Thực Trạng Pháp Luật Về Bảo Vệ Người Tố Cáo Ở Việt Nam

Sau đó là Hiến pháp năm 1992 - Hiến pháp của thời kỳ đổi mới, quyền tố cáo của công dân và việc bảo vệ người tố cáo tiếp tục được hoàn thiện và có bước phát triển mới. Điều 74, Hiến pháp năm 1992 quy định: “…Nghiêm cấm việc trả thù người khiếu nại, tố cáo hoặc lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để vu khống, vu cáo làm hại người khác[93].

Hiến pháp sửa đổi năm 2013, bản Hiến pháp của thời kỳ đẩy mạnh hội nhập quốc tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tại Điều 30 đã có quy định mới về quyền tố cáo theo hướng là quyền con người:

“1. Mọi người có quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Người bị thiệt hại có quyền được bồi thường về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự theo quy định của pháp luật.

3. Nghiêm cấm việc trả thù người khiếu nại, tố cáo hoặc lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để vu khống, vu cáo làm hại người khác” [108].

Tư tưởng mới của Hiến pháp tiếp cận quyền tố cáo dưới góc độ quyền con người cũng đặt cơ sở chính trị - pháp lý cho việc tiếp tục hoàn thiện pháp luật về bảo vệ người tố cáo theo tinh thần quyền con người ghi nhận trong Hiến pháp.

Các luật về tố cáo đã xác lập những cơ sở, nguyên tắc pháp lý cơ bản để bảo vệ người tố cáo

Ngày 27/11/1981, Hội đồng Nhà nước (HĐNN) đã ban hành Pháp lệnh Quy định việc xét và giải quyết các KN, TC của công dân. Đây là lần đầu tiên có một văn bản quy phạm pháp luật có giá trị pháp lý cao (pháp lệnh) quy định riêng về việc xét và giải quyết các KN, TC của công dân. Trong Pháp lệnh đã có một số quy định cụ thể về bảo vệ người tố cáo, như: Nghiêm cấm mọi hành vi cản trở, trả thù người KN, TC (Điều 7); cấm tiết lộ hoặc chuyển đơn tố cáo, bản sao đơn tố cáo, bản ghi lời tố cáo của đương sự cho cơ quan, tổ chức hoặc người bị tố cáo (Điều 11); người nào có hành vi trả thù người KN, TC thì bị phạt tù từ sáu tháng đến sáu năm; nếu hành vi trả thù là tội phạm mà pháp luật quy định

hình phạt nặng hơn thì bị xử phạt theo pháp luật đó (Điều 32);… [51].

Năm 1991, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, HĐNN đã ban hành Pháp lệnh KN, TC của công dân ngày 07/5/1991 thay thế Pháp lệnh quy định việc xét và giải quyết các KN, TC của công dân ngày 27/11/1981. Việc bảo vệ người tố cáo được Pháp lệnh tiếp tục quan tâm điều chỉnh với các quy định cụ thể như: Nghiêm cấm mọi hành vi cản trở, trả thù người KN, TC, bao che người bị KN, TC; kích động, cưỡng ép KN, TC sai sự thật; lợi dụng quyền KN, TC để xuyên tạc, vu khống, gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước, của tập thể, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân (Điều 7); người tố cáo có quyền yêu cầu giữ bí mật họ tên, địa chỉ, bút tích của mình (Điều 27); cơ quan tiếp nhận đơn, giải quyết tố cáo phải bảo đảm bí mật cho người tố cáo. Nghiêm cấm việc tiết lộ người tố cáo hoặc chuyển đơn tố cáo, bản sao đơn tố cáo, bản ghi lời tố cáo cho cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân bị tố cáo (Điều 35); người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà cản trở, trả thù người KN, TC… thì tuỳ theo mức độ và tính chất vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường [52].

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 189 trang tài liệu này.

Năm 1998, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa X đã thông qua Luật KN, TC, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc thể chế hóa quyền KN, TC của công dân. Đây cũng là lần đầu tiên việc KN, TC và giải quyết KN, TC của công dân được luật hóa, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho công dân thực hiện quyền KN, TC, góp phần phát huy dân chủ, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, công dân. Luật KN, TC năm 1998 sau đó được sửa đổi, bổ sung một số điều vào các năm 2004, 2005.

Liên quan đến việc bảo vệ người tố cáo, Luật KN, TC 1998 có các quy định:

Bảo vệ người tố cáo theo pháp luật hành chính ở Việt Nam - 11

- Nghiêm cấm mọi hành vi cản trở việc thực hiện quyền KN, TC; đe dọa, trả thù, trù dập người KN, TC; tiết lộ họ, tên, địa chỉ, bút tích của người tố cáo;...(Điều 16);

- Người tố cáo có các quyền: Yêu cầu giữ bí mật họ, tên, địa chỉ, bút tích của mình; yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền bảo vệ khi bị đe dọa, trù dập,

trả thù… (Điều 57);

- Cơ quan, tổ chức, cá nhân tiếp nhận tố cáo, giải quyết tố cáo phải giữ bí mật cho người tố cáo; không được tiết lộ họ, tên, địa chỉ, bút tích của người tố cáo và các thông tin khác có hại cho người tố cáo(Điều 72);

- Người tiếp công dân có trách nhiệm giữ bí mật họ, tên, địa chỉ, bút tích của người tố cáo khi người tố cáo yêu cầu (Điều 77);

- Nghiêm cấm việc cản trở, gây phiền hà, sách nhiễu đối với công dân đến KN, TC, kiến nghị, phản ánh... (Điều 79);

- Người giải quyết KN, TC nếu có hành vi như: đe dọa, trù dập, trả thù người KN, TC; bao che cho người bị KN, TC;...thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật (Điều 97).

- Người nào có các hành vi, như: Đe dọa, trả thù, xúc phạm người KN, TC, người có trách nhiệm giải quyết KN, TC;...thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật (Điều 100) [96].

Năm 2011, Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 2 đã thông qua Luật Tố cáo số 03/2011/QH13 ngày 11/11/2011, thay thế cho các quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo trong Luật KN, TC trước đây. Đây là lần đầu tiên Luật có một chương riêng (Chương 5, từ Điều 34 đến Điều 40) để quy định về bảo vệ người tố cáo. Theo quy định của Luật, việc bảo vệ người tố cáo được thực hiện tại nơi cư trú, công tác, làm việc, học tập, nơi có tài sản của người cần được bảo vệ hoặc những nơi khác do cơ quan có thẩm quyền quyết định. Đối tượng bảo vệ không chỉ là người tố cáo mà còn gồm cả người thân thích của người tố cáo như: vợ hoặc chồng, bố đẻ, mẹ đẻ, bố nuôi, mẹ nuôi, bố mẹ bên vợ hoặc bên chồng, con đẻ, con nuôi, anh ruột, chị ruột, em ruột của người tố cáo. Thời hạn bảo vệ do cơ quan có thẩm quyền quyết định tùy thuộc vào tình hình thực tế của từng vụ việc, mức độ, tính chất của hành vi xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của đối tượng cần được bảo vệ. Luật Tố cáo cũng quy định các quyền và nghĩa vụ của

người tố cáo được bảo vệ. Luật còn quy định nội dung từng biện pháp bảo vệ người tố cáo, bao gồm: bảo vệ bí mật thông tin về người tố cáo; bảo vệ người tố cáo tại nơi công tác, làm việc; bảo vệ người tố cáo tại nơi cư trú; bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, tài sản, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người tố cáo [105].

Pháp luật hành chính về bảo vệ người tố cáo ở nước ta tiếp tục có sự phát triển mới với sự kiện ngày 12/6/2018, Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 5 thông qua Luật Tố cáo số 25/2018/QH14 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/ 01/2019) nhằm thể chế hóa tinh thần quyền tố cáo là quyền con người trong Hiến pháp. Luật Tố cáo năm 2018 đã có những quy định toàn diện, rõ ràng hơn và có tính khả thi hơn về bảo vệ người tố cáo, qua đó góp phần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, biện pháp bảo vệ người tố cáo, nâng cao hiệu quả bảo vệ người tố cáo ở nước ta [118]. Trên cơ sở đó, ngày 10/4/2019, Chính phủ ban hành Nghị định số 31/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp tổ chức thi hành Luật Tố cáo, trong đó có quy định chi tiết Chương VI về bảo vệ người tố cáo [37]. Họ tên, địa chỉ, bút tích của người tố cáo và những thông tin khác có thể làm lộ danh tính của người tố cáo, người được bảo vệ theo quy định của Luật Tố cáo cũng được đưa vào Danh mục bí mật nhà nước độ mật của ngành thanh tra theo Quyết định số 774/QĐ-TTg ngày 05/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về Danh mục bí mật Nhà nước thuộc lĩnh vực thanh tra, giải quyết KN, TC và phòng, chống tham nhũng [135]. Ngày 21/07/2020, Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư số 03/2020/TT-BNV quy định chi tiết về thẩm quyền, trình tự, thủ tục, biện pháp bảo vệ vị trí công tác của người tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức [20]. Ngày 15/10/2020, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ - TB&XH ) ban hành Thông tư số 08/2020/TT- BLĐTBXH hướng dẫn về bảo vệ việc làm của người tố cáo là người làm việc theo hợp đồng lao động [19]. Ngày 29/12/2020, Bộ Công an đã ban hành Thông tư số 145/2020/TT-BCA quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục, biện pháp bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người tố cáo về hành vi tham nhũng, lãng phí [11].

Từng bước đồng bộ việc bảo vệ người tố cáo trong các luật chuyên ngành

- Trong lĩnh vực tiếp công dân, Luật Tiếp công dân số 42/2013/QH13 năm 2013 đã quy định nghiêm cấm hành vi gây phiền hà, sách nhiễu hoặc cản trở người đến KN, TC, kiến nghị, phản ánh; thiếu trách nhiệm trong việc tiếp công dân; làm mất hoặc làm sai lệch thông tin, tài liệu do người KN, TC, kiến nghị, phản ánh cung cấp; phân biệt đối xử trong khi tiếp công dân;... (Điều 6)… [109].

- Trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng, Pháp lệnh Chống tham nhũng ngày 26/2/1998 quy định các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người phát hiện, tố cáo hành vi tham nhũng khi người đó bị đe dọa, trả thù, trù dập (Điều 6). Cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nhận được tố cáo về hành vi tham nhũng phải kịp thời xử lý theo quy định của pháp luật; giữ bí mật họ tên, địa chỉ của người tố cáo (Điều 18). Người tố cáo hành vi tham nhũng có quyền yêu cầu các cơ quan, tổ chức hữu quan bảo vệ tính mạng, tự do, danh dự, nhân phẩm, tài sản và các quyền, lợi ích hợp pháp khác của mình. Các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm áp dụng các biện pháp cần thiết theo thẩm quyền để bảo vệ người tố cáo (Điều 19). Người có hành vi trả thù, trù dập người phát hiện, tố cáo hành vi tham nhũng thì bị nghiêm trị theo quy định của pháp luật (Điều 30)… [146].

Pháp lệnh Chống tham nhũng được phát triển và nâng thành Luật khi Quốc hội khoá XI, kỳ họp thứ 8 thông qua Luật Phòng, chống tham nhũng số 55/2005/QH1 ngày 29/11/2005. Luật Phòng, chống tham nhũng số 55/2005/QH11 được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 01/2007/QH12 ngày 04/8/2007 và Luật số 27/2012/QH13 ngày 23/11/2012 đã quy định các cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm tiếp nhận, xử lý kịp thời báo cáo, tố giác, tố cáo và thông tin khác về hành vi tham nhũng; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người phát hiện, báo cáo, tố giác, tố cáo hành vi tham nhũng (Điều 5). Luật Phòng, chống tham nhũng cũng nghiêm cấm hành vi đe doạ, trả thù, trù dập người phát hiện, báo cáo, tố giác, tố cáo, cung cấp thông tin về hành vi tham nhũng (Điều 10). Luật cũng quy định cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có trách

nhiệm tạo điều kiện thuận lợi để công dân tố cáo trực tiếp, gửi đơn tố cáo, tố cáo qua điện thoại, tố cáo qua mạng thông tin điện tử và các hình thức khác theo quy định của pháp luật. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền khi nhận được tố cáo hành vi tham nhũng phải xem xét và xử lý theo thẩm quyền; giữ bí mật họ, tên, địa chỉ, bút tích và các thông tin khác theo yêu cầu của người tố cáo; áp dụng kịp thời các biện pháp cần thiết để bảo vệ người tố cáo khi có biểu hiện đe doạ, trả thù, trù dập người tố cáo hoặc khi người tố cáo yêu cầu; thông báo kết quả giải quyết tố cáo cho người tố cáo khi có yêu cầu (Điều 65). Luật Phòng, chống tham nhũng tại Điều 68 cũng quy định rõ một trong những đối tượng bị xử lý kỷ luật, xử lý hình sự là người có hành vi đe doạ, trả thù, trù dập người phát hiện, báo cáo, tố giác, tố cáo, cung cấp thông tin về hành vi tham nhũng [99].

- Trên lĩnh vực quản lý về cán bộ, công chức, viên chức, pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức từ Pháp lệnh Cán bộ, công chức ngày 26/02/1998 (được sửa đổi, bổ sung các năm 2000, 2003) [147] đến Luật Cán bộ, công chức số 22/2008/QH12 ngày 13/11/2008, Luật Viên chức số 58/2010/QH12 ngày 15/11/2010 và Luật số 52/2019/QH14 ngày 25/11/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức [100] đã có những quy định ngày càng rõ ràng, cụ thể hơn về căn cứ, quy trình điều động, bổ nhiệm, luân chuyển, biệt phái, thay đổi vị trí việc làm, đánh giá, xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức. Qua đó, góp phần hạn chế tình trạng trù dập, phân biệt đối xử, gây khó khăn, phiền hà đối với người tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức.

- Trong lĩnh vực quản lý nhà nước về bồi thường, pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước cũng ngày càng phát triển, đến Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước số 10/2017/QH14 ngày 20/6/2017 tại Điều 17 đã quy định rõ một trong những trường hợp Nhà nước có trách nhiệm bồi thường thiệt hại đó là không áp dụng hoặc áp dụng không đúng quy định của Luật Tố cáo để bảo vệ người tố cáo khi người đó yêu cầu [117]. Qua đó, đã góp phần tiếp tục hoàn thiện hình thức trách nhiệm vật chất (mang tính chất bảo vệ quyền) nhằm bảo vệ người tố cáo.

Cùng với Luật hành chính, pháp luật hành chính, sự phát triển, hoàn thiện của các ngành luật khác cũng góp phần vào thực hiện ngày càng tốt hơn việc bảo vệ người tố cáo ở nước ta. Đặc biệt, trong đó, vấn đề bảo vệ người tố cáo đã là một trong những nội dung được quan tâm trong quá trình phát triển của pháp luật hình sự Việt Nam, từ Bộ luật Hình sự 1985, Bộ luật Hình sự năm 1999 [92] đến Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 ngày 27/11/2015 (được sửa đổi, bổ sung theo Luật số 12/2017/QH14 ngày 20/6/2017) [116] đã quy định rõ hơn, cụ thể hơn và theo hướng nghiêm khắc hơn đối với tội xâm phạm quyền KN, TC, góp phần tiếp tục hoàn thiện hơn biện pháp trách nhiệm hình sự, chế tài hình sự trong việc bảo vệ người tố cáo.

Có nói, bảo vệ người tố cáo là vấn đề được Nhà nước và xã hội ngày càng quan tâm hơn và cùng với đó, từ những quy định riêng rẽ, mang tính nguyên tắc trong một vài văn bản quy phạm pháp luật, pháp luật về bảo vệ người tố cáo đã có những bước tiến lớn, quan trọng cả về chiều rộng và chiều sâu để hình thành nên một chế định pháp luật ngày một hoàn chỉnh hơn, góp phần xây dựng cơ chế pháp lý về bảo vệ người tố cáo, phương thức, biện pháp bảo vệ người tố cáo theo pháp luật hành chính ở Việt Nam theo hướng đồng bộ hơn, hiệu quả hơn.

3.2. Thực trạng pháp luật về bảo vệ người tố cáo ở Việt Nam

3.2.1. Nội dung pháp luật hiện hành về bảo vệ người tố cáo

3.2.1.1. Về chủ thể được bảo vệ, quyền và nghĩa vụ của chủ thể được bảo vệ

Theo Khoản 1, Điều 47, Luật Tố cáo năm 2018, chủ thể được bảo vệ không chỉ là người tố cáo mà còn bao gồm cả vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người tố cáo. Vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người tố cáo được bảo vệ về vị trí công tác, việc làm, tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm. Như vậy, Luật Tố cáo năm 2018 quy định rõ hơn, cụ thể hơn về chủ thể được bảo vệ so với Luật Tố cáo năm 2011. Theo Luật Tố cáo năm 2011, chủ thể được bảo vệ gồm có người tố cáo và người thân thích của người tố cáo.

Về quyền và nghĩa vụ của chủ thể được bảo vệ (người được bảo vệ), so với trước đây, Luật Tố cáo năm 2018 có điểm mới là không chỉ quy định quyền

và nghĩa vụ của người tố cáo được bảo vệ mà quy định rộng hơn về quyền và nghĩa vụ của người được bảo vệ, bao gồm: người tố cáo và vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người tố cáo. Đồng thời bổ sung thêm một số quyền cho người được bảo vệ.

Theo đó, người được bảo vệ có các quyền: (a) Được biết về các biện pháp bảo vệ; (b) Được giải thích về quyền và nghĩa vụ khi được áp dụng biện pháp bảo vệ; (c) Đề nghị thay đổi, bổ sung, chấm dứt việc áp dụng biện pháp bảo vệ;

(d) Từ chối áp dụng biện pháp bảo vệ; (đ) Được bồi thường theo quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong trường hợp người tố cáo đã đề nghị người giải quyết tố cáo, cơ quan khác có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ mà không áp dụng biện pháp bảo vệ hoặc áp dụng không kịp thời, không đúng quy định của pháp luật, gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản, tinh thần cho người được bảo vệ.

Bên cạnh đó, người được bảo vệ có các nghĩa vụ: (a) Chấp hành nghiêm chỉnh yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ; (b) Giữ bí mật thông tin về việc được bảo vệ; (c) Thông báo kịp thời đến cơ quan áp dụng biện pháp bảo vệ về những vấn đề phát sinh trong thời gian được bảo vệ (Điều 48 Luật Tố cáo năm 2018).

3.2.1.2. Phạm vi bảo vệ và nội dung các biện pháp bảo vệ

* Về phạm vi bảo vệ:

Theo Khoản 1, Điều 47, Luật Tố cáo năm 2018, phạm vi bảo vệ bao gồm:

- Bảo vệ bí mật thông tin của người tố cáo, được hiểu là việc giữ bí mật họ tên, địa chỉ, bút tích, các thông tin cá nhân khác của người tố cáo cũng như thực hiện các biện pháp cần thiết khác nhằm bảo vệ danh tính của người tố cáo trong quá trình tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý đơn, giải quyết tố cáo.

- Bảo vệ vị trí công tác, việc làm cho người được bảo vệ.

- Bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người được bảo vệ.

Xem tất cả 189 trang.

Ngày đăng: 26/06/2024
Trang chủ Tài liệu miễn phí