CHƯƠNG 3: THỰC TRẠNG VÀ KIẾN NGHỊ HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT TRÁNH ĐÁNH THUẾ HAI LẦN CỦA VIỆT NAM
3.1. Sơ lược về vai trò và sự phát triển của pháp luật Việt Nam về tránh đánh thuế hai lần
Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực thuế nói chung và tránh đánh thuế hai lần nói riêng là cần thiết và tất yếu đối với Việt Nam cùng với việc mở rộng hợp tác kinh tế quốc tế và hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới. Các Hiệp định mà Việt Nam ký kết với các nước là yếu tố góp phần tạo môi trường kinh doanh, làm ăn hấp dẫn giúp Việt Nam thu hút cả vốn đầu tư trực tiếp và đầu tư gián tiếp, tiếp thu công nghệ, tiếp nhận lao động có trình độ cao vào phát triển kinh tế đất nước.
Nhìn chung, các Hiệp định mà Việt Nam ký kết với các nước là tương đối phù hợp với thông lệ về thuế quốc tế. Việc ký kết và thực hiện các Hiệp định không những mang lại lợi ích trong phát triển kinh tế mà còn có tác dụng thúc đẩy sự phát triển của pháp luật thuế Việt Nam, tiến tới một hệ thống thuế hoàn chỉnh và hiện đại.
So với những quy định của Hiệp định thì pháp luật thuế của Việt Nam ở thời điểm bắt đầu đàm phán và ký kết những Hiệp định đầu tiên (năm 1992) còn chưa tương thích, không phù hợp với Hiệp định, thiếu nhiều nội dung như: xác định đối tượng nộp thuế theo khái niệm về "đối tượng cư trú", "cơ sở thường trú" và việc xác định quyền đánh thuế của quốc gia theo những nguyên tắc này; thuế đối với tiền lãi cổ phần, lãi tiền vay, thuế tài sản; những quy định về cho trừ các khoản thuế thu nhập đã nộp ở nước ngoài vào số thuế phải nộp ở Việt Nam; những quy định về chống chuyển giá, quy định trao đổi thông tin với cơ quan thuế nước ngoài về đối tượng nộp thuế . . .
Có thể bạn quan tâm!
- Thuế Đối Với Thu Nhập Từ Hoạt Động Ngành Nghề Độc Lập
- Thuế Đối Với Thu Nhập Từ Hoạt Động Biểu Diễn Của Nghệ Sỹ Và Vận Động Viên
- Thuế Đối Với Thu Nhập Của Sinh Viên, Học Sinh Học Nghề
- Các Hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa Việt Nam và nước ngoài - 15
- Các Hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa Việt Nam và nước ngoài - 16
Xem toàn bộ 135 trang tài liệu này.
Để đảm bảo thực hiện các cam kết đã được ghi nhận tại các Hiệp định, cùng với chương trình cải cách hệ thống thuế, Việt Nam đã dần chuyển hoá những nội dung của Hiệp định vào trong nội luật (pháp luật thuế), vừa phù hợp quan điểm hiện đại trong lĩnh vực thuế, vừa thuận lợi cho việc áp dụng Hiệp định.
Ở thời kỳ đầu khi mới triển khai thực hiện các Hiệp định cũng là giai đoạn nước ta mới tham gia hội nhập kinh tế quốc tế (giai đoạn từ năm 1992- 1993) nên các giao dịch kinh tế, thương mại, đầu tư... giữa Việt Nam và các quốc gia khác chưa nhiều, đối tượng điều chỉnh của các Hiệp định còn hạn chế về số lượng thì sự thiếu vắng các quy định trong pháp luật thuế Việt Nam so với các quy định tại Hiệp định được tạm thời hướng dẫn thực hiện bằng các văn bản dưới hình thức công văn của Tổng cục Thuế như các văn bản giải thích, hướng dẫn thực hiện áp dụng các loại thuế lợi tức, thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao, thuế chuyển lợi nhuận ra nước ngoài, thuế thu nhập từ tiền bản quyền theo các quy định của Hiệp định. Tuy nhiên, có thể nhìn nhận đây chỉ là biện pháp tạm thời. Dù sao thì việc sử dụng công văn (công văn số 1664-TCT/HTQT ngày 11/10/1994 của Tổng cục Thuế hướng dẫn thực hiện Hiệp định tránh đánh thuế hai lần) để điều chỉnh quan hệ pháp luật thay cho văn bản quy phạm pháp luật cũng là sự tồn tại không đáng có trong công tác thuế thời kỳ này.
Đến năm 1994, từ yêu cầu và thực tiễn quản lý thuế đối với các đối tượng nước ngoài, tại Pháp lệnh thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao (sửa đổi) đã bổ sung khái niệm "đối tượng cư trú" và "không cư trú" với người nước ngoài ở Việt nam. Đồng thời, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 08 TC/TCT ngày 5/2/1994 hướng dẫn về thuế đối với thu nhập từ tiền bản quyền, trong đó đã đưa ra khái niệm tiền bản quyền phù hợp với quy định về
tiền bản quyền trong Hiệp định thuế. Đây là những bước phát triển đầu tiên theo hướng chuyển hoá những quy định của Hiệp định vào nội luật và điều chỉnh chính sách thuế của Việt nam phù hợp với thông lệ quốc tế.
Những năm tiếp theo để đáp ứng được yêu cầu quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh của các công ty nước ngoài ở Việt nam đang tăng lên nhanh chóng cả về số lượng và loại hình kinh doanh, các văn bản pháp luật về thuế đã có những bước phát triển mới, cơ bản ở khía cạnh thuế quốc tế. Đó là, đã đưa những qui định về các biện pháp chống chuyển giá phù hợp với thông lệ quốc tế vào Thông tư của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện qui định về thuế đối với các hình thức đầu tư theo Luật đầu tư nước ngoài tại Việt nam; đưa vào Luật thuế thu nhập doanh nghiệp những qui định về "cơ sở thường trú của các công ty nước ngoài ở Việt Nam", về khấu trừ thuế đối với các tổ chức cá nhân nước ngoài kinh doanh không có cơ sở thường trú ở Việt Nam nhưng có thu nhập phát sinh ở Việt Nam; về cho khấu trừ số thuế thu nhập đã nộp ở nước ngoài vào số thuế thu nhập phải nộp ở Việt Nam; thuế đối với lãi tiền vay đối với các tổ chức, cá nhân nước ngoài . . .
Những năm gần đây, cùng với việc tiến hành cải cách hệ thống thuế, Việt Nam đã ban hành nhiều sắc thuế mới như thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân thì nhiều khái niệm trong Hiệp định đã được chuyển hóa vào nội luật thuế Việt Nam như cơ sở thường trú, cá nhân cư trú, cá nhân không cư trú, ... vừa thuận lợi cho việc thực hiện Hiệp định, vừa phù hợp với thông lệ quốc tế.
Sự tăng lên về số lượng Hiệp định mà Việt Nam ký kết cũng kéo theo số đối tượng thuộc diện điều chỉnh của các Hiệp định gia tăng. Bên cạnh đó có nhiều nội dung của Hiệp định là hoàn toàn mới so với quy định của pháp
luật trong nước đã đặt ra yêu cầu phải ban hành văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện các Hiệp định, đảm bảo các cam kết quốc tế về tránh đánh thuế hai lần của Việt Nam được thực hiện nghiêm chỉnh và thống nhất. Trước yêu cầu đó, Bộ Tài chính đã lần lượt ban hành một số thông tư để hướng dẫn thi hành các Hiệp định:
- Thông tư số 52 TC/TCT ngày 16/08/1997 hướng dẫn thực hiện Hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa Việt Nam và các nước;
- Thông tư số 95/1997/TT-BTC ngày 29/12/1997 hướng dẫn và giải thích nội dung các điều khoản của Hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa Việt Nam và các nước đã ký kết và có hiệu lực thi hành tại Việt Nam;
- Thông tư số 59/1998/TT-BTC ngày 12/05/1998 bổ sung Thông tư số 95/1997/TT-BTC ngày 29/12/1997 của Bộ Tài chính hướng dẫn và giải thích nội dung các điều khoản của Hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa Việt Nam và các nước đã ký kết và có hiệu lực thi hành tại Việt Nam;
- Thông tư số 37/2000/TT-BTC ngày 05/05/2000 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 95/1997/TT-BTC ngày 29/12/1997 của Bộ Tài chính về hướng dẫn và giải thích nội dung các điều khoản của Hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa Việt Nam và các nước đã ký kết và có hiệu lực thi hành tại Việt Nam;
- Thông tư số 133/2004/TT-BTC ngày 31/12/2004 hướng dẫn thực hiện các Hiệp định tránh đánh thuế hai lần đối với các loại thuế đánh vào thu nhập và tài sản giữa Việt Nam với các nước có hiệu lực thi hành tại Việt Nam.
Khắc phục tình trạng hướng dẫn thực hiện Hiệp định bằng công văn, các vấn đề hướng dẫn thực hiện chỉ đơn lẻ, không có tính hệ thống, các thông tư này đã quy định tập trung các nội dung liên quan đến việc thực hiện các Hiệp định nói chung, giải thích, hướng dẫn nội dung các điều khoản của các Hiệp định đã ký, quy định thẩm quyền của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Cục Thuế trong việc quản lý thực hiện Hiệp định; quy định về thủ tục miễn, giảm thuế, khấu trừ thuế, thoái trả tiền thuế, giải quyết các khiếu nại về thuế của các đối tượng nộp thuế tại Việt Nam theo Hiệp định. Việc ban hành các thông tư hướng dẫn thực hiện Hiệp định là một bước tiến và đặt dấu mốc cho việc hình thành pháp luật thuế Việt Nam về tránh đánh thuế hai lần.
Như vậy, cùng với việc xây dựng một hệ thống văn bản pháp quy về thuế đáp ứng những yêu cầu về thu ngân sách phù hợp với tình hình phát triển mới của nền kinh tế , các Hiệp định tránh đánh thuế hai lần ký giữa Việt Nam và các nước đã trở thành một bộ phận của pháp luật thuế Việt Nam, góp phần vào việc điều chỉnh các hoạt động kinh tế và đầu tư của nước ngoài tại Việt Nam dưới giác độ thuế. Ngoài ra, các Hiệp định còn có vai trò định hướng cho việc xây dựng và hoàn thiện luật thuế theo hướng phù hợp với thông lệ quốc tế, đáp ứng được yêu cầu mở rộng quan hệ hợp tác với các nước, thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
3.2. Một số tồn tại của pháp luật về tránh đánh thuế hai lần của Việt Nam
Như đã nêu ở 3.1, pháp luật về tránh đánh thuế hai lần đã có những đóng góp nhất định cho sự phát triển kinh tế, đóng góp cho công cuộc hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam, có tác dụng thúc đẩy hệ thống thuế Việt Nam dần tiếp cận với thông lệ quốc tế, giúp cho nước ta hội nhập ngày một
toàn diện vào nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên, nhìn lại thì bên cạnh những mặt đã đạt được, pháp luật về tránh đánh thuế hai lần của Việt Nam cũng còn những tồn tại cần tiếp tục hoàn thiện để thực hiện tốt hơn nữa vai trò của nó.
3.2.1. Đối với Hiệp định
Hiện nay, Việt Nam có quan hệ kinh tế, thương mại với nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là đã trở thành thành viên của tổ chức thương mại thế giới. Số lượng các đối tác kinh tế gia tăng đồng nghĩa với việc các thể nhân, pháp nhân nước ngoài hiện diện hoặc không hiện diện ở Việt Nam có quan hệ kinh tế, có thu nhập phát sinh ở Việt Nam ngược lại, công dân, doanh nghiệp Việt Nam có điều kiện kinh doanh và thu lợi nhuận ở nước ngoài. Hiện nay, Việt Nam mới chỉ ký 58 Hiệp định tránh đánh thuế hai lần. Số lượng các Hiệp định Việt Nam đã ký kết chưa tương xứng với quan hệ kinh tế quốc tế mà hiện nước ta đã thiết lập.
Tại một số Hiệp định thì thu nhập của giáo viên, giáo sư và người nghiên cứu được miễn thuế hai năm (như Hiệp định với Trung Quốc), một số Hiệp định khác thì không có điều khoản quy định về loại thu nhập này (như Hiệp định với Ucraina). Nếu không có quy định thì loại thu nhập này sẽ được coi là thu nhập khác và phải chịu thuế ở nước cư trú. Việc khuyết thiếu quy định này trong một số Hiệp định tạo ra sự không công bằng về nghĩa vụ thuế giữa các công dân của các nước ký kết khác nhau khi cư trú ở Việt Nam.
So sánh các Hiệp định của Việt Nam với Hiệp định mẫu của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD- Organization for Economic Cooperation and Development)về tránh đánh thuế hai lần (Model tax convention on income anh on capital) và với một số hiệp định mà một số nước trên thế giới ký kết với nhau trong lĩnh vực tránh đánh thuế hai lần thì các Hiệp định của
Việt Nam có một số khác biệt với thông lệ quốc tế. Cụ thể như, đối với thu nhập từ tiền bản quyền, nếu theo Hiệp định mẫu của OECD thì loại thu nhập này chỉ bị đánh thuế ở nước cư trú và không bị đánh thuế ở nước có nguồn thu nhập (“Royalities arising in a Contracting State and beneficially owned by a resident of the other Contracting State shall be taxable only in that other State”) nhưng theo Hiệp định của Việt Nam ký với các nước khác thì loại thu nhập này có thể bị đánh thuế ở cả hai nước ký kết (vẫn bị đánh thuế ở nước có nguồn thu nhập). Sự khác biệt này xuất phát từ việc trong quan hệ về sở hữu trí tuệ, Việt Nam là nước chủ yếu tiếp nhận công nghệ và đối tượng cư trú của Việt Nam phải trả tiền bản quyền. Quy định như vậy có thể có lợi trước mắt về thu ngân sách, nhưng về lâu dài thì thỏa thuận như vậy vừa không khuyến khích việc thu hút công nghệ mới, vừa không thuận lợi cho hội nhập kinh tế quốc tế. Các quy định không phù hợp với thông lệ quốc tế như vậy tại các Hiệp định hiện đang có hiệu lực cần được xem xét để sửa đổi và là kinh nghiệm cho việc ký kết các Hiệp định mới.
Các nước trên thế giới đã ký kết với nhau hiệp định đa phương về tránh đánh thuế hai lần, ví dụ như Hiệp định của các nước Bắc Âu về thu nhập và tài sản ký năm 1983 (được sửa đổi năm 1987, 1996) ký kết giữa các nước Đan Mạch, Phần Lan, Ai-Xơ-Len, Na Uy và Thụy Điển.Với việc ký kết hiệp định song phương thì việc đàm phán ký kết phải thực hiện với từng nước một, thỏa thuận với từng nước có thể khác nhau dẫn đến nội dung từng Hiệp định cũng có ít nhiều khác biệt.
3.2.2. Đối với các quy định của pháp luật Việt Nam liên quan đếu Hiệp định
Hiệp định không áp dụng trực tiếp cho việc thực hiện nghĩa vụ thuế của các đối tượng liên quan do Hiệp định chủ yếu chỉ phân định quyền đánh thuế, trên cơ sở quyền đánh thuế được xác định theo Hiệp định, nước ký kết thực hiện quyền đánh thuế theo nội luật nước mình. Thực tế thi hành các Hiệp định tại Việt Nam đã nảy sinh những vướng mắc, vì mặc dù có tính khái quát cao nhưng Hiệp định cũng không thể bao quát mọi trường hợp có thể xảy ra trong thực tế, nhất là những trường hợp đặc thù, hơn nữa, dù sao cũng có “độ vênh” nhất định giữa quy định của Hiệp định và pháp luật thuế Việt Nam.
Với tư cách là Nhà chức trách có thẩm quyền của Việt Nam, Tổng cục thuế vẫn thường xuyên tiếp nhận các ý kiến đề nghị giải đáp thắc mắc, kiến nghị, khiếu nại của các đối tượng có nghĩa vụ thuế thuộc diện điều chỉnh của Hiệp định. Với thẩm quyền của mình, Tổng cục thuế đã căn cứ các quy định của các Hiệp định và pháp luật thuế Việt Nam, và trong một số trường hợp cần thiết đã tham vấn ý kiến của Nhà chức trách có thẩm quyền của nước ký kết Hiệp định với Việt Nam để trả lời các đối tượng trên, cũng như hướng dẫn các Cục thuế địa phương trong việc thi hành, áp dụng các Hiệp định tại Việt Nam. Số lượng không nhỏ các văn bản của đối tượng nộp thuế thuộc diện điều chỉnh của Hiệp định và của các Cục thuế gửi Tổng cục Thuế đề nghị giải đáp, hướng dẫn thực hiện các Hiệp định phản ánh một thực tế là còn những bất cập trong các quy định về tránh đánh thuế hai lần của pháp luật Việt Nam cũng như trong thực tế thi hành Hiệp định còn có những vướng mắc, qua đó cho thấy những quy định của pháp luật Việt Nam liên quan đến việc thực hiện Hiệp định còn cần tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện.
Các văn bản pháp luật của Việt Nam về thuế đều có phần quy định thuế đối với đối tượng nước ngoài nhưng không quy định riêng cho các trường hợp thuộc diện hưởng Hiệp định mà chỉ quy định chung về nghĩa vụ thuế của cá