Đặc Điểm Của Các Tội Xâm Phạm Sở Hữu Trí Tuệ

do người có năng lực trách nhiệm hình sự (hoặc pháp nhân thương mại) thực hiện một cách có lỗi (cố ý), trái pháp luật hình sự và phải chịu hình phạt.

2.1.3. Đặc điểm của các tội xâm phạm sở hữu trí tuệ

Với tư cách tội phạm được quy định trong BLHS hiện hành, các tội xâm phạm SHTT vừa mang đầy đủ những đặc điểm của tội phạm nói chung, đồng thời mang đặc trưng riêng của quan hệ SHTT khi bị xâm hại bởi hành vi nguy hiểm cho xã hội. Những đặc điểm này có thể được khái quát như sau:

Thứ nhất, các tội xâm phạm SHTT là hành vi xâm phạm SHTT có tính nguy hiểm đáng kể cho xã hội. Nội dung này thể hiện rõ nét nhất qua đặc điểm gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đáng kể cho quan hệ sở hữu trí tuệ SHTT cũng như có thể gây thiệt hại cho trật tự quản lý kinh tế.

Quyền SHTT - nội dung của quan hệ SHTT - là một trong những quyền có tính chất đặc trưng của chủ thể sáng tạo được pháp luật quốc tế và các quốc gia thừa nhận, bảo vệ. Các quốc gia đều quan tâm và đặt ra việc bảo vệ quan hệ SHTT nói chung và bảo vệ quyền SHTT bằng biện pháp hình sự nói riêng xuất phát từ ý nghĩa quan trọng của quyền SHTT đối với không chỉ chủ thể quyền SHTT, chủ thể sản xuất - kinh doanh, người tiêu dùng mà còn là sự phát triển của quốc gia (đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế):

- Đối với chủ thể quyền SHTT: Những quy định này góp phần khuyến khích sự sáng tạo, thúc đẩy nỗ lực, cống hiến của các cá nhân vào hoạt động nghiên cứu khoa học, cải tiến kỹ thuật, sáng tạo nghệ thuật tạo ra những sản phẩm vật chất, tinh thần cho đời sống xã hội.

- Đối với chủ thể sản xuất, kinh doanh: xử lý nghiêm các vi phạm SHTT góp phần giảm thiểu tổn thất cho các nhà sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy họ phát triển, kinh doanh hợp pháp.

- Đối với người tiêu dùng: thực thi có hiệu quả quy định về bảo vệ quyền SHTT giúp người tiêu dùng có cơ hội lựa chọn và sử dụng các dịch vụ, hàng hóa chất lượng, đảm bảo lợi ích của chính họ.

- Đối với quốc gia: SHTT được khẳng định là “công cụ đắc lực để phát triển kinh tế”, vì vậy, bảo vệ quyền SHTT tốt sẽ tạo ra môi trường lành mạnh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thu hút đầu tư và chuyển giao công nghệ. Bảo vệ quyền SHTT cũng góp phần bảo vệ lợi ích quốc gia, nó cũng dần trở thành một trong các điều

kiện tiên quyết để tham gia quan hệ thương mại quốc tế, qua đó thúc đẩy hoạt động thương mại lành mạnh trên phạm vi toàn cầu. [101, tr.245 – 247]

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 208 trang tài liệu này.

Với tầm quan trọng như vậy, các tội xâm phạm SHTT gây ra hoặc đe dọa gây ra các thiệt hại cho xã hội. Theo một nghiên cứu được thực hiện bởi EUIPO và Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển (OECD) vào năm 2019, ước tính về vi phạm quyền SHTT trong thương mại quốc tế năm 2016 có thể đạt bằng 3,3% thương mại thế giới. Cùng với đó là sự sụt giảm doanh số bán hàng trong nhiều lĩnh vực đưa đến hệ quả tăng số tiền lỗ lên nhiều chục tỷ EURO và mất việc làm của hàng trăm nghìn người lao động qua mỗi năm (chỉ tạm thống kê trong khu vực châu Âu). Thuế thu nhập doanh nghiệp nộp vào Ngân sách các quốc gia cũng bị mất đi không ít. [128, tr.5]

Không chỉ đơn thuần là những hành vi gây thiệt hai hoặc đe dọa thiệt hại cho những quan hệ xã hội về mặt khách quan, các tội xâm phạm SHTT còn chứa đựng bên trong đó thái độ tâm lý chủ quan phủ định lại các đòi hỏi về việc tôn trọng và bảo vệ quan hệ SHTT (đã bao gồm trong đó quyền SHTT). Khoa học luật hình sự gọi “sự phủ định chủ quan đòi hỏi của xã hội” của hành vi của con người chính là lỗi.

Các tội xâm phạm sở hữu trí tuệ theo pháp luật hình sự Việt Nam - 7

Tựu chung lại, đánh giá tính nguy hiểm cho xã hội của các tội xâm phạm SHTT phải dựa trên cả khía cạnh khách quan và chủ quan. Tuy nhiên, không chỉ có các tội xâm phạm SHTT mới nguy hiểm cho quan hệ SHTT, các vi phạm pháp luật dân sự, thương mại, hành chính về SHTT cũng có tính nguy hiểm này. Sự khác biệt giữa những trường hợp này chính là mức độ nguy hiểm của hành vi “đáng kể” hay chưa. Đối với những vi phạm có dấu hiệu của các tội xâm phạm SHTT nhưng tính nguy hiểm không đáng kể thì không bị coi là tội phạm và được giải quyết bằng quy phạm pháp luật của ngành luật khác như pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính, pháp luật dân sự…

Đây là một trong những tiêu chí quan trọng để phân biệt tội xâm phạm SHTT với các vi phạm SHTT khác. Ranh giới này thường được nhà làm luật xác định và quy định trong CTTP cơ bản của các tội trong BLHS. Việc xác định ranh giới này dựa trên sự đánh giá các yếu tố khách quan thuộc về tính chất quan hệ SHTT bị xâm hại; tính chất của hành vi xâm phạm; mức độ các thiệt hại gây ra hoặc đe dọa gây ra cũng như các yếu tố khác như lỗi của người phạm tội; động cơ, mục đích phạm tội.

Thứ hai, các tội xâm phạm SHTT là những hành vi được thực hiện một cách có lỗi (cụ thể là lỗi cố ý)

Một hành vi xâm phạm SHTT bị coi là tội phạm không chỉ vì hành vi đó có tính gây thiệt hại cho xã hội mà còn vì có lỗi của chủ thể thực hiện. Nội dung này phù hợp với nguyên tắc lỗi trong Luật hình sự, là cơ sở đảm bảo cho TNHS có khả năng thực hiện được mục đích giáo dục ý thức pháp luật.

Trong Luật hình sự, lỗi trước hết là quan hệ giữa chủ thể và xã hội mà nội dung của nó là sự phủ định chủ quan những đòi hỏi của xã hội được thể hiện qua các đòi hỏi cụ thể của luật hình sự [100, tr.161]. Mức độ phủ định các đỏi hỏi của xã hội của các loại lỗi khác nhau là khác nhau. Vì vậy, khi kết hợp với tính gây thiệt hại (về khách quan) cho xã hội của các hành vi xâm phạm SHTT, không phải mọi trường hợp đều nguy hiểm đáng kể để cần phải xử lý hình sự. Những hành vi xâm phạm với ý thức “không lựa chọn hành vi được mô tả trong CTTP” (lỗi vô ý) thì mức độ phủ định các đòi hỏi của xã hội thấp hơn so với những hành vi xâm phạm mà chủ thể “lựa chọn hành vi được mô tả trong CTTP” (lỗi cố ý). Thông thường, để phân biệt những hành vi xâm phạm có tính nguy hiểm không đáng kể và bị xử lý bằng các biện pháp cưỡng chế Nhà nước ít nghiêm khắc hơn (so với TNHS) thì các tội xâm phạm SHTT thường được quy định có lỗi cố ý.

Thứ ba, các tội xâm phạm SHTT do người có năng lực TNHS (hoặc pháp nhân thương mại) thực hiện

Xuất phát từ yếu tố lỗi trong mặt chủ quan của tội phạm, người có hành vi phạm tội phải có được năng lực nhận thức hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội và điều khiển được hành vi đó theo đòi hỏi của xã hội. Năng lực này kết hợp với chính sách hình sự của quốc gia về độ tuổi chịu TNHS sẽ tạo nên khái niệm năng lực TNHS [100, tr.141]. Như vậy, chủ thể của tội phạm trước hết phải là người có năng lực TNHS.

Đối với việc quy định tội phạm có thể do một thực thể pháp lý thực hiện (cụ thể là pháp nhân thương mại), còn nhiều quan điểm khác nhau về việc đây có phải là chủ thể thứ hai của tội phạm hay không. Dù câu trả lời có hay không, việc xác định tội phạm mà pháp nhân thương mại phải chịu TNHS về, đều phải thông qua hành vi của một cá nhân là người có năng lực TNHS thực hiện. Kèm theo đó phải tồn tại mối liên kết giữa cá nhân và pháp nhân thương mại trong việc thực hiện hành vi phạm tội.

Điều kiện về tuổi chịu TNHS của cá nhân hay điều kiện về mối liên kết giữa cá nhân với pháp nhân thương mại nói trên (trong trường hợp truy cứu TNHS của pháp nhân thương mại) sẽ được cụ thể hóa bởi luật thực định.

Thứ tư, các tội xâm phạm SHTT là những hành vi ―trái pháp luật hình sự‖ hay ―được quy định trong Luật hình sự‖.

Tính trái pháp luật hình sự của các tội xâm phạm SHTT được thể hiện ở tính chống đối lại quy định pháp luật hình sự: Luật hình sự bảo vệ các quan hệ xã hội trong đó có quan hệ SHTT; trong khi đó, các tội xâm phạm SHTT lại là những hành vi gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đáng kể cho quan hệ này. Chính vì thế, các tội xâm phạm SHTT có tính trái pháp luật hình sự. Mặt khác, trong pháp luật của nhiều quốc gia trên thế giới, tội phạm nói chung, các tội xâm phạm SHTT nói riêng lại được quy định trong hoặc chủ yếu trong luật hình sự, từ đó, xuất hiện cách hiểu “tính trái pháp luật hình sự” là “tính được quy định trong Luật hình sự”.

Ở Việt Nam hiện nay, nguồn của Luật hình sự Việt Nam theo nghĩa hẹp3

các văn bản chứa đựng các quy phạm pháp luật hình sự. Nguồn Luật hình sự dưới dạng văn bản pháp luật ở các quốc gia trên thế giới chủ yếu là tồn tại dưới ba hình thức: BLHS, luật hình sự (riêng lẻ) và luật chuyên ngành có chứa quy phạm pháp luật hình sự [100, tr.37]. Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay, ngành Luật hình sự có nguồn duy nhất là BLHS [100, tr.38]. Do đó, tất cả tội phạm và hình phạt được quy định chính thức trong Bộ luật hình sự.

Trong BLHS Việt Nam hiện hành, các tội xâm phạm SHTT được quy định tại Chương XVIII - Các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, cụ thể là: Tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan (Điều 225); Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp (Điều 226). Hành vi phạm tội được quy định trong Điều 225 và Điều 226 BLHS năm 2015 dựa trên cơ sở xác định được tính nguy hiểm đáng kể cho xã hội của những hành vi đó. Tuy nhiên, không phải tất cả các hành vi có dấu hiệu xâm phạm SHTT đều được quy định vào trong BLHS là tội phạm. Chẳng hạn: hành vi xâm phạm đến quan hệ SHTT mà đối tượng là sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, bí mật thương mại… hiện chưa được quy định là tội phạm trong BLHS năm 2015.

Việc tội phạm được quy định trong BLHS tuy là dấu hiệu về mặt hình thức phụ thuộc và tính nguy hiểm cho xã hội nhưng nó cũng có tính độc lập tương đối.


3 Nguồn của luật hình sự chỉ bao gồm những căn cứ trực tiếp quy định về những gì liên quan đến tội phạm và hình phạt. Nói cách khác, … nguồn của luật hình sự chỉ có thể là những văn bản pháp luật hình sự” [105, tr.293]

Khi ranh giới tội phạm và vi phạm SHTT có sự thay đổi bởi các lý do khách quan, chủ quan của tình hình kinh tế - chính trị, xã hội, yêu cầu của công cuộc đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm hay hợp tác quốc tế, những vi phạm trong lĩnh vực SHTT cũng có thể thay đổi, chẳng hạn: xuất hiện thêm những hành vi nguy hiểm đáng kể cho quan hệ SHTT hoặc vi phạm có tính nguy hiểm không đáng kể trở thành nguy hiểm đáng kể và ngược lại… Tính không bất biến của ranh giới tội phạm và vi phạm pháp luật khác về SHTT có thể là căn nguyên thúc đẩy việc thay đổi quy định BLHS tại những thời điểm khác nhau trong lịch sử lập pháp.

Thứ tư, các tội xâm phạm SHTT có tính phải chịu hình phạt.

Nội dung đặc điểm “tính phải chịu hình phạt” của các tội xâm phạm SHTT được hiểu rằng bất cứ hành vi phạm tội nào cũng đều bị đe doạ phải chịu hình phạt. Luật hình sự quy định hành vi phạm tội, đồng thời quy định hình phạt có thể được áp dụng đối với chủ thể thực hiện hành vi phạm tội đó. So với các biện pháp xử lý vi phạm pháp luật khác, hình phạt là biện pháp cưỡng chế nhà nước có tính nghiêm khắc nhất, chỉ được quy định cho tội phạm.

Cũng cần nhận thức rằng, không phải trong mọi trường hợp phạm tội đều bị bắt buộc áp dụng hình phạt. Trong thực tế tồn tại những trường hợp chủ thể phạm tội không phải chịu hình phạt, chẳng hạn: những trường hợp được miễn TNHS, được miễn hình phạt hoặc được miễn chấp hành hình phạt…

2.2. Các yếu tố của các tội xâm phạm sở hữu trí tuệ

2.2.1. Khách thể của tội phạm

Trong khoa học Luật hình sự Việt Nam, khách thể của tội phạm là quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ và bị tội phạm xâm hại. Đối với các tội xâm phạm SHTT, quan hệ xã hội được nói tới trước hết là quan hệ SHTT với nội dung trọng tâm là quyền được tôn trọng và bảo vệ đối với các tài sản trí tuệ của người sáng tạo (gọi tắt là quyền SHTT). Đặc điểm khách thể của tội phạm là dấu hiệu quan trọng để xác định các tội thuộc nhóm xâm phạm SHTT, chỉ những hành vi xâm phạm quan hệ SHTT mới có thể trở thành tội phạm nhóm này.

Dựa vào tính chất đối tượng của quyền SHTT (hay còn có thể nói là dựa vào lĩnh vực), có thể phân thành các nhánh: quyền tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả; quyền SHCN; quyền đối với giống cây trồng.4 Ở góc độ chung nhất:


4 Về cơ bản các nhánh của quyền SHTT trong quan niệm của pháp luật quốc tế cũng như pháp luật quốc gia là tương đồng, tuy nhiên, danh mục các đối tượng SHTT có thể có sự khác nhau (xem thêm Công ước WIPO).

- Quyền tác giả chính là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu [61, tr.23]. Quyền liên quan (đến quyền tác giả) là quyền của tổ chức, cá nhân đối với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình và chương trình phát sóng.

- Quyền SHCN là quyền của tổ chức, cá nhân đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu. Ngoài ra, còn có quan điểm liệt kê thêm quyền chống cạnh tranh không lành mạnh là đối tượng cụ thể của quyền SHCN5 với lí do đây là sự phát sinh tất yếu trong quá trình chủ thể thực hiện quyền của mình đối với các đối tượng SHCN [96, tr.110].

- Quyền đối với giống cây trồng là quyền của tổ chức, cá nhân đối với giống cây mới do mình chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển hoặc được hưởng quyền sở hữu [61, tr.29]. Đối tượng của quyền này là giống cây trồng gắn liền với hoạt động sản xuất nông – lâm nghiệp như vật liệu nhân giống, vật liệu thu hoạch.

Để xâm hại khách thể của các tội xâm phạm SHTT, hành vi phạm tội phải tác động vào những đối tượng nhất định để gây thiệt hại cho quan hệ SHTT. Theo cách phân nhánh quyền SHTT nêu trên, sẽ có tương ứng các loại đối tượng tác động khác nhau, cụ thể là:

- Các tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học (đối với tội xâm phạm quyền tác giả); các hoạt động của các nghệ sỹ biểu diễn, bản ghi âm, chương trình phát thanh, truyền hình (đối với tội xâm phạm quyền liên quan);

- Các kết quả của hoạt động sáng tạo trí tuệ được áp dụng trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh như sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại, bí mật kinh doanh (đối với tội xâm phạm quyền SHCN);

- Các giống cây trồng gắn liền với hoạt động sản xuất nông – lâm nghiệp (đối với tội xâm phạm quyền đối với giống cây trồng).

Điểm chung của các đối tượng này là đang ở trong tình trạng được bảo hộ về mặt pháp luật. Đặc điểm đang được bảo hộ là yếu tố quan trọng để khẳng định quyền SHTT đối với các đối tượng này là quyền hợp pháp và chính đáng của các chủ thể. Chỉ trên cơ sở đó, hành vi xâm phạm mới có thể có tính trái pháp luật. Đây


5 Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ Việt Nam 2005, sửa đổi, bổ sung 2009

cũng là một trong những ý nghĩa của việc nghiên cứu khách thể của tội phạm – cho thấy tính chống đối xã hội của loại tội phạm này.

Xuất phát từ đặc trưng vô hình của tài sản trí tuệ, đối tượng tác động của các tội xâm phạm SHTT thường được mô tả dưới những hình thức vật chất cụ thể chứa đựng tài sản trí tuệ chứ không mô tả bản thân các thông tin cấu thành nên tài sản trí tuệ. Vì lẽ đó, khi quy phạm hóa pháp luật của một số quốc gia trong đó có Việt Nam thường quy định đối tượng mà hành vi khách quan của tội phạm có thể tác động là các nguồn chứa đựng các tài sản trí tuệ, ví dụ hàng hóa có nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý giả mạo.

Cũng cần phải khẳng định rằng, đặc trưng của đối tượng tác động phản ánh tính chất khách thể của tội phạm, do đó, nó cũng là một trong những căn cứ đánh giá mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội. Khi đối tượng tác động khác nhau, tính nguy hiểm cho xã hội cũng có thể khác nhau. Từ đó, chỉ những hành vi xâm phạm SHTT có tính nguy hiểm cho xã hội đáng kể thì mới được coi là tội phạm. Dựa trên đặc điểm này, phạm vi tội phạm hóa các vi phạm SHTT có thể rộng hẹp khác nhau tùy vào việc đánh giá đặc điểm của đối tượng tác động. Cũng vì vậy, nhiều quốc gia trên thế giới, pháp luật hình sự của họ không quy định tội phạm đối với tất cả các hành vi xâm phạm mọi loại đối tượng của quyền SHTT.

Không chỉ xâm phạm đến quan hệ SHTT ở góc độ gây thiệt hại cho quyền SHTT của chủ thể, hành vi phạm tội thuộc nhóm này còn có thể xâm phạm đến trật tự quản lý kinh tế. Điều này có thể được lý giải bởi: một là, những thiệt hại gây ra cho chủ thể quyền SHTT có thể sẽ làm giảm sút hoặc mất đi động lực tái sáng tạo của chủ thể; từ đó, thiếu hụt các sản phẩm khoa học ra đời phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội; hai là, những sáng tạo là đối tượng của quyền SHTT không chỉ phục vụ chủ yếu cho đời sống tinh thần của con người mà còn gắn liền với hoạt động sản xuất, kinh doanh dựa trên giá trị kinh tế của chúng. Khi hành vi xâm phạm diễn ra, kéo theo đó là sự mất trật tự, ổn định trong việc quản lý kinh tế ở lĩnh vực này. Đây chính là lý do một số các quốc gia đã hệ thống hóa các tội xâm phạm SHTT vào chương các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế.

2.2.2. Mặt khách quan của tội phạm

Tội xâm phạm quyền SHTT hay bất cứ tội phạm nào khi xảy ra đều có những biểu hiện diễn ra hoặc tồn tại trong thế giới khách quan mà con người bằng trực giác hoặc bằng tư duy logic có thể nhận thức được, đó là: hành vi khách quan có tính gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại cho khách thể của tội phạm; hậu quả

thiệt hại do hành vi khách quan gây ra cùng những biểu hiện bên ngoài gắn với hành vi khách quan như công cụ, phương tiện phạm tội, phương pháp, thủ đoạn phạm tội, thời gian, địa điểm phạm tội.

*Hành vi khách quan của tội phạm

Hành vi khách quan của các tội xâm phạm SHTT là hành vi nguy hiểm cho xã hội, trước hết, thể hiện ở việc gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại cho quyền SHTT của chủ thể quyền. Trong khi đó, quyền SHTT khác quyền sở hữu tài sản thông thường điểm đây là loại quyền năng chủ yếu tập trung vào quyền sử dụng và quyền định đoạt. Bản chất đối tượng của quan hệ về quyền SHTT là tài sản trí tuệ (tài sản vô hình) nên việc nắm, giữ, quản lý không thể thực hiện được như các tài sản hữu hình khác. Với đặc tính vô hình và chức năng thông tin – tri thức cho phép loại tài sản này di động không giới hạn đồng thời hiện diện ở nhiều nơi cùng lúc. Do đó, việc thực hiện quyền năng chiếm hữu là không thể và không có ý nghĩa [96, tr 5 – 6]. Chủ thể quyền SHTT khó kiểm soát tài sản trí tuệ và khó ngăn chặn chủ thể khác khai thác, sử dụng loại tài sản này [61, tr.12]. Vì vậy, hành vi khách quan thường được mô tả trong các tội xâm phạm SHTT là những hành vi khai thác, sử dụng, chuyển giao trái phép các tài sản trí tuệ chứ không tập trung mô tả hành vi chiếm đoạt như các tội xâm phạm sở hữu đối với tài sản thông thường.

Các dạng thức cụ thể của hành vi khách quan các tội xâm phạm SHTT có thể khác nhau nhưng đều mang đặc điểm: tác động vào đối tượng của quyền SHTT đang được pháp luật bảo hộ và thực hiện khi không được phép của chủ thể quyền. Như đã phân tích, các đối tượng của quyền SHTT phải đang được pháp luật bảo hộ, lúc này, quyền SHTT đang tồn tại một cách hợp pháp và việc xâm hại là trái pháp luật. Trong lĩnh vực SHTT, tính sáng tạo và nguyên tắc bảo hộ đầu tiên rất quan trọng. Nó quyết định quyền đối với tài sản trí tuệ thuộc về chủ sở hữu nào. Các điều kiện bảo hộ, thủ tục đăng ký bảo hộ quyền SHTT nói chung tuân theo quy định pháp luật chuyên ngành. Những trường hợp quyền SHTT đang không được bảo hộ tại Việt Nam thì hành vi gây thiệt hại không bị coi là tội xâm phạm SHTT. Đồng thời, quyền SHTT của chủ thể quyền được pháp luật ghi nhận và bảo vệ. Do đó, các chủ thể khác không được tự do thực hiện các quyền năng đối với tài sản trí tuệ không do mình sáng tạo ra. Tuy nhiên, một số tài sản trí tuệ có thể được chuyển giao thông qua việc thực thi pháp lý và chủ sở hữu quyền cũng có thể đồng ý cho

Xem tất cả 208 trang.

Ngày đăng: 11/02/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí