Vấn đề phát triển con người toàn diện trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc và ý nghĩa tham khảo đối với Việt Nam - 1


HỌC VIỆN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA HỒ CHÍ MINH

HỌC VIỆN BÁO CHÍ VÀ TUYÊN TRUYỀN


NGUYỄN THỊ THU HƯỜNG


VẤN ĐỀ PHÁT TRIỂN CON NGƯỜI TOÀN DIỆN TRONG

QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG CHỦ NGHĨA XÃ HỘI ĐẶC SẮC TRUNG QUỐC VÀ Ý NGHĨA THAM KHẢO ĐỐI VỚI VIỆT NAM


LUẬN ÁN TIẾN SĨ TRIẾT HỌC

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 193 trang tài liệu này.


Ngành: Triết học Mã số: 9229001

Vấn đề phát triển con người toàn diện trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc và ý nghĩa tham khảo đối với Việt Nam - 1


NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC: PGS,TS. Nguyễn Minh Hoàn


HÀ NỘI, 2021

LỜI CAM ĐOAN CỦA TÁC GIẢ LUẬN ÁN


Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của cá nhân tôi. Các kết quả được trình bày trong luận án này là trung thực và chưa được công bố trong bất kỳ công trình nào khác.

Tác giả luận án

MỤC LỤC

MỞ ĐẦU 1

Chương 1: TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI LUẬN ÁN 7

1.1. Những công trình nghiên cứu liên quan đến lý luận phát triển con người toàn diện 7

1.2. Những công trình nghiên cứu liên quan đến thực trạng phát triển con người toàn diện trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc 23

1.3. Đánh giá kết quả nghiên cứu của các công trình và những vấn đề đặt ra cần tiếp tục nghiên cứu 30

Chương 2: MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ PHÁT TRIỂN CON NGƯỜI TOÀN DIỆN TRONG QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG CHỦ NGHĨA XÃ HỘI ĐẶC SẮC TRUNG QUỐC 33

2.1. Tư tưởng triết học Mác - cơ sở cho tư tưởng phát triển con người toàn diện của Đảng Cộng sản Trung Quốc 33

2.2. Tư tưởng của Đảng Cộng sản Trung Quốc về phát triển con người toàn diện 56

Chương 3: THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN CON NGƯỜI TOÀN DIỆN TRONG QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG CHỦ NGHĨA XÃ HỘI ĐẶC SẮC TRUNG QUỐC 81

3.1. Thành tựu phát triển con người toàn diện trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc 81

3.2. Một số hạn chế của phát triển con người toàn diện trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc 93

Chương 4: Ý NGHĨA THAM KHẢO CỦA TƯ TƯỞNG PHÁT TRIỂN CON NGƯỜI TOÀN DIỆN TRONG QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG CHỦ NGHĨA XÃ HỘI ĐẶC SẮC TRUNG QUỐC ĐỐI VỚI VIỆT NAM 119

4.1. Khái quát tình hình phát triển con người toàn diện ở Việt Nam 119

4.2. Một số kinh nghiệm phát triển con người toàn diện của Trung Quốc có ý nghĩa tham khảo đối với Việt Nam 138

4.3. Một số giải pháp nhằm phát triển con người toàn diện ở Việt Nam hiện nay 146

KẾT LUẬN 159

DANH MỤC CÁC CÔNG TRÌNH CỦA TÁC GIẢ ĐÃ CÔNG BỐ LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI 162

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 162


MỞ ĐẦU


1. Tính cấp thiết của đề tài luận án

Nghiên cứu để chỉ ra bản chất, vị trí, vai trò của con người trong mối quan hệ với thế giới khách quan, với xã hội và với chính bản thân con người luôn là vấn đề được đề cập trong toàn bộ lịch sử tư tưởng triết học. Tuy nhiên, chỉ đến khi chủ nghĩa Mác ra đời, con người mới được nghiên cứu đầy đủ với tư cách là chủ thể sáng tạo và mục tiêu phát triển của lịch sử. Đây là quan điểm căn bản của chủ nghĩa duy vật lịch sử.

Kể từ khi thành lập đến nay, Đảng Cộng sản Trung Quốc luôn kết hợp các nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác với điều kiện thực tế của Trung Quốc, để trên cơ sở đó sáng tạo nên một hệ thống lý luận với tinh thần “Trung Quốc hóa chủ nghĩa Mác”, và dùng hệ thống lý luận này cho việc chỉ đạo thực tiễn. Mao Trạch Đông - hạt nhân của thế hệ lãnh đạo thứ nhất đã luôn đề cao địa vị làm chủ của mỗi con người cũng của như nhân dân trong đời sống của đất nước Trung Quốc; Đặng Tiểu Bình - hạt nhân của thế hệ lãnh đạo thứ hai nêu ra “3 điều có lợi” (Ba điều có lợi là: Có lợi cho sự phát triển của lực lượng sản xuất xã hội chủ nghĩa, có lợi cho việc tăng cường quốc lực tổng hợp của quốc gia xã hội chủ nghĩa, có lợi cho việc nâng cao đời sống của nhân dân), với mục đích chính là nâng cao đời sống nhân dân; Giang Trạch Dân - hạt nhân của thế hệ lãnh đạo thứ ba nêu ra thuyết “ba đại diện” mà mấu chốt chính là đại diện cho lợi ích căn bản của đông đảo quần chúng nhân dân; Hồ Cẩm Đào - đại diện của thế hệ lãnh đạo thứ tư đưa ra “quan điểm phát triển khoa học”, ý nghĩa hạt nhân của nó cũng là “dĩ nhân vi bản” (lấy con người làm gốc), gắn với quan điểm “dĩ dân vi bản” (lấy dân làm gốc); Tập Cận Bình - hạt nhân của thế hệ lãnh đạo thứ năm nêu tư tưởng phát triển “lấy nhân dân làm trung tâm” trong hệ thống lý luận chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời đại mới. Để nghiên cứu vấn đề phát triển con người toàn diện, đặc biệt nghiên cứu vấn đề phát triển con người toàn diện trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc một cách chính xác, đầy đủ,


khoa học nhất phải bắt đầu bằng việc nghiên cứu một số vấn đề lý luận.

Trải qua hơn 40 năm cải cách mở cửa, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã lãnh đạo nhân dân Trung Quốc giành được những thành quả phong phú trong thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc, trong đó có phát triển con người toàn diện, giúp nhân dân Trung Quốc được trải nghiệm những thành quả của sự nghiệp cải cách mở cửa. Cải cách mở cửa đã mở ra con đường chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc, đã giải phóng và phát triển lực lượng sản xuất xã hội, quyền sinh tồn, quyền phát triển và các quyền cơ bản khác của con người được bảo đảm tốt hơn, con người có được những điều kiện thuận lợi chưa từng có để phát triển một cách toàn diện. Bên cạnh đó, Trung Quốc hiện cũng đang phải đối mặt với những hạn chế trong phát triển con người về các phương diện kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường. Đặc biệt kể từ khi bước vào “thời đại mới”, vấn đề phát triển không cân bằng, không đầy đủ càng làm cho những hạn chế trở nên nan giải, yêu cầu Đảng và Chính phủ Trung Quốc phải có những biện pháp đồng bộ, hiệu quả để khắc phục. Chính vì vậy, những bài học thành công và chưa thành công của Trung Quốc trong phát triển con người toàn diện sẽ là những kinh nghiệm có ý nghĩa gợi mở đối với Việt Nam.

Đảng Cộng sản Việt Nam luôn coi trọng vị trí và vai trò của con người trong quá trình phát triển đất nước, nhất là trong bối cảnh của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, Đảng ta luôn đặt mục tiêu phát triển con người Việt Nam toàn diện vào trung tâm của mục tiêu đổi mới toàn diện đất nước. Tuy nhiên, ở Việt Nam chưa có các công trình nghiên cứu chuyên sâu và đầy đủ về vấn đề phát triển con người toàn diện trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc để từ đó rút ra những kinh nghiệm cho Việt Nam, đây là khoảng trống đáng kể trong nghiên cứu về lĩnh vực này. Rất nhiều vấn đề trong phát triển con người toàn diện mà Việt Nam gặp phải hiện nay cũng chính là những vấn đề mà Trung Quốc đang đối mặt, do đó, việc nghiên cứu vấn đề phát triển con người toàn diện trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc có ý nghĩa khoa học và thực tiễn sâu sắc, để từ đó Đảng Cộng


sản Việt Nam đưa ra những chủ trương, chính sách, giải pháp phát triển con người Việt Nam toàn diện nhằm thực hiện thành công chiến lược phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho công cuộc đổi mới đất nước, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Với những lý do chính nêu trên, có thể thấy rằng việc nghiên cứu một cách sâu sắc vấn đề phát triển con người toàn diện trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc rất có ý nghĩa thực tiễn, để thông qua đó rút ra những kinh nghiệm phát triển con người toàn diện ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

2. Mục đích, nhiệm vụ nghiên cứu

2.1. Mục đích nghiên cứu

Mục đích nghiên cứu luận án là làm rò những vấn đề lý luận và thực tiễn, những bài học kinh nghiệm về phát triển con người toàn diện trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc và ý nghĩa tham khảo đối với Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

2.2. Nhiệm vụ nghiên cứu

- Nghiên cứu, làm rò quan điểm triết học Mác về phát triển con người toàn diện và sự vận dụng, bổ sung, phát triển của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

- Nghiên cứu để chỉ ra những thành tựu cũng như những hạn chế trong phát triển con người toàn diện của Trung Quốc kể từ khi tiến hành cải cách mở cửa, xây dựng chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc.

- Rút ra những bài học kinh nghiệm về phát triển con người toàn diện trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc mà Việt Nam có thể tham khảo và đề xuất một số giải pháp nhằm phát triển con người toàn diện ở việt nam hiện nay.

3. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu

3.1. Đối tượng nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu của luận án là vấn đề phát triển con người toàn diện trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc và ý nghĩa tham khảo đối với Việt Nam.

3.2. Phạm vi nghiên cứu


Về nội dung: Luận án nghiên cứu lý luận và thực tiễn vấn đề phát triển con người toàn diện về các phương diện kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường.

Về thời gian: Từ khi Trung Quốc tiến hành cải cách mở cửa theo tinh thần Hội nghị Trung ương 3 Khoá XI (tháng 12 năm 1978) đến nay.

4. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu

4. 1. Cơ sở lý luận

Cơ sở lý luận của luận án là chủ nghĩa Mác - Lênin; chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng Cộng sản Trung Quốc và Nhà nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa các thời kỳ về con người và phát triển con người toàn diện ở Trung Quốc; quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về vấn đề phát triển con người toàn diện.

Luận án cũng dựa trên những thành quả nghiên cứu, những quan điểm khoa học đã được thừa nhận của các nhà nghiên cứu đi trước về vấn đề phát triển con người toàn diện trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc.

4.2. Phương pháp nghiên cứu

- Luận án sử dụng phương pháp luận của chủ nghĩa duy vật biện chứng và duy vật lịch sử để nghiên cứu vấn đề phát triển con người toàn diện trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc, nhằm nhận diện các đặc điểm và các bước phát triển trên cơ sở vận dụng học thuyết chủ nghĩa Mác - Lênin về con người và phát triển con người toàn diện qua các thời kỳ lãnh đạo.

- Phương pháp phân tích, tổng hợp sẽ được sử dụng trong tất cả các chương, mục của luận án để phát hiện, luận giải về các nội dung liên quan đến chủ đề luận án.

- Phương pháp thu thập thông tin: Thu thập và khai thác thông tin từ các nguồn có sẵn liên quan đến đề tài luận án, bao gồm các tài liệu gốc như các văn kiện của Đảng; các thống kê, các công trình nghiên cứu của các học giả Trung Quốc, các công trình nghiên cứu của các học giả quốc tế liên quan đến đề tài luận án.


- Phương pháp lịch sử được sử dụng nhằm nhận diện các đặc điểm và các bước phát triển trong quá trình nhận thức lý luận về phát triển con người toàn diện của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đồng thời đặt nó trong mối quan hệ với tiến trình đi sâu cải cách mở cửa của Trung Quốc.

- Phương pháp thống kê được sử dụng trong chương 1 và chương 3 của luận án nhằm tập hợp, đánh giá tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài luận án và thực trạng phát triển con người toàn diện ở Trung Quốc từ sau cải cách mở cửa.

5. Đóng góp mới của luận án

Một là, luận án góp phần làm rò lý luận của chủ nghĩa Mác về phát triển con người toàn diện và sự vận dụng, bổ sung, phát triển lý luận đó của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc.

Hai là, luận án góp phần làm rò những thành tựu và hạn chế về phát triển con người toàn diện của Trung Quốc trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc.

Ba là, luận án chỉ ra những kinh nghiệm của Trung Quốc về phát triển con người toàn diện trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc mà Việt Nam có thể tham khảo và đề xuất một số giải pháp phát triển con người toàn diện ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

6. Ý nghĩa lý luận và ý nghĩa thực tiễn của luận án

6.1. Ý nghĩa lý luận

Luận án góp phần làm sáng tỏ một số vấn đề lý luận về vấn đề phát triển con người toàn diện trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc.

6.2. Ý nghĩa thực tiễn

- Những kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn phát triển con người toàn diện trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc được làm rò trong luận án này sẽ góp phần gợi mở cho Việt Nam để giải quyết những vấn đề đang đặt ra trong quá trình phát triển con người toàn diện hiện nay.

- Luận án có thể sử dụng làm tài liệu tham khảo cho việc nghiên cứu, giảng dạy và cho những người quan tâm đến vấn đề này.

Xem tất cả 193 trang.

Ngày đăng: 10/06/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí