quyết định cấm tiếp xúc đã bị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền nhắc nhở nhưng vẫn cố tình vi phạm.
Biện pháp cấm tiếp xúc được huỷ bỏ trong các trường hợp sau đây: Có đơn yêu cầu của nạn nhân bạo lực gia đình; Biện pháp này không còn cần thiết; Phát hiện những thông tin sai lệch làm căn cứ ra quyết định. Quyết định huỷ bỏ biện pháp cấm tiếp xúc có hiệu lực ngay sau khi ký.
Việc quy định về việc cấm tiếp xúc trong một thời gian giữa nạn nhân và người có hành vi bạo lực có thể coi là quy định mang tính đột phá để đảm bảo sự an toàn cho nạn nhân, nhất là trong trường hợp người có hành vi bạo lực có thái độ ngoan cố, hung bạo, cố tình tiếp tục hành vi, gây ra nhiều hoang mang, bức xúc cho nạn nhân và cả xã hội. Hơn nữa, đây là cơ hội để hai bên có thời gian cân nhắc, xem xét lại hành động của mình và cũng là để giáo dục người có hành vi bạo lực về tội lỗi của họ. Hiện nay, pháp luật quy định về vấn đề này cũng khá đầy đủ và rõ ràng, mang đến nhiều sự thuận lợi cho người áp dụng pháp luật. Tuy nhiên, một số quy định của pháp luật về vấn đề này chưa thực sự hợp lý như: quy định về việc nạn nhân phải tìm được nơi ở khác là điều kiện để thực hiện việc cấm tiếp xúc; không có cơ chế hỗ trợ nạn nhân trong thời gian cấm tiếp xúc; việc cấm tiếp xúc trường hợp phải có yêu cầu hoặc chấp nhận của nạn nhân hoặc người giám hộ; trường hợp trẻ em là nạn nhân của bạo lực do chính cha, mẹ các em gây ra thì sẽ áp dụng ra sao; trường hợp các em “được” cách ly khỏi người gây bạo lực là cha, mẹ mình thì vô hình chung lại xâm phạm đến quyền được chăm sóc trong gia đình của trẻ. Đây là những vấn đề phát sinh trong thực tiễn cần được giải quyết để đảm bảo các quyền của trẻ em.
2.3.2.3. Các biện pháp khác
Ngoài các biện pháp trên, việc bảo vệ và trợ giúp nạn nhân là trẻ em bị bạo lực gia đình còn có thể được thực hiện bằng nhiều biện pháp khác tuỳ từng trường hợp và hoàn cảnh cụ thể, ví dụ như: Bố trí cho nạn nhân bạo lực tạm lánh trong một thời gian cần thiết, buộc người có hành vi bạo lực bồi
thường thiệt hại về vật chất và tinh thần cho nạn nhân bị bạo lực…Việc tổ chức cho trẻ em bị bạo lực tạm lánh giúp các em tách khỏi người có hành vi bạo lực, giảm bớt hậu quả do bạo lực gây ra đồng thời tạo cơ hội cho trẻ em nhận được sự trợ giúp và chia sẻ của cộng đồng, giúp chính bản thân các em bình tĩnh để có thể tìm ra cách ứng xử hợp lý nhằm thoát khỏi tình trạng bạo lực trong hiện tại và tương lai. Đồng thời cũng là biện pháp giáo dục, giúp người gây ra bạo lực điều chỉnh những hành vi ứng xử của mình theo hướng tích cực hơn.
Nhà nước và xã hội luôn khuyến khích những cá nhân, hộ gia đình, tổ chức, cơ quan nhận chăm sóc nạn nhân bạo lực, đặc biệt là nạn nhân là trẻ em.
2.4. Các biện pháp xử lí người có hành vi bạo lực gia đình đối với trẻ em
Theo quy định tại Điều 42 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, người có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Đối với cán bộ, công chức, viên chức, người thuộc lực lượng vũ trang nhân dân có hành vi bạo lực gia đình nếu bị xử lý vi phạm hành chính thì bị thông báo cho người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền quản lý người đó để giáo dục.
Như vậy, người có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình có thể bị xử lý bằng các biện pháp khác nhau, bao gồm:
Có thể bạn quan tâm!
- Tôn Trọng Sự Can Thiệp Hợp Pháp Của Cộng Đồng; Chấm Dứt Ngay Hành Vi Bạo Lực.
- Các Hành Vi Bạo Lực Gia Đình Quy Định Tại Điều 2 Của Luật Này.
- Các Biện Pháp Bảo Vệ Và Hỗ Trợ Trẻ Em Là Nạn Nhân Bạo Lực Gia Đình
- Thực Tiễn Thực Hiện Pháp Luật Phòng, Chống Bạo Lực Gia Đình Nhằm Bảo Vệ Quyền Trẻ Em
- Bảo vệ quyền trẻ em trong pháp luật Việt Nam về phòng, chống bạo lực gia đình - 10
- Bảo vệ quyền trẻ em trong pháp luật Việt Nam về phòng, chống bạo lực gia đình - 11
Xem toàn bộ 96 trang tài liệu này.
2.4.1. Xử lý kỉ luật
Hình thức xử lý kỷ luật được áp dụng với những người là cán bộ, công chức, viên chức, người thuộc lực lượng vũ trang nhân dân có hành vi bạo lực gia đình nếu bị xử lý vi phạm hành chính. Các hình thức kỷ luật đối với cán bộ bao gồm: khiển trách; cảnh cáo; cách chức; bãi nhiệm. Các hình thức kỷ luật đối với công chức bao gồm: khiển trách; cảnh cáo; hạ bậc lương; giáng chức; cách chức; buộc thôi việc. Các hình thức kỷ luật đối với viên chức bao
gồm: khiển trách; cảnh cáo; cách chức; buộc thôi việc. Việc áp dụng các hình thức kỷ luật với cán bộ, công chức, viên chức tuân thủ theo những quy định của pháp luật. Các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền có thể căn cứ vào Điều 42 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và Điều 78, Điều 79 Luật Cán bộ công chức năm 2008, Điều 52 Luật Viên chức năm 2010 để đưa ra hình thức kỷ luật hợp lý.
Cán bộ, công chức, viên chức không chỉ chiếm số lượng lớn mà còn là đối tượng có khả năng gây ảnh hưởng tới đời sống xã hội. Việc pháp luật quy định về việc kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức có hành vi bạo lực gia đình là cơ sở để thực thi công tác phòng, chống bạo lực gia đình một cách có hiệu quả. Quá trình triển khai công tác kế hoạch hoá gia đình là một minh chứng rõ ràng cho thấy: trong lĩnh vực liên quan đến gia đình, chế tài xử lý kỷ luật có tác động rất tích cực tới ý thức của cán bộ, công chức, và từ đó có sức lan toả ra toàn xã hội.
2.4.2. Xử lý hành chính
Vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình là hành vi bạo lực gia đình và các hành vi khác do tổ chức, cá nhân thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý vi phạm các quy định của pháp luật trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt hành chính.
Các hành vi vi phạm hành chính khác trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình không quy định tại NĐ 08/2009/NĐ-CP và NĐ 167/2013/NĐ-CP thì áp dụng theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước có liên quan; hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình đối với trẻ em thì thực hiện xử phạt theo quy định của pháp luật xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em quy định tại NĐ 91/2011/NĐ-CP.
Theo NĐ 167/2013/NĐ-CP, chủ thể có hành vi bạo lực gia đình có thể bị áp dụng hình thức xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền với mức phạt tối đa đối
với cá nhân là 30.000.000 đồng, đối với tổ chức là 60.000.000 đồng (Điều 4). Ngoài ra, tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính còn có thể bị áp dụng một hoặc các hình thức xử phạt bổ sung: tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động, Chứng chỉ hành nghề; tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính. Ngoài các hình thức xử phạt trên, cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả như: buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra; buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu.
Bên cạnh đó, người có hành vi bạo lực gia đình đối với trẻ em có thể bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục khi mức độ bạo lực chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự. Biện pháp này được quy định tại Điều 93, Điều 94 của Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và Điều 43 của Luật phòng chống bạo lực gia đình. Theo Điều 43 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, người thường xuyên có hành vi bạo lực gia đình đã được góp ý, phê bình trong cộng đồng dân cư mà trong thời hạn 6 tháng, kể từ ngày áp dụng biện pháp này vẫn có hành vi bạo lực gia đình nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn. Người có hành vi bạo lực gia đình đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn mà tiếp tục thực hiện hành vi bạo lực gia đình nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục; đối với người dưới 18 tuổi thì có thể bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng. Như vậy, theo quy định tại Luật xử lý vi phạm hành chính thì những đối tượng vi phạm chưa đủ 18 tuổi mới có thể bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn và đưa vào trường giáo dưỡng. Do đó, trong phạm vi nghiên cứu của đề tài người thực hiện hành vi bạo lực với trẻ em là người đã trưởng thành, nên có thể bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục.
Việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình chủ yếu nhằm giáo dục người vi phạm nhận thức được sai phạm, tự nguyện sửa chữa, thực hiện nghĩa vụ mà pháp luật quy định hoặc chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật và để răn đe, phòng ngừa chung. Thẩm quyền xử phạt hành chính trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình theo quy định tai NĐ 167/2013/NĐ-CP thuộc về Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp, Công an nhân dân, Bộ đội biên phòng, Thanh tra Văn hoá, Thể thao và Du lịch. Tuy nhiên, mức độ xử phạt hành chính có tính răn đe chưa cao, nhiều
người có hành vi bạo lực gia đình nộp phạt xong vẫn tiếp tục tái diễn tình
trạng bạo hành. Cụ thể, Điều 49 NĐ 167/2013/NĐ-CP quy định mức phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với hành vi đánh đập gây thương tích cho thành viên gia đình; từ 1.500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi không kịp thời đưa nạn nhân đi cấp cứu điều trị trong trường hợp nạn nhân cần được cấp cứu kịp thời. Hay Điều 51 quy định phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi lăng mạ, chì chiết, xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình. Nhiều hành vi bạo lực gia đình gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ và tâm lý của trẻ em như hành vi ép buộc trẻ em lao động quá sức, làm công việc nặng nhọc, nguy hiểm, tiếp xúc với chất độc hại; ép buộc trẻ em đi ăn xin hoặc lang thang kiếm sống nhưng mức phạt tiền chỉ từ 500.000 đồng đến
1.000.000 đồng.
Tóm lại, những biện pháp xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình vẫn chưa phát huy được đầy đủ vai trò trong việc ngăn chặn, phòng ngừa, tránh tái diễn hành vi bạo lực do chế tài chưa đủ sức răn đe.
2.4.3. Xử lý theo pháp luật dân sự
Khoản 4 Điều 4 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình quy định nghĩa vụ của người có hành vi bạo lực gia đình là “Bồi thường thiệt hại cho nạn nhân bạo lực gia đình khi có yêu cầu và theo quy định của pháp luật”. Khoản 1
Điều 42 của Luật này cũng ghi nhận: “Người có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình... nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật”. Những quy định này là hoàn toàn phù hợp với quy định của Điều 604, Bộ luật Dân sự: “Người nào do lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân hoặc chủ thể khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường”
Các nguyên tắc bồi thường, xác định thiệt hại… được xác định theo quy định của pháp luật dân sự. Tuy nhiên, trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình, người gây ra thiệt hại phải bồi thường và người được bồi thường lại là những thành viên trong cùng một gia đình với những mối liên hệ chặt chẽ về tình cảm cũng như về kinh tế, nên vấn đề bồi thường trở nên rất nhạy cảm và tế nhị, thực tế khó thực hiện được.
Chẳng hạn như trong quan hệ bồi thường phát sinh giữa cha mẹ đối với con: khi cha mẹ có hành vi bạo lực với con, dù họ chỉ là thực hiện việc giáo dục con mà gây ra những tổn thất về thể chất, tinh thần cho trẻ thì cha mẹ cũng phải bồi thường. Nhưng đứa trẻ sống dưới sự chăm lo, nuôi dưỡng của cha mẹ thì việc cha mẹ bồi thường cho con thực hiện như thế nào? Với những người con chưa thành niên, chưa có khả năng quản lý tài sản thì tài sản của con do cha mẹ quản lý và được phép chi tiêu vào những hoạt động vì lợi ích của con. Điều này rất dễ dẫn tới những sự không rõ ràng khi mà cha mẹ vẫn là người nuôi dưỡng con, họ hoàn toàn có thể dùng tiền phạt của mình để thực hiện nuôi dưỡng và kết quả là họ hầu như không bị ảnh hưởng gì.
Theo quy định tại Điều 41 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000, cha mẹ có hành vi bạo lực gia đình đối với con có thể bị hạn chế quyền làm cha, mẹ:
Khi cha, mẹ đã bị kết án về một trong các tội cố ý xâm phạm sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của con hoặc có hành vi vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục
con; phá tán tài sản của con; có lối sống đồi truỵ, xúi giục, ép buộc con làm những việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội thì tuỳ từng trường hợp cụ thể Toà án có thể tự mình hoặc theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức quy định tại Điều 42 của Luật này ra quyết định không cho cha, mẹ trông nom, chăm sóc, giáo dục con, quản lý tài sản riêng của con hoặc đại diện theo pháp luật cho con trong thời hạn từ một năm đến năm năm. Toà án có thể xem xét việc rút ngắn thời hạn này. [27]
Với quy định này, khi người cha, mẹ có hành vi bạo lực gia đình với con thì có thể bị hạn chế quyền của cha mẹ đối với con. Việc áp dụng chế tài này có thể đảm bảo quyền lợi của đứa trẻ: hạn chế ảnh hưởng của người đã có hành vi bạo lực với chúng, ngăn chặn những hành vi tương tự xảy ra, bảo đảm sự an toàn, bảo vệ các quyền lợi hợp pháp của chúng. Tuy nhiên, việc tách đứa trẻ ra khỏi bố mẹ có thể làm phát sinh những hậu quả nhất định do đó cần được xem xét và cân nhắc cẩn thận. Do pháp luật chưa có quy định cụ thể về “hành vi vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con; phá tán tài sản của con; có lối sống đồi truỵ, xúi giục, ép buộc con làm những việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội” người áp dụng pháp luật cần xem xét từng trường hợp cụ thể, hành vi bạo lực đã rơi vào quy định này hay chưa để đưa ra quyết định đúng đắn.
2.4.4. Xử lý theo pháp luật hình sự
Bộ luật Hình sự năm 1999 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009) của nước ta không có điều khoản nào trực tiếp quy định về tội danh bạo lực gia đình đối với trẻ em nhưng có nhiều điều khoản liên quan đến việc trừng trị người có hành vi bạo lực gia đình đối với trẻ em. Như vậy, dưới góc độ điều chỉnh của luật hình sự, các hành vi bạo lực gia đình đối với trẻ em có thể gồm các nhóm sau:
+ Hành vi xâm phạm tính mạng, sức khoẻ đối với trẻ em phạm các tội: giết người (Điều 93), bức tử (Điều 100), giết con mới đẻ (Điều 94), cố
ý gây thương tích (Điều 104), vi phạm quy định về sử dụng lao động trẻ em (Điều 228);
+ Hành vi xâm phạm danh dự, nhân phẩm của trẻ em phạm các tội: hiếp dâm trẻ em (Điều 112), cưỡng dâm trẻ em (Điều 114), dâm ô với trẻ em (Điều 116), giao cấu với trẻ em (Điều 115), làm nhục người khác (Điều 121), mua dâm người chưa thành niên (Điều 256);
+ Hành vi xâm phạm quan hệ hôn nhân, gia đình phạm các tội: ngược đãi nghiêm trọng cha, mẹ, vợ chồng, con cháu, người có công nuôi dưỡng mình (Điều 151), tổ chức tảo hôn (Điều 148), loạn luân (Điều 150), từ chối nghĩa vụ cấp dưỡng (Điều 152), mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em (Điều 228);
Các hình phạt trong bộ luật hình sự nêu ra liên quan đến hành vi bạo lực gia đình đối với trẻ em chủ yếu là phạt tù và nghiêm khắc nhất là tử hình. Biện pháp xử lý hình sự đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc giải quyết bạo lực gia đình, bảo đảm hành vi bạo lực gia đình được xử lý như những hành vi vi phạm pháp luật hình sự khác. Đây là hình thức xử lý nghiêm khắc nhất nhằm răn đe, trừng phạt kẻ phạm tội. Mục đích bảo vệ trẻ em bị bạo lực gia đình thông qua biện pháp này thể hiện ở chỗ trả lại sự công bằng cần thiết cho trẻ em và xã hội, cách li nạn nhân là trẻ em với người có hành vi bạo lực, ngăn ngừa hành vi bạo lực trong tương lai bằng cách buộc người gây bạo lực phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi của họ cũng như truyền tải đến cộng đồng, xã hội thông điệp: hành vi bạo lực gia đình là không thể tha thứ và nguyên nhân của bạo lực gia đình không phải do lỗi của nạn nhân.