Điều 5: Mang vàng khi xuất cảnh, nhập cảnh bằng giấy thông hành, chứng minh thư biên giới.
Cá nhân Việt Nam và nước ngoài xuất cảnh, nhập cảnh bằng giấy thông hành, chứng minh thư biên giới không được mang theo vàng mỹ nghệ, vàng miếng, vàng nguyên liệu, vàng tiêu chuẩn quốc tế.
Cá nhân Việt Nam và nước ngoài xuất cảnh, nhập cảnh bằng giấy thông hành, chứng minh thư biên giới được mang theo vàng trang sức đeo trên người mang tính chất trang sức và không phải khai báo Hải quan.
6.5. Quyết định số 05/2012/QĐ-TTg ngày 19/1/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc thí điểm hoàn thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa của người nước ngoài mua tại Việt Nam mang theo khi xuất cảnh qua cửa khẩu sân bay quốc tế Nội bài và sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất.
Quyết định này quy định về đối tượng, địa điểm, thủ tục, thời gian thực hiện thí điểm hoàn thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa của người nước ngoài mua tại Việt Nam mang theo khi xuất cảnh qua cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài và sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất.
Toàn văn của Quyết định số 05/2012/QĐ-TTg ngày 19/1/2012 của Thủ tướng Chính phủ được đăng trên một số Website:
http://www.chinhphu.vn http://www.vietnamtourism.gov.vn http://www.vietlaw.gov.vn http://www.csdl.thutuchanhchinh.vn Một số quy định cụ thể:
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Đối tượng áp dụng Quyết định này là: Người nước ngoài mua hàng hóa tại Việt Nam mang theo khi xuất cảnh qua cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài và sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (sau đây gọi chung là người nước ngoài); cơ quan hải quan, cơ quan thuế; công chức hải quan, công chức thuế; cơ sở kinh doanh, ngân hàng thương mại được chọn làm thí điểm; cơ quan, tổ chức và cá nhân khác tham gia thực hiện thí điểm hoàn thuế giá trị gia tăng theo quy định của Quyết định này.
Có thể bạn quan tâm!
- Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam Và Các Tổ Chức Thành Viên
- Sơ Đồ 1: Cơ Cấu, Tổ Chức Bộ Máy Quản Lý Nhà Nước Về Du Lịch Tại Việt Nam
- Thông Tư Số 45/2006/qđ-Ttg Ngày 28 Tháng 02 Năm 2006 Quy Định Về Việc Ban Hành Quy Chế Cấp Và Quản Lý Thẻ Đi Lại Của Doanh Nhân Apec.
- Các Tác Động Của Hoạt Động Du Lịch
- Khái Niệm Và Vai Trò Của Cơ Sở Vật Chất Kỹ Thuật Trong Du Lịch
- Đặc Điểm Của Lao Động Trong Du Lịch
Xem toàn bộ 136 trang tài liệu này.
Điều 3. Người nước ngoài, hàng hóa thuộc đối tượng hoàn thuế
Người nước ngoài thuộc đối tượng được hoàn thuế giá trị gia tăng theo quy định tại Quyết định này là người:
o Có hộ chiếu mang theo không phải là hộ chiếu do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp;
o Không phải là thành viên của tổ bay trên các chuyến bay xuất cảnh từ Việt Nam ra nước ngoài.
Hàng hóa được hoàn thuế giá trị gia tăng theo quy định tại Quyết định này phải đáp ứng đủ các điều kiện sau:
o Là hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng, chưa qua sử dụng và được phép mang lên tàu bay theo quy định của pháp luật về an ninh, an toàn hàng không;
o Hàng hóa không nằm trong Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu hoặc Danh mục hàng hóa hạn chế xuất khẩu;
o Có hóa đơn kiêm tờ khai hoàn thuế được phát hành trong thời gian 30 ngày, kể từ ngày xuất cảnh trở về trước;
o Trị giá hàng hóa ghi trên hóa đơn kiêm tờ khai hoàn thuế mua tại 01 (một) cửa hàng trong 01 (một) ngày (kể cả cộng gộp nhiều hóa đơn mua hàng trong cùng 01 ngày tại 01 cửa hàng) tối thiểu từ 02 (hai) triệu đồng trở lên.
Điều 5. Địa điểm kiểm tra hàng hóa, kiểm tra hóa đơn kiêm tờ khai hoàn thuế và địa điểm trả tiền hoàn thuế giá trị gia tăng
Địa điểm kiểm tra hàng hóa, kiểm tra hóa đơn kiêm tờ khai hoàn thuế được đặt ở khu vực làm thủ tục gửi hành lý và thẻ lên tàu bay của sân bay quốc tế Nội Bài, sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất và đảm bảo các điều kiện sau:
o Có đủ diện tích mặt bằng cần thiết để sắp xếp, kiểm tra hàng hóa, kiểm tra hóa đơn kiêm tờ khai hoàn thuế;
o Có quầy (hoặc kiốt) riêng, đáp ứng các yêu cầu về an toàn, trật tự.
Địa điểm trả tiền hoàn thuế giá trị gia tăng được đặt ở khu vực cách ly tại sân bay quốc tế Nội Bài và sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất; có quầy (hoặc kiốt) riêng, đảm bảo các điều kiện về quản lý tiền, chứng từ kế toán theo quy định của pháp luật.
Điều 6. Hóa đơn kiêm tờ khai hoàn thuế; hồ sơ, thủ tục kiểm tra hàng hóa, kiểm tra hóa đơn kiêm tờ khai hoàn thuế; hồ sơ, thủ tục trả tiền hoàn thuế.
Hóa đơn kiêm tờ khai hoàn thuế do Bộ Tài chính quy định.
Cơ sở kinh doanh được lựa chọn tham gia thực hiện Quyết định này khi bán hàng hóa cho người nước ngoài có trách nhiệm ghi đầy đủ các nội dung phải thể hiện trên hóa đơn kiêm tờ khai hoàn thuế theo quy định của Bộ Tài chính để cấp cho người mua hàng.
Hồ sơ, thủ tục kiểm tra hóa đơn kiêm tờ khai hoàn thuế:
Người nước ngoài mua hàng tại các cơ sở kinh doanh quy định tại khoản 1 Điều 4 Quyết định này phải xuất trình hộ chiếu (bản chính) để được các cơ sở kinh doanh này cấp hóa đơn kiêm tờ khai hoàn thuế đối với hàng hóa mang theo khi xuất cảnh;
Người nước ngoài có trách nhiệm ghi đầy đủ các nội dung phải kê khai trên hóa đơn kiêm tờ khai hoàn thuế theo quy định của Bộ Tài chính.
Trước khi làm thủ tục gửi hành lý và lấy thẻ lên tàu bay, tại địa điểm quy định tại khoản 1 Điều 5, Quyết định này, người nước ngoài phải xuất trình với cơ quan hải quan:
o Hộ chiếu (bản chính);
o Hóa đơn kiêm tờ khai hoàn thuế (bản chính) theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 3 Quyết định này;
o Hàng hóa thực tế mang theo khi xuất cảnh đề nghị được hoàn thuế.
Sau khi kiểm tra hồ sơ và hàng hóa quy định tại điểm b khoản này, công chức hải quan ký xác nhận và đóng dấu “đã kiểm tra” vào hóa đơn kiêm tờ khai hoàn thuế và trả lại cho người nước ngoài.
Hồ sơ, thủ tục trả tiền hoàn thuế:
Trước khi lên tàu bay xuất cảnh ra nước ngoài, tại địa điểm quy định tại khoản 2, Điều 5 Quyết định này, người nước ngoài phải xuất trình với ngân hàng thương mại được lựa chọn làm đại lý hoàn thuế các hồ sơ sau:
o Hộ chiếu (bản chính);
o Thẻ lên tàu bay của chuyến bay xuất cảnh ra nước ngoài (bản chính);
o Hóa đơn kiêm tờ khai hoàn thuế đóng dấu “đã kiểm tra” của cơ quan hải quan (bản chính).
Ngân hàng thương mại được lựa chọn làm đại lý hoàn thuế sau khi kiểm tra các hồ sơ quy định tại điểm a khoản này, thu lại hóa đơn kiêm tờ khai hoàn thuế (bản chính) và làm thủ tục trả tiền hoàn thuế cho người nước ngoài.
6.6. Thông tư số 58/2012/TT-BTC ngày 12/4/2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Quyết định số 05/2012/QĐ-TTg ngày 19/1/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc thí điểm hoàn thuế giá trị gia tăng đối với hang hóa của người nước ngoài mua tại Việt Nam mang theo khi xuất cảnh qua cửa khẩu sân bay quốc tế Nội bài và sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất.
Thông tư này hướng dẫn thực hiện một số nội dung về thí điểm hoàn thuế giá trị gia tăng đối với hàng hoá của người nước ngoài mua tại Việt Nam mang theo khi xuất cảnh qua cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài và sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất theo quy định tại Quyết định số 05/2012/QĐ-TTg (sau đây gọi tắt là hoàn thuế giá trị gia tăng cho người nước ngoài).
Toàn văn của Thông tư số 58/2012/TT-BTC ngày 12/4/2012 của Bộ Tài chính được đăng trên một số Website:
http://www.chinhphu.vn http://www.vietnamtourism.gov.vn http://vietlaw.gov.vn http://csdl.thutuchanhchinh.vn
Một số quy định cụ thể:
Điều 3. Quyền, nghĩa vụ của người nước ngoài
Được hoàn thuế giá trị gia tăng đối với hàng hoá đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 3 Quyết định số 05/2012/QĐ-TTg.
Được hướng dẫn, cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan để thực hiện nghĩa vụ, quyền lợi về thuế.
Kiểm tra các thông tin ghi trên hoá đơn giá trị gia tăng kiêm tờ khai hoàn thuế (sau đây gọi tắt là hoá đơn kiêm tờ khai hoàn thuế) do doanh nghiệp bán hàng thí điểm lập khi mua hàng theo mẫu quy định tại Phụ lục 3 Thông tư này.
Chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, tính hợp pháp, trung thực của hộ chiếu, giấy tờ nhập xuất cảnh xuất trình cho doanh nghiệp bán hàng thí điểm khi mua hàng; hộ chiếu, giấy tờ nhập xuất cảnh, hàng hoá, hoá đơn kiêm tờ khai hoàn thuế xuất trình cho cơ quan hải quan và hồ sơ xuất trình cho ngân hàng thương mại làm đại lý hoàn thuế khi xuất cảnh.
Khiếu nại, khởi kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Tố cáo các hành vi vi phạm pháp luật của công chức hải quan, công chức thuế và tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
Điều 4. Quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp bán hàng thí điểm
Được áp dụng các hình thức tuyên truyền, quảng cáo bán hàng thí điểm hoàn thuế giá trị gia tăng cho người nước ngoài xuất cảnh theo quy định của pháp luật có liên quan.
Đăng ký việc bán hàng thí điểm đúng địa chỉ và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc đăng ký bán hàng thí điểm.
Trưng biển thông báo doanh nghiệp bán hàng thí điểm hoàn thuế giá trị gia tăng (nội dung thể hiện bằng Tiếng Việt và Tiếng Anh) và gỡ bỏ Biển thông báo doanh nghiệp bán hàng thí điểm hoàn thuế giá trị gia tăng khi chấm dứt việc bán hàng thí điểm.
Được cơ quan thuế, cơ quan hải quan hướng dẫn việc thực hiện thí điểm bán hàng hoàn thuế giá trị gia tăng cho người nước ngoài.
Hỗ trợ, hướng dẫn người nước ngoài thực hiện Quyết định số 05/2012/QĐ- TTg và hướng dẫn tại Thông tư này.
Căn cứ các thông tin trên hộ chiếu hoặc giấy tờ nhập xuất cảnh còn giá trị và hàng hoá người nước ngoài mua, doanh nghiệp lập hoá đơn kiêm tờ khai hoàn thuế cho hàng hóa thuộc đối tượng hoàn thuế giá trị gia tăng đáp ứng quy định tại Điều 3, Quyết định số 05/2012/QĐ-TTg theo mẫu quy định tại Phụ lục 3 Thông tư này, giao cho người nước ngoài 01 liên dùng cho khách hàng.
In, phát hành, quản lý và sử dụng hóa đơn kiêm tờ khai hoàn thuế, thực hiện chế độ báo cáo theo đúng quy định của pháp luật về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ và hướng dẫn tại Thông tư này.
Thực hiện quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của Luật Quản lý thuế và pháp luật khác có liên quan.
Hướng dẫn học tập:
Phương pháp học: Để học tốt chương này, học viên nên giành thời gian đọc và hiểu rõ những nội dung chính được biên soạn trong giáo trình. Những nội dung nào chưa hiểu rõ thì nên tìm đọc các tài liệu tham khảo của chương và các trang web điện tử của Chính phủ, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch đã nêu trong chương học để hiểu rõ hơn nhằm phục vụ hiệu quả trong công tác thuyết minh tại điểm. Ngoài ra, trong công tác thuyết minh, học viên nên giành thời gian để cập nhật các quy định mới để tác nghiệp đúng theo quy định của Nhà nước và Pháp luật.
Câu hỏi thảo luận: Những khó khăn, thách thức liên quan đến việc vận dụng các văn bản của Nhà nước và địa phương đối với công tác thuyết minh? Thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm.
Bài tập/ Kiểm tra/ Viết thu hoạch: Thuyết minh viên du lịch vận dụng được gì vào công việc khi cập nhật hệ thống chính trị Việt Nam và các văn bản điều chỉnh ngành Du lịch?
Tài liệu tham khảo của chương:
1. Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Quy hoạch Tổng thể phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030, 2012, NXB Lao động.
2. Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Chiến lược Phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030, 2012.
3. Luật Du lịch Việt Nam năm 2005 và văn bản hướng dẫn thi hành, NXB Chính trị Quốc gia, 2010.
Chương 3
KIẾN THỨC CƠ SỞ NGÀNH
MỤC TIÊU:
Sau khi nghiên cứu chương này, học viên có thể:
Hiểu được khái niệm về du lịch và khách du lịch;
Phân tích được các tác động về kinh tế, văn hóa - xã hội và môi trường của hoạt động du lịch;
Hiểu khái niệm và nhận thức được vai trò của cơ sở vật chất kỹ thuật trong du lịch; phân tích được đặc điểm và nhận biết được các yêu cầu của cơ sở vật chất kỹ thuật trong du lịch; phân biệt được một số loại hình cơ sở vật chất kỹ thuật cơ bản trong du lịch;
Phân tích được đặc điểm và nắm bắt được các yêu cầu đối với lao động trong du lịch ;
Hiểu khái niệm dịch vụ du lịch, phân tích được đặc điểm của dịch vụ du lịch;
Biết sử dụng các tiêu chí để đánh giá chất lượng dịch vụ trong du lịch;
Phân tích được những yếu tố ảnh hưởng tới chất lượng dịch vụ trong du lịch.
I. Tổng quan về du lịch
1.1. Du lịch và khách du lịch
1.1.1. Khái niệm du lịch
Từ xa xưa trong lịch sử nhân loại, du lịch đã được ghi nhận như một sở thích, một hoạt động nghỉ ngơi tích cực của con người. Ngày nay du lịch đã trở thành một hiện tượng kinh tế - xã hội phổ biến không chỉ ở các nước kinh tế phát triển mà còn ở cả các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Du lịch không còn là một hiện tượng riêng lẻ, đặc quyền của cá nhân hay một nhóm người mà đã trở thành một nhu cầu phổ biến, đáp ứng mục tiêu không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho con người. Tuy nhiên, khái niệm du lịch dưới các góc độ nghiên cứu khác nhau cũng sẽ có những cách hiểu khác nhau.
Năm 1811 định nghĩa về du lịch lần đầu tiên xuất hiện tại nước Anh: “Du lịch là sự phối hợp nhịp nhàng giữa lý thuyết và thực hành của các cuộc hành trình với mục đích giải trí’’. Khái niệm này tương đối đơn giản và coi giải trí là động cơ chính của hoạt động du lịch.
Năm 1930, ông Guzman (Thụy Sĩ) đã định nghĩa : “Du lịch là sự chinh phục không gian của những người đến một địa điểm mà ở đó họ không có chỗ cư trú thường xuyên’’.
Hai học giả Hunziker và Krapt đưa ra định nghĩa: “Du lịch là sự chinh phục không gian của những người đến một địa điểm, mà ở đó họ không có chỗ cư trú thường xuyên’’.
Theo I.I Pirojnik: “Du lịch là một dạng hoạt động của dân cư trong thời gian rỗi liên quan đến sự di chuyển và lưu trú tạm thời bên ngoài nơi lưu trú thường xuyên nhằm nghỉ ngơi, chữa bệnh, phát triển thể chất và tinh thần, nâng cao nhận thức - văn hóa hoặc thể thao kèm theo việc tiêu thụ những giá trị tự nhiên, kinh tế và văn hóa’’.
Tháng 6/1992 tại Otawa (Cananđa), Hội nghị quốc tế về thống kê du lịch đã đưa ra định nghĩa: “Du lịch là hoạt động của con người đi tới một nơi ngoài môi trường thường xuyên, trong khoảng thời gian ít hơn khoảng thời gian đã được các tổ chức du lịch quy định trước, mục đích của chuyến đi không phải là để tiến hành các hoạt động kiếm tiền trong phạm vi vùng tới thăm’’.
Hội nghị lần thứ 27 (năm 1993) của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) đã định nghĩa: “Du lịch là hoạt động về chuyến đi đến một nơi khác với môi trường sống thường xuyên của con người và ở lại đó để tham quan, nghỉ ngơi, vui chơi giải trí hay các mục đích khác ngoài hoạt động để có thù lao ở nơi đến với thời gian liên tục ít hơn một năm’’.
Luật Du lịch Việt Nam (năm 2005) tại điều 4, chương I đã quy định: “Du lịch là các hoạt động có liên quan đến chuyến đi của con người ngoài nơi cư trú thường xuyên của mình nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, tìm hiểu, giải trí, nghỉ dưỡng trong một khoảng thời gian nhất định’’.