Biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự - 10

dịch, thay đổi hiện trạng tài sản vẫn tồn tại một số bất cập, hạn chế về việc đăng ký, cung cấp thông tin về tình hình tài sản, thu nhập của người phải thi hành án và thời hạn áp dụng biện pháp này, cần khắc phục trong thời gian tới.‌


3.2. CÁC KIẾN NGHỊ NHẰM NÂNG CAO HIỆU QUẢ ÁP DỤNG BIỆN PHÁP BẢO ĐẢM THI HÀNH ÁN DÂN SỰ

3.2.1. Các kiến nghị hoàn thiện pháp luật về biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự

Việc áp dụng các biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự trong quá trình tổ chức thi hành án dân sự là rất cần thiết, góp phần bảo đảm thực hiện được hiệu quả của công tác tổ chức thi hành án dân sự. Tuy vậy, qua thực tiễn áp dụng các quy định của pháp luật về biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự đã cho thấy nhiều hạn chế, bất cập trong cả quy định của pháp luật và việc thực hiện. Để phát huy vai trò, tác dụng của các biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự, qua nghiên cứu đề tài, học viên có một số kiến nghị sau đây.

3.2.1.1. Đối với các biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự nói chung

- Bên cạnh việc quy định về thời hạn áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự như hiện nay thì cần có quy định linh hoạt về thời hạn áp dụng các biện pháp bảo đảm trong một số trường hợp ngoại lệ.

Xét về tổng thể thì việc Luật Thi hành án dân sự quy định thời hạn áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự ngắn gọn là tương đối hợp lý. Vì sau khi hết thời hạn đã được quy định thì Chấp hành viên buộc phải áp dụng các biện pháp khác để thi hành án, đảm bảo việc thi hành án được tiến hành liên tục, nhanh chóng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Tuy nhiên, việc quy định thời hạn áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự ngắn như hiện nay mà không có quy định về các trường hợp ngoại lệ đã gây ra không ít khó khăn cho Chấp hành viên khi giải quyết việc thi hành án trên thực tế, cụ thể:

Thứ nhất, sau khi áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự thì trong nhiều trường hợp Chấp hành viên phải tiến hành xác minh tài sản, thông tin về tài sản rồi sau đó mới quyết định có hay không việc áp dụng biện pháp cưỡng chế kê biên, xử lý đối với tài sản đó.

Tại Điều 89 Luật Thi hành án dân sự quy định: "Trước khi kê biên tài sản là quyền sử dụng đất, tài sản phải đăng ký quyền sở hữu hoặc đăng ký giao dịch bảo đảm theo quy định của pháp luật, Chấp hành viên yêu cầu cơ quan đăng ký cung cấp thông tin về tài sản, giao dịch đã đăng ký" [23]. Trong trường hợp này, thời hạn xác minh, cung cấp thông tin không phải hoàn toàn dựa vào Chấp hành viên mà còn phụ thuộc vào các cơ quan có liên quan trong việc cung cấp thông tin. Thực tế cho thấy, việc xác minh chủ sở hữu tài sản không hề dễ dàng và phụ thuộc nhiều vào thông tin do các cơ quan chức năng cung cấp. Trong khi đó, việc trả lời xác minh, cung cấp thông tin của các cơ quan, tổ chức có liên quan cho Chấp hành viên không phải lúc nào cũng nhanh chóng, kịp thời. Có nhiều trường hợp Cơ quan thi hành án dân sự phải nhiều lần gửi công văn và chờ công văn trả lời của các cơ quan này một thời gian khá dài, có khi là 2 tháng, 3 tháng và thậm chí là lâu hơn. Mặt khác, trong trường hợp tài sản của người phải thi hành án đang cầm cố, thế chấp hợp pháp thì trước khi kê biên, xử lý tài sản, Chấp hành viên cũng phải tiến hành xác minh và nếu cần thiết, còn phải tiến hành thẩm định giá để xác định giá trị của tài sản đang cầm cố, thế chấp so với nghĩa vụ được bảo đảm và chi phí cưỡng chế thi hành án dân sự, từ đó quyết định việc áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự. Do đó, trong thời hạn mười lăm ngày, Chấp hành viên là không thể thực hiện xong.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 96 trang tài liệu này.

Thứ hai, theo quy định Điều 67 Luật Thi hành án dân sự thì sau khi thực hiện việc phong tỏa tài khoản, trong thời hạn 05 ngày làm việc, Chấp hành viên phải áp dụng biện pháp khấu trừ tài khoản. Trên thực tế, trong trường hợp để tránh việc đương sự tẩu tán tiền trong tài khoản, Chấp hành viên phải quyết định áp dụng biện pháp phong tỏa tài khoản ngay trong thời

hạn tự nguyện thi hành án. Như vậy, nếu Chấp hành viên áp dụng biện pháp cưỡng chế khấu trừ trong 05 ngày như đã nêu trên thì lúc đó vẫn chưa hết thời hạn tự nguyện thi hành án (15 ngày) và vi phạm về thời hạn tự nguyện thi hành án quy định tại Điều 45 Luật Thi hành án dân sự. Mặt khác, trước đây Chấp hành viên được phép phong tỏa ngăn chặn đầu ra của tài khoản của người phải thi hành án tại các ngân hàng thương mại, theo hình thức "đón lõng", khi tiền vào tài khoản đủ để khấu trừ thì mới khấu trừ và chấm dứt việc phong tỏa tài khoản. Việc áp dụng biện pháp phong tỏa tài khoản theo cách thức này rất có hiệu quả. Do đó, đề nghị không nên quy định giới hạn thời gian Chấp hành viên áp dụng biện pháp bảo đảm phong tỏa tài khoản khi người phải thi hành án chưa thi hành xong nghĩa vụ thi hành án.

Biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự - 10

Như vậy, với những trường hợp nêu trên, Chấp hành viên không thể tiến hành cưỡng chế cũng như không thể ra quyết định chấm dứt áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án vì chưa có đủ các căn cứ cần thiết. Do đó, pháp luật cần có những quy định mở về những trường hợp ngoại lệ. Theo đó, thời hạn áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự cần được quy định dài hơn, linh hoạt hơn để tạo một hành lang pháp lý rõ ràng hơn, nhằm tạo điều kiện cho Chấp hành viên có cơ sở giải quyết việc thi hành án đúng pháp luật, đồng thời cũng để phát huy tối đa hiệu quả của các biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự.

- Cần có quy định cụ thể về căn cứ chấm dứt việc áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự

Trên thực tế công tác thi hành án dân sự cho thấy, không phải trường hợp nào khi đã tiến hành áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự cũng sẽ dẫn đến việc áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự. Vì mặc dù khi Chấp hành viên đã ra quyết định áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự, nhưng các đương sự vẫn có thể tiến hành các thỏa thuận về việc thi hành án. Trong trường hợp các bên đương sự đã thỏa thuận được phương thức và thời gian thi hành án, mà thời gian đó kéo dài hơn thời hạn áp dụng biện

pháp bảo đảm thi hành án dân sự thì Chấp hành viên vẫn không thể ra quyết định chấm dứt áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự vì phải tôn trọng sự thỏa thuận của các bên đương sự, đồng thời cũng không có căn cứ để ra quyết định chấm dứt áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự, trừ trường hợp người được thi hành án tự nguyện yêu cầu chấm dứt áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự và chịu trách nhiệm về yêu cầu đó. Do đó, cần bổ sung thêm căn cứ để chấm dứt áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự trong trường hợp sau khi Chấp hành viên đã áp dụng biện pháp bảo đảm, các bên đương sự thỏa thuận được phương thức và thời gian thi hành án, mà thời gian đó kéo dài hơn thời hạn áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự.

- Cần có quy định cụ thể về thẩm quyền xử phạt, tăng mức tiền phạt mà Chấp hành viên, Thủ trưởng Cơ quan thi hành án dân sự được thực hiện đối với người có hành vi vi phạm các yêu cầu của Chấp hành viên trong khi áp dụng các biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự.

Thứ nhất, theo quy định tại khoản 3 Điều 7 Nghị định số 60/2009/NĐ-CP ngày 23/7/2009 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp thì mới chỉ quy định về các hành vi tẩu tán hoặc làm hư hỏng tài sản; không thực hiện việc tạm dừng việc đăng ký, sử dụng trái phép, tiêu dùng, chuyển nhượng, đánh tráo, cất giấu hoặc thay đổi tình trạng tài sản đã kê biên; không thực hiện việc phong tỏa tài khoản của người phải thi hành án theo quyết định của người có thẩm quyền thi hành án mà chưa có quy định việc xử phát đối với hành vi không thực hiện yêu cầu của Chấp hành viên về việc tạm giữ giấy tờ, tài sản…Do đó, cần bổ sung quy định về nội dung này.

Thứ hai, theo quy định tại khoản 3 Điều 7 Nghị định số 60/2009/NĐ-CP ngày 23/7/2009 của Chính phủ thì mức phạt đối với các hành vi vi phạm như đã nêu trên là từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng. Trong khi đó, theo quy định tại Điều 47 Nghị định số 60/2009/NĐ-CP ngày 23/7/2009 của Chính phủ

quy định Chấp hành viên có quyền phạt tiền đến 200.000 đồng; Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện được phạt tiền đến 500.000 đồng và Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh được phạt tiền đến 1.000.000 đồng. Như vậy, khi có vi phạm theo quy định tại khoản 3 Điều 7 Nghị định số 60/2009/NĐ-CP ngày 23/7/2009 của Chính phủ thì Chấp hành viên, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự các cấp đều không có thẩm quyền xử phạt.

Từ các lý do trên, cần có quy định cụ thể về các hành vi vi phạm trong quá trình áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự đồng thời phải quy định cụ thể về mức tiền phạt mà Chấp hành viên, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự có thể thực hiện đối với người có hành vi vi phạm các yêu cầu của Chấp hành viên trong áp dụng các biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự.

- Cần bổ sung quy định về thẩm quyền xem xét lại quyết định giải quyết khiếu nại của Chi cục trưởng Chi cục thi hành án dân sự đối với quyết định áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự của Chấp hành viên Chi cục thi hành án dân sự:

Luật Thi hành án dân sự đã quy định rõ rằng khiếu nại đối với quyết định áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự chỉ được giải quyết một lần và quyết định giải quyết khiếu nại lần một có hiệu lực thi hành ngay. Để có thể khắc phục được sai sót trong giải quyết khiếu nại về thi hành án dân sự, tại khoản 4 và khoản 7 Điều 142 Luật Thi hành án dân sự đã quy định Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng có thẩm quyền xem xét lại các quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực thi hành của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự. Tuy nhiên, quy định này đã bỏ sót về việc xem xét lại quyết định giải quyết khiếu nại của Chi cục trưởng Chi cục thi hành án dân sự đối với khiếu nại về quyết định áp dụng biện pháp bảo đảm do Chấp hành viên Chi cục thi hành án dân sự áp dụng. Do đó, cần sửa đổi, bổ sung quy định tại khoản 4 và khoản 7 Điều 142 Luật Thi hành án dân sự theo hướng bổ sung việc Bộ trưởng Bộ Tư pháp xem xét lại quyết định giải quyết khiếu nại

của Chi cục trưởng Chi cục thi hành án dân sự đối với khiếu nại về quyết định áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự.

3.2.1.2. Đối với biện pháp phong tỏa tài khoản

- Cần có quy định cụ thể để nhận biết các hành vi tẩu tán tiền trong tài khoản của người phải thi hành án.

Hiện nay, giữa Chấp hành viên, nhân viên tổ chức tín dụng và người có tài khoản đang tồn tại các ý kiến tranh luận về việc phân định hành vi tẩu tán tiền trong tài khoản và các giao dịch thông thường để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh của khách hàng. Sự phân định đó có ý nghĩa rất quan trọng trong việc áp dụng biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự và các chế tài cần thiết. Do đó, cần có quy định cụ thể về các hành vi tẩu tán tiền trong tài khoản để thực hiện việc phong tỏa tài khoản được chính xác, thuận tiện và tránh các khiếu nại của người phải thi hành án, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

- Cần có quy định tạo cơ sở pháp lý để đương sự tự mình có thể xác minh, thu thập thông tin về tài khoản của người phải thi hành án.

Trong thi hành án dân sự, người được thi hành án có nghĩa vụ xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án. Tuy vậy, như đã phân tích ở trên, hiện nay chưa có cơ chế để người được thi hành án thực hiện được việc xác minh, thu thập thông tin về tài khoản của người phải thi hành án. Vì vậy, trong điều kiện có thể, cần thành lập một cơ quan có thẩm quyền thu thập thông tin về tài khoản của các khách hàng tại các tổ chức tín dụng. Cơ quan này có nhiệm vụ cung cấp thông tin cho người được thi hành án hay cơ quan thi hành án dân sự theo quy định của pháp luật. Việc cập nhật và sử dụng số liệu, thông tin về tài khoản của khách hàng phải đảm bảo nguyên tắc bảo mật thông tin khách hàng, bảo vệ quyền lợi khách hàng và chỉ được cung cấp trong một số trường hợp nhất định theo quy định của pháp luật. Đây là cơ quan đặc biệt, do vậy, về quy chế tổ chức và hoạt động phải chặt chẽ, đồng

thời yêu cầu cung cấp thông tin phải được thực hiện theo quy trình kiểm tra một cách chặt chẽ, nghiêm ngặt, tránh việc yêu cầu tùy tiện, lợi dụng việc khai thác thông tin để trục lợi, vi phạm pháp luật.

- Cần quy định rõ về quy trình, thủ tục từ khi xác minh cho đến khi ra quyết định phong tỏa tài khoản và thực hiện quyết định.

Để đảm bảo tính chặt chẽ, có hiệu lực pháp lý cao, đảm bảo sự chấp hành quyết định của Chấp hành viên được đầy đủ, đúng pháp luật cần quy định một cách cụ thể về quy trình, thủ tục xác minh và ban hành quyết định phong tỏa tài khoản của người phải thi hành án. Ngoài ra, bên cạnh việc quy định chế tài đủ mạnh đối với cơ quan, tổ chức đang quản lý tài khoản của người phải thi hành án nếu không thực hiện đúng, đầy đủ quyết định phong tỏa tài khoản thì phải quy định rõ giá trị pháp lý của biên bản xác minh và các chế tài áp dụng khi cơ quan, tổ chức nơi người phải thi hành án mở tài khoản vi phạm các nội dung, yêu cầu của Chấp hành viên ghi tại biên bản xác minh, đảm bảo hiệu quả của việc áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự này.

- Cần bổ sung vào Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 các quy định cụ thể về trách nhiệm phối hợp kịp thời với Chấp hành viên, Cơ quan thi hành án dân sự để cung cấp đúng, đầy đủ và kịp thời các thông tin, số liệu về tài khoản của người phải thi hành án và các chế tài đặt ra nếu có vi phạm.

- Cần hoàn thiện cơ chế quản lý tài sản, thu nhập cá nhân theo hướng chuyển phần lớn các giao dịch liên quan đến thu nhập, chi tiêu, thương mại của các cá nhân, cơ quan, tổ chức phải được thực hiện thông qua hệ thống tài khoản được đăng ký tại các tổ chức tín dụng.

3.2.1.3. Đối với biện pháp tạm giữ tài sản, giấy tờ

- Cần quy định Chấp hành viên phải ra quyết định tạm giữ tài sản, giấy tờ khi áp dụng biện pháp này và các trường hợp ngoại lệ.

Để đảm bảo giá trị pháp lý trong quá trình tổ chức hoạt động thi hành án dân sự thì khi thực hiện việc tạm giữ tài sản, giấy tờ của người phải thi hành

án, Chấp hành viên phải ban hành quyết định tạm giữ tài sản, giấy tờ đó. Tuy nhiên, trong trường hợp ngoại lệ, để áp dụng một cách linh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi cho Chấp hành viên khi thực hiện tác nghiệp việc thi hành án ở địa bàn xa trụ sở cơ quan mà điều kiện không thể ban hành được quyết định tạm giữ ngay trong ngày tạm giữ thì có thể lập biên bản về việc tạm giữ tài sản, giấy tờ để sau đó trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày lập biên bản tạm giữ, Chấp hành viên phải ban hành quyết định tạm giữ tài sản, giấy tờ. Trong thời hạn này, biên bản tạm giữ có giá trị pháp lý như quyết định tạm giữ tài sản, giấy tờ.

- Cần quy định cụ thể về cơ chế phối hợp giữa Chấp hành viên với các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc áp dụng biện pháp tạm giữ tài sản, giấy tờ của người phải thi hành án.

Trong tổ chức thi hành án dân sự, việc phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức hữu quan với Chấp hành viên là rất cần thiết, tạo nên sức mạnh tổng hợp đảm bảo cho việc thi hành án dân sự có hiệu quả. Tuy nhiên, pháp Luật Thi hành án dân sự quy định về vấn đề này chưa cụ thể. Vì vậy, pháp luật về thi hành án dân sự cần quy định cụ thể về các trường hợp cần có sự phối hợp, cơ chế phối hợp, các biện pháp cần thiết để thực hiện việc phối hợp và trách nhiệm khi không phối hợp với Chấp hành viên của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc áp dụng biện pháp tạm giữ tài sản, giấy tờ của người phải thi hành án.

- Cần quy định cụ thể về thủ tục tạm giữ tài sản, giấy tờ.

Đối với trường hợp đương sự đang giấu tài sản, giấy tờ trong thân thể hoặc đeo trang sức và kim khí quý, đá quý trên thân thể hiện nay chưa có quy định cụ thể nên khi Chấp hành viên áp dụng bị cho là xâm phạm đến thân thể của người phải thi hành án. Vì vậy, phải quy định cụ thể thủ tục tạm giữ giấy tờ, tài sản trong những trường hợp này nhằm tránh cho hành vi của Chấp hành viên không bị coi là xâm phạm đến thân thể người phải thi hành án, vi phạ m pháp luật, vi phạm nhân quyền khi áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự tạm giữ tài sản, giấy tờ.

Xem tất cả 96 trang.

Ngày đăng: 30/10/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí