những nét gần gũi giữa khiến và quan hệ từ như chỉ ra trên đây chưa phải là căn cứ xác đáng cho phép xếp khiến vào phạm trù liên từ như Văn Tân và một số tác giả chủ trương.
Theo chúng tôi, cần khẳng định rằng làm, khiến trong trường hợp đang được xem xét trên đây mặc dù đã ngữ pháp hoá ở mức độ nhất định nhưng chưa trở thành quan hệ từ (liên từ) vì:
1) Về ý nghĩa, khác với liên từ nên, mà chỉ có quan hệ thuần tuý; làm, khiến vẫn gắn với nét nghĩa hoạt động trừu tượng.
2) Về hoạt động ngữ pháp, làm, khiến khác với quan hệ từ ở chỗ:
- Chúng có thể kết hợp với các phó từ chỉ thời thể (mặc dù khả năng này rất hạn chế).
Theo thống kê của chúng tôi, trong số 1000 trường hợp được khảo sát, chỉ có 65 trường hợp các động từ làm, khiến kết hợp với các phó từ chỉ thời thể, chiếm 6,5%. Như vậy, có thể khẳng định rằng, khả năng kết hợp với các phó từ chỉ thời thể của các động từ quan hệ làm, khiến vẫn có tuy có hạn chế.
Ví dụ:
Ông căm hờn bọn “phản quốc” đã làm ông mất ăn mất ngủ. (Nguyễn Công Hoan. Chiến tuyến binh)
Tuổi mười bảy đang làm Hạnh nảy nở tươi tốt, cả tình yêu đối với anh cũng vậy, ngày một sâu sắc bền chặt. (Nguyễn Minh Châu. Bên đường chiến tranh)
Sự hoà hợp tuyệt hảo đã khiến cô tôi không bao giờ nghĩ tới sự phân cách giống nòi. (Ma Văn Kháng.Niềm an lạc vĩnh hằng)
Chính tiếng nổ ấy đã khiến mọi người giật mình. (Văn Tân. Từ điển tiếng Việt)
- Sau chúng có thể xuất hiện quan hệ từ cho với tư cách là phương tiện dẫn nối bổ ngữ.
Ví dụ:
Sự im lặng trong huyện đường khiến cho quan càng oai vệ lắm. (Vũ Trọng Phụng. Giông tố)
Thủ không phải là sở trường của nó, có lẽ cái chức vô địch của nó
khiến cho nó nôn nóng. (Nguyễn Quang Sáng. Nó và tôi)
Báo ế đã làm cho tôi nản lòng, mà bạn hữu ở ngoài họ càng kêu tệ. (Nguyễn Công Hoan. Tôi chủ báo, anh chủ báo, nó chủ báo)
Bệnh nghề nghiệp đã làm cho một số tính nết trở nên méo mó. (Nguyễn Minh Châu. Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành)
- Ngoài ra, cũng cần thấy rằng trong nhiều trường hợp không thể thay thế làm, khiến bằng các quan hệ từ nên, mà. So sánh:
Tiếng léo xéo trong sân làm mọi người ngồi yên trên ghế, nhu mì và trật tự. (Nguyễn Công Hoan. Thanh! Dạ!)
→ Tiếng léo xéo trong sân mà mọi người ngồi yên trên ghế, nhu mì và trật tự. (-)
→ Tiếng léo xéo trong sân nên mọi người ngồi yên trên ghế, nhu mì và trật tự. (-)
Câu trả lời của vú già khiến Chương càng nghĩ tới Tuyết. (Khái Hưng, Nhất Linh. Đời mưa gió)
→ Câu trả lời của vú già nên Chương càng nghĩ tới Tuyết. (-)
→ Câu trả lời của vú già mà Chương càng nghĩ tới Tuyết. (-)
Tóm lại, về bản chất, các động từ làm, khiến không phải là hư từ, cũng không phải là động từ - thực từ bình thường mà là nhóm từ có đặc tính trung gian giữa động từ - thực từ và hư từ. Bản chất trung gian của làm, khiến thể hiện ở ý nghĩa và thuộc tính kết trị sẽ được chỉ ra dưới đây.
2.3.2. Đặc điểm của các động từ quan hệ làm, khiến trong cấu trúc nhân quả
2.3.2.1. Đặc điểm về ý nghĩa
a) Làm, khiến biểu thị hoạt động trừu tượng: hoạt động gây khiến (gây ra, tạo ra một hệ quả nào đó). Tính trừu tượng của hoạt động do làm, khiến biểu thị được thể hiện ở chỗ:
- Hoạt động do làm, khiến biểu thị nói chung không thể quan sát trực tiếp và miêu tả cụ thể được; chúng không có công cụ thực hiện, cũng không gắn với tính chất, cách thức thực hiện như các hoạt động do động từ - thực từ biểu thị.
- Chủ thể ngữ pháp của hoạt động do các động từ làm, khiến biểu thị thường là các sự vật trừu tượng, sự vật hiểu theo nghĩa ngữ pháp (ví dụ: tiếng nổ, trận mưa, cuộc kháng chiến, thái độ…), còn kẻ thực tế gây ra các hoạt động do làm, khiến hiển thị lại thường không phải là người, vật mà chính là các hoạt động, sự kiện khác.
b) Làm, khiến biểu thị mối quan hệ nhân quả giữa chủ ngữ và bổ ngữ.
- Chủ ngữ của những câu có vị ngữ là các động từ làm, khiến về nghĩa sâu luôn chỉ nguyên nhân còn bổ ngữ chỉ kết quả phù hợp với nguyên nhân nêu ở chủ ngữ.