Sơ Lược Lịch Sử Hình Thành Và Phát Triển Của Hệ Thống Bảo Hộ Nhãn Hiệu Ở Việt Nam

Thỏa ước Madrid đã được thông qua năm 1989, có hiệu lực từ ngày 1/12/1995 và hoạt động từ 1/4/1996. Nghị định thư Madrid ra đời đã khắc phục được những hạn chế của Thỏa ước Madrid, đó là: cho phép đăng ký quốc tế được dựa trên các đơn quốc gia, chứ không chỉ dựa trên đăng ký quốc gia; thời hạn 18 tháng thay cho thời hạn một năm dành cho nước thành viên được chỉ định để từ chối bảo hộ, với khả năng có được thời gian dài hơn trong trường hợp từ chối dựa trên đơn phản đối; khả năng chuyển đổi một đăng ký quốc tế không còn được bảo hộ vì nhãn hiệu cơ sở bị mất hiệu lực tại nước xuất xứ thành các đơn quốc gia hoặc khu vực tại một số hoặc tất cả các bên tham gia được chỉ định, với ngày nộp đơn, ngày ưu tiên (nếu có) của đăng ký quốc tế; khả năng dành cho Cơ quan của nước được chỉ định được quy định một khoản “lệ phí riêng” (có giới hạn); dành khả năng tham gia Nghị định thư cho các Tổ chức liên chính phủ có Cơ quan đăng ký nhãn hiệu với hiệu lực trong lãnh thổ của tổ chức đó. Tính 01/8/2007 đã có 74 nước và tổ chức là thành viên của Nghị định thư Madrid. Việt Nam hiện là thành viên của cả Thỏa ước và Nghị định thư Madrid.

Với sự ra đời của các Điều ước quốc tế nêu trên, khung pháp luật quốc tế về bảo hộ nhãn hiệu đã hình thành và ngày càng phát triển, đóng góp đáng kể trong việc bảo hộ nhãn hiệu trên phạm vi quốc tế. Tuy nhiên, có thể dễ dàng nhận thấy các Điều ước quốc tế đó mới chỉ tập trung vào việc thiết lập cơ chế xác lập quyền đối với nhãn hiệu. Quyền đã được xác lập mà không được bảo vệ một cách đúng mức thì các quyền đó không có giá trị. Hiệp định về Các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền SHTT (Hiệp định TRIPS) ra đời là một sự sửa chữa kịp thời cho khiếm khuyết đó. Đây là một Hiệp định trong khuôn khổ của Tổ chức thương mại thế giới (WTO). Mặc dù không phải là Hiệp định đầu tiên liên quan đến SHTT nhưng nó là Hiệp định quốc tế đầu tiên đề cập đến các vấn đề liên quan đến cơ chế thực thi quyền và quy định một hệ thống giải quyết tranh chấp. Hiệp định TRIPS thừa nhận tầm quan trọng của việc bảo hộ SHTT đối với hoạt động thương mại và đầu tư, và các thiệt hại đối với các quyền lợi thương mại hợp pháp khi quyền SHTT không được bảo hộ và thực thi thỏa đáng và hiệu quả. Từ

năm 1995, Hiệp định TRIPS đã mang lại những thay đổi căn bản trong lĩnh vực SHTT. Hiệp định TRIPS đã khẳng định lại và mở rộng các chuẩn mực và quy định của Công ước Paris, làm thay đổi bộ mặt của luật SHTT vì các nước thành viên WTO thay đổi luật của họ để phù hợp với Hiệp định TRIPS.

Ngoài các Điều ước quốc tế nêu trên, còn có một số điều ước quốc tế khác hỗ trợ cho quá trình xác lập quyền đối với nhãn hiệu như Thỏa ước Nice về phân loại quốc tế hàng hóa, dịch vụ dùng để đăng ký nhãn hiệu, Thỏa ước Vienna về phân loại quốc tế các yếu tố hình vẽ của nhãn hiệu.

1.2.2. Sơ lược lịch sử hình thành và phát triển của hệ thống bảo hộ nhãn hiệu ở Việt Nam

Nhãn hiệu xuất hiện và được sử dụng tại nhiều nước trên thế giới từ cách đây hàng nghìn năm, sự ra đời của hệ thống bảo hộ nhãn hiệu trên thế giới cũng đã xuất hiện cách đây hàng trăm năm. “Tại Việt Nam, vào thế kỷ XV, dưới thời vua Lê Thánh Tông cũng đã có những quy định về việc xử phạt đối với tội làm hàng giả trong Bộ luật Hồng Đức. Tuy không phải là quy định trực tiếp về nhãn hiệu hàng hóa nhưng quy định này lại có giá trị pháp lý trong việc bảo vệ các nhãn hiệu hàng hóa được công nhận đối với xã hội lúc bấy giờ.” [38] Đây được coi là một trong những quy định đầu tiên về bảo hộ nhãn hiệu ở Việt Nam.”

Trước chiến thắng mùa xuân năm 1975 nước ta tạm thời bị chia cắt thành hai miền, với hai chế độ xã hội khác nhau. Ngày 08/3/1949, ở Miền Nam, với danh nghĩa nước Việt Nam Cộng hòa, Chính phủ ngụy quyền đã tham gia ký kết hai Điều ước quốc tế quan trọng trong lĩnh vực SHTT là Công ước Paris 1883 và Thỏa ước Madrid năm 1891.

Các văn bản liên quan đến bảo hộ nhãn hiệu cũng đã được chính quyền hai miền ban hành. ở miền Bắc, ngày 03/1/1958 Thủ tướng Chính phủ đã ký nghị định số 175-TTg trong đó có đề cập đến việc đăng ký nhãn hiệu thương phẩm. ở miền Nam, theo luật 12/57 ngày 01/8/1957 và luật số 13/57 ngày 01/8/1957 một số đối tượng sở hữu công nghiệp đã được ghi nhận bảo hộ như sáng chế, nhãn hiệu…

Sau giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước 30/4/1975, vì một số lý do việc bảo hộ pháp lý các đối tượng sở hữu công nghiệp tạm thời bị gián đoạn.

Ngày 14/12/1982 Hội đồng Bộ trưởng ban hành Nghị định số 197-HĐBT về bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa kèm theo Điều lệ về nhãn hiệu hàng hóa - văn bản pháp quy đầu tiên, đặt nền móng cho hệ thống pháp luật về bảo hộ nhãn hiệu. Văn bản này tuy là văn bản đầu tiên, nhưng quy định khá đầy đủ và toàn diện các vấn đề về bảo hộ nhãn hiệu từ tiêu chuẩn bảo hộ, hình thức bảo hộ, phạm vi bảo hộ cho đến các quy định về bảo vệ và xử lý các hành vi xâm phạm quyền của chủ sở hữu. Trên cơ sở Nghị định này, ngày 29/6/1984 Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa đầu tiên được cấp chính thức đánh dấu hoạt động bảo hộ nhãn hiệu ở Việt Nam. Tính đến cuối năm 1988, Cục Sáng chế (cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa) đã tiếp nhận hơn 2.000 đơn đăng ký sáng chế, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp và đã cấp hơn 1.700 văn bằng bảo hộ, trong đó phần lớn là nhãn hiệu do người nước ngoài đăng ký.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 146 trang tài liệu này.

Kể từ năm 1986, Việt Nam bước vào thời kỳ đổi mới chuyển từ nền kinh tế kế hoạch tập trung sang nền kinh tế thị trường, các quan hệ kinh tế, chế độ sở hữu có nhiều thay đổi. Hoạt động bảo hộ SHTT nói chung và bảo hộ nhãn hiệu nói riêng thực sự trở thành một nhu cầu ngày càng lớn và cấp bách kể từ ngày chính sách đổi mới và mở cửa đi vào chiều sâu. Trước tình hình đó, nhiều quy định về bảo hộ nhãn hiệu trong Nghị định 197/HĐBT không còn phù hợp. Nhằm làm cho hoạt động sở hữu công nghiệp phù hợp với cơ chế quản lý kinh tế mới, nâng cao hiệu lực của cơ chế bảo hộ nhãn hiệu, Pháp lệnh bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đã được thông qua ngày 28/01/1989, có hiệu lực ngày 11/2/1989, thay thế cho Nghị định số 197/HĐBT. Với việc ban hành Pháp lệnh này, các thủ tục xem xét đơn, cấp văn bằng bảo hộ đã được quy định chặt chẽ, rõ ràng hơn, các biện pháp chế tài bảo hộ quyền đã được mở rộng hơn, không chỉ giới hạn trong phạm vi xử lý hành chính mà chủ sở hữu còn có quyền khởi kiện ra tòa án đối với các hành vi xâm phạm quyền.

Một sự kiện đặc biệt quan trọng trong lịch sự hoạt động SHTT ở Việt Nam, đánh dấu bước chuyển quan trọng về chất trong hệ thống pháp luật là việc ra đời Bộ luật Dân sự năm 1995 với Phần thứ VI quy định về quyền SHTT và chuyển giao công nghệ, trong đó có Chương 2 về quyền sở hữu công nghiệp (nhãn hiệu là một trong số các đối tượng sở hữu công nghiệp). Mặc dù về nội dung và bản chất, các quy định của Chương này không khác biệt so với Pháp lệnh bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp năm 1989, nhưng việc đưa nội dung này vào Bộ luật Dân sự đã nâng cao hiệu lực pháp lý của các quy định về sở hữu công nghiệp. Kể từ đó, một loạt sự kiện quan trọng khác xuất hiện đánh dấu các bước tiến của hệ thống bảo hộ sở hữu công nghiệp nói chung và bảo hộ nhãn hiệu nói riêng ở nước ta, đó là:

Bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu theo Luật Sở hữu trí tuệ 2005 - 4

- Ngày 24/10/1996 Chính phủ ban hành Nghị định 63/CP quy định chi tiết về sở hữu công nghiệp; sau đó Nghị định này được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 06/2001/NĐ-CP ngày 01/2/2001.

- Ngày 06/3/1999, Chính phủ ban hành Nghị định 12/1999/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp.

- Năm 1999, ký kết Hiệp định về SHTT và hợp tác trong lĩnh vực SHTT giữa Việt Nam với Liên bang Thụy Sỹ.

- Năm 2000, Hiệp định thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ (BTA) đã được ký kết, trong đó có một chương về quyền SHTT…

Như vậy, trong khoảng thời gian 10 năm từ 1995-2005, hàng loạt văn bản pháp luật về SHTT đã được xây dựng và ban hành nhằm bổ sung những quy định còn thiếu hoặc sửa đổi những quy định không phù hợp với sự phát triển của đất nước hoặc chưa đáp ứng với các yêu cầu của TRIPS/WTO và Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ. Tuy nhiên, trước đòi hỏi mạnh mẽ phải hoàn thiện hơn nữa hệ thống pháp luật về bảo hộ quyền SHTT, ngày 14/6/2005 Quốc hội đã thông qua Bộ luật Dân sự mới, trong đó chỉ quy định mang tính nguyên tắc các vấn đề liên quan đến quyền SHTT, mở đường cho sự ra đời một đạo luật riêng về SHTT. Ngày 29/11/2005 Quốc hội đã thông qua Luật SHTT, nâng cấp vượt bậc

hiệu lực của toàn hệ thống pháp luật SHTT, góp phần tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Theo nhận định của nhiều nhà nghiên cứu luật pháp, hệ thống pháp luật về bảo hộ nhãn hiệu của Việt Nam từ khi ra đời cho đến nay tuy mới trải qua một giai đoạn rất ngắn nếu so sánh với các hệ thống pháp luật trong các lĩnh vực khác nhưng hệ thống này đã phát triển ở mức rất cao, về cơ bản phù hợp với các chuẩn mực chung quy định trong các điều ước quốc tế, đặc biệt là quy định trong Hiệp định TRIPS.‌

1.3. Nhãn hiệu trong mối tương quan với một số đối tượng SHTT khác

1.3.1. Nhãn hiệu với tên thương mại

Hiện nay rất nhiều người tưởng rằng tên thương mại và nhãn hiệu là một, nhưng thực ra điều đó là nhầm lẫn. Tên thương mại và nhãn hiệu cùng là dấu hiệu chỉ dẫn thương mại, nhưng chức năng của chúng khác nhau. Theo Luật SHTT 2005 “Tên thương mại là tên gọi của tổ chức, cá nhân dùng trong hoạt động kinh doanh để phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên gọi đó với chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh” [36], “Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau.” [36] Chỉ qua hai định nghĩa nêu trên chúng ta đã có thể nhận ra sự khác biệt rõ ràng giữa tên thương mại và nhãn hiệu. Tên thương mại dùng để phân biệt chủ thể kinh doanh trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh, còn nhãn hiệu dùng để phân biệt hàng hóa và dịch vụ. Như vậy, trường hợp không cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh sẽ có thể có những tên thương mại trùng nhau. Sự khác biệt giữa các tên thương mại chỉ giới hạn trong phạm vi khu vực kinh doanh. Trong giao dịch, tên thương mại được sử dụng để gọi tên chủ thể kinh doanh do đó tên thương mại có thể bao gồm thành phần phân biệt (thành phần này có thể đăng ký làm nhãn hiệu), thành phần xác định hình thức doanh nghiệp và có thể là thành phần chỉ ra lĩnh vực kinh doanh của doanh nghiệp. Ví dụ: Công cổ phần dệt len Mùa Đông là một tên thương mại, trong đó “Công ty cổ phần” là phần chỉ ra loại hình doanh nghiệp, “dệt len” chỉ ra lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp và thành

phần phần biệt là “Mùa Đông”. Một doanh nghiệp chỉ có một tên thương mại. Trong khi đó, nhãn hiệu là dấu hiệu có tính phân biệt cao được sử dụng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ cùng loại của các chủ thể khác nhau. Một doanh nghiệp có thể sản xuất nhiều loại sản phẩm hoặc kinh doanh nhiều loại dịch vụ, vì vậy một doanh nghiệp có thể có nhiều nhãn hiệu. Trong rất nhiều trường hợp, doanh nghiệp lấy thành phần phân biệt trong tên thương mại làm nhãn hiệu. Nhãn hiệu khi đã được bảo hộ có hiệu lực trên phạm vi toàn quốc. Các hàng hóa, dịch vụ khi đưa ra thị trường có thể có hoặc không có nhãn hiệu, nhưng đã tiến hành hoạt động kinh doanh chủ thể kinh doanh phải có tên gọi và tên gọi này phải được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi bắt đầu kinh doanh. Từ sự khác biệt trong mục đích sử dụng của tên thương mại và nhãn hiệu mà pháp luật cũng quy định cơ chế xác lập quyền cho hai đối tượng này khác nhau. Quyền sở hữu công nghiệp đối với tên thương mại được xác lập trên cơ sở sử dụng hợp pháp tên thương mại đó, còn quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu được xác lập thông quả thủ tục đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Theo nguyên tắc chung, quyền đối với nhãn hiệu được bảo hộ trong phạm vi lãnh thổ quốc gia nơi nó được đăng ký; còn quyền đối với tên thương mại được bảo hộ không những chỉ trong phạm vi quốc gia nơi chủ thể tiến hành hoạt động kinh doanh mà còn tại tất cả các nước thành viên Công ước Paris (với điều kiện tuân thủ những quy định của pháp luật nước sở tại, nhưng không cần qua thủ tục đăng ký). [2]

Từ những phân tích trên, có thể thấy rằng trong trường hợp tên thương mại trùng với nhãn hiệu thì quyền đối với các đối tượng đó luôn bổ sung cho nhau, góp phần củng cố, mở rộng quyền năng cho người nắm giữ chúng khi chúng cùng thuộc về một chủ thể. Xung đột giữa tên thương mại và nhãn hiệu có dấu hiệu trùng nhau chỉ nảy sinh khi quyền đối với nhãn hiệu được thủ đắc bởi một chủ thể khác, không phải là chủ thể có quyền đối với tên thương mại đó. Trong những trường hợp như vậy quyền đối với tên thương mại có thể bị bác bỏ nếu quyền đối với nhãn hiệu được xác lập sớm hơn. Và ngược lại, quyền đối với nhãn hiệu cũng

sẽ không được xác lập nếu có căn cứ để cho rằng việc đăng ký nhãn hiệu là vi phạm quyền đối với tên thương mại đã được xác lập trước đó.

1.3.2. Nhãn hiệu với chỉ dẫn địa lý

Điều 22.1 Hiệp định TRIPS quy định “chỉ dẫn địa lý là những chỉ dẫn về hàng hóa bắt nguồn từ lãnh thổ của một thành viên hoặc từ một khu vực hay địa phương thuộc lãnh thổ đó, có chất lượng uy tín hoặc đặc tính chủ yếu do xuất xứ địa lý quy định”. Như vậy chỉ dẫn địa lý là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể. Chỉ dẫn địa lý có thể là xuất xứ địa lý, có thể là biểu tượng, hình ảnh, dấu hiệu đặc trưng chỉ dẫn nguồn gốc hoặc địa danh nhất định mà chất lượng hoặc đặc tính chủ yếu hàng hóa do xuất xứ địa lý quyết định.

Nếu nhãn hiệu dùng để phân biệt hàng hóa/dịch vụ của các chủ thể khác nhau thì chỉ dẫn địa lý dùng để thông tin về nguồn gốc, xuất xứ địa lý của sản phẩm đó. Cả hai đối tượng này đều là chỉ dẫn thương mại. Trên thực tế, một nhãn hiệu có thể bao gồm cả chỉ dẫn địa lý và tập hợp này được sử dụng như một loại nhãn hiệu. Liệu có sự xung đột quyền nào xảy ra trong trường hợp này không khi một chỉ dẫn địa lý được đăng ký sử dụng như một nhãn hiệu thông thường, điều này có nghĩa độc quyền sử dụng nhãn hiệu đó được trao cho chủ nhãn hiệu và các chủ thể khác đương nhiên không thể sử dụng trong khi một dấu hiệu là chỉ dẫn địa lý đáng ra phải được sử dụng cho tất cả các chủ thể có hàng hóa xuất xứ từ vùng địa lý đó. Pháp luật các nước quy định nguyên tắc giải quyết tranh chấp quyền đối với nhãn hiệu được xác lập trước và chỉ dẫn địa lý không giống nhau. Ở Hoa Kỳ, Canada, Trung Quốc bảo hộ chỉ dẫn địa lý thông qua nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể và như vậy họ áp dụng nguyên tắc ưu tiên cho nhãn hiệu đã đăng ký trước. Quy định này cũng phù hợp với bản chất của chỉ dẫn địa lý là dùng để chỉ dẫn về về nguồn gốc địa lý của sản phẩm và bất cứ ai cũng có thể sử dụng chỉ dẫn đó nếu hàng hóa của họ cung cấp xuất xứ từ khu vực địa lý đó và có danh tiếng, tính chất, chất lượng đặc thù do vùng địa lý đó quy định.

Chỉ dẫn địa lý thường được bảo hộ cho các sản phẩm rượu vang, rượu mạnh, các sản phẩm nông nghiệp hay thực phẩm. ở Việt Nam có một số chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ như bưởi Đoan Hùng, vải Thanh Hà, trước đây có một số chỉ dẫn địa lý được bảo hộ dưới dạng tên gọi xuất xứ như cà phê Buôn Mê Thuột, nước mắm Phú Quốc… Do chỉ dẫn địa lý giúp người tiêu dùng xác định nguồn gốc địa lý của sản phẩm có tính chất, chất lượng đặc thù quy định bởi nguồn gốc địa lý đó nên chỉ dẫn địa lý không thể cho bất kỳ ai độc quyền. Người sử dụng chỉ dẫn địa lý chỉ có quyền sử dụng – quyền gắn chỉ dẫn đó lên hàng hóa của mình. Mọi cá nhân, doanh nghiệp sinh sống hoặc có trụ sở kinh doanh hoặc sản xuất ở khu vực địa lý đó đều có quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý với điều kiện tuân thủ các tiêu chuẩn nhất định. Nhãn hiệu thì giúp cho người tiêu dùng xác định nhà sản xuất, nhà cung cấp sản phẩm, dịch vụ. Nhãn hiệu khi được bảo hộ sẽ xác lập quyền độc quyền cho chủ sở hữu nhãn hiệu, người này có toàn quyền định đoạt cũng như ngăn cấm người khác sử dụng nhãn hiệu của mình. Xuất phát từ bản chất của chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu mà pháp luật quy định thời hạn bảo hộ cho hai đối tượng này cũng khác nhau. Chỉ dẫn địa lý sẽ được bảo hộ cho đến khi các điều kiện địa lý tạo nên danh tiếng, chất lượng, đặc tính của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý bị thay đổi làm cho mất đi các đặc trưng đó của sản phẩm. Nhãn hiệu thì được bảo hộ mỗi chu kỳ là mười năm và có thể gia hạn mãi mãi. Trường hợp chỉ dẫn địa lý đăng ký bảo hộ dưới dạng nhãn hiệu chứng nhận và nhãn hiệu tập thể thì sẽ phải tuân thủ các quy định chung dành cho nhãn hiệu.

Ở Việt Nam trước Luật SHTT 2005 có quy định việc cho phép sử dụng tên địa danh làm nhãn hiệu nếu được sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền của địa phương trong Nghị định 63/CP. Tuy nhiên quy định này đã không tính đến khả năng người tiêu dùng liên tưởng rằng nhãn hiệu chính là chỉ dẫn nơi sản xuất sản phẩm đó mà không phải là một dấu hiệu phân biệt hàng hóa, dịch vụ cùng loại, đồng thời chấp nhận bảo hộ tên địa danh đăng ký nhãn hiệu sẽ dẫn tới tình trạng mọi cá nhân, tổ chức tại địa phương có tên địa danh đáng lý đều có quyền sử dụng chỉ dẫn đó thì lại bị hạn chế bởi quyền độc quyền của người đã được bảo hộ

Xem tất cả 146 trang.

Ngày đăng: 22/11/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí