Các yếu tố ảnh hưởng đến kết quả xuất khẩu rau quả của doanh nghiệp Việt Nam - 5


có hai mô hình giai đoạn chính - mô hình quốc tế hóa Uppsala (U-model) và mô hình liên quan đến đổi mới (I-model).

Mô hình quốc tế hóa Uppsala (U-model)

Mô hình Uppsala được xây dựng bởi Johanson & Wiedersheim-Paul (1975) và sau đó phát triển bởi Johanson & Vahlne (1977). Quốc tế hóa được khái niệm hóa như “một quá trình gia tăng được thúc đẩy bởi kiến thức cần thiết được thu thập chủ yếu thông qua các hoạt động nước ngoài” (Johanson & Vahlne, 1977, tr. 23). Mô hình Uppsala giải thích cách các doanh nghiệp mở rộng ra thị trường toàn cầu. Các tác giả lập luận rằng việc học hỏi thông qua kinh nghiệm quốc tế đang thực hiện và cam kết bắt nguồn từ các hoạt động đang diễn ra. Do đó, quốc tế hóa là một quá trình phụ thuộc lẫn nhau và năng động, với những hoạt động có tính kết nối thay vì một chuỗi hoạt động theo trình tự thời gian. Từ quan điểm đó, hầu hết các hành vi đều phát triển theo cách phụ thuộc vào tính ngữ cảnh cao (Johanson & Vahlne, 2009).

Một giả định chính về hành vi doanh nghiệp được thúc đẩy bởi kiến thức hạn chế về các thị trường nước ngoài mới (Johanson & Vahlne, 1977). Do đó, ý định của nhà quản lý và kinh nghiệm thu được trong quá khứ và bằng cách thực hiện các hoạt động hiện tại cùng với kỳ vọng, là những khía cạnh quan trọng trong quá trình quốc tế hóa. Một lập luận quan trọng là doanh nghiệp dần dần tiến vào các thị trường nước ngoài xa lạ và liên tục thích ứng các hoạt động của họ (Johanson & Vahlne, 2009). Mô hình Uppsala tập trung vào quá trình quốc tế hóa, nhấn mạnh rằng doanh nghiệp không ngừng học hỏi, điều chỉnh hoạt động hiện tại và cam kết, đồng thời điều chỉnh phương thức đầu vào cho phù hợp với môi trường xa lạ (Fuchs & Köstner, 2016).

Trường phái này cho thấy quá trình quốc tế hóa được thành lập theo tuần tự phát triển và xây dựng các cam kết xuất khẩu (Morgan & Katsikeas, 1997). Trong đó, mô hình Uppsala giải thích cách thức doanh nghiệp gia tăng dần hoạt động ở TTXK. Quốc tế hóa vững chắc là quá trình học tập dần dần trong đó tỷ lệ, trình tự và hướng mở rộng ra nước ngoài của doanh nghiệp là chức năng phát triển năng lực và kinh nghiệm (Luo và cộng sự, 2005). Các doanh nghiệp thường sẽ tiếp cận dần dần để vào


TTXK dẫn đến cam kết nguồn lực và tích lũy kinh nghiệm ngày một mở rộng (Johanson & Vahlne, 1977; Luo và cộng sự, 2005).

Hơn nữa, áp dụng mô hình quốc tế hóa Uppsala (Johanson & Vahlne 1977, 2009; Johanson & Wiedersheim-Paul, 1975), kiến thức công nghệ và mức độ am hiểu thị trường nước ngoài là cơ sở cho năng lực cần thiết trong quá trình quốc tế hóa. Công nghệ tiên tiến có thể dẫn đến giảm giá thành, hoặc tạo ra thành phẩm với giá trị cao mà các đối thủ khó bắt chước. Do đó, doanh nghiệp phát triển năng lực tổ chức liên quan đến công nghệ có thể cải thiện kết quả xuất khẩu (Jin & Cho, 2018).

Mô hình liên quan đến đổi mới (I-model)

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 260 trang tài liệu này.

Mô hình liên quan đến đổi mới xem quốc tế hóa như kết quả trình tự trong quy trình áp dụng đổi mới, trong đó mỗi giai đoạn quốc tế hóa tiếp theo được coi là một sự đổi mới cho doanh nghiệp (Cavusgil, 1980; Reid, 1981). Leonidou và Katsikeas (1996) trên cơ sở xem xét toàn diện các mô hình quan trọng nhất (Cavusgil, 1980; Reid, 1981), lưu ý rằng các mô hình là một số giai đoạn cố định, tuần tự, mặc dù số lượng các giai đoạn khác nhau đáng kể giữa các mô hình. Họ cũng xác định ba giai đoạn chung: Trước khi xuất khẩu; xuất khẩu ban đầu và xuất khẩu nâng cao.

Hơn nữa, Leonidou & Katsikeas (1996) đã luận giải mô hình giai đoạn liên quan đến đổi mới về ảnh hưởng của rào cản xuất khẩu làm suy giảm sự mở rộng quốc tế, mô hình quốc tế hoá sẽ giảm và dần xóa bỏ rào cản xuất khẩu ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả xuất khẩu. Ngoài ra, phát triển công nghệ giúp doanh nghiệp đạt được sự quốc tế hóa nhanh hơn thông qua kinh nghiệm và nguồn lực của mạng lưới đối tác. Việc thiết lập sự liên kết giữa tài chính, công nghệ và thương mại với những chủ thể khác của mạng lưới, giúp doanh nghiệp mở rộng kết nối và gia tăng phạm vi hoạt động, cho đến khi gia tăng mức độ quốc tế hóa. Đây là cách tiếp cận phù hợp giúp doanh nghiệp định vị ở TTXK, phù hợp với các doanh nghiệp vừa và nhỏ (Mitgwe, 2006). Vì vậy, xu thế quốc tế hóa nhanh chóng được thúc đẩy bởi tiến bộ công nghệ và suy giảm rào cản xuất khẩu, tạo điều kiện cho doanh nghiệp mở rộng và gia tăng kết quả xuất khẩu một cách nhanh chóng hiệu quả (Masum & Fernandez, 2008).

Các yếu tố ảnh hưởng đến kết quả xuất khẩu rau quả của doanh nghiệp Việt Nam - 5


Nhận xét chung về lý thuyết quốc tế hóa

Qua quá trình quốc tế hóa, kiến thức và kinh nghiệm tăng lên, các doanh nghiệp trở nên vững vàng hơn khi điều hành, và kinh doanh xuất khẩu trở nên dễ quản lý hơn (Kahiya, 2018). Học tập kinh nghiệm làm tăng mức độ hiểu biết ngầm và giảm sự không chắc chắn ở TTXK, từ đó cải thiện và gia tăng kết quả xuất khẩu. Hơn nữa, chiến lược quốc tế hóa phụ thuộc vào mức độ cam kết xuất khẩu, vì các nhà quản lý có thể nhận ra mức độ phù hợp cụ thể của động lực và xuất khẩu để cam kết nguồn nhân lực cho sáng kiến này. Điều này có thể thúc đẩy ban lãnh đạo nỗ lực nhiều hơn vào các nhiệm vụ đầy thách thức, chẳng hạn như thay đổi chiến lược marketing phù hợp với đặc thù mỗi thị trường (Cadogan và cộng sự, 2005; Lages và cộng sự, 2008b; O`Cass & Julian, 2003a).

Tóm lại, mô hình khung lý thuyết quốc tế hóa đề xuất doanh nghiệp xem xét một số yếu tố khác nhau khi đánh giá các giai đoạn và lợi ích liên quan đến chiến lược quốc tế hóa (Reid, 1981; Johanson & Vahlne, 2009). Một số yếu tố nội bộ bao gồm: Kinh nghiệm, cam kết xuất khẩu, năng lực công nghệ. Các yếu tố bên ngoài như rào cản xuất khẩu. Thông qua tiến trình quốc tế hóa, những yếu tố này dự kiến sẽ có ảnh hưởng đến kết quả xuất khẩu doanh nghiệp. Cách tiếp cận lý thuyết quốc tế hóa giải thích các yếu tố tác động đến kết quả xuất khẩu được xem xét linh hoạt hơn khi phân tích cả hai khía cạnh.

Nghiên cứu kinh doanh quốc tế kết hợp các lý thuyết và thực hiện theo cách tiếp cận đa ngành. Nhìn chung, quốc tế hóa doanh nghiệp về cơ bản là một quá trình năng động, đòi hỏi thích nghi nguồn lực, năng lực, chiến lược, cấu trúc và đặc điểm tổ chức với môi trường quốc tế mới (Maitland và cộng sự, 2005). Để đáp ứng những thách thức của cạnh tranh, các doanh nghiệp cần có nguồn lực, năng lực và sử dụng các năng lực biến đổi tạo ra lợi thế cụ thể cho mỗi doanh nghiệp (Grant, 2002). Dựa theo những lập luận trên, lý thuyết dựa trên nguồn lực đề cập đến tính không đồng nhất nguồn lực giữa các doanh nghiệp, được thảo luận trong phần tiếp theo.


2.1.2 Lý thuyết dựa trên nguồn lực

Phương pháp tiếp cận lý thuyết dựa trên nguồn lực (RBV: Resource-based view) phân tích nguồn lực nội bộ ảnh hưởng đến kết quả xuất khẩu. Nguồn gốc của RBV bắt nguồn từ nghiên cứu của Penrose (1959), tài sản và năng lực riêng biệt của doanh nghiệp là những thành phần quan trọng gia tăng LTCT không hoàn hảo và đạt được siêu lợi nhuận. Sau đó, RBV được phát triển thêm bởi Wernerfelt (1984), Barney (1991, 1996, 2001), Grant (1991, 2002). Lý thuyết RBV được phát triển theo hai giả định: (1) Các doanh nghiệp thường không đồng nhất về nguồn lực và năng lực nội bộ; (2) Nguồn lực và năng lực nội bộ đặc biệt, không thể bắt chước hoặc vượt trội so với đối thủ, trở thành cơ sở cho LTCT. Lý thuyết RBV xem xét các đặc điểm của nguồn lực và yếu tố chiến lược thị trường để giải thích sự không đồng nhất của doanh nghiệp và lợi thế bền vững (Barney, 1991, 1996).

Các nhà nghiên cứu đều thừa nhận nguồn lực bên trong đóng góp cho hiệu quả kinh tế của doanh nghiệp. Nguồn lực bên trong doanh nghiệp được chia thành ba nhóm: Nguồn lực vật chất (nhà máy, thiết bị, địa điểm, công nghệ, nguyên liệu thô và máy móc), nguồn lực con người (đào tạo, kỹ năng, năng lực, kinh nghiệm, kiến thức) và nguồn lực tổ chức (cơ cấu, hệ thống kiểm soát, cấu trúc báo cáo, cơ sở dữ liệu, sáng chế, nhãn hiệu) (Barney, 2001; David, 2014). Nguồn lực được xác nhận có giá trị khi (1) hiếm, (2) khó để sao chép, (3) khó có thể thay thế. Ba tính chất của nguồn lực giúp các doanh nghiệp giành LTCT bền vững (David, 2014).

Theo RBV (Wernerfelt, 1984; Barney, 1991; Grant, 1991) xem xét nguồn lực và năng lực giúp doanh nghiệp có LTCT bền vững và tạo ra mức lợi tức cao hơn bình thường. Nguồn lực chính là tài sản cụ thể, tạo thành nguyên liệu thô có sẵn và năng lực là cả quá trình mà nguồn lực được chuyển đổi thành sản phẩm và dịch vụ cho TTXK (Leonidou và cộng sự, 2011). Năng lực tổ chức kết hợp và xây dựng mối quan hệ giữa các nguồn lực, dưới sự nỗ lực và sáng tạo trong quản lý doanh nghiệp dẫn đến các LTCT bền vững. Năng lực tổ chức chính là khả năng triển khai, tận dụng và cơ cấu lại nguồn lực doanh nghiệp một cách hiệu quả, có thể chuyển đổi các nguồn lực hạn chế thành kết quả cạnh tranh (Barney, 1991; Knight & Cavusgil, 2004). RBV


nhấn mạnh năng lực tổ chức năng động trong quản lý chiến lược thông qua thích nghi, tích hợp và cơ cấu lại các yếu tố, do đó để đạt được mục tiêu chiến lược, tầm quan trọng của năng lực được nhấn mạnh hơn nguồn lực (Teece và cộng sự, 1997; Knight & Cavusgil, 2004).

Trong bối cảnh quốc tế, nghiên cứu này tiếp cận RBV về tính không đồng nhất nguồn lực không di chuyển, và năng lực tổ chức doanh nghiệp để xét ảnh hưởng của các yếu tố nội bộ tác động đến kết quả xuất khẩu. Bởi lẻ, bối cảnh quốc tế tạo ra nền tảng vững chắc cho việc áp dụng RBV vì sự đa dạng trong văn hóa, kinh tế, chính trị, pháp lý và các nền tảng khác đáp ứng giả định cơ bản rằng doanh nghiệp ngày càng không đồng nhất, thì vai trò của nguồn lực và năng lực ngày càng quan trọng (Leonidou và cộng sự, 2011). Ngay cả các doanh nghiệp cùng ngành dự kiến sở hữu kết quả khác nhau, do sự khác biệt trong nguồn lực sở hữu và năng lực tổ chức. Quan điểm RBV có giá trị cao khi xem xét các yếu tố thuộc nguồn lực và năng lực xây dựng LTCT. Do đó, khung phân tích RBV đóng vai trò quan trọng khi điều tra thực nghiệm về kết quả xuất khẩu (Jin & Cho, 2018).

Lý thuyết RBV hỗ trợ thực hiện đánh giá các yếu tố nội bộ, tuy nhiên ít bằng chứng thực nghiệm tồn tại liên kết khả năng đánh giá kết quả xuất khẩu doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế các nước đang phát triển (Lu và cộng sự, 2010). Các học giả cho rằng RBV đã không nhìn xa hơn các thuộc tính nguồn lực để giải thích sự không đồng nhất của doanh nghiệp và chưa kiểm tra bối cảnh xã hội (Oliver, 1997). Do đó, cần có cách tiếp cận để làm nổi bật bối cảnh có thể ảnh hưởng đến sự khác biệt bền vững của doanh nghiệp trên TTXK hay không (Lu và cộng sự, 2010). Vì thế, bối cảnh xã hội của sự lựa chọn nguồn lực, nên được kết hợp bởi RBV và lý thuyết thể chế, nhằm xem xét vai trò của thể chế trong bối cảnh tổ chức. Vốn thể chế đại diện cho xã hội, ảnh hưởng và áp lực cho sự phù hợp xã hội như một loại nguồn lực vững chắc trong việc định hình hành động của tổ chức cả trong thị trường trong nước và TTXK. Một số yếu tố liên quan đến lý thuyết thể chế được trình bày trong phần tiếp theo.


2.1.3 Lý thuyết thể chế

Lý thuyết thể chế (Institutional-based view) đề cập đến tầm quan trọng của việc tuân thủ “luật chơi”, nâng cao mức “được chấp nhận” để tồn tại (Garrido và cộng sự, 2014). Theo nghĩa rộng hơn, thể chế được hiểu là luật chơi trong một xã hội (North, 1990). Thể chế là những hạn chế do con người đặt ra để cấu trúc chính trị, kinh tế và sự tương tác xã hội (North, 1991). Con người đặt ra các hạn chế hợp pháp từ các hoạt động bất hợp pháp, bằng cách xác định ranh giới pháp lý, đạo đức và văn hóa tạo thành thể chế của một xã hội (Scott, 1995).

Lý thuyết thể chế có thể tiếp cận từ góc độ kinh tế học (North, 1990) hay xã hội học (Scott, 1995). Theo góc độ kinh tế học, North (1990) phân tích thể chế là yếu tố quyết định chi phí giao dịch trực tiếp trong một nền kinh tế, bao gồm cả thể chế chính thức và phi chính thức. Cách tiếp cận kinh tế học bổ sung quan điểm tĩnh về chi phí giao dịch bằng cách đề nghị các doanh nghiệp liên tục điều chỉnh thói quen với khung thể chế thông qua quá trình học tập dựa trên kinh nghiệm (Garrido và cộng sự, 2014). Trong khi tiếp cận theo góc độ kinh tế học có nền tảng kinh tế và tập trung vào tính hiệu quả, thì quan điểm thứ hai là xã hội học nghiên cứu về bản chất, tập trung vào vai trò của tính hợp pháp (Scott, 1995; Peng, 2002) và mối quan tâm chính nhằm xác định vai trò của tổ chức khi xác định tại sao các tổ chức là tương tự nhau.

Nghiên cứu lựa chọn phương pháp tiếp cận thể chế dưới góc độ kinh tế học. Những đất nước khác biệt về rủi ro chính trị, tác động đến mức độ ổn định của từng TTXK. Sự phức tạp của thị trường, thường liên quan đến thông tin không đầy đủ hoặc bất cân xứng dẫn đến sự không chắc chắn trong giao dịch (North, 1990). North (1990) xác định vai trò của tổ chức để giảm sự không chắc chắn bằng cách thiết lập cấu trúc ổn định (nhưng không nhất thiết phải hiệu quả) cho sự tương tác của con người. Hơn nữa, North (1990, 1991) định nghĩa các thể chế là một bộ các quy tắc cơ bản về chính trị, xã hội và pháp lý cơ bản để tạo cơ sở cho sản xuất, trao đổi và phân phối, các khung thể chế được tạo thành từ các ràng buộc chính thức và phi chính thức. Các thể chế chính thức có nguồn gốc từ văn bản và thực thi các hiến pháp, luật pháp, hợp đồng và quy định, trong khi các thể chế phi chính thức bao gồm các chuẩn mực hành


vi bị xã hội xử phạt, được đưa vào văn hóa và ý thức hệ (Scott, 1995). Thể chế xác nhận rằng doanh nghiệp hoạt động trong một khuôn khổ xã hội của các tiêu chuẩn, các giá trị và giả định tạo thành hành vi kinh tế được chấp nhận (Oliver, 1997). Nó xem xét vai trò của áp lực và ảnh hưởng xã hội, đối với sự phù hợp xã hội trong định hình hoạt động tổ chức. Thể chế hóa các hoạt động là đầu ra của quá trình tương tác giữa các cá nhân, nội bộ tổ chức và các cấp độ phân tích liên tổ chức, được xem là nguồn lực của doanh nghiệp (Oliver, 1997). Các lựa chọn kinh tế bị giới hạn không chỉ bởi công nghệ, thông tin và thu nhập mà còn bởi giới hạn xây dựng xã hội.

Khung lý thuyết thể chế bao hàm những yếu tố bên ngoài như sự khác biệt môi trường, cường độ cạnh tranh và rào cản xuất khẩu có tác động đáng kể tới kết quả xuất khẩu (Peng và cộng sự, 2008; Lu và cộng sự, 2010). Theo tổng kết 16 nghiên cứu từ lược khảo của Kahiya (2018) cho thấy các rào cản xuất khẩu xuất phát từ chất lượng của môi trường thể chế, chính sự khác biệt trong cách thiết lập, hoặc thay đổi chất lượng thể chế, tác động đến rào cản xuất khẩu. Hơn nữa, thể chế đề cao mức độ quan trọng của môi trường thể chế, cho rằng các lực lượng thể chế định hình các quyết định chiến lược và xác định kết quả (Dacin và cộng sự, 2002). Điều này rất quan trọng với xuất khẩu bởi tính phụ thuộc của TTXK vào các lực lượng thể chế khác nhau giữa TTTN và TTXK (Peng và cộng sự, 2008). Tầm ảnh hưởng đáng kể của môi trường thể chế ảnh hưởng đến kết quả xuất khẩu, bởi vì chất lượng cao của môi trường thể chế dẫn đến kết quả xuất khẩu vượt trội (LiPuma và cộng sự, 2013). Vì vậy, doanh nghiệp nên xem xét những lợi thế và thách thức từ môi trường thể chế trước khi cam kết nguồn lực, phản ánh thông qua chiến lược marketing xuất khẩu (Peng và cộng sự, 2008).

Trong bối cảnh hiện nay, phương pháp tiếp cận thể chế về kết quả xuất khẩu được ủng hộ gần đây trong hầu hết các nghiên cứu thực nghiệm (Garrido và cộng sự, 2014; Chen và cộng sự, 2016). Khung nghiên cứu lý thuyết thể chế đóng góp sâu rộng hơn về các yếu tố quyết định kết quả xuất khẩu bằng cách xem xét tác động của các lực lượng thể chế, cụ thể như các yếu tố bên ngoài. Hơn nữa, LTCT có được từ nguồn lực và chịu ảnh hưởng bởi các tổ chức là không cố định. Thay vào đó, nó được


điều chỉnh bởi sự liên kết giữa các yếu tố nội bộ và bên ngoài. Lý thuyết ngẫu nhiên phần tiếp theo làm nổi bật sự điều chỉnh liên kết giữa các yếu tố ở cả hai môi trường và sự phù hợp của chiến lược marketing thích nghi kết hợp bối cảnh tổng thể.

2.1.4 Lý thuyết ngẫu nhiên

Lý thuyết ngẫu nhiên (Contingency theory) có nguồn gốc từ lý thuyết hệ thống và hành vi (Lages & Montgomery, 2005); xuất phát từ khuôn khổ thực hiện cấu trúc tổ chức công nghiệp, dựa trên hai cơ sở: (1) Tổ chức phụ thuộc vào nguồn lực (Cavusgil & Zou, 1994), (2) Tổ chức quản lý sự phụ thuộc bằng cách phát triển và duy trì chiến lược (Sousa & Bradley, 2008). Đây là lý thuyết trung lập khi dung hòa giữa hai quan điểm trái ngược. Một mặt đề cập đến các nghiên cứu về kết quả xuất khẩu, sự tồn tại các quy định và nguyên tắc thành công. Mặt khác cho rằng mỗi tổ chức là duy nhất, do đó mỗi tình huống nên được đề cập riêng. Mức độ trung hòa giữa hai quan điểm hình thành nên lý thuyết ngẫu nhiên, chứng minh kết quả xuất khẩu được xác định theo mức độ hành vi phù hợp với bối cảnh nội bộ và môi trường bên ngoài. Mặc dù một số hành vi không phù hợp cho tất cả môi trường, nhưng phù hợp một số bối cảnh nhất định, để xác định hành động chiến lược cụ thể của doanh nghiệp (Robertson & Chetty, 2000). Do đó, quan điểm ngẫu nhiên thừa nhận cả hai lợi thế và bất lợi liên quan đến hai thái cực, chứng minh phương pháp tiếp cận chuẩn hóa hoặc thích nghi không thể tồn tại riêng biệt (Lages & Montgomery, 2004).

Các nghiên cứu vào cuối những năm 1960 (Buzzell, 1968; Bartels, 1968) đã đặt bước đi đầu tiên theo cách tiếp cận ngẫu nhiên, và đặt ra câu hỏi, liệu các doanh nghiệp nên chọn chiến lược thích nghi hay chuẩn hóa. Đến nay, câu hỏi này đã không còn tồn tại, thay vào đó, câu hỏi nghiên cứu tranh luận dựa trên ý tưởng về mức độ tiềm năng thực hiện chiến lược, có tính đến các lực lượng ảnh hưởng chứ không phải là tiêu chuẩn hóa hay thích nghi tuyệt đối (Lages & Montgomery, 2004). Các nhà nghiên cứu xem chiến lược marketing theo nhiều góc độ khác nhau liên tục từ tiêu chuẩn hóa đến thích nghi thuần túy. Kết quả chứng minh không có chiến lược nào là đúng, mỗi chiến lược gặt hái kết quả thành công phụ thuộc tình huống cụ thể (Lages & Montgomery, 2004). Do đó, điều quan trọng là phải xem xét mức độ thích nghi

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 31/03/2024