Hoạt Động Góp Vốn, Liên Doanh Với Các Doanh Nghiệp, Các Tổ Chức Tài Chính Tín Dụng


ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam và một số công ty tài chính khác.

Dựa trên phạm vi sử dụng, thẻ ngân hàng có thể được phân thành hai loại: thẻ nội địa và thẻ quốc tế.

Dựa trên nguồn tài chính đảm bảo cho việc sử dụng thẻ, có thể phân thành: thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng và thẻ trả trước:

- Thẻ ghi nợ (Debit card): là loại thẻ được phát hành và sử dụng dựa trên số tiền gửi của chủ thẻ tại ngân hàng. Các giao dịch thực hiện trên thẻ phải trong phạm vi số dư tiền gửi của chủ thẻ mở tại ngân hàng. Ban đầu, thẻ ghi nợ được thiết kế là thẻ rút tiền mặt trong tài khoản của chủ thẻ tại các ATM, do đó, loại thẻ này còn được gọi là thẻ ATM. Cùng với sự phát triển của công nghệ, ngoài các tiện ích cơ bản như rút tiền, kiểm tra số dư tài khoản, chuyển tiền,… chiếc thẻ ATM đã được các ngân hàng tích hợp thêm nhiều tính năng như dùng để mua hàng hóa hoặc thanh toán hóa đơn tại các siêu thị, nhà hàng; thực hiện các giao dịch mua hàng trực tuyến trên internet. Chủ thẻ sử dụng hoàn toàn chủ động kiểm soát được phạm vi tiêu dùng do loại thẻ này được phát hành dựa trên số dư tài khoản của khách hàng.

- Thẻ tín dụng (Credit card): là loại thẻ được phát hành dựa trên một thỏa thuận hạn mức tín dụng giữa khách hàng và ngân hàng. Dựa trên uy tín, thu nhập, số tiền ký quỹ hay tài sản mà chủ thẻ đảm bảo mà ngân hàng có thể xem xét cấp cho chủ thẻ một hạn mức tín dụng nhất định. Đặc điểm của loại thẻ này là “chi tiêu trước, trả tiền sau” có nghĩa là chủ thẻ có thể sử dụng thẻ để thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ tại các điểm chấp nhận thẻ trước hoặc trên các trang web mua bán trực tuyến. Sau đó, theo định kỳ nhất định sẽ có một ngày các ngân hàng gửi các bảng kê cụ thể các chi tiêu trong tháng của chủ thẻ và yêu cầu chủ thẻ thanh toán. Nếu vượt quá thời hạn mà ngân hàng quy định mà chủ thẻ vẫn chưa thanh toán xong, thì số tiền nợ còn lại sẽ bị tính lãi theo quy định của ngân hàng.

- Thẻ trả trước (Prepaid card) là loại thẻ thường được các trung tâm mua sắm, các doanh nghiệp có dịch vụ lớn phát hành cho khách hàng. Loại thẻ này cho phép


chủ thẻ thanh toán trong phạm vi số tiền mà chủ thẻ đã nạp cho các tổ chức phát hành thẻ trước đó. (Một số thông tin về thẻ ngân hàng, trang web Ngân hàng Nhà nước Việt Nam).

Khi phát hành thẻ, thu nhập của ngân hàng chủ yếu đến từ các loại phí dịch vụ liên quan đến việc sử dụng thẻ.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 94 trang tài liệu này.

2.2.2. Thu nhập từ hoạt động kinh doanh ngoại hối


Các yếu tố ảnh hưởng đến thu nhập ngoài lãi tại các Ngân hàng thương mại Việt Nam - 3

Khái niệm về kinh doanh ngoại hối

Kinh doanh ngoại hối là việc ngân hàng mua bán các loại ngoại tệ khác nhau nhằm đáp ứng nhu cầu về ngoại tệ của ngân hàng. Ngân hàng đạt được lợi nhuận từ việc kinh doanh ngoại hối chủ yếu là do chênh lệch tỷ giá và lãi suất giữa các đồng tiền được mua bán.

Đặc trưng cơ bản của hoạt động kinh doanh ngoại hối

Thứ nhất, hoạt động kinh doanh ngoại hối là hoạt động tiềm ẩn nhiều rủi ro. Các hoạt động kinh doanh của ngân hàng nói chung đều chứa đựng nhiều rủi ro, tuy nhiên đối với hoạt động kinh doanh ngoại hối, do liên quan đến nhiều đồng tiền của nhiều quốc gia và có tính nhạy cảm cao đối với những biến động về kinh tế, chính trị, xã hội… của các quốc gia trên thế giới do đó hoạt động này ẩn chứa nhiều rủi ro hơn. Các rủi ro đó có thể là rủi ro thanh khoản, rủi ro hoạt động, rủi ro tín dụng, rủi ro thị trường, rủi ro tỷ giá, rủi ro về lãi suất.

Thứ hai, kinh doanh ngoại hối là một hoạt động đặc trưng, tiêu biểu cho nền kinh tế hiện đại. Do hoạt động kinh doanh này diễn ra trên một thị trường có tính toàn cầu hóa cao, lại không có giới hạn về thời gian và không gian, nên nó yêu cầu phải có đầy đủ cơ sở vật chất, cũng như các trang thiết bị hiện đại, các phương tiện thông tin liên lạc tiên tiến để có thể đạt hiệu quả cao.

Thứ ba, hoạt động kinh doanh ngoại hối đòi hỏi nhà đầu tư phải có hiểu biết trên nhiều lĩnh vực; có trình độ quản lý, có những kỹ năng nhất định, và khả năng nắm bắt thị trường một cách nhanh chóng. Nhà đầu tư cần có hiểu biết về chuyên môn, nghiệp vụ cùng với việc cập nhật thông tin thường xuyên để nắm bắt những gì xảy ra trên thị


trường, từ đó có những dự báo chính xác về những biến động có thể xảy ra để đưa ra những quyết định đúng đắn trong kinh doanh.

Các nghiệp vụ cơ bản trong kinh doanh ngoại hối

Dịch vụ ngoại hối giao ngay: là hoạt động mua bán các đồng tiền khác nhau, trong đó ngày thanh toán có giá trị trong vòng 2 ngày làm việc tiếp theo. Trong thời hạn 2 ngày này, các bên tiến hành kiểm tra, hoàn tất giấy tờ thủ tục thanh toán. Loại giao dịch này thực hiện trên tỷ giá giao ngay và nơi diễn ra được gọi là thị trường ngoại hối giao ngay.

Giao dịch ngoại hối kỳ hạn: được sử dụng nhằm đáp ứng nhu cầu vốn cho ngân hàng tại một thời điểm đã xác định trong tương lai và còn nhằm mục đích phòng ngừa rủi ro trước những biến động về tỷ giá. Đây là nghiệp vụ kinh doanh trong đó các yếu tố của giao dịch như tỷ giá, số tiền, ngày giao dịch được xác định ở thời điểm hiện tại, còn việc thực hiện giao dịch lại ở một thời điểm xác định trong tương lai.

Giao dịch ngoại hối tương lai: khác với các hợp đồng kỳ hạn, các hợp đồng giao dịch tiền tệ tương lại là những hợp đồng được tiêu chuẩn hóa và được thực hiện trên sàn giao dịch của sở giao dịch tiền tệ tương lai. Ngoài ra, các hợp đồng giao dịch tiền tệ tương lại không chỉ được sử dụng nhằm mục đích phòng ngừa rủi ro mà còn được sử dụng nhằm mục đích đầu cơ.

Giao dịch hoán đổi ngoại tệ: là một công cụ hữu hiệu cho nhà đầu tư, những người đi vay ngoại tệ và các ngân hàng trong việc phòng ngừa rủi ro tỷ giá hối đoái hoặc kinh doanh thu lợi nhuận. Giao dịch hoán đổi ngoại hối là việc đồng thời mua vào và bán ra một đồng tiền nhất định, trong đó ngày giá trị mua vào và ngày giá trị bán ra là khác nhau, tỷ giá mua vào và tỷ giá bán ra được xác định tại thời điểm ký kết hợp đồng. Do số lượng tiền mua vào và bán ra là bằng nhau nên giao dịch này không tạo ra trạng thái ngoại hối ròng cho các ngân hàng tham gia giao dịch, do đó mà tránh được rủi ro tỷ giá.

Giao dịch quyền chọn ngoại tệ: hợp đồng quyền chọn là một công cụ tài chính, cho phép người mua hợp đồng có quyền (chứ không có nghĩa vụ) mua hoặc bán một đồng tiền nhất định trong tương lai tại mức tỷ giá đã được thỏa thuận, gọi là tỷ giá quyền


chọn (hay tỷ giá giao dịch). Ngược lại, đối với người bán hợp dồng quyền chọn không có bất cứ sự lựa chọn nào khác, ngoài việc sẵn sàng giao dịch khi người mua muốn. Có hai loại quyền chọn: hợp đồng quyền chọn mua và hợp đồng quyền chọn bán.

Hoạt động kinh doanh ngoại hối có thể giúp các ngân hàng thu được một khoản lợi nhuận đáng kể thông qua hoạt động mua bán ngoại tệ để hưởng chênh lệch tỷ giá, kể cả các khoản thu phí khi ngân hàng thực hiện dịch vụ cho khách hàng cũng là một nguồn thu đáng kể.

2.2.3. Thu nhập từ hoạt động mua bán chứng khoán


Thu nhập từ hoạt động mua bán chứng khoán bảo gồm hai loại: thu nhập từ hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh và thu nhập từ hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư.

Chứng khoán kinh doanh

Chứng khoán kinh doanh bao gồm chứng khoán nợ, chứng khoán vốn và các chứng khoán khác được ngân hàng mua và nắm giữ trong vòng một năm nhằm mục đích kinh doanh trong ngắn hạn.

Chứng khoán kinh doanh được ghi nhận ban đầu theo giá vốn. Sau đó, chứng khoán kinh doanh được ghi nhận trên nguyên tắc lấy giá vốn trừ cho dự phòng giảm giá. Lãi hoặc lỗ từ việc bán chứng khoán kinh doanh được ghi nhận trên báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất theo số thuần.

Chứng khoán đầu tư

Chứng khoán đầu tư được phân loại theo hai loại: chứng khoán sẵn sàng để bán và chứng khoán giữ đến ngày đáo hạn.

Chứng khoán đầu tư sẵn sàng để bán: đây là loại chứng khoán rất khó để nhận biết. Không có quy định cụ thể về loại chứng khoán này. Tùy thuộc vào từng ngân hàng mà loại chứng khoán này được định nghĩa khác nhau. Tóm lại, chứng khoán nào không phải là chứng khoán kinh doanh và chứng khoán giữ đến đáo hạn có thể xếp vào loại này.


Chứng khoán giữ đến ngày đáo hạn: là các tài sản tài chính có kỳ hạn cố định và các khoản thanh toán cố định hoặc có thể xác định được, các ngân hàng có ý định và có khả năng nắm giữ các chứng khoán này đến ngày đáo hạn.

Chứng khoán đầu tư được ghi nhận ban đầu theo giá vốn, đã bao gồm các chi phí giao dịch và các chi phí có liên quan trực tiếp khác. Sau đó, chứng khoán đầu tư được ghi nhận theo nguyên tắc thấp hơn giữa giá vốn trên sổ sau khi phân bổ và giá thị trường. Giá trị phụ trội và giá trị chiết khấu phát sinh từ việc mua các chứng khoán nợ được phân bổ vào báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất theo phương pháp đường thẳng tính từ ngày mua chứng khoán đến ngày đáo hạn của chứng khoán đó. (Thuyết minh báo cáo tài chính hợp nhất, Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam).

Hoạt động ngân quỹ

Là một hoạt động dịch vụ của ngân hàng. Ngoài các nghiệp vụ thông thường như thu, chi, lưu chuyển tiền mặt, các ngân hàng còn phát triển và mở rộng cho dịch vụ này thông qua các nghiệp vụ như: dịch vụ bảo quản tài sản quý, giấy tờ có giá; dịch vụ cho thuê két; dịch vụ đổi bao bì vàng miếng; thu đổi ngoại tệ hoặc nội tệ không đủ tiêu chuẩn lưu thông; thu tiền theo túi niêm phong; thu/chi tiền mặt lưu động tại địa chỉ của khách hàng… (Phan Thị Linh, 2015)

Hoạt động ngân quỹ là cầu nối quan trọng giữa khách hàng và ngân hàng.


Hoạt động đầu tư chứng khoán

Do sự biến động bất ổn của nền kinh tế, nên ngoài các hoạt động cho vay truyền thống, các ngân hàng đã sử dụng một phần nguồn vốn của mình để đầu tư vào các khoản mục có khả năng sinh lời cao khác trong đó có đầu tư chứng khoán. Đầu tư chứng khoán bao gồm đầu tư vào các loại chứng khoán do chính phủ hoặc các doanh nghiệp phát hành. Các mục đích quan trọng mà ngân hàng thương mại đạt được khi đầu tư chứng khoán có thể kể đến như:

- Đảm bảo ổn định thu nhập của ngân hàng. Khi thu nhập từ hoạt động tín dụng giảm sút thì hoạt động chứng khoán có thể bù đắp lại phần nào.


- Bù trừ rủi ro tín dụng: các khoản rủi ro tín dụng có thể được bù trừ bằng việc ngân hàng mua các loại chứng khoán có rủi ro thấp.

- Cung cấp dự trữ cho ngân hàng: các chứng khoán mà ngân hàng nắm giữ có thể được dùng để chuyển hóa thành các nguồn tiền đáp ứng cho nhu cầu thanh khoản của ngân hàng.

- Đa dạng hóa danh mục tài sản của ngân hàng.

- Tăng độ hiệu quả của thị trường tài chính cũng như hiệu quả của ngân hàng, góp phần cung cấp cho thị trường một bộ phận vốn trầm lắng của ngân hàng.

Thu nhập của các ngân hàng thương mại khi tham gia hoạt động đầu tư chứng khoán chủ yếu đến từ các khoản chênh lệch giá. Với tư cách là đơn vị kinh doanh tiền tệ, sở hữu kinh nghiệm, nguồn lực cũng như công nghệ tiên tiến nhất, đồng thời nắm bắt nhanh được các xu hướng phát triển của nền kinh tế, các ngân hàng thương mại có ưu thế hơn các nhà đầu tư khác khi tham gia vào thị trường này.

2.2.4. Hoạt động góp vốn, liên doanh với các doanh nghiệp, các tổ chức tài chính tín dụng

Hoạt động góp vốn, liên doanh với các doanh nghiệp, các tổ chức tài chính tín dụng cũng được xem là một hoạt động đầu tư của NHTM. Các ngân hàng thương mại dùng vốn của mình để đầu tư hoặc mua cổ phần của các doanh nghiệp, các tổ chức tài chính tín dụng khác… theo quy định của pháp luật. Mức độ đầu tư, góp vốn, mua cổ phần của một tổ chức tín dụng đối với các doanh nghiệp phải nằm trong mức quy định do thông đốc Ngân hàng Nhà nước quy định trong từng thời kỳ và từng loại hình của tổ chức tín dụng.

2.3. Vai trò của thu nhập ngoài lãi đối với ngân hàng thương mại


2.3.1. Vai trò của dịch vụ phi tín dụng tại các ngân hàng thương mại


Một trong những cách thức có hiệu quả nhất để tái cơ cấu lại bộ máy quản trị cũng như hoạt động của ngân hàng đó là đầu tư phát triển các dịch vụ phi tín dụng. Thu nhập cơ bản và truyền thống nhất của ngân hàng trước đây đến từ các hoạt động cho vay, còn các hoạt động dịch vụ chỉ chiếm bộ phận không đáng kể. Trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, cũng như biến động không lường trước được của nền


kinh tế, sự cạnh tranh khốc liệt của các ngân hàng nước ngoài… thì chính sách chỉ dựa vào thu nhập từ hoạt động tín dụng sẽ không mang lại hiệu quả cao cho ngân hàng. Vì thế, các ngân hàng thương mại cần phải đa dạng hóa nguồn thu của mình và nâng cao tỷ trọng của dịch vụ phi lãi là một trong những điều cần phải làm. (Đào Lê Kiều Oanh, Phạm Anh Thủy, 2012).

Một trong những nội dung cơ cấu lại hoạt động tài chính các tổ chức tín dụng trong đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 254/QĐ-TTg ngày 01/3/2012 là: Từng bước chuyển dịch mô hình kinh doanh của các NHTM theo hướng giảm bớt sự phụ thuộc và hoạt động tín dụng và tăng thu nhập từ hoạt động dịch vụ phi tín dụng. Trong thời gian qua, các NHTM đã nhận thức được vai trò của dịch vụ phi tín dụng và mang lại nguồn thu một cách ổn định hơn, an toàn hơn so với trước mặc dù các NHTM phải cạnh tranh gay gắt trong môi trường khốc liệt như hiện nay.

Với sức ép trực tiếp đến từ ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại Việt Nam đã cố gắng rất nhiều trong việc nâng cao tiềm lực tài chính cũng như việc mở rộng các kênh phân phối hỗ trợ trong nhiệm vụ phát triển dịch vụ phi tín dụng. Nhờ đó, chất lượng các dịch vụ tại ngân hàng đang dần được nâng cao, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của khách hàng đối với loại hình dịch vụ này.

Trong những năm vừa qua, lợi nhuận đến từ các hoạt động phi tín dụng ngày càng đóng góp nhiều hơn vào thu nhập chung của ngân hàng, do đó, sức ép đến từ các hoạt động tín dụng truyền thống phần nào cũng giảm bớt. Ngân hàng phần nào đó giảm bớt được rủi ro trong hoạt động của mình.

Các dịch vụ phi tín dụng hiện đại đòi hỏi các ngân hàng phải không ngừng cải tiến trình độ khoa học công nghệ của mình. Thêm vào đó, việc bổ sung và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cũng như quản lý; công tác chăm sóc khách hàng cũng cần được quan tâm.


2.3.2. Vai trò phát triển dịch vụ phi tín dụng của ngân hàng thương mại


Theo Đào Lê Kiều Oanh, Phạm Anh Thủy (2012) và Phan Thị Linh (2015) thì việc phát triển các dịch vụ phi tín dụng của ngân hàng thương mại sẽ có các vai trò như:

Đối với ngân hàng thương mại


Như đã trình bày ở trên, trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay, đòi hỏi các ngân hàng phải có một sự thay đổi về tỷ trọng của thu nhập, mà cụ thể là gia tăng tỷ trọng của thu nhập ngoài lãi. Gia tăng tỷ trọng của thu nhập ngoài lãi có một số vai trò như sau:

Đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ ngân hàng, từ đó, ngân hàng có thể tìm kiếm và mở rộng phạm vi phục vụ của mình đến với nhiều khách hàng hơn. Vì nhu cầu cũng như đòi hỏi của khách hàng đối với dịch vụ ngân hàng là hết sức đa dạng và phong phú, vì thế, càng nhiều dịch vụ được triển khai sẽ mang lại thêm cho ngân hàng nhiều cơ hội để phát triển. (Đào Lê Kiều Oanh, Phạm Anh Thủy 2012).

Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt giữa các ngân hàng như hiện nay, việc phát triển các dịch vụ cũng góp phần nâng cao khả năng canh tranh cũng như uy tín, vị thế của ngân hàng (Đào Lê Kiều Oanh, Phạm Anh Thủy 2012). Ngân hàng có nhiều dịch vụ phục vụ tốt, có chất lượng cao sẽ được khách hàng sử dụng biết đến. Và chính khách hàng sẽ là người giúp ngân hàng quảng bá các sản phẩm dịch vụ của mình đến những người có nhu cầu tương tự. Dần dần, uy tín, vị thế của ngân hàng trong lòng khách hàng sẽ là không thể thay thế.

Giúp phân tán bớt đi rủi ro của ngân hàng, mà cụ thể là rủi ro do hoạt động tín dụng mang lại. Dưới sức ép của nền kinh tế, sự cạnh tranh gay gắt của hàng loạt các tổ chức tín dụng, ngân hàng nước ngoài… thì việc đa dạng hóa thu nhập sẽ giảm bớt được rủi ro đồng thời đảm bảo ổn định nguồn thu nhập của ngân hàng.

Xem tất cả 94 trang.

Ngày đăng: 09/08/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí