- Căn cứ áp dụng biện pháp bảo vệ; trình tự, thủ tục bảo vệ:
+ Pháp luật về bảo vệ người tố cáo chưa quy định rõ về căn cứ áp dụng biện pháp bảo vệ vị trí công tác, việc làm, biện pháp bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, tài sản, danh dự, nhân phẩm nên ít nhiều làm ảnh hưởng đến việc thực hiện quyền được bảo vệ của người tố cáo, đồng thời cũng dẫn đến những khó khăn trong việc quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ của các các cơ quan chức năng có thẩm quyền.
+ Trong thủ tục áp dụng biện pháp bảo vệ còn có những điểm chưa rõ như: Tại Khoản 1, Điều 51 Luật Tố cáo năm 2018 quy định người giải quyết tố cáo quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ theo thẩm quyền hoặc đề nghị, yêu cầu cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ cần thiết khi nhận được đề nghị áp dụng biện pháp bảo vệ và xét thấy đề nghị bảo vệ là có căn cứ, có tính xác thực hoặc trong quá trình giải quyết tố cáo, người giải quyết tố cáo thấy có căn cứ quy định tại Khoản 3 Điều 47 của Luật này, tuy nhiên Luật chưa quy định rõ cần phải tiến hành những thủ tục, công việc gì để xem xét, kết luận được tính có căn cứ, tính xác thực về việc vị trí công tác, việc làm, tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của của người tố cáo, vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người tố cáo đang bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị xâm hại ngay tức khắc hay họ bị trù dập, phân biệt đối xử do việc tố cáo. Có cần phải tiến hành xác minh để làm rõ, kết luận về tính có căn cứ này không? Ngoài trường hợp đề nghị của người tố cáo không có căn cứ, Khoản 3, Điều 51 của Luật Tố cáo năm 2018 còn quy định trường hợp thấy không cần thiết áp dụng biện pháp bảo vệ thì cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho người tố cáo hoặc gửi thông báo cho người giải quyết tố cáo để giải thích rõ lý do cho người tố cáo, vậy trường hợp xét thấy không cần thiết áp dụng biện pháp bảo vệ ở đây là gì, nếu không giải thích rõ rất dễ dẫn đến sự áp dụng theo diễn giải chủ quan của các cơ quan chức năng… Những quy định chưa rõ đó, một mặt khác cũng đặt người tố cáo vào thế khó bởi vì việc chứng minh tính có căn cứ, tính xác thực nói trên không phải là
đơn giản, khi mà trên thực tế, hành vi xâm phạm hoặc đe dọa xâm phạm ngay tức khắc đến vị trí công tác, việc làm, tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người tố cáo và người thân thích của người tố cáo được biểu hiện dưới nhiều hình thức tinh vi và hết sức đa dạng. Và như vậy, trong chừng mực nào đó, sẽ hạn chế cơ hội của người tố cáo trong việc tiếp cận các biện pháp bảo vệ từ các cơ quan chức năng của Nhà nước.
+ Luật Tố cáo năm 2018 quy định cơ quan chủ trì và cơ quan, tổ chức phối hợp trong thực hiện từng biện pháp bảo vệ người tố cáo. Tại Khoản 3, Điều 47, Luật Tố cáo cũng quy định khi có căn cứ về việc vị trí công tác, việc làm, tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của của người tố cáo, vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người tố cáo đang bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị xâm hại ngay tức khắc hay họ bị trù dập, phân biệt đối xử do việc tố cáo, người giải quyết tố cáo, cơ quan khác có thẩm quyền tự quyết định hoặc theo đề nghị của người tố cáo quyết định việc áp dụng biện pháp bảo vệ cần thiết. Tuy nhiên, theo quy định của Luật Tố cáo về trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp bảo vệ thì trong nhiều trường hợp việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ vị trí công tác, vị trí việc làm, bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm bảo vệ của người được bảo vệ (không thuộc thẩm quyền của người giải quyết tố cáo) chỉ được thực hiện khi có đề nghị hoặc yêu cầu của người giải quyết tố cáo. Hay nói cách khác việc bảo vệ chỉ được kích hoạt từ người giải quyết tố cáo. Sau khi nhận được yêu cầu hoặc đề nghị của người giải quyết tố cáo thì cơ quan có thẩm quyền sẽ xem xét, quyết định việc áp dụng biện pháp bảo vệ. Trường hợp đề nghị của người tố cáo không có căn cứ hoặc xét thấy không cần thiết áp dụng biện pháp bảo vệ, cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho người tố cáo hoặc gửi thông báo cho người giải quyết tố cáo để giải thích rõ lý do cho người tố cáo (theo Điều 51). Quy định thủ tục này đề cao trách nhiệm của người giải quyết tố cáo nhưng cũng cho thấy điểm không thống nhất với quy định về thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ trong chính Luật Tố cáo.
Nó đồng thời cũng tạo ra sự rườm rà, nhiều tầng nấc trong thủ tục hành chính khi đặt ra hai quy trình xem xét, đánh giá tính có căn cứ, tính xác thực đối với đề nghị áp dụng biện pháp bảo vệ của người tố cáo: một từ người giải quyết tố cáo và một quy trình tiếp theo của cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ.
- Về các hình thức chế tài xử lý hành vi vi phạm:
+ Chế tài xử lý kỷ luật: Pháp luật về bảo vệ người tố cáo hiện hành mới chỉ quy định các hình thức xử lý kỷ luật áp dụng đối với người có thẩm quyền giải quyết tố cáo mà chưa có quy định cụ thể vấn đề này đối với những chủ thể khác có thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ khi không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm bảo vệ người tố cáo, không áp dụng biện pháp bảo vệ người tố cáo hay có hành vi khác vi phạm pháp luật về bảo vệ người tố cáo. Hiện cũng chưa có hướng dẫn cụ thể về quy trình xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức vi phạm quy định về bảo vệ người tố cáo nên việc thực hiện trong thực tế còn hạn chế, chưa thực sự bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật.
+ Chế tài xử lý trách nhiệm vật chất: Vấn đề bồi thường theo quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong trường hợp người tố cáo đã đề nghị người giải quyết tố cáo, cơ quan khác có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ mà không áp dụng biện pháp bảo vệ hoặc áp dụng không kịp thời, không đúng quy định của pháp luật, gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản, tinh thần cho người được bảo vệ chưa có những quy định hướng dẫn chi tiết hơn về trình tự, thủ tục yêu cầu và trình tự, thủ tục giải quyết.
+ Chế tài xử lý vi phạm hành chính: Chưa có Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiếp công dân, KN, TC nói chung, chưa có các quy định cụ thể về xử lý các hành vi vi phạm hành chính xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của người tố cáo nói riêng.
Có thể bạn quan tâm!
- Thực Trạng Pháp Luật Về Bảo Vệ Người Tố Cáo Ở Việt Nam
- Thẩm Quyền, Trách Nhiệm Trong Việc Áp Dụng Biện Pháp Bảo Vệ
- Đánh Giá Về Thực Trạng Pháp Luật Bảo Vệ Người Tố Cáo Ở Việt Nam
- Tình Trạng Người Tố Cáo Bị Đe Dọa, Trả Thù, Trù Dập Trong Thời Gian Qua
- Thực Trạng Công Tác Bảo Vệ Người Tố Cáo
- Quan Điểm Định Hướng Đối Với Việc Nâng Cao Hiệu Quả Bảo Vệ Người Tố Cáo Theo Pháp Luật Hành Chính Ở Việt Nam
Xem toàn bộ 189 trang tài liệu này.
+ Chưa có chế tài đủ mạnh để xử lý có hiệu quả những hành vi trả thù, trù dập người tố cáo, hành vi vi phạm quy định về bảo vệ người tố cáo. Về chế tài hình sự, Bộ luật Hình sự hiện hành mới chỉ quy định chung về tội xâm phạm quyền KN,
TC, những hành vi xâm phạm nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tố cáo chỉ là những tình tiết định khung hình phạt trong tội danh này, mà chưa quy định thành tội danh riêng đối với nhóm hành vi này.
Tóm lại, pháp luật về bảo vệ người tố cáo hiện hành còn có những điểm hạn chế về tính kịp thời, phù hợp, đồng bộ, vẫn còn những “khoảng trống” chưa được điều chỉnh, chưa kịp thời thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng về công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; việc xây dựng, hoàn thiện vẫn chưa đặt trong tổng thể đổi mới cơ chế giải quyết tố cáo, hoàn thiện hệ thống pháp luật.
* Nguyên nhân
Những hạn chế, bất cập nêu trên của pháp luật hiện hành về bảo vệ người tố cáo ở Việt Nam xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau trên các mặt tư duy, chính sách, công tác nghiên cứu lý luận về pháp luật; quy trình xây dựng pháp luật; năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ làm công tác pháp chế, xây dựng pháp luật; việc tổ chức thi hành pháp luật; ý thức pháp luật, văn hóa pháp lý của đội ngũ cán bộ, công chức và nhân dân... Tuy nhiên, trong phạm vi Luận án chỉ lý giải từ những nguyên nhân chính sau đây:
- Chưa có tư duy toàn diện và tầm nhìn dài hạn về xây dựng pháp luật về bảo vệ người tố cáo với các biểu hiện cụ thể như:
+ Chưa quan niệm rõ bảo vệ người tố cáo là một quyền của người tố cáo, đây cũng là quyền con người của người tố cáo và việc bảo vệ người tố cáo cần đặt trong tổng thể bảo vệ quyền con người, quyền công dân, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN - Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân.
+ Trong tư duy xây dựng pháp luật vẫn giữ nếp suy nghĩ coi bảo vệ người tố cáo là một nội dung của pháp luật về tố cáo, gắn với pháp luật về tố cáo mà chưa nhìn nhận đây là vấn đề xuyên suốt trong xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật.
+ Chưa chú trọng nghiên cứu làm rõ bản chất của tố cáo; mối quan hệ giữa tố cáo với những hình thức có nhiều nét tương đồng khác như: phản ánh,
kiến nghị, cung cấp thông tin về hành vi có dấu hiệu tham nhũng, vi phạm pháp luật, tố giác, tin báo về tội phạm; mối quan hệ giữa bảo vệ người tố cáo với bảo vệ người phản ánh, kiến nghị, cung cấp thông tin về những hành vi có dấu hiệu tham nhũng, lãng phí, tiêu cực của cán bộ, công chức, bảo vệ người tố giác, người báo tin về tội phạm.
- Chính sách điều chỉnh pháp luật đối với việc bảo vệ người tố cáo còn lúng túng, chưa định hình rõ, còn thiếu tính chiến lược.
- Quá trình xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật về bảo vệ người tố cáo chưa quan tâm đúng mức đến việc sơ kết, tổng kết, đánh giá thực trạng pháp luật và thực hiện pháp luật về bảo vệ người tố cáo và nghiên cứu, tham khảo hợp lý những kinh nghiệm phù hợp của các nước trên thế giới, của quốc tế về bảo vệ người tố cáo.
3.3. Thực trạng thực hiện bảo vệ người tố cáo theo pháp luật hành chính ở Việt Nam
3.3.1. Tình hình tố cáo và công tác tiếp nhận, xử lý, giải quyết tố cáo từ năm 2015-2020
3.3.1.1. Về tình hình tố cáo và công tác tiếp nhận, xử lý, giải quyết tố cáo
Theo Báo cáo, công tác tiếp nhận, xử lý đơn tố cáo và giải quyết tố cáo của các cơ quan hành chính nhà nước trên toàn quốc trong 05 năm gần đây (2015-2020) đạt được kết quả như sau:
- Năm 2015: Các cơ quan hành chính nhà nước đã tiếp nhận 247.055 đơn các loại, trong đó có 13.127 đơn tố cáo, với 7.542 vụ việc tố cáo thuộc thẩm quyền. Các cơ quan hành chính nhà nước đã giải quyết 5.638/7.542 vụ việc tố cáo thuộc thẩm quyền, đạt tỷ lệ 74,8%. Trong đó, các bộ, ngành Trung ương đã giải quyết 2.098/3.289 vụ việc, đạt tỷ lệ 63,8%; các địa phương đã giải quyết 3.539/4.252 vụ việc, đạt tỷ lệ 83,2% [32].
- Năm 2016: Các cơ quan hành chính nhà nước đã tiếp nhận 228.068 đơn các loại, trong đó, có 17.233 đơn tố cáo, với 7.716 vụ việc tố cáo, so với cùng kỳ năm 2015, tăng 31,3% số đơn tố cáo và tăng 2,3% số vụ việc tố cáo. Các cơ
quan hành chính nhà nước đã giải quyết 6.267/7.716 vụ việc tố cáo thuộc thẩm quyền, đạt tỷ lệ 81,2%. Trong đó, các bộ, ngành Trung ương đã giải quyết 2.653/3.085 vụ việc, đạt tỷ lệ 86,0%; các địa phương đã giải quyết 3.613/4.630 vụ việc, đạt tỷ lệ 78,0% [33].
- Năm 2017: Các cơ quan hành chính nhà nước tiếp nhận nhận 263.722 đơn các loại, trong đó có 15.555 đơn tố cáo. Có 154.095 đơn đủ điều kiện xử lý với 24.540 vụ việc khiếu nại, 6.602 vụ việc tố cáo thuộc thẩm quyền của cơ quan hành chính nhà nước. So với năm 2016, số đơn tố cáo giảm 9,74%, vụ việc tố cáo thuộc thẩm quyền giảm 14,4%. Các cơ quan hành chính nhà nước đã giải quyết 5.402/6.602 vụ việc tố cáo, đạt 81,8%. Trong đó, các bộ, ngành Trung ương đã giải quyết 2.250/2.710 vụ việc, đạt tỷ lệ trên 83%; các địa phương đã giải quyết 3.152/3.892 vụ việc, đạt tỷ lệ 81% [34].
- Năm 2018: Các cơ quan hành chính nhà nước tiếp nhận 322.042 đơn các loại. Có 193.505 đơn đủ điều kiện xử lý (chiếm 60% tổng số đơn tiếp nhận), trong đó có 25.021 đơn tố cáo, với 7.875 vụ việc tố cáo thuộc thẩm quyền của cơ quan hành chính nhà nước. So với năm 2017, số đơn tố cáo tăng 41,1%, số vụ việc tố cáo thuộc thẩm quyền tăng 16,3%. Các cơ quan hành chính nhà nước đã giải quyết 6.689 vụ việc tố cáo, đạt 84,9%. Trong đó, các bộ, ngành Trung ương đã giải quyết 3.263 vụ việc, đạt tỷ lệ 90,6%; các địa phương đã giải quyết 3.422 vụ việc, đạt tỷ lệ 80,1% [35].
- Năm 2019: Các cơ quan hành chính nhà nước tiếp nhận 301.007 đơn các loại. Có 197.736 đơn đủ điều kiện xử lý (chiếm 65,7% tổng số đơn tiếp nhận), trong đó có 22.171 đơn tố cáo, với 8.182 vụ việc tố cáo thuộc thẩm quyền của cơ quan hành chính nhà nước. So với năm 2018, số đơn tố cáo giảm 11,4%, số vụ việc tố cáo thuộc thẩm quyền tăng 3,9%. Các cơ quan hành chính nhà nước đã giải quyết 7.226 vụ việc tố cáo, đạt 88,3%. Trong đó, các bộ, ngành Trung ương đã giải quyết 3.716 vụ việc, đạt tỷ lệ 96%; các địa phương đã giải quyết 3.510 vụ việc, đạt tỷ lệ 81,4% [36].
- Năm 2020: Các cơ quan hành chính nhà nước tiếp nhận 305.769 đơn các loại. Có 189.202 đơn đủ điều kiện xử lý (chiếm 62% tổng số đơn tiếp nhận), trong đó có 26.783 đơn tố cáo, với 8.120 vụ việc tố cáo thuộc thẩm quyền của cơ quan hành chính nhà nước. So với năm 2019, số đơn tố cáo tăng 20,8%, số vụ việc tố cáo thuộc thẩm quyền giảm 0,8%.Cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã giải quyết 7.104 vụ việc tố cáo thuộc thẩm quyền, đạt 87,5%. Trong đó, các bộ, ngành Trung ương đã giải quyết 3.249 vụ việc, đạt tỷ lệ 90,7%; các địa phương đã giải quyết 3.854 vụ việc, đạt tỷ lệ 85,3% [38].
Từ tình hình tố cáo và kết quả công tác tiếp nhận, xử lý đơn tố cáo, giải quyết tố cáo trong những năm gần đây, có thể rút ra một số nhận xét, đánh giá sau:
- Trong tổng số đơn tố cáo phát sinh trên cả nước mỗi năm, số lượng đơn tố cáo trong lĩnh vực hành chính thường chiếm tỉ lệ chủ yếu, khoảng trên 60%; đơn tố cáo trong những lĩnh vực khác chỉ chiếm tỉ lệ nhỏ, như: tố cáo trong lĩnh vực tư pháp chiếm tỉ lệ khoảng 4% - 12%, tố cáo hành vi tham nhũng chiếm tỉ lệ khoảng trên dưới 5%, tố cáo tổ chức đảng, đảng viên khoảng trên 1%... Tình hình đó cho thấy, sự quan tâm nghiêm túc đến việc xử lý đơn tố cáo hành chính, giải quyết tố cáo hành chính cũng như bảo vệ người tố cáo theo pháp luật hành chính là yêu cầu rất cần thiết và khách quan.
- Mặc dù thường ít hơn so với đơn, vụ việc khiếu nại và kiến nghị, phản ánh song đơn, vụ việc tố cáo phát sinh hàng năm cũng có số lượng đáng kể với trên dưới 7.000 vụ việc tố cáo thuộc thẩm quyền của các cơ quan hành chính nhà nước mỗi năm. Phân tích kết quả giải quyết vụ việc tố cáo cũng cho thấy tỉ lệ tố cáo đúng là khoảng 9% - 13%; tố cáo có đúng, có sai là khoảng 15 - 25%. Qua giải quyết tố cáo hàng năm, các cơ quan hành chính nhà nước đã kiến nghị thu hồi cho nhà nước, trả lại cho tập thể, cá nhân nhiều tỷ đồng, nhiều ha đất; bảo vệ quyền lợi cho hàng trăm cá nhân; kiến nghị xử lý hành chính hàng trăm người, chuyển nhiều vụ việc đến cơ quan điều tra xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự, góp phần quan trọng vào công tác phòng, chống tham
nhũng, lãng phí, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, tạo sự ổn định chính trị - xã hội và thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội. Thực tế đó, đặt ra yêu cầu phải nâng cao hơn nữa hiệu quả giải quyết tố cáo và bảo vệ người tố cáo theo pháp luật hành chính nhằm tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích người dân mạnh dạn, tích cực tham gia phát hiện, tố cáo, đấu tranh chống tham nhũng, vi phạm pháp luật, phát huy vai trò của xã hội và nhân dân trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
- Nội dung tố cáo chủ yếu là tố cáo cán bộ, công chức có hành vi phạm pháp luật trong quản lý, sử dụng đất đai, quản lý trật tự xây dựng, đô thị, đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý tài chính, ngân sách, thực hiện chính sách xã hội, sai phạm trong công tác cán bộ… Những hành vi bị tố cáo trong lĩnh vực đất đai phổ biến là bán đất không đúng thẩm quyền, sử dụng, cho thuê quỹ đất công ích không đúng mục đích, cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất trái quy định, không đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; cấp Giấy CNQSDĐ không đúng quy định, cấp chồng lấn lên diện tích sử dụng đất của người khác, xác nhận vào hồ sơ xin cấp Giấy CNQSDĐ không đúng thực tế, thiếu khách quan, lập hồ sơ thiếu công khai, minh bạch; ban hành quyết định thu hồi đất, quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thiếu căn cứ thực tế, không đúng quy định pháp luật, trình tự, thủ tục thực hiện có sai sót, thiếu công khai, minh bạch, vi phạm trong tổ chức thực hiện cưỡng chế thu hồi đất, giải phóng mặt bằng… Trong các lĩnh vực khác, thường là tố cáo cán bộ, công chức buông lỏng quản lý, bao che, bảo kê để cá nhân, tổ chức xây dựng nhà ở, công trình không đúng thiết kế, vi phạm quy hoạch, không đúng giấy phép xây dựng, xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp; tố cáo về việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án không đúng quy định, tổ chức thực hiện đấu thầu thiếu công khai, minh bạch, chỉ định thầu không đúng quy định, bao che, bảo kê doanh nghiệp, không xử lý sai phạm của doanh nghiệp trong triển khai thực hiện dự án, không thu hồi dự án chậm triển khai thực hiện theo đúng kết luận thanh tra, kiểm tra; sử dụng nhà đất, tài sản công không đúng mục đích, cho thuê không đúng quy định, vi phạm