Các công ước quốc tế về lao động trẻ em và những vấn đề đặt ra đối với Việt Nam - 11

Ba là, nhận thức của trẻ em và người chưa thành niên đã từng bước được nâng cao. Các em được cung cấp các kiến thức, kỹ năng để tự chăm sóc và bảo vệ mình; cơ hội và hoạt động tăng cường sự tham gia của trẻ em đang dần được mở rộng. Các em ngày càng có điều kiện bày tỏ ý kiến và tham gia các hoạt động có liên quan đến mình dưới nhiều hình thức và ở các cấp độ như: ở trường học, ở địa phương, ở cấp quốc gia và quốc tế. Tính đến cuối năm 2008, cả nước có trên 220 nhà văn hóa thiếu nhi, nhà thiếu nhi; 3.673/8.895 xã có nhà văn hóa; 37.124/73.793 thôn có nhà văn hóa; 7.854 xã và 34.303 thôn có sân thể thao; 148 điểm vui chơi dành cho trẻ em cấp tỉnh và tương đương; 773 điểm vui chơi cấp huyện và tương đương; 8.654 điểm vui chơi cấp xã, phường [28]. Đến nay, đã có gần 20 tờ báo dành cho trẻ em như: Hoa học trò, Mực tím, Thiếu niên Tiền phong, Nhi đồng và có trên 10 tờ báo, tạp chí với những chuyên trang phục vụ trẻ em như: Gia đình và Xã hội, Gia đình và Trẻ em, Kế hoạch hóa gia đình, Thanh niên, Tiền phong, Tạp chí Thanh niên, Tạp chí Người phụ trách, Tạp chí Xây dựng đời sống văn hóa, v.v.. Trung bình hằng năm có 15% số xuất bản phẩm phục vụ trẻ em. Hệ thống thư viện, trong đó có phòng đọc, sách báo dành riêng cho trẻ em được hình thành và phát triển nhằm thu hút đông đảo trẻ em. Đến nay, 100% số thư viện cấp tỉnh và 30% số thư viện cấp huyện, xã và nhiều khu dân cư đã có các đầu sách, túi sách lưu động dành cho trẻ em [28]. Sự tham gia hoạt động của trẻ em cũng được quan tâm và đẩy mạnh. Tính đến cuối năm 2008, có 18 triệu trẻ em tham gia Đội Thiếu niên Tiền phong, Sao Nhi đồng, 17.000 câu lạc bộ quyền trẻ em, 44 câu lạc bộ Phóng viên nhỏ với 2.500 thành viên chính thức đang hoạt động ở 22/63 tỉnh, thành phố và hàng chục ngàn trẻ em tham gia, đối thoại, diễn đàn ở cấp tỉnh, thành phố, cấp quốc gia và quốc tế về nhiều chủ đề và lĩnh vực trẻ em quan tâm [28].


Bốn là, trong những năm qua, gia đình, cộng đồng và Nhà nước luôn luôn quan tâm, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, tạo điều kiện cho các em phát triển đầy đủ thể chất và tinh thần. Nhiều em đã được hưởng các chính sách, chế độ và nhận nuôi dưỡng. Tính đến cuối năm 2008, có 75% số trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em bị bỏ rơi được chăm sóc, dưới nhiều hình thức [28]. Trẻ khuyết

tật được chăm sóc dưới các hình thức khác nhau tại các mô hình dựa vào gia đình và cộng đồng, các cơ sở bảo trợ xã hội của Nhà nước. Nhiều chương trình được triển khai hiệu quả, nhằm trợ giúp trẻ em khuyết tật như phẫu thuật mắt, phẫu thuật tim bẩm sinh, hỗ trợ trẻ em nạn nhân của chất độc hóa học, 69.750 em đã được chăm sóc, phục hồi chức năng và phẫu thuật chỉnh hình [28].


Thực hiện Chương trình ngăn ngừa và giải quyết tình trạng trẻ em lang thang, trẻ em bị xâm phạm tình dục và trẻ em phải lao động nặng nhọc, trong điều kiện độc hại, nguy hiểm giai đoạn 2004 - 2010, ngành dân số, gia đình và trẻ em trước đây và nay là ngành lao động, thương binh và xã hội đã phối hợp với chính quyền địa phương, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ và cộng đồng trong việc bảo đảm để trẻ em và gia đình các em đi lang thang hoặc có nguy cơ đi lang thang được học văn hóa, học nghề, tìm việc làm, giúp các em hồi gia và hòa nhập cộng đồng, gia đình các em được vay vốn dưới dạng ưu đãi. Có 6.429 trẻ em lang thang hồi gia được hỗ trợ giải quyết khó khăn; 4.673 trẻ em lang thang trở về gia đình được hỗ trợ học nghề, tạo việc làm; 5.967 trẻ em lang thang được hỗ trợ đi học; theo báo cáo của các địa phương năm 2008, cả nước có 26.027 trẻ em lao động trong điều kiện nặng nhọc độc hại, nguy hiểm, 17.927 trẻ em lang thang và 3.436 em làm việc xa gia đình được chăm sóc [28].


Về mặt pháp luật, từ khi phê chuẩn Công ước quốc tế về LĐTE, Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản pháp luật để cụ thể hoá các quy định của Công ước: Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 1991 (sửa đổi, bổ sung năm 2004); Bộ Luật Hình sự năm 1999 quy định về các tội danh liên quan đến sử dụng LĐTE, tội lôi kéo, sử dụng trẻ em vào các hoạt động bất hợp pháp như ma tuý, mại dâm …; Bộ Luật lao động năm 1994 (sửa đổi, bổ sung năm 2002, 2006, 2007) quy định cấm sử dụng người lao động chưa thành niên làm những công việc nặng nhọc, nguy hiểm hoặc tiếp xúc với các chất độc hại hoặc chỗ làm việc, công việc ảnh hưởng xấu tới nhân cách của họ…

Các quy định của pháp luật Việt Nam về LĐTE đã đáp ứng được các chuẩn mực của các công ước của tổ chức lao động quốc tế về LĐTE. Cụ thể: Quy định về khái niệm trẻ em là người dưới 18 tuổi tại Điều 1, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004; Điều 18, Bộ luật dân sự Việt Nam năm 2005; Điều 68, Bộ luật Hình sự 1999, Điều 16 và Điều 120 của Bộ luật Lao động 1994 (sửa đổi, bổ sung năm 2002, 2006, 2007); Điều 2, Luật Nghĩa vụ quân sự năm 1981; Quy định các hình thức LĐTE tồi tệ nhất gồm buôn bán và vận chuyển trẻ em (Điều 8, Luật BVCSGD trẻ em quy định nghiêm cấm việc bắt trộm, bắt cóc, mua bán trẻ em, Điều 120, Bộ luật hình sự quy định về tội mua bán, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em); về lao động cưỡng bức (Điều 5, Bộ luật lao động, Điều 228 Bộ luật hình sự, Điều 7, Luật người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2006); về sử dụng, dẫn dắt hoặc dụ dỗ trẻ em để mại dâm, sản xuất văn hoá phẩm khiêu dâm hoặc biểu diễn khiêu dâm (Điều 7, Luật BVCSGD trẻ em năm 2004; Điều 252 đến 256, Bộ luật hình sự)); Quy định về sử dụng, dụ dỗ hoặc lôi kéo trẻ em vào các hoạt động bất hợp pháp nói riêng (Điều 25, Bộ luật lao động), về sử dụng, lôi kéo trẻ em vào mục đích sản xuất, vận chuyển ma tuý (chương XVIII, Bộ luật hình sự; Điều 7, Luật BVCSGD trẻ em), về cấm sử dụng người lao động chưa thành niên làm những công việc nặng nhọc, nguy hiểm hoặc tiếp xúc với các chất độc hại hoặc chỗ làm việc công việc ảnh hưởng xấu tới nhân cách của họ (Điều 198, 200, Bộ luật hình sự); Quy định về những công việc mà tính chất hoặc hoàn cảnh của chúng khi tiến hành có thể xâm hại đến sức khoẻ, sự an toàn vào đạo đức của trẻ em (Điều 7, Luật BVCSGD trẻ em; Điều 119, 120, 121 Bộ luật lao động), quy định về cấm sử dụng người lao động chưa thành niên làm những công việc nặng nhọc, nguy hiểm hoặc tiếp xúc với các chất độc hại hoặc chỗ làm việc, công việc ảnh hưởng xấu tới nhân cách của họ (Điều 122 Bộ luật lao động), Điều 228 Bộ luật hình sự). Ngoài các văn bản nêu trên, sau khi phê chuẩn Công ước 182, một số văn bản đã được ban hành để hỗ trợ việc thực hiện Công ước như: Nghị quyết số 41/2000/QH10 ngày 09/12/2000 về việc thực hiện phổ cập giáo dục trung học cơ sở, Thông tư liên Bộ số 09/TT-LB ngày 13/4/1995 của Liên bộ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Y tế quy định các điều kiện lao động có hại và các công việc cấm sử dụng lao động chưa thành

niên, Thông tư số 21/1999/TT-BLĐTBXH ngày 11/9/1999 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc quy định danh mục nghề, công việc và các điều kiện được nhận trẻ chưa đủ 1 tuổi vào làm việc, Quyết định số 1453/LĐTBXH-QĐ ngày 13/10/1995 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc ban hành tạm thời danh mục nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại nguy hiểm và nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm ...4

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 113 trang tài liệu này.

2.3.2. Những khó khăn, tồn tại


Các công ước quốc tế về lao động trẻ em và những vấn đề đặt ra đối với Việt Nam - 11

Bên cạnh những thành tựu trên, công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em vẫn còn nhiều hạn chế và thách thức, việc sử dụng LĐTE và lạm dụng sức lao động của trẻ em đang diễn ra trên diện rộng và có chiều hướng ngày càng phức tạp. Cụ thể:


Thứ nhất, việc xác định trẻ em lao động nặng nhọc, trong điều kiện độc hại và nguy hiểm là vấn đề khó khăn do sự chuyển đổi nhanh của đối tượng tham gia lao động, năm nay là trẻ em nhưng năm sau đã vượt quá ranh giới đó. Ranh giới giữa nhóm trẻ lao động trong điều kiện độc hại, nguy hiểm và nhóm trẻ lang thang kiếm sống là khó phân định, trong khi đó, hoạt động đánh giá tình trạng trẻ em lao động nặng nhọc mới chỉ trên góc độ nhận định, không có định hướng cụ thể, chính xác. Các hoạt động can thiệp hầu như không được thực hiện do kết quả khảo sát không có trẻ lao động nặng nhọc, nguy hiểm, độc hại.


Thứ hai, hầu hết các tỉnh đều báo cáo không có trẻ em lao động nặng nhọc trong điều kiện độc hại, nguy hiểm và trên thực tế khó xác định rõ ràng vấn đề này. Các số liệu trong báo cáo của phần trẻ em lao động nặng nhọc hầu như được thông tin dưới một khái niệm khá chung, đó là “trẻ em lao động sớm” và các nghề được thống kê trong một số báo cáo bao gồm: trẻ tham gia may gia công, làm áo mưa, làm phấn, cơ khí, đánh bắt thủy sản, chạy bàn, bưng bê đồ ăn … Nhìn chung các cơ sở sản xuất sử dụng LĐTE thường nhỏ, không đăng ký lao động, thuê nhân công

4 Phạm vi điều chỉnh của các văn bản Luật, Nghị định nêu trên: hiện nay Luật BVCSGDTE, Bộ luật hình sự đều được áp dụng cho mọi đối tượng trên phạm vi cả nước.Riêng Bộ luật lao động và các văn bản hướng dẫn về vấn đề LĐTE thì hiện nay chưa áp dụng cho các khu vực nông nghiệp, các nghề thủ công mỹ nghệ, lao động gia đình.

theo thời vụ và chật hẹp, không đảm bảo được nơi ăn, nghỉ cho người lao động. Vào thời gian cần phải trả hàng, thời gian lao động của người lao động có thể lên đến 12 tiếng/ngày. Tuy nhiên, chính quyền địa phương cũng như cơ quan quản lý nhà nước chưa nắm bắt và kiểm soát được tình hình sử dụng LĐTE, đặc biệt tại các cơ sở sản xuất, các làng nghề, các hộ gia đình và tại các cơ sở không đăng ký lao động. Khi nắm bắt được thông tin cơ sở có sử dụng LĐTE, Đoàn thanh tra hoặc Đoàn kiểm tra đến làm việc thì chủ cơ sở thường có thái độ trốn tránh, che giấu LĐTE như cho trẻ em nghỉ làm … do đó, mục đích thanh kiểm tra của đoàn không đạt được. Do vậy, mặc dù trong hai năm, Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức thanh tra tại 20 tỉnh, thành phố trong cả nước nhưng số lượng LĐTE phát hiện qua thanh tra không nhiều, những vụ nổi cộm về lạm dụng LĐTE chỉ phát hiện qua hoạt động tác nghiệp của báo chí [33, 71].


Thứ ba, trong việc quản lý, do phân định rạch ròi việc trẻ em lao động sớm và lao động nặng nhọc nên các biện pháp can thiệp cũng khó xác định. Nghị định số 114/2006/NĐ-CP ra đời cho phép xử phạt chủ sử dụng lao động có hành vi vi phạm pháp luật đã thực sự giúp cho những người làm công tác chăm sóc trẻ em có những biện pháp can thiệp tích cự hơn khi nhận thấy cần phải bảo vệ cho trẻ. Tuy nhiên mặt trái của nó dẫn đến việc các cơ sở sản xuất không còn sử dụng LĐTE nữa và các em này đã mất đi cơ hội có việc làm để kiếm sống và tăng thu nhập cho gia đình.


Thứ tư, các hoạt động như xây dựng các mô hình dạy nghề và giải quyết việc làm cho trẻ em và gia đình trẻ em phải lao động nặng nhọc được xây dựng tại Hà Nam, Thái Nguyên, Ninh Bình, Long An và Vĩnh Long. Tuy nhiên những đối tượng này phần lớn thuộc các gia đình có hoàn cảnh hết sức khó khăn nên việc tổ chức dạy nghề cho các em cũng như động viên gia đình chuyển đổi ngành nghề còn nhiều bất cập, do vấn đề quyết toán kinh phí ở đây rất chặt chẽ. Kinh phí học nghề 1 triệu đồng cho một em là quá hạn hẹp, vì thế chưa thu hút được các em đi học và không giải ngân hết.

Thứ năm, kiến thức pháp luật lao động về trẻ em của chủ sử dụng lao động còn hạn chế, dẫn đến nhận thức không đúng hoặc nhận thức chưa đầy đủ về sử dụng LĐTE, do vậy trong quá trình sử dụng LĐTE tại cơ sở đã có những vi phạm về quyền trẻ em. Đồng thời, do kiến thức về LĐTE có hạn nên thay vì cải thiện điều kiện làm việc, sử dụng LĐTE đúng quy định, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã không sử dụng LĐTE, dẫn đến giảm cơ hội làm việc cho trẻ em thực sự có nhu cầu lao động để có thu nhập.


Tuy nhiên, xuất phát từ tình hình thực tế hiện nay của lao động trẻ em ở nước ta cũng như trên thế giới, một khiếm khuyết của hệ thống pháp luật về lao động trẻ em đó là chưa bao trùm hết được các đối tượng là trẻ em đang tham gia lao động. Việc xác định một khung pháp lý đối với người sử dụng lao động, những lao động đi ở hoặc tự bản thân trẻ em kiếm sống hay lao động trong chính gia đình các em (đặc biệt trong khu vực nông thôn) thì Nhà nước vẫn chưa có một biện pháp hợp lý để can thiệp vào các đối tượng này. Vấn đề lao động trẻ em chưa được nghiên cứu đầy đủ cho nên chưa có một khái niệm thống nhất về lao động trẻ em, chưa xác định rõ phạm vi của đối tượng là trẻ em lao động và phân loại rõ ràng về lao động trẻ em. Bên cạnh đó, xuất phát từ tính đa dạng của các công việc mà trẻ em làm, nước ta còn thiếu một cơ chế kiểm soát và xử phạt kịp thời, do vậy, luật pháp chưa thật sự là một hàng rào pháp lý có hiệu quả.

Có thể nói, trẻ em có nhu cầu lao động kiếm sống là một thực tế khách quan do nhiều nguyên nhân khác nhau: do hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn như đông con, gia đình nghèo … buộc các em phải tìm cách lao động để tự kiếm sống và góp phần nuôi gia đình; do bản thân không còn nơi nương tựa, bố mẹ, gia đình vô trách nhiệm với con cái; một số khác do học kém, không thể tiếp tục theo học hoặc ảnh hưởng của lối sống buông thả, tự do nên đã bỏ học để đi tìm việc làm kiếm sống. Mặt khác, chính quyền địa phương cũng như cơ quan chức năng quản lý nhà nước về lao động, về bảo vệ, chăm sóc trẻ em của địa phương chưa nắm chắc được tình hình trẻ em lao động tại các ngành nghề ở địa phương mình, do vậy, chưa có biện pháp quản lý số lao động này cũng như chưa có các giải pháp nhằm phát hiện, giúp

đỡ các em có hiệu quả. Do đó, công tác thanh tra, kiểm tra về tình hình sử dụng LĐTE phải được duy trì thường xuyên. Đồng thời, với tính chất phức tạp và nhạy cảm như vậy, việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý tình trạng LĐTE trong điều kiện độc hại, nguy hiểm đòi hỏi phải được thực hiện ngay từ cấp cơ sở (cụm dân cư, thôn, ấp, xóm, bản; xã, phường, thị trấn) với sự tham gia giám sát, kiểm tra của chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể, các Trưởng thôn, Trưởng bản và dân cư tại cộng đồng, tiếp đó là sự chủ động, tích cực của cơ quan quản lý nhà nước về Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện (Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội) chứ không chỉ có sự can thiệp từ cấp Sở, cấp Bộ như hiện nay. Chỉ trong trường hợp các vụ việc phức tạp, không thuộc thẩm quyền của địa phương thì mới đề xuất kiến nghị cấp trên có thẩm quyền tiến hành thanh tra, kiểm tra xác minh, kết luận và kiến nghị biện pháp xử lý.


Kết luận chương 2


Hiện tại, vấn đề ngăn ngừa và xoá bỏ lao động trẻ em được đề cập trong nhiều văn bản pháp luật của Việt Nam, quan trọng nhất là trong Bộ luật Lao động. Tương ứng với các tiêu chuẩn cơ bản trong các Công ước số 138 và Công ước số 182 của ILO, Bộ luật Lao động (2002) quy định: Độ tuổi lao động tối thiểu là 15 (với những công việc nặng nhọc, độc hại là 18); Chỉ được nhận trẻ em dưới 15 tuổi vào làm một số nghề, công việc với những điều kiện chặt chẽ; Cấm sử dụng người lao động chưa thành niên làm những công việc nặng nhọc, nguy hiểm, tiếp xúc với các chất độc hại hoặc ảnh hưởng xấu tới nhân cách… Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục Trẻ em (2004) nghiêm cấm một loạt hành vi bóc lột, lạm dụng hoặc xô đẩy trẻ em vào hoàn cảnh bị bóc lột, lạm dụng. Bộ luật Hình sự (1999) quy định nhiều tội danh về sử dụng lao động trẻ em với các mức hình phạt nghiêm khắc. Nhằm phòng ngừa lao động trẻ em, Luật phổ cập giáo dục tiểu học (1991) và Luật Giáo dục (2004) quy định chi tiết về quyền học tập của trẻ em, đặc biệt là quyền được học tiểu học miễn phí... Bên cạnh đó, từ năm 1991, Chính phủ

Việt Nam đã triển khai nhiều chương trình có tác dụng ngăn ngừa và xoá bỏ tình trạng lao động trẻ em, như Chương trình Hành động Quốc gia vì trẻ em Việt Nam giai đoạn 2001-2010; Chương trình ngăn ngừa và giải quyết tình trạng trẻ em lang thang, trẻ em bị xâm phạm tình dục và trẻ em phải lao động nặng nhọc, trong điều kiện độc hại, nguy hiểm giai đoạn 2004-2010; Chương trình hành động quốc gia chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em giai đoạn 2004-2010... Các chương trình trên đã huy động được sự tham gia của các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội, cộng đồng và cá nhân có liên quan vào việc ngăn ngừa và xoá bỏ lao động trẻ em.

Xét tổng quát, pháp luật Việt Nam đã phù hợp với những tiêu chuẩn quốc tế cơ bản về lao động trẻ em; tuy vẫn còn một số tồn tại, với quyết tâm mạnh mẽ và sức mạnh đoàn kết nhất trí của toàn hệ thống chính trị với việc giải quyết vấn đề lao động trẻ em, những hạn chế này chắc chắn sẽ sớm được khắc phục trong thời gian tới.

Xem tất cả 113 trang.

Ngày đăng: 03/11/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí