Vai Trò Của Chế Định Hòa Giải Trong Pháp Luật Tố Tụng Dân Sự Việt Nam

xử" [63]. Từ Điều 85 đến Điều 91 của Bộ luật này đã quy định chi tiết về thẩm quyền, trình tự và thủ tục hòa giải. Quan niệm của các nhà lãnh đạo Trung Quốc về hòa giải tranh chấp là "có tác dụng tốt cho việc phát triển sản xuất, cải thiện đời sống nhân dân, có lợi cho sức mạnh tổng hợp quốc gia" [28, tr. 41].

Hiện nay, Việt Nam đang tiến hành hội nhập khu vực và quốc tế, giao lưu dân sự, kinh tế ngày càng phát triển đa dạng, đan xen và phức tạp nên việc giải quyết các tranh chấp nói chung và tranh chấp dân sự nói riêng bằng biện pháp hòa giải ngày càng được ưa chuộng, đáp ứng yêu cầu nhanh gọn, giữ mối quan hệ thân thiện lâu dài giữa các dân tộc và giữa các quốc gia với nhau.

1.1.3. Vai trò của chế định hòa giải trong pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam

PLTTDS được ban hành nhằm mục đích buộc các cơ quan tiến hành tố tụng, những người tiến hành tố tụng và những người tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết các tranh chấp dân sự phải tuyệt đối tuân theo. Nhà nước ban hành PLTTDS nhằm đảm bảo sự công bằng, tránh xu hướng lạm quyền trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự. BLTTDS được ban hành nhằm điều chỉnh toàn bộ các hoạt động tố tụng trong quá trình giải quyết các vụ việc dân sự, kinh doanh thương mại và lao động. Bộ luật quy định những nguyên tắc cơ bản trong TTDS; trình tự, thủ tục khởi kiện để Tòa án giải quyết các vụ án về tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, lao động (gọi chung là vụ án dân sự) và trình tự, thủ tục yêu cầu để Tòa án giải quyết các việc về yêu cầu dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, lao động (gọi chung là việc dân sự) tại Tòa án; thi hành án dân sự; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng; quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng, của cá nhân, cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ

chức xã hội - nghề nghiệp (gọi chung là cơ quan, tổ chức) có liên quan nhằm bảo đảm cho việc giải quyết các vụ việc dân sự được nhanh chóng, chính xác, công minh và đúng pháp luật [34].

Trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự, ngoài việc áp dụng các quy định của BLTTDS, Tòa án cần phải áp dụng các văn bản pháp luật khác để đảm bảo cho việc giải quyết được nhanh chóng, chính xác, công minh và đúng pháp luật. Song cần lưu ý rằng, về tố tụng thì BLTTDS luôn là đạo luật gốc. Điều 3 của Bộ luật quy định: "Mọi hoạt động tố tụng dân sự của người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng, của cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan phải tuân theo các quy định của Bộ luật này" [34].

Cũng như các chế định khác, chế định hòa giải được quy định trong nhiều văn bản pháp luật khác nhau, nhưng các quy định của BLTTDS vẫn là một bộ phận cơ bản của chế định hòa giải vụ việc dân sự trong PLTTDS Việt Nam. Chế định hòa giải trong PLTTDS là tổng thể các quy định của pháp luật về hòa giải vụ việc dân sự. Vai trò của chế định này thể hiện ở những điểm sau:

Một là, khẳng định trách nhiệm hòa giải của Tòa án khi giải quyết các vụ việc dân sự.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, khi Tòa án thụ lý giải quyết các vụ việc dân sự, Tòa án phải tiến hành hòa giải để các đương sự tự nguyện thỏa thuận với nhau về giải quyết tranh chấp. Việc hòa giải trong giai đoạn chuẩn bị xét xử là một thủ tục bắt buộc đối với tất cả các vụ việc dân sự, trừ những vụ việc mà pháp luật quy định không được hòa giải hoặc hòa giải không được. Nếu hòa giải không thành thì Tòa án mới đưa vụ án ra xét xử. Tại phiên tòa sơ thẩm và các giai đoạn tố tụng tiếp theo, nếu thấy có khả năng hòa giải thì Tòa án cũng tiến hành hòa giải để các đương sự có thể thỏa thuận về giải quyết vụ án. Điều 10 của BLTTDS quy định: "Tòa án có trách nhiệm tiến hành hòa giải và tạo điều kiện để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ việc dân sự theo quy định của Bộ luật này" [34].

Như vậy, hòa giải được xác định là một nguyên tắc, một thủ tục bắt buộc trong giải quyết vụ việc dân sự. Tòa án tiến hành hòa giải phải theo một trình tự, thủ tục nhất định do Nhà nước quy định không chỉ nhằm đảm bảo quyền tự định đoạt của các đương sự mà còn bảo đảm trật tự trong hoạt động tư pháp, thể hiện trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 137 trang tài liệu này.

Hai là, bảo đảm hiệu quả hòa giải vụ việc dân sự.

Những quy định của PLTTDS về hòa giải không chỉ bảo đảm quyền tự định đoạt của các đương sự mà còn bảo đảm hiệu quả hòa giải vụ việc dân sự. Tòa án được chủ động về thời gian và địa điểm hòa giải nhưng sự chủ động đó không được vượt ra ngoài thời hạn tố tụng và ở mỗi địa điểm hòa giải đều phải tuân theo những quy định bắt buộc. Khi bắt đầu phiên hòa giải, Thẩm phán chủ trì phiên hòa giải có trách nhiệm giải thích pháp luật để các đương sự không thỏa thuận trái với những quy định của pháp luật và đạo đức xã hội. Trong suốt quá trình các đương sự thỏa thuận, Thẩm phán luôn có mặt để hướng dẫn các đương sự. Kết quả thỏa thuận của các đương sự phải được Thẩm phán kiểm tra. Nếu sự thỏa thuận đó không trái với những quy định của pháp luật và đạo đức xã hội thì Tòa án lập biên bản ghi nhận sự tự nguyện thỏa thuận của các đương sự và sau đó ra quyết định công nhận sự thỏa thuận theo quy định của pháp luật. Điều đó có nghĩa là mọi hoạt động của Tòa án và mọi thỏa thuận của các đương sự khi hòa giải vụ việc dân sự đều phải tuân thủ nghiêm ngặt những quy định của pháp luật. Chính những quy định đó bảo đảm cho việc hòa giải đạt hiệu quả cao nhất.

Các qui định của Bộ luật Tố tụng dân sự Việt Nam 2004 về hòa giải vụ việc dân sự và thực tiễn thực hiện tại Tòa án nhân dân huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội - 4

Ba là, khẳng định trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm thực hiện sự thỏa thuận của đương sự.

Trách nhiệm của Nhà nước trong hòa giải các vụ việc dân sự không chỉ thể hiện ở việc Tòa án phải tổ chức hòa giải để các đương sự tự nguyện thỏa thuận với nhau về giải quyết vụ việc mà còn thể hiện ở việc bảo đảm

thực hiện kết quả hòa giải. Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự có hiệu lực pháp luật ngay khi được ban hành và bắt buộc các đương sự phải thực hiện. Việc thực hiện quyết định này được đảm bảo bằng quyền lực nhà nước. Nghĩa là, nếu các bên không tự giác thi hành thì sẽ bị cưỡng chế theo quy định của pháp luật. Điều 19 của BLTTDS quy định:

Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật phải được thi hành và phải được mọi công dân, cơ quan, tổ chức tôn trọng. Cá nhân, cơ quan, tổ chức có nghĩa vụ chấp hành bản án, quyết định của Tòa án phải nghiêm chỉnh chấp hành. Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Tòa án nhân dân và các cơ quan, tổ chức được giao nhiệm vụ thi hành bản án, quyết định của Tòa án phải nghiêm chỉnh thi hành và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ đó [34].

Như vậy, chế định hòa giải trong PLTTDS Việt Nam khẳng định trách nhiệm hòa giải vụ việc dân sự của Tòa án, bảo đảm việc hòa giải đúng pháp luật, có hiệu quả và thể hiện trách nhiệm của Nhà nước đối với việc thực hiện sự thỏa thuận của các đương sự. Vì vậy, việc tăng cường công tác hòa giải trong giải quyết tranh chấp dân sự tại TAND các cấp là rất cần thiết và không chỉ đơn thuần là một biện pháp giải quyết nhanh chóng, có hiệu quả các vụ việc dân sự mà còn góp phần giải quyết tận gốc các mâu thuẫn trong nhân dân, khơi dậy truyền thống tương thân, tương ái, đoàn kết gắn bó của dân tộc Việt Nam.


1.2. SƠ LƯỢC VỀ SỰ PHÁT TRIỂN CỦA CHẾ ĐỊNH HÒA GIẢI TRONG PHÁP LUẬT TỐ TỤNG DÂN SỰ VIỆT NAM TỪ NĂM 1945 ĐẾN NAY

Là một bộ phận quan trọng của PLTTDS, chế định hòa giải được hình thành trên cơ sở kinh tế - xã hội của từng giai đoạn lịch sử và chịu sự tác động sâu sắc của các yếu tố kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội đương thời. Quá trình hình thành và phát triển của chế định hòa giải trong TTDS mang tính liên tục,

kế thừa và phát triển nhằm đáp ứng với yêu cầu của cuộc sống hiện tại. Chế định hòa giải đã xuất hiện trong hệ thống cổ luật Việt Nam từ thời Lý, Trần, Lê... Tuy nhiên, trong phạm vi nghiên cứu của luận văn, tác giả chỉ tập trung nghiên cứu chế định hòa giải trong PLTTDS Việt Nam từ năm 1945 đến nay.

1.2.1. Giai đoạn từ năm 1945 đến năm 1959

Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời đã làm thay đổi một cách căn bản mọi phương diện của đất nước. Lịch sử Nhà nước và pháp luật Việt Nam đã bước sang một trang mới. Nền tư pháp của chế độ dân chủ nhân dân được hình thành và từng bước hoàn thiện.

Ngay từ những ngày đầu, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký những sắc lệnh xóa bỏ bộ máy nhà nước của chế độ cũ như Sắc lệnh số 18/SL ngày 18/9/1945 bãi bỏ ngạch học quan, Sắc lệnh số 32/SL ngày 13/9/1945 bãi bỏ ngạch quan hành chính và quan tư pháp. Đồng thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã ký những sắc lệnh nhằm khẩn trương xây dựng bộ máy nhà nước dân chủ nhân dân như Sắc lệnh số 33/SL ngày 13/9/1945 thành lập các Tòa án quân sự, Sắc lệnh số 13/SL ngày 24/01/1946 về tổ chức Tòa án và các ngạch Thẩm phán... Tuy nhiên, trong giai đoạn này, pháp luật của chúng ta chưa thể nhanh chóng hoàn thiện nên Sắc lệnh ngày 10/10/1945 quy định: "Cho đến khi ban hành được các bộ luật cho toàn còi Việt Nam, các luật lệ tiến hành ở Bắc, Trung, Nam vẫn được giữ nguyên như cũ với điều kiện là những quy phạm pháp luật chỉ được thi hành nếu không trái với những nguyên tắc độc lập của nước Việt Nam và chính thể Cộng hòa" [65]. Theo tinh thần của Sắc lệnh này thì những quy định của pháp luật trong chế độ cũ về TTDS nói chung và về hòa giải nói riêng nếu không trái với những nguyên tắc độc lập của nước Việt Nam và chính thể Cộng hòa thì tiếp tục được áp dụng.

Sắc lệnh số 13/SL ngày 24/01/1946 đã chú trọng đến vấn đề hòa giải trong tranh chấp dân sự. Tại khoản 1 Điều 3 quy định: "Ban Tư pháp xã có quyền

hòa giải tất cả các việc dân sự và thương sự. Nếu hòa giải được, Ban Tư pháp xã có thể lập biên bản hòa giải có các ủy viên và những người đương sự ký" [65].

Ngày 17/4/1946, Sắc lệnh số 51/SL được ban hành, ấn định thẩm quyền các Tòa án và sự phân công giữa các nhân viên trong Tòa. Tại Điều 4 quy định: "Ban Tư pháp xã hòa giải các việc hộ và thương mại do người đương sự muốn mang ra trước Ban Tư pháp ấy. Biên bản hòa giải ấy chỉ có hiệu lực tư chứng thư". Tại Điều 9 quy định: "Khi nhận được đơn kiện về dân sự hay thương sự, ông Thẩm phán sơ cấp phải đòi hai bên đến để thử hòa giải. Biên bản hòa giải có hiệu lực tư chứng thư". Điều 12 quy định: "Những việc kiện dân sự và thương sự thuộc về thẩm quyền của Tòa án đệ nhị cấp đều phải giao trước về cho ông Thẩm phán sơ cấp thử hòa giải" [65].

Ngày 22/5/1950, Sắc lệnh số 85/SL về cải cách bộ máy tư pháp và luật tố tụng được ban hành. Điều 9 quy định: "Tòa án nhân dân hòa giải tất cả vụ kiện về dân sự và thương sự, kể cả việc xin ly dị, trừ những vụ kiện mà theo pháp luật đương sự không có quyền điều chỉnh". Theo quy định tại Điều 10 và Điều 11 của Sắc lệnh thì biên bản hòa giải thành do Tòa án lập có giá trị là một công chính chứng thư có thể đem chấp hành ngay. Tuy nhiên, cho đến lúc biên bản hòa giải được chấp hành xong, nếu Biện lý xét biên bản phạm đến trật tư chung thì có quyền yêu cầu Tòa án có thẩm quyền sửa đổi lại hoặc bác bỏ những điều mà hai bên thỏa thuận. Phòng Biện lý được quyền kháng cáo 15 ngày tròn kể từ ngày nhận được biên bản hòa giải thành. Nếu hòa giải bất thành mà Tòa án có thẩm quyền chưa quyết định gì thì Hội đồng hòa giải có thể tạm thời cho thi hành những biện pháp bảo thủ cần thiết. TAND huyện phải đệ trình ngay hồ sơ biên bản hòa giải bất thành ghi nhận việc cho thi hành những biện pháp bảo thủ lên Tòa án có thẩm quyền. Tòa án này sẽ duyệt y, sửa đổi hay bác bỏ những phương pháp bảo thủ nếu xét thấy không cần thiết nữa. Còn đối với người không phải là đương sự, xét mình bị thiệt hại vì biên bản hòa giải thành có quyền đệ đơn yêu cầu TAND huyện ra mệnh lệnh

hoãn lại chấp hành biên bản hòa giải ấy và người bị thiệt hại phải đệ đơn trong hạn 15 ngày tròn sau khi biên bản hòa giải thành có điều khoản thiệt hại đến quyền lợi của mình hoặc sau khi biết sự chấp hành biên bản này [6, tr. 9- 11].

Để điều chỉnh những bất hòa giữa người lao động với người sử dụng lao động, ngày 16/8/1955, Nghị định số 87/NĐ-LB của Bộ Lao động và Bộ Tư pháp về hòa giải xích mích giữa chủ và người làm công được ban hành.

Ngày 24/12/1958, Thủ tướng Chính phủ ban hành Thông tư số 556/TTg về tăng cường sự lãnh đạo đối với việc bắt giữ, truy tố, xét xử, trong đó nhấn mạnh: "Đối với xích mích, xung đột, thưa kiện giữa nhân dân với nhau thì phải kiên trì dàn xếp ổn thỏa" [8].

Trong giai đoạn từ năm 1945 đến năm 1959, Nhà nước ta đã rất chú trọng đến công tác hòa giải, đã đề cập rất nhiều đến vấn đề này trong các văn bản pháp luật. Theo các văn bản pháp luật này, hòa giải được coi là một giai đoạn của quá trình TTDS. Thẩm quyền, thủ tục hòa giải các tranh chấp dân sự và thương sự của Ban Tư pháp xã và TAND cấp huyện đã được quy định khá rò ràng. Nếu hòa giải thành, Tòa án hoặc Ban Tư pháp xã lập biên bản hòa giải thành. Biên bản hòa giải thành do Ban Tư pháp xã lập có hiệu lực tư chứng thư, có giá trị thi hành trên cơ sở tự nguyện của hai bên. Còn biên bản hòa giải thành do Tòa án lập có hiệu lực là một công chính chứng thư, có thể đem chấp hành ngay.

1.2.2. Giai đoạn từ năm 1959 đến năm 1974

Năm 1960, Luật Tổ chức TAND được ban hành. Tại Điều 16 quy định: "Tòa án nhân dân huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh hoặc đơn vị hành chính tương đương có nhiệm vụ hòa giải những tranh chấp về dân sự... và hướng dẫn công tác hòa giải ở xã và khu phố" [30].

Ngày 25/9/1961, TANDTC ban hành Thông tư số 1080/TATC hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Tổ chức TAND, đã quy định: "Trong khi thực hiện thẩm quyền mới, các Tòa án nhân dân thuộc tỉnh, thị xã, huyện, khu phố phải luôn chú ý đầy đủ đến việc hòa giải, giáo dục nhân dân và xây dựng tư pháp xã. Cần đề phòng khuynh hướng đưa ra xét xử nhiều việc mà thiếu kiên trì hòa giải, giáo dục các đương sự và nhân dân" [47].

Tại Thông tư số 2421/TATC ngày 29/12/1961 của TANDTC cũng đã quy định rò: "Về nguyên tắc, việc hòa giải của Tòa án không có Hội thẩm nhân dân tham gia" [47].

Tại Điều 26 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 1959 quy định: "Khi một bên vợ hoặc chồng xin ly hôn, cơ quan có thẩm quyền sẽ điều tra và hòa giải, hòa giải không được thì Tòa án sẽ tiến hành xét xử" [29].

Theo Thông tư số 03/NCPL ngày 03/3/1966 thì "việc hòa giải trong giải quyết tranh chấp về hôn nhân và gia đình không bắt buộc phải theo những hình thức nhất định mà tùy theo tình hình và yêu cầu của từng vụ án mà quyết định. Tại phiên tòa sơ thẩm, Hội đồng xét xử có thể tiến hành hòa giải sau khi thẩm vấn" [47].

Tại báo cáo tổng kết công tác ngành Tòa án năm 1966 đã nhấn mạnh việc tiếp tục tăng cường công tác hòa giải của TAND các cấp trong quá trình giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình [46].

Nhìn chung, trong giai đoạn từ năm 1959 đến năm 1974, pháp luật về hòa giải các vụ việc dân sự của nước ta hầu như không phát triển, chủ yếu thực hiện theo các văn bản đã được ban hành từ giai đoạn trước. Các quy định về hòa giải các tranh chấp dân sự được áp dụng trong giai đoạn này còn rất nhiều điểm chưa hợp lý như chưa quy định về thời hạn đương sự có quyền đề nghị thay đổi lại sự thỏa thuận; không quy định cho Tòa án ra quyết định công nhận hòa giải thành mà chỉ lập biên bản hòa giải thành; chưa quy định Tòa án

Xem tất cả 137 trang.

Ngày đăng: 27/06/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí