Sự Cần Thiết Phải Bảo Vệ Quyền Của Người Khuyết Tật Trong Pháp Luật Lao Động

trọng ghi nhận và có biện pháp đặc biệt để đảm bảo thực hiện các quyền đặc thù của người khuyết tật nhằm hạn chế tiến tới xóa bỏ rào cản đối với người khuyết tật về mặt xã hội. Nói cách khác, cơ hội tiếp cận và khả năng thụ hưởng quyền của người khuyết tật nếu không được đảm bảo bằng cơ chế pháp lý sẽ dẫn đến tình trạng phụ thuộc vào nhận thức của xã hội về vị thế và các quyền con người cơ bản của họ. Thực tế cho thấy do nhận thức của xã hội còn hạn chế nên người khuyết tật vẫn phải chịu sự kì thị và phân biệt đối xử. Họ bị ghẻ lạnh, bị coi là gánh nặng của gia đình và xã hội. Những hạn chế này đã tạo ra rào cản đối với việc tiếp cận và hưởng thụ quyền của người khuyết tật.

1.2. Sự cần thiết phải bảo vệ quyền của người khuyết tật trong pháp luật lao động

1.2.1. Khái niệm bảo vệ quyền của người khuyết tật

Bảo có nghĩa là giữ, vệ có nghĩa là chống lại. Bảo vệ có nghĩa là “chống lại mọi sự xâm phạm để giữ cho luôn luôn được nguyên vẹn” [101, tr.34]. Theo đó có thể hiểu bảo vệ quyền của người khuyết tật tức là chống lại các hành vi xâm phạm đến quyền của người khuyết tật để giữ cho họ được tham gia vào các quan hệ xã hội và được hưởng các quyền lợi hợp pháp.

Khái niệm bảo vệ quyền của người khuyết tật không được định nghĩa cụ thể trong các văn bản pháp luật quốc tế cũng như luật pháp một số quốc gia như: Mỹ, Anh, Trung Quốc, Nhật Bản và cả Việt Nam. Tuy nhiên, các văn kiện pháp lý quốc tế và các quốc gia có đề cập đến trách nhiệm của các quốc gia phải thực hiện các biện pháp hữu hiệu nhất nhằm mục đích bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của người khuyết tật, giúp cho họ có cơ hội được tiếp cận và thụ hưởng các quyền bình đẳng như mọi thành viên khác trong xã hội. Chẳng hạn, Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật 2006 quy định: “Các quốc gia thành viên cam kết sẽ bảo đảm và thúc đẩy sự công nhận đầy đủ tất cả các quyền con người và tự do của tất cả người khuyết tật mà không có bất cứ hình thức phân biệt đối xử nào do bị khuyết tật” [38, Điều 4, Khoản 1]. Ngoài ra, Công ước còn quy định các biện pháp bảo vệ quyền của người khuyết tật mà các quốc gia thành viên phải cam kết thực hiện như:

Cung cấp các dịch vụ y tế đặc biệt nhằm phát hiện, ngăn ngừa và giảm thiểu khuyết tật [38, Điều 25-b]; Tạo điều kiện cho người khuyết tật được tiếp cận phương tiện, thiết bị hỗ trợ, sử dụng ngôn ngữ kí hiệu, chữ Braille; Kêu gọi và khuyến khích các cơ sở cung cấp các dịch vụ truyền thông dưới các dạng dễ tiếp cận và dễ sử dụng cho người khuyết tật [38, Điều 20, 21]…

Luật người khuyết tật của Mỹ (ADA – Americans with Disabilities Act) sửa đổi năm 1990 khẳng định mục đích của đạo luật là: “Đưa ra một chương trình quốc gia rõ ràng và chi tiết nhằm xóa bỏ phân biệt đối xử và đưa ra các tiêu chuẩn rõ ràng, nhất quán, khả thi để giải quyết việc phân biệt đối xử với người khuyết tật thông qua việc tái lập phạm vi bảo vệ sẵn có theo đạo luật này” [74].

Trong lời nói đầu của Đạo luật chống phân biệt đối xử với người khuyết tật Anh năm 1995 (DDA – Disability Discrimination Act) có nêu:

Đạo luật nhằm chống lại sự phân biệt đối xử với người khuyết tật trong lĩnh vực việc làm, cung ứng hàng hóa, phương tiện và dịch vụ, chuyển nhượng hoặc quản lý tài sản; xây dựng các quy định về việc làm cho người khuyết tật và thành lập một Ủy ban Quốc gia về Người khuyết tật [112].

Hay như Luật cơ bản về người khuyết tật của Nhật Bản quy định: “Trên cơ sở những nguyên tắc đoàn kết dân tộc, xã hội phải khuyến khích, động viên sự hợp tác nhằm nâng cao phúc lợi xã hội cho người khuyết tật” [75, Điều 5].

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 126 trang tài liệu này.

Trên cơ sở các quy định của pháp luật quốc tế và một số quốc gia như trên có thể hiểu bảo vệ quyền của người khuyết tật được hiểu là các cam kết, mong muốn, quy định nhằm tạo ra sự bình đẳng và cơ hội tiếp cận cho người khuyết tật trên mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế, chính trị, xã hội và chỉ có ý nghĩa khi được bảo đảm bằng các biện pháp khác nhau chống lại mọi hành vi vi phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khuyết tật [91].

Trong quan hệ lao động luôn tồn tại sự bất bình đẳng giữa NLĐ với NSDLĐ, NLĐ bị phụ thuộc về mặt tổ chức, phụ thuộc về kinh tế, phụ thuộc về môi trường làm việc… Đặc biệt, người khuyết tật khi tham gia vào quan hệ lao động với tư

Bảo vệ quyền của người khuyết tật trong pháp luật lao động Việt Nam - Thực trạng và giải pháp - 4

cách là NLĐ lại là nhóm người dễ bị tổn thương và thiệt thòi gấp nhiều lần so với người bình thường. Do đó các quyền và lợi ích hợp pháp của họ khó có thể đảm bảo. Vì vậy, một trong những nhiệm vụ hàng đầu của pháp luật nói chung và pháp luật lao động nói riêng là phải bảo vệ được người khuyết tật – nhóm người yếu thế khi tham gia vào các quan hệ lao động.

Công ước 159 (1983) về tái thích ứng nghề nghiệp và việc làm của người khuyết tật của ILO quy định: “Mọi nước thành viên phải coi mục đích của tái thích ứng nghề nghiệp là làm cho mọi người khuyết tật có thể tìm được và duy trì được một việc làm thích hợp, có thể thăng tiến về mặt nghề nghiệp, và do đó được dễ dàng trong việc hòa nhập hoặc tái hòa nhập vào xã hội” [80, Điều 1-2].

Trên cơ sở quy định của pháp luật quốc tế và một số quốc gia, chúng ta có thể đưa ra khái niệm bảo vệ quyền của người khuyết tật trong pháp luật lao động là việc quy định trong pháp luật lao động các biện pháp, phương thức nhằm giúp cho người khuyết tật có được sự bình đẳng về cơ may tìm được và duy trì được một việc làm thích hợp, có thể thăng tiến về mặt nghề nghiệp và bình đẳng về đối xử giữa những người lao động khuyết tật với nhau và giữa những người lao động khuyết tật với những người lao động khác, và được bảo đảm bằng các biện pháp khác nhau chống lại mọi hành vi vi phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khuyết tật.

1.2.2. Nguyên tắc bảo vệ quyền của người khuyết tật

1.2.2.1. Nguyên tắc bình đẳng và không phân biệt đối xử

Nguyên tắc này xuất phát từ quan điểm cho rằng tất cả mọi người dù họ khác nhau về thể lực, trí lực và các đặc điểm khác thì đều có giá trị, tầm quan trọng ngang nhau và đều phải được bảo vệ như nhau. Vì vậy họ có quyền được đối xử công bằng và không bị phân biệt trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

Nguyên tắc này được thể hiện rõ nét trong Quy tắc tiêu chuẩn về bình đẳng cơ hội đối với người khuyết tật được Đại hội đồng Liên hiệp quốc thông qua năm 1993:

Người khuyết tật là các thành viên của xã hội, có quyền cùng tồn tại với cộng đồng. Họ phải được sự trợ giúp cần thiết trong các cơ cấu thông thường thuộc các lĩnh vực y tế, giáo dục, việc làm và các dịch vụ

xã hội. Xã hội phải tạo điều kiện cho người khuyết tật thực hiện được quyền và nghĩa vụ tương tự như các thành viên khác và phải được công nhận đây là một phần trong quá trình đạt tới sự bình đẳng [37].

Sau đó, trong Lời nói đầu Công ước Quốc tế về Quyền của người khuyết tật năm 2006 lại tái khẳng định:

Thừa nhận tầm quan trọng của các nguyên tắc và định hướng chính sách được ghi nhận tại Chương trình hành động thế giới về người khuyết tật và các Quy tắc tiêu chuẩn về bình đẳng hóa cơ hội cho người khuyết tật trong tác động đối với việc khuyến khích, xây dựng và đánh giá chính sách, kế hoạch, chương trình hành động ở các cấp quốc gia, khu vực và quốc tế nhằm mục đích tăng cường bình đẳng hóa cơ hội cho người khuyết tật (khoản f); Đồng thời thừa nhận rằng phân biệt đối xử chống lại bất kỳ người nào trên cơ sở sự khuyết tật là vi phạm phẩm giá vốn có của con người [38, Khoản h].

Pháp luật các nước trên thế giới ở những mức độ khác nhau cũng đã quy định vấn đề này trong các văn bản luật. Chẳng hạn, Luật người khuyết tật Mỹ 1990 quy định nguyên tắc chung: “Không đối tượng áp dụng nào được phép phân biệt đối xử với một cá nhân đủ năng lực chuyên môn vì lý do khuyết tật trong các thủ tục xin việc, tuyển dụng, thăng tiến, sa thải, bồi thường, huấn luyện hoặc các điều khoản, điều kiện và quyền tuyển dụng khác” [74, Tiểu chương 1, Phần 12112, Khoản a]. Hay Luật Bảo hộ người khuyết tật Trung Quốc cũng có nêu:

Người khuyết tật được hưởng quyền bình đẳng với các công dân khác về chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội, trong cuộc sống gia đình và các khía cạnh khác… Cấm việc phân biệt đối xử, xúc phạm và xâm phạm người khuyết tật [31, Điều 3]; Không phân biệt đối xử đối với người khuyết tật trong việc làm, tuyển dụng, quy định địa vị, thăng chức, xác định các chức danh kĩ thuật hoặc nghiệp vụ, thanh toán cho người lao động, phúc lợi xã hội, bảo hiểm lao động hoặc trong các khía cạnh khác [31, Điều 34].

Về phương diện pháp lý, nguyên tắc bình đẳng và không phân biệt đối xử có thể được tiếp cận với các khía cạnh khác nhau trong luật pháp và dẫn đến các hậu quả không giống nhau. Mặt khác để có cơ sở xác định một hành vi có phải là bình đẳng hoặc phân biệt đối xử với người khuyết tật hay không cần có các tiêu chí xác định mang tính pháp lý được cơ quan có thẩm quyền quy định [81, tr.18-20, 27-29].

Trong quan hệ lao động, người khuyết tật phải được bảo vệ một cách bình đẳng, không phân biệt về giới, về ngành nghề, về khu vực kinh tế. Không có sự phân biệt giữa người khuyết tật với người không khuyết tật, giữa người khuyết tật làm việc bán thời gian và người khuyết tật làm việc toàn thời gian, giữa người khuyết tật là thành viên công đoàn và người khuyết tật không phải là thành viên công đoàn, giữa người khuyết tật nam và người khuyết tật nữ… như quy định của Công ước của ILO về Tái thích ứng nghề nghiệp và việc làm của người khuyết tật 1983:

Chính sách đó phải dựa trên nguyên tắc bình đẳng về cơ may giữa những người lao động khuyết tật và những người lao động nói chung. Quyền bình đẳng về cơ may và đối xử giữa người lao động nam giới khuyết tật với người lao động nữ giới khuyết tật phải được tôn trọng. Những biện pháp tích cực chuyên nhằm bảo đảm quyền bình đẳng thực sự về cơ may và về đối xử giữa những người lao động khuyết tật với những người lao động khác sẽ không được coi là có tính phân biệt đối xử với những người lao động khác [80, Điều 1-2].

Như vậy, một cách chung nhất, nguyên tắc bình đẳng ở đây được hiểu là sự ngang nhau trong việc tiếp cận các cơ hội về học tập, việc làm, chăm sóc sức khoẻ, dịch vụ công… của người khuyết tật trong mọi điều kiện, hoàn cảnh. Tuy nhiên, nguyên tắc bình đẳng không có nghĩa là bằng nhau hoặc như nhau. Người khuyết tật gặp phải những dạng tật khác nhau và mức độ khuyết tật không giống nhau cần phải được sự bảo vệ quyền khác nhau. Ví dụ: Một người bị khuyết tật đặc biệt nặng cần phải có sự bảo trợ hoàn toàn của xã hội, trong khi một người bị khuyết tật nhẹ thì không cần phải như vậy. Tương tự, việc ngăn cấm phân biệt đối xử không có nghĩa là quy cho mọi hình thức phân biệt là trái pháp luật. Trong quan hệ lao động, người

sử dụng lao động có quyền yêu cầu người lao động phải có những kỹ năng và trình độ cần thiết mà công việc hoặc môi trường công việc đòi hỏi và những yêu cầu này là chính đáng. Do đó, dẫn đến khả năng loại trừ một số người khuyết tật khỏi danh sách người tham gia làm việc, nhưng những trường hợp như vậy không được coi là phân biệt đối xử. Chẳng hạn: Một công ty vệ sĩ tuyển nhân viên và đưa ra những tiêu chuẩn về hình thức, sức khỏe, chiều cao, phản xạ… dẫn đến người khuyết tật (khiếm thính, khiếm thị…) không được vào làm việc. Những yêu cầu trong trường hợp như trên là hợp pháp và đúng mức, do vậy nó đơn thuần là một yêu cầu mang tính nghề nghiệp và không bị coi là phân biệt đối xử.

1.2.2.2. Nguyên tắc tham vấn người khuyết tật, các đối tác xã hội và tổ chức

xã hội

Cơ sở của nguyên tắc này là cam kết của cộng đồng quốc tế trong Các nghĩa

vụ chung, Công ước về quyền của người khuyết tật:

Trong việc xây dựng và thực thi luật pháp và chính sách để thực hiện Công ước này và trong quá trình ra quyết định về những vấn đề có liên quan tới người khuyết tật, các quốc gia thành viên cần có sự tham vấn chặt chẽ và tham gia tích cực của người khuyết tật, bao gồm cả trẻ em khuyết tật, thông qua các tổ chức đại diện của họ [38, Điều 4, Khoản 3].

Công ước của 159 của ILO cũng có quy định:

Mọi nước thành viên phải theo điều kiện, tập quán và khả năng quốc gia để hình thành, thực hiện và định kỳ xem xét lại chính sách quốc gia đối với việc tái thích ứng nghề nghiệp cho những người khuyết tật [80, Điều 2] và Các tổ chức đại diện của người lao động và của người sử dụng lao động đều phải được hỏi ý kiến về việc thực hiện chính sách nói trên, kể cả những biện pháp phải tiến hành để xúc tiến sự hợp tác và phối hợp giữa các thiết chế công và tư đang làm công việc tái thích ứng nghề nghiệp. Các tổ chức đại diện của những người khuyết tật hoặc đang phụ trách những người khuyết tật cũng phải được tham khảo ý kiến [80, Điều 5].

Nội dung nguyên tắc này được hiểu là khi ban hành hoặc phê chuẩn văn bản pháp luật, chính sách về bảo vệ quyền của người khuyết tật các nhà lập pháp, xây dựng chính sách cần tham vấn rộng rãi mọi cá nhân hoặc tổ chức, đặc biệt là người khuyết tật và các tổ chức đại diện cho họ, các tổ chức xã hội liên quan (ví dụ: công đoàn và tổ chức đại diện của người sử dụng lao động), các tổ chức cung cấp dịch vụ cho người khuyết tật, các chuyên gia tư vấn độc lập… Mỗi tổ chức, cá nhân này dưới góc nhìn và kinh nghiệm của họ đưa đến những cách tiếp cận khác nhau về vấn đề cần giải quyết. Tổng hợp lại sẽ cho người làm luật, hoạch định chính sách có cái nhìn tổng quát để giải quyết vấn đề trên cơ sở sự hài hòa giữa quyền của người khuyết tật với lợi ích chung của cộng đồng, xã hội phù hợp với điều kiện chính trị, kinh tế, xã hội cụ thể. Tuy nhiên, phương pháp, cách thức tổ chức tham vấn, vị trí cũng như giá trị tham vấn của tổ chức, cá nhân là khác nhau tùy thuộc vào mô hình tổ chức của mỗi quốc gia [91].

1.2.2.3. Nguyên tắc đảm bảo hội nhập và thực thi các cam kết quốc tế

Trong nửa thế kỷ qua, đã có nhiều sáng kiến (công ước, khuyến nghị, tuyên bố, chương trình hành động…) nhằm bảo vệ quyền của người khuyết tật và thay đổi nhận thức của xã hội về vấn đề người khuyết tật. Kết quả cụ thể nhất về mặt pháp lý của quá trình này là ngày 13 tháng 12 năm 2006, Liên hợp quốc đã thông qua Công ước về quyền của người khuyết tật. Đến nay đã có 150 quốc gia ký tham gia, trong đó 50 quốc gia đã phê chuẩn. Trong đó có quy định về cam kết của các nước thành viên trong việc nội luật hóa các quy định của pháp luật quốc tế vào pháp luật quốc gia. Cụ thể, Công ước quy định:

Các quốc gia thành viên cam kết bảo đảm và thúc đẩy việc biến các quyền và tự do cơ bản của con người thành hiện thực đối với mọi người khuyết tật mà không có bất kỳ sự phân biệt đối xử nào trên cơ sở sự khuyết tật. Nhằm mục đích này, các quốc gia thành viên cam kết:

a. Thông qua các biện pháp lập pháp, hành pháp hoặc các biện pháp khác để thi hành các quyền được thừa nhận trong Công ước này;

b. Tiến hành mọi biện pháp thích hợp, trong đó có lập pháp, để

sửa đổi hoặc hủy bỏ các luật, quy định, tập quán và thông lệ hiện hành có tính chất phân biệt đối xử đối với người khuyết tật;

c. Cân nhắc việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người của người khuyết tật trong tất cả các chính sách và chương trình;

d. Không có bất kỳ hành vi hoặc thực tiễn nào trái với Công ước này và bảo đảm rằng mọi thể chế và cơ quan công quyền hành xử phù hợp với Công ước này… [38, Điều 4, Khoản 1].

Các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan sau khi phê chuẩn Công ước đều có sự điều chỉnh lại các quy định của luật người khuyết tật trong nước cho phù hợp với nguyên tắc chung của Công ước về quyền của người khuyết tật.

Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) có nhiệm vụ đảm bảo các điều kiện lao động bình đẳng và phù hợp trên toàn thế giới thông qua việc soạn thảo các tiêu chuẩn để các quốc gia phê chuẩn dưới hình thức công ước và khuyến nghị về lao động quốc tế, trong đó có các văn kiện về bảo vệ quyền của người khuyết tật như: Công ước số 111 về Phân biệt đối xử trong lĩnh vực việc làm và nghề nghiệp năm 1958; Công ước số 159 về Tái thích ứng nghề nghiệp và việc làm của người khuyết tật năm 1983… Theo đó, Công ước số 159 cũng đưa ra quy định về việc nội luật hóa các quy định của Công ước như là một nguyên tắc mà mỗi nước thành viên đều phải cam kết thực hiện “Mọi nước thành viên phải theo điều kiện, tập quán và khả năng quốc gia để hình thành, thực hiện và định kỳ xem xét lại chính sách quốc gia đối với việc tái thích ứng nghề nghiệp cho những người khuyết tật” [80, Điều 2].

Để người khuyết tật được hưởng đầy đủ và bình đẳng các quyền con người, quyền tự do cơ bản mang tính toàn cầu và tạo điều kiện tham gia bình đẳng vào các hoạt động xã hội; đồng thời xây dựng xã hội không rào cản, các quốc gia cần tiếp tục nội luật hóa các quy định của pháp luật quốc tế trên cơ sở xem xét và phê chuẩn các văn kiện pháp lý quốc tế liên quan đến quyền và bảo vệ quyền của người khuyết tật. Có như vậy, quyền của người khuyết tật mới được bảo vệ một cách toàn diện không chỉ trong phạm vi quốc gia và còn trên toàn thế giới.

Xem tất cả 126 trang.

Ngày đăng: 16/12/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí