trọng nhất của con người. Vì vậy, việc Bộ luật TTHS năm 1988 coi việc bảo đảm quyền này là một trong những nguyên tắc cơ bản của luật TTHS đã thể hiện rõ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước ta đối với việc bảo vệ quyền con người nói chung, bảo vệ quyền bất khả xâm phạm về thân thể của con người nói riêng.
Trong các biện pháp ngăn chặn được quy định trong pháp luật TTHS, các biện pháp bắt, tạm giữ, tạm giam là các biện pháp nghiêm khắc nhất, đụng chạm trực tiếp đến quyền bất khả xâm phạm về thân thể của công dân đã được ghi nhận trong Hiến pháp. Việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ các biện pháp này đòi hỏi vừa phải có căn cứ, đúng pháp luật, vừa góp phần tích cực đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân được tôn trọng và bảo vệ. Các hành vi bức cung, dùng nhục hình trong TTHS không những xâm phạm hoạt động đúng đắn của các cơ quan THTT mà còn xâm phạm nghiêm trọng quyền tự do, dân chủ của công dân. Vì vậy, Bộ luật TTHS năm 1988 đã nghiêm cấm mọi hành vi bức cung, dùng nhục hình. Những người thực hiện hành vi bức cung, dùng nhục hình phải chịu trách nhiệm hình sự về tội dùng nhục hình, tội bức cung.
Bảo hộ tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự và nhân phẩm của công dân được quy định tại Điều 6 Bộ luật TTHS năm 1988. Trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án, NTHTT không được có những việc làm trái pháp luật như đánh đập, dùng nhục hình, mắng chửi bị can, bị cáo hoặc người bị kết án; không được sử dụng vũ khí trái pháp luật trong khi thi hành công vụ làm chết bị can, bị cáo hoặc người bị kết án. Tài sản của bị can, bị cáo hoặc của người bị kết án được pháp luật bảo hộ, không ai có quyền thu giữ một cách trái pháp luật. Nhân phẩm, danh dự của bị can, bị cáo hoặc của người bị kết án được pháp luật bảo hộ, không ai có quyền hành hạ, ngược đãi bị can, bị cáo
hoặc người bị kết án; không được phép khám người mà không có người cùng giới khám.
Bảo đảm quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở, an toàn và bí mật thư tín, điện thoại, điện tín của công dân, được quy định tại Điều 7 BLTTHS năm 1988. Việc Bộ luật TTHS năm 1988 coi việc bảo đảm quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở, an toàn và bí mật thư tín, điện thoại, điện tín của công dân là một nguyên tắc cơ bản của TTHS, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước ta đối với việc bảo vệ quyền con người nói chung, bảo vệ bí mật đời tư của con người nói riêng. Để kịp thời phát hiện, ngăn chặn tội phạm, thu thập chứng cứ, các CQTHTT có quyền tiến hành các biện pháp cưỡng chế TTHS như khám người, chỗ ở, địa điểm, đồ vật, thư tín, bưu kiện, bưu phẩm, thu giữ thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm, tạm giữ đồ vật, tài liệu, kê biên tài sản… nhưng việc tiến hành các biện pháp này phải tuân theo các quy định của Bộ luật TTHS năm 1988. Người ra lệnh, người tiến hành khám xét, kê biên tài sản, thu giữ, tạm giữ đồ vật, tài liệu, thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm trái pháp luật, thì tùy trường hợp mà bị xử lý kỷ luật hoặc phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Bảo đảm quyền bào chữa của bị can, bị cáo được quy định tại Điều 12 Bộ luật TTHS 1988. Nguyên tắc này thể hiện sự tôn trọng quyền con người, bảo đảm công tác điều tra, truy tố, xét xử được khách quan, toàn diện, đầy đủ, tránh được sự chủ quan, phiến diện và phù hợp với pháp luật quốc tế như quy định tại Điểm d Khoản 2 Điều 14 Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966: "Được có mặt trong khi xét xử và được tự bào chữa hoặc nhờ sự giúp đỡ về pháp lý do mình chọn; nếu chưa có sự giúp đỡ về pháp lý thì phải được thông báo về quyền này; trong trường hợp do lợi ích của công lý đòi hỏi, phải bố trí cho người đó một sự giúp đỡ về pháp lý mà người đó không phải trả tiền nếu không có đủ điều kiện trả".
Quyền bào chữa trước hết là quyền tự bào chữa của bị can, bị cáo. Bị can, bị cáo có thể tự mình thực hiện quyền bào chữa để chống lại việc buộc tội hoặc để giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Bào chữa là quyền chứ không phải là nghĩa vụ của bị can, bị cáo. Họ có thể tự bảo chữa một cách tích cực như đề xuất chứng cứ, tham gia tranh luận… Bị can, bị cáo có thể nhờ người khác bào chữa cho mình (luật sư, bào chữa viên nhân dân, người đại diện hợp pháp của bị can, bị cáo). Người bào chữa bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của bị can, bị cáo là góp phần bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ sự thật; ngược lại bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ sự thật sẽ tạo điều kiện, tiền đề cho việc bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của bị can, bị cáo [35, tr.21].
CQĐT, VKS có nhiệm vụ bảo đảm bị can, bị cáo được thực hiện quyền bào chữa của họ. Các CQTHTT phải giải thích cho bị can, bị cáo về quyền bào chữa, tạo điều kiện cho họ tự bào chữa bằng cách đề xuất thu thập chứng cứ, đề xuất thỉnh cầu, được kháng cáo bản án, quyết định của TA… Các CQTHTT phải tạo mọi điều kiện cần thiết cho bị can, bị cáo chọn người bào chữa và trong một số trường hợp do pháp luật quy định, các cơ quan THTT phải bảo đảm có người bào chữa cho bị can, bị cáo. CQĐT, VKS phải tạo mọi điều kiện cần thiết để người bào chữa được nghiên cứu hồ sơ, được tiếp xúc với bị can, bị cáo… phải coi họ là những người góp phần bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, góp phần làm rõ sự thật khách quan của vụ án, chống oan, sai; không được coi người bào chữa là người gây khó khăn cho hoạt động điều tra, truy tố, xét xử.
1.4. Quy định của Bộ luật TTHS hiện hành về các biện pháp khởi tố, điều tra có liên quan đến bảo vệ quyền con người
1.4.1. Quy định của Bộ luật TTHS về quyền hạn và trách nhiệm của các chủ thể tiến hành tố tụng trong giai đoạn khởi tố, điều tra có liên quan đến việc bảo vệ quyền con người
Có thể bạn quan tâm!
- Nhận Thức Chung Về Bảo Vệ Quyền Con Người Trong Tths Việt Nam
- Nhận Thức Chung Về Bảo Vệ Quyền Con Người Trong Giai Đoạn Khởi Tố, Điều Tra Vụ Án Hình Sự
- Chủ Thể Bảo Vệ Quyền Con Người Trong Giai Đoạn Khởi Tố, Điều Tra Vụ Án Hình Sự
- Một Số Quy Định Của Bộ Luật Tths Về Áp Dụng Các Biện Pháp Khởi Tố, Điều Tra Có Liên Quan Đến Bảo Vệ Quyền Con Người
- Những Tồn Tại, Vướng Mắc Trong Hoạt Động Của Cqđt, Vks Liên Quan Vấn Đề Bảo Vệ Quyền Con Người Trong Giai Đoạn Khởi Tố, Điều Tra Vụ Án Hình Sự
- Số Lượng Bị Can Hàng Năm Từ Năm 2010 Đến 2014 Tại Cqđt Các Cấp
Xem toàn bộ 145 trang tài liệu này.
Những NTHTT trong CQĐT, theo Điều 33 Bộ luật TTHS 2003, là TT, PTT CQĐT và ĐTV. Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của TT, PTT CQĐT và ĐTV được quy định tại các điều 34 và 35 Bộ luật TTHS. Các chủ thể này chịu trách nhiệm chính trong việc thu thập chứng cứ chứng minh tội
phạm và người phạm tội tại giai đoạn khởi tố, điều tra vụ án hình sự. Điều này xuất phát từ nhiệm vụ của giai đoạn khởi tố, điều tra trong quá trình giải quyết vụ án hình sự và chức năng, nhiệm vụ tố tụng của CQĐT.
CQĐT tiến hành điều tra tất cả các tội phạm, áp dụng mọi biện pháp do Bộ luật TTHS quy định để xác định tội phạm và người đã thực hiện hành vi phạm tội, lập hồ sơ, đề nghị truy tố; tìm ra nguyên nhân, điều kiện phạm tội và yêu cầu các cơ quan, tổ chức hữu quan áp dụng các biện pháp khắc phục và ngăn ngừa. TT, PTT CQĐT, ĐTV chính là các chủ thể thực hiện các hoạt động của CQĐT. Theo quy định Bộ luật TTHS, một số họat động, quyết định tố tụng của CQĐT trong giai đoạn khởi tố, điều tra phải được VKS phê chuẩn trước khi thực hiện. TT, PTT CQĐT, ĐTV vừa có trách nhiệm thu thập chứng cứ chứng minh tội phạm và người phạm tội tại giai đoạn khởi tố, điều tra vừa có trách nhiệm chấp hành hoạt động kiểm tra, giám sát của VKS, VT, PVT VKS, KSV để đảm bảo hoạt động tố tụng tại giai đoạn khởi tố, điều tra chấp hành đúng quy định pháp luật, không xâm phạm các quyền, lợi ích hợp pháp, nhất là quyền con người của người bị buộc tội, các chủ thể khác tham gia tố tụng.
Điều 34 Bộ luật TTHS quy định, TT CQĐT có nhiệm vụ trực tiếp tổ chức và chỉ đạo các hoạt động điều tra của CQĐT; quyết định phân công PTT CQĐT, ĐTV trong việc điều tra vụ án hình sự; kiểm tra các hoạt động điều tra của PTT CQĐT và ĐTV; quyết định thay đổi hoặc huỷ bỏ các quyết định không có căn cứ và trái pháp luật của PTT CQĐT và ĐTV; quyết định thay đổi ĐTV; giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền của CQĐT. Khi TT CQĐT vắng mặt, một PTT được TT uỷ nhiệm thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của TT. PTT chịu trách nhiệm trước TT về việc thực hiện nhiệm vụ được giao. Khi thực hiện nhiệm vụ, thẩm quyền tổ chức điều tra vụ án hình sự, TT CQĐT ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can; quyết định không khởi tố vụ án; quyết định nhập hoặc tách vụ án; quyết định áp dụng, thay đổi hoặc
hủy bỏ các biện pháp ngăn chặn; quyết định truy nã, khám xét, thu giữ, tạm giữ, kê biên tài sản, xử lý vật chứng; quyết định trưng cầu giám định, quyết định khai quật tử thi; kết luận điều tra vụ án; quyết định tạm đình chỉ điều tra, đình chỉ điều tra, quyết định phục hồi điều tra; trực tiếp tiến hành các biện pháp điều tra; cấp, thu hồi giấy chứng nhận người bào chữa; ra các quyết định và tiến hành các hoạt động tố tụng khác thuộc thẩm quyền của CQĐT. Khi được phân công điều tra vụ án hình sự, PTT CQĐT có những nhiệm vụ và quyền hạn của TT CQĐT. TT, PTT CQĐT phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những hành vi và quyết định tố tụng của mình.
Điều 35 Bộ luật TTHS quy định: ĐTV được phân công điều tra vụ án hình sự có nhiệm vụ lập hồ sơ vụ án hình sự; triệu tập và hỏi cung bị can; triệu tập và lấy lời khai của người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án; quyết định áp giải bị can, quyết định dẫn giải người làm chứng; thi hành lệnh bắt, tạm giữ, tạm giam, khám xét, thu giữ, tạm giữ, kê biên tài sản; tiến hành khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, đối chất, nhận dạng, thực nghiệm điều tra; tiến hành các hoạt động điều tra khác thuộc thẩm quyền, theo sự phân công của TT CQĐT, PTT CQĐT được uỷ nhiệm... ĐTV phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước TT CQĐT về những hành vi và quyết định của mình.
Khi nghiên cứu bảo vệ quyền con người trong giai đoạn khởi tố, điều tra, không thể không xem xét vai trò, trách nhiệm của VKS và những NTHTT trong cơ quan này. Xuất phát từ chức năng kiểm sát hoạt động khởi tố, điều tra, VT, PVT VKS, KSV có những nhiệm vụ, quyền hạn nhất định liên quan trực tiếp quyền con người trong TTHS. Theo Điều 36 Bộ luật TTHS, VT VKS có nhiệm vụ tổ chức và chỉ đạo các hoạt động kiểm sát việc tuân theo pháp luật đối với tất cả các hoạt động TTHS; quyết định phân công PVT, KSV kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động tố tụng đối với vụ án
hình sự; kiểm tra các hoạt động kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động TTHS của PVT VKS và KSV; quyết định thay đổi hoặc huỷ bỏ các quyết định không có căn cứ và trái pháp luật của PVT và KSV; quyết định rút, đình chỉ hoặc huỷ bỏ các quyết định không có căn cứ và trái pháp luật của VKS cấp dưới; quyết định thay đổi KSV; giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền của VKS. Khi thực hành quyền kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động tố tụng đối với vụ án hình sự, VT VKS có nhiệm vụ quyết định khởi tố vụ án, quyết định không khởi tố vụ án, quyết định khởi tố bị can; yêu cầu CQĐT khởi tố hoặc thay đổi quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can theo quy định của Bộ luật TTHS; yêu cầu TT CQĐT thay đổi ĐTV; quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ các biện pháp ngăn chặn; quyết định gia hạn điều tra, quyết định gia hạn tạm giam; yêu cầu CQĐT truy nã bị can; quyết định phê chuẩn, quyết định không phê chuẩn các quyết định của CQĐT; quyết định hủy bỏ các quyết định không có căn cứ và trái pháp luật của CQĐT; quyết định chuyển vụ án; quyết định tạm đình chỉ hoặc đình chỉ vụ án, quyết định phục hồi điều tra, quyết định xử lý vật chứng.
KSV là người trực tiếp thực hiện nhiệm vụ kiểm sát việc khởi tố, điều tra của CQĐT. Theo Điều 37 Bộ luật TTHS, KSV được phân công kiểm sát điều tra có nhiệm vụ kiểm sát việc khởi tố, kiểm sát các hoạt động điều tra và việc lập hồ sơ vụ án của CQĐT; đề ra yêu cầu điều tra; triệu tập và hỏi cung bị can; triệu tập và lấy lời khai của người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án; kiểm sát việc bắt, tạm giữ, tạm giam.
Điều 34, Điều 36 Bộ luật TTHS năm 2003 quy định khi tiến hành tố tụng, TT, PTT CQĐT và VT, PVT VKS ra các quyết định tố tụng, còn ĐTV, KSV trực tiếp thi hành các quyết định tố tụng đó. Như vậy về nguyên tắc, lãnh đạo CQĐT, VKS có quyền hạn tuyệt đối. ĐTV, KSV là người trực tiếp
thực hiện các hoạt động tố tụng nhưng lại bị động, bị phụ thuộc vào tính đúng đắn, kịp thời của các quyết định do cấp trên ban hành. Cơ chế tố tụng này, một mặt không tạo ra cơ sở rõ ràng về trách nhiệm của lãnh đạo CQĐT, VKS theo nguyên tắc quyền hạn đi đôi với trách nhiệm, không đảm bảo yêu cầu tích cực, khẩn trương của hoạt động tố tụng; một mặt không phát huy hết thẩm quyền, trách nhiệm, năng lực của ĐTV, KSV - những người trực tiếp tiến hành tố tụng - trong việc thực hiện các yêu cầu tố tụng của vụ án. Qua đó tác động tiêu cực đến hiệu quả, chất lượng hoạt động tố tụng. Nếu không có cơ chế kiểm tra, đôn đốc hiệu quả, những tác động tiêu cực của cơ chế tố tụng này sẽ tạo ra tình trạng quan liêu ở cấp trên, tùy tiện ở cấp dưới. Một trong những hệ quả của nó là quyền con người trong giai đoạn khởi tố, điều tra bị xâm hại, không được bảo vệ.
1.4.2. Quy định của Bộ luật TTHS về việc áp dụng biện pháp ngăn chặn liên quan đến quyền con người
Trong hệ thống các biện pháp cưỡng chế TTHS, các biện pháp ngăn chặn có một vị trí đặc biệt quan trọng. Việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn có ảnh hưởng mạnh mẽ đối với hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung, giải quyết các nhiệm vụ của TTHS nói riêng, đồng thời gắn liền với việc hạn chế, tước đoạt tạm thời các quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, nhất là các quyền tự do cá nhân đã được ghi nhận và đảm bảo trong Hiến pháp [59, tr.12].
Biện pháp ngăn chặn là chế định pháp lý quan trọng, được quy định tại Chương VI Bộ luật TTHS, bao gồm các biện pháp: bắt; tạm giữ; tạm giam; cấm đi khỏi nơi cư trú; bảo lĩnh; đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm. Nhằm tránh việc các CQTHTT và NTHTT lạm dụng, tuỳ tiện áp dụng những biện pháp này, xâm hại đến quyền con người, Bộ luật TTHS quy định chặt chẽ mục đích, căn cứ, thẩm quyền, thủ tục áp dụng các biện pháp ngăn chặn.
Bắt người được áp dụng với bị can, bị cáo, người bị truy nã và trong trường hợp khẩn cấp hoặc phạm tội quả tang. Tức là bắt người có thể được áp dụng với người đã bị khởi tố và cả người chưa bị khởi tố bị can, nhằm kịp thời ngăn chặn hành vi phạm tội của họ, ngăn ngừa họ trốn tránh pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho việc điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án. Quyết định bắt người có tác động trực tiếp đến quyền tự do thân thể của công dân, một trong các quyền nhân thân quan trọng nhất của con người được quy định trong Hiến pháp. Việc bắt người đúng pháp luật sẽ góp phần nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm, ngăn chặn kịp thời những hành vi phạm tội cũng như hành vi trốn tránh pháp luật, gây khó khăn cho việc giải quyết vụ án của người phạm tội, bảo đảm cho việc điều tra, truy tố được thuận lợi. Ngược lại việc bắt người không đúng pháp luật sẽ gây tác hại nhiều mặt như xâm phạm quyền tự do thân thể của công dân, làm giảm uy tín của Nhà nước và cơ quan bảo vệ pháp luật, gây hoang mang trong dư luận.
Pháp luật TTHS nước ta cho phép CQĐT có quyền thực hiện việc bắt khẩn cấp mà không cần có sự phê chuẩn trước của VKS cùng cấp trước khi thi hành lệnh bắt, tuy nhiên cũng đòi hỏi VKS phải kiểm sát chặt chẽ căn cứ bắt khẩn cấp theo quy định của pháp luật, nhằm bảo đảm quyền tự do cá nhân của công dân không bị xâm hại, không bị hạn chế nếu không có căn cứ và không cần thiết. Sau khi thực hiện việc bắt khẩn cấp, CQĐT phải thông báo bằng văn bản cho VKS cùng cấp để kiểm sát và phê chuẩn. Nếu VKS quyết định không phê chuẩn lệnh bắt khẩn cấp của CQĐT, thì CQĐT phải trả tự do ngay cho người bị bắt. Thông qua hoạt động kiểm sát việc áp dụng biện pháp bắt người trong trường hợp khẩn cấp, VKS đảm bảo tính có căn cứ và tính hợp pháp của việc áp dụng biện pháp bắt người trong trường hợp khẩn cấp của CQĐT.