Thời hạn, thủ tục giải quyết khiếu nại theo quy định của Hiệp định không được cụ thể hóa nên không thể xác định trách nhiệm giải quyết khiếu nại của Tổng cục Thuế về mặt thời gian, cũng như để khiếu nại thì phải thực hiện những thủ tục gì.
3.3. Một số kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật tránh đánh thuế hai lần
Trên cơ sở đánh giá quan hệ kinh tế quốc tế, mức độ, số lượng hiện diện của thể nhân, pháp nhân của một số nước ở Việt Nam và ngược lại, Việt Nam cần tiếp tục đàm phán để ký kết các Hiệp định mới để tạo điều kiện hỗ trợ phát triển các quan hệ kinh tế quốc tế mà Việt Nam đã thiết lập.
Sự khác nhau trong một số quy định tại các Hiệp định khác nhau tạo ra sự không công bằng giữa cá nhân, doanh nghiệp của các nước khác nhau có quan hệ kinh tế với Việt Nam mặc dù các nước đó đều đã ký Hiệp định với Việt Nam. Trong quan hệ kinh tế quốc tế, tối huệ quốc (MFN) là nguyên tắc được thừa nhận rộng rãi và được Việt Nam công nhận. Vì vậy, cần rà soát nội dung các Hiệp định để sửa đổi theo hướng tạo sự công bằng cho cá nhân, doanh nghiệp của ký kết Hiệp định với Việt Nam.
Cần rà soát các quy định tại các Hiệp định hiện tại không phù hợp với thông lệ quốc tế (như thu nhập từ tiền bản quyền) để sửa đổi cho phù hợp và là kinh nghiệm cho việc ký kết các Hiệp định mới.
Có thể bạn quan tâm!
- Thuế Đối Với Thu Nhập Của Sinh Viên, Học Sinh Học Nghề
- Sơ Lược Về Vai Trò Và Sự Phát Triển Của Pháp Luật Việt Nam Về Tránh Đánh Thuế Hai Lần
- Các Hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa Việt Nam và nước ngoài - 15
Xem toàn bộ 135 trang tài liệu này.
Việc ký kết Hiệp định song phương có nhược điểm là mất nhiều thời gian, sự khác biệt của từng Hiệp định làm cho việc thi hành pháp luật tránh đánh thuế hai lần phải xem xét áp dụng Hiệp định phù hợp, thêm vào đó là có sự không công bằng về thuế giữa đối tượng cư trú của các nước ký kết khác
nhau do nội dung từng Hiệp định khác nhau. Vì vậy, khắc phục các nhược điểm của Hiệp định song phương đã nêu ở trên, Việt Nam có thể xem xét để trong tương lai ký kết các Hiệp định đa phương về tránh đánh đánh thuế hai lần.
Sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật trong nước cho phù hợp với các quy định của Hiệp định cũng như thông lệ quốc tế như quy định về cá nhân là đối tượng cư trú, thu nhập từ hoạt động kinh doanh của cơ sở thường trú.
Có cơ chế thông tin, phối hợp giữa nhà chức trách có thẩm quyền của Việt Nam và nhà chức trách có thẩm quyền của nước ký kết để tạo thuận lợi cho đối tượng nộp thuế trong trường hợp các công ty hợp danh, cũng như chống thất thu thuế đối với trường hợp cá nhân nước ngoài là đối tượng cư trú của Việt Nam (Việt Nam có quyền đánh thuế đối với thu nhập phát sinh trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam).
Sớm ban hành bổ sung mẫu và thủ tục cho việc yêu cầu miễn thuế thu nhập đối với thu nhập từ chuyển nhượng vốn theo Hiệp định, mẫu và thủ tục cho việc yêu cầu xác nhận số thuế đã nộp ở Việt Nam hoặc lẽ ra phải nộp ở Việt Nam nhưng do được miễn, giảm thuế theo các quy định của pháp luật Việt Nam về ưu đãi thuế, ưu đãi đầu tư để thống nhất thực hiện thủ tục tránh đánh thuế hai lần theo cơ chế “tự khai, tự nộp” của Thông tư số 60/2007/TT- BTC.
Sớm nghiên cứu, ban hành một văn bản mới để hướng dẫn tập trung và thống nhất việc thi hành các Hiệp định, khắc phục các nội dung đã lạc hậu của Thông tư số 133/2004/TT-BTC, đồng thời khắc phục sự chồng chéo, mâu thuẫn trong các văn bản nội luật liên quan nghĩa vụ thuế của cá nhân, doanh
nghiệp là đối tượng cư trú của nước ký kết Hiệp định với Việt Nam, cũng như khắc phục tình trạng hướng dẫn nội dung tại một văn bản, thủ tục thực hiện ở một văn bản khác (Thông tư số 133/2004/TT-BTC quy định về nội dung, Thông tư số 60/2007/TT-BTC quy định về thủ tục).
Quy định rõ thẩm quyền của Tổng cục Thuế với tư cách là nhà chức trách có thẩm quyền của Việt Nam nhằm đảm bảo cơ quan này có đầy đủ thẩm quyền trong giải quyết khiếu nại theo quy định của Hiệp định.Bên cạnh việc xác định thẩm quyền của Tổng cục Thuế trong giải quyết khiếu nại theo quy định của Hiệp định, cần quy định rõ thủ tục, thời gian giải quyết khiếu nại, nghĩa vụ của nhà chức trách có thẩm quyền trong việc giải quyết khiếu nại để tạo thuận lợi cho đối tượng khiếu nại cũng như xác định được trách nhiệm của cơ quan, cá nhân giải quyết khiếu nại.
Qua phân tích các quy định hiện hành thì việc khiếu nại theo quy định của Hiệp định chỉ được khiếu nại một lần duy nhất và nếu lựa chọn khiếu nại theo thủ tục này thì người khiếu nại sẽ mất quyền khiếu nại, khởi kiện theo quy định của pháp luật Việt Nam. Cần xem xét, sửa đổi các quy định hiện hành sao cho việc khiếu nại theo quy định của Hiệp định không kém thuận lợi hơn so với thực hiện khiếu nại theo pháp luật trong nước, đảm bảo cho đối tượng khiếu nại có quyền được yêu cầu giải quyết khiếu nại hơn một lần hoặc có quyền đưa vụ việc ra giải quyết tại Tòa Hành chính trong trường hợp quyết định giải quyết của nhà chức trách có thẩm quyền không thỏa đáng.
Kết luận Chương 3
Các Hiệp định tránh đánh thuế hai lần ký giữa Việt Nam và các nước đã trở thành một bộ phận của pháp luật thuế Việt Nam, góp phần vào việc
điều chỉnh các hoạt động kinh tế và đầu tư của nước ngoài tại Việt Nam dưới góc độ thuế.
Bên cạnh tác động tích cực đối với phát triển kinh tế, các Hiệp định còn có vai trò định hướng cho việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật thuế Việt Nam theo hướng hiện đại, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Để phát huy tính tích cực của Hiệp định và vai trò của nó trong hợp tác và phát triển quan hệ kinh tế quốc tế, cần rà soát những quy định không phù hợp của Hiệp định cũng như của pháp luật trong nước để sửa đổi nhằm hoàn thiện các Điều ước quốc tế, cũng như đảm bảo sự phù hợp của nội luật và quy định của Hiệp định.
KẾT LUẬN
1. Xóa bỏ tình trạng đánh thuế hai lần là cần thiết đối trong việc phát triển và hợp tác kinh tế quốc tế của các quốc gia nói chung, đặc biệt là đối với Việt Nam trong bối cảnh nước ta đang từng bước hội nhập nền kinh tế thế giới và có nhu cầu thu hút đầu tư nước ngoài để phát triển nền kinh tế.
2. Việc xóa bỏ tình trạng đánh thuế hai lần được thực hiện thông qua việc ký kết Điều ước quốc tế giữa Việt Nam và nước liên quan có tên gọi là Hiệp định tránh đánh thuế hai lần. Các thỏa thuận ghi nhận tại Hiệp định phân định quyền đánh thuế của hai nước ký kết đối với đối tượng cư trú của hai bên, các biện pháp tránh đánh thuế hai lần áp dụng với từng loại thu nhập.
3. Các Hiệp định tránh đánh thuế hai lần ký giữa Việt Nam và các nước đã có tác dụng tích cực trong việc hỗ trợ phát triển hợp tác kinh tế quốc tế giữa Việt Nam và các nước, có tác động tích cực trong việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật thuế Việt Nam theo hướng hiện đại, phù hợp với thông lệ quốc tế.
4. Với tính chất và tầm quan trọng như vậy, cần phát huy tính tích cực và vai trò của Hiệp định trong hợp tác và phát triển quan hệ kinh tế quốc tế thông qua việc rà soát những quy định không còn phù hợp của Hiệp định cũng như tại các văn bản pháp luật trong nước để sửa đổi nhằm hoàn thiện các Hiệp định, đảm bảo sự phù hợp của nội luật và quy định của Hiệp định và tiếp tục xem xét ký kết những Hiệp định mới với những nước có quan hệ kinh tế với Việt Nam.
5. Cho tới nay, Thông tư số 133/2004/TT-BTC ngày 31/12/2004 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện các Hiệp định tránh đánh thuế hai lần vào
thu nhập và tài sản giữa Việt Nam và các nước có hiệu lực thi hành tại Việt Nam là văn bản quy phạm pháp luật trong nước chứa đựng tập trung nhất các quy phạm pháp luật liên quan đến thực hiện các Hiệp định. Ngoài việc làm rõ các nội dung đã được quy định tại các Hiệp định nhằm hướng dẫn thi hành các Hiệp định tại Việt Nam, thông tư này còn làm “cầu nối”, chỉ ra mối liên hệ giữa các quy định của Hiệp định với các quy định có liên quan của pháp luật Việt Nam. Từ thời điểm Thông tư số 133/2004/TT-BTC có hiệu lực (1/2/2005) đã có hàng loạt văn bản quy phạm pháp luật được ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung mà nội dung của của các văn bản này đã được Thông tư số 133/2004/TT-BTC dẫn chiếu tới như Bộ luật Dân sự 2005, Luật sở hữu trí tuệ, Luật thuế thu nhập cá nhân, Luật thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), Luật quản lý thuế... , vì thế, một số nội dung tại Thông tư này đã lạc hậu so với quy định hiện hành của Việt Nam. Ngoài ra, hiện nay các thủ tục về thuế, bao gồm các thủ tục thực hiện Hiệp định do pháp luật về quản lý thuế quy định nên những nội dung về thủ tục thực hiện Hiệp định quy định tại Thông tư số 133/2004/TT-BTC đã không còn hiệu lực. Xuất phát từ tình hình trên, cần thiết sớm nghiên cứu, ban hành một văn bản quy phạm pháp luật để hướng dẫn tập trung và thống nhất việc thi hành các Hiệp định, khắc phục các nội dung đã lạc hậu của Thông tư số 133/2004/TT-BTC, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thi hành các Hiệp định tại Việt Nam.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
I. TIẾNG VIỆT
1. Nguyễn Bá Diến chủ biên (2003), Giáo trình Tư pháp quốc tế, NXB Đại học quốc gia Hà Nội, Hà Nội.
2. Nguyễn Bá Diến chủ biên (2005), Giáo trình Luật Thương mại quốc tế, NXB Đại học quốc gia Hà Nội, Hà Nội.
3. Phạm Thị Thu Giang chủ biên (2005), Giáo trình luật thuế Việt Nam, NXB Tư pháp, Hà Nội.
4. Trường Đại học Luật Hà Nội (2002), Giáo trình Công pháp quốc tế, NXB Công an nhân dân, Hà Nội.
5. Bộ Thương mại (2004), Kiến thức cơ bản về hội nhập kinh tế quốc tế, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội.
6. Bộ Tài chính (2007), Quy trình quản lý thuế và cơ chế tự kê khai, tự nộp thuế theo Luật quản lý thuế, NXB Lao động xã hội, Hà Nội.
7. Tổng cục Thuế (1998), Hiệp định tránh đánh thuế hai lần của Việt Nam- Tập 1, NXB Tài chính, Hà Nội.
8. Tổng cục Thuế (1998), Hiệp định tránh đánh thuế hai lần của Việt Nam- Tập 2, NXB Tài chính, Hà Nội.
9. Tổng cục Thuế (2004), Hiệp định tránh đánh thuế hai lần của Việt Nam- Tập 4, NXB Tài chính, Hà Nội.
10. Michel Bouvier (2005), Nhập môn luật thuế đại cương và lý thuyết thuế, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội.
* Website http://mof.gov.vn http://www.gdt.gov.vn http://www.nciec.gov.vn
II. TIẾNG ANH
11. United Nation (2001), Model Double Taxation Convention between Developed and Developing Countries, United Nation Publication, New York.
12. OECE Committee on Fiscal Affairs (2005), Model Tax Convention on Income and on Capital, OECD Publishing, Paris.