Phân Nhóm Các Tội Phạm Xâm Phạm Trật Tự Công Cộng

thiệt hại về tính mạng sức khỏe, tài sản của công dân đồng thời còn xâm phạm đến hoạt động bình thường, ổn định xã hội ở những nơi công cộng.

Như vậy, từ khái niệm này chúng ta có thể chỉ ra một số đặc điểm cơ bản các tội xâm phạm TTCC:

Một là, các tội xâm phạm TTCC là những hành vi nguy hiểm cho xã hội xâm phạm vào các quy định của Nhà nước về TTCC, gây ra những thiệt hại về tài sản của Nhà nước, của tổ chức, thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản của công dân, đồng thời còn xâm phạm đến hoạt động bình thường, ổn định xã hội ở những nơi công cộng.

Hai là, các tội xâm phạm TTCC là những hành vi nguy hiểm cho xã hội do những người có đủ năng lực, TNHS và đủ tuổi chịu TNHS thực hiện.

Ba là, các tội xâm phạm TTCC do những người có đủ năng lực TNHS và đủ tuổi chịu TNHS thực hiện một cách cố ý, không có mục đích chống chính quyền nhân dân.

1.1.2. Phân nhóm các tội phạm xâm phạm trật tự công cộng

Việc phân nhóm tội phạm trong BLHS trên cơ sở khoa học - thực tiễn sẽ có vai trò rất quan trọng trong việc áp dụng đúng đắn và chính xác các quy định của pháp luật trong công tác truy cứu TNHS người phạm tội, xác định rõ thẩm quyền điều tra, truy tố và xét xử, cũng như phân hóa TNHS và cá thể hóa hình phạt đối với người phạm tội.

Phân nhóm các tội phạm cụ thể - các tội xâm phạm an toàn công cộng, TTCC có ý nghĩa quan trọng ở chỗ - làm rõ khách thể của tội phạm xâm hại đến quan hệ xã hội của hành vi phạm tội, hình thức lỗi của từng loại tội phạm, cũng như các chế tài pháp lý được áp dụng. Qua nghiên cứu cho thấy, về cơ bản các nhà khoa học - luật gia đều căn cứ vào sự phân loại các nhóm tội phạm theo BLHS năm 1999 (từng nhóm quan hệ xã hội mà một nhóm tội phạm xâm phạm đến) để thống nhất như sau:

Các tội xâm phạm TTCC bao gồm 12 tội danh (từ Điều 245 đến Điều

256) quy định trong BLHS năm 1999. Tuy nhiên, dưới góc độ khoa học luật hình sự, căn cứ vào khách thể trực tiếp bị tội phạm xâm phạm đến (TTCC, có thể cả tính mạng, sức khỏe, tài sản của công dân hay tài sản của tổ chức, của

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 127 trang tài liệu này.

Nhà nước, sự ổn định, bình yên của đời sống xã hội...) chúng tôi nhất trí với quan điểm cần phân nhóm các tội xâm phạm TTCC thành hai nhóm tội chính như sau:

* Nhóm các tội xâm phạm TTCC liên quan đến tệ nạn xã hội bao gồm 6 tội danh trong BLHS năm 1999, cụ thể là:

Các tội xâm phạm trật tự công cộng trong luật hình sự Việt Nam trên cơ sở thực tiễn địa bàn tỉnh Hà Giang - 3

- Tội hành nghề mê tín, dị đoan (Điều 247);

- Tội đánh bạc (Điều 248);

- Tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc (Điều 249);

- Tội chứa mại dâm (Điều 254);

- Tội môi giới mại dâm (Điều 255);

- Tội mua dâm người chưa thành niên (Điều 256).

* Nhóm các tội khác xâm phạm trật tự xã hội bao gồm 6 tội danh trong BLHS năm 1999, cụ thể là:

- Tội gây rối trật tự công cộng (Điều 245);

- Tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt (Điều 246);

- Tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có (Điều 250);

- Tội hợp pháp hóa tiền, tài sản do phạm tội mà có - nay tội phạm này đổi tên thành tội rửa tiền (Điều 251);

- Tội dụ dỗ, ép buộc hoặc chưa chấp người chưa thành niên phạm pháp (Điều 252);

- Tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy (Điều 253).

Như vậy để làm rõ nhóm tội phạm xâm phạm trật tự xã hội, chúng ta đi sâu phân tích làm sáng tỏ khái niệm, các dấu hiệu pháp lý hình sự và phân biệt các tội danh trong cùng nhóm có ý nghĩa lý luận và thực tiễn quan trọng, qua đó nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống nhóm tội phạm này trong xã hội, cũng như góp phần định tội danh chính xác và đúng đắn hành vi phạm tội trên thực tế của các cơ quan bảo vệ pháp luật.

1.2. KHÁI QUÁT LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CỦA LUẬT HÌNH SỰ VIỆT NAM TỪ CÁCH MẠNG THÁNG TÁM NĂM 1945 ĐẾN NAY VỀ CÁC TỘI XÂM PHẠM TRẬT TỰ CÔNG CỘNG

Sự hình thành và phát triển các quy định pháp luật hình sự của nước ta gắn liền với các giai đoạn của cách mạng dân tộc trong kháng chiến chống

Pháp, chống Mỹ đến khi đất nước thống nhất, xây dựng chủ nghĩa xã hội và bước vào thời kỳ đổi mới.

1.2.1. Giai đoạn từ Cách mạng tháng Tám 1945 đến trước pháp điển hóa lần thứ nhất - Bộ luật hình sự Việt Nam năm 1985

Cách mạng Tháng 8/1945 thắng lợi, tại quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Đây là thời kỳ chính quyền cách mạng còn non trẻ, phải đương đầu với muôn vàn thử thách khó khăn: Vừa phải khôi phục và xây dựng lại nền kinh tế - xã hội bị chiến tranh tàn phá, vừa phải xây dựng và củng cố chính quyền nhân dân, phải đối phó với các thế lực thù địch ở trong nước và nước ngoài... Vì vậy, chính quyền mới chưa thể xây dựng được hệ thống pháp luật nói chung và pháp luật hình sự nói riêng. Tuy nhiên, vấn đề lập pháp và thực thi pháp luật luôn được Nhà nước ta đặc biệt quan tâm.

Ngày 10/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành Sắc lệnh 47/SL quy định tạm thời sử dụng luật lệ cũ hiện hành lúc đó tại Việt Nam. Theo nội dung Sắc lệnh: “Tòa án xét xử theo luật hình sự cũ mà thực dân phong kiến đã đề ra với điều kiện không trái nguyên tắc độc lập của Nhà nước và chính thể dân chủ cộng hòa” [16]. Tuy vậy, do hoàn cảnh đất nước lúc bấy giờ, chính quyền cách mạng tập trung chủ yếu vào việc xét xử những tội phạm phản cách mạng, chống phá chính quyền tại các Tòa án quân sự và một số tội đặc biệt nguy hiểm khác như: tội đầu cơ, tội tích trữ... nhằm củng cố và bảo vệ Nhà nước trong những ngày mới thành lập. Như vậy, thời kỳ sau những năm 1950, Nhà nước ta chưa ban hành văn bản pháp luật quy định các tội xâm phạm đến trật tự, an toàn cộng cộng nói chung.

Trong những năm 60 của thế kỷ XX, trên cơ sở những kinh nghiệm của thực tiễn xét xử, Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) đã ban hành các báo cáo tổng kết, các chỉ thị hướng dẫn về đường lối xử lý một số tội phạm nguy hiểm và phổ biến, Tuy vậy, các tội phạm liên quan đến trật tự, an toàn công cộng nói chung chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể.

Đến Hiến pháp năm 1959, đã quy định tại Điều 39: “Công dân nước Việt Nam dân chủ cộng hòa có nghĩa vụ tuân theo Hiến pháp, pháp luật, kỷ luật lao

động, trật tự công cộng và những quy tắc sinh hoạt xã hội” [45, Điều 39]. Đây có thể coi là sự quy định mang tính định hướng đầu tiên của nước ta về vấn đề TTCC nhưng mới chỉ dừng lại ở việc quy định về việc công dân phải tuân theo những quy tắc sinh hoạt xã hội mà chưa có các quy định cụ thể về việc quy tắc đó là gì và nếu vi phạm thì xử lý như thế nào.

Sau khi được giải phóng, ngày 15/03/1976, Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam đã ban hành Sắc luật 03-SL/76 ngày 15/3/1976 quy định “Các tội phạm và hình phạt” trong đó đã quy định tại Điều 9 - tội xâm phạm đến TTCC, an toàn công cộng và sức khỏe của nhân dân. Như vậy, trong một văn bản pháp luật đã đề cập cụ thể đến một khách thể được pháp luật hình sự bảo vệ - TTCC.

Tiếp ngay sau đó, Thông tư số 03-BTP tháng 4/1976 của Bộ Tư pháp hướng dẫn thi hành Sắc luật số 03-SL/76 cụ thể hơn các hành vi xâm phạm đến TTCC, an toàn công cộng và sức khỏe của nhân dân [55, tr. 59]:

- Tụ tập đông người nhằm gây náo động trong dân chúng và gây rối trật tự ngoài đường phố hoặc ở các nơi công cộng chống lại nhân viên nhà nước khi làm nhiệm vụ;

- Vi phạm luật lệ giao thông gây tai nạn nghiêm trọng;

- Tổ chức du đãng có hành động càn quấy, đe dọa tính mạng người khác và an toàn xã hội;

- Cờ bạc, tổ chức ổ mại dâm, buôn bán, tàng trữ ma túy và các chất độc khác trái phép;

Ngoài ra, những hành vi sau đây cũng bị coi là tội xâm phạm đến TTCC, an toàn công cộng và sức khỏe của nhân dân và bị sử phạt theo điều 9 Sắc luật.

- Giả danh cán bộ, bộ đội, nhân viên an ninh;

- Cố ý vi phạm quy tắc quản lý vũ khí, chất nổ;

- Trốn trại giam hoặc tổ chức cho kẻ khác trốn trại giam, không vì mục đích phản cách mạng;

- Phản tuyên truyền, chống lại việc thực hiện các chính sách và pháp luật nhà nước, không vì mục đích phản cách mạng;

- Cố ý truyền bá, lưu hành các tác phẩm văn hóa đồi trụy, không vì mục

đích phản cách mạng;

- Xuất cảnh, nhập cảnh trái phép, không vì mục đích phản cách mạng;

- Vi phạm các quy định về quyền lập hội và quyền hội họp.

Phạm các tội trên nếu vượt quá mức độ xử lý hành chính, thì bị truy tố và xét xử về hình sự và bị phạt tù từ 3 tháng đến 5 năm. Trường hợp nghiêm trọng, thì bị phạt tù đến 15 năm. Ngoài ra, còn có thể bị phạt tiền đến 1000 đồng và có thể bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Kẻ phạm tội có tính chất chuyên nghiệp còn bị phạt quản chế hoặc cấm lưu trú ở một địa phương từ 1 năm đến 5 năm, sau khi mãn hạn tù

Như vậy, có thể khẳng định, trong thời kỳ áp dụng luật hình sự giai đoạn từ năm 1945 đến trước khi ban hành BLHS năm 1985, Nhà nước ta đã ban hành một số văn bản pháp luật hình sự quy định về các tội phạm xâm phạm TTCC. Tuy nhiên, do hoàn cảnh đất nước nên các văn bản hướng dẫn còn chưa thống nhất, đồng bộ, các tội xâm phạm an toàn công cộng, TTCC nói chung chưa được đề cập cụ thể.

1.2.2. Giai đoạn từ khi ban hành Bộ luật hình sự Việt Nam năm 1985 đến trước pháp điển hóa lần thứ hai - Bộ luật hình sự năm 1999

Trước tình hình đổi mới của đất nước, với những biến chuyển về mặt kinh tế - xã hội, để đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, tất yếu đòi hỏi Nhà nước phải ban hành hệ thống pháp luật mới trong đó có pháp luật hình sự.

Để đáp ứng yêu cầu bức thiết đó, sau một thời gian dài nghiên cứu soạn thảo, BLHS được Quốc hội nước ta thông qua ngày 27/06/1985 và có hiệu lực từ ngày 01/01/1986. Đây là đạo luật được pháp điển hóa hoàn chỉnh bao gồm hệ thống các quy phạm pháp luật hình sự quy định về tội phạm và hình phạt nói chung cũng như về các tội phạm cụ thể và các khung hình phạt cụ thể đối với tội phạm đó. Sự ra đời của BLHS đầu tiên của Nhà nước ta đã đánh dấu sự phát triển của công tác lập pháp trong lĩnh vực hình sự. Trong đó, chương VIII quy định về các tội xâm phạm an toàn, TTCC và trật tự quản lý hành chính trong đó chia làm 3 mục tương ứng:

- Mục A: Các tội xâm phạm an toàn công cộng;

- Mục B: Các tội xâm phạm TTCC;

- Mục C: Các tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính.

BLHS năm 1985 đã thể hiện một bước tiến quan trọng trong việc pháp điển hóa các tội phạm hình sự nói chung và tội xâm phạm TTCC nói riêng thành các tội phạm tương ứng trong từng chương tội phạm của BLHS và phản ánh chính xác từng khách thể mà các tội phạm khác nhau đã xâm phạm đến.

Như vậy, để bảo vệ “an toàn công cộng, TTCC ” với tư cách là khách thể quan trọng được luật hình sự xác lập và bảo vệ, BLHS đầu tiên của nước ta năm 1985, nhóm tội xâm phạm an toàn công cộng, TTCC được xếp chung tại Chương VIII - “Các tội xâm phạm an toàn, TTCC, trật tự quản lý hành chính” với các nhóm quan hệ xã hội được luật hình sự xác lập và bảo vệ. Theo BLHS năm 1985, Mục B các tội xâm phạm TTCC gồm các điều:

- 198: Tội gây rối TTCC;

- 199: Tội hành nghề mê tín, dị đoan gây hậu quả nghiêm trọng;

- 200: Tội đánh bạc, tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc;

- 201: Tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có;

- 202: Tội chứa mại dâm, tội môi giới mại dâm;

- 203: Tội tổ chức dùng chất ma túy;

- 204: Tội xâm phạm mồ mả, hài cốt.

Để thi hành BLHS năm 1985 về các quy định về tội xâm phạm TTCC, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn. Đáng chú ý nhất là Nghị quyết số 04/HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TANDTC ngày 29/11/1986 về “Hướng dẫn áp dụng một số quy định trong Phần các tội phạm của Bộ luật hình sự”, đã hướng dẫn về Chương VIII - Các tội xâm phạm an toàn công cộng, TTCC và trật tự quản lý hành chính và một số Thông tư liên tịch giữa Viện kiểm sát nhân dân tối cao, TANDTC và Bộ Nội vụ về hướng dẫn xử lý hành vi đua xe trái phép, hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép pháo nổ và thuốc pháo và Hướng dẫn việc giải quyết án trọng điểm.

Cùng với thành tựu của công cuộc đổi mới, các vấn đề xã hội và nhu cầu của cuộc sống ngày càng phức tạp. Để phù hợp với yêu cầu của thực tiễn trong cuộc đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm, BLHS năm 1985 đã được sửa đổi, bổ sung bốn lần vào các năm 1989, 1991, 1992 và năm 1997.

Qua bốn lần sửa đổi, bổ sung, BLHS năm 1985 đã tương đối hoàn thiện và góp phần không nhỏ vào công tác đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm nói chung, cũng như đảm bảo trật tự, an toàn công cộng.

Tuy nhiên, sau hơn 10 năm thực hiện đường lối đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, kinh tế phát triển, đời sống nhân dân được cải thiện, tình hình đất nước có nhiều thay đổi. BLHS năm 1985 dù được sửa đổi bốn lần nhưng vẫn còn tồn tại nhiều điểm bất cập, hạn chế trong quy định về tội phạm nói chung và các tội phạm xâm phạm TTCC nói riêng. Quá trình áp dụng pháp luật cho thấy, các tội phạm được quy định ở chương VIII có các khách thể loại khác nhau. Các tội xâm phạm an toàn công cộng, TTCC xâm phạm vào những quy định, quy tắc bảo đảm an toàn, trật tự trong cuộc sống của mọi công dân. Còn các tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính xâm phạm vào hoạt động bình thường của cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội. Mặt khác, nhóm các tội xâm phạm an toàn công cộng, TTCC chiếm số lượng lớn nhất so với các loại tội phạm ở các chương khác BLHS, do đó, cần phải tách riêng nhóm tội xâm phạm an toàn công cộng, TTCC với nhóm tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính.

Như vậy, tính đến trước khi ban hành BLHS Việt Nam năm 1999, với hệ thống văn bản ban hành đã trực tiếp hoặc gián tiếp quy định trong đó các vấn đề về bảo vệ trật tự, an toàn xã hội, bảo đảm hoạt động bình thường và ổn định của xã hội, qua đó kiên quyết xử lý nghiêm minh, triệt để và đúng pháp luật tất cả các hành vi xâm phạm TTCC, an toàn công cộng ở mức độ từ xử lý hành chính đến xử lý hình sự.

1.2.3. Giai đoạn từ khi ban hành Bộ luật hình sự Việt Nam năm 1999 đến nay

Qua gần 15 năm thi hành, BLHS năm 1985 đã giữ một vai trò quan trọng, đặc biệt tích cực trong đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm của nước ta. Tuy nhiên, do được xây dựng và ban hành trong bối cảnh tình hình kinh tế, xã hội trong nước cũng như quốc tế có nhiều điểm khác biệt cơ bản so với giai đoạn thực hiện công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước sau này. Vì vậy, dù đã qua bốn lần sửa đổi, bổ sung song nhiều quy định của BLHS không còn phù hợp cũng như không đáp ứng đầy đủ yêu cầu phòng,

chống tội phạm trong giai đoạn mới.

Do vậy, ngày 21/12/1999, Quốc hội khóa X, kỳ họp thứ 6 đã thông qua BLHS năm 1999, có hiệu lực thi hành trên cả nước từ ngày 01/07/2000 và đây là Bộ luật vẫn được áp dụng trong giai đoạn hiện nay. BLHS năm 1999 đã sửa đổi, bổ sung một cách toàn diện, cơ bản BLHS năm 1985, phù hợp với yêu cầu thực tiễn đấu tranh phòng và chống tội phạm trong tình hình mới.

Nếu trong BLHS năm 1985, nhóm tội xâm phạm an toàn công cộng, TTCC và trật tự quản lý hành chính được quy định trong Chương VIII Phần các tội phạm với ba mục khác nhau, thì đến BLHS năm 1999, các tội phạm này được chia thành hai chương; Chương XIX - Các tội xâm phạm an toàn công cộng, TTCC và Chương XX - Các tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính. Đến lần pháp điển BLHS lần thứ 2 năm 1999, BLHS đã có rất nhiều thay đổi, Cụ thể đối với nhóm các tội xâm phạm TTCC có những thay đổi sau:

- BLHS năm 1999 xây dựng một chương riêng quy định về tội phạm và hình phạt đối với một tệ nạn đang làm nhức nhối xã hội “Các tội phạm về ma túy” do đó tội tổ chức dùng chất ma túy không còn thuộc nhóm các tội phạm xâm phạm TTCC.

- Căn cứ vào yêu cầu của thực tiễn nhằm cá thể hóa TNHS đối với người phạm tội nên nhà làm luật đã tách Điều 200: tội đánh bạc, tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc thành 02 điều luật riêng biệt Điều 248: Tội đánh bạc và Điều 249 Tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc; tách điều 202: tội chứa mại dâm, tội môi giới mại dâm làm 02 điều luật riêng biệt Điều 254: Tội chứa mại dâm, Điệu 255: Tội môi giới mại dâm.

- Bổ sung, sửa đổi Điều 202a ở BLHS năm 1985 sửa đổi năm 1997 thành Điều 256 - Tội mua dâm người chưa thành niên - BLHS năm 1999 có khung hình phạt nghiêm khắc hơn thể hiện thái độ đặc biệt nghiêm khắc của nhà lập pháp đối với loại tội phạm có tính phi đạo đức cao này.

- Đưa tội dụ dỗ, ép buộc người chưa thành niên phạm tội từ Chương xâm phạm chế độ hôn nhân gia đình và các tội phạm đối với người chưa thành niên về Chương XIX.

- Đưa tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy từ chương Các tội xâm phạm an ninh quốc gia về chương XIX.

- Bổ sung một số yếu tố định tội để làm rõ cấu thành tội phạm như sau:

Xem tất cả 127 trang.

Ngày đăng: 05/11/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí