Các tội phạm về khủng bố theo luật hình sự Việt Nam - 9


Nguyễn Thị Huệ, Huỳnh Bửu Châu, Lê Văn Minh từ Căm-pu-chia sang Thái Lan để bàn kế hoạch đưa chất nổ về Việt Nam phá hoại các ngày lễ lớn. Bọn chúng đã chọn địa điểm đặt chất nổ là những tụ điểm vui chơi của trẻ em. Cụ thể, tại thành phố Hồ Chí Minh: Thảo Cầm Viên, khu công viên trung tâm; tại thành phố Cần Thơ: bến Ninh Kiều, công viên, bưu điện, nhà thờ...

Tiếp đó, chúng còn cử hai tên Lê Thân và Nguyễn Thị Thu Thủy về tỉnh An Giang, chọn ngày giỗ cụ Huỳnh Phú Sổ (nguyên giáo chủ phật giáo Hòa Hảo) đến ném lựu đạn giết người hàng loạt. Ngày 25/3/1999, nhóm thứ nhất gồm Trần Thị Huê, Nguyễn Văn Phương đột nhập về nước qua cửa khẩu Mộc Bài để rải truyền đơn. Nhóm thứ hai gồm Nguyễn Văn Hùng, Nguyễn Văn Sinh, Nguyễn Văn Ty mang theo thuốc nổ về nước để kết hợp với nhóm thứ nhất gây nổ khu vực tượng đài Bác Hồ... Đêm 20/4/1999, qua tố giác của nhân dân, lực lượng công an đã tóm gọn bọn chúng cùng tang vật là nhiều khối thuốc nổ.

Khu vực Tây Nam Bộ, từ 21/3 đến 23/4/1999, Lê Kim Hùng chỉ đạo cho nhóm Trần Văn Đức, Huỳnh Bửu Lân về Việt Nam gây nổ tại nhiều trung tâm văn hóa. Chúng vừa qua cửa khẩu Mộc Bài thì đã được công an đón sẵn đưa vào trại giam. Nhóm khác gồm Sơn Tâm, Danh Hữu, mang 4 bánh thuốc nổ dự định cho nổ khu vực bến Ninh Kiều cũng bị bảo vệ phát hiện, ngăn chặn kịp thời.

Ngày 21/4/1999, do không thấy tiếng nổ của nhóm đột nhập TP HCM, Chăn Khiêu và Tô Văn Hồng quay về Việt Nam mang 4 bánh thuốc nổ để đánh bom Công viên Văn hóa Tao Đàn, nhưng bị tóm gọn. Điên cuồng vì kế hoạch gây nổ thất bại, bọn phản động lưu vong tiếp tục chỉ đạo Võ Sĩ Cường, Đinh Văn Hải xâm nhập về Việt Nam gây nổ. Khi đang chụp ảnh khảo sát địa hình, bọn chúng đã bị tóm. Kết quả giám định của Bộ Công an cho thấy, chất nổ mà bọn chúng dự định sử dụng có sức công phá rất lớn, trong phạm vi rộng.


b. Năm 2006, Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh xét xử đối tượng Nguyễn Thương Cúc và đồng bọn về tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân theo Điều 84 Bộ luật hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) với cùng mức án 1 năm 3 tháng tù giam, gồm: Nguyễn Thương Cúc (tức Foshee Thuong Nguyen, 58 tuổi, quốc tịch Việt Nam, Hoa Kỳ); Huỳnh Bích Liên (51 tuổi, quốc tịch Việt Nam, Hoa Kỳ); Cao Trí (35 tuổi, quốc tịch Việt Nam, định cư tại Hoa Kỳ); Lê Văn Bình (31 tuổi, quốc tịch Việt Nam, Hoa Kỳ); Trần Đạt Phương (65 tuổi, quốc tịch Việt Nam); Hồ Văn Giàu (59 tuổi, quốc tịch Việt Nam); Hồ Văn Hiền (38 tuổi, quốc tịch Việt Nam). Hội đồng xét xử áp dụng hình phạt bổ sung là trục xuất, buộc các bị cáo Nguyễn Thương Cúc, Huỳnh Bích Liên, Lê Văn Bình ra khỏi Việt Nam trong 10 ngày kể từ khi bản án có hiệu lực; giao cho chính quyền địa phương quản chế đối với các bị cáo còn lại trong 3 năm kể từ khi chấp hành xong hình phạt tù; tịch thu các tang vật gây án.

Tại phiên tòa, Nguyễn Thương Cúc và các bị cáo thừa nhận hành vi tham gia tổ chức của Nguyễn Hữu Chánh cũng như hành vi phạm tội của mình. Các bị cáo còn khai nhận tổ chức của Nguyễn Hữu Chánh đã từng đánh bom khủng bố tại Việt Nam và tại Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan, Phi-líp-pin.

Theo Hội đồng xét xử và cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, đây là vụ án khủng bố có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, xâm phạm đến an ninh quốc gia, có nhiều đối tượng tham gia gây án mà Nguyễn Hữu Chánh vừa là chủ mưu, vừa là người đứng đầu tổ chức khủng bố núp dưới cái gọi là “Chính phủ Việt Nam tự do”. Nguyễn Hữu Chánh đã tổ chức ra nhiều nhóm tham gia khác nhau thực hiện những nhiệm vụ khác nhau ở từng giai đoạn như đánh bom, rải truyền đơn kích động, tổ chức đưa các thiết bị chèn phá sóng..nhưng đều nhằm mục đích là khủng bố. Đầu năm 2005, Nguyễn Hữu


Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 111 trang tài liệu này.

Chánh đã giao cho Nguyễn Thương Cúc (Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách kinh tài của cái gọi là “Chính phủ Việt Nam tự do”) về Campuchia để mở văn phòng đại diện núp dưới danh nghĩa của tổ chức từ thiện USIM, rồi đưa các tên La Thanh Nguyên, Mai, Thiện, Sơn, Nam, Trung, Huỳnh Bích Liên, Cao Trí, Lê Văn Bình về Căm-pu-chia và Việt Nam phối hợp việc chèn phá sóng Đài tiếng nói Việt Nam và các đài phát thanh địa phương để hòng kêu gọi chống chính quyền. Bọn chúng đã lô kéo nhiều thêm nhiều đồng bọn tham gia việc huấn luyện sử dụng, lắp ráp máy móc thiết bị để chèn phá sóng. Chúng đưa vào Việt Nam cất giấu 14 máy phát thanh, 5 máy phát điện. Hành vi phạm tội của các bị cáo được thực hiện trong một thời gian dài. Với ý thức chống đối Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nguyễn Hữu Chánh và đồng phạm không từ bất cứ thủ đoạn nào, kể cả đánh bom và xâm phạm tính mạng của cán bộ, công chức và thường dân; hậu quả chưa xảy ra là do bị các cơ quan chức năng phát hiện, ngăn chặn kịp thời. Do chưa bắt được bắt được Nguyễn Hữu Chánh nên Bộ Công an tiếp tục ra quyết định truy nã quốc tế đối với y theo quy định của pháp luật.

c. Năm 2008, Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh xét xử vụ án Nguyễn Quốc Quân và đồng bọn về tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân theo Điều 84 Bộ luật hình sự. Nguyễn Quốc Quân và đồng bọn là thành viên tổ chức khủng bố lưu vong với tên gọi “Đảng Việt Tân” do Nguyễn Kim là Chủ tịch. Đầu năm 2007, sau nhiều ngày họp hành, bàn bạc, bọn cầm đầu Việt Tân cho ra đời một kế hoạch mà chúng đặt tên là "Kế hoạch sang sông". Nội dung của kế hoạch này gồm việc cử người về Việt Nam dưới hình thức thăm thân nhân, du lịch hoặc tìm kiếm cơ hội đầu tư rồi thông qua đó, chụp ảnh, vẽ sơ đồ, tìm hiểu quy luật làm việc của những cơ quan trọng yếu của Nhà nước Việt Nam (mà nhóm Mai Hữu Bảo, Nguyễn Thị Xuân Trang, Nguyễn Tấn Anh đã bị bắt quả tang khi đang chụp ảnh Cơ quan Bộ

Các tội phạm về khủng bố theo luật hình sự Việt Nam - 9


Công an phía Nam vào ngày 3/4/2008 là một điển hình), đồng thời cử người xâm nhập trái phép qua ngả biên giới Việt Nam - Campuchia, tổ chức các trạm giao liên, các chỗ trú chân để hình thành một đường dây đưa người, vũ khí, chất nổ vào Việt Nam tiến hành khủng bố.

Một trong những thành viên được bọn cầm đầu Việt Tân điều sang thực hiện "Kế hoạch sang sông" chính là Nguyễn Quốc Quân. Tháng 10/2007, sau khi trực tiếp soạn thảo truyền đơn để đưa về Việt Nam tán phát, Nguyễn Quốc Quân đã xâm nhập Việt Nam trái phép theo lối mòn của dân buôn thuốc lá lậu ở khu vực cửa khẩu Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh, rồi tìm hiểu đường đi lối lại, từ Mộc Bài về thành phố Hồ Chí Minh.

Đầu tháng 11/2007, Nguyễn Quốc Quân quay về Mỹ, báo cáo cho bọn cầm đầu Việt Tân biết kết quả của chuyến xâm nhập. Ngày 9/11/2007, Quân từ Mỹ sang Thái Lan, gặp Nguyễn Hải (tức Khunmi Somsak, Nguyễn Quang Phục) rồi cùng Hải đi Campuchia. Tại đây, Quân được Nguyễn Ngọc Đức, là "trung ương ủy viên Việt Tân" giao cho 2 điện thoại di động số Campuchia, 3 simcard số Việt Nam cùng một chứng minh nhân dân Campuchia giả mạo, mang tên Ly Seng.

Thời điểm này, Nguyễn Thị Thanh Vân, Trương Văn Sĩ (tức Trương Leon), theo chỉ đạo của bọn Việt Tân, cũng đã nhập cảnh Việt Nam dưới vỏ bọc thăm thân nhân, để cùng phối hợp với Nguyễn Quốc Quân tiến hành âm mưu khủng bố.

Ngày 17/11/2007, lần lượt Nguyễn Thị Thanh Vân, Trương Văn Sĩ, Nguyễn Hải đến nhà Nguyễn Thế Vũ. Trước đó, theo chỉ đạo của Nguyễn Đức Thuận - thành viên Việt Tân ở Oslo, Na Uy, Vũ đã thu thập danh sách và địa chỉ của hơn 40 công ty và 7.000 địa chỉ cá nhân ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Tại nhà Vũ, căn cứ vào những địa chỉ mà Nguyễn Thế Vũ cung cấp, cả bọn cho truyền đơn vào phong bì rồi cắt, dán tên người nhận. Nội dung


truyền đơn kêu gọi người dân đứng lên vũ trang bạo loạn, kêu gọi công nhân đình công, gây bất ổn trong xã hội, kêu gọi gia nhập tổ chức Việt Tân rồi nương theo đó, Việt Tân sẽ lật đổ chính quyền. Tuy nhiên, khi cả bọn đang tiến hành cắt dán thì bị Cơ quan An ninh Việt Nam bắt quả tang.

Sau khi bị bắt, Nguyễn Quốc Quân đã thành khẩn khai báo về tổ chức khủng bố Việt Tân và kế hoạch xâm nhập Việt Nam là để kiểm tra đường dây bất hợp pháp làm cơ sở cho những lực lượng về sau này. Bên cạnh đó, ông ta còn khai rõ về "kế hoạch Đông tiến 07", "ban phát triển quốc nội", "nhóm công tác C21", cũng như tên tuổi, chức vụ của từng đồng bọn trong tổ chức Việt Tân. Ngày ra tòa, căn cứ theo luật pháp Việt Nam, tòa đã tuyên phạt Nguyễn Quốc Quân 6 tháng tù giam, trục xuất về Mỹ sau khi hết hạn tù, Nguyễn Hải 9 tháng tù giam, quản chế 3 năm tại địa phương (tỉnh Khánh Hòa) sau khi hết hạn tù, và Nguyễn Thế Vũ 5 tháng 26 ngày tù giam, 1 năm quản chế...

Sau lần bị bắt thứ nhất, và mặc dù đã viết đơn nhìn nhận tội lỗi đồng thời xin được khoan hồng nhưng khi trở về Mỹ, Nguyễn Quốc Quân vẫn không từ bỏ ý định chống phá, lật đổ Nhà nước Việt Nam. Trên trang web của tổ chức khủng bố Việt Tân, Nguyễn Quốc Quân qua nhiều bài viết, đã công khai bộc lộ ý đồ này. Từ cuối năm 2008 đến 2011, Nguyễn Quốc Quân thường xuyên sang Malaysia, Thái Lan để huấn luyện cho các thành viên "Việt Tân" về kỹ năng bảo mật thông tin và phương pháp đấu tranh bất bạo động tại Việt Nam.

Ngày 17/4/2012, Bộ Công an đã bắt giữ Nguyễn Quốc Quân tại Cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. Để thực hiện ý đồ xâm nhập Việt Nam hoạt động khủng bố, Nguyễn Quốc Quân nhập cảnh với tên gọi khác là Nguyễn Richat, hộ chiếu 469267405, trú tại số 8276, Oakbark, Ct ElkGrove CA 95785, Hoa Kỳ. Qua công tác điều tra, Bộ Công an xác định Nguyễn


Quốc Quân âm mưu nhập cảnh Việt Nam nhằm thực hiện ý đồ của tổ chức khủng bố Việt Tân, thực hiện kế hoạch kích động biểu tình, khủng bố nhằm phá hoai lễ kỷ niệm 30/4 và 01/5/2012 tại thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố lớn trong cả nước. Hành vi của Nguyễn Quốc Quân đã phạm vào tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân quy định tại Điều 84 Bộ luật hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009). Sau khi Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tiến hành bắt tạm giam Nguyễn Quốc Quân để điều tra, Nguyễn Quốc Quân thi hành lệnh, thành khẩn khai báo, cộng tác với cơ quan điều tra, thừa nhận hành vi phạm tội của bản thân và đồng bọn.

d. Năm 2011, Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã xét xử Nguyễn Thị Thu Thảo về tội khủng bố theo Điều 230a Bộ luật hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009). Trong tháng 5/2010, Nguyễn Thị Thu Thảo liên tiếp gửi tin nhắn đe dọa khủng bố bệnh viện Gia Định (thành phố Hồ Chí Minh) và yêu cầu bệnh viện phải nộp cho đối tượng 100 triệu đồng. Qua công tác điều tra, xác minh, Công an quận Bình Thạnh đủ cơ sở kết luận Nguyễn Thị Thu Thảo phạm tội khủng bố. Trên cơ sở kết quả điều tra và đề nghị truy tố của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh xét xử đối tượng 04 năm, 06 tháng tù giam.

e. Năm 2011, Tòa án nhân dân huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương đã xét xử đối tượng Phạm Văn Lâm và Phạm Mạnh Hùng về tội khủng bố theo Điều 230a Bộ luật hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009). Ngày 17/4/2010, Lâm và Hùng đặt bom gây nổ bằng mìn tự tạo tại nhà riêng đồng chí Đỗ Văn Công, Bí thư khối Dân chính Đảng tỉnh Bình Dương. Sau khi thực hiện thành công vụ nổ tại nhà riêng đồng chí Công, các đối tượng mang 16 quả mìn tự tạo, âm mưu tiếp tục gây nổ tại các điểm kinh doanh karaoke tại tỉnh Bình Dương. Tuy nhiên, với tinh thần khẩn trương điều tra quyết liệt,


Cục chống khủng bố và Công an tỉnh Bình Dương đã ngăn chặn kịp thời âm mưu gây nổ và bắt giữ, xử lý các đối tượng trước pháp luật.

Từ năm 2010 đến nay, các vụ khủng bố bị điều tra, truy tố, xét xử ở nước ta là không nhiều. Tuy nhiên, theo các cơ quan chức năng, nguy cơ khủng bố là có khả năng xảy ra trên thực tế trong thời gian tới là lớn. Vì vậy, cần nỗ lực hơn nữa trong công tác đấu tranh phòng, chống khủng bố. Trong đó, việc hoàn thiện các quy định của pháp luật về các tội khủng bố là cần thiết


Kết luận Chương 2


Bộ luật hình sự Việt Nam quy định 03 tội danh khủng bố gồm tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân (Điều 84), tội khủng bố (Điều 230a), tội tài trợ cho khủng bố (Điều 230b). Các điều quy định về chủ thể, hành vi, đối tượng, mục đích của tội phạm và hình phạt áp dụng đối với người thực hiện hành vi khủng bố. Nhìn chung các điều luật đã thể hiện được tính chất nguy hiểm của hành vi khủng bố và có thể thấy rằng mức hình phạt áp dụng đối với các tội phạm khủng bố là rất cao. Điều đó thể hiện quan điểm của Nhà nước ta là kiên quyết đấu tranh phòng, chống tội phạm khủng bố.

Thực tiễn cho thấy, từ năm 2000 đến nay, các vụ khủng bố xảy ra không nhiều. Tuy nhiên, đó đều là những vụ án hình sự rất nghiêm trọng, gây ảnh hưởng xấu đến nhiều mặt của đời sống xã hội, đặc biệt là hòa bình và ổn định của đất nước . Vì vậy, công tác đấu tranh phòng, chống khủng bố luôn được Đảng và Nhà nước ta chú trọng, quan tâm. Điều này đòi hỏi cần đẩy mạnh và tăng cường nhiều biện pháp đồng bộ để phòng, chống khủng bố, mà trước hết là có cơ sở pháp lý vững chắc. Mặc dù Bộ luật hình sự Việt Nam quy định về 03 tội danh khủng bố, tuy nhiên còn một số những vướng mắc, bất cập trong việc áp dụng các quy định này cần được các nhà làm luật nghiên cứu sửa đổi, bổ sung. Chương 3 của luận văn, tác giả trình bày một số biện pháp góp phần nâng cao hiệu quả áp dụng các quy định về tội phạm khủng bố ở nước ta trong tình hình hiện nay.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 08/11/2023