Bảo vệ quyền trẻ em trong pháp luật Việt Nam về phòng, chống bạo lực gia đình - 10

giải quyết tận gốc tình trạng nhức nhối này. Hiện nay, có rất nhiều trẻ em ở vùng sâu vùng xa phải lao động nặng nhọc quá sức, bị đánh đập, bỏ đói nhưng chưa thực sự được xã hội quan tâm. Vấn đề ở đây không phải chỉ trừng trị, mà quan trọng hơn là tuyên truyền, giáo dục, làm thay đổi nhận thức của mỗi cá nhân, mỗi gia đình.

Những sự việc ngược đãi thương tâm liên tục xảy ra một lần nữa khiến chúng ta phải đặt ra câu hỏi về vai trò, trách nhiệm của các cơ quan chức năng, các tổ chức xã hội. Tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em đang có xu hướng nghiêm trọng, phức tạp và đã trở thành một vấn đề xã hội cấp bách hơn bao giờ hết.

3.2. Một số bất cập trong quá trình thực thi pháp luật phòng, chống bạo lực gia đình

Qua nghiên cứu, chúng ta có thể thấy rằng nhiều quy định của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình là khó thực thi.

Thứ nhất, đó là vấn đề áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc (người có hành vi bạo lực gia đình bị cấm đến gần nạn nhân trong khoảng cách dưới 30m). Biện pháp này do các cơ quan thẩm quyền của Nhà nước ra quyết định, nhưng việc giám sát thực hiện lại được giao cho người đứng đầu cộng đồng dân cư (trưởng thôn, làng, bản ấp, tổ trưởng dân phố...) phân công người giám sát thực hiện (Điều 22). Về nguyên tắc, cơ quan nhà nước nào ra quyết định thì cơ quan đó phải có trách nhiệm theo dõi, bảo đảm cho quyết định của mình được thi hành. Hoạt động giám sát của các tổ chức xã hội, dân cử chỉ có vai trò hỗ trợ và giám sát. Thời hạn cấm tiếp xúc chỉ có ba ngày là chưa hợp lý. Khoảng cách cấm tiếp xúc 30m sẽ được thực thi trong thực tế như thế nào? Bằng cách nào tổ trưởng dân phố giám sát và kết luận là người bị cấm tiếp xúc đã vi phạm khoảng cách 30m này?

Thứ hai, Luật cũng chưa thực sự tạo được cơ sở pháp lý an toàn cho người tố giác, cung cấp thông tin về bạo lực gia đình. Do vậy, trong thực tế có

nhiều người biết về hành vi bạo lực gia đình nhưng lại không dám khai báo vì sợ “đụng chạm”, sợ bị trả thù hay sợ ảnh hưởng đến tình làng nghĩa xóm.

Thứ ba, quy định về “Địa chỉ tin cậy cộng đồng” được ghi nhận tại Điều 30 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình là “cá nhân, tổ chức có uy tín, khả năng và tự nguyện giúp đỡ nạn nhân bạo lực gia đình tại cộng đồng dân cư” và “Cá nhân, tổ chức thông báo về việc nhận làm địa chỉ tin cậy, nơi đặt địa chỉ tin cậy với Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi đặt địa chỉ tin cậy. Tuỳ theo điều kiện và khả năng thực tế, địa chỉ tin cậy ở cộng đồng tiếp nhận nạn nhân bạo lực gia đình, hỗ trợ, tư vấn, bố trí nơi tạm lánh cho nạn nhân và thông báo cho cơ quan có thẩm quyền biết”. Như vậy, có thể hiểu “Địa chỉ tin cậy cộng đồng” là nơi tạm lánh tạm thời trong một khoảng thời gian nhất định cho nạn nhân bạo lực gia đình, đó có thể là nhà người nào đó tin cậy trong cộng đồng dân cư, có khả năng che chở bảo vệ và giúp đỡ nạn nhân bạo lực. Do đó, vấn đề về thái độ, sự nhiệt tình, có trách nhiệm đối với nạn nhân bạo lực cũng cần đặt ra. Bên cạnh đó, hiện vẫn chưa có cơ chế rõ ràng về việc hỗ trợ kinh phí cho “Địa chỉ tin cậy cộng đồng”. Mặc dù xây dựng “Địa chỉ tin cậy cộng đồng” là do khả năng và tự nguyện của cá nhân, tổ chức nhưng cũng nên có sự hỗ trợ về kinh phí từ phía nhà nước để tăng cường hiệu quả cho hoạt động này.

Thứ tư, về nguồn nhân lực, cán bộ thực hiện nhiệm vụ thi hành việc phòng, chống bạo lực gia đình thường là kiêm nhiệm nên nếu chỉ yêu cầu họ tự nguyện, tự giác thì rất khó. Do đó phải có chính sách rõ ràng về trợ cấp thu nhập cho họ.

Thứ năm, quy định Nhà tạm lánh bộc lộ những băn khoăn về tính khả thi của mô hình này, khi mà phương thức hoạt động, cách thức tổ chức chưa được quy định rõ và quy định có tính bị động - người bị bạo hành phải trốn. Nhà nước mới chỉ dừng lại ở việc khuyến khích thành lập những cơ sở tạm lánh và những quy định về việc hỗ trợ kinh phí cho hoạt động của những cơ sở này còn chung chung, thiếu cụ thể. Ví dụ: Khoản 2, Điều 19 NĐ 08/CP

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 96 trang tài liệu này.

quy định việc hỗ trợ kinh phí cho cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình được thực hiện theo kế hoạch về phòng, chống bạo lực gia đình do Uỷ ban nhân dân các cấp lập; kinh phí hỗ trợ được bố trí trong dự toán ngân sách hàng năm của các cấp dành cho công tác phòng, chống bạo lực gia đình. Kinh phí này được xác định căn cứ vào quy mô, hiệu quả hoạt động của cơ sở, số nạn nhân bạo lực gia đình được trợ giúp hàng năm. Nếu chỉ dừng lại ở quy định như vậy thì rất khó để xác định được nguồn kinh phí hỗ trợ cho những cơ sở tạm lánh là bao nhiêu. Hơn nữa, khi trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình thì sẽ tiếp cận Nhà tạm lánh như thế nào? Trong trường hợp cha là người gây bạo lực với trẻ thì mẹ có thể yêu cầu cho con tạm lánh, hay trường hợp mẹ gây bạo lực thì cha có thể yêu cầu tạm lánh. Tuy nhiên, nếu cả cha và mẹ đều có hành vi bạo lực với con thì đứa trẻ có thể tự yêu cầu tạm lánh hay không? Hay người trưởng thành khác trong gia đình sẽ thực hiện quyền yêu cầu này? Ngoài ra, trẻ em vẫn là đối tượng phụ thuộc vào cha mẹ nên việc người ngoài đưa các em vào nơi tạm lánh mà không có sự đồng ý của cha, mẹ thì có vẻ không phù hợp. Trong tình huống này rất cần sự can thiệp của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ. Như vậy, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình nên quy định cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc bảo vệ quyền trẻ em có thể yêu cầu tách trẻ em ra khỏi cha mẹ khi bị cha mẹ bạo lực xâm hại đến tính mạng, sức khỏe.

Thứ sáu, quy định về biện pháp phạt tiền cũng bộ lộ bất cập. Mức phạt tiền được quy định tại NĐ 167/2013/NĐ-CP chưa thực sự hợp lý, thiếu tính răn đe bởi mức xử phạt nhìn chung là thấp. Ví dụ như: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi cưỡng ép người khác tảo hôn bằng cách hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần hoặc bằng thủ đoạn khác (Điều 55) hay phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi cưỡng ép thành viên gia đình thực hiện các hành động khiêu dâm, sử dụng các loại thuốc kích dục (Điều 52); Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000

Bảo vệ quyền trẻ em trong pháp luật Việt Nam về phòng, chống bạo lực gia đình - 10

đồng đối với hành vi thường xuyên đe doạ bằng bạo lực để buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở hợp pháp của họ (Điều 57). Mặt khác, trong nhiều trường hợp biện pháp này có thể trở thành “con dao hai lưỡi”, khiến tình trạng bạo lực nghiêm trọng hơn: người có hành vi bạo lực vì phải nộp phạt mà trút giận lên nạn nhân bằng những hành vi bạo lực kinh khủng hơn, tinh vi hơn.

Các hành vi bạo lực về tinh thần trong gia đình ngày càng xảy ra phổ biến và khó lường. Không như các hành vi bạo lực về mặt thể xác dễ biểu lộ ra bên ngoài để xã hội có thể lên án và can thiệp, các hành vi áp bức về mặt tinh thần thường rất kín, thường thì nạn nhân sợ hãi âm thầm chịu đựng một mình.

Tóm lại, quá trình thực thi luật Phòng, chống bạo lực gia đình gặp phải không ít bất cập, hướng dẫn thi hành luật chưa cụ thể, chưa tới được những người làm việc trực tiếp ở cơ sở, chưa có kế hoạch tổng thể và phân bổ ngân sách rõ ràng cho việc thực thi luật ở địa phương, nâng cao năng lực, đào tạo nhân lực về bạo lực gia đình và áp dụng luật còn yếu, chưa có đánh giá một cách hệ thống về hiệu quả thi hành luật.

3.3. Một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật Phòng chống bạo lực gia đình nhằm bảo vệ quyền trẻ em

3.3.1. Quy định về biện pháp cấm tiếp xúc

Việc quy định về việc cấm tiếp xúc trong một thời gian giữa nạn nhân và người có hành vi bạo lực là cần thiết để đảm bảo sự an toàn cho nạn nhân, để hai bên có thời gian cân nhắc về hành động của mình và cũng là để giáo dục người có hành vi bạo hành về tội lỗi của họ. Tuy nhiên, việc áp dụng biện pháp này yêu cầu có sự đồng ý của nạn nhân hoặc người giám hộ (thường là một thành viên khác trong gia đình), là chưa khả thi. Bởi vì bản chất của những mối quan hệ trong gia đình là gắn bó thân thiết và bền chặt, nếu một người có ý từ bỏ, ra ngoài sống thì mối liên hệ giữa các thành viên thường bị cho rằng sẽ trở nên lỏng lẻo và khó chấp nhận. Hơn nữa, với những nạn nhân bị bạo lực là trẻ em, do bị phụ thuộc nhiều vào người lớn trong gia đình, đặc

biệt là cha và mẹ, nên dù bị đối xử tàn nhẫn nhưng các em vẫn có thể nín nhịn, tiếp tục sống chung với người có hành vi bạo lực. Do đó, việc quy định áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc phải có sự đồng ý của nạn nhân mặc dù rất thoả đáng khi để nạn nhân tự cân nhắc, quyết định theo tình cảm và ý thức của họ, nhưng khi nạn nhân là trẻ em thì chưa có cơ chế thực hiện rõ ràng để bảo vệ trẻ em tránh những hành vi bạo lực nguy hiểm có thể xảy ra.

Bên cạnh đó, quy định về một trong những điều kiện áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc chưa thật hợp lý: Người có hành vi bạo lực gia đình và nạn nhân bạo lực gia đình có nơi ở khác nhau trong thời gian cấm tiếp xúc, nơi ở này bao gồm nhà của người thân, bạn bè, địa chỉ tin cậy hoặc nơi ở khác mà nạn nhân bạo lực gia đình tự nguyện chuyển đến ở. Rõ ràng trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình tiếp tục phải chịu thiệt thòi: các em bị làm tổn thương, và để tránh những tổn thương này trẻ em bị buộc phải rời khỏi nhà của mình. Quy định như vậy bộc lộ sự bất hợp lý: khi nạn nhân của hành vi bạo lực gia đình là trẻ em thì rất khó khăn cho các em khi phải chuyển đến một nơi ở mới, xa cách những người thân khác trong gia đình, các em sẽ khó tiếp nhận được chuyện này và thậm chí sự cách ly đó còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng hơn đối với tâm lý và tình cảm của trẻ em. Pháp luật nên quy định ngược lại, đó là người thực hiện hành vi bạo lực gia đình mới là đối tượng phải bị cách ly vì bản thân họ đã vi phạm pháp luật.

Ngoài ra, khi áp dụng biện pháp này, theo tôi trong một số trường hợp không cần đến sự yêu cầu hay đồng ý của nạn nhân. Ví dụ: trường hợp hành vi bạo lực gây tổn hại hết sức nghiêm trọng tới sức khoẻ, danh dự của nạn nhân; hành vi lặp lại nhiều lần; người có hành vi đã được giáo dục mà tiếp tục vi phạm…và trường hợp nạn nhân là trẻ em. Bởi lẽ theo tâm lý thông thường của trẻ em thì chúng không bao giờ muốn bị tách ra khỏi cha, mẹ và người thân của mình. Do vậy, để đảm bảo quyền và lợi ích của trẻ thì không nhất thiết cần sự đồng ý của trẻ trong trường hợp cách ly người có hành vi bạo lực và trẻ em là nạn nhân của bạo lực.

3.3.2. Quy định về hình thức phạt tiền khi xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình

Nghị định 167/2013/NĐ-CP đã đưa ra những chế tài cần thiết đối với người thực hiện hành vi bạo lực gia đình. Tuy nhiên, quy định về hình thức phạt tiền của Nghị định này còn chưa thực sự hợp lý, bởi mức xử phạt nhìn chung là thấp, không có tính răn đe. Do vậy, tôi cho rằng có thể bỏ chế tài phạt tiền, thay vào đó là chế tài lao động công ích trong xử lý vi phạm hành chính trong phòng, chống bạo lực gia đình. Biện pháp này có tính khả thi cao hơn vì nó có ý nghĩa giáo dục tích cực với người có hành vi bạo lực, đồng thời không ảnh hưởng tới quyền lợi của nạn nhân. Hơn thế nữa, biện pháp này còn có giáo dục tích cực đối với những cá nhân khác: họ không muốn phải chịu hình thức xử phạt công khai, có nhiều người biết tới như vậy, nên sẽ cố gắng tránh bằng cách không thực hiện hành vi vi phạm. Tuy nhiên, cũng cần phải thấy rằng biện pháp này còn khá mới ở Việt Nam, nên có thể quy định một cách mềm dẻo: chỉ áp dụng bắt buộc với người có hành vi tái phạm; tính thời gian lao động công ích tương đương với số tiền phạt; tiến hành lao động công ích trong các cơ sở kinh tế nhất định. Tuy nhiên, nếu đã bị áp dụng hình thức xử phạt này thì không được cho phép thay thế bằng phạt tiền để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.

3.3.3. Quy định về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có thẩm

quyền

Qua nghiên cứu, chúng ta thấy được các hành vi vi phạm pháp luật

trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình thuộc thẩm quyền xử lý của rất nhiều cơ quan, tuy nhiên, chính quyền cấp cơ sở đóng vai trò quan trọng trong hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình vì đây là cấp gần dân nhất. Có thể nói, chính quyền cơ sở là nơi nắm bắt, quản lý mọi hoạt động diễn ra trên địa bàn mình quản lý, nhưng trong thực tiễn thì đã có rất nhiều hành vi bạo lực gia đình xảy ra trong thời gian dài mà chính quyền không biết và không có biện pháp xử lý, can thiệp kịp thời dẫn đến những hậu quả đáng tiếc xảy ra.

Do đó, pháp luật cần phải quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền cơ sở cũng như trách nhiệm pháp lý đối với họ khi họ không hoàn thành nhiệm vụ.

Thực tiễn bạo lực gia đình ở Việt Nam cho thấy: việc thông tin, tuyên truyền về phòng, chống bạo lực gia đình để nâng cao sự hiểu biết, từ đó thay đổi nhận thức về vấn đề là hết sức quan trọng và cần thiết, nhưng dường như chưa được chú ý đúng mức. Các nhà làm luật đã mất nhiều công sức để xây dựng các quy định này nhưng lại không quy định cơ chế cho việc thực thi trên thực tế, mà chỉ quy định chung chung trong Chương 4 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình về trách nhiệm của các cá nhân, cơ quan, tổ chức trong thi hành Luật. Vì vậy, theo chúng tôi, cần quy định chi tiết hơn về vấn đề này. Cụ thể: cần quy định việc tuyên truyền này như là một trách nhiệm thường xuyên của một cơ quan, tổ chức cụ thể ở từng địa phương, từng cơ sở (Uỷ ban dân số, gia đình và trẻ em; Uỷ ban Vì sự tiến bộ phụ nữ; Hội phụ nữ; Tổ dân phố…).

Dung túng, bao che, không xử lý, xử lý không đúng quy định của pháp luật đối với hành vi bạo lực gia đình là một trong những hành vì bị cấm theo quy định tại Điều 8 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Những hành vi này của cơ quan, người có thẩm quyền chính là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng bạo lực gia đình không được cải thiện: người có hành vi bạo lực không bị xử lý càng hung hăng, cho là mình đúng; nạn nhân càng sợ sệt, không dám phản ứng; những người xung quanh thấy thế càng có lý do để thờ ơ, không quan tâm, thậm chí có thể cho rằng mình cũng có thể làm như vậy. Ảnh hưởng của hành vi này là rất nghiêm trọng và nguy hiểm. Tuy nhiên, khi xem xét NĐ 167/2013/NĐ-CP thì không thấy bất cứ một hình thức xử phạt nào cho những hành vi này, dù tất cả những hành vi bị cấm khác đều bị xử lý theo những mức độ khác nhau. Điều này là hoàn toàn vô lý và cần phải được sửa đổi. Do đó, chúng tôi cho rằng cần phải quy định chặt chẽ hơn trách nhiệm của các cơ quan tổ chức trong phòng, chống bạo lực gia đình: hành vi

vi phạm cần phải bị xử lý; nhưng sự thờ ơ, thiếu quan tâm, vô trách nhiệm cũng cần có những chế tài thích đáng.

Có thể nhận thấy không một ban ngành đơn lẻ hay một cấp nào có thể giải quyết được triệt để một vấn đề xã hội nhạy cảm, phức tạp như bạo lực gia đình. Bởi vậy cần có kế hoạch chung về nâng cao năng lực, và các hoạt động triển khai, rõ ràng về vai trò và trách nhiệm, cũng như có quy trình và định hướng quan điểm can thiệp thống nhất giữa các ban ngành.

3.3.4. Nâng cao trách nhiệm, nhận thức của các thành viên gia đình trong việc bảo vệ quyền trẻ em

- Cha, mẹ và những thành viên khác trong gia đình cần tăng cường giáo dục cho các em kỹ năng bảo vệ bản thân và mạnh dạn tố cáo hành vi bạo lực trong gia đình.

- Các thành viên trong gia đình cần nâng cao ý thức trách nhiệm đối với công tác phòng, chống bạo lực gia đình bằng cách quan tâm sát sao đến trẻ em; bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc phát hiện, ngăn chặn sớm hành vi bạo lực gia đình đối với trẻ em.

- Các thành viên trong gia đình cần nhận thức đúng đắn về sự nghiêm trọng của hành vi bạo lực gia đình đối với trẻ em. Cần kiên quyết xoá bỏ tư tưởng bao che, dấu giếm đối với thành viên gia đình có hành vi bạo lực đối với trẻ em, đặc biệt là hành vi xâm hại tình dục trẻ em. Có như vậy thì hành vi bạo lực đối với trẻ mới được ngăn chặn kịp thời và tránh tái diễn lặp đi lặp lại ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của trẻ.

Tóm lại, để Luật Phòng, chống bạo lực gia đình sớm đi vào cuộc sống, phát huy tác dụng trong cộng đồng thì bên cạnh việc hoàn thiện pháp luật, cần phải kết hợp thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó tập trung vào các giải pháp như: tăng cường hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền về Luật Phòng, chống bạo lực gia đình nhằm nâng cao nhận thức tiến tới chuyển đổi hành vi của các tầng lớp nhân dân về bạo lực gia đình; làm tốt công tác bảo vệ, hỗ trợ trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình; trang bị cho các em vũ khí

Xem tất cả 96 trang.

Ngày đăng: 29/10/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí