Các biện pháp trừng phạt bằng vũ lực của Liên Hiệp Quốc - 2

CHƯƠNG I

NGUYÊN TẮC, ĐIỀU KIỆN, CƠ SỞ PHÁP LÝ ÁP DỤNG CÁC BIỆN PHÁP TRỪNG PHẠT BẰNG VŨ LỰC CỦA LIÊN HỢP QUỐC

1.1. Tôn chỉ, mục đích và vai trò của Liên hợp quốc trong việc giữ gìn hoà bình, an ninh thế giới.

1.1.1. Tôn chỉ, mục đích của Liên hợp quốc

Liên hợp quốc ra đời thực sự có ý nghĩa to lớn trong đời sống chính trị quốc tế trong gần 70 năm qua. Đây là sự kiện quan trọng, đánh dấu sự xuất hiện của các hoạt động ngoại giao đa phương hiện đại, một bước ngoặt quyết định trong lịch sử phát triển của nền ngoại giao đa phương nói chung. Sự đóng góp của Liên Hợp Quốc đối với hòa bình, an ninh thế giới, sự phát triển kinh tế- xã hội của cộng đồng các dân tộc trong gần 70 năm qua là rất đáng kể. Đặc biệt, trong kỷ nguyên văn minh và toàn cầu hóa hiện nay, Liên hợp quốc ngày càng khẳng định vai trò to lớn trong quan hệ quốc tế hiện đại, khả năng hướng tới một tổ chức siêu quyền lực trên thế giới.

Theo Hiến chương Liên Hợp Quốc, các quốc gia sáng lập đã quyết tâm thiết lập Liên hợp quốc thành một tổ chức quốc tế toàn cầu với mục tiêu hàng đầu là bảo đảm một nền hoà bình và trật tự thế giới bền vững. Theo Điều 1 của Hiến chương, Liên hợp quốc được thành lập nhằm 4 mục tiêu: (1) Duy trì hoà bình và an ninh quốc tế; (2) Thúc đẩy quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc bình đẳng về quyền lợi giữa các dân tộc và nguyên tắc dân tộc tự quyết; (3) Thực hiện hợp tác quốc tế thông qua giải quyết các vấn đề quốc tế trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hoá và nhân đạo trên cơ sở tôn trọng các quyền con người và quyền tự do cơ bản cho tất cả mọi người, không phân biệt chủng tộc, màu da, ngôn ngữ và tôn giáo; (4) Xây dựng Liên hợp quốc làm trung tâm điều hoà các nỗ lực quốc tế vì các mục tiêu chung.

Như vậy, các mục đích được nêu ra ở đây mang tính tổng quát và rộng. Trong những thời điểm nhất định, quy định này đã gây nên những tranh cãi. Chẳng hạn, các nước phương Tây thì cho rằng mục đích ưu tiên, thậm chí là tối cao của Liên hợp quốc là gìn giữ hoà bình và an ninh thế giới.Trong khi các nước thuộc thế giới thứ ba thì lại nhấn mạnh đến mục đích thúc đẩy hợp tác và giải quyết các vấn đề kinh tế, xã hội,cũng như mục đích đảm bảo quyền dân tộc tự quyết của Liên hợp quốc.

1.1.2 Nguyên tắc hoạt động

Để bảo đảm Liên hợp quốc là một tổ chức quốc tế thực sự phục vụ mục tiêu chung của cộng đồng quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc cũng quy định các nguyên tắc hoạt động của tổ chức Liên hợp quốc, các nguyên tắc chủ đạo gồm: (1) Bình đẳng về chủ quyền quốc gia; (2) Tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ và độc lập chính trị quốc gia;

(3) Cấm đe doạ sử dụng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế; (4) Không can thiệp vào công việc nội bộ các quốc gia; (5) Giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hoà bình; (6) Tôn trọng các nghĩa vụ quốc tế và luật pháp quốc tế của các quốc gia thành viên; (7) Hành động để đảm bảo các quốc gia không phải là thành viên cũng tuân thủ các nguyên tắc của Hiến chương.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 113 trang tài liệu này.

So với Hội quốc liên, Liên hợp quốc chứng tỏ đầy đủ hơn tính chất toàn cầu (thành phần gồm hầu hết các quốc gia độc lập trên mọi châu lục) và đặc biệt là tính toàn diện của nó: chương trình nghị sự không bó hẹp vào vấn đề duy trì hoà bình, an ninh mà bao gồm cả việc thúc đẩy hợp tác vì phát triển kinh tế- xã hội của cộng đồng các dân tộc. Bản thân hệ thống Liên hợp quốc bao gồm hàng loạt chương trình, quỹ, cơ quan tổ chức chuyên môn tập trung vào mọi lĩnh vực của đời sống các quốc gia và quan hệ quốc tế ngoài lĩnh vực chính trị - quốc phòng như: từ tiền tệ đến nông nghiệp, văn hoá, khoa học–kỹ thuật…Tuy nhiên, sự ra đời của Liên hợp quốc và bản thân Hiến chương Liên hợp quốc chưa đủ để bảo đảm sự bình đẳng hoàn toàn và triệt để giữa các quốc gia lớn nhỏ.

1.1.3. Vai trò của Liên Hợp Quốc

Các biện pháp trừng phạt bằng vũ lực của Liên Hiệp Quốc - 2

Trải qua hơn 70 năm hình thành và phát triển, trở thành tổ chức quốc tế lớn nhất hành tinh với gần 200 quốc gia thành viên, Liên hợp quốc đã có vai trò to lớn trong tất cả các lĩnh vực của đời sống quốc tế, bao gồm: Duy trì, bảo vệ hòa bình và an ninh thế giới; Thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của thế giới và hạnh phúc của nhân loại; và đảm bảo và thúc đẩy quyền con người, cụ thể như sau:

a. Vai trò của Liên hợp quốc trong việc duy trì hòa bình và an ninh thế giới

Thực tiễn hoạt động của Liên hợp quốc trong hơn 70 năm qua đã cho thấy, vai trò duy trì hòa bình thế giới của Liên hợp quốc được thể hiện thông qua các khía cạnh sau:

Thứ nhất, Xây dựng khung pháp lý nhằm duy trì hòa bình và an ninh thế giới.

Với tư cách là một tổ chức quốc tế trung tâm, Liên hợp quốc có vai trò rất lớn trong việc xây dựng khung pháp lý nhằm duy trì hoà bình và an ninh thế giới.

Thứ hai, Giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế.

Thứ ba, duy trì hòa bình và đấu tranh chống xâm lược theo quy định tại chương VII của Hiến chương.

Thứ tư, tiến hành các hoạt động gìn giữ hòa bình. Thứ năm, ngăn ngừa và trừng trị nạn khủng bố. Thứ sáu, xét xử tội phạm chiến tranh.

Thứ bảy, thực hiện các chương trình giải trừ quân bị.

b. Vai trò của Liên hợp quốc trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của thế giới.

Tại hội nghị cấp cao thiên niên kỷ năm 2000 và hội nghị cấp cao năm 2005 kỷ niệm 60 năm ngày thành lập LHQ được tổ chức tại trụ sở LHQ ở Niu Oóc, các vị lãnh đạo các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam đã khẳng định rõ vai trò quan trọng của LHQ, coi tổ chức toàn cầu này là nền tảng không thể thiếu cho một thế giới hòa bình, thịnh vượng và công bằng hơn.

Trước hết, sứ mệnh cao cả của LHQ được ghi rõ trong những dòng đầu tiên của Hiến chương LHQ là sự phản ánh nguyện vọng cháy bỏng của các dân tộc mới trải qua những mất mát chưa từng có trong chiến tranh thế giới thứ hai - đó là ngăn ngừa một cuộc chiến tranh thế giới mới. Nhận thức sâu sắc về sự cần thiết của một cơ sở toàn diện cho hòa bình, các quốc gia thành viên đề ra mục đích hàng đầu của LHQ là duy trì hòa bình và an ninh quốc tế. Đồng thời xác định những mục đích quan trọng khác cho các hoạt động của LHQ là tăng cường quan hệ hữu nghị giữa các dân tộc, thúc đẩy hợp tác để giải quyết các vấn đề quốc tế về kinh tế, xã hội, văn hóa, nhân đạo và bảo đảm quyền con người. Các quốc gia cũng trao cho LHQ vai trò là trung tâm điều hòa các hành động của các dân tộc hướng theo những mục đích đó.

Trong lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, việc tạo môi trường kinh tế, thương mại, tài chính quốc tế bình đẳng và quan tâm thích đáng đến lợi ích của các nước đang phát triển là ưu tiên trong hoạt động của LHQ. Trong đó có việc nhằm thúc đẩy vòng đàm phán Doha hiện nay về thương mại vì sự phát triển. Từ năm 1960, Đại hội đồng Liên hợp quốc đề ra các chiến lược phát triển cho từng thập kỷ nhằm huy động hợp tác

quốc tế cho các mục tiêu phát triển chung, nhất là ở các nước đang phát triển. Bên cạnh đó, các tổ chức LHQ đã có sự hỗ trợ trực tiếp về vốn, tri thức cho các nỗ lực phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục và y tế của các nước này. Tại diễn đàn này, các quốc gia đã ký kết hơn 500 điều ước quốc tế đa phương quan trọng trong nhiều lĩnh vực của giao lưu quốc tế, trong đó có Công ước về Luật biển (năm 1982), đưa ra khuyến nghị định hướng cho các chủ đề của luật pháp quốc tế và xây dựng chuẩn mực cho các lĩnh vực chuyên môn khác nhau.

Tại hội nghị cấp cao thế giới năm 2005, các nhà lãnh đạo các quốc gia đã nhất trí về ý nghĩa sống còn của việc xây dựng một hệ thống đa phương hữu hiệu, lấy LHQ làm trung tâm nhằm đối phó với những thách thức đa dạng, toàn cầu như hiện nay. Tại các hội nghị thiên niên kỷ năm 2000, hội nghị cấp cao năm 2005 và mới đây nhất là phiên thảo luận cấp cao chung khóa 62 LHQ có sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng của Việt Nam. Các vị lãnh đạo các quốc gia đã đề ra những định hướng lớn cho công việc của LHQ trong thời gian tới. Ðó là thúc đẩy mạnh mẽ việc xây dựng các mối quan hệ quốc tế công bằng, lành mạnh dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế và các nguyên tắc của Hiến chương LHQ. Đóng góp tích cực vào việc thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước, trong đó có việc thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ; để toàn cầu hóa trở thành một lực lượng tích cực đối với toàn thể nhân dân thế giới; thực hiện cải tổ toàn diện LHQ. Hiện nay, LHQ đang triển khai nhiều biện pháp cụ thể theo các định hướng này. Thực tế cho thấy những nhân tố quyết định thành công các hoạt động của LHQ là ý chí chính trị của các quốc gia và sự tôn trọng những nguyên tắc của Hiến chương LHQ.

c. Vai trò của Liên hợp quốc trong việc đảm bảo quyền con người

Trong lĩnh vực bảo đảm, thúc đẩy quyền con người, vai trò của Liên hợp quốc được thể hiện như sau:

Thứ nhất,xây dựng được một khung pháp lý thống nhất liên quan đến các chuẩn mực về quyền con người.

Với tư cách là diễn đàn quốc tế lớn nhất trên thế giới, hơn 70 năm qua, Liên hợp quốc đã có những đóng góp to lớn cho sự tiến bộ chung của nhân loại, trong đó có quyền con người. Nỗ lực của Liên hợp quốc trong việc ghi nhận và hỗ trợ thực thi quyền con người được thể hiện thông qua một số mốc lịch sử đáng lưu ý sau:

Ngày 26/06/1945, Hiến chương Liên hợp quốc, văn kiện quan trọng nhất của tổ chức này, được thông qua tại San Francisco (Hoa Kỳ). Ngay tại khoản 03 điều 01Liên hợp quốc đã nhấn mạnh đến vai trò “thúc đẩy và khuyến khích sự tôn trọng quyền con người và các quyền tự do cơ bản cho tất cả mọi người mà không phân biệt chủng tộc, giới tính, ngôn ngữ hay tôn giáo”. Hiến chương cũng kêu gọi tất cả các quốc gia hành động và cùng phối hợp với Liên hợp quốc để đạt được việc tôn trọng và thực hiện quyền con người trên phạm vi toàn thế giới.

Thứ hai, xây dựng được những cơ chế giám sát, thúc đẩy việc thực hiện và bảo vệ những quyền này,

Lần đầu tiên, vấn đề quyền con người trở thành một mục tiêu hành động của Liên hợp quốc và là một nội dung điều chỉnh của luật quốc tế hiện đại. Trong những năm gần đây, Liên hợp quốc đã tuyên bố quyền con người phải trở thành đối tượng của Liên hợp quốc và cần phải được xem xét trong tất cả các lĩnh vực trách nhiệm của tổ chức lớn nhất hành tinh này. Quyền con người được lồng ghép vào tất cả các chương trình liên quan như gìn giữ hòa bình, quyền trẻ em, sức khỏe, phát triển xã hội, xóa đói nghèo, các quyền của người bản địa...

1.2. Các biện pháp trừng phạt của LHQ trong việc giữ gìn hoà bình, an ninh thế giới

1.2.1 Biện pháp trừng phạt phi vũ trang

Tại điều 41 Hiến chương Liên hợp quốc đã ghi nhận: Hội đồng bảo an có thẩm quyền quyết định những biện pháp nào phải được áp dụng mà không liên quan tới việc sử dụng vũ lực để thực hiện các NQ của Hội đồng và có thể yêu cầu các thành viên Liên hợp quốc áp dụng những biện pháp ấy. Các biện pháp này có thể là cắt đứt toàn bộ hay từng phần quan hệ kinh tế, đường sắt, đường hàng hải, hàng không, bưu chính, điện tín, vô tuyến điện và các phương tiện liên lạc khác, kể cả cắt đứt quan hệ ngoại giao”. Như vậy, các biện pháp trừng phạt phi vũ trang có thể là các biện pháp về kinh tế, tài chính, ngoại giao…

Từ đây, có thể đưa ra định nghĩa tương đối khái quát về các biện pháp trừng phạt phi vũ trang của Hội đồng bảo an như sau: “Trừng phạt phi vũ trang là việc Hội đồng bảo an sử dụng các biện pháp kinh tế, tài chính, ngoại giao hay các biện pháp

khác không sử dụng tới lực lượng vũ trang nhằm tác động một cách gián tiếp hay trực tiếp tới chủ thể bị trừng phạt theo các quy định hiện hành của luật pháp quốc tế”.

Theo định nghĩa này, có thể nêu ra đặc trưng của các biện pháp trừng phạt phi vũ trang do Hội đồng bảo an áp dụng như sau:

- Được Hội đồng bảo an thông qua trên cơ sở các nghị quyết có tính bắt buộc đối với các quốc gia thành viên;

- Đây là những biện pháp không liên quan tới việc sử dụng vũ lực nhằm thực hiện các nghị quyết của Hội đồng bảo an.

Khác với biện pháp trừng phạt vũ trang hay các biện pháp khác được Hội đồng bảo an sử dụng nhằm thực hiện mục tiêu gìn giữ hòa bình và an ninh thế giới.Các biện pháp trừng phạt phi vũ trang có phạm vi rất rộng. Theo quy định tại điều 41 Hiến chương Liên hợp quốc “Những biện pháp trừng phạt có thể gồm việc đình chỉ một phần hay toàn bộ những quan hệ kinh tế, đường sắt, hàng hải, hàng không, bưu chính, điện tín, vô tuyến điện & các phương tiện liên lạc khác, cũng như việc cắt đứt quan hệ ngoại giao”. Trên thực tế, các biện pháp trừng phạt thường áp dụng bao gồm:

- Cấm xuất khẩu, nhập khẩu những hàng hóa nhất định;

- Phong tỏa tài sản của các ngân hàng, cá nhân, tổ chức của quốc gia đó tại nước ngoài mà có liên quan tới các họat động đe dọa hòa bình và an ninh thế giới;

- Cấm mọi giao dịch kinh tế, thương mại của quốc gia đó với các quốc gia khác;

- Cấm, hạn chế việc đi lại của công dân quốc gia đó;

- Cấm, hạn chế thực hiện các họat động giao thông với bên ngoài bằng những phương tiện nhất định;

- Yêu cầu các nước thành viên Liên hợp quốc không được mua bán, chuyển giao một cách trực tiếp hay gián tiếp bất kì loại hàng hóa, công nghệ nào liên quan tới các họat động đe dọa hòa bình và an ninh thế giới của quốc gia vi phạm cũng như các loại hàng hóa xác định khác, ngoại trừ các nhu yếu phẩm thiết yếu cho đời sống; phong hóa, đóng băng các quỹ, các trợ giúp về mặt tài chính.

Việc chấp hành những quy định này của các nước thành viên phải được báo cáo bằng văn bản lên Hội đồng bảo an trong khoảng thời gian xác định kể từ ngày nghị quyết của Hội đồng bảo an được thông qua.

1.2.2 Biện pháp trừng phạt bằng vũ lực

Tại Điều 42 của Hiến chương Liên hợp quốc với quy định miêu tả về nội hàm của thuật ngữ “trừng phạt bằng vũ lực”, cụ thể như sau: “Nếu Hội đồng bảo an nhận thấy những biện pháp nói ở điều 41 là không thích hợp, hoặc tỏ ra là không thích hợp, thì Hội đồng bảo an có quyền áp dụng mọi hành động của hải, lục, không quân mà Hội đồng bảo an xét thấy cần thiết cho việc duy trì hoặc khôi phục hoà bình và an ninh quốc tế. Những hành động này có thể là những cuộc biểu dương lực lượng, phong toả và những cuộc hành quân khác, do các lực lượng hải, lục, không quân của các quốc gia thành viên Liên hợp quốc thực hiện”.

Theo Điều 2 và Điều 4 Hiến chương Liên hợp quốc năm 1945 “Các thành viên của Liên hợp quốc từ bỏ đe dọa bằng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế nhằm chống lại sự bất khả xâm phạm về lãnh thổ hay nền độc lập chính trị của bất kỳ quốc gia nào, cũng như sử dụng bất kỳ cách thức nào khác, trái với các mục tiêu của Liên hợp quốc”. Tuy nhiên, Hiến chương lại không đưa ra định nghĩa về “sử dung vũ lực”. Trong phán quyết ngày 27/06/1986, Tòa quốc tế LaHay đã suy từ nguyên tắc không sử dụng vũ lực để khẳng định quốc gia có nghĩa vụ “không tổ chức hay khuyến khích tổ chức các lực lượng không chính quy hoặc các băng nhóm vũ trang, đặc biệt là các băng nhóm đánh thuê nhằm mục đích xâm nhập vào lãnh thổ một nước khác cũng như không tổ chức hay khuyến khích các hoạt động nội chiến hay các hoạt động khủng bố trên lãnh thổ một nước khác, không giúp đỡ hay tham gia các hoạt động kể trên hoặc cho phép các tổ chức hoạt động trên lãnh thổ nước mình nhằm thực hiện các hoạt động trên, nếu các hoạt động được nêu trong đoạn này có liên quan đến đe dọa hoặc sử dụng vũ lực”.

Theo nguyên tắc này và trên cơ sở phân tích các văn kiện của Liên hợp quốc, các quy phạm luật quốc tế và thực tiễn quốc tế, “sử dụng vũ lực” trước tiên được hiểu là sử dụng lực lượng vũ trang để chống lại quốc gia có độc lập chủ quyền. Việc một quốc gia sử dụng vũ lực vi phạm nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế trước hết là việc quốc gia sử dụng lực lượng vũ trang tấn công vào lãnh thổ quốc gia khác nhằm mục đích xâm lược lâu dài hoặc chiếm đóng trong một thời gian nhất định nhằm buộc quốc gia khác phải phục tùng mình, phục vụ cho lợi ích của mình. Việc sử dụng các phương tiện khác như kinh tế, chính trị cũng có thể được coi là sử dụng vũ lực trong nguyên

tắc cấm dùng vũ lực nếu ảnh hưởng của nó dẫn đến kết quả là các biện pháp quân sự được áp dụng. Chúng ta có thể gọi các biện pháp gián tiếp sử dụng vũ lực hoặc các biện pháp phi vũ trang.

Thông qua việc phân tích thuật ngữ “vũ lực”, “sử dụng vũ lực”, kết hợp với việc làm rõ nội hàm của thuật ngữ “trừng phạt” và các quy định tại điều 42 của Hiến chương Liên hợp quốc năm 1945 có thể hiểu: “Trừng phạt bằng vũ lực của Liên hợp quốc là việc Liên hợp quốc sử dụng các lực lượng vũ trang, bao gồm hải, lục, không quân của các quốc gia thành viên Liên hợp quốc tiến hành những cuộc biểu dương lực lượng, phong toả và những cuộc hành quân khác khi xét thấy các biện pháp trừng phạt phi vũ trang không thích hợp hoặc tỏ ra không thích hợp nhằm nhằm tác động một cách trực tiếp hoặc gián tiếp tới chủ thể bị trừng phạt theo các quy định hiện hành của luật quốc tế”.

Nhằm duy trì và bảo vệ hòa bình và an ninh quốc tế, biện pháp “trừng phạt bằng vũ lực” đã được Hội đồng Bảo an áp dụng trong nhiều trường hợp chẳng hạn như trường hợp của Iraq năm 1990; Somalia năm 1992; Nam Tư cũ năm 1993; Ruvanda năm 1994, Cộng Hòa Trung Phi năm 1997…

a. Các đặc trưng cơ bản của biện pháp “trừng phạt bằng vũ lực”

Với cách hiểu như trên, các biện pháp “trừng phạt bằng vũ lực” bao gồm các đặc trưng sau:

Thứ nhất, chủ thể có quyền ra quyết định áp dụng các biện pháp trừng phạt là Hội đồng bảo an Liên hợp quốc- cơ quan có trách nhiệm chính trong việc gìn giữ hòa bình và an ninh thế giới, hành động nhân danh các quốc gia thành viên. Theo đó, để áp đặt chế độ trừng phạt bằng vũ lực theo quy định của Hiến chương Liên hợp quốc, từ giai đoạn tạo cơ sở pháp lý đến lúc triển khai thực hiện, Hội đồng bảo an được Liên hợp quốc giao cho quyền hạn này.

Thứ hai, chủ thể trực tiếp tiến hành các biện pháp trừng phạt là quân đội (bao gồm tất cả các lực lượng vũ trang từ hải, lục cho đến không quân) do các quốc gia đóng góp vào Liên hợp quốc; quân đội riêng của các quốc gia thành viên hoặc của quân đội của các tổ chức khu vực, tiêu biểu như tổ chức quân sự Bắc Đại Tây Dương.

Thứ ba, đối tượng bị áp dụng các biện pháp trừng phạt vũ trang có thể là một quốc gia, một nhóm quốc gia, hay một tổ chức liên chính phủ.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 12/10/2023