Các Tác Động Của Hoạt Động Du Lịch


Như vậy, du lịch là một hoạt động có nhiều đặc thù, gồm nhiều thành phần tham gia, tạo thành một tổng thể phức tạp. Hoạt động du lịch vừa có đặc điểm của ngành kinh tế, vừa có đặc điểm của ngành văn hóa - xã hội.

1.1.2. Khái niệm khách du lịch

Theo một số nhà nghiên cứu, khái niệm khách du lịch lần đầu tiên xuất hiện vào cuối thế kỷ XVIII tại Pháp và được hiểu là: “Khách du lịch là những người thực hiện một cuộc hành trình lớn’’.

Vào đầu thế kỷ XX, nhà kinh tế học người Áo, Josef Stander định nghĩa: “Khách du lịch là những hành khách đi lại, ở lại theo ý thích ngoài nơi cư trú thường xuyên để thỏa mãn các nhu cầu sinh hoạt cao cấp mà không theo đuổi các mục đích kinh tế’’.

Theo Tổ chức Du lịch Thế giới khách du lịch gồm có khách du lịch quốc tế và khách du lịch nội địa.

Khách du lịch quốc tế là một người ra khỏi quốc gia đang sinh sống trong thời gian ít nhất 24h và không quá 12 tháng liên tục với mục đích không phải là làm việc để nhận thu nhập ở nơi đến.

Khách du lịch nội địa là một người ra khỏi nơi cư trú thường xuyên của mình trong phạm vi lãnh thổ quốc gia đó với thời gian ít nhất 24h và không quá 12 tháng liên tục với mục đích không phải là làm việc để nhận thu nhập ở nơi đến.

Ở nước ta, tại điều 4, chương I, Luật Du lịch Việt Nam (2005) quy định: “Khách du lịch là người đi du lịch hoặc kết hợp đi du lịch, trừ trường hợp đi học, làm việc hoặc hành nghề để nhận thu nhập ở nơi đến’’. Khách du lịch gồm khách du lịch quốc tế và khách du lịch nội địa:

Khách du lịch quốc tế gồm hai nhóm khách: khách du lịch vào Việt Nam (khách inbound) và khách du lịch ra nước ngoài (khách outbound).

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 136 trang tài liệu này.

- Khách du lịch vào Việt Nam (khách inbound): là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài vào Việt Nam du lịch.


Bồi dưỡng Nghiệp vụ cho Thuyết minh viên Du lịch Phần 1 - 10

- Khách du lịch ra nước ngoài (khách outbound): là công dân Việt Nam, người nước ngoài cư trú tại Việt Nam ra nước ngoài du lịch.

Khách du lịch nội địa là công dân Việt Nam và người nước ngoài cư trú tại Việt Nam đi du lịch trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam.


1.2. Các tác động của hoạt động du lịch

Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, việc phát triển du lịch có tác động đối với các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội và môi trường. Những tác động này bao gồm cả tác động tích cực và tiêu cực.

1.2.1. Tác động về kinh tế

a. Đối với phát triển du lịch nội địa:

Xét về ý nghĩa của phát triển du lịch nội địa có thể thấy du lịch tham gia tích cực vào quá trình tạo nên thu nhập quốc dân như sản xuất hàng lưu niệm, chế biến thực phẩm, xây dựng hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật... Quá trình này giúp làm tăng tổng sản phẩm quốc nội.

Ngoài ra, việc phát triển du lịch nội địa cũng tham gia tích cực vào quá trình phân phối lại thu nhập quốc dân giữa các vùng. Hay nói cách khác, du lịch tác động tích cực vào việc làm cân đối cấu trúc của thu nhập và chi tiêu của nhân dân theo các vùng. Vì thường các vùng phát triển về du lịch lại là những vùng kém sản xuất ra của cải vật chất dẫn đến thu nhập từ sản xuất của người dân tại những vùng đó rất thấp.

Du lịch nội địa phát triển tốt cũng sẽ củng cố sức khỏe cho nhân dân lao động và từ đó góp phần tăng năng suất lao động cho xã hội.

b. Đối với phát triển du lịch quốc tế:

Việc phát triển loại hình này có thể tạo ra những tác động tích cực nhất định về kinh tế. Trước hết phải kể đến việc giúp làm tăng thu nhập quốc dân thông qua việc thu ngoại tệ, đóng góp lớn trong việc cân bằng cán cân thanh toán quốc tế.


Du lịch quốc tế cũng được coi là hoạt động xuất khẩu có hiệu quả cao. Tính hiệu quả được thể hiện ở chỗ du lịch được coi là ngành “xuất khẩu tại chỗ’’. Hàng hóa được tiêu thụ thông qua con đường du lịch không phải chịu hàng rào thuế quan mậu dịch quốc tế. Du lịch không chỉ là “ngành xuất khẩu tại chỗ’’ mà còn là ngành “xuất khẩu vô hình’’ hàng hóa du lịch. Đó là cảnh quan thiên nhiên, khí hậu, di tích lịch sử - văn hóa, tính độc đáo trong truyền thống, phong tục tập quán ... mà không bị mất đi sau mỗi lần bán thậm chí giá trị và uy tín của nó còn tăng lên qua mỗi lần đưa ra thị trường nếu như đảm bảo được chất lượng dịch vụ du lịch. Sở dĩ có hiện tượng trên là do chúng ta bán cho khách hàng không phải là bản thân tài nguyên du lịch mà chỉ là giá trị, khả năng thỏa mãn nhu cầu đặc trưng của khách du lịch chứa đựng trong tài nguyên du lịch. Với hai hình thức xuất khẩu trên cho thấy hàng hóa và dịch vụ bán thông quan du lịch đem lại lợi nhuận kinh tế cao hơn do tiết kiệm được các chi phí đóng gói bao bì, bảo quản và thuế xuất, nhập khẩu, có khả năng thu hồi vốn nhanh và lãi suất cao do nhu cầu du lịch là nhu cầu cao cấp có khả năng thanh toán.

Du lịch khuyến khích và thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Một xu hướng hiện nay là chuyển dịch cơ cấu kinh tế và giá trị dịch vụ ngày càng chiếm tỷ lệ cao trong tổng sản phẩm xã hội. Do vậy, các nhà kinh doanh quan tâm đến hiệu quả của đồng vốn thì du lịch là lĩnh vực kinh doanh hấp dẫn so với nhiều ngành kinh tế khác. Du lịch đem lại tỷ suất lợi nhuận cao vì vốn đầu tư vào du lịch tương đối ít so với ngành công nghiệp nặng, giao thông vận tải mà khả năng thu hồi vốn nhanh, kỹ thuật không phức tạp. Đặc biệt, trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ bổ sung thì nhu cầu về vốn đầu tư lại càng ít hơn so với lĩnh vực kinh doanh dịch vụ cơ bản, mà lại thu hút lao động nhiều hơn, thu hồi vốn nhanh hơn.

Du lịch góp phần củng cố và phát triển các mối quan hệ kinh tế quốc tế. Các tổ chức quốc tế mang tính chính phủ và phi chính phủ về du lịch tác động tích cực trong việc hình thành các mối quan hệ kinh tế quốc tế. Du lịch quốc tế phát triển tạo nên sự phát triển đường nối giao thông quốc tế. Ngoài ra, du lịch quốc tế cũng như một đầu nối xuất - nhập khẩu ngoại tệ góp phần làm phát triển quan hệ ngoại hối quốc tế.


Du lịch làm tăng nguồn thu ngân sách cho các địa phương phát triển du lịch. Hoạt động du lịch phát triển tạo nguồn thu ngân sách cho các địa phương từ các khoản trích nộp ngân sách của các cơ sở du lịch trực thuộc quản lý trực tiếp của địa phương và từ các khoản thuế phải nộp của các doanh nghiệp du lịch kinh doanh trên địa bàn.

Du lịch góp phần thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển. Trước hết, hoạt động kinh doanh du lịch đòi hỏi sự hỗ trợ liên ngành là cơ sở cho các ngành khác như giao thông vận tải, tài chính, bưu điện, công nghiệp, nông nghiệp, hải quan... phát triển. Đối với nền sản xuất xã hội, du lịch mở ra thị trường tiêu thụ hàng hóa. Mặt khác, sự phát triển du lịch tạo điều kiện để khách du lịch tìm hiểu thị trường, ký kết hợp đồng về sản xuất kinh doanh trong nước, tận dụng các cơ sở vật chất kỹ thuật ở các ngành kinh tế khác.

Phát triển du lịch sẽ mở mang, hoàn thiện cơ sở hạ tầng kinh tế, như mạng lưới giao thông công cộng, mạng lưới điện nước, các phương tiện thông tin đại chúng... Đặc biệt, ở những vùng phát triển du lịch, do xuất hiện các nhu cầu đi lại, vận chuyển thông tin liên lạc ... của khách du lịch cũng như những điều kiện cần thiết cho cơ sở kinh doanh du lịch hoạt động nên các ngành này phát triển.

Tuy nhiên, về mặt kinh tế, du lịch cũng có những ảnh hưởng tiêu cực cố hữu như: tiền tệ tiêu hao từ khu vực này sang khu vực khác, đất đai trở nên khan hiếm và đắt đỏ do quy hoạch du lịch. Hệ quả tiếp theo là tình trạng lạm phát cục bộ hay giá cả hàng hoá tăng cao, nhiều khi vượt quá khả năng chi tiêu của người dân địa phương, nhất là khả năng chi tiêu của những người có thu nhập không liên quan đến du lịch.


1.2.2. Tác động về văn hóa - xã hội

Việc phát triển du lịch giúp tạo ra những tác động tích cực đối với văn hóa - xã hội. Những tác động tiêu biểu phải kể đến như:

Nâng cao trình độ nhận thức, trình độ văn hóa, hiểu biết xã hội.


Du lịch là hoạt động mà qua đó du khách cũng như người hoạt động kinh doanh du lịch, dân cư địa phương có điều kiện tăng thêm hiểu biết, mở mang kiến thức, thêm kinh nghiệm và vốn sống.

Đối với các đối tượng tham gia hoạt động du lịch, để đáp ứng được yêu cầu của công việc như tiếp xúc với khách du lịch, nhất là khách quốc tế, hướng dẫn viên, thuyết minh viên du lịch, những người phục vụ khách ... cần thiết phải nâng cao trình độ, rèn luyện để hình thành các kỹ năng, tham gia các khóa học ngoại ngữ, chuyên môn hoặc tìm đọc các thông tin, kiến thức... từ đó củng cố và nâng cao kiến thức của bản thân. Ngoài việc tự học, việc học tập, bồi dưỡng kiến thức định kỳ còn là yêu cầu bắt buộc của ngành.

Để phục vụ được du khách, các nhân viên bán hàng cũng cần có cách cư xử, giao tiếp khéo léo. Vô hình chung hành vi cư xử có văn hóa đã được phát triển, làm đẹp cho cộng đồng và cho toàn xã hội.

Đối với du khách, du lịch là điều kiện tốt để hiểu biết hơn về thực tế. Khi đi du lịch, qua thông tin được hướng dẫn viên, thuyết minh viên du lịch cung cấp, khách du lịch có hiểu biết tốt hơn về đối tượng tham quan, các thắng cảnh, di tích, lễ hội, phong tục tập quán, truyền thuyết... từ đó nâng cao được kiến thức của mình.

Bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc

Theo số liệu của Tổ chức Du lịch Thế giới, hiện nay có tới hơn 80% số lượng du khách đi du lịch nhằm hưởng thụ các giá trị văn hóa độc đáo và khác biệt so với nền văn hóa bản địa của họ. Du khách bị hấp dẫn bởi các điểm du lịch với cảnh quan thiên nhiên đẹp và nền văn hóa truyền thống, gây ấn tượng mạnh và độc đáo. Có thể nói, đối tượng văn hóa là tài nguyên du lịch đặc biệt hấp dẫn. Phát triển du lịch cũng là cách để bảo tồn kiến trúc cổ, bảo tồn và phát huy nghệ thuật múa hát dân tộc, lễ hội truyền thống...


Cũng chính nhờ du lịch, các nền văn hóa có điều kiện giao lưu, hội nhập với nhau, làm cho đời sống văn hóa, tinh thần của con nguời trở nên phong phú hơn. Du lịch làm sống lại những làn điệu dân ca, nghệ thuật truyền thống của dân tộc. Ngoài ra, nhiều lễ hội, nhiều nét văn hóa khác được khôi phục, bảo tồn nhờ hoạt động du lịch.

Phát triển du lịch cũng được coi là một yếu tố thúc đẩy văn hóa ẩm thực

Nhiều du khách đi du lịch mong muốn được thưởng thức các món ăn ngon, độc đáo, đặc sắc của từng vùng, miền, quốc gia. Các sản phẩm văn hóa dân tộc khác như tranh vẽ, điêu khắc, thêu ren ... cũng là những sản phẩm nghệ thuật làm du khách ưa thích cũng được phát triển. Như vậy, thông qua du lịch vừa có tác đụng bảo tồn làng nghề truyền thống, vừa cung cấp sản phẩm cho du khách.

Góp phần phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ tại địa phương

Có thể nói, đối với du lịch thì tài nguyên du lịch là tiền đề để phát triển. Thường tài nguyên du lịch đặc biệt là những tài nguyên du lịch được phân bố của những vùng núi xa xôi, hẻo lánh. Để khai thác các tài nguyên này cần phải có sự đầu tư về mọi mặt như xây dựng đường sá giao thông, liên lạc, dịch vụ xã hội... Bên cạnh đó là việc xây dựng hàng loạt các dịch vụ đi kèm như hệ thống nhà hàng, bưu điện, siêu thị ... đáp ứng nhu cầu của khách du lịch. Do vậy, phát triển du lịch tất yếu làm thay đổi bộ mặt kinh tế - xã hội của khu vực đó.

Các tác động khác

Du lịch góp phần giữ gìn và phục hồi sức khỏe. Ở một chừng mực nhất định, du lịch có tác dụng hạn chế bệnh tật, kéo dài tuổi thọ và khả năng lao động của con người. Một số công trình nghiên cứu đã đi đến nhận định rằng, nhờ chế độ nghỉ ngơi và du lịch tối ưu, khả năng bệnh tật của dân cư giảm trung bình 30%. Điều này thể hiện rõ nét ở một số bệnh như tim mạch giảm 50%, tiêu hóa giảm 20%, hô hấp giảm 40% và bệnh thần kinh giảm 30%.


Du lịch phần nào dẫn đến sự thay đổi lối sống, nhịp điệu sống và phong cách làm việc, nó thể hiện qua thời gian trong hoạt động du lịch. Hoạt động du lịch liên quan đến thời gian rỗi, nên có thể diễn ra ngoài giờ làm việc, không khí nhiều lúc, nhiều nơi rất náo nhiệt, cuộc sống cộng đồng trở nên sôi động, cuốn hút mọi người.

Hiện nay ở một số địa phương, phát triển du lịch đi đôi với việc tạo và làm sống lại một số nghề thủ công truyền thống, dịch vụ xã hội. Đây là lĩnh vực thu hút nhiều lao động nữ. Phụ nữ tham gia nhiều hơn vào công tác xã hội, trực tiếp làm kinh tế tạo nên thu nhập. Điều này có tác dụng làm thay đổi địa vị của người phụ nữ trong xã hội, nâng cao vai trò của họ trong gia đình.

Đẩy mạnh các hoạt động du lịch, khai thác các thế mạnh tài nguyên du lịch tự nhiên sẽ kích thích việc tìm kiếm các hình thức bảo vệ tự nhiên, đặc biệt điều kiện sử dụng hợp lý tài nguyên và phát triển lâu bền. Nhu cầu nghỉ ngơi, tham quan của du khách là yếu tố làm xuất hiện những công viên, khu bảo tồn vừa có giá trị đa dạng sinh học, vừa tổ chức hoạt động giải trí, tham quan... Điều này có thể hiểu rằng có ý nghĩa nhất định trong việc bảo vệ môi trường.

Phát triển du lịch thu hút nhiều du khách cũng là hình thức, phương tiện quảng cáo một cách tự nhiên. Du khách đến trước và kể lại cho những người chưa đi về những nơi mình đã qua, những mặt hàng lưu niệm mà du khách đã mua là những sản phẩm quảng cáo cho nền sản xuất của quốc gia.

Du lịch có tác dụng nâng cao lòng yêu nước, yêu thiên nhiên cuộc sống. Đi du lịch con người ta hiểu biết hơn về vẻ đẹp của thiên nhiên, bàn tay lao động sáng tạo của con người. Ngoài ra, đi du lịch mọi người có điều kiện tiếp xúc với nhau, gần gũi nhau, tăng thêm tình đoàn kết cộng đồng. Từ đó hình thành những phẩm chất đạo đức tốt đẹp, phát triển nhân cách. Qua du lịch cũng phần nào giáo dục lòng mến khách, tạo nên tình bằng hữu giữa các dân tộc.

Du lịch là ngành nhu cầu sử dụng lao động ở mức cao. Do đó việc phát triển du lịch sẽ tạo cơ hội việc làm cho cả lao động trực tiếp làm việc trong ngành du lịch và lao động gián tiếp.


Ngoài những tác động tích cực đã được phân tích ở trên, việc phát triển du lịch cũng gây ra những tác động tiêu cực nhất định.

Làm biến đổi các giá trị truyền thống. Cùng với việc bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống, hoạt động du lịch lại có những tác động theo hướng ngược lại. Vì mục đích đáp ứng nhu cầu của du khách, nhiều giá trị văn hóa bị xuống cấp, bị thương mại hóa. Nhiều giá trị truyền thống bị lu mờ do sự lạm dụng vì mục đích kinh tế. Do chạy theo số lượng, không ít mặt hàng truyền thống được chế tác làm hàng lưu niệm cho du khách bị sản xuất cẩu thả, làm méo mó các giá trị truyền thống. Ở nhiều nơi, người ta cố tình tạo ra nền văn hóa tiêu biểu, biến lễ hội thành các buổi trình diễn làm thay đổi văn hóa để thích nghi với nhu cầu của du khách. Những thay đổi về văn hóa này nếu không được quan tâm ngăn chặn, chắc chắn sẽ là nguyên nhân làm giảm sút sự hấp dẫn du khách, suy thoái nền văn hóa truyền thống, không đảm bảo tính bền vững của phát triển du lịch.

Tác động đối với tài nguyên du lịch.

Tài nguyên du lịch là điều kiện tiền đề để phát triển du lịch bao gồm cả tài nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên du lịch nhân văn. Sự suy thoái các giá trị văn hóa nghệ thuật đã đề cập ở trên là một minh chứng cho sự suy thoái tài nguyên du lịch nhân văn.

Những nơi có tài nguyên có giá trị hấp dẫn sẽ có khả năng thu hút khách du lịch mạnh. Sự tập trung đông du khách sẽ tạo ra tác động tiêu cực cho tài nguyên du lịch. Khi đi du lịch, du khách thường mua những món quà lưu niệm để kỷ niệm về những nơi mình đã đi qua. Nhiều khi để tạo ra hàng lưu niệm này, vô tình người dân đã phá vỡ đi các hệ sinh thái, tài nguyên du lịch tự nhiên. Hay do thiếu ý thức, nhiều du khách vứt rác, chất thải bừa bãi trên các con sông, bãi biển, trong các hang động, làm ảnh hưởng đến san hô .. gây ô nhiễm môi trường, xuống cấp các tài nguyên.

Tác động đến đời sống của cộng đồng dân cư địa phương

Xem tất cả 136 trang.

Ngày đăng: 11/06/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí