Các Tội Xâm Phạm Quan Hệ Đoàn Kết Nội Bộ Quân Đội


Theo quy định của Bộ luật hình sự, thì chỉ có tội chấp hành không nghiêm chỉnh mệnh lệnh được mô tả trong điều luật; tội chống mệnh lệnh và tội cản trở đồng đội thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm chỉ được nêu tên tội danh mà không mô tả hành vi khách quan. Nghiên cứu quy định của Bộ luật hình sự về các tội xâm phạm quan hệ chỉ huy, phục tùng, chúng tôi thấy:

- Với quy định về tên tội danh và mô tả trong điều luật, thì đối tượng tác động của tội chống mệnh lệnh và tội chấp hành không nghiêm chỉnh mệnh lệnh là “mệnh lệnh” của người chỉ huy hoặc cấp trên có thẩm quyền. Theo hướng dẫn của cấp có thẩm quyền, thì “Mệnh lệnh” là lệnh của người chỉ huy trực tiếp hoặc cấp trên có thẩm quyền được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng tín hiệu lệnh và bắt buộc cấp dưới phải chấp hành [61, tr. 6]. Vậy, chỉ thị của người chỉ huy hoặc cấp trên có phải là đối tượng tác động của các tội phạm này hay không? Hành vi chống lại hoặc chấp hành không nghiêm chỉnh chỉ thị của người chỉ huy hoặc cấp trên có bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội phạm này?

Theo quy định của Điều lệnh quản lý bộ đội, thì “mệnh lệnh” và “chỉ thị” của người chỉ huy hoặc cấp trên là hai khái niệm khác nhau. Cho nên, mới quy định nghĩa vụ của quân nhân là phải “tuyệt đối phục tùng lãnh đạo, chỉ huy, chấp hành nghiêm mệnh lệnh, chỉ thị của cấp trên... [2, tr. 14].” Xét về nội dung và yêu cầu, thì mệnh lệnh và chỉ thị của người chỉ huy trực tiếp hoặc cấp trên có thẩm quyền đều có tính bắt buộc cấp dưới phải thi hành. Nhưng về hình thức pháp lý, thì chỉ thị của cấp trên chưa chắc đã phải là mệnh lệnh như chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (là văn bản quản lý hành chính) nên không chỉ bắt buộc đối với các đơn vị quân đội, mọi quân nhân mà cả những người không phải là quân nhân nhưng có liên quan. Ví dụ: Chỉ thị về việc tuyển quân hàng năm là văn bản có giá trị bắt buộc không chỉ đối với những quân nhân làm nhiệm vụ tuyển quân mà còn có giá trị bắt buộc


với Hội đồng nghĩa vụ quân sự địa phương và thanh niên trong độ tuổi làm nghĩa vụ quân sự. Có những chỉ thị chỉ có giá trị bắt buộc đối với một nhóm quân nhân (là thủ trưởng các đơn vị quân đội) như “Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về việc cấm không cho bộ đội đi làm kinh tế...” Chúng tôi cho rằng, chỉ thị của cấp trên có thẩm quyền cũng là đối tượng tác động của tội chống mệnh lệnh và tội chấp hành không nghiêm chỉnh mệnh lệnh. Việc quy định đối tượng tác động của các tội phạm quy định tại các Điều 316, 317 Bộ luật hình sự chỉ là “mệnh lệnh” là chưa chính xác mà phải là “mệnh lệnh, quyết định và chỉ thị của người chỉ huy và cấp trên có thẩm quyền” mới đúng.

- Tội chống mệnh lệnh là hành vi công khai từ chối chấp hành mệnh lệnh hoặc cố ý không thực hiện mệnh lệnh của người chỉ huy trực tiếp hoặc cấp trên có thẩm quyền. Mặt khách quan của tội chống mệnh lệnh thể hiện bởi hành vi: công khai từ chối chấp hành mệnh lệnh; cố ý không thực hiện mệnh lệnh được giao. Hai hành vi này tuy có điểm chung là hành vi được thực hiện một cách cố ý nhưng có sự khác nhau về hình thức biểu hiện. Hành vi công khai từ chối chấp hành mệnh lệnh thể hiện ở việc người nhận mệnh lệnh công khai từ chối hoặc có hành vi khác làm cho người giao mệnh lệnh biết ngay là mệnh lệnh của mình sẽ không được thực hiện. Còn hành vi cố ý không thực hiện mệnh lệnh được biểu hiện dưới dạng: không thực hiện những hành động được quy định trong mệnh lệnh; thực hiện những hành vi mà mệnh lệnh cấm; thực hiện mệnh lệnh không chính xác về mặt thời gian, địa điểm hoặc tính chất của hành động được ghi trong mệnh lệnh. Cho nên, mặc dù mệnh lệnh không được thực hiện nhưng người giao mệnh lệnh không biết, thậm chí còn tin là mệnh lệnh của mình sẽ được thực hiện như GS.TS. Axmetsina X.M khẳng định [99, tr.14]. Việc tại Điều 316 Bộ luật hình sự chỉ quy định “Người nào chống mệnh lệnh của người chỉ huy trực tiếp hoặc của cấp trên có thẩm quyền, thì bị phạt...” mà không mô tả hành vi chống mệnh lệnh là gì, theo


chúng tôi là chưa chặt chẽ về kỹ thuật lập pháp, chưa khắc phục được bất cập tại Điều 250 Bộ luật hình sự năm 1985 cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện.

Tại khoản 3 Điều 316 và khoản 2 Điều 317 Bộ luật hình sự còn quy định một tình tiết tăng nặng định khung hình phạt “phạm tội trong trường hợp đặc biệt khác” bên cạnh các tình tiết “phạm tội trong chiến đấu, trong khu vực có chiến sự, gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”. Theo chúng tôi, thì “phạm tội trong trường hợp đặc biệt khác” là tình tiết tăng nặng định khung hình phạt mới được quy định tại khoản 3 Đều 316 và khoản 2 Điều 317 Bộ luật hình sự để xử phạt đối với người phạm tội chống mệnh lệnh hoặc tội chấp hành không nghiêm chỉnh mệnh lệnh trong trường hợp đặc biệt và không phải là phạm tội trong chiến đấu, trong khu vực có chiến sự và gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng. Đây là một quy định mở có tính chất định tính mà chưa mang tính định lượng. Khi áp dụng tình tiết này cần phải đánh giá một cách toàn diện về thời gian, không gian, địa điểm thực hiện tội phạm cũng như hậu quả của nó. Đồng thời có so sánh để không nhầm lẫn với tình tiết phạm tội trong chiến đấu, trong khu vực có chiến sự, gây hậu quả rất nghiêm trọng, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng với tình tiết này. Có ý kiến cho rằng, “phạm tội trong trường hợp đặc biệt khác quy định tại các Điều 316, 317 Bộ luật hình sự là trường hợp chống mệnh lệnh hoặc chấp hành không nghiêm chỉnh mệnh lệnh khi đơn vị đang làm nhiệm vụ sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ phòng chống thiên tai, dịch bệnh hoặc tình trạng khẩn cấp khác [1, tr. 336]. Chúng tôi đồng tình với quan điểm nêu trên, nhưng để trở thành hướng dẫn có tính chất pháp lý, thì nội dung trên phải được thể hiện trong các văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật của cơ quan có thẩm quyền.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 224 trang tài liệu này.


- Tội chấp hành không nghiêm chỉnh mệnh lệnh thể hiện bởi các hành vi: chấp hành mệnh lệnh một cách lơ là; chấp hành mệnh lệnh chậm trễ; hoặc chấp hành mệnh lệnh một cách tuỳ tiện. Trong đó:

Các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn - 12

Chấp hành mệnh lệnh một cách lơ là là hành vi chấp hành mệnh lệnh một cách qua loa, đại khái, cốt chỉ để gọi là có chấp hành. Chấp hành mệnh lệnh một cách chậm trễ là thực hiện mệnh lệnh không đúng thời gian quy định. Còn chấp hành mệnh lệnh một cách tuỳ tiện là hành vi chấp hành mệnh lệnh không theo các quy định được nêu trong mệnh lệnh về thời gian, phương pháp tiến hành, thể hiện thái độ tuỳ tiện của người chấp hành mệnh lệnh. Cũng coi là chấp hành mệnh lệnh một cách tuỳ tiện trường hợp không thực hiện hết những nội dung nhiệm vụ hoặc thực hiện cả những công việc không thuộc nội dung được nêu trong mệnh lệnh, thậm chí thực hiện cả những công việc bị cấm không được làm. Theo quy định tại khoản 1 Điều 317 Bộ luật hình sự, thì các hành vi nêu trên chỉ bị coi là phạm tội khi: gây ra hậu quả nghiêm trọng; và giữa hành vi chấp hành không nghiêm mệnh lệnh với hậu quả đã xẩy ra phải có mối quan hệ nhân quả. Được gọi là có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi chấp hành không nghiêm mệnh lệnh với hậu quả đã xẩy ra khi: hành vi phạm tội là nguyên nhân trực tiếp gây ra hậu quả; và hậu quả phải do hành vi chấp hành không nghiêm chỉnh mệnh lệnh gây ra. Tội chấp hành không nghiêm chỉnh mệnh lệnh được hoàn thành từ khi gây ra hậu quả nghiêm trọng.

Thực tiễn áp dụng pháp luật cho thấy, rất khó phân biệt tội chấp hành không nghiêm chỉnh mệnh lệnh với tội chống mệnh lệnh dưới hình thức cố ý không thực hiện mệnh lệnh. Bởi lẽ, xét về mặt khách quan, thì hành vi cố ý không thực hiện mệnh lệnh cũng có thể là hành vi cố ý chấp hành mệnh lệnh một cách lơ là, chậm trễ, tuỳ tiện... Chính vì vậy mà Luật về trách nhiệm hình sự của các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân của Liên bang


Cộng hoã xã hội chủ nghĩa Xô viết từng quy định: tội chống mệnh lệnh (tại điểm a Điều 2) là hành vi “công khai từ chối chấp hành mệnh lệnh cũng như hành vi khác cố ý không thực hiện mệnh lệnh;”còn tội chấp hành không nghiêm chỉnh mệnh lệnh (tại điểm a Điều 3) là “hành vi không thực hiện mệnh lệnh không thuộc trường hợp quy định tại điểm a Điều 2 Luật này” [102, tr. 13]. Việc quy định một nhóm hành vi có thể biểu đạt cho cả hai hình thức lỗi thành hai tội phạm khác nhau sẽ làm cho việc nhận thức và áp dụng trong thực tiễn khó chính xác. Do vậy, Bộ luật hình sự Liên bang Nga đã hợp nhất hai tội phạm này thành một là tội không thi hành mệnh lệnh: “Người nào không thi hành mệnh lệnh được đưa ra đúng trình tự, thủ tục gây thiệt hại đáng kể cho việc phục vụ quân đội, thì bị phạt... [35, tr. 144]”. Cách quy định này cũng được thể hiện trong Bộ luật hình sự một số nước như Cộng hoà nhân dân Trung Hoa và Vương quốc Thuỵ Điển [15, tr. 67, 98, tr. 74-75].

Chúng tôi đồng tình với quan điểm của GS.TS. Nguyễn Ngọc Hoà cho rằng, để xác định lỗi của người phạm tội phải làm sáng tỏ hai vấn đề là: người phạm tội có thấy trước hậu quả của hành vi phạm tội đó không; nếu thấy trước thì họ có mong muốn, chấp nhận hay loại trừ khả năng hậu quả này xảy ra [24, tr. 106-107]. Cho nên, không thể cho rằng cần gộp hai tội là tội chống mệnh lệnh và tội chấp hành không nghiêm chỉnh mệnh lệnh vào làm một vì lý do để hai tội thì khó xác định lỗi của người phạm tội.

- Tội cản trở đồng đội thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm thể hiện bởi hành vi cản trở đồng đội thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm dưới dạng tạo ra những điều kiện, hoàn cảnh gây cản trở cho việc thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm của đồng đội; trực tiếp tác động đến đồng đội làm cho họ không thực hiện được nhiệm vụ của mình; hoặc đe doạ, ép buộc làm cho đồng đội không thực hiện được nhiệm vụ. Trong đó:


Tạo ra những điều kiện, hoàn cảnh gây cản trở cho việc thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm là hành vi cất dấu công cụ, phương tiện mà đồng đội sử dụng để thực hiện nhiệm vụ; hoặc tạo ra những khó khăn khác làm cho đồng đội không còn hoặc khó có khả năng hoàn thành nghĩa vụ, trách nhiệm của mình. Trực tiếp tác động đến người có nghĩa vụ, trách nhiệm là hành vi tác động bằng sức mạnh thể chất làm cho họ không thực hiện được nhiệm vụ của mình. Đe doạ, ép buộc đồng đội không thực hiện được nhiệm vụ là hành vi dùng lời nói đe doạ, ép buộc không cho đồng đội thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm của mình.

Như vậy, hành vi cản trở đồng đội thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm rất đa dạng. Cho nên, xét về mặt lô gích ngôn ngữ, thì tại khoản 1 Điều 318 Bộ luật hình sự dùng cụm từ “người nào cản trở đồng đội thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm, thì bị phạt ...” để mô tả mặt khách quan của tội phạm này là hợp lý và bao quát được các trường hợp phạm tội cản trở đồng đội thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm.

2.2.2. Các tội xâm phạm quan hệ đoàn kết nội bộ quân đội


Các tội xâm phạm quan hệ đoàn kết nội bộ quân đội bao gồm: tội làm nhục, hành hung người chỉ huy hoặc cấp trên, tội làm nhục hoặc dùng nhục hình đối với cấp dưới, tội làm nhục, hành hung đồng đội; được quy định tại các Điều 319, 320 và 321 Bộ luật hình sự. So với quy định của Bộ luật hình sự năm 1985, thì quy định của Bộ luật hình sự năm 1999 về các tội xâm phạm quan hệ đoàn kết nội bộ quân đội có một số điểm mới sau đây: hình phạt cải tạo ở đơn vị kỷ luật của quân đội được thay bằng hình phạt cải tạo không giam giữ; bỏ tình tiết định khung “phạm tội trong chiến đấu” đối với tội làm nhục, hành hung người chỉ huy hoặc cấp trên; quy định thêm hai tình tiết định khung hình phạt “phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng” “phạm tội gây


hậu quả đặc biệt nghiêm trọng” đối với cả ba tội xâm phạm quan hệ đoàn kết nội bộ quân đội.

Về mặt khách quan, thì các tội xâm phạm quan hệ đoàn kết nội bộ được thể hiện bởi các hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự; hành hung; dùng nhục hình. Trong đó: xúc phạm nhân phẩm, danh dự là hành vi khách quan của cả ba tội phạm thuộc nhóm này; hành hung là hành vi khách quan của các tội phạm quy định tại các Điều 319 và 321 Bộ luật hình sự; dùng nhục hình chỉ là hành vi thuộc mặt khách quan của tội phạm quy định tại Điều 320 Bộ luật hình sự. Về bản chất và theo giải thích của Từ điển luật học, thì “nhục hình” - là phương pháp tra tấn, gây đau đớn về thể xác người bị điều tra, xét hỏi hoặc bị giam giữ cải tạo như đánh đập, bắt nhịn đói, ăn cơm nhạt, không cho uống nước, bắt nằm lạnh.v.v...” [93, tr. 356]. Đây là khái niệm được dùng để chỉ hành động thuộc lĩnh vực tư pháp hình sự trái với quy định của pháp luật về điều tra, xét hỏi, cải tạo, giam giữ. Trong khi, dùng nhục hình đối với cấp dưới là hàng vi hành hung cấp dưới do người chỉ huy hoặc cấp trên thực hiện bằng cách lợi dụng chức vụ, quyền hạn [9, tr. 27]. Hoạt động quản lý, chỉ huy bộ đội là hoạt động quản lý hành chính quân sự. Như vậy, việc nhà làm luật sử dụng khái niệm “dùng nhục hình” để chỉ hành vi của người chỉ huy hoặc cấp trên hành hung cấp dưới là không chính xác về thuật ngữ.

Việc định tội danh đối với các hành vi nêu trên phục thuộc vào hoàn cảnh thực hiện hành vi và mối quan hệ quân nhân giữa người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội với người bị hại. Cụ thể [61, tr. 10-11]:

- Nếu giữa người thực hiện hành vi nêu trên với người bị hại có quan hệ công tác, thì hành vi làm nhục, hành hung bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục, hành hung chỉ huy hoặc cấp trên theo quy định tại Điều 319 Bộ luật hình sự khi người phạm tội là cấp dưới của người bị hại;


- Nếu người phạm tội là cấp trên của người bị hại, thì hành vi làm nhục, dùng nhục hình bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục hoặc dùng nhục hình đối với cấp dưới theo quy định tại Điều 320 Bộ luật hình sự;

- Nếu giữa người thực hiện hành vi nêu trên với người bị hại không có quan hệ công tác, thì hành vi làm nhục, hành hung bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục, hành hung đồng đội theo quy định tại Điều 321 Bộ luật hình sự.

Theo chúng tôi, thì việc quy định một loại hành vi nguy hiểm cho xã hội (làm nhục, hành hung) thành ba tội phạm khác nhau là không cần thiết, không bảo đảm sự bình đẳng trách nhiệm hình sự giữa các quân nhân, những người có nghĩa vụ, trách nhiệm như quân nhân và không bảo đảm thống nhất trong áp dụng pháp luật. Về kỹ thuật lập pháp, thì quy định tại các điều luật nêu trên cũng không thống nhất với quy định tại các Điều 8, Điều 20 Bộ luật hình sự “Tội phạm là hành vi...”và “Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm”. Xin nêu một ví dụ để chứng minh:

Nguyễn Văn A là Tiểu đội trưởng Tiểu đội 1 Trung đội 1. Khi Nguyễn Văn A đang thực hiện hành vi làm nhục, hành hung Tiểu đội trưởng Tiểu đội 2 thì Nguyễn Văn B là quân nhân thuộc Tiểu đội 2 đến bênh đồng hương và cùng với Nguyễn Văn A làm nhục, hành hung Tiểu đội trưởng Tiểu đội 2.

Trong trường hợp nêu trên, tuy Nguyễn Văn B chỉ là người đồng thực hành (hành vi làm nhục, hành hung) với Nguyễn Văn A nhưng mỗi người lại bị truy cứu trách nhiệm về một tội khác nhau. Nguyễn Văn A bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục, hành hung đồng đội theo quy định tại khoản 1 Điều 321 Bộ luật hình sự. Còn Nguyễn Văn B bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục, hành hung người chỉ huy theo quy định tại khoản 1 Điều 319 Bộ luật hình sự. Nguyễn Văn B có thể bị phạt nặng hơn

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 09/06/2022