Nhận Diện Một Số Sai Phạm Của Người Thi Hành Công Vụ Dẫn Đến Thiệt Hại Giúp Người Dân Nhận Thức Và Tự Bảo Vệ Quyền

2.2.3. Nhận diện một số sai phạm của người thi hành công vụ dẫn đến thiệt hại giúp người dân nhận thức và tự bảo vệ quyền

Đối với các CQNN trong lĩnh vực quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án, việc mọi cán bộ, công chức tại các CQNN phải nắm bắt chặt chẽ, đầy đủ các quy định của nhiều văn bản quy phạm pháp luật như Bộ luật Dân sự, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Đất đai, Luật Nhà ở… là điều không thể. Không phải chỉ ở Việt Nam, mà trên thế giới cũng vậy, một công chức nhà nước làm việc tại CQNN trong chính lĩnh vực công tác của mình khó có thể nắm bắt được hết các quy định của pháp luật chuyên ngành liên quan. Có những trường hợp giải quyết vụ án tại tòa án, hay giải quyết một vụ việc thi hành án mà công chức phải đồng thời áp dụng tất cả các văn bản nêu trên để thực hiện. Có thể thấy ngay được hoạt động này sẽ tiềm ẩn nguy cơ rất lớn việc phát sinh TNBTCNN. Qua thực tiễn, học viên cho rằng một số sai phạm, nguyên nhân chủ yếu thường làm phát sinh TNBTCNN sẽ xảy ra những trường hợp cụ thể như phân tích dưới đây. Có thể những nghiên cứu này, sẽ giúp ích cho người dân tự bảo vệ mình, bảo vệ lợi ích của mình và bảo vệ quyền của mình về bồi thường nhà nước.

2.2.3.1. Một số sai phạm chủ yếu phát sinh TNBTCNN trong hoạt động thi hành án

Thứ nhất, là việc Chấp hành viên thực hiện không đúng thẩm quyền trong việc ra và tổ chức thực hiện các quyết định về THADS; ra quyết định về THADS không đủ căn cứ quy định của pháp luật; vi phạm trình tự, thủ tục trong quá trình tổ chức thực hiện các quyết định về THADS, chủ yếu là ở khâu kê biên và xử lý tài sản của người phải thi hành án để bảo đảm nghĩa vụ thi hành án và trường hợp đặc biệt gây ra sai phạm là dù không phải là cơ quan gây ra thiệt hại nhưng cơ quan THADS vẫn là cơ quan có trách nhiệm bồi thường cũng đã xảy ra trên thực tiễn.

Ví dụ: Điển hình trong trường hợp này là vụ việc ông H.H.L yêu cầu Cục THADS Tp C.T bồi thường. Ông L là người trúng đấu giá căn nhà và đất 104,5m2 của gia đình bà T là người phải thi hành án. Quá trình xác định loại đất để kê biên để bán đấu giá là đất thổ cư trên cơ sở lấy kết quả xác minh từ UBND Phường sở tại và Sở Địa chính trong khi đất này chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ông L được bàn giao đất ngày 02/5/1996. Năm 2000, khi ông L tiến hành thủ tục đăng ký quyền sử dụng đất, thì cơ quan thuế yêu cầu nộp tiền chuyển mục đích sử dụng đất do trước đó, Chi Cục quản lý đất đai tỉnh CT xác nhận đất này là đất vườn. Ông L đã yêu cầu cơ quan THADS bồi thường số tiền mà ông phải nộp để chuyển mục đích sử dụng đất. Trong vụ việc nêu trên, có thể dễ dàng nhận thấy trách nhiệm chủ yếu thuộc về cán bộ địa chính của UBND phường AC cũng như của Sở TN&MT khi cung cấp thông tin sai về tình trạng và loại đất. Tuy nhiên, do cơ quan THADS là cơ quan chịu trách nhiệm chính trong vụ việc nên vẫn phải thực hiện trách nhiệm bồi thường đối với người bị thiệt hại.

Thứ hai, là việc sai phạm trong chính việc giải quyết bồi thường do xác định pháp luật áp dụng để giải quyết bồi thường chưa đúng quy định

Theo quy định tại Điều 66 về điều khoản chuyển tiếp thì đối với các trường hợp được bồi thường theo Nghị định số 47/CP đến thời điểm Luật TNBTCNN có hiệu lực mà còn thời hiệu nhưng chưa yêu cầu Nhà nước bồi thường hoặc đã yêu cầu nhưng chưa được thụ lý thì áp dụng các quy định của Luật TNBTCNN để giải quyết. Mặc dù Luật TNBTCNN quy định rất rõ về xác định pháp luật áp dụng để giải quyết bồi thường như trên nhưng một số cơ quan THADS vẫn xác định pháp luật áp dụng không đúng.

Ví dụ: Điển hình là vụ việc Bà T yêu cầu Chi cục THADS huyện Di Linh tỉnh Lâm Đồng bồi thường. Vụ việc phát sinh từ năm 1997 khi TAND huyện Di Linh đã ra Bản án số 44/DSST yêu cầu bà T có trách nhiệm trả nợ

cho bà L số tiền là 48.289.936đ. Tuy nhiên, do bà Tkhông tự nguyện thi hành án và khiếu nại về nội dung bản án này vì cho rằng trình tự xét xử của Tòa án không đúng pháp luật. Do đó, cơ quan THA huyện Di Linh đã cưỡng chế thi hành án bằng biện pháp kê biên tài sản. Việc kê biên tài sản đã dẫn đến thiệt hại cho bà T và bà đã khiếu nại hành vi đó và cơ quan THADS huyện Di Linh đã ra quyết định giải quyết khiếu nại cho bà. Đến nay vụ việc vẫn chưa được giải quyết xong. Sai phạm của Chi cục THADS huyện Di Linh là ở chỗ, toàn bộ quy trình giải quyết bồi thường được thực hiện theo quy định theo quy định của Nghị định số 47/CP. Tuy nhiên, đến giai đoạn ra Quyết định giải quyết bồi thường sau khi kết thúc việc thương lượng thì Chi cục THADS huyện Di Linh lại căn cứ vào Luật TNBTCNN để ra Quyết định.

Thứ ba, là việc cơ quan THADS từ chối thụ lý đơn yêu cầu bồi thường trái pháp luật bởi một số cơ quan THADS do hiểu không đúng về quy định của pháp luật về BTNN nên đã từ chối thụ lý yêu cầu bồi thường của người bị thiệt hại khi trong đơn yêu cầu bồi thường của người bị thiệt hại có kèm theo căn cứ yêu cầu bồi thường là văn bản xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ, tuy nhiên, trong văn bản đó không hiển thị việc giao trách nhiệm giải quyết bồi thường cho cơ quan mình.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 124 trang tài liệu này.

Ví dụ: Điển hình là vụ việc bà T yêu cầu Cục THADS tỉnh Tây Ninh bồi thường. Trong vụ việc này, bà T đã có Quyết định giải quyết khiếu nại lần 2 của Tổng cục THADS, trong đó, xác định khiếu nại của bà là có cơ sở và văn bản này là căn cứ để bà T thực hiện quyền yêu cầu bồi thường của mình. Tuy nhiên, sau khi bà T có đơn yêu cầu bồi thường ngày 22/01/2014 thì Cục THADS tỉnh Tây Ninh có công văn từ chối thụ lý đơn yêu cầu bồi thường vì cho rằng nội dung quyết định giải quyết khiếu nại không kết luận việc cơ quan THADS phải bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do quyết định, hành vi trái pháp luật gây ra được quy định tại khoản 8 Điều 153 Luật THADS năm

2008. Theo quy định của Luật TNBTCNN thì việc giải quyết bồi thường thuộc trách nhiệm đồng thời cũng là thẩm quyền của cơ quan có TNBT và được thực hiện trên cơ sở quy định của pháp luật. Do đó, việc Quyết định giải quyết khiếu nại lần 2 của Tổng cục THADS không nêu về quyền yêu cầu bồi thường của bà T là đúng quy định của pháp luật và không phải là cơ sở để Cục THADS tỉnh Tây Ninh từ chối thụ lý đơn yêu cầu bồi thường của bà.

Bảo vệ quyền con người trong pháp luật trách nhiệm bồi thường nhà nước ở Việt Nam - 11

Thứ tư, là việc cơ quan THADS chưa thực hiện xong nghiệp vụ về THADS

Ví dụ: vụ việc bà L là người trúng đấu giá tài sản năm 12/2000 là ngôi nhà của bà S do bà S không tự nguyện thi hành án. Bà L sau khi trúng đấu giá đã nộp đủ tiền cho Trung tâm bán đấu giá tài sản nhưng không nhận được tài sản do bà S liên tục có khiếu nại về việc có vi phạm trong thủ tục bán đấu giá tài sản. Do không nhận được nhà, bà L đã khiếu nại và cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại xác định cơ quan THADS quận Thốt Nốt đã có sai phạm là vừa có quyết định bán đấu giá lại vừa cho bà S tự nguyện trả tiền thi hành án. Việc Chi cục THADS quận Thốt Nốt đưa tài sản ra bán đấu giá nhưng vẫn tiếp tục thu tiền của người phải thi hành án khi tài sản đã bán đấu giá thành là không có căn cứ pháp luật. Đến ngày 16/7/2013, bà L đã có đơn yêu cầu bồi thường đến Chi cục THADS quận Thốt Nốt yêu cầu giao nhà và đất cho bà hoặc bồi thường.

Từ ví dụ này có thể thấy việc lạm dụng quyền của một số CQNN ở địa phương đã ảnh hưởng rất lớn tới tài sản, tới quyền của người dân. Gây thiệt hại cho cả người dân lẫn hao hụt ngân sách nhà nước do việc BTNN mà Nhà nước phải chi trả cho người bị thiệt hại.

2.2.3.2. Một số sai phạm chủ yếu phát sinh TNBTCNN trong hoạt động quản lý hành chính

Thứ nhất, là việc công chức cơ quan hành chính thực hiện việc thu tiền sử dụng đất sai quy định. Đây là trường hợp vi phạm diễn ra khá phổ biến

trong những năm gần đây. Ví dụ đối với vụ việc của bà R, tỉnh Quảng Ninh yêu cầu UBND huyện Vân Đồn tỉnh Quảng Ninh bồi thường đối với việc không công nhận 2000m2 đất ở và yêu cầu bà R nộp tiền sử dụng đất trái pháp luật, dẫn đến thiệt hại cho bà và bà R đã khiếu nại và yêu cầu bồi thường đối với hành vi này.

Thứ hai, sai phạm trong việc giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tái định cư; cấp hoặc thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và các tài sản khác gắn liền với đất như ví dụ vụ việc của ông H, thị xã Cẩm Phả yêu cầu UBND tỉnh Quảng Ninh bồi thường do việc ra Quyết định cấp đất, thu hồi đất và tổ chức cưỡng chế giải phóng mặt bằng trái pháp luật.

Thứ ba, sai phạm trong việc chậm trả tiền đền bù đất dẫn đến thiệt hại về lãi phát sinh trong quá trình chậm trả, ví dụ như trường hợp của ông C, Long An yêu cầu Ban Quản lý dự án công trình giao thông – Sở Giao thông vận tải tỉnh Long An bồi thường do việc chi trả không đúng, không đủ tiền bồi thường, hỗ trợ công trình nâng cấp mở rộng QL1 đoạn qua thành phố Tân An. Cụ thể là thay vì phải bồi thường cho ông C với đủ 72 m2 với số tiền 432.000.000 đồng thì Hội đồng bồi thường và Ban Quản lý dự án công trình chỉ bồi thường 50% đất đối với 36 m2. Trong quá trình chờ tiền bồi thường, bà M, mẹ ông C, đã vay của Ngân hàng 300.000.000 đồng để sửa lại nhà nhưng do việc bồi thường chậm kéo dài hơn 3 năm nên ông và mẹ ông không có tiền để trả ngân hàng, cũng như tiền lãi phát sinh.

2.2.3.3. Một số sai phạm chủ yếu phát sinh TNBTCNN trong hoạt động tố tụng

Sai phạm trong hoạt động tố tụng do các cơ quan tiến hành tố tụng gây ra chủ yếu do việc thực hiện sai trình tự, thủ tục điều tra, xét xử, truy tố, xét

xử. Bên cạnh đó, còn có một sai phạm nữa nguyên nhân tới từ hai hướng: một là việc tắc trách bỏ quên hồ sơ của bị can trong nhiều năm; hai là việc cố tình bỏ quên hồ sơ bị can cho đến khi bị phát hiện hoặc bị tố giác. Ngoài ra, việc cơ quan tiến hành tố tụng lạm dụng việc ban hành quyết định miễn truy cứu trách nhiệm hình sự khi dự đoán có dấu hiệu gây thiệt hại xảy ra cho người dân, để tránh trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Bởi lẽ, theo quy định của Luật TNBTCNN thì trường hợp được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự không thuộc phạm vi được bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự.

2.3. Đánh giá chung về pháp luật TNBTCNN

2.3.1. Pháp luật về TNBTCNN có phù hợp với Nhà nước pháp quyền không?

Luật TNBTCNN có ý nghĩa sâu sắc trong việc khẳng định chính sách của Đảng và Nhà nước ta trong việc thực hiện các mục tiêu xây dựng Nhà nước Pháp quyền xã hội chủ nghĩa, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, đồng thời góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm trong thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức ở nước ta hiện nay. Luật thể hiện tính dân chủ hoá trong đời sống xã hội, khi công dân tham gia vào các quan hệ pháp luật cụ thể. Đặc biệt Luật đã đặt địa vị pháp lý của người dân ngang bằng với vị trí Nhà nước, nghĩa là Luật cho phép người dân có quyền yêu cầu, khởi kiện và Nhà nước phải bồi thường khi các công chức, viên chức của mình có lỗi. Tuy nhiên, qua thực tiễn thi hành Luật TNBTCNN những năm qua cho thấy, một số quy định của Luật TNBTCNN đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, mâu thuẫn trong nội bộ Luật cũng như với một số văn bản hiện hành [14, tr.25].

Có thể thấy, tại thời điểm ban hành Luật TNBTCNN thì nội dung của Luật này được xây dựng phù hợp với quy định của một số đạo luật có liên quan như Luật Khiếu nại, tố cáo, Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính... Ví dụ, phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động

quản lý hành chính được xây dựng trên cơ sở phạm vi khiếu nại quy định trong Luật Khiếu nại, tố cáo và phạm vi đối tượng khởi kiện vụ án hành chính quy định trong Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính. Cả hai luật nêu trên nay đã được thay thế bằng các Luật: Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo năm 2011 và Luật Tố tụng hành chính, tố tụng dân sự năm 2010. Theo đó, thẩm quyền của Tòa án trong hoạt động tố tụng dân sự đã được mở rộng hơn, cụ thể, Tòa án có thẩm quyền khi xét xử các tranh chấp dân sự có quyền hủy bỏ các quyết định của cơ quan, tổ chức mà trong đó có các quyết định của cơ quan hành chính nhà nước. Đồng thời, việc pháp luật Việt Nam có những nguyên tắc thể hiện rõ mọi hành vi vi phạm pháp luật của người thi hành công vụ gây ra thiệt hại phải được xử lý nghiêm minh trước pháp luật thông qua việc xem xét trách nhiệm hoàn trả để gánh một phần trách nhiệm và xử lý người thi hành công vụ tương ứng với mức độ lỗi và hành vi trái pháp pháp luật. Mục đích của việc xử lý kỷ luật và xem xét trách nhiệm hoàn trả thông qua yếu tố lỗi của người thi hành công vụ không chỉ là trừng trị mà chủ yếu là giáo dục, cải tạo, răn đe và phòng ngừa tội phạm. Đây là yêu cầu cơ bản để bảo đảm quyền con người trong nhà nước pháp quyền.

Tuy nhiên, đến nay, Hiến pháp sửa đổi 2013 và một số Luật chuyên ngành đã có nhiều thay đổi theo hướng quy định rõ hơn các quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Do đó, trong điều kiện Hiến pháp và các đạo luật khác có liên quan đến Luật TNBTCNN đã thay đổi thì việc sửa đổi, bổ sung Luật TNBTCNN là một đòi hỏi tất yếu để phù hợp với giai đoạn phát triển thời kỳ này của Nhà nước ta.

2.3.2. Quyền con người về bồi thường nhà nước có phù hợp với pháp luật quốc tế hay không?

Để đánh giá quyền con người về BTNN có phù hợp với pháp luật quốc tế hay không, thì phải đánh giá được các quyền con người quy định trong

Luật TNBTCNN so với quy định về các quyền cơ bản của con người trong pháp luật quốc tế, cụ thể là:

- Quyền sống được quy định tại một số văn bản quốc tế về quyền con người, bao gồm: Điều 3 của Tuyên ngôn thế giới về quyền con người năm 1948 (UDHR); Điều 3,4,5,7 của Công ước về ngăn ngừa và chừng trị tội diệt chủng năm 1948 (CPPCG); Điều 6 của Công ước về quyền dân sự, chính trị năm 1966 (ICCPR) và Điều 1 Công ước về không áp dụng thời hiệu tố tụng đối với tội ác chiến tranh và tội ác chống lại nhân loại năm 1968. Theo đó, Điều 6 ICCPR quy định: “mọi người đều có quyền cố hữu là được sống. Quyền này phải được pháp luật bảo vệ. Không ai có thể bị tước mạng sống một cách tùy tiện” [25, tr.4]. Điều này có nghĩa là trong bất kỳ hoàn cảnh nào, kể cả trong tình trạng khẩn cấp của quốc gia như chiến tranh, tội phạm diệt chủng hay tội phạm chống lại nhân loại thì quyền này cũng không thể bị vi phạm. Việt Nam là thành viên của Công ước này, và “hệ thống quy phạm pháp luật liên quan đến quyền sống đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất; về cơ bản, phù hợp với các chuẩn mực nền theo quy định của ICCPR” [25, tr.5]. Theo đó, Luật TNBTCNN mở rộng các loại thiệt hại được bồi thường bao gồm thiệt hại về vật chất do người bị thiệt hại chết (Điều 48) và thiệt hại về vật chất do bị tổn hại về sức khỏe (Điều 49). Như vậy, đối với việc quy định về thiệt hại được bồi thường trong Luật TNBTCNN cơ bản là phù hợp với pháp luật quốc tế liên quan đến quyền sống của con người.

- Quyền bất khả xâm phạm, không bị tra tấn, nhục hình và được đối xử nhân đạo được quy định tại Điều 1, 3, 5 UDHR trong đó khẳng định “không ai bị tra tấn, hay bị đối xử, xử phạt một cách tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ thấp nhân phẩm” [28, tr.15] và Điều 7, 17 của ICCPR quy định việc không ai bị xâm phạm bất hợp pháp đến danh dự và uy tín. Pháp luật quốc tế đã nhấn mạnh và khẳng định mọi người đều có quyền được pháp luật bảo vệ chống lại những

Xem tất cả 124 trang.

Ngày đăng: 16/12/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí