của quân nhân có một số điểm mới sau đây: “Tội cố ý báo cáo sai” được thay bằng “Tội báo cáo sai”; tình tiết “gây hậu quả rất nghiêm trọng” được quy định là tình tiết định khung hình phạt của tội báo cáo sai, tội vi phạm các quy định về trực chiến, trực chỉ huy, trực ban và tội vi phạm quy định về bảo vệ; các tình tiết“gây hậu quả rất nghiêm trọng”, “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng ” được quy định là tình tiết tăng nặng định khung hình phạt của tội cố ý làm lộ bí mật công tác quân sự, tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu huỷ tài liệu bí mật công tác quân sự, tội vô ý làm lộ bí mật công tác quân sự, tội làm mất tài liệu bí mật công tác quân sự.
Nghiên cứu quy định của Bộ luật hình sự về các tội xâm phạm chế độ công tác hàng ngày của quân nhân, chúng tôi thấy:
- Tại Điều 327 Bộ luật hình sự quy định hai tội là: tội cố ý làm lộ bí mật công tác quân sự; và tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu huỷ tài liệu bí mật công tác quân sự. Trong đó:
Về đối tượng, thì đối tượng tác động của tội cố ý làm lộ bí mật công tác quân sự là bí mật công tác quân sự. Còn đối tượng tác động của tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu huỷ tài liệu bí mật công tác quân sự là tài liệu bí mật công tác quân sự.
Mặt khách quan của tội cố ý làm lộ bí mật công tác quân sự thể hiện bởi hành vi làm cho người khác biết về những bí mật công tác quân sự. Hành vi cố ý làm lộ bí mật công tác quân sự có thể được thực hiện dưới dạng hành động hoặc không hành động. Hành động cố ý làm lộ bí mật công tác quân sự được thể hiện ở việc nói, giới thiệu, cho hoặc cho xem, cho sao chụp hoặc cho người khác ghi, chép những nội dung thuộc bí mật công tác quân sự. Không hành động phạm tội cố ý làm lộ bí mật công tác quân sự là việc không thực hiện những qui định về việc bảo quản, giữ gìn, cất giữ, che đậy như trường
hợp đang sử dụng tài liệu bí mật công tác quân sự mà có người khác tới nhưng không cất, che đậy... với mục đích để cho người khác biết được nội dung bí mật đó. Tội phạm hoàn thành từ thời điểm người thứ hai không có trách nhiệm biết được bí mật đó.
Còn mặt khách quan của tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy tài liệu bí mật công tác quân sự được thể hiện bởi các hành vi chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu huỷ tài liệu bí mật công tác quân sự. Trong đó:
Chiếm đoạt tài liệu bí mật công tác quân sự bao gồm các hành vi cướp, cưỡng đoạt, cướp giật, công nhiên chiếm đoạt, trộm cắp, lừa đảo chiếm đoạt, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài liệu bí mật công tác quân sự. Hành vi cướp, cưỡng đoạt tài liệu bí mật công tác quân sự bị coi là phạm tội từ thời điểm người phạm tội thực hiện hành vi cướp hoặc cưỡng đoạt mặc dù có thể chưa chiếm được tài liệu bí mật quân sự. Hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài liệu bí mật công tác quân sự bị coi là phạm tội từ thời điểm người phạm tội giữ lại tài liệu hoặc định đoạt tài liệu đó mà không trả lại người quản lý tài liệu theo qui định. Các hành vi còn lại (cướp giật, công nhiên chiếm đoạt, trộm cắp, lừa đảo chiếm đoạt) bị coi là phạm tội từ khi người phạm tội chiếm giữ được tài liệu bí mật công tác quân sự.
Có thể bạn quan tâm!
- Các Tội Xâm Phạm Quan Hệ Đoàn Kết Nội Bộ Quân Đội
- Các Tội Xâm Phạm Chế Độ Kỷ Luật Chiến Đấu
- Các Tội Xâm Phạm Chế Độ Công Tác Hàng Ngày Của Quân Nhân
- Các Tội Xâm Phạm Quan Hệ Đoàn Kết Quân, Dân
- Thực Tiễn Áp Dụng Các Quy Định Của Bộ Luật Hình Sự Về Các Tội Xâm Phạm Nghĩa Vụ, Trách Nhiệm Của Quân Nhân
- Cơ Cấu Từng Loại Tội Phạm (Về Số Vụ Và Số Bị Cáo) Về Các Tội Xâm Phạm Nghĩa Vụ, Trách Nhiệm Của Quân Nhân (Trong Thời Gian Từ 2000 Đến 2009)
Xem toàn bộ 224 trang tài liệu này.
Mua bán tài liệu bí mật công tác quân sự là hành vi mua đi bán lại tài liệu bí mật công tác quân sự hoặc chỉ có một trong hai hành vi mua hoặc bán tài liệu bí mật công tác quân sự. Cũng được coi là mua bán tài liệu bí mật công tác quân sự trường hợp dùng vật chất, lợi ích vật chất khác để trao đổi tài liệu bí mật công tác quân sự. Hành vi mua bán có thể là mua bán trả tiền, vật chất ngay, cũng có thể hành vi mua bán chịu. Khác với hành vi mua mua bán tài sản thông thường việc mua bán tài liệu bí mật quân sự không nhất thiết phải trao tài liệu cho người mua, mà chỉ cần nhận tiền, thoả thuận sẽ
nhận tiền và cho người mua sao chụp, chép hoặc xem tài liệu đó. Tội phạm hoàn thành từ thời điểm tài liệu bí mật công tác quân sự được đưa ra bán, cho xem, cho chụp, cho sao chép.
Tiêu hủy tài liệu bí mật công tác quân sự là hành vi làm hư hỏng như xé nát, đốt hoặc dùng hoá chất... làm cho tài liệu mất hẳn nội dung không thể khôi phục lại được hoặc khôi phục rất khó khăn. Hậu quả của hành vi tiêu huỷ là làm mất giá trị sử dụng của tài liệu bí mật công tác quân sự. Tội phạm hoàn thành từ thời điểm tài liệu bí mật công tác quân sự tiêu huỷ.
Về chủ thể, thì: chủ thể của tội cố ý làm lộ bí một công tác quân sự là những người được quy định tại Điều 315 Bộ luật hình sự có trách nhiệm nên được biết bí mật công tác quân sự; còn chủ thể của tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu huỷ tài liệu bí mật công tác quân sự là những người được quy định tại Điều 315 Bộ luật hình sự mà không phải là người có trách nhiệm và được biết bí mật công tác quân sự. Do vậy, theo chúng tôi, chính sách hình sự đối với người thực hiện từng tội phạm cụ thể này cũng cần có sự khác nhau. Theo đó, người phạm tội cố ý làm lộ bí một công tác quân sự cần phải bị xử phạt nặng hơn người phạm tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu huỷ tài liệu bí mật công tác quân sự.
Như vậy, tội cố ý làm lộ bí mật công tác quân sự và tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu huỷ tài liệu bí mật công tác quân sự là hai tội phạm khác nhau về đối tượng tác động, hành vi khách quan, chủ thể của tội phạm. Cho nên, về chính sách hình sự thì việc quy định tại cùng một điều luật hai tội phạm khác nhau về bản chất là không ổn.
- Tội vô ý làm lộ bí mật công tác quân sự và làm mất tài liệu bí mật công tác quân sự cũng là hai tội phạm khác nhau về đối tượng tác động và hành vi
khách quan của tội phạm và việc quy định hai tội phạm này tại cùng một điều luật cũng là một bất cập về kỹ thuật lập pháp. Bởi lẽ:
Đối tượng tác động của tội vô ý làm lộ bí mật công tác quân sự cũng là đối tượng tác động của tội cố ý làm lộ bí mật công tác quân sự và đều là “bí mật công tác quân sự”. Còn đối tượng tác động của tội làm mất tài liệu bí mật công tác quân sự cũng là đối tượng tác động của tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu huỷ tài liệu bí mật công tác quân sự và đều là “tài liệu bí mật công tác quân sự”.
Mặt khách quan của tội vô ý làm lộ bí mật công tác quân sự là hành vi không thực hiện đúng những quy định về phòng gian bảo mật làm cho người khác biết được thông tin bí mật công tác quân sự. Cũng như cố ý làm lộ bí mật công tác quân sự, hành vi vô ý làm lộ bí mật có thể dưới dạng hành động hoặc không hành động. Hành động vô ý làm lộ bí mật công tác quân sự có thể diễn ra trong trường hợp vui chuyện, khoe khoang với bè bạn hoặc trong lúc uống bia, uống rượu, người phạm tội không giữ mồm mà nói ra những vấn đề thuộc bí mật công tác quân sự để đề cao tầm quan trọng nghề nghiệp của mình... Không hành động làm lộ bí mật công tác quân sự là trường hợp không thực hiện đúng quy định về giữ gìn, bảo vệ bí mật công tác để người khác biết được mặc dù người phạm tội không mong muốn cho người khác biết bí mật đó. Tội vô ý làm lộ bí mật công tác quân sự hoàn thành từ thời điểm người khác biết được thông tin bí mật công tác quân sự.
Mặt khách quan của tội làm mất tài liệu bí mật công tác quân sự được biểu hiện bởi hành vi vi phạm các qui định về việc sử dụng, vận chuyển và bảo quản tài liệu bí mật công tác quân sự dẫn tới hậu quả là tài liệu đó thoát ly khỏi sự quản lý của người được giao tài liệu để sử dụng, bảo quản hoặc vận chuyển. Tội làm mất tài liệu bí mật công tác quân sự là tội phạm có cấu thành
vật chất, do vậy đòi hỏi phải có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm các qui định về bảo quản, sử dụng, vận chuyển tài liệu bí mật công tác quân sự và hậu quả mất tài liệu. Tội làm mất tài liệu bí mật công tác quân sự hoàn thành từ thời điểm tài liệu bí mật công tác quân sự thoát ly khỏi sự quản lý của người được giao tài liệu để sử dụng, bảo quản hoặc vận chuyển.
Tuy nhiên, cũng có quan điểm cho rằng, phải quy định tội vô ý làm lộ bí mật công tác quân sự và tội làm mất tài liệu bí mật công tác quân sự trong cùng một điều luật và cùng chung một hình phạt với lý do: trường hợp thu lại được tài liệu đã bị mất, thì chỉ có hành vi “làm lộ” mà không có hành vi “làm mất” tài liệu bí mật công tác quân sự [57, tr. 92]. Chúng tôi không đồng tình với quan điểm nêu trên, bởi vì khi định tội danh với hành vi làm mất tài liệu bí mật công tác quân sự phải căn cứ vào hành vi khách quan và thời điểm hoàn thành của tội phạm. Việc thu lại được tài liệu đã bị mất (sau khi tội phạm đã hoàn thành) không ảnh hưởng tới việc định tội danh.
Mặt khác hành vi làm lộ bí mật công tác quân sự, chiếm đoạt, mua bán, tiêu huỷ, làm mất tài liệu bí mật công tác quân sự, báo cáo sai, vi phạm các quy định về trực chỉ huy, trực ban, vi phạm các quy định về bảo vệ có thể xảy ra trong cả khi đang chiến đấu, trong khu vực có chiến sự hoặc trong trường hợp đặc biệt khác (như phạm tội ở cơ quan chiến lược như Bộ Tổng tham mưu, Tổng Cục II, Bộ Quốc phòng…). Khi đó, tính chất nguy hiểm của các hành vi nêu trên chắc chắn sẽ nguy hiểm cao hơn. Do vậy, việc quy định “phạm tội trong chiến đấu” là tình tiết định khung của tội vi phạm các quy định về trực chiến, trực chỉ huy, trực ban là chính xác. Nhưng không quy định “phạm tội trong chiến đấu, phạm tội trong khu vực có chiến sự và phạm tội trong trường hợp đặc biệt khác” là tình tiết tăng nặng định khung hình phạt của tội cố ý làm lộ bí mật công tác quân sự, tội vô ý làm lộ bí mật công tác quân sự, tội chiếm đoạt, mua bán, tiêu huỷ tài liệu bí mật công tác quân sự, tội
làm mất tài liệu bí mật công tác quân sự, tội báo cáo sai, tội vi phạm các quy định về trực chỉ huy, trực ban và tội vi phạm các quy định về bảo vệ là không hợp lý.
- Theo quy định tại các Điều 330, 331 và 332 Bộ luật hình sự, thì tội vi phạm các quy định về trực chiến, trực ban, trực chỉ huy; tội vi phạm các quy định về bảo vệ; và tội vi phạm các quy định về bảo đảm an toàn trong chiến đấu hoặc trong huấn luyện là hành vi “không chấp hành nghiêm chỉnh quy định” về trực chiến, trực ban, trực chỉ huy, về bảo vệ, về bảo đảm an toàn trong chiến đấu hoặc trong huấn luyện gây hậu quả nghiêm trọng. Xét kỹ thuật lập pháp và lôgích ngôn ngữ, thì cách biểu đạt các tội phạm nêu trên cũng giống như cách biểu đạt tội chấp hành không nghiêm chỉnh mệnh lệnh. Với nội dung mô tả tại khoản 1 Điều 317 Bộ luật hình sự, thì đa số nhà khoa học cho rằng, tội chấp hành không nghiêm chỉnh mệnh lệnh là tội phạm được thực hiện do lỗi vô ý [8, tr. 40-41, 20, tr. 40, 36, tr. 811, 57, tr. 92]. Do vậy, theo cách thể hiện của Bộ luật hình sự, thì tội vi phạm các quy định về trực chiến, trực chỉ huy, trực ban; tội vi phạm các quy định về bảo vệ và tội vi phạm các quy định về bảo đảm an toàn trong chiến đấu hoặc trong huấn luyện là những tội phạm được thực hiện do lỗi vô ý. Cho nên, trường hợp cố ý thực hiện các hành vi vi phạm các quy định: về trực chiến, trực ban, trực chỉ huy; về bảo vệ; và về bảo đảm an toàn trong chiến đấu hoặc trong huấn luyện không phải chịu trách nhiệm hình sự về các tội phạm quy định tại một trong các Điều 330, 331 và 332 Bộ luật hình sự. Việc truy cứu trách nhiệm hình sự người cố ý thực hiện các hành vi nêu trên về tội gì phải căn cứ vào từng trường hợp cụ thể, xét mục đích, động cơ của người thực hiện hành vi đó. Ví dụ:
Theo lịch cắt gác của Trung đội trưởng, thì Nguyễn Văn A, Nguyễn Văn B phải gác tại vọng gác A có nhiệm vụ bảo vệ kho đạn của đơn vị từ 01 giờ
đến 03 giờ sáng ngày 22/4/2002. Để tạo điều kiện cho Nguyễn Văn C và một số thanh niên địa phương vào kho lấy trộm đạn về tách lấy thuốc nổ và vỏ đạn bằng đồng nên ngay sau khi nhận bàn giao gác, Nguyễn Văn A, Nguyễn Văn B đã bỏ vị trí gác, đi chơi với bạn gái. Nguyễn Văn C đã cùng một số người khác vào kho chiếm đoạt một số lượng lớn đạn.
Trong vụ án nêu trên, Nguyễn Văn A và Nguyễn Văn B đã có hành vi cố ý không thực hiện quy định về canh gác gây hậu quả nghiêm trọng. Mục đích của việc không thực hiện quy định về canh gác là tạo điều kiện cho Nguyễn Văn C và một số thanh niên địa phương vào kho lấy trộm đạn. Hành vi của Nguyễn Văn A và Nguyễn Văn B là hành vi giúp sức cho Nguyễn Văn C phạm tội chiếm đoạt vũ khí. Cho nên, không thể truy cứu trách nhiệm hình sự Nguyễn Văn A và Nguyễn Vă B về tội vi phạm các quy định về canh gác. Tuy nhiên, Nguyễn Văn A và Nguyễn văn B vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự với vai trò đồng phạm với Nguyễn Văn C và một số thanh niên địa phương về tội chiếm đoạt vũ khí quân dụng theo quy định tại Điều 230 Bộ luật hình sự.
2.2.6. Các tội xâm phạm chế độ, quy tắc bảo quản, sử dụng vũ khí, phương tiện kỹ thuật quân sự
Các tội xâm phạm chế độ, quy tắc bảo quản, sử dụng vũ khí, phương tiện kỹ thuật quân sự bao gồm: tội vi phạm quy định về sử dụng vũ khí quân dụng, tội huỷ hoại vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự, tội làm mất hoặc vô ý làm hư hỏng vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự; được quy định tại các Điều 333, 334 và 335. So với quy định của Bộ luật hình sự năm 1985, thì quy định của Bộ luật hình sự năm 1999 về các tội phạm này có một số điểm mới sau đây:
- Thứ nhất, tất cả các tội phạm thuộc nhóm này đều được thay đổi tên tội danh: Tội vi phạm các quy định về sử dụng vũ khí được thay bằng tội vi phạm các quy định về sử dụng vũ khí quân dụng; Tội huỷ hoại vũ khí, phương tiện kỹ thuật quân sự được thay bằng tội huỷ hoại vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự; Tội làm mất hoặc vô ý làm hư hỏng vũ khí, phương tiện kỹ thuật quân sự được thay bằng tội làm mất hoặc vô ý làm hư hỏng vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự.
- Thứ hai, “gây hậu quả rất nghiêm trọng” được bổ sung làm tình tiết tăng nặng định khung hình phạt của tội vi phạm các quy định về sử dụng vũ khí quân dụng và tội làm mất hoặc vô ý làm hư hỏng vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự.
- Thứ ba, tội huỷ hoại vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự được chia thành bốn khung hình phạt thay cho hai khung hình phạt quy định ở tội huỷ hoại vũ khí, phương tiện kỹ thuật quân sự.
Nghiên cứu quy định của Bộ luật hình sự về các tội xâm phạm chế độ, quy tắc bảo quản, sử dụng vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự, chúng tôi thấy:
- Về đối tượng tác động, thì tại khoản 1 Điều 333 Bộ luật hình sự chỉ quy định đối tượng tác động của tội vi phạm các quy định về sử dụng vũ khí quân dụng là vũ khí quân dụng. Vậy, “chất nổ - bao gồm các loại thuốc nổ và phụ kiện gây nổ (kíp nổ, ngòi nổ, dây nổ...” được dùng cho cả mục đích quốc phòng - an ninh, sản xuất công nghiệp và các mục đích dân dụng khác có phải là đối tượng tác động của tội vi phạm các quy định về sử dụng vũ khí quân dụng hay không? Để biết chất nổ có phải là vũ khí quân dụng hay không phải căn cứ vào mục đích của việc sử dụng chất nổ. Bởi vì, theo qui định tại điểm a Điều 1 Quy chế quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ ban hành kèm