Các qui định của Bộ luật Tố tụng dân sự Việt Nam 2004 về hòa giải vụ việc dân sự và thực tiễn thực hiện tại Tòa án nhân dân huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội - 2

hiện tại Tòa án nhân dân huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội" làm đề tài nghiên cứu của mình.

2. Tình hình nghiên cứu đề tài

Hòa giải là một vấn đề quan trọng trong việc giải quyết các vụ việc dân sự tại Tòa án. Vì vậy, ngoài việc được Nhà nước quan tâm quy định trong các văn bản về pháp luật tố tụng dân sự (PLTTDS) thì cũng đã có nhiều công trình nghiên cứu khoa học pháp lý nghiên cứu về vấn đề này như:

- Luận văn thạc sĩ luật học: "Hòa giải trong tố tụng dân sự - thực tiễn và hướng hoàn thiện" của Bùi Đăng Huy, Trường Đại học Luật Hà Nội, 1996;

- Luận văn thạc sĩ luật học: "Hòa giải trong tố tụng dân sự" của Trương Kim Oanh, Viện Nghiên cứu Nhà nước và pháp luật, Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn, 1996;

- Luận án tiến sĩ luật học: "Hòa giải trong giải quyết tranh chấp kinh tế tại Tòa án ở Việt Nam" của Đào Thị Xuân Lan, Viện Nhà nước và pháp luật, Hà Nội, 2004;

- Luận án tiến sĩ luật học: "Chế định hòa giải trong pháp luật tố tụng dân sự - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn" của Trần Văn Quảng, Trường Đại học Luật Hà Nội, 2004.

Bên cạnh đó còn có rất nhiều bài viết về thực tiễn hòa giải các vụ việc dân sự của các tác giả được đăng trên Tạp chí Tòa án nhân dân (TAND), Tạp chí Nhà nước và pháp luật, Tạp chí Kiểm sát, Báo Công lý... như:

- "Hoàn thiện chế định hòa giải trong tố tụng dân sự" của Đào Thị Mai Hường, Tạp chí TAND, số 1, 1998;

- "Hòa giải và tự thỏa thuận trong tố tụng dân sự, kinh tế và lao động"

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 137 trang tài liệu này.

của Phan Hữu Thư, Tạp chí Dân chủ và pháp luật, số 02, 1999;

- "Vai trò và thủ tục hòa giải trong xét xử các tranh chấp lao động"

Các qui định của Bộ luật Tố tụng dân sự Việt Nam 2004 về hòa giải vụ việc dân sự và thực tiễn thực hiện tại Tòa án nhân dân huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội - 2

của Lê Văn Luật, Tạp chí TAND, số 16, 2004;

- "Việc áp dụng các quy định về hòa giải trong tố tụng dân sự" của Nguyễn Thị Thanh Hương, Tạp chí Kiểm sát, số 5, 2006;

- "Tòa án ra quyết định phụ thuộc vào sự thỏa thuận của các đương sự" của Nguyễn Quốc Phương, Báo Công lý, số 72, ngày 06/9/2008;

- "Hòa giải trong tố tụng dân sự của Việt Nam và Nhật Bản nhìn từ góc độ so sánh" của Dương Quỳnh Hoa, Tạp chí Nhà nước và pháp luật, số 02, 2008...

Ngoài ra, hòa giải trong TTDS cũng được đề cập trong Giáo trình Luật Tố tụng dân sự của Trường Đại học Luật Hà Nội, Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh...

Mỗi công trình và mỗi bài viết trên nghiên cứu về hòa giải trong TTDS ở một khía cạnh riêng, nhưng phần lớn đều đề cập đến thực trạng của pháp luật về hòa giải, phản ánh những vướng mắc trong quá trình áp dụng chế định này và kiến nghị giải pháp sửa đổi, bổ sung các quy định về hòa giải cũng như các biện pháp nâng cao hiệu quả của hòa giải trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự tại Tòa án. Trong đó, công trình nghiên cứu của tiến sĩ Trần Văn Quảng đã nghiên cứu một cách tương đối đầy đủ và toàn diện về chế định hòa giải trong PLTTDS cũng như thực tiễn áp dụng chế định này. Tuy nhiên, cũng như các chế định pháp luật khác, chế định hòa giải vụ việc dân sự được hình thành trên cơ sở kinh tế - xã hội, phản ánh sâu sắc các yếu tố kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội đương thời. Vì vậy, chế định hòa giải luôn vận động và phát triển một cách khách quan trước yêu cầu của đời sống xã hội. Việc ban hành BLTTDS là một bước phát triển vượt bậc của hệ thống pháp luật TTDS, trong đó có chế định hòa giải vụ việc dân sự. Song từ khi BLTTDS ra đời đến nay, chưa có một công trình nghiên cứu nào nghiên cứu một cách đầy đủ và toàn diện các quy định về hòa giải của Bộ luật này.

3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của đề tài

Đối tượng nghiên cứu của đề tài là những vấn đề lý luận về hòa giải, chế định hòa giải vụ việc dân sự như khái niệm, bản chất, ý nghĩa, cơ sở của chế định hòa giải vụ việc dân sự; các quy định của BLTTDS về hòa giải vụ việc dân sự và thực tiễn áp dụng chúng tại TAND huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội; những giải pháp giải quyết những bất cập của các quy định này để nâng cao hiệu quả của công tác hòa giải vụ việc dân sự trong TTDS.

Các quy định của BLTTDS về hòa giải vụ việc dân sự là một đề tài có nội dung nghiên cứu rất rộng, bao gồm nhiều vấn đề khác nhau. Tuy vậy, phạm vi đề tài này, tác giả chỉ tập trung nghiên cứu các quy định của BLTTDS về hòa giải vụ việc dân sự trước khi mở phiên tòa, phiên họp dân sự với ý nghĩa là một bộ phận của PLTTDS nhằm làm rò những nội dung cơ bản của chúng và thực tiễn thực hiện chúng tại TAND huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội.

4. Mục đích và nhiệm vụ của việc nghiên cứu đề tài

Mục đích của việc nghiên cứu đề tài là nghiên cứu làm rò thêm những vấn đề lý luận về hòa giải, phân tích làm rò nội dung các quy định về hòa giải vụ việc dân sự trong BLTTDS cũng như thực tiễn áp dụng những quy định này tại TAND huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội; từ đó đề xuất các giải pháp hoàn thiện pháp luật về hòa giải nhằm nâng cao hiệu quả của công tác hòa giải trong TTDS.

Để đạt được những mục đích trên, việc nghiên cứu đề tài có những nhiệm vụ chủ yếu sau:

- Nghiên cứu những cơ sở lý luận của việc giải quyết vụ việc dân sự bằng phương thức hòa giải tại Tòa án; nghiên cứu nội dung các quy định của BLTTDS về hòa giải vụ việc dân sự.

- Nghiên cứu thực tiễn áp dụng các quy định của BLTTDS về hòa giải vụ việc dân sự tại TAND huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội.

- Nhận diện những tồn tại, bất cập của các quy định của BLTTDS về hòa giải vụ việc dân sự và tìm ra những giải pháp hoàn thiện các quy định của BLTTDS về hòa giải vụ việc dân sự.

5. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu của đề tài

Đề tài được nghiên cứu trên cơ sở phương pháp luận của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước và pháp luật. Ngoài ra, việc nghiên cứu đề tài không tách rời các chế định khác của PLTTDS nói riêng và toàn bộ hệ thống pháp luật nói chung.

Các phương pháp nghiên cứu cụ thể được sử dụng là: phân tích, chứng minh, tổng hợp, diễn giải, so sánh, điều tra xã hội, lôgíc, lịch sử...

6. Những điểm mới về khoa học của luận văn

Có thể nói rằng, từ khi BLTTDS có hiệu lực đến nay, luận văn này là công trình chuyên khảo đầu tiên nghiên cứu một cách toàn diện, đầy đủ và có hệ thống các quy định về hòa giải của Bộ luật này. Vì vậy, luận văn có những đóng góp mới về mặt khoa học là:

- Làm rò thêm một số vấn đề lý luận về hòa giải vụ việc dân sự;

- Đánh giá đầy đủ thực trạng của các quy định về hòa giải của BLTTDS, chỉ ra những vướng mắc trong quá trình áp dụng và những tồn tại, bất cập của chúng.

- Đưa ra các kiến nghị nhằm hoàn thiện các quy định của BLTTDS về hòa giải vụ việc dân sự.

7. Kết cấu của luận văn

Ngoài phần mở đầu, kết luận và danh mục tài liệu tham khảo, nội dung của luận văn gồm 3 chương:

Chương 1: Khái quát về chế định hòa giải vụ việc dân sự trong pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam

Chương 2: Nội dung các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự Việt Nam 2004 về hòa giải vụ việc dân sự

Chương 3: Thực tiễn thực hiện các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự Việt Nam 2004 về hòa giải vụ việc dân sự tại Tòa án nhân dân huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội và kiến nghị.

Chương 1

KHÁI QUÁT VỀ CHẾ ĐỊNH HÒA GIẢI VỤ VIỆC DÂN SỰ TRONG PHÁP LUẬT TỐ TỤNG DÂN SỰ VIỆT NAM


1.1. KHÁI NIỆM, CƠ SỞ VÀ VAI TRÒ CỦA CHẾ ĐỊNH HÒA GIẢI VỤ VIỆC DÂN SỰ TRONG PHÁP LUẬT TỐ TỤNG DÂN SỰ VIỆT NAM

1.1.1. Khái niệm chế định hòa giải vụ việc dân sự trong pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam

Hòa giải là một biện pháp truyền thống để giải quyết các tranh chấp trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Thông thường, khi bắt đầu xảy ra tranh chấp, các bên tranh chấp sẽ cố gắng trực tiếp gặp nhau để dàn xếp, đàm phán, thương lượng. Nếu không có kết quả, họ sẽ tìm đến người thứ ba để giúp họ giải quyết tranh chấp. Người thứ ba mà họ tìm đến trước tiên sẽ không phải là những người xa lạ mà chính là những người gần gũi nhất của hai bên. Nếu những người thân không giúp họ tự hòa giải được, họ sẽ tìm gặp và nhờ cậy các hòa giải viên cơ sở hoặc những người làm việc ở chính quyền và đoàn thể cấp cơ sở mà họ tin tưởng. Việc giải quyết tranh chấp nếu chỉ dừng lại ở các cấp độ như trên thì đó là giải quyết tranh chấp ngoài tố tụng.

Nếu các bên không tự thương lượng và hòa giải được với nhau thì họ sẽ buộc phải khởi kiện ra Tòa án. Tuy nhiên, pháp luật không quy định bắt buộc các đương sự đều phải khởi kiện ra Tòa. Họ có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hoặc không khởi kiện. Tại Điều 4 của BLTTDS quy định: "Các cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền khởi kiện vụ án dân sự, yêu cầu giải quyết việc dân sự tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình hoặc của người khác". Nếu các bên tranh chấp lựa chọn hình thức khởi kiện để yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền lợi của mình thì trong suốt quá trình tham gia tố tụng, họ vẫn có quyền tự

định đoạt quyền lợi của mình. Khoản 2 Điều 5 của BLTTDS quy định: "Trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự, các đương sự có quyền chấm dứt, thay đổi các yêu cầu của mình hoặc thỏa thuận với nhau một cách tự nguyện, không trái pháp luật và đạo đức xã hội" [34]. Điều đó có nghĩa là để giải quyết vụ việc dân sự, ngoài việc xét xử, Tòa án có thể hòa giải để giúp các bên đương sự thỏa thuận giải quyết vụ việc. Trong hòa giải, Tòa án cũng là người thứ ba trong việc giải quyết các tranh chấp. Song vai trò người thứ ba của Tòa án không chỉ dừng lại ở việc tư vấn, đề xuất phương án giải quyết tranh chấp như Hòa giải viên mà pháp luật còn giao cho Tòa án quyền quyết định cuối cùng đối với vụ việc, nếu các bên tranh chấp không tự thỏa thuận được.

Như vậy, hòa giải vụ việc dân sự là một phương thức giải quyết vụ việc dân sự của Tòa án. Tuy vậy, vẫn có nhiều cách hiểu khác nhau về hòa giải vụ việc dân sự. Có quan điểm cho rằng: Hòa giải trong giải quyết tranh chấp tại Tòa án là cách thức tích hợp hòa giải vào tố tụng tư pháp với vai trò của Tòa án là người trung gian thứ ba giúp đề xuất các cách giải quyết thân thiện để hai bên tự thỏa thuận, đồng thời công nhận giá trị pháp lý và bảo đảm thi hành bằng sức mạnh của Nhà nước kết quả thỏa thuận của các bên [18, tr. 21]. Có quan điểm lại cho rằng: Hòa giải vụ án dân sự là hoạt động tố tụng do Tòa án tiến hành nhằm giúp đỡ các đương sự thỏa thuận với nhau về giải quyết vụ án dân sự [61, tr. 257].

Cũng có quan điểm cho rằng: Hòa giải trong TTDS là một cách thức giải quyết các tranh chấp dân sự được pháp luật quy định theo một trình tự và thủ tục nhất định, theo đó Tòa án giải thích pháp luật làm cho các bên hiểu rò quyền và nghĩa vụ của mình trong quan hệ tranh chấp nhằm mục đích hướng các đương sự tự nguyện thỏa thuận với nhau về giải quyết tranh chấp giữa họ [16, tr. 43].

Từ những quan điểm đã nêu và các quy định của pháp luật hiện hành cho thấy hòa giải trong TTDS có những đặc điểm sau:

Thứ nhất, hòa giải là một nguyên tắc, thủ tục của quá trình giải quyết vụ việc dân sự.

Hòa giải đã được PLTTDS Việt Nam quy định là một nguyên tắc, thủ tục của quá trình giải quyết vụ việc dân sự để các đương sự thực hiện quyền tự định đoạt của mình và tạo cơ hội rút ngắn thời gian tố tụng, đồng thời góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của Tòa án. Theo Điều 10 của BLTTDS: "Tòa án có trách nhiệm tiến hành hòa giải và tạo điều kiện thuận lợi để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ việc dân sự theo quy định của Bộ luật này". Theo Điều 180 của BLTTDS: "Trong thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án, Tòa án tiến hành hòa giải để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án, trừ những vụ án không được hòa giải hoặc không tiến hành hòa giải được quy định tại Điều 181 và Điều 182 của Bộ luật này" [34]. Như vậy, hòa giải là một thủ tục bắt buộc trước khi xét xử sơ thẩm đối với những vụ việc dân sự mà pháp luật quy định phải hòa giải.

Thứ hai, Tòa án là chủ thể trung gian tiến hành hòa giải.

Tòa án tham gia hòa giải với vai trò là chủ thể trung gian trong suốt quá trình giải quyết vụ việc dân sự không chỉ bảo đảm quyền tự định đoạt của các đương sự mà còn bảo đảm tính pháp lý của hòa giải. Tòa án là người chủ động triệu tập đương sự để mở phiên hòa giải. Trong quá trình hòa giải, Tòa án mà đại diện là Thẩm phán được phân công giải quyết vụ việc có nhiệm vụ giải thích pháp luật liên quan đến quan hệ tranh chấp, phân tích những vướng mắc của các bên đương sự, đề xuất các phương án để đương sự tự thỏa thuận với nhau về giải quyết vụ việc. Kết quả của hòa giải được Tòa án công nhận. Như vậy, sự có mặt của Tòa án trong hòa giải khẳng định vị trí trung gian của Tòa án trong quá trình hòa giải các vụ việc dân sự tại Tòa án.

Thứ ba, hòa giải là sự thỏa thuận của các đương sự.

Xem tất cả 137 trang.

Ngày đăng: 27/06/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí