việc phân tích các khía cạnh lý luận và thực tiễn liên quan đến bảo vệ quyền của người khuyết tật trong pháp luật lao động Việt Nam một cách hệ thống và chuyên sâu, qua đó góp phần bảo vệ quyền của một bộ phận không nhỏ người lao động đặc biệt, thúc đẩy sự phát triển của thị trường lao động nói chung trong bối cảnh nền kinh tế đang phát triển như vũ bão là điểm mới mà luận văn muốn hướng tới.
Một số đề tài nghiên cứu về quyền của người khuyết tật Việt Nam như:
- Luận án tiến sĩ Luật học “Hoàn thiện pháp luật về quyền của người khuyết tật ở Việt Nam hiện nay” của tác giả Nguyễn Thị Báo năm 2008;
- Luận văn thạc sỹ Luật học “Pháp luật về Lao động tàn tật ở Việt Nam” của Phạm Thị Thanh Việt năm 2009;
- Luận văn thạc sỹ Luật học “Bảo vệ quyền nhân thân của người lao động dưới góc độ pháp luật lao động” của Đỗ Minh Nghĩa năm 2012;
- Luận văn thạc sỹ Luật học “Pháp luật về việc làm cho người khuyết tật”
của Hồ Thị Trâm năm 2013;
- Giáo trình Luật người khuyết tật năm 2011 của Trường đại học Luật Hà Nội do Nguyễn Hữu Chí chủ biên;
- Giáo trình Lý luận và pháp luật về quyền con người do Nguyễn Đăng Dung, Vũ Công Giao, Lã Khánh Tùng đồng chủ biên của Khoa Luật – Đại học quốc gia Hà Nội năm 2009 có đề cập đến khía cạnh lý luận và pháp luật về quyền của người khuyết tật;
- Báo cáo đánh giá thực hiện các điều khoản của Luật lao động về lao động là người khuyết tật và Pháp lệnh về người khuyết tật của Nguyễn Thị Diệu Hồng, tháng 7 năm 2002;
Có thể bạn quan tâm!
- Bảo vệ quyền của người khuyết tật trong pháp luật lao động Việt Nam - Thực trạng và giải pháp - 1
- Các Quyền Cơ Bản Của Người Khuyết Tật Trong Pháp Luật Quốc Tế
- Sự Cần Thiết Phải Bảo Vệ Quyền Của Người Khuyết Tật Trong Pháp Luật Lao Động
- Các Biện Pháp Bảo Vệ Quyền Của Người Khuyết Tật
Xem toàn bộ 126 trang tài liệu này.
- Báo cáo đánh giá đào tạo nghề phù hợp cho thanh thiếu niên khuyết tật của Tổ chức Thế giới Quan tâm vì Phát triển tại Hà Nội, Việt Nam tháng 1 năm 2005;
- Báo cáo khảo sát về Đào tạo Nghề và Việc làm cho người khuyết tật tại Việt Nam của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tháng 8 năm 2008;
- Báo cáo thực hiện các chính sách trợ giúp người khuyết tật trong dạy nghề, việc làm năm 2008 của Cục Việc làm – Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội;
- Báo cáo tình hình thực hiện các chính sách trợ giúp phụ nữ khuyết tật năm 2008 của TW Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam;
- Báo cáo người khuyết tật ở Việt Nam: Một số kết quả chủ yếu từ Tổng điều tra Dân số và Nhà ở Việt Nam năm 2009 của Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA);
- Bài viết “Nhìn lại 5 năm thực hiện Pháp lệnh về người tàn tật” của Đàm Hữu Đắc trên tạp chí Lao động và Xã hội số 213 năm 2003;
- Bài viết “Để nâng cao khả năng thực hiện pháp luật về việc làm và dạy nghề đối với người tàn tật” của Nguyễn Đức Hoán trên Tạp chí Lao động và Xã hội số 308 năm 2007;
- Bài viết “Những vấn đề đặt ra trong thực hiện dịch vụ xã hội đối với người khuyết tật và một số khuyến nghị” của Lý Hoàng Mai trên tạp chí Lao động và Xã hội số 370 năm 2009…
Tất cả những công trình trên chỉ dừng lại ở việc nghiên cứu và phân tích một số khía cạnh quyền của người khuyết tật trong các lĩnh vực khác nhau mà chưa khái quát toàn bộ nội dung quyền của người khuyết tật trong pháp luật lao động một cách đầy đủ, thêm nữa mới chỉ dừng lại ở quyền mà chưa nghiên cứu các nội dung của bảo vệ quyền của người khuyết tật trong hệ thống pháp luật lao động Việt Nam. Với việc lựa chọn đề tài “Bảo vệ quyền của người khuyết tật trong pháp luật lao động Việt Nam – Thực trạng và giải pháp”, tác giả rất mong sẽ có những đóng góp tích cực vào tình hình nghiên cứu chế định bảo vệ quyền của người khuyết tật trong pháp luật lao động Việt Nam nói riêng và pháp luật Việt Nam nói chung.
3. Mục đích nghiên cứu
Mục đích của việc nghiên cứu đề tài là tìm ra những ưu điểm cũng như những hạn chế, bất cập của pháp luật lao động Việt Nam và những vướng mắc trên thực tế để có thể đưa ra những phương hướng hoàn thiện các quy định của pháp luật cũng như tăng cường hiệu quả thực thi pháp luật lao động về bảo vệ quyền của người khuyết tật trên thực tế.
Việc nghiên cứu đề tài có nhiệm vụ giải quyết những vấn đề sau:
- Làm rõ một số vấn đề lý luận về bảo vệ quyền của người khuyết tật mà trong đó tập trung vào các biện pháp bảo vệ quyền của người khuyết tật;
- Đánh giá thực trạng các quy định của pháp luật lao động về bảo vệ quyền của người khuyết tật và thực tiễn thực hiện;
- Đưa ra một số giải pháp và kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả các quy định của pháp luật lao động trong việc bảo vệ quyền của người khuyết tật ở Việt Nam.
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
- Đối tượng nghiên cứu: Quyền của người khuyết tật và bảo vệ quyền của người khuyết tật;
- Phạm vi nghiên cứu: Bảo vệ quyền của người khuyết tật được sự quan tâm của cả hệ thống pháp luật như: Luật người khuyết tật, Luật bảo hiểm xã hội, Luật dạy nghề, Luật việc làm, Luật lao động và các văn bản dưới luật. Tuy nhiên, trong phạm vi nghiên cứu của đề tài chỉ đề cập đến bảo vệ quyền của người khuyết tật trong pháp luật lao động Việt Nam.
5. Nội dung nghiên cứu
Luận văn đi sâu phân tích các vấn đề lý luận và thực tiễn áp dụng các quy định của pháp luật lao động Việt Nam về bảo vệ quyền của người khuyết tật và đưa ra các giải pháp và kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả của pháp luật lao động trong việc bảo vệ quyền của người khuyết tật.
6. Phương pháp nghiên cứu
Đề tài được nghiên cứu trên cơ sở vận dụng phương pháp luận của chủ nghĩa Mác-Lê Nin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Cụ thể là, phương pháp duy vật biện chứng và phương pháp duy vật lịch sử. Ngoài ra, luận văn còn sử dụng các phương pháp tổng hợp, phân tích, thống kê, so sánh, phương pháp quan sát… làm cơ sở cho việc nghiên cứu.
7. Bố cục của luận văn
Ngoài phần Mục lục, Mở đầu, Kết luận, Tài liệu tham khảo, nội dung của luận văn được kết cấu thành 3 chương:
Chương 1: Khái quát chung về quyền của người khuyết tật và bảo vệ quyền của người khuyết tật.
Chương 2: Thực trạng bảo vệ quyền của người khuyết tật trong pháp luật lao động Việt Nam.
Chương 3: Một số giải pháp và kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả pháp luật lao động trong việc bảo vệ quyền của người khuyết tật.
Chương 1
KHÁI QUÁT CHUNG VỀ QUYỀN CỦA NGƯỜI KHUYẾT TẬT VÀ BẢO VỆ QUYỀN CỦA NGƯỜI KHUYẾT TẬT
1.1. Nhận thức chung về quyền của người khuyết tật
1.1.1. Quan niệm về quyền của người khuyết tật
Người khuyết tật là nhóm người dễ bị tổn thương, là một bộ phận dân cư và tồn tại khách quan trong lịch sử loài người. Ngân hàng thế giới ước tính có khoảng 10% dân số thế giới (khoảng 650 triệu người) phải sống chung với những khuyết tật và có sự khác nhau giữa các vùng, các nước và chủ yếu tập trung ở các nước kém phát triển. Theo số liệu báo cáo của UNDP, ước tính mỗi năm có thêm gần 10 triệu người khuyết tật và dự báo đến năm 2035 số người khuyết tật trên thế giới sẽ lên tới 667 triệu người [113, tr.1].
Cách nhìn nhận về người khuyết tật có những thay đổi nhất định qua từng thời kỳ. Nếu như những năm 1950, người khuyết tật được nhìn nhận theo mô hình “chăm sóc y tế”, theo đó vấn đề người khuyết tật là vấn đề phúc lợi xã hội và họ là đối tượng cần được hỗ trợ, chăm sóc, được hưởng trợ giúp chứ không phải là chủ thể có quyền như công dân bình thường thì những năm 1970 cách nhìn nhận người khuyết tật đã có sự thay đổi, theo đó những người khuyết tật là những người có khả năng, có quyền sống và lao động như những người bình thường chứ không phải là một đối tượng cần nhận sự “ban ơn” của xã hội. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có cách hiểu thống nhất về người khuyết tật. Trên thế giới có hai quan điểm chính về người khuyết tật song song cùng tồn tại, đó là quan điểm khuyết tật cá nhân và quan điểm khuyết tật xã hội. Quan điểm khuyết tật cá nhân hay quan điểm khuyết tật dưới góc độ y tế (y học) cho rằng khuyết tật là hạn chế cá nhân, là ở chính con người đó, mà hầu như không chú ý tới các yếu tố xã hội. Ngược lại, quan điểm khuyết tật theo mô hình xã hội, những người khuyết tật được nhìn nhận là hệ quả bị xã hội loại trừ và phân biệt [91]. Từ những cách nhìn nhận khác nhau về người khuyết tật cùng với điều kiện kinh tế, xã hội, lịch sử phát triển cũng như kĩ thuật lập pháp từng quốc gia mà pháp luật quốc tế cũng như quốc gia có định nghĩa khác nhau về người khuyết tật.
Công ước về quyền của người khuyết tật của Liên hợp quốc năm 2006 định nghĩa“Người khuyết tật bao gồm những người có khiếm khuyết lâu dài về thể chất, tâm thần, trí tuệ hay giác quan mà khi tương tác với những rào cản khác nhau có thể phương hại đến sự tham gia hữu hiệu và trọn vẹn của họ vào xã hội trên cơ sở bình đẳng với những người khác” [38, Điều 1].
Công ước số 159 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về Tái thích ứng nghề nghiệp và việc làm của người khuyết tật năm 1983 quy định: “Người khuyết tật dùng để chỉ người mà khả năng tìm thấy một việc làm phù hợp, gắn bó lâu dài với công việc đó cũng như triển vọng thăng tiến về nghề nghiệp đều bị giảm sút đáng kể do một sự khiếm khuyết về thể chất hoặc tâm thần được công nhận rõ ràng”[80, Điều 1, Khoản 1].
Khái niệm người khuyết tật theo quan điểm của Tổ chức quốc tế người khuyết tật (DPI, 1982): Người khuyết tật trở thành khuyết tật là do thiếu cơ hội để tham gia các hoạt động xã hội và có một cuộc sống giống như thành viên khác. Do vậy, khuyết tật là một hiện tượng phức tạp, phản ánh sự tương tác giữa các tính năng cơ thể và các tính năng xã hội mà trong đó người khuyết tật sống [92, tr.5].
Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) năm 1999, người khuyết tật là người bị suy giảm chức năng ở ba mức độ là: khiếm khuyết (impairment), khuyết tật (disability) và tàn tật (handicap). Trong đó, khiếm khuyết chỉ đến sự mất mát hoặc không bình thường của cấu trúc cơ thể liên quan đến tâm lý hoặc sinh lý. Khuyết tật chỉ đến sự giảm thiểu chức năng hoạt động, là hậu quả của sự khiếm khuyết. Còn tàn tật đề cập tình thế bất lợi hoặc thiệt thòi của người mang khiếm khuyết do tác động của môi trường xung quanh lên tình trạng khuyết tật của họ [91].
Theo Đạo luật về người khuyết tật của Hoa Kỳ năm 1990 (ADA - Americans with Disabilities Act of 1990) định nghĩa người khuyết tật là người có sự suy yếu về thể chất hay tinh thần gây ảnh hưởng đáng kể đến một hay nhiều hoạt động quan trọng trong cuộc sống. Những ví dụ cụ thể về khuyết tật bao gồm: Khiếm khuyết về vận động; Khiếm khuyết về thị giác, Khiếm khuyết về nói và nghe, Chậm phát triển tinh thần, bệnh cảm xúc và những khiếm khuyết cụ thể về học tập, Các bệnh lây và không lây như Bại não, động kinh, teo cơ, ung thư, bệnh tim, tiểu đường, bệnh lao và bệnh do HIV (có triệu chứng hoặc không có triệu chứng) [74].
Hay Luật của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa về bảo vệ người khuyết tật năm 1990 ghi nhận:
Người khuyết tật là một trong những người bị bất thường, mất mát của một cơ quan nhất định hoặc chức năng, tâm lý hay sinh lý hoặc trong cấu trúc giải phẫu và những người đã mất toàn bộ hoặc một phần khả năng tham gia vào các hoạt động một cách bình thường. Người khuyết tật là những người có thính giác, thị giác, lời nói hoặc khuyết tật về thể chất, chậm phát triển tâm thần, rối loạn tâm thần, khuyết tật nhiều và/hoặc khuyết tật khác [31, Điều 2].
Luật Người khuyết tật được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 17 tháng 06 năm 2010 đưa ra định nghĩa về người khuyết tật: “Người khuyết tật là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn” [70, Điều 2, Khoản 1]. Theo đó, đối tượng xác định là người khuyết tật dựa vào việc bộ phận cơ thể bị suy giảm chức năng biểu hiện dưới dạng tật (khiếm thính, khiếm thị, tật nguyền, người bị tâm thần, thiểu năng trí tuệ…) và gây khó khăn cho việc lao động, học tập, sinh hoạt bao gồm cả những người bị khuyết tật bẩm sinh, người bị khiếm khuyết do bệnh tật, tai nạn, thương binh, bệnh binh…
Như vậy, tùy thuộc vào việc ủng hộ quan điểm khuyết tật cá nhân hay khuyết tật xã hội mà mỗi quốc gia có nhìn nhận không giống nhau về người khuyết tật. Tuy vậy, dù có ủng hộ quan điểm nào đi chăng nữa thì khi định nghĩa về người khuyết tật cũng phải phản ánh thực tế là người khuyết tật có thể gặp các rào cản do yếu tố xã hội, môi trường hoặc con người khi họ tham gia vào các hoạt động của đời sống xã hội. Người khuyết tật có một số những đặc điểm riêng về tâm, sinh lý và sức khỏe so với người bình thường cộng thêm nhận thức và thái độ kì thị của xã hội khiến họ dễ cảm thấy tự ti và mặc cảm về bản thân. Chính vì vậy, người khuyết tật cần được nhà nước, gia đình và xã hội trợ giúp, tạo điều kiện, cơ hội bình đẳng để tiếp cận và hưởng thụ các quyền bình đẳng với mọi công dân khác, vươn lên làm chủ cuộc sống và hòa nhập cộng đồng.
Người khuyết tật trước hết là con người trong xã hội nên họ cũng có các quyền cơ bản của một con người nhưng do bị khiếm khuyết về mặt thể chất hay tâm thần nên họ có một số các quyền đặc thù theo luật định. Quan niệm về quyền của người khuyết tật có sự thay đổi cách tiếp cận trong pháp luật quốc tế cũng như pháp luật quốc gia. Ngay từ khi ban hành những văn bản pháp lý đầu tiên, Liên hợp quốc (UN) luôn khẳng định sự thiết yếu của việc tôn trọng và thực hiện các quyền và tự do cơ bản của tất cả mọi người và không phân biệt thành phần, giới tính, tôn giáo hay tín ngưỡng [33, Điều 1]… Các quyền của người khuyết tật được đặt trên cơ sở các quy định phổ quát đó.
Trong những năm 1940 và 1950, UN mới chỉ tập trung vào việc thúc đẩy các quyền của người khuyết tật về thể chất thông qua các phương pháp tiếp cận an sinh xã hội [115]. Hiến chương và các công ước về quyền con người được các nước phê chuẩn từ giữa những năm 1940 cho đến cuối những năm 1960 (ví dụ Tuyên ngôn Quốc tế của Liên Hợp Quốc về nhân quyền năm 1948, Công ước của Liên Hợp Quốc về Quyền Kinh tế, Văn hóa, Xã hội năm 1966, và Công ước của Liên Hợp Quốc về Quyền Dân sự và Chính trị năm 1966…) chưa có các quy định riêng đề cập đến người khuyết tật. Tuy nhiên, Tuyên ngôn quốc tế của Liên hợp quốc về nhân quyền năm 1948 đã khẳng định: “Tất cả mọi người sinh ra đều được tự do và bình đẳng về nhân phẩm và quyền. Mọi con người đều được tạo hóa ban cho lý trí và lương tâm và cần phải đối xử với nhau trong tình bằng hữu” [34, Điều 1]. Tuyên ngôn này cũng liệt kê tất cả các quyền mà con người được hưởng bao gồm các quyền trong các lĩnh vực dân sự, chính trị; quyền kinh tế, văn hóa và xã hội.Theo quy định này thì người khuyết tật cũng phải được hưởng những quyền lợi cơ bản mà mọi người trong xã hội được hưởng. Tuy nhiên, trong giai đoạn này, người khuyết tật vẫn phải đối mặt với nhiều bất lợi, tình trạng họ bị tách biệt khỏi xã hội, cũng như tình trạng họ bị phân biệt đối xử mới được nhận thức rõ ràng hơn và đã được nêu thành một vấn đề về quyền của người khuyết tật. Việc dần thay đổi từ cách tiếp cận phúc lợi xã hội sang cách tiếp cận dựa vào quyền con người được thể hiện thông qua việc đề cập một cách cụ thể về người khuyết tật trong các Hiến
chương, các Công ước và các sáng kiến về quyền con người được phê chuẩn từ những năm 1980 và trong ngày càng nhiều các văn bản luật pháp quốc tế (thường không mang tính bắt buộc) được các tổ chức như Liên Hợp Quốc và Ủy ban Châu Âu thông qua [107, tr.566].
Ngày 13/12/2006 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 61 đã thông qua Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật và chính thức có hiệu lực từ tháng 5/2008 sau khi có 20 quốc gia phê chuẩn. Công ước là văn bản luật mang tính toàn cầu đầu tiên trong lịch sử nhân loại khẳng định quyền của người khuyết tật. Theo đó, người khuyết tật được công nhận là đối tượng có đầy đủ các quyền và nhân phẩm như những thành viên khác trong cộng đồng, được bình đẳng về cơ hội trong xã hội. Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật xác định các quyền của người khuyết tật và nghĩa vụ của các quốc gia tham gia. Mặc dù không thiết lập các nhân quyền mới nhưng đây là công ước quốc tế về nhân quyền đầu tiên của thế kỷ 21, đồng thời cũng là công cụ luật pháp đầu tiên bảo vệ toàn diện quyền của người khuyết tật. Công ước này còn có ý nghĩa đặc biệt khi thay đổi cách nhìn đối với tình trạng khuyết tật là một vấn đề xã hội chứ không phải chỉ là vấn đề y tế, và xác lập sự dịch chuyển từ phương thức tiếp cận theo hướng nhân đạo sang hướng nhân quyền [92, tr.152-153].
Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) là một cơ quan chuyên môn của Liên Hợp Quốc có nhiệm vụ đảm bảo các điều kiện lao động bình đẳng và phù hợp trên toàn thế giới [80, tr.12]. ILO thực hiện sứ mệnh của mình thông qua việc soạn thảo các tiêu chuẩn để các quốc gia phê chuẩn dưới hình thức công ước và khuyến nghị về lao động quốc tế. Từ khi chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, mục tiêu chính của tổ chức ILO là tăng cường các cơ hội việc làm bình đẳng [81, tr.2]. Quan niệm về quyền của người khuyết tật của ILO cũng xuất phát từ hạt nhân quyền con người thể hiện trong “Tuyên bố Philadelphia” được thông qua tại Hội nghị Lao động Quốc tế tổ chức năm 1944, trong đó chỉ rõ: “Tất cả mọi người, không phân biệt chủng tộc, tín ngưỡng, hoặc giới tính đều có quyền được mưu cầu một cuộc sống vật chất đầy đủ, được phát triển tinh thần trong điều kiện tự do và đảm bảo nhân phẩm, trong điều kiện an ninh kinh tế và cơ hội bình đẳng”… [81, tr.3].