Bảo vệ quyền lợi của cổ đông trong công ty cổ phần chưa niêm yết chứng khoán theo pháp luật Việt Nam - 7

tục triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông không thực hiện đúng theo quy định của Luật và Điều lệ công ty; Trình tự, thủ tục ra quyết định vi phạm pháp luật hoặc Điều lệ công ty (Điều 107);

(iv) Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu trên 10% tổng số cổ phần phổ thông trong thời hạn liên tục ít nhất sáu tháng hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty có các quyền sau: Đề cử người vào Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát (nếu có); Xem xét và trích lục sổ biên bản và các nghị quyết của Hội đồng quản trị, báo cáo tài chính giữa năm và hằng năm theo mẫu của hệ thống kế toán Việt Nam và các báo cáo của Ban kiểm soát; Yêu cầu Ban kiểm soát kiểm tra từng vấn đề cụ thể liên quan đến quản lý, điều hành hoạt động của công ty khi xét thấy cần thiết; Quyền yêu cầu triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông trong trường hợp Hội đồng quản trị vi phạm nghiêm trọng quyền của cổ đông, nghĩa vụ của người quản lý hoặc ra quyết định vượt quá thẩm quyền được giao (Điều 79).

Cổ đông ưu đãi không được hưởng đầy đủ các quyền trên. Trừ cổ đông ưu đãi biểu quyết, các loại cổ đông ưu đãi khác (theo quy định của Luật Doanh nghiệp gồm cổ đông ưu đãi cổ tức và cổ đông ưu đãi hoàn lại) đều không có quyền dự họp Đại hội đồng cổ đông, không có quyền biểu quyết và cũng không có quyền đề cử người vào Hội đồng quản trị và Ban Kiểm soát (Điều 82, Điều 83).

Các quyền cụ thể của cổ đông sẽ được phân tích ở phần này, trong tương quan so sánh với luật một số quốc gia và Bộ nguyên tắc về quản trị công ty của OECD.

• Quyền chuyển nhượng cổ phần


Quyền tự do chuyển nhượng cổ phần được xem xét ở hai khía cạnh: thứ nhất, có thể chuyển nhượng cho bất kỳ ai vào bất cứ lúc nào; thứ hai, không cần thủ tục phê chuẩn của công ty.

Luật Doanh nghiệp về cơ bản đã thừa nhận quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của cổ đông tại Điều 77 trừ các trường hợp ngoại lệ là cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi hoàn lại và cổ phần phổ thông của cổ đông sáng lập.

Về khía cạnh thứ nhất của quyền tự do chuyển nhượng cổ phần, ta xem xét hai ngoại lệ kể trên. Luật Doanh nghiệp cấm người sở hữu cổ phần ưu đãi biểu quyết chuyển nhượng cho người khác. Đối với cổ phần ưu đãi biểu quyết của cổ đông sáng lập, thực chất luật hạn chế việc chuyển nhượng trong thời gian ba năm kể từ ngày công ty được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh bởi vì sau thời hạn đó loại cổ phần này sẽ tự động chuyển thành cổ phần phổ thông (Điều 78, khoản 3, Điều 81).

Luật buộc các cổ đông sáng lập phải cùng nhau nắm giữ ít nhất 20% số cổ phần phổ thông được quyền chào bán. Việc chuyển nhượng số cổ phần này bị hạn chế về mặt chủ thể và thủ tục: Chỉ được chuyển nhượng cho người không phải cổ đông (tức người ngoài công ty) nếu được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông (Điều 84). Thời hạn của hạn chế này là 3 năm, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, các hạn chế đối với cổ phần phổ thông của cổ đông sáng lập đều được bãi bỏ.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 90 trang tài liệu này.

Về tiêu chí thứ hai, Luật Doanh nghiệp, Điều 87, khoản 3 quy định "Cổ phần được coi là đã bán khi được thanh toán đủ và những tin về người mua tại khoản 2, Điều 86 của Luật này được ghi đúng, ghi đủ vào sổ đăng ký cổ đông; kể từ thời điểm đó, người mua cổ phần trở thành cổ đông của công ty". Ta hiểu công ty chỉ có vai trò chứng nhận việc chuyển nhượng cổ phần và ghi vào Sổ đăng ký cổ đông, chứ không phải là phê chuẩn giao dịch chuyển nhượng. Rõ ràng, theo quy định này của Luật, hiệu lực pháp lý của việc chuyển nhượng phụ thuộc vào việc đăng ký các thông tin vào Sổ đăng ký cổ đông, chứ dường như chưa phát sinh từ thời điểm các bên hoàn thành việc chuyển giao quyền sở hữu cổ phần một cách hợp pháp. Về nguyên tắc, các thông tin trong Sổ đăng ký cổ đông đóng vai trò như căn cứ chứng minh

quyền sở hữu cổ phần chứ không phải là điều kiện cho việc chuyển nhượng. Điều luật này có lẽ đã vô tình "tiếp tay" cho các vụ việc vi phạm quyền cổ đông trên thực tế như: công ty cố tình trì hoãn việc đăng ký người nhận chuyển nhượng, hay hiện tượng chuyển nhượng "chui" vì công ty từ chối đăng ký. Điểm yếu của Luật chính là ghi nhận quyền chuyển nhượng của cổ đông nhưng chưa đặt ra nghĩa vụ của công ty phải đăng ký cổ đông mới một cách kịp thời. Khiếm khuyết này tạo ra rủi ro cho các bên trong giao dịch chuyển nhượng cổ phần, đặc biệt là bên nhận chuyển nhượng bởi quyền sở hữu cổ phần của người này không được công ty bảo đảm. Hậu quả sâu xa hơn là các nhà đầu tư khó có thể biết chính xác ai là người nắm cổ phần, điều này làm tăng chi phí nhận diện giao dịch mua bán cổ phần.

Bảo vệ quyền lợi của cổ đông trong công ty cổ phần chưa niêm yết chứng khoán theo pháp luật Việt Nam - 7

Mặt khác, do cách định nghĩa đơn giản của Luật Doanh nghiệp về cổ đông sáng lập "là cổ đông tham gia xây dựng, thông qua và ký tên vào bản Điều lệ đầu tiên của công ty cổ phần" (Khoản 11, Điều 4), những người lao động mua cổ phần trong doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa, vốn dĩ chỉ biết cần cù làm lụng bỗng chốc trở thành cổ đông sáng lập. Quyền lợi đâu chẳng thấy, nhưng hạn chế chuyển nhượng cổ phần thì lập tức được công ty, thậm chí tòa án áp dụng khi xảy ra tranh chấp.

• Quyền tiếp cận thông tin

Quyền được nắm bắt những thông tin về công ty một cách đầy đủ (nhưng không có nghĩa là mọi thông tin) là cơ sở để cổ đông thực hiện các quyền cơ bản khác như quyền biểu quyết tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông, quyền bầu và miễn nhiệm Hội đồng quản trị và cả quyền chuyển nhượng cổ phần. Luật Doanh nghiệp quy định cổ đông được nhận thông tin từ những loại tài liệu: Sổ đăng ký cổ đông;Danh sách cổ đông có quyền dự họp Đại hội đồng cổ đông, không phải toàn bộ danh sách mà chỉ là phần liên quan đến cổ đông đó;Quyết định của Đại hội đồng cổ đông; Tóm tắt báo cáo tài chính hằng năm, không rõ gồm những thông tin gì (Điều 86, Điều 104, Điều 129).

So với các quốc gia trong khu vực, cổ đông Việt Nam chỉ được tiếp cận thông tin ở mức rất "khiêm tốn". Không được xem sổ sách của công ty; có chăng là một bản báo cáo tài chính thường niên với nội dung không rõ ràng, khác nào "bịt mắt" cổ đông trước thực trạng tài chính của công ty. Khó có thể hình dung nổi cổ đông thực hiện quyền quyết định các vấn đề tài chính tại Đại hội cổ đông như thế nào, có lẽ không thể tránh khỏi tình trạng của cổ đông nhỏ "bảo sao nghe vậy".

Một loại tài liệu quá đỗi thông thường là các quyết định của Đại hội đồng cổ đông cũng chỉ được thông báo cho cổ đông có quyền dự họp. Quả là phi lý khi luật không cho phép cổ đông ưu đãi cổ tức và ưu đãi hoàn lại cái quyền được biết Đại hội đồng cổ đông bàn và quyết định cái gì…Khi đến nội dung của quyết định cũng không được biết thì quyền khởi kiện yêu cầu hủy bỏ trong trường hợp vi phạm pháp luật cũng trở nên vô nghĩa.

Thông tin là sức mạnh, tình trạng thông tin bất cân xứng của cổ đông Việt Nam so với các nhà quản lý khiến mọi quyền khác của cổ đông trở nên yếu ớt trước khả năng lạm quyền nghiêm trọng của Hội đồng quản trị và các chức danh quản lý khác. Nhận định này sẽ được minh chứng phần nào trong các phần sau.

• Quyền dự họp và biểu quyết tại Đại hội đồng cổ đông

Đại hội đồng cổ đông là cơ quan quyết định cao nhất của Công ty cổ phần, bao gồm tất cả cổ đông có quyền biểu quyết. Theo Luật Doanh nghiệp năm 2009, Đại hội đồng cổ đông có quyền quyết định những vấn đề trong các lĩnh vực nhất định.

Thứ nhất, Trong lĩnh vực tài chính, cổ đông có quyền biểu quyết các vấn đề như: Loại cổ phần và tổng số cổ phần được chào bán của từng loại; Người được quyền mua cổ phần ưu đãi cổ tức, ưu đãi hoàn lại và các loại cổ phần ưu đãi khác; Chuyển cổ phần ưu đãi thành cổ phần phổ thông; Mức cổ

tức hàng năm của từng loại cổ phần; Quyết định đầu tư hoặc bán số tài sản có giá trị bằng hoặc lớn hơn 50% tổng giá trị tài sản được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty nếu Điều lệ công ty không quy định một tỷ lệ khác; Quyết định mua lại trên 10% tổng số cổ phần đã bán của mỗi loại; Chấp thuận các hợp đồng và giao dịch có giá trị nhỏ hơn 50% tổng giá trị tài sản doanh nghiệp ghi trong báo cáo tài chính gần nhất hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn quy định tài Điều lệ công ty (xem các Điều 78, Điều 91, Điều 96, Điều 104, Điều 120)

Thứ hai, Trong lĩnh vực điều hành, cổ đông có quyền biểu quyết các vấn đề như: Bầu, bãi nhiệm thành viên Hội đồng quản trị, Ban Kiểm soát, xử lý các vi phạm của những người gây thiệt hại cho công ty và cổ đông; Thông qua báo cáo tài chính hằng năm; Thông qua định hướng phát triển công ty.

Cuối cùng, trong các lĩnh vực khác, cổ đông có quyền biểu quyết các vấn đề như: Quyết định sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty; Quyết định tổ chức lại, giải thể công ty.

Đại hội đồng cổ đông thực hiện quyền hạn của mình thông qua các cuộc họp thường niên và bất thường hoặc lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản (không triệu tập cuộc họp). Đây chính là thiết chế, nơi cổ đông thực hiện quyền lực của mình. Vì vậy, quyền dự họp Đại hội đồng cổ đông và biểu quyết các vấn đề thuộc thẩm quyền của Đại hội đông cổ đông là quyền vô cùng quan trọng của cổ đông.

• Quyền dự họp Đại hội đồng cổ đông

Theo Điều 96, Luật Doanh nghiệp thì chỉ cổ đông có quyền biểu quyết mới có quyền dự họp Đại hội đồng cổ đông, bao gồm cổ đông phổ thông và cổ đông ưu đãi biểu quyết (nếu điều lệ công ty không quy định thêm các loại cổ phần ưu đãi có quyền biểu quyết khác). Cổ đông ưu đãi cổ tức và cổ đông ưu đãi hoàn lại không có quyền tham dự cuộc họp.

Luật Doanh nghiệp cũng đã quy định tương đối rõ ràng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục triệu tập cuộc Đại hội đồng cổ đông. Ở mặt này, Luật Doanh nghiệp 1999 và Luật Doanh nghiệp năm 2005 thể hiện một bước tiến đáng kể so với Luật Công ty 1990 trong việc bảo vệ cổ đông.

Về triệu tập và mời họp, Luật quy định, Hội đồng quản trị có quyền triệu tập họp theo quyết định của mình hoặc theo yêu cầu của cổ đông, nhóm cổ đông sở hữu ít nhất 10% cổ phần phổ thông trong thời hạn liên tục ít nhất 6 tháng. Ban Kiểm soát có thể thay thế Hội đồng quản trị triệu tập khi Hội đồng quản trị vi phạm nghĩa vụ của người quản lý hoặc vượt quá thẩm quyền được giao. Ban Kiểm soát không làm thì nhóm cổ đông nói trên có quyền triệu tập.

Người triệu tập phải thực hiện một loạt các công việc như: (i) lập danh sách cổ đồng có quyền dự họp, cung cấp thông tin và giải quyết khiếu nại liên quan đến danh sách đó; (ii) chuẩn bị tài liệu, xác định địa điểm và thời gian họp; (iii) lập chương trình và nội dung cuộc họp; (iv) gửi giấy mời họp (kèm theo tài liệu) đến từng cổ đông có quyền dự họp.

Danh sách cổ đông có quyền dự họp được lập dựa trên sổ đăng ký cổ đông, có những nội dung chủ yếu như: tên, địa chỉ cổ đông, số lượng cổ phần mỗi loại của từng cổ đông. Luật trao cho cổ đông quyền được cung cấp thông tin trong danh sách cổ đông, nhưng chỉ giới hạn trong phần liên quan đến cổ đông đó, và quyền yêu cầu sửa đổi thông tin sai lệch hoặc bổ sung những thông tin về mình trong danh sách cổ đông, quyền yêu cầu sửa đổi thông tin sai lệch hoặc bổ sung những thông tin về mình trong danh sách (Điều 98, khoản 3). Luật buộc các cổ đông nhỏ, riêng lẻ phải tập hợp lại thành một nhóm nắm 10% tổng số cổ phần phổ thông mới được quyền xem và nhận bản sao hoặc trích lục danh sách cổ đông có quyền dự họp. Thực tế là trong một công ty cổ phần có số cổ đông hàng nghìn người, một cổ đông sở hữu từ 5 - 7% đã là lớn chứ không phải 10%. Quy định này tỏ ra bất bình đẳng trong đối xử giữa các cổ đông được coi là thiểu số (nắm dưới 10% cổ phần) và các cổ đông lớn.

Cũng như cổ đông trong công ty cổ phần ở các nước, cổ đông Việt Nam cũng có quyền được thông báo về cuộc họp Đại hội đồng cổ đông. Luật Doanh nghiệp quy định nghĩa vụ của người triệu tập họp là "gửi thông báo mời họp đến tất cả cổ đông có quyền dự họp chậm nhất bảy ngày làm việc trước ngày khai mạc", cùng với chương trình họp và các tài liệu thảo luận (Điều 100).

Thời hạn tối thiểu này có lẽ là chưa đủ để các cổ đông nghiên cứu tài liệu làm cơ sở cho một lá phiếu phù hợp tại Đại hội đồng cổ đông. Đối với nhóm cổ đông thiểu số có quyền kiến nghị vấn đề đưa vào chương trình họp, thời hạn này càng trở nên ngặt nghèo, bởi các kiến nghị phải gửi đến công ty chậm nhất ba ngày làm việc trước ngày khai mạc cuộc họp (Điều 99, khoản 2). Ví dụ, đến đúng một tuần trước ngày khai mạc cuộc họp, công ty mới gửi giấy mời họp và tài liệu đến cổ đông, thì cổ đông thiểu số chỉ có xấp xỉ 4 ngày để nghiên cứu tài liệu để kiến nghị vấn đề quan tâm vào chương trình họp. Tuy quy định về thời hạn tối thiểu để gửi giấy triệu tập có vẻ chỉ mang tính kỹ thuật nhưng nó có khả năng làm giảm hiệu quả thực hiện quyền biểu quyết của cổ đông một cách đáng kể.

Về ủy quyền dự họp, Luật dự liệu khả năng cổ đông không thể đích thân đến dự họp Đại hội đồng cổ đông nên cho cổ đông ủy quyền cho người khác dự họp thay mình. Tuy nhiên, cơ chế này vẫn chưa giải quyết được vấn đề phát sinh trong những công ty cổ phần có số cổ đông lên đến hàng ngàn người về chuẩn bị cuộc họp (địa điểm hội họp, việc đi lại của cổ đông). Để đối phó, nhiều công ty sáng tạo ra giải pháp là quy định trong điều lệ rằng chỉ khi sở hữu một tỷ lệ cổ phần nhất định (chẳng hạn 1% lượng cổ phần - 1% có khi trị giá đến hàng trăm triệu đồng), cổ đông mới có quyền dự họp Đại hội đồng cổ đông. Như vậy, điều lệ công ty đã vi phạm một quyền cơ bản của cổ đông quyền dự họp. Phần nào nguyên nhân là do thiếu một cơ chế ủy quyền dự họp và biểu quyết hiệu quả.

• Quyền biểu quyết


Đại hội đồng cổ đông thông qua các quyết định thuộc thẩm quyền bằng hình thức biểu quyết tại cuộc họp hoặc lấy ý kiến bằng văn bản. Luật Doanh nghiệp quy định tỷ lệ 65% số phiếu biểu quyết của cổ đông dự họp là đủ một quyết định thông thường (Ví dụ: bầu, bãi nhiệm thành viên Hội đồng quản trị, mua lại cổ phần của cổ đông) được thông qua. Với các vấn đề đặc biệt quan trọng, tỷ lệ để thông qua là 75%. Với tỷ lệ số phiếu được thông qua 75% là bước tiến của Luật Doanh nghiệp năm 2005 (Luật Doanh nghiệp 1999 là 65%) đã bằng các nước trong khu vực (Thái Lan, tỷ lệ này là 75%, Ấn Độ 75%, Philippines 66,6%).

Điểm yếu của Luật Doanh nghiệp nằm ở chỗ khác. Luật quy định trường hợp cổ đông quyết định dưới hình thức lấy ý kiến bằng văn bản, thì chỉ cần 51% tổng số phiếu biểu quyết của cổ đông chấp thuận. Như vậy, Luật đã "đánh đồng" hai loại quyết định thông thường và bất thường, hơn nữa lại không quy định trong trường hợp nào Hội đồng quản trị có quyền lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản. Hệ quả là Hội đồng quản trị có một "kẽ hở" tương đối lớn để lạm dụng hình thức lấy ý kiến bằng văn bản nhằm thông qua các vấn đề đặc biệt quan trọng có ảnh hưởng lớn đến lợi ích của cổ đông trong bối cảnh thông tin được cung cấp "nhỏ giọt". Nó có khả năng trở thành công cụ cho cổ đông đa số lấn lướt cổ đông thiểu số.

• Quyền bầu, bãi nhiệm thành viên Hội đồng quản trị


Hội đồng quản trị là cơ quan quản lý công ty, có toàn quyền nhân danh công ty để quyết định, thực hiện các quyền và nghĩa vụ của công ty không thuộc thẩm quyền Đại hội đồng cổ đông (Điều 108, khoản 1). Mặc dù Luật Doanh nghiệp không ghi nhận một cách rõ ràng quan hệ ủy quyền giữa cổ đông và Hội đồng quản trị, thực chất Hội đồng quản trị chính là người đại diện cho cổ đông để thực hiện quản lý hoạt động kinh doanh. Quyền bầu ra

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 19/12/2022