Phân Biệt Các Tội Phạm Trong Lĩnh Vực Quản Lý Và Sử Dụng Đất Đai Với Một Số Tội Khác Trong Bộ Luật Hình Sự Năm 1999

- Tự ý chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, thế chấp, bảo lãnh, góp vốn bằng quyền sử dụng đất đối với đất không đủ điều kiện (Điều 13);

- Nhận chuyển quyền sử dụng đất nhưng không đủ điều kiện nhận chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai (Điều 14);

- Không đăng ký quyền sử dụng đất lần đầu, không đăng ký biến động quyền sử dụng đất, đăng ký không đúng loại đất, không đăng ký khi chuyển mục đích sử dụng đất, không đăng ký gia hạn sử dụng đất khi hết hạn sử dụng đất mà đang sử dụng đất (Điều 15);

- Gây cản trở trong việc Nhà nước giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng (Điều 16);

- Không trả lại đất đúng thời hạn theo quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (Điều 17);

- Tự tiện di chuyển, làm sai lệch, hư hỏng mốc chỉ giới quy hoạch sử dụng đất, mốc chỉ giới hành lang an toàn của công trình, mốc địa giới hành chính (Điều 18);

- Làm sai lệch các giấy tờ, chứng từ trong việc sử dụng đất (Điều 19);

- Chậm đưa đất vào sử dụng theo quy định của pháp luật về đất đai (Điều 20);

- Chậm hoặc không cung cấp thông tin, giấy tờ, tài liệu có liên quan đến việc thanh tra, kiểm tra; cản trở việc thanh tra, kiểm tra về đất đai (Điều 21).

Về thời hạn để được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính: Theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính, thời hạn đó được xác định là: "trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt cảnh cáo hoặc 01 năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt hành chính khác hoặc từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính mà không tái phạm" [55, Khoản 1 Điều 7].

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 136 trang tài liệu này.

Việc chấp hành quyết định xử phạt hành chính được coi là "xong", được tính kể từ thời điểm chấp hành xong toàn bộ nghĩa vụ, yêu cầu ghi trong quyết định hoặc từ ngày quyết định được cưỡng chế thi hành. Về thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, đó là "một năm, kể từ ngày ra quyết định... Trong trường hợp cá nhân… bị xử phạt cố tình trốn tránh, trì hoãn thì thời hiệu nói trên được tính kể từ thời điểm chấm dứt hành vi trốn tránh, trì hoãn" [55, Điều 74].

Từ những quy định trên, dấu hiệu "đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm" được hiểu là: một người bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sử dụng đất đai về một trong các hành vi quy định từ Điều 8 đến Điều 21 của Nghị định số 105/2009/NĐ-CP, nếu từ ngày quyết định xử phạt được ban hành cho đến hết thời hạn 06 tháng kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt cảnh cáo hoặc 01 năm kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt hành chính khác, ngày quyết định xử phạt được cưỡng chế thi hành hoặc ngày hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, mà tiếp tục thực hiện một trong các hành vi vi phạm trên thì được coi là "đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm". Hành vi đó bị coi là tội phạm và người thực hiện hành vi bị truy cứu TNHS theo khoản 1 Điều 173 BLHS.

Các tội phạm trong lĩnh vực quản lý và sử dụng đất đai trong Luật Hình sự Việt Nam Trên cơ sở nghiên cứu thực tiễn trên địa bàn thành phố Hà Nội - 10

* Về dấu hiệu "đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm"

Dưới góc độ khoa học luật hình sự, án tích được hiểu là tình trạng pháp lý của người đã bị kết án và áp dụng hình phạt về tội phạm nhất định. Nói cách khác, khi người phạm tội đã bị Tòa án tuyên hình phạt thì hậu quả pháp lý mà họ phải gánh chịu không chỉ là việc phải chấp hành hình phạt đó mà còn bị coi là có án tích - đặc điểm xấu về nhân thân, bất lợi cho người có đặc điểm đó trong nhiều hoạt động của đời sống xã hội (được ghi và lưu lại trong lý lịch tư pháp trong thời gian nhất định) cũng như khi có hành vi vi phạm pháp luật hoặc phạm tội mới.

Án tích không phải là đặc điểm về nhân thân có tính vĩnh viễn. Sau một thời gian và kèm theo điều kiện cụ thể quy định trong luật, án tích sẽ được xóa. Với việc được xóa án tích, người đã bị kết án được coi như chưa phạm tội và như vậy, sẽ không còn cơ sở để xác định tái phạm hay tái phạm nguy hiểu nếu họ phạm tội mới.

Như vậy, bên cạnh các tình tiết xấu về nhân thân như: đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm, thì tình tiết có án tích (đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm) cũng được các nhà lập pháp hình sự nước ta quy định là tình tiết định tội độc lập hoặc là tình tiết định tội thay thế cho tình tiết "hậu quả nguy hiểm cho xã hội" ở nhiều tội danh. Tội Vi phạm các quy định về sử dụng đất đai là một trong nhiều tội danh có đặc điểm như thế.

Cùng với hai dấu hiệu "gây hậu quả nghiêm trọng" và "đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm", "đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm" cũng được xác định là tình tiết (dấu hiệu) định tội của tội Vi phạm các quy định về sử dụng đất đai. Nghĩa là, người thực hiện hành vi vi phạm các quy định về sử dụng đất đai, nếu không thuộc trường hợp "gây hậu quả nghiêm trọng" hoặc "đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm" mà thuộc trường hợp "đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm", thì hành vi đó được xác định là tội phạm và người đã thực hiện hành vi phải chịu TNHS theo quy định tại khoản 1 Điều 173 BLHS.

Theo hướng dẫn của Hội đồng thẩm phán TANDTC, "đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm" được hiểu là "trước đó một người đã bị kết án về một tội, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện một trong những hành vi được liệt kê trong tội đó" [62, Mục 7.1]. Đối với tội Vi phạm các quy định về sử dụng đất đai, nếu một người trước đó đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà lại tiếp tục thực hiện một trong những hành vi: lấn chiếm đất, chuyển quyền sử dụng đất, sử dụng đất trái với các quy định

của Nhà nước về quản lý và sử dụng đất đai, thì phải chịu TNHS đối với hành vi vi phạm ở lần sau. Trong trường hợp này, CTTP của tội Vi phạm các quy định về sử dụng đất đai là CTTP hình thức.

Tuy nhiên, nếu hành vi của người vi phạm các quy định về sử dụng đất đai đã đủ yếu tố CTTP do đã "gây hậu quả nghiêm trọng" hoặc "đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm" thì tiền án của người đó không được xem xét là dấu hiệu CTTP "đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm" mà phải tính để xác định là tình tiết tăng nặng TNHS "tái phạm, tái phạm nguy hiểm" theo quy định tại điểm g khoản 1 Điều 48 BLHS.

Nếu người thực hiện hành vi tuy có vi phạm nhưng tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội không đáng kể, không gây hậu quả nghiêm trọng, chưa bị xử phạt hành chính (hoặc đã từng bị xử phạt, nhưng đã qua thời hạn để được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính) về hành vi này, cũng như chưa bị kết án (hoặc đã từng bị kết án, nhưng đã được xóa án tích) về tội này, thì không bị truy cứu TNHS, hành vi đó không phải là tội phạm.

* Vấn đề thời điểm hoàn thành của tội phạm

Đối với tội Vi phạm các quy định về sử dụng đất đai, thời điểm hoàn thành của tội phạm được xác định là khi "hậu quả nghiêm trọng" đã xảy ra hoặc ngay sau khi hành vi vi phạm được thực hiện nếu người thực hiện hành vi đó thuộc trường hợp "đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm" hoặc "đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm".

Như vậy, tội phạm vi phạm các quy định về sử dụng đất đai vừa có cấu thành hình thức, vừa có cấu thành vật chất. Tùy thuộc vào thời điểm thực hiện hành vi khách quan, hậu quả của hành vi phạm tội gây ra và đặc điểm nhân thân xấu của người phạm tội mà xác định thời điểm hoàn thành của tội phạm khác nhau; làm cơ sở để đánh giá tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi vi phạm và lượng hình khi kết án người phạm tội.

c) Về chủ thể của tội phạm

Chủ thể của tội phạm vi phạm các quy định về sử dụng đất đai là chủ thể thường, tức là người có năng lực TNHS và đủ tuổi chịu TNHS.

Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi không phải chịu TNHS về tội Vi phạm các quy định về sử dụng đất đai, vì các trường hợp vi phạm trong tội này là tội phạm ít nghiêm trọng (khoản 1) và tội phạm nghiêm trọng (khoản 2). Do vậy, chỉ những người từ đủ 16 tuổi trở lên mới phải chịu TNHS về tội phạm quy định tại Điều 173 BLHS.

d) Mặt chủ quan của tội phạm

Ở tội Vi phạm các quy định về sử dụng đất đai, tội phạm chỉ được thực hiện bởi lỗi cố ý (với hai hình thức lỗi cố ý trực tiếp và cố ý gián tiếp). Với hình thức lỗi cố ý trực tiếp, người phạm tội nhận thức rõ hành vi vi phạm các quy định về sử dụng đất đai của mình là nguy hiểm cho xã hội, bị pháp luật cấm, thấy trước hậu quả của hành vi đó nhưng vẫn cố tình thực hiện. Còn trong hình thức lỗi cố ý gián tiếp, người phạm tội cũng nhận thức được hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.

Bản thân người phạm tội, ngay từ khi nảy sinh ý định phạm tội, đã nhận thức được những thiệt hại về kinh tế của Nhà nước, tổ chức và công dân có thể hoặc tất yếu sẽ xảy ra. Họ cũng nhận thức được hành vi của mình là đang trực tiếp xâm hại đến hoạt động đúng đắn của các cơ quan nhà nước trong lĩnh vực quản lý và sử dụng đất đai. Tuy nhiên, người phạm tội vẫn cố tình thực hiện hành vi vi phạm vì động cơ và nhằm đạt được mục đích của mình.

2.2.2. Hình phạt

Căn cứ vào tính chất, mức độ và cơ cấu của tội phạm, nhà làm luật chia tội phạm ở Điều 173 BLHS thành ba khoản, trong đó hai khoản tương ứng với hai khung hình phạt và một khoản quy định việc áp dụng hình phạt bổ sung.

a) Về hình phạt quy định tại khoản 1 Điều 173 BLHS

Trường hợp phạm tội quy định tại khoản 1 Điều 173 BLHS là cấu thành cơ bản của tội Vi phạm các quy định về sử dụng đất đai. Người phạm tội nếu thuộc một trong các trường hợp: gây hậu quả nghiêm trọng, đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

Hình phạt quy định và áp dụng đối với người phạm tội gồm ba loại: phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm. Đây là tội phạm ít nghiêm trọng. Do đó, người có hành vi phạm tội chỉ phải chịu TNHS nếu đủ 16 tuổi trở lên.

b) Về hình phạt quy định tại khoản 2 Điều 173 BLHS

Đánh giá về đặc điểm, tính chất các tình tiết tăng nặng định khung hình phạt, nhận thấy:

Thứ nhất, về tình tiết phạm tội "có tổ chức".

Đây là trường hợp có nhiều người cùng tham gia phạm tội Vi phạm các quy định về sử dụng đất đai. Giữa họ có sự bàn bạc, tính toán, vạch ra kế hoạch, phân công vai trò, nhiệm vụ chi tiết, cụ thể cho từng thành viên để thực hiện tội phạm, đặt dưới sự điều khiển thống nhất của người cầm đầu.

Thực trạng tội phạm vi phạm các quy định về sử dụng đất đai trong những năm gần đây diễn ra với nhiều thủ đoạn hết sức tinh vi, xảo quyệt, thậm chí có sự cấu kết, móc nối với những người có địa vị, chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan nhà nước. Kèm theo hành vi vi phạm của người sử dụng đất là hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng hoặc lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ của người có thẩm quyền hoặc hành vi đưa và nhận hối lộ của các bên.

Thứ hai, về tình tiết "phạm tội nhiều lần".

Dưới góc độ khoa học luật hình sự, TSKH. PGS. Lê Văn Cảm đưa ra khái niệm phạm tội nhiều lần là "phạm từ hai tội trở lên mà những tội ấy được quy

định tại cùng một điều (hoặc tại cùng một khoản của điều) tương ứng trong Phần riêng Bộ luật hình sự, đồng thời đối với những tội ấy vẫn còn thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự và người phạm tội vẫn chưa bị xét xử" [5, tr. 391].

Hiện nay, chưa có hướng dẫn cụ thể về tình tiết "phạm tội nhiều lần" trong tội phạm quy định tại Điều 173 BLHS 1999. Tuy nhiên, chúng ta có thể vận dụng hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 01/1998/TTLT-TANDTC- VKSNDTC-BNV ngày 02/01/1998 của TANDTC, VKSNDTC và Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLHS sửa đổi ngày 10/5/1997. Theo đó, có thể hiểu bị coi là phạm tội nhiều lần trong tội vi phạm các quy định về sử dụng đất đai, nếu có từ hai lần vi phạm trở lên và mỗi lần vi phạm đều đủ các yếu tố CTTP cơ bản, không phụ thuộc vào khoảng cách thời gian từ lần phạm tội trước tới lần phạm tội sau. Tuy nhiên, chỉ bị coi là phạm tội nhiều lần nếu tất cả những lần phạm tội đó vẫn còn thời hiệu truy cứu TNHS, người phạm tội chưa bị xét xử lần nào và phải bị đưa ra xét xử trong cùng một lần. Nếu trong các lần phạm tội đó đã có lần bị đưa ra xét xử hoặc đã hết thời hiệu truy cứu TNHS thì không được tính để xác định là phạm tội nhiều lần theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 173 BLHS.

Thứ ba, về tình tiết phạm tội "gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng".

Cũng giống như tình tiết "gây hậu quả nghiêm trọng" quy định tại khoản 1 của Điều luật này, hiện nay, chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể người phạm tội gây thiệt hại với tính chất, mức độ như thế nào thì được coi là gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng (?) (Mặc dù chúng ta có thể vận dụng Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC- BCA-BTP để đánh giá các tình tiết về hậu quả của tội phạm giống như tội phạm quy định tại Điều 174 BLHS. Song, như vậy sẽ không chính xác, dễ dẫn đến sự tùy tiện mang tính chủ quan trong đánh giá tính chất, mức độ của tội phạm của Tòa án khi xét xử). Làm rõ vấn đề này đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc giải quyết các vụ án vi phạm các quy định về sử dụng

đất đai, góp phần đảm bảo việc xử lý tội phạm được kịp thời, chính xác, khách quan, công bằng, đúng pháp luật.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 173 BLHS thì người phạm tội bị "phạt tiền từ ba mươi triệu đồng đến một trăm triệu đồng hoặc phạt tù từ hai năm đến bảy năm". Điều này khẳng định, các tội phạm nói ở đây là tội phạm nghiêm trọng. Do đó, chỉ người nào từ đủ 16 tuổi trở lên mới có thể bị truy cứu TNHS về tội này.

c) Về hình phạt bổ sung quy định tại khoản 3 Điều 173 BLHS

Khoản 3 Điều 173 BLHS quy định ngoài hình phạt chính, người phạm tội còn có thể "bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến hai mươi triệu đồng". Đây là quy phạm tùy nghi, không phải là quy phạm bắt buộc. Nghĩa là, khi xét xử, Tòa án căn cứ vào tính chất, mức độ của tội phạm và nhân thân của người phạm tội để quyết định xem có cần thiết áp dụng hình phạt bổ sung đối với họ hay không.


2.3. PHÂN BIỆT CÁC TỘI PHẠM TRONG LĨNH VỰC QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG ĐẤT ĐAI VỚI MỘT SỐ TỘI KHÁC TRONG BỘ LUẬT HÌNH SỰ NĂM 1999

Việc phân biệt giữa tội phạm này với tội phạm khác có nhiều điểm tương đồng là hết sức quan trọng trong công tác điều tra, truy tố và xét xử. Nhờ đó, cơ quan bảo vệ pháp luật mới xác định được đúng tội danh và áp dụng hình phạt cho phù hợp với hành vi vi phạm của người phạm tội.

Để phân biệt giữa tội phạm này với tội phạm khác, các nhà nghiên cứu pháp luật thường dựa vào các yếu tố cấu thành của tội phạm. Bởi các yếu tố CTTP cụ thể là sự tập hợp tất cả dấu hiệu về mặt pháp lý đặc trưng nhất, cơ bản nhất của tội phạm đó.

Chúng ta cùng phân biệt các tội phạm vi phạm các quy định về quản lý và sử dụng đất đai với một số tội phạm khác có liên quan dưới đây.

Xem tất cả 136 trang.

Ngày đăng: 23/11/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí