bốn chị em bà N, M, P, Q vì họ cùng vay tiền bà Bé. Khi Tòa triệu tập hòa giải, bà N và bà M vắng mặt, chỉ có mặt bà P và bà Q. Bà P và bà Q chấp nhận gánh toàn bộ số nợ mà bốn chị em đã vay của bà Bé. Vì vậy, Tòa án vẫn tiến hành hòa giải và nếu hòa giải thành sẽ ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự.
+ Nếu vụ án có nhiều bị đơn nhưng mỗi bị đơn có nghĩa vụ riêng biệt hoặc có nghĩa vụ chung theo phần thì Tòa án vẫn tiến hành hòa giải giữa nguyên đơn với những bị đơn có mặt nhưng vẫn phải lập biên bản đối với bị đơn vắng mặt và đưa vụ án ra xét xử. Phần hòa giải thành giữa nguyên đơn với những bị đơn có mặt sẽ được ghi nhận trong bản án.
Trường hợp vắng mặt người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập thì Tòa án đình chỉ giải quyết yêu cầu của họ. Bởi theo quy định tại khoản 2 Điều 61 của BLTTDS, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập thì có các quyền và nghĩa vụ của nguyên đơn nên trong trường hợp đã được Tòa án triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà họ vẫn vắng mặt thì Tòa án sẽ đình chỉ việc giải quyết đối với các yêu cầu của họ.
Theo quy định tại khoản 3 và 4 Điều 61 của BLTTDS, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tham gia tố tụng với bên nguyên đơn hoặc chỉ có quyền thì có các quyền, nghĩa vụ của nguyên đơn; Nếu tham gia tố tụng với bên bị đơn hoặc chỉ có nghĩa vụ thì có các quyền và nghĩa vụ của bị đơn. Theo các quy định này, nếu người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tham gia tố tụng với bên nguyên đơn hoặc chỉ có quyền đã được Tòa án triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt thì phần quyền lợi của họ sẽ không được giải quyết. Tuy nhiên, nếu nguyên đơn và bị đơn vẫn đồng ý giải quyết quyền lợi của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vắng mặt theo đúng yêu cầu của họ thì Tòa án vẫn tiến hành hòa giải giữa những người có mặt và ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự. Chẳng hạn, A và B là hai vợ chồng đang chung sống bình thường với nhau. A cho C vay 100 triệu đồng
bằng tài sản chung của vợ chồng. Đến hạn, C không trả tiền nên A khởi kiện đến Tòa án. Trong vụ án này, B là người có quyền lợi liên quan. Khi Tòa án triệu tập, B không đến tham gia tố tụng. Mặc dù vậy, C và A đã thống nhất được với nhau về việc giải quyết toàn bộ vụ án nên Tòa án vẫn ghi nhận sự thỏa thuận của họ và ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự.
Ngược lại, nếu người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tham gia tố tụng với bên bị đơn hoặc chỉ có nghĩa vụ đã được Tòa án triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt thì Tòa án lập biên bản về sự vắng mặt của họ. Nếu bị đơn đồng ý thực hiện toàn bộ nghĩa vụ đối với nguyên đơn thay người vắng mặt đó và được nguyên đơn chấp thuận thì Tòa án vẫn có thể tiến hành hòa giải và ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự. Nếu các đương sự có mặt không đồng ý hòa giải vắng mặt người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đó thì Tòa án lập biên bản về sự vắng mặt đó và đưa vụ án ra xét xử. Chẳng hạn, A là chủ xe ô tô, B là lái xe cho A. Trong một lần vận chuyển hàng, xe do B lái đã gây thiệt hại về tài sản cho C. Hai bên không tự thỏa thuận được nên C kiện B ra Tòa. Tòa án triệu tập A đến tham gia tố tụng với tư cách là người có nghĩa vụ liên quan trong vụ án nhưng A không có mặt. Mặc dù vậy, B đã đồng ý bồi thường toàn bộ thiệt hại cho C và được C chấp nhận nên Tòa án vẫn ghi nhận sự thỏa thuận của họ và ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự.
Ngoài Thẩm phán, Thư ký và các đương sự, pháp luật cũng quy định thành phần tham gia phiên hòa giải còn bao gồm cả người phiên dịch, nếu đương sự không biết tiếng Việt. Quy định này là rất cần thiết, bởi vì nếu đương sự không biết tiếng Việt mà không có phiên dịch thì việc Tòa án hòa giải chỉ là vô nghĩa. Theo quy định tại Điều 69 của BLTTDS thì "Người phiên dịch là người có khả năng dịch từ một ngôn ngữ khác ra tiếng Việt và ngược lại trong trường hợp có người tham gia tố tụng không sử dụng được tiếng Việt. Người phiên dịch được các bên đương sự thỏa thuận chọn và được Tòa án chấp nhận hoặc được Tòa án yêu cầu để phiên dịch" [34].
Có thể thấy rằng, PLTTDS quy định người tham gia phiên hòa giải chỉ bao gồm những người trên là không phù hợp với thực tế. Trong điều kiện hiện nay, các đương sự thường không tin tưởng vào cán bộ Tòa án, nhưng họ lại tin tưởng tuyệt đối vào người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Những người được đương sự mời làm người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ thường rất am hiểu pháp luật và rất dễ nhận biết về cái được, cái mất nếu đương sự của họ chấp nhận phương án hòa giải. Tuy Điều 64 của BLTTDS quy định họ có quyền được tham gia hòa giải nhưng Điều 184 của Bộ luật này lại không quy định họ trong thành phần phiên hòa giải. Vì vậy, trong những trường hợp có người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự thì Tòa án nên triệu tập họ tham gia phiên hòa giải thì việc hòa giải sẽ đạt hiệu quả cao hơn. Ngoài ra, theo kết luận của Chánh án TANDTC tại Hội nghị sơ kết công tác thi đua 6 tháng đầu năm 2009 tổ chức tại Quảng Bình ngày 05 tháng 5 năm 2009 thì "Khi tiến hành hòa giải, Tòa án có thể tranh thủ sự hỗ trợ của các ban ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị ở địa phương, thậm chí mời cả hai bên nội, ngoại của đương sự cùng tham gia vào phiên hòa giải..." [2].
Như vậy, quy định về thành phần phiên hòa giải của BLTTDS không phù hợp với thực tế. Cần có quy định mở thêm "các thành phần khác nếu Tòa án xét thấy cần thiết" thì sẽ bao quát hết và cũng tạo điều kiện để các Thẩm phán yên tâm, không lo bị vi phạm tố tụng khi mời các thành phần khác tham gia phiên hòa giải.
2.1.4. Các quy định về nguyên tắc hòa giải vụ việc dân sự
Có thể bạn quan tâm!
- Giai Đoạn Từ Năm 1974 Đến Năm 1989
- Các Quy Định Chung Về Hòa Giải Vụ Việc Dân Sự
- Các Quy Định Về Thành Phần Hòa Giải Vụ Việc Dân Sự
- Các Quy Định Về Tiến Hành Phiên Hòa Giải Vụ Việc Dân Sự
- Các Quy Định Về Giải Quyết Trường Hợp Hòa Giải Không Thành, Không Hòa Giải Được
- Các qui định của Bộ luật Tố tụng dân sự Việt Nam 2004 về hòa giải vụ việc dân sự và thực tiễn thực hiện tại Tòa án nhân dân huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội - 11
Xem toàn bộ 137 trang tài liệu này.
Theo khoản 2 Điều 180 của BLTTDS, việc hòa giải vụ việc dân sự phải tuân theo các nguyên tắc sau:
Một là, tôn trọng sự tự nguyện thỏa thuận thực sự của đương sự, tránh lối hòa giải một cách gò bó, cưỡng ép đối với một bên hoặc cả hai bên
đương sự. Cấm dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực để bắt buộc các đương sự phải thỏa thuận trái với ý chí của họ.
Theo nguyên tắc này, sự thỏa thuận được Tòa án ghi nhận phải là sự thỏa thuận thực sự của hai bên đương sự. Nếu các bên đạt được sự thỏa thuận nhưng sự thỏa thuận đó không xuất phát từ ý chí của các bên, không phải là sự tự nguyện thực sự của họ thì cũng không được coi là sự thỏa thuận hợp pháp. Tòa án chỉ có thể hướng dẫn, tạo điều kiện cho các đương sự thỏa thuận chứ không thể ép buộc họ. Chỉ các đương sự là người có quyền và lợi ích tranh chấp mới có quyền tự định đoạt về các tranh chấp của họ. Sự tự nguyện của đương sự ở đây là sự tự nguyện tham gia hòa giải và tự nguyện thỏa thuận về các vấn đề cần giải quyết.
Tham gia hòa giải hay không hoàn toàn do các đương sự tự quyết định, không ai được ép buộc các đương sự phải tham gia hòa giải hoặc từ bỏ việc tham gia hòa giải. Thẩm phán được giao nhiệm vụ giải quyết án có quyền định ra lịch hòa giải, quyết định thời gian và nội dung hòa giải để thông báo cho các đương sự đến tham gia phiên hòa giải. Các đương sự nhận được thông báo về phiên hòa giải có quyền tự mình quyết định có tham gia phiên hòa giải hay không. Nếu đương sự không đến tham gia phiên hòa giải, Tòa án lập biên bản về sự vắng mặt của đương sự không tiến hành hòa giải được, lưu vào hồ sơ để làm căn cứ tiếp tục giải quyết vụ án. Tòa án không có quyền ra lệnh áp giải hoặc áp dụng các biện pháp khác để bắt buộc các đương sự phải tham gia phiên hòa giải. Điều 12 của Bộ luật Dân sự quy định: "Trong quan hệ dân sự, việc hòa giải giữa các bên phù hợp với quy định của pháp luật được khuyến khích. Không ai được dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực khi tham gia quan hệ dân sự, giải quyết các tranh chấp dân sự" [35]. Điều đó có nghĩa là Nhà nước khuyến khích việc các đương sự hòa giải với nhau, nhưng không bắt buộc họ phải hòa giải. Pháp luật nghiêm cấm việc dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực để ép buộc các bên đương sự phải hòa giải với nhau.
Pháp luật quy định trách nhiệm hòa giải của Tòa án là để giúp các đương sự có cơ hội thỏa thuận với nhau về giải quyết vụ việc, chứ không có nghĩa là bắt buộc các đương sự phải hòa giải. Việc bị đơn đã được Tòa án triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt không có lý do chính đáng cũng có nghĩa là bị đơn từ chối tham gia hòa giải thì Tòa án không được ép buộc bị đơn hòa giải mà chỉ có thể đưa vụ án ra xét xử. Trong bất cứ giai đoạn nào của quá trình giải quyết vụ việc dân sự, hòa giải chỉ được tiến hành nếu các đương sự thật sự tự nguyện. Theo quy định tại điểm e khoản 2 Điều 58 của BLTTDS, việc tự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án và tham gia hòa giải do Tòa án tiến hành vừa là quyền cũng đồng thời là nghĩa vụ của các đương sự, nhưng có thể hiểu quy định này chủ yếu là quyền của các đương sự, còn nghĩa vụ ở đây không mang tính bắt buộc và không bị cưỡng chế phải thực hiện.
Trong quá trình hòa giải, Tòa án chỉ giữ vai trò là người thứ ba trung gian giúp các đương sự hiểu về quyền và nghĩa vụ của họ liên quan đến tranh chấp để họ tự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết các nội dung trong vụ việc. Tòa án không được can thiệp vào sự thỏa thuận của các đương sự nếu sự thỏa thuận đó không trái pháp luật và đạo đức xã hội. Tòa án cũng không được cho các đương sự biết về phương hướng giải quyết vụ việc nếu phải đưa ra xét xử.
Hai là, việc hòa giải phải được tiến hành theo đúng quy định của pháp luật; nội dung sự thỏa thuận của các đương sự không được trái pháp luật và đạo đức xã hội.
Theo nguyên tắc này, việc hòa giải của Tòa án phải được tiến hành theo đúng các quy định của pháp luật về hình thức, nội dung, phạm vi, thành phần hòa giải... Nếu việc hòa giải vượt ra ngoài những quy định của pháp luật thì kết quả hòa giải rất có thể sẽ không được chấp nhận. Chẳng hạn, Thẩm phán không mở phiên hòa giải để các đương sự tự thỏa thuận với nhau mà lại
gặp riêng từng đương sự để hòa giải, sau đó ghép kết quả lại. Trường hợp này, nếu các đương sự không thỏa mãn với kết quả hòa giải mà có đơn đề nghị thì kết quả hòa giải đó sẽ bị hủy bỏ. Khi việc hòa giải đã được tiến hành theo đúng quy định của pháp luật thì nội dung sự thỏa thuận của các đương sự cũng không được trái pháp luật và đạo đức xã hội. Nếu nội dung thỏa thuận của các đương sự trái pháp luật hoặc trái với đạo đức xã hội thì không được pháp luật thừa nhận. Ví dụ: A nợ B tiền đến hạn không trả nên B kiện A ra Tòa. Khi Tòa án tiến hành hòa giải, A và B thỏa thuận rằng A cho con gái A đến làm "ô sin" cho nhà B một năm để trừ nợ. Đây mặc dù là sự tự nguyện thỏa thuận theo ý chí của A và B, nhưng thỏa thuận như vậy sẽ không được chấp nhận. Do đó, trong quá trình hòa giải, Thẩm phán phải hướng cho các đương sự thỏa thuận không trái với pháp luật và đạo đức xã hội.
Ngoài hai nguyên tắc được quy định trong BLTTDS nêu trên, để hòa giải được vụ án, việc hòa giải còn phải vừa tích cực, vừa kiên trì. Tích cực để có thể giải quyết được nhanh chóng vụ án, không để việc hòa giải kéo dài vô ích khi không có khả năng hòa giải nhưng lại phải kiên trì giải thích cho đương sự hiểu rò pháp luật, áp dụng giải quyết vụ án và đi sâu giải quyết các mắc mứu trong tâm tư tình cảm của họ. Mặt khác, trong quá trình hòa giải, một yêu cầu quan trọng là sự bình đẳng và trung thực của các đương sự. Có được sự bình đẳng thì đương sự mới cảm thấy thoải mái để tự cân nhắc các phương án hòa giải. Đồng thời, đương sự có trung thực thì sự thỏa thuận của họ mới đúng với bản chất của vụ việc. Vì vậy, cần thiết phải bổ sung nguyên tắc "tích cực, kiên trì" và nguyên tắc "bình đẳng và trung thực" vào những nguyên tắc hòa giải vụ việc dân sự.
2.1.5. Các quy định về nội dung hòa giải vụ việc dân sự
Nội dung hòa giải chính là các vấn đề của vụ án có tranh chấp cần được các bên thỏa thuận với nhau giải quyết. Ngoài ra, trong hòa giải, vấn đề án phí cũng sẽ được các bên đương sự bàn bạc thương lượng. Các vấn đề cần
được giải quyết của mỗi vụ án khác nhau nên nội dung hòa giải của các vụ án dân sự cũng khác nhau. Tùy mỗi vụ án cụ thể mà Tòa án phải giúp các đương sự thỏa thuận giải quyết những vấn đề nhất định như: thỏa thuận về mức, phương thức bồi thường thiệt hại trong vụ án đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng; thỏa thuận về việc phân chia tài sản trong vụ án về thừa kế. Trong vụ án xin ly hôn thì mục tiêu hòa giải đầu tiên lại là hòa giải để các đương sự về đoàn tụ với nhau. Trường hợp không hòa giải đoàn tụ được thì mới giúp các đương sự thỏa thuận về vấn đề chia tài sản, nuôi con chung...
Tại Điều 185 của BLTTDS quy định về nội dung hòa giải. Tuy nhiên, nội dung điều luật này lại quy định về thủ tục hòa giải.
2.2. CÁC QUY ĐỊNH VỀ THỦ TỤC HÒA GIẢI VỤ VIỆC DÂN SỰ
Thủ tục hòa giải là một vấn đề trọng tâm của chế định hòa giải trong PLTTDS. Các quy định về thủ tục hòa giải vụ việc dân sự đòi hỏi Tòa án và những người tham gia tố tụng phải tuân thủ nghiêm chỉnh.
2.2.1. Các quy định về chuẩn bị phiên hòa giải vụ việc dân sự
Điều 183 của BLTTDS quy định: "Trước khi tiến hành phiên hòa giải, Tòa án phải thông báo cho các đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự biết về thời gian, địa điểm tiến hành phiên hòa giải, nội dung các vấn đề cần hòa giải" [34].
Theo quy định tại Nghị quyết số 02/2006/NQ-HĐTP ngày 12/5/2006 của HĐTP TANDTC thì Tòa án phải ra thông báo về phiên hòa giải bằng văn bản theo đúng mẫu quy định để gửi cho các đương sự. Trong Thông báo về phiên hòa giải, cần phải có những nội dung sau: họ, tên, địa chỉ của người được thông báo; thời gian, địa điểm hòa giải; nội dung các vấn đề cần hòa giải và cần phải ghi rò "Nếu người được thông báo không có mặt đúng thời gian, địa điểm ghi trong thông báo này để tham gia phiên hòa giải, Tòa án sẽ tiếp tục giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự" [56].
Việc gửi Thông báo về phiên hòa giải cho các đương sự phải tuân thủ đúng theo quy định tại các điều từ 146 đến 156 của BLTTDS. Theo đó, Tòa án có thể tống đạt trực tiếp cho đương sự hoặc thông qua bưu điện hoặc ủy ban nhân dân xã. Nếu đương sự cố tình không nhận, Tòa án phải tiến hành thủ tục niêm yết công khai. Trường hợp đương sự vắng mặt tại địa phương mà không rò địa chỉ nơi cư trú hiện tại của đương sự thì phải thực hiện việc thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng. Song dù bằng phương thức nào thì Toà án cũng phải có tiệncăn cứ là đã thông báo hợp lệ đến đương sự. Nếu không có căn cứ chứng minh đương sự đã được triệu tập hợp lệ thì sẽ rất khó khăn trong những trường hợp đương sự vắng mặt.
Để việc hòa giải đạt kết quả cao, trước khi quyết định mở phiên hòa giải, Thẩm phán phải nghiên cứu thật kỹ hồ sơ, xác định rò những vấn đề quan trọng của vụ việc như xác định quan hệ pháp luật bị xâm phạm hay đang tranh chấp, tư cách đương sự tham gia tố tụng, những tài liệu chứng cứ cần thiết chứng minh sự thật trong vụ án... Ngoài ra, Thẩm phán cũng cần phải tìm hiểu về các vấn đề khác liên quan đến vụ việc như mối quan hệ giữa các đương sự, quan điểm của những người dân trong khu vực khi nhìn nhận sự việc đó... Tuy nhiên, PLTTDS của ta hiện nay chưa có quy định về trách nhiệm chuẩn bị này của Thẩm phán. Hơn nữa, cũng không có quy định về số lần hòa giải nên có Thẩm phán ngại hòa giải thì chỉ mở phiên hòa giải một lần, nếu không hòa giải được thì đưa vụ án ra xét xử ngay; ngược lại, có những Thẩm phán do không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng nên khi tiến hành hòa giải đã không đưa ra được những giải pháp phù hợp để các đương sự tự thỏa thuận với nhau, do vậy có thể mở phiên hòa giải rất nhiều lần. Đôi khi việc hòa giải diễn ra quá nhiều lần mà không đạt được kết quả sẽ khiến cho đương sự mệt mỏi, thiếu sự tin tưởng vào năng lực giải quyết của Tòa án nên việc giải quyết sẽ càng khó khăn hơn.