bồi thường. Không bị thích mặt nếu “có tình trạng đáng thương hay tài năng đáng tiếc” (điều 16).
Tư duy của những nhà làm luật thời kỳ này cũng rất gần với tư duy pháp luật hiện đại coi người chưa thành niên là những người chưa trưởng thành do họ còn non nớt về thể chất và trí tuệ. Do đó, họ cần được đối xử khác với cách đối xử dành cho người đã thành niên và cần được bảo vệ, chăm sóc đặc biệt. Pháp luật hiện đại cho rằng việc truy cứu trách nhiệm hình sự người chưa thành niên phạm tội và áp dụng hình phạt đối với họ được thực hiện chỉ trong trường hợp cần thiết và phải căn cứ vào tính chất của hành vi phạm tội, đặc điểm về nhân thân, yêu cầu của việc phòng ngừa tội phạm và theo những nguyên tắc được quy định tại Điều 69 Bộ luật Hình sự. Ngoài những điều kiện miễn trách nhiệm hình sự áp dụng chung, người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi trở lên phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự, nếu người đó phạm tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng, gây hại không lớn, có nhiều tình tiết giảm nhẹ và được gia đình hoặc cơ quan, tổ chức nhận giám sát, giáo dục. Đối với người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội thì các em chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự khi phạm tội rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng. Đồng thời trách nhiệm hình sự cũng được giảm nhẹ đi rất nhiều so với người đã thành niên.
Tuy nhiên, ở đây vẫn có điểm khác biệt so với pháp luật hiện đại. Theo quy định của Bộ luật Hồng Đức tuy người già, trẻ em đã được giảm nhẹ tội đáng kể so với bình thường nhưng vẫn phải chịu trách nhiệm pháp lý trong một số trường hợp nhất định. Tuy vẫn còn có những điểm hạn chế nhưng trong thời điểm đó và với điều kiện kinh tế - xã hội thời Lê sơ thì đây cũng đã là một tư tưởng rất tiến bộ. Đối với người già, tuổi cao, sức yếu và những người tàn tật cơ thể không được lành lặn, bình thường thì xuất phát từ tinh thần nhân đạo các nhà làm luật cũng để cho họ được giảm nhẹ tội như đối với trẻ em.
Pháp luật còn có những quy định trừng trị nghiêm khắc những kẻ thừa cơ lúc có trộm cướp, cháy, lụt để lấy trộm của cải, nhất là khi người bị hại là những người không có khả năng và điều kiện để bảo vệ tài sản của mình như trẻ em, người điên, người say. Điều 435quy định: “Lột lấy những quần áo và đồ vật của trẻ con, người điên, người say, thì phải tội đồ và bồi thường gấp đôi”
Ngoài ra còn có một số quy định khác để bảo vệ quyền lợi của trẻ em như quy định tại điều 604: “Bắt được trẻ con lạc đường thì phải báo quan làm bằng chứng, có người đến nhận thì được lấy tiền cấp dưỡng (mỗi tháng 5 tiền); trái luật không cho người ta nhận thì xử nhẹ hơn tội quyến dỗ một bậc”
Hay như quy định trách nhiệm của những người bắt được trẻ con đi lạc phải có trách nhiệm trông nom nuôi dưỡng. Nếu hành hạ hay để đứa trẻ đói rét khốn khổ mà chết cũng sẽ bị xử phạt. Điều 605 quy định: “Làm sự trái ngược để đến nỗi con của người khác chết, thì xử phạt 80 trượng, đền tiền đền mạng 5 quan cho cha mẹ đứa trẻ chết”.
Mặc dù xã hội phong kiến là xã hội có sự phân biệt giai cấp, tầng lớp, những đối tượng thuộc tầng lớp thống trị được hưởng nhiều ưu đãi hơn là người dân bình thường, Khi những đối tượng này phạm tội, luôn được hưởng sự ưu đãi của pháp luật (một số đối tượng theo quy định về bát nghị) thế nhưng việc Bộ luật Hồng Đức quan tâm, bảo vệ, cho người già và mọi trẻ em từ 15 tuổi trở xuống, không phân biệt địa vị xã hội đều được hưởng chính sách khoan hồng của pháp luật đã thể hiện rõ tính nhân đạo, giáo dục, cảm hóa lòng người của các vua Lê[31, tr.254]. Tuy nhiều điểm vẫn còn hạn chế như bộ luật không quy định độ tuổi tối thiểu phải chịu trách nhiệm hình sự, dễ gây ra sự tùy tiện khi áp dụng; vẫn truy cứu trách nhiệm đối với những trường hợp thực hiện tội phạm khi quá nhỏ tuổi (mặc dù đã có giảm nhẹ)…nhưng những quy định mang tính bảo vệ cho nhóm đối tượng người già, trẻ em đã thể hiện sự quan tâm, tư duy hiện đại, nhân đạo của những nhà làm luật thời Lê sơ.
2.1.2.2. Bảo vệ quyền lợi của trẻ em trong lĩnh vực pháp luật dân sự
Có thể nói những quy định về quan hệ tài sản trong gia đình là một nét đặc thù rất tiến bộ và đặc sắc, chiếm vị trí quan trọng trong Bộ luật Hồng Đức. Trong luật không có quy định một người khi nào thì được coi là đầy đủ năng lực trách nhiệm hành vi dân sự, có thể tự mình tiến hành các giao dịch dân sự nhưng qua quy định tại Điều 313 chương Hộ hôn“…Nếu những người cô độc, cùng khốn từ 15 tuổi trở lên, tình nguyện bán mình thì cho phép” có thể thấy độ tuổi một người được coi là trưởng thành, có quyền thực hiện các giao dịch dân sự là 15 tuổi. Trước 15 tuổi thì người đó không có quyền tự mình tiến hành các giao dịch cũng như tự mình quản lý
điền sản mà mình được thừa kế. Số điền sản đó được cha, mẹ hoặc người tôn trưởng trong dòng họ, gia đình quản lý hộ. Trường hợp người con gái và trẻ mồ côi bán mình phải có người đứng ra bảo lãnh để bảo đảm quyền lợi cho người con gái và đứa trẻ, tránh việc người mua lợi dụng sự yếu thế của người con gái và đứa trẻ mồ côi để trục lợi (điều 313). Trường hợp không có người bảo lãnh mà vẫn tiến hành mua bán thì người mua, người viết văn khế, người làm chứng đều bị tội Xuy.
Có thể bạn quan tâm!
- Quá Trình Xây Dựng Và Ban Hành Bộ Luật Hồng Đức
- Bảo Vệ Quyền Lợi Của Các Nhóm Xã Hội Yếu Thế Trong Bộ Luật Hồng Đức
- Bảo Vệ Quyền Lợi Cho Phụ Nữ Trong Lĩnh Vực Hôn Nhân Gia Đình
- Bảo Vệ Quyền Lợi Của Các Nhóm Xã Hội Yếu Thế Khác Trong Bộ Luật Hồng Đức
- Bộ Luật Hồng Đức Đã Dành Cho Người Phụ Nữ Địa Vị Và Vai Trò Trong Gia Đình Và Xã Hội Cao Hơn So Với Pháp Luật Trung Hoa Cùng Thời Kỳ.
- Nhận Diện Các Giá Trị Kế Thừa Từ Quy Định Bảo Vệ Quyền Lợi Các Nhóm Xã Hội Yếu Thế Của Bộ Luật Hồng Đức
Xem toàn bộ 130 trang tài liệu này.
Để bảo vệ quyền lợi của trẻ em Bộ luật Hồng Đức đã có nhiều quy định cụ thể nhằm bảo đảm quyền lợi của những đối tượng này như quy định: Người chồng góa, vợ góa, chồng sau, vợ sau nếu có con (kể cả con chung, con riêng) thì được quyền quản lý điền sản của các con. Tuy vậy họ chỉ được quyền quản lý mà không có quyền đem bán điền sản đó nếu không có lý do chính đáng và không được họ hàng bằng lòng cho bán. Trong trường hợp có lý do chính đáng và được họ hàng đồng ý thì vẫn phải trình quan. Quan xem xét cần tiêu hết bao nhiêu thì chỉ được bán bấy nhiêu (điều 377). Không những người bán mà cả người mua (nếu biết sự việc mà vẫn mua), người làm chứng cũng bị xử lý. Cha mẹ còn sống mà bán của con cũng vậy.
Trong xã hội phong kiến, vai trò của người tôn trưởng, trưởng họ rất quan trọng. Trong trường hợp ông bà cha mẹ của đứa trẻ đều không còn, người trưởng họ có quyền đứng ra bán điền sản của con cháu trong trường hợp “có nợ cũ” cần phải trả. Nhưng nếu người tôn trưởng bán điền sản của con cháu không có lý do chính đáng thì không những phải trả lại tiền cho người mua mà còn phải bồi thường gấp đôi số tiền bán điền sản của con cháu, người mua được 1/2 số tiền và con cháu được 1/2 số tiền đó (điều 379). Quy định này nhằm bảo vệ quyền lợi của đứa con khi chưa đến tuổi trưởng thành, phải sống lệ thuộc vào người lớn mà người ấy lại lợi dụng sự lệ thuộc đó để chiếm đoạt tài sản của đứa trẻ.
Luật pháp cũng có quy định việc bảo vệ quyền lợi của con nuôi. Tuy con nuôi không có nhiều quyền lợi như con đẻ nhưng con nuôi cũng có quyền được hưởng thừa kế của bố mẹ nếu trong văn tự nhận nuôi con nuôi có ghi rằng sau này sẽ chia điền sản cho. Con nuôi sẽ được hưởng cả nếu ở với bố mẹ từ bé và bố mẹ không có con đẻ còn nếu không ở cùng từ thủa bé thì con nuôi không được hưởng cả mà người thừa tự sẽ được hưởng 1/3 điền sản, con nuôi chỉ được hưởng 2/3 điền sản của
cha mẹ nuôi để lại. Tuy nhiên nếu trong gia đình có cả con nuôi và con đẻ thì con nuôi chỉ được hưởng bằng nửa phần con đẻ (điều 380). Như vậy, trong gia đình người Việt thời Lê sơ, tuy con nuôi, con vợ lẽ, nàng hầu có địa vị và quyền lợi không bình đẳng với con đẻ và con vợ chính. Quan niệm này tồn tại rất lâu trong suốt thời kỳ phong kiến nhưng Bộ luật Hồng Đức cũng đã có nhiều quy định nhằm bảo đảm quyền lợi (dù là không bình đẳng) của những đối tượng này ở một mức độ nhất định.
Như vậy, trẻ em là những đối tượng chưa hoàn thiện về thể chất, và tinh thần, không có khả năng tự bảo vệ quyền lợi cho mình nên rất dễ bị xâm hại. Nhất là các đối tượng như trẻ em gái, con nuôi, con nàng hầu, vợ lẽ. Chính vì vậy pháp luật đã dành cho nhóm đối tượng này sự quan tâm, bảo vệ thích đáng. Có nhiều cơ chế để bảo đảm quyền lợi cho trẻ em tránh sự xâm hại từ những đối tượng khác. Không chỉ bằng việc ban hành ra những quy phạm pháp luật mà còn quy định một cách rõ ràng trách nhiệm của hệ thống quan lại đối với việc bảo vệ quyền lợi của trẻ em. Bộ luật Hồng Đức còn sử dụng cơ chế tác động thông qua việc tác động vào ý thức pháp luật của các nhóm đối tượng khác. Trừng phạt nặng những hành vi xâm hại đến quyền lợi của trẻ em. Qua việc trừng phạt nặng đó để răn đe, giáo dục, phòng ngừa những hành vi xâm hại đến quyền lợi của nhóm đối tượng này. Tất cả những cơ chế đó đã kết hợp với nhau một cách hài hòa góp phần bảo đảm cho quyền lợi của nhóm đối tượng trẻ em cũng như những nhóm xã hội yếu thế khác.
2.1.3. Bảo vệ quyền lợi của người phạm tội trong Bộ luật Hồng Đức
Bộ luật Hồng Đức cũng giống như nhiều Bộ luật khác dưới chế độ phong kiến Việt Nam và cả Trung Quốc đều theo quan điểm pháp trị. Chủ trương lấy hình phạt để trừng trị người dân, dựa vào hình phạt để duy trì trật tự xã hội. Bất cứ hành vi vi phạm nào, kể cả vi phạm đạo lý đều phải chịu hình phạt. Khái niệm tội phạm được hiểu rất rộng vì vậy số lượng người phạm tội cũng rất nhiều. Mặc dù bản thân họ là những người vi phạm pháp luật nhưng khi bị đưa ra xét xử và thi hành án thì họ cũng là nhóm đối tượng không có khả năng để bảo vệ chính mình. Các quyền của họ rất dễ bị xâm phạm. Vì vậy, xét trong mối quan hệ giữa người phạm tội và nhà nước rõ ràng người phạm tội đứng ở vị thế bất lợi hơn cho nên pháp luật quốc tế và cả Việt Nam đều coi họ cũng thuộc nhóm xã hội yếu thế. Chính sách hình sự trong
Bộ luật Hồng Đức chịu sự ảnh hưởng của tư tưởng nhân trị và pháp trị mà còn là kết quả của sự kết hợp hài hòa giữa 2 hệ tư tưởng này. Tiến sĩ Lê Thị Sơn cho rằng “nếu tư tưởng nhân trị chi phối chủ yếu đến việc quy định nội dung của các điều luật cũng như đến việc xác định khách thể bảo vệ hình luật của nhà Lê thì tư tưởng pháp trị lại chi phối chủ yếu đến phương thức bảo vệ các khách thể đó”[32, tr.248]. Đây là đặc trưng tạo nên chính sách hình sự khoan hồng trong Bộ luật Hồng Đức, thể hiện rõ tư tưởng nghiêm trị nhưng vẫn nhân đạo, khoan hồng.
Có rất nhiều điều luật quy định chính sách hình sự giảm nhẹ hay châm chước cho những người phạm tội. Trước hết là quy định việc ưu đãi, giảm nhẹ tội cho những người thuộc nhóm “bát nghị” là tám hạng người có đặc quyền đặc lợi theo quy định của nhà nước phong kiến. Họ là những người thuộc gia đình hoàng tộc, những người kề cận bên vua giúp việc lâu ngày và cả những người giúp việc của triều đại trước, quan chức và con cháu của các triều vua trước, người có đức hạnh, có tài năng lớn, người cần cù chăm chỉ. Đối với tám hạng người này, trong trường hợp họ phạm tội và bị tử hình thì cơ quan xét xử không có quyền quyết định xử tử hình mà phải trình lên nhà vua để nhà vua xem xét và quyết định. Trong trường hợp họ phạm phải các tội có mức hình phạt thấp hơn thì đều được giảm nhẹ tội. Đặc biệt, đối với con cháu của “nghị công – những người có công huân lớn” cũng được xem xét để giảm tội dựa theo “lệ ấm” của ông bà, cha mẹ. Tuy nhiên không phải tất cả các hành vi phạm tội của họ đều được hưởng ưu đãi này, nếu như phạm vào những tội “thập ác” (mưu phản, mưu đại nghịch, mưu chống đối, ác nghịch, bất đạo, đại bất kính, bất hiếu, bất mục, bất nghĩa, nội loạn) là những tội ác theo quan điểm của nhà nước phong kiến là những tội đặc biệt nghiêm trọng, không thể dung thứ được thì không được hưởng quy định này.
Pháp luật cũng có quy định ưu đãi cho những bậc cựu thần có công huân lớn, đã làm quan từ hàng ngũ phẩm trở lên, nếu có phạm những tội phải đưa đến các nơi đồ, lưu thì cũng không phải đi phục dịch. Đây là chính sách riêng đối với các vị quan lại đã từng có những cống hiến cho triều đình (điều 10).
Tính tiến bộ của Bộ luật Hồng Đức còn được thể hiện ở việc nhà làm luật đã đề cập rất cụ thể, chi tiết đến vấn đề lỗi trong pháp luật. Những hành vi gây thiệt hại với lỗi cố ý có tính chất nghiêm trọng hơn rất nhiều lần so với các trường hợp khác.
Và tương ứng với nó, chế tài và tiền bồi thường thiệt hại cũng tăng lên nhiều lần. Với lỗi vô ý thì hình phạt và bồi thường thiệt hại được giảm bớt, như vậy lỗi cũng là một căn cứ để xác định chế tài và mức độ bồi thường thiệt hại. Pháp luật quy định những người phạm tội do lầm lỡ có thể được hưởng chính sách khoan hồng của nhà nước, có thể được giảm nhẹ tội hoặc được chuộc tội bằng tiền. Điều đó thể hiện rõ ở quy định tại điều 14: “Những quan viên, quân dân phạm tội nếu vì sự sơ xuất, lầm lỗi, từ tội lưu trở xuống thì cho chuộc bằng tiền. Những ai phạm tội từ khi chưa làm quan, đến khi làm quan (từ lục phẩm trở lên) việc mới phát giác thì đều giảm tội 1 bậc, nếu phạm vào tội thập ác, cùng gian tham lừa dối thì không theo luật này”. Hay như quy định tại điều 41 nếu người phạm tội “đáng giảm tội” (lỗi vô ý) thì dù tội nặng cũng có thể cho là tội nhẹ còn nếu “đáng thêm tội” (lỗi cố ý) thì dù tội nhẹ cũng có thể cho là tội nặng. Thậm chí tại điều 47 còn đưa ra nguyên tắc trong việc xét xử hình án: Những người phạm tội, tuy tên gọi tội giống nhau, nhưng phải phân biệt sự phạm tội vì lầm lỡ hay cố ý, phải xét các tội nặng nhẹ mà thêm bớt, không nên câu nệ để hợp với ý nghĩa của việc xét xử hình án: “Tha người lầm lỡ không kể tội nặng, bắt tội người cố ý không kể tội nhẹ”.
Đối với người phạm tội hay làm việc có sai sót nhưng tự thú trước khi bị phát hiện thì được tha tội, miễn tội. Thậm chí bị phát giác khi phạm tội nhẹ nhưng lại thú thêm tội nặng hay những tội khác ngoài tội đang được xem xét thì được tha cả mọi tội. Chỉ có tự mình thú nhận mới được tính còn trong trường hợp nhờ người thú thay thì không được tha tội. Cũng giống như các trường hợp được hưởng sự nhân đạo, khoan hồng khác của pháp luật, quy định này không áp dụng đối với các trường hợp phạm tội “thập ác”. Nếu tự thú nhưng thú không hết hoặc biết không trốn tránh được mới đi tự thú thì chỉ được giảm tội chứ không được tha tội. Tự thú đối với người bị hại thì cũng được tính như tự thú trước cửa quan.
Ngoài ra pháp luật còn quy định rất nhiều nội dung có tính khoan hồng, nhân đạo khác như với những người đã bị kết tội Đồ, Lưu còn đương đi giữa đường mà gặp dịp ân xá thì cũng được ân xá. Đối với trường hợp người phạm tội là người già, trẻ em hoặc khi phạm tội, khi bị phát giác là người già, trẻ em hoặc người tàn tật cũng đều được hưởng sự khoan hồng, ưu đãi của pháp luật nhiều hơn các trường hợp phạm tội thông thường khác thể hiện ở các quy định tại điều 16, 17.
Không phải người phạm tội nào cũng hoàn toàn bình đẳng trước pháp luật. Điều này hoàn toàn đúng trong xã hội phân biệt giai cấp tầng lớp như xã hội Việt Nam thời Lê sơ. Mặc dù thường là chỉ thấy quan lại được ưu đãi chứ không thấy thứ dân, nô tỳ - những hạng người thấp kém trong xã hội được hưởng. Tuy nhiên trong Bộ luật Hồng Đức có một số quy định mà ở đó ta có thể nhận thấy quan lại khi phạm tội không được hưởng ưu đãi mà bị phạt nặng hơn thứ dân, nô tỳ phạm tội. Đặc biệt là trong những tội có liên quan đến xử phạt bằng tiền hay chuộc tội bằng tiền thì thứ dân, nô tỳ chỉ phải nộp số tiền ít hơn nhiều so với quan lại. Năm 1439 vua Lê Thái Tông ra quy định 1 quan = 10 tiền = 600 đồng. Hệ thống đơn vị này tồn tại trong suốt thời Lê sơ và đến tận khi chế độ phong kiến ở Việt Nam chấm dứt (1945)[36, tr.67]. Theo quy định của Bộ luật Hồng Đức đối với tiền chuộc cho các tội đánh trượng, biếm, bị thích chữ vào mặt của thứ dân và nô tỳ ít hơn rất nhiều so với các đối tượng khác. Ví dụ, theo điều 20, 21, 22 tiền chuộc bị xử đánh trượng của thứ dân là 1 tiền, bằng 1/5 mức cao nhất đối với quan tam phẩm, Đối với tội biếm thì cũng theo thứ bậc, thứ dân và nô tỳ là 10 quan, chỉ bằng 1/10 mức cao nhất đối với quan nhất phẩm. Tiền chuộc bị thích chữ vào mặt, vào cổ của thứ dân mỗi chữ 5 tiền, bằng 1/4 mức cao nhất đối với quan tam phẩm. Tiền tẩy thích chữ cũng vậy, mỗi chữ 3 quan, quan lại phạm pháp thì mỗi chữ 15 quan, cao gấp 5 lần thứ dân.
Bộ luật Hồng Đức cũng đã có những quy định phân biệt về người phạm tội với tư cách là chủ mưu và đồng phạm, theo đó đồng phạm (người a tòng) được giảm một bậc so với người chủ mưu (người khởi xướng). Tuy nhiên nếu những người phạm tội là người trong cùng một gia đình thì không tính đến người chủ mưu hay người đồng phạm mà chỉ bắt tội người tôn trưởng. Người thân trong gia đình mà giấu tội cho nhau thì pháp luật cũng không xử lý. Nô tỳ giấu tội cho chủ cũng vậy. Điều này đề cao tinh thần đoàn kết và trách nhiệm của người tôn trưởng trong gia đình. Mối quan hệ giữa Nho giáo với phong tục tập quán, pháp luật và đạo đức cũng được giải quyết hài hòa như quy định việc con cháu có thể thể hiện tấm lòng hiếu thảo của mình bằng cách thay ông bà cha mẹ chịu tội đánh roi và đánh trượng. Pháp luật cũng khuyến khích điều đó bằng cách giảm nhẹ hình phạt cho những người chịu tội thay. Trong trường hợp ông bà, cha, mẹ bị người khác đánh mà con cháu đánh lại nếu không gây thương tích nghiêm trọng thì không bị bắt tội còn nếu gây thương
tích như bị què, gãy thì tội được giảm nhẹ ba bậc so với đánh nhau thông thường, còn nếu đánh chết thì tội được giảm nhẹ so với thông thường một bậc.
Việc quy định những nguyên tắc mang tính nhân đạo cho người phạm tội cũng như các tình tiết lọai trừ trách nhiệm hình sự, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự ít khi được thể hiện bằng một điều luật mang tính khái quát mà thường thể hiện trong các điều luật cụ thể. Người phạm tội nếu phạm tội trong trường hợp tự vệ chính đáng (như ở điều 485 hay điều 450); tình thế cấp thiết, thi hành mệnh lệnh (điều 553); phạm tội do lầm lỡ thì tùy từng trường hợp, có thể không bị truy cứu trách nhiệm hoặc được giảm tội…
Tất cả những nội dung đó đều là những điểm rất tiến bộ, nhân đạo đối với người phạm tội. Mặc dù vẫn có những hạn chế nhất định mang tính lịch sử như: pháp luật hình sự mang tính phổ biến với phạm vi trừng trị rất rộng, nhiều hành vi theo pháp luật hiện đại chỉ là vi phạm pháp luật dân sự, hành chính hay vi phạm đạo đức vẫn bị cho là tội phạm. Đối với một số tội danh, tuy người phạm tội thậm chí chưa thực hiện hành vi mà chỉ mới có ý định phạm tội như các tội “mưu phản”, “mưu giết người” cũng vẫn bị xử lý nặng. Thậm chí đối với nhiều tội danh còn xử lý cả vợ, con, người thân trong gia đình người phạm tội (như tội mưu phản, mưu đại nghịch…) tuy bản thân những người này không thực hiện hành vi phạm tội; Những hình phạt được quy định trong luật đều mang nặng tư tưởng báo thù, trừng trị về thể xác (như hình phạt xuy, trượng, chém ngang thân, chém bêu đầu, xử giảo)….Nhưng trong chính sách hình sự, Bộ luật Hồng Đức vẫn chứa đựng những điểm tiến bộ, nhân đạo. Đó là việc ghi nhận, bảo vệ quyền lợi của phụ nữ, người già, trẻ em, nô tỳ, người phạm tội, người tàn tật…là những người thuộc nhóm xã hội yếu thế; bảo vệ thuần phong, mỹ tục, truyền thống đạo đức của người Việt Nam, cho phép con cháu chịu tội thay cho ông bà, giảm hình phạt cho những người phạm tội do lầm lỡ, người biết ăn năn hối cải, biết tự thú, tình thế cấp thiết, thi hành công vụ…Đó là những giá trị tiêu biểu, thể hiện tính nhân đạo, khoan hồng, vượt trước thời đại của Bộ luật Hồng Đức, làm cho Bộ luật Hồng Đức trở thành thành tựu tiêu biểu cho lịch sử lập pháp Việt Nam.
Một trong những điểm độc đáo của Bộ luật Hồng Đức là có sự phân biệt tương đối rõ giữa luật nội dung và luật hình thức. Điều đó thể hiện ở chỗ Bộ luật Hồng Đức đã